Về Chuẩn mực Kế toán Việt Nam trong việc lập Báo cáo Tài chính Hợp nhất


Để tránh khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, việc hội nhập nền kinh tế toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại mà còn phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, từng bước hình thành và phát triển các Tập đoàn kinh tế có tầm vóc quốc tế, tạo thế và lực để cạnh tranh trên toàn cầu. Việt Nam hiện nay, cũng đang tiến hành và đẩy mạnh phát triển các mô hình tập đoàn kinh tế, mà thực chất đó là mô hình tổ hợp Cty mẹ - Cty con.

Sự hình thành các Cty mẹ - con ở Việt Nam mang những nét đặc thù, được xuất hiện chủ yếu là từ sự chuyển đổi và sắp xếp lại các doanh nghiệp (DN) Nhà nước, Tổng Cty Nhà nước sang Tổng Cty hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con. Sự liên kết mẹ - con có thể diễn ra dưới rất nhiều hình thức khác nhau: Có thể, thuần tuý về mặt thương mại, là sự mở rộng thị trường; Về mặt kinh doanh, là việc bổ sung cải tiến công nghệ mới; Về mặt tài chính, là sự kết hợp gia tăng về vốn,...

Tổng quan về BCTC hợp nhất

Một Tổng Cty hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con, mong muốn có được một bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của một tổng thể hợp nhất là nhu cầu tất yếu. Hệ thống BCTC hợp nhất là kết quả của quá trình hợp nhất các BCTC, là phương tiện để cung cấp thông tin cho các nhà quản rị và các nhà đầu tư một cách hữu ích nhất. Một yêu cầu quan trọng, là hoạt động của Tập đoàn kinh tế phải được thể hiện thông qua BCTC một cách chính xác và tin cậy nhất. Do vậy, việc lập BCTC của tập đoàn kinh tế cần thiết phải chuyển đổi tổng hợp tài khoản đơn thuần sang hợp nhất, theo Chuẩn mực Kế toán (CMKT) Việt Nam và quốc tế.

Hệ thống CMKT và hệ thống Thông tư hướng dẫn kế toán nói chung, chính là chuẩn mực để kế toán tại DN thực hiện hạch toán và phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong DN. Không nằm ngoài định hướng đó, CMKT số 11 - Hợp nhất kinh doanh, CMKT số 25 - BCTC, hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào Cty con và Thông tư số 202/2014/TT - BTC, chính là kim chỉ nam để kế toán thực hiện lập BCTC hợp nhất cho một tập đoàn. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn trao đổi đánh giá những thuận lợi, khó khăn và tồn tại khi các DN áp dụng VAS 25- BCTC hợp nhất và Thông tư 161/2007/TT - BTC, hướng dẫn thực hiện chuẩn mực trong thực tế.

Theo VAS 25 “BCTC hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào Cty con”  thì tất cả các Cty mẹ đều phải lập và trình bày báo cáo hợp nhất. BCTC của một tập đoàn, bao gồm nhiều Cty chịu sự kiểm soát của một Cty mẹ - như là BCTC của một DN. Báo cáo này, được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo của Cty mẹ và các Cty con. Để BCTC hợp nhất cung cấp đầy đủ các thông tin tài chính về toàn bộ tập đoàn, thì phải tiến hành các bước sau:

-        Hợp cộng các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Cty mẹ và Cty con trong Tập đoàn: Các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, được lập bằng cách cộng từng chỉ tiêu thuộc Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Cty mẹ và các Cty con trong Tập đoàn. Trên báo cáo hợp cộng, phải thể hiện đầy đủ các chỉ tiêu trên BCTC riêng của Cty mẹ và Cty con, mặc dù có thể có những chỉ tiêu chỉ có trên BCTC riêng của Cty mẹ hoặc Cty con.

-        Loại trừ toàn bộ giá trị ghi sổ khoản đầu tư của Cty mẹ trong từng Cty con và phần vốn của Cty mẹ, trong vốn chủ sở hữu của Cty con và ghi nhận lợi thế thương mại (nếu có).

  • Nguyên tắc kế toán loại trừ khoản đầu tư của Cty mẹ vào Cty con, trong giao dịch hợp nhất kinh doanh đạt được quyền kiểm soát qua một lần mua.
  • Trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất, giá trị ghi sổ khoản đầu tư của Cty mẹ vào Cty con và phần sở hữu của Cty mẹ trong giá trị hợp lý (GTHL) của tài sản thuần của Cty con tại ngày mua, phải được loại trừ hoàn toàn theo nguyên tắc:
  • Cty mẹ phải ghi nhận tài sản, nợ phải trả của Cty con theo GTHL tại ngày mua;
  • Cty mẹ phải ghi nhận riêng rẽ, phần sở hữu của cổ đông không kiểm soát trong phần chênh lệch giữa GTHL và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của Cty con, tại ngày mua.
  • Cty mẹ ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả đối với các tài sản, nợ phải trả của Cty con có GTHL cao hơn giá trị ghi sổ; Ghi nhận tài sản thuế hoãn lại đối với các tài sản, nợ phải trả của Cty con có GTHL nhỏ hơn giá trị ghi sổ.
  • Trường hợp sau ngày mua, Cty con khấu hao, thanh lý, nhượng bán hoặc thanh toán những tài sản và nợ phải trả đã được ghi nhận theo GTHL, thì phần chênh lệch giữa GTHL và giá trị ghi sổ của các khoản mục tài sản, nợ phải trả tại ngày mua tương ứng với phần sở hữu của Cty mẹ được coi là đã thực hiện và được ghi nhận trực tiếp vào khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối”.

-        Khoản lợi thế thương mại hoặc khoản lãi phát sinh từ giao dịch mua rẻ trong quá trình mua Cty con (nếu có) được ghi nhận, đồng thời khi loại trừ khoản đầu tư của Cty mẹ vào Cty con.

Các biến động làm thay đổi vốn chủ sở hữu của Cty con phát sinh sau ngày mua, như: Biến động của các quỹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá (nếu có) không được loại trừ ra khỏi Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Trường hợp, Cty con sử dụng thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau ngày mua, để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, khi loại trừ khoản đầu tư của Cty mẹ vào Cty con, Cty mẹ ghi nhận giá trị phần vốn đầu tư của chủ sở hữu (của Cty con) tăng thêm (tương ứng với phần Cty mẹ được hưởng) vào chỉ tiêu vốn khác của chủ sở hữu.

  • Đối với các Cty mẹ được cổ phần hoá từ Cty Nhà nước, khi xác định giá trị DN, Cty mẹ phải đánh giá lại giá trị các khoản đầu tư vào Cty con. Khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ khoản đầu tư của Cty mẹ và phần sở hữu của Cty mẹ trong vốn chủ sở hữu của Cty con (nếu có) được trình bày vào chỉ tiêu “Chênh lệch đánh giá lại tài sản” của Bảng cân đối kế toán hợp nhất.
  • Trường hợp, cơ cấu vốn chủ sở hữu của Cty con tại ngày mua có sự thay đổi (do phân phối lợi nhuận sau thuế tại ngày mua, sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ tại ngày mua để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu) thì khi loại trừ giá trị ghi sổ khoản đầu tư vào Cty con, kế toán phải xác định lại phần sở hữu của Cty mẹ trong từng chỉ tiêu thuộc vốn chủ sở hữu của Cty con tại ngày mua, để thực hiện bút toán loại trừ một cách thích hợp.

Ở Việt Nam, việc ban hành VAS 25 - BCTC hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào Cty con và các Thông tư hướng dẫn, đã thể hiện những bước tiến lớn về kế toán cho mô hình tập đoàn. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy định trong Chuẩn mực và Thông tư trên còn tồn tại những thuận lợi và khó khăn sau đây:

Về thuận lợi

Một là, Việc ban hành các chuẩn mực có liên quan đến việc lập BCTC thích hợp nhất, đã đáp ứng nhu cầu lập BCTC hợp nhất cho các DN hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con. Trong nội dung của Chuẩn mực số 25, quy định một số nội dung cần thiết cho việc lập BCTC hợp nhất như: Mục đích, phạm vi áp dụng, trình tự hợp nhất, trình bày BCTC hợp nhất, phương pháp kế toán và trình bày khoản đầu tư vào Cty con trong BCTC riêng của Cty mẹ. Để tạo điều kiện nghiên cứu và lập BCTC thích hợp nhất được dễ dàng ngoài việc áp dụng Chuẩn mực số 25 để lập BCTC thích hợp nhất, kế toán BCTC hợp nhất còn phải áp dụng các chuẩn mực có liên quan như CMKT VAS 11 “Hợp nhất kinh doanh”, CMKT VAS 07 “Kế toán các khoản đầu tư vào Cty liên kết”, CMKT VAS 08 “Thông tin tài chính về những khoản góp vốn liên doanh”, CMKT VAS 17 “Thuế thu nhập DN”, và hệ thống các Thông tư hướng dẫn cụ thể các nội dung về lập BCTC hợp nhất như Thông tư 202/2014/TT-BTC và các Thông tư hướng dẫn khác, được Bộ Tài chính ban hành trước đó.

Do vậy, các Chuẩn mực và Thông tư 202 hướng dẫn liên quan đến lập BCTC hợp nhất, đã đáp ứng được phần lớn yếu cầu trước mắt cho các DN hoặc các tổng Cty đang chuyển đổi và hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con. Bên cạnh đó, các chuẩn mực này là nền tảng cho việc hoàn thiện hơn nữa các chính sách, chế độ kế toán Việt Nam phù hợp với thế giới.

Hai là, Quy trình hợp nhất BCTC theo quy định của VAS 25, nhìn chung đã tuân thủ những quy định của IAS 27 “CMKT quốc tế - BCTC hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào các Cty con” và IFRS 3 “Chuẩn mực BCTC quốc tế - Hợp nhất kinh doanh”. Quy trình hợp nhất khá rõ ràng, các phương pháp kế toán sử dụng để hợp nhất đi theo xu hướng mới của IAS (CMKT quốc tế).

Về khó khăn, tồn tại cần khắc phục

Qua việc nghiện cứu chế độ kế toán Việt Nam về quy trình hợp nhất BCTC ở trên, ta thấy còn tồn tại một số vấn đề sau:

Một là, Hệ thống Chuẩn mực và Thông tư này, chưa bao quát được những tình huống có thể xảy ra trong thực tế khiến kế toán có thể lúng túng khi gặp những tình huống đó. Trong đó, một số tình huống điển hình như: Tập đoàn bao gồm nhiều mẹ, nhiều con; Cty con mua lại cổ phiếu quỹ; Thay đổi cấu trúc tập đoàn trong kỳ báo cáo; Chi trả cổ tức bằng cổ phiếu quỹ; Lập BCTC hợp nhất cho những năm tiếp theo,...

Hai là, ở Đoạn 21, 22, VAS 25 quy định, khoản đầu tư vào một DN phải hạch toán theo CMKT “Công cụ tài chính”. Kể từ khi DN đó, không còn là Cty con nữa và cũng không trở thành một Cty liên kết như định nghĩa của CMKT số 07 “Kế toán các khoản đầu tư vào Cty liên kết”, giá trị ghi sổ của khoản đầu tư tại ngày DN không còn là một Cty con được hạch toán theo phương pháp giá gốc. Đoạn 27, VAS 25 quy định, các khoản đầu tư vào các Cty con mà bị loại khỏi quá trình hợp nhất phải trình bày trong BCTC riêng của Cty mẹ theo phương pháp giá gốc. Những quy định này, đảm bảo tính nhất quán trong việc trình bày các khoản đầu tư vào Cty con trong BCTC riêng của Cty mẹ, là theo phương pháp giá gốc, dù Cty con đó có được hợp nhất hay không.

Đến đây có thể nhận thấy rằng, việc lập BCTC hợp nhất cho một tập đoàn là một công việc cực kỳ phức tạp, liên quan tới những giá trị khổng lồ, với nhiều Cty khác nhau, cùng với vô số những giao dịch trong nội bộ tập đoàn, với những ảnh hưởng khác nhau đến những khoản lãi, lỗ đã thực hiện và chưa thực hiện của các Cty trong tập đoàn. Mặt khác, nhiều nội dung của VAS 25 bị chi phối bởi các CMKT khác mà một số chuẩn mực này, hiện nay lại chưa được ban hành như: CMKT về công cụ tài chính, hợp nhất kinh doanh... Cho nên, dù hiện nay VAS 25 đã được ban hành chính thức nhưng việc lập BCTC hợp nhất vẫn còn là một việc rất khó khăn.

Ba là, Trong thực tế, tồn tại trường hợp các Cty con đầu tư lẫn nhau, tạo nên phương thức đầu tư vòng tròn. Đây cũng là trường hợp cần được loại trừ trong BCTC hợp nhất. Tuy vậy, trong VAS 25 - “BCTC hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào Cty con” và Thông tư 161, chỉ quy định loại trừ giá trị ghi sổ của khoản đầu tư của Cty mẹ vào Cty con và phần chiếm hữu trong vốn chủ sở hữu của Cty con. Chính vì vậy, khoản đầu tư lẫn nhau này vẫn chưa được loại trừ khỏi BCTC hợp nhất.

Bốn là, Quan trọng nhất trong mối quan hệ theo mô hình Cty mẹ - Cty con là mối quan hệ về vốn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn vấn đề tranh luận về việc đầu tư ngược lại của Cty con vào Cty mẹ. Vì thực chất, trong quan hệ đầu tư vào Cty mẹ trong phạm vi không thay đổi mối quan hệ kiểm soát giữa Cty mẹ và Cty con. Khi Cty mẹ có nhu cầu huy động vốn từ bên ngoài hoặc Cty mẹ thành lập một tổ chức tài chính để huy động vốn, thì không thể ngăn cản sự đầu tư của Cty con theo chiều ngược lại. Tuy vậy, khung pháp lý về hợp nhất BCTC hiện nay, chưa đáp ứng được mô hình tập đoàn ở mức độ phức tạp như trường hợp đầu tư đa chiều đã nói ở trên. Hơn nữa, trong VAS 25 cũng như Thông tư hướng dẫn vẫn chưa nêu cụ thể vấn đề này.

Năm là, Chỉ tiêu “Lợi thế thương mại” trên BCTC hợp nhất không phản ánh đúng lợi thế kinh doanh của cả tập đoàn. Điều này xuất phát từ việc tính toán lợi thế kinh doanh trên cơ sở cộng lợi thế của từng Cty, không thực hiện việc bù trừ để tính lợi thế thương mại của cả tập đoàn. Do vậy, lợi thế thương mại luôn được xác định cao hơn giá trị thực tế.

Sáu là, Theo hệ thống kế toán cao cấp của Mỹ thì các bút toán điều chỉnh được ghi vào Sổ kế toán hợp nhất trước, sau đó mới ghi đồng thời vào Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất và Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Cách hướng dẫn như thế, vừa dễ hiểu và đảm bảo tính khoa học. Trong khi đó, Thông tư hướng dẫn lại làm không đúng quy trình như thế, mà các bút toán điều chỉnh phản ánh một cách rời rạc, tách biệt nhau để lập từng BCTC một. Với cách hướng dẫn như vậy, sẽ rất khó thực hiện đối chiếu, kiểm tra số liệu, định vị các sai sót (nếu có) để lập một BCTC hợp nhất hoàn chỉnh.

Bảy là, Hợp nhất BCTC đòi hỏi các Cty phải lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. Trong Chế độ Kế toán Việt Nam hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

Một số kiến nghị

Để hoàn thiện BCTC hợp nhất áp dụng cho các DN Việt Nam, cần thiết có sự kết hợp đồng bộ từ khâu soạn thảo chế độ kế toán đến khâu đào tạo kế toán và thực hiện công tác kế toán. Sau đây, là một số kiến nghị về các nhóm giải pháp khắc phục những hạn chế liên quan đến vấn đề này:

Đối với Bộ Tài chính          

Một là, Thống nhất các văn bản liên quan đến BCTC hợp nhất thành một văn bản pháp lý để phổ biến một cách rộng rãi, nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và ứng dụng BCTC hợp nhất. Ban hành chính thức các CMKT: Hợp nhất kinh doanh, VAS 22 - “Trình bày bổ sung BCTC của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự”, Thuế thu nhập DN, VAS 27 - “BCTC giữa niên độ”,  Công cụ tài chính, VAS 29 - “Thay đổi trong các chính sách kế toán, các ước tính kế toán và các sai sót”. Đồng thời, ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện các CMKT một cách cụ thể và kịp thời, khắc phục những thiếu sót trong CMKT và hệ thống Thông tư hiện hành.

Hai là, Trong trường hợp các Cty con đầu tư vào nhau gọi là đầu tư chéo, một Cty con đầu tư ngược lại vào Cty mẹ hay nắm giữ cổ phần ở Cty mẹ, được gọi là đầu tư vòng tròn. Tuy vậy, để có một hình ảnh trung thực về tình hình tài chính của tập đoàn trên BCTC hợp nhất về tình hình đầu tư vốn, Bộ Tài Chính nên có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cung cấp thông tin của các Cty sở hữu chéo, sở hữu đa chiều này, để tránh việc phân tích và đánh giá sai quy mô, lợi nhuận... của Cty, làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các cổ đông.

Ba là, Phối hợp với các trường Đại học có đào tạo chuyên ngành kế toán, thực hiện các đề tài có liên quan đến BCTC hợp nhất, nhằm giúp cho các quy định được ban hành có được tính khoa học và phù hợp với môi trường pháp lý ở Việt Nam. Hơn thế nữa, giải pháp này còn tạo điều kiện cho các sinh viên chuyên nghành kế toán tiếp cận sâu hơn với BCTC hợp nhất, tạo tiền đề tích cực cho sinh viên sau khi ra trường có thể vận dụng một cách khoa học CMKT Việt Nam về lập BCTC hợp nhất, tại các tập đoàn kinh tế.

Đối với bản thân các tập đoàn kinh tế

Một là, Có rất nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế do những vấn đề bất cập trong VAS 25 và hệ thống Thông tư hướng dẫn như tham vấn các chuyên gia hoặc nghiên cứu các giải pháp tương tự từ các tập đoàn khác... Tuy nhiên, một giải pháp được cho là bền vững và hiệu quả nhất, chính là hiểu bản chất vấn đề và giải quyết vấn đề theo bản chất. Có 2 vấn đề mà kế toán cần hiểu theo bản chất là:

- Bản chất của việc lập BCTC hợp nhất: “Bản chất của lập BCTC hợp nhất là lập BCTC thể hiện vị thế tổng thể của một Tập đoàn tại một thời điểm và kết quả kinh doanh của một Tập đoàn qua một thời kỳ”. Có nghĩa là, kế toán phải cân nhắc giao dịch đó ảnh hưởng thế nào tới vị thế của Tập đoàn, cũng như tới kết quả kinh doanh của Tập đoàn để có đáp án phù hợp.

- Bản chất của tình huống / giao dịch: Kế toán phải nhìn nhận về những ảnh hưởng của tình huống / giao dịch tới vị thế tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Từ đó, có những ứng xử kế toán tương ứng và phù hợp.

Hai là, Nghiên cứu và ban hành quy chế tổ chức kế toán trong đơn vị để bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện các chính sách kế toán, kỳ kế toán cũng như việc ghi nhận các thông tin chi tiết liên quan đến vấn đề cung cấp nội bộ, nhằm giúp cho việc thu nhận và xử lý các thông tin khi hợp nhất BCTC được thuận lợi, dễ dàng và có được những thông tin hợp lý.

Ba là, về việc lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất:

- Chuyển đổi Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các Cty con hoạt động ở nước ngoài sang đơn vị tiền tệ báo cáo sử dụng tại Cty mẹ (Nếu Cty có các Cty con hoạt động ở nước ngoài).

- Cộng ngang các chỉ tiêu trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Cty mẹ và các Cty con.

Thực hiện các điều chỉnh hợp nhất trên các cột 5, 6, 7 (bảng 1).

Chỉ tiêu

 

Các công ty con

Điều chỉnh hợp nhất

Tổng
cộng

Công ty mẹ (1)

Công ty con 1(2)

Công ty con 2 (3)

Công ty con 3...  (4)

Cộng (5)

Trừ (6)

Ghi chú (7)

1- Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh

 

 

 

 

 

 

 

 

2 - Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động đầu tư

 

 

 

 

 

 

 

 

3 - Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính

 

 

 

 

 

 

 

 

4 - Tiền tăng trong năm

 

 

 

 

 

 

 

 

5 - Số dư đầu kỳ

 

 

 

 

 

 

 

 

6 - Ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá hối đoái

 

 

 

 

 

 

 

 

7 - Số dư cuối kỳ

 

 

 

 

 

 

 

 

Bốn là, Nghiên cứu và xây dựng mô hình tổ chức kế toán phù hợp với tình hình tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh và đặc điểm hoạt động, để có được những thông tin thích hợp khi đánh giá các Cty con và phục vụ cho việc lập BCTC hợp nhất.

Năm là, Thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ trong DN, để đảm bảo cho các thông tin được thu nhận và trình bày trên BCTC hợp nhất có được sự tin cậy cần thiết cho các đối tượng sử dụng thông tin, đặc biệt là các Cty kiểm soát.

Sáu là, Nâng cao trình độ hiểu biết của nhà quản lý tại DN khi nhận được thông tin trình bày trên BCTC hợp nhất, để các đối tượng này sử dụng BCTC hợp nhất thành một công cụ hữu ích, cho việc kiểm soát và ra quyết định liên quan đến hướng hoạt động của toàn DN.

Tóm lại: Hợp nhất BCTC là tất yếu trong nền kinh tế hiện nay ở Việt Nam, với xu hướng phát triển các tập đoàn kinh doanh. Hợp nhất BCTC thực hiện không đầy đủ và không tuân thủ quy trình hợp nhất của CMKT, dẫn đến thông tin không trung thực, cung cấp các thông tin thiếu chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng thông tin. Do vậy, việc hoàn thiện CMKT Việt Nam VAS 25, để có thể ứng dụng trong thực tế là một vấn đề hết sức cần thiết, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền và sự nỗ lực từ bản thân các tập đoàn kinh tế./.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Tài chính, 26 CMKT Việt Nam.
  2. CMKT quốc tế IFRS 3 “Hợp nhất kinh doanh”, IAS 27 “BCTC hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào các Cty con”.
  3. Thông tư 202/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014, của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  4. Đánh giá việc lập BCTC hợp nhất theo quy định của CMKT Việt Nam, tapchiketoan.com
  5. PGS, TS. Đặng Văn Thanh, TS Nguyễn Đăng Huy "Kế toán DN" - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (2017).

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của TS Nguyễn Đăng Huy * Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Xem thêm
Kiểm soát nội bộ theo COSO 2013 và mối quan hệ với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp

Kiểm soát nội bộ theo COSO 2013 và mối quan hệ với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp

Ảnh hưởng của các nhân tố tới tổ chức Kiểm toán Báo cáo tài chính do Kiểm toán Độc lập thực hiện

Ảnh hưởng của các nhân tố tới tổ chức Kiểm toán Báo cáo tài chính do Kiểm toán Độc lập thực hiện

Cơ sở kế toán trong Kế toán hành chính sự nghiệp ở Việt Nam

Cơ sở kế toán trong Kế toán hành chính sự nghiệp ở Việt Nam

Lý thuyết khung áp dụng trong các nghiên cứu công bố thông tin trong báo cáo tài chính

Lý thuyết khung áp dụng trong các nghiên cứu công bố thông tin trong báo cáo tài chính

Kiểm toán viên độc lập đối với việc phát hiện gian lận và sai sót trong kiểm toán báo cáo tài chính

Kiểm toán viên độc lập đối với việc phát hiện gian lận và sai sót trong kiểm toán báo cáo tài chính

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh