Lý thuyết khung áp dụng trong các nghiên cứu công bố thông tin trong báo cáo tài chính


Mặc dù, nghiên cứu về công bố thông tin (CBTT) trong các báo cáo tài chính (BCTC) (cả về công bố tuân thủ, tự nguyện, hay tùy ý) đã có một lịch sử phát triển khá dài. Nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa từng áp dụng một lý thuyết thống nhất nào, để giải thích sự chênh lệch về mức độ công bố loại thông tin bởi các doanh nghiệp (DN) khác nhau. Bài viết điểm qua các lý thuyết thường được áp dụng trong các nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực CBTT.

Trên cơ sở đó, đánh giá điểm chung của các lý thuyết này và từ đó đề xuất vận dụng lý thuyết kinh tế thông tin trong các nghiên cứu, đánh giá mức độ CBTT trong các BCTC.

Thực trạng về áp dụng lý thuyết khung trong các nghiên cứu về mức độ CBTT

CBTT được thừa nhận như là phương tiện để giảm thiểu bất đối xứng thông tin và cũng từ đó, giúp cho các nhà đầu tư tăng cường vai trò giám sát đối với DN. Và như vậy, CBTT rất có ích cho các thành viên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, về phương diện cơ sở lý thuyết thì các nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn chưa thống nhất sử dụng bất kỳ một lý thuyết chung nào, mà ngược lại sử dụng nhiều lý thuyết khác nhau để kiểm chứng mức độ (tuân thủ, tùy ý và cả tự nguyện) CBTT trong các BCTC. Trong đó, các lý thuyết thường xuyên được sử dụng đó là lý thuyết về tính hợp pháp (legitimacy theory), lý thuyết về các bên liên quan (stakeholder theory), lý thuyết kinh tế chính trị (political economic theory), lý thuyết đại diện (agency theory), lý thuyết tín hiệu (signalling theory), và lý thuyết chi phí sở hữu (proprietary cost theory).

Thực trạng này, có thể hiểu được là vì các nghiên cứu gần đây đồng quan điểm rằng, việc xây dựng nên một lý thuyết riêng về CBTT vẫn đang còn là một thách lớn đối với các nhà nghiên cứu hiện tại và cũng đã được thừa nhận trong rất nhiều các nghiên cứu trước đó (Dong & Stettler, 2011; Glaum, Schmidt, Street, & Vogel, 2013). Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhà nghiên cứu cũng đã khuyên rằng, việc xây dựng khung lý thuyết hoàn hảo về CBTT phải dựa trên nguyên tắc là nhằm giải quyết tình trạng bất đối xứng thông tin (Healy & Palepu, 2001; Verrecchia, 2001). Cụ thể hơn, Beyer, Cohen, Lys và Walther  (2010) gợi ý rằng, mức độ CBTT cho công chúng (cả thông tin bắt buộc, thông tin tùy ý và thông tin tự nguyện) có khác nhau là tùy thuộc vào mối quan hệ giữa chi phí và lợi ích của việc CBTT đó.

Điểm chung căn bản của các lý thuyết đang được áp dụng trong các nghiên cứu về mức độ CBTT

Mặc dù, các lý thuyết được đề cập trong các nghiên cứu về mức độ CBTT không giống nhau nhưng chúng đều được áp dụng để lý giải sự chừng mực cao hay thấp mà các (nhà quản trị) DN đã lựa chọn trong một bối cảnh cụ thể. Khi được vận dụng, các lý thuyết này đều thể hiện một điểm chung căn bản, đó là sự cân nhắc của các nhà quản trị DN đối với sự đánh đổi giữa chi phí và lợi ích của việc công bố hay che giấu thông tin và kết quả là, các DN quyết định CBTT ở các mức độ khác nhau.

Cụ thể hơn, nền tảng cơ bản của các lý thuyết này, chính là động cơ và sự cân nhắc về chi phí trong mối quan hệ với lợi ích của từng loại thông tin một khi được công bố trên BCTC (Cotter, Lokman, & Najah, 2011). Các tác giả này nhấn mạnh rằng, việc vận dụng các lý thuyết lấy chính trị và xã hội làm nền tảng (lý thuyết về tính hợp pháp, lý thuyết về các bên liên quan, và lý thuyết kinh tế chính trị) giải thích được ứng xử khác nhau của các DN đối với CBTT tự nguyện thông qua các nhân tố về xã hội hoặc /và về chính trị. Trong khi đó, các lý thuyết thiên về kinh tế (lý thuyết đại diện, lý thuyết tín hiệu và lý thuyết về chi phí sở hữu) giúp giải thích được sự khác nhau về mức độ CBTT tự nguyện của các DN, thông qua khía cạnh tối đa hóa lợi ích của DN. Như vậy, việc giải thích mức độ công bố từng loại thông tin khác nhau, cần sử dụng một lý thuyết tương ứng phù hợp nhất.

Đề xuất vận dụng lý thuyết kinh tế thông tin để nghiên cứu về mức độ CBTT

Lý thuyết kinh tế thông tin (information economics theory) đã được áp dụng từ những năm 1970, để đánh giá mức độ mà thị trường tài chính cũng như các tổ chức khác xử lý và truyền đạt thông tin (Stiglitz, 2008). Lý thuyết này, được hình thành trên cơ sở ba nghiên cứu kinh điển bởi Akerlof (1970), Spence (1973), và Rothschild và Stiglitz (1976). Trong đó, Akerlof (1970) là nhà nghiên cứu và tác phẩm nghiên cứu đầu tiên chính thức phân tích sự lựa chọn bất lợi (adverse selection) trên thị trường sản phẩm do bên bán có thông tin nhiều hơn người mua. Đến Spence (1973), ông cũng phân tích bất đối xứng thông tin thông qua phân tích sự lựa chọn bất lợi trên thị trường lao động của các chủ DN, do các ứng cử viên (người lao động) có lợi thế thông tin hơn về bản thân người lao động và năng suất lao động tiềm năng. Còn với Rothschild và Stiglitz (1976), hai ông phân tích bất đối xứng thông tin trên thị trường bảo hiểm, do người mua bảo hiểm có lợi thế thông tin hơn về những rủi ro tiềm ẩn của chính họ (hoặc sản phẩm của họ) so với các DN bán bảo hiểm.

Bất đối xứng thông tin được nhấn mạnh trong lý thuyết đại diện (Jensen & Meckling, 1976). Theo lý thuyết này thì chi phí đại diện (agency cost) và bất đối xứng thông tin phát sinh do sự tách rời giữa quyền sở hữu (nhà đầu tư) và quyền kiểm soát (nhà quản lý). Trong đó, bất đối xứng thông tin chính là nền tảng của nhiều nghiên cứu về kế toán cũng như quản trị công ty (Nobes, 2014). Ngoài hình thức biểu hiện dưới dạng sự lựa chọn bất lợi như đã đề cập ở trên, bất đối xứng thông tin còn tồn tại dưới hình thức rủi ro đạo đức (moral hazard) (Eisenhardt, 1989; Scott, 1997). Sự lựa chọn bất lợi dùng để chỉ trạng thái bất đối xứng thông tin mà ở đó các nhà quản lý khai thác lợi thế thông tin của họ bởi chính chi phí của các nhà đầu tư bằng cách điều chỉnh mức độ CBTT dẫn đến các quyết định của nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi điều tiết này. Còn với rủi ro đạo đức, các nhà quản lý thực hiện việc điều chỉnh thu nhập công bố, nhằm che giấu hoặc bóp méo thực tế báo cáo vì họ thiếu nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu của DN. Điều đáng chú ý là lý thuyết đại diện bắt nguồn từ lĩnh vực kinh tế thông tin và là một trong những cơ sở lý thuyết quan trọng trong kế toán, cho phép các nhà nghiên cứu kế toán kết hợp và giải thích được một cách rõ ràng các xung đột lợi ích, vấn đề kích thích cũng như các cơ chế để kiểm soát các vấn đề này (Eisenhardt, 1989).

Khi được vận dụng để đánh giá mặt trái của vấn đề đại diện trong các nghiên cứu kế toán và đặc biệt là các nghiên cứu về CBTT, không phải lúc nào lý thuyết kinh tế thông tin cũng phân biệt rạch ròi giữa CBTT bắt buộc và không bắt buộc nhưng lại luôn thừa nhận sự tồn tại của bất đối xứng thông tin - theo đó, một số bên khi tham gia các giao dịch kinh doanh hoặc các giao dịch tiềm năng có thể có một lợi thế thông tin hơn những bên còn lại (Scott, 1997). Bất đối xứng thông tin làm gia tăng thêm chi phí của các giao dịch mua bán cổ phiếu của các công ty niêm yết và như vậy cam kết cải thiện mức độ CBTT nhằm làm giảm bất đối xứng thông tin hoặc là giữa (nhà quản lý) DN với các nhà đầu tư hoặc là giữa các nhà đầu tư (Leuz & Verrecchia, 2000). Với các nhà quản lý, việc cân nhắc để quyết định mức độ CBTT bao gồm cả việc đánh giá giá trị của thông tin công bố hoặc tính hữu ích của nó đối với các thành viên thị trường (Wee, Tarca, & Chang, 2014).

Liên quan đến CBTT bắt buộc, chi phí và lợi ích có liên quan được gánh chịu bởi cơ quan quản lý, các DN lập báo cáo, và những người sử dụng thông tin. Các khoản chi phí và lợi ích có liên quan đến CBTT bắt buộc được thảo luận chi tiết trong bài viết của (Easterbrook & Fischel, 1984). Đối với các cơ quan quản lý, sự đánh đổi chi phí với lợi ích liên quan đến việc ban hành và thực thi pháp luật các chính sách quy định CBTT. Về phía các DN, các chi phí thường phải cân nhắc bao gồm cả chi phí trực tiếp (lập BCTC và CBTT) và chi phí gián tiếp (chi phí sở hữu thông tin hay chi phí xã hội). Còn đối với người sử dụng, chi phí này chính là chi phí để nhận và xử lý thông tin (bao gồm cả những chi phí phát sinh do tình trạng nhiễu thông tin).

Các nghiên cứu định lượng đã áp dụng lý thuyết kinh tế thông tin để cung cấp bằng chứng thực nghiệm rằng, chiến lược CBTT của các DN là tuân thủ rất thấp đối với những khoản mục thông tin tốn kém cho dù những thông tin này người sử dụng rất có nhu cầu. Chẳng hạn như: Thông tin về hợp nhất kinh doanh, các công cụ tài chính, và các thử nghiệm về tổn thất tài sản (Johansen & Plenborg, 2013). Điều này có thể được lý giải là vì, các DN khi CBTT luôn phải cân nhắc nhằm đáp ứng được các quy định của cơ quan quản lý, đảm bảo lợi ích của đơn vị, và thỏa mãn nhu cầu thông tin của người sử dụng. Và do vậy, một khi mà chi phí thấp hơn lợi ích của việc che giấu thông tin (không công bố hay không tuân thủ) thì rất dễ dàng dẫn đến các DN ứng xử như trên.

Lý thuyết kinh tế thông tin cũng rất phù hợp để áp dụng trong các nghiên cứu thực nghiệm về CBTT tự nguyện, bởi vì nó giải thích được hiện tượng các DN CBTT tự nguyện nhằm làm giảm đi bất đối xứng thông tin giữa nhà quản lý và chủ sở hữu, giảm đi chi phí của các giao dịch mua bán cổ phiếu, giảm thiểu rủi ro ước tính (về lợi nhuận và dòng tiền) của các nhà đầu tư, nhờ vào đó làm giảm chi phí vốn (Diamond & Verrecchia, 1991; Botosan, 1997; Healy & Palepu, 2001). Hơn nữa, mặc dù CBTT tự nguyện về cơ bản là nhằm giảm bớt bất đối xứng thông tin phát sinh từ vấn đề đại diện về quản lý cho các chủ sở hữu, việc công bố những thông tin này luôn gặp rào cản về chi phí (Meek, Roberts, & Gray, 1995; Depoers, 2000; Shi, Magnan, & Kim, 2012). Và như vậy, sẽ là hợp lý nếu cho rằng các DN chỉ cung cấp các thông tin không bắt buộc, nếu lợi ích mang lại hơn hẳn các chi phí có liên quan đến việc công bố các thông tin đó (Hayes & Lundholm, 1996; Shi & cộng sự, 2012).

Tóm lại, với lập luận rằng các DN CBTT ở mức độ nào là phụ thuộc vào sự cân đo của các nhà quản trị DN về chi phí và lợi ích có liên quan đến việc truyền tải những thông tin này đến các đối tượng sử dụng thông tin, mà quan trọng hơn hết là các nhà đầu tư vốn. Việc áp dụng lý thuyết đại diện trong khuôn khổ của lý thuyết kinh tế thông tin là phù hợp hơn, nhằm đánh giá được một cách sâu sắc hơn hiện tượng và cách ứng xử của các DN trong CBTT. Bởi lẽ, ở các đơn vị có sự tách rời giữa quyền sở hữu vốn và quyền kiểm soát (điều hành) các hoạt động của công ty - tức là đều phát sinh vấn đề đại diện và từ đó cũng phát sinh bất đối xứng thông tin - thì CBTT tất yếu phải được thực hiện. Tuy nhiên, các đơn vị này CBTT (cả về tuân thủ, tùy ý hay tự nguyện) với các mức độ không giống nhau, bởi vì sự đánh đổi chi phí với lợi ích có liên quan đến những thông tin cụ thể một khi được công khai là khác nhau. Hay nói một cách khác, các nhà quản lý của mỗi một DN ứng phó với việc CBTT không giống nhau, do sự đánh đổi chi phí và lợi ích là khác nhàu vì tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể. Chính vì thế, việc áp dụng lý thuyết kinh tế thông tin là phù hợp nhằm giúp cho các nhà nghiên cứu có một cơ sở thống nhất khi thực hiện các nghiên cứu định lượng nhằm kiểm chứng các giả thuyết về sự chênh lệch trong mức độ CBTT trên các loại báo cáo tài chính được công bố có sự khác nhau về bối cảnh CBTT./.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Akerlof, G. A. (1970). The market for "Lemons": Quality uncertainty and the market mechanism. The Quarterly Journal of Economics, 84(3), 488-500.
  2. Beyer, A., Cohen, D. A., Lys, T. Z., & Walther, B. R. (2010). The financial reporting environment: Review of the recent literature. Journal of Accounting and Economics, 50(2- 3), 296-343.
  3. Botosan, C. A. (1997). Disclosure level and the cost of equity capital. The Accounting Review, 72(3), 323-349.
  4. Cotter, J., Lokman, N., & Najah, M. M. (2011). Voluntary disclosure research: Which theory is relevant? The Journal of Theoretical Accounting Research, 6(2), 77-95.
  5. Depoers, F. (2000). A cost benefit study of voluntary disclosure: some empirical evidence from French listed companies. European Accounting Review, 9(2), 245-263.
  6. Diamond, D. W., & Verrecchia, R. E. (1991). Disclosure, liquidity, and the cost of capital. The Journal of Finance, 46(4), 1325-1359.
  7. Dong, M., & Stettler, A. (2011). Estimating firm-level and country-level effects in cross-sectional analyses: An application of hierarchical modeling in corporate disclosure studies. The International Journal of Accounting, 46(3), 271-303.
  8. Easterbrook, F. H., & Fischel, D. R. (1984). Mandatory disclosure and the protection of investors. Virginia Law Review, 70(4), 669-715.
  9. Eisenhardt, K. M. (1989). Agency theory: An assessment and review. The Academy of Management Review, 14(1), 57-74.
  10. Glaum, M., Schmidt, P., Street, D. L., & Vogel, S. (2013). Compliance with IFRS 3- and IAS 36-required disclosures across 17 European countries: company- and country-level determinants. Accounting and Business Research, 43(3), 163-204.
  11. Hayes, R. M., & Lundholm, R. (1996). Segment reporting to the capital market in the presence of a competitor. Journal of Accounting Research, 34(2), 261-279.
  12. Healy, P. M., & Palepu, K. G. (2001). Information asymmetry, corporate disclosure, and the capital markets: A review of the empirical disclosure literature. Journal of Accounting and Economics, 31(1- 3), 405-440.
  13. Jensen, M. C., & Meckling, W. H. (1976). Theory of the firm: Managerial behavior, agency costs and ownership structure. Journal of Financial Economics, 3(4), 305-360.
  14. Johansen, T. R., & Plenborg, T. (2013). Prioritising disclosures in the annual report. Accounting and Business Research, 43(6), 605-635.
  15. Leuz, C., & Verrecchia, R. E. (2000). The economic consequences of increased disclosure. Journal of Accounting Research, 38(Supplement), 91-124.
  16. Meek, G. K., Roberts, C. B., & Gray, S. J. (1995). Factors influencing voluntary annual report disclosures by US, UK and Continental European multinational corporations. Journal of International Business Studies, 26(3), 555-572.
  17. Nobes, C. (2014). The development of national and transnational regulation on the scope of consolidation. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 27(6), 995 - 1025.
  18. Rothschild, M., & Stiglitz, J. (1976). Equilibrium in competitive insurance markets: An essay on the economics of imperfect information. The Quarterly Journal of Economics, 90(4), 629-649.
  19. Scott, W. R. (1997). Financial accounting theory (1st ed). Upper Saddle River, New Jersey: Prentice Hall.
  20. Shi, Y., Magnan, M., & Kim, J.-B. (2012). Do countries matter for voluntary disclosure: Evidence from cross-listed firms in the US. Journal of International Business Studies, 43(2), 143-165.
  21. Spence, M. (1973). Job market signaling. The Quarterly Journal of Economics, 87(3), 355-374.
  22. Stiglitz, J. E. (2008). "Information." In The Concise Encyclopedia of Economics.  Retrieved July 20, 2014 from http://www.econlib.org/library/Enc/Information.html
  23. Verrecchia, R. E. (2001). Essays on disclosure. Journal of Accounting and Economics, 32(1- 3), 97-180.
  24. Wee, M., Tarca, A., & Chang, M. (2014). Disclosure incentives, mandatory standards and firm communication in the IFRS adoption setting. Australian Journal of Management, 39(2), 265-291.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của TS. Nguyễn Hữu Cường, Giảng viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.

Xem thêm
Kiểm toán viên độc lập đối với việc phát hiện gian lận và sai sót trong kiểm toán báo cáo tài chính

Kiểm toán viên độc lập đối với việc phát hiện gian lận và sai sót trong kiểm toán báo cáo tài chính

Chặng đường 10 năm Dịch vụ kế toán Việt Nam

Chặng đường 10 năm Dịch vụ kế toán Việt Nam

Khó khăn, thách thức trong đào tạo IFRS tại các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam

Khó khăn, thách thức trong đào tạo IFRS tại các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam

Xác định đối tượng chịu chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất phần mềm ở Việt Nam hiện nay

Xác định đối tượng chịu chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất phần mềm ở Việt Nam hiện nay

Bằng chứng thực nghiệm về tác động của công bố thông tin trách nhiệm xã hội tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp

Bằng chứng thực nghiệm về tác động của công bố thông tin trách nhiệm xã hội tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh