Tác động của công bố thông tin ESG đến hiệu quả hoạt động tài chính

Ths. Mai Hồng Chi*

Ths. Hồ Hạnh Mỹ*

Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh

Trên thế giới, ngày càng có nhiều cơ quan quản lý thị trường chứng khoán thừa nhận tầm quan trọng của các thông tin phi tài chính, chính sách môi trường - xã hội - quản trị (ESG) trong đánh giá sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp cũng như cho thấy rủi ro tiềm ẩn của doanh nghiệp.   

Hiện có hơn 60 khu vực pháp lý, bao gồm cả các thành viên của G20, yêu cầu hoặc khuyến khích các công ty công bố thông tin ESG cùng với báo cáo tài chính. ESG là thuật ngữ được sử dụng trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thông tin ESG đang trở thành mối quan tâm của mọi người, vì ảnh hưởng có thể lâu dài đối với nhà đầu tư và các bên liên quan khác nói chung. Nhưng hầu hết các công ty không sẵn sàng tự nguyện tiết lộ thông tin ra bên ngoài, vì vậy các thông tin về ESG không dễ dàng có được. Mục đích của bài viết là khái quát các nghiên cứu về ảnh hưởng của báo cáo ESG lên hiệu quả hoạt động của công ty.

Nhu cầu công bố báo cáo ESG

Môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social and Governance Criteria) là các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động bền vững của một công ty, mà nhà đầu tư có ý thức xã hội sử dụng để sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng. Các nhà đầu tư xem xét 3 yếu tố, để đánh giá hoạt động bền vững của một công ty bao gồm: Đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) (corporate social responsibility) và Hoạt động quản trị (governance).

Tiêu chuẩn môi trường xem xét ảnh hưởng của công ty đối với môi trường tự nhiên. Các tiêu chuẩn xã hội xem xét các công ty quản lý mối quan hệ với nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng nơi công ty có hoạt động.

Quản trị bao gồm lãnh đạo của công ty, lương của nhân viên cấp điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ và quyền của cổ đông. Các nhà đầu tư ảnh hưởng ngày càng quan tâm đến các yếu tố ESG, để đánh giá sự phát triển bền vững của các DN và ra quyết định đầu tư.

Theo đánh giá các chỉ số của S&P Global đầu tư vào các công ty đáp ứng các yếu tố phát triển bền vững có lợi nhuận tốt hơn đầu tư vào các công ty không đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, các yêu cầu liên quan đến ESG từ các tổ chức kế toán và quản lý tài chính về tác động của ESG đối với các DN thuộc mọi loại hình ngày càng gia tăng.

Báo cáo ESG được gọi với nhiều tên khác nhau, nhưng không hạn chế đối với công bố trách nhiệm xã hội của công ty (Corporate Social Disclosure), Báo cáo môi trường công ty (Corporate Environmental Reporting), Báo cáo Ba dòng dưới cùng (Triple Bottom Line), Công bố về trách nhiệm xã hội của DN (Corporate Social Responsibility Disclosure) và Báo cáo tính bền vững của DN (Corporate Sustainability reporting).

Việc thực hiện đo lường, công bố và chịu trách nhiệm đối với các bên liên quan bên trong và bên ngoài về hiệu quả hoạt động của công ty trong báo cáo ESG hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin ESG định hướng cho nhà đầu tư đánh giá, phân tích tài chính của DN và ra quyết định đầu tư.

Báo cáo ESG bao gồm các đo lường về lượng khí thải, sử dụng tài nguyên, môi trường và tài nguyên thiên nhiên của công ty, chính sách lao động và nhân quyền, sức khỏe và an toàn lao động, quản lý chuỗi cung ứng, trách nhiệm sản phẩm, chống tham nhũng và đầu tư cộng đồng,… Tầm quan trọng của báo cáo ESG ngày càng được nhà đầu tư quan tâm, khi các thông tin này liên quan đến sức mạnh hoạt động, hiệu quả và quản lý rủi ro. Vì vậy, báo cáo ESG có thể cung cấp thông tin liên quan hỗ trợ phân tích tài chính và đầu tư,  ảnh hưởng đến giá trị dài hạn chứng khoán của công ty. Báo cáo cung cấp sự cân bằng và hợp lý về hoạt động bền vững cho đóng góp tích cực và tiêu cực của công ty, chứ không chỉ các mục tiêu phát triển bền vững của công ty.

Tổng quan các nghiên cứu về mối quan hệ của ESG và hiệu quả hoạt động của công ty

Khái niệm ESG liên quan đến một tập hợp các môi trường liên quan và các yếu tố liên quan đến quản trị, cho phép đánh giá tính bền vững lâu dài về mặt xã hội các khoản mục đã thực hiện của công ty (Bourghelle và các cộng sự, 2009). Bên cạnh đó, áp lực về  trách nhiệm giải trình của các DN ngày càng gia tăng. Nhiều công ty tự nguyện công bố thông tin ESG thêm vào các báo cáo tài chính, để cung cấp các thông tin liên quan đến đánh giá hiệu quả tài chính và phi tài chính của công ty (Eccles và Saltzman, 2011).

Các thông tin về ESG được các công ty công bố trên báo cáo tích hợp. Theo kết quả nghiên cứu của Frias – Aceituno và các cộng sự (2014), có sự gia tăng nhu cầu lập báo cáo tích hợp. Các công ty được yêu cầu công bố một báo cáo bao gồm thông tin tài chính và thông tin phát triển bền vững để giảm chi phí đại diện, chi phí chính trị và thông tin bất cân xứng, cung cấp sâu hơn các giải thích về hiệu quả hoạt động.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trách nhiệm xã hội có quan hệ tích cực đến hiệu quả tài chính và xã hội của DN. Báo cáo về trách nhiệm xã hội của DN là chủ đề của các nghiên cứu hàn lâm về kế toán trong nhiều thập kỷ. Vance (1975) đã chứng minh mối quan hệ tích cực giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả hoạt động tài chính.

 Đồng quan điểm này, Russo và Fouts (1997) cũng chứng minh rằng trách nhiệm xã hội của DN là nguồn lợi thế cạnh tranh bền vững, do đó xem xét các vấn đề trách nhiệm xã hội có thể là một điều đáng cân nhắc đối với ban quản trị một công ty.

Ủng hộ quan điểm trên có các nghiên cứu của Lo và Kwan (2017); Ameer và Othman (2012); Choi, Kwak và Choe (2010);  Mishra và Suar (2010).

Ngoài ra, báo cáo ESG ảnh hưởng cả hiệu quả hoạt động tài chính và môi trường của một công ty. Nghiên cứu của Weber (2013) phân tích báo cáo của 100 công ty Trung Quốc đứng đầu về môi trường xanh, kết quả báo cáo ESG tốt cung cấp lợi nhuận tài chính tốt hơn và cải thiện hiệu quả môi trường DN.

Bên cạnh đó, các yếu tố về quyền con người, xã hội cũng như trách nhiệm sản xuất cũng cho thấy mối quan hệ tích cực với suất sinh lời trên hiệu quả sử dụng vốn (Chen, Feldmann và Tang, 2015).

Kết quả nghiên cứu của Bernardi và Stark (2016) chỉ ra mối quan hệ đáng kể giữa mức độ công bố thông tin ESG về môi trường và quản trị công ty và mức độ chính xác phân tích dự đoán, dựa trên báo cáo tích hợp của các công ty tài chính, dịch vụ và các công ty lĩnh vực khác.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho kết quả quản trị công ty có liên quan tích cực đến hoạt động tài chính của tổ chức và báo cáo ESG góp phần vào hoạt động tài chính tốt hơn và có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá giá trị DN  (Duque-Grisales và Aguilera-Caracue, 2019).

Nghiên cứu của Almeyda và Darmansyah (2019) cho kết quả về mối quan hệ tích cực đáng kể giữa công bố thông tin ESG với hiệu quả hoạt động của công ty, thông qua chỉ số ROA và ROC của công ty. Nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ tích cực đáng kể giữa yếu tố môi trường theo ROC và giá cổ phiếu. Vì vậy, nghiên cứu đã chứng tỏ minh bạch thông tin ESG có thể cải thiện hiệu quả tài chính. Kết quả này khuyến khích các nhà đầu tư, quản trị công ty và cơ quan quản lý ngành xem xét tầm quan trọng của công bố thông tin ESG.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Ullman (1985) và Lin, Yang và Liou (2009) cho các ý kiến trái chiều. Trách nhiệm xã hội làm phát sinh các chi phí, do đó có tác động tiêu cực đến hiệu quả tài chính dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh so với các công ty có ít trách nhiệm xã hội. Lamberton (2005) chỉ trích rằng, các công ty tác động đến môi trường có thể thay đổi các thông tin cung cấp cho các bên liên quan, ví dụ DN chuyển thuế môi trường cho người tiêu dùng để bù đắp một phần giá thấp của hàng hóa và dịch vụ không bao gồm chi phí môi trường và xã hội theo giá thị trường.

Nhằm tăng cường tính minh bạch công bố thông tin ESG sáng kiến báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiative) xuất phát từ các nhu cầu của tổ chức kinh tế, để đánh giá các khía cạnh hoạt động phi tài chính bằng cách công bố một báo cáo, cho thấy tác động kinh tế - xã hội và môi trường (Global Reporting Initiative (GRI), 2016). Sáng kiến này được đánh giá cao và được thông qua như một tiêu chuẩn ở EU. Công bố ESG cũng có khả năng đáng tin cậy hơn do việc thực thi hiệu quả hơn các quy tắc liên quan đến ESG và định hướng của các bên liên quan, để tăng cường cơ chế này theo nghiên cứu của Garvey và các cộng sự (2017).

Đồng quan điểm với nghiên cứu này có nghiên cứu của Perini và Tencati (2006).

Ngoài ra, xem xét về các báo cáo tự nguyện, nguyên cứu khác được đánh giá ở Na Uy sử dụng ba điểm mấu chốt các yếu tố để đánh giá các thông tin phi tài chính trên bốn khía cạnh: trách nhiệm chung của công ty, hệ thống quản lý, quy tắc ứng xử và quản lý chuỗi cung ứng (Dahlberg và Wiklund, 2018). Vào tháng 06/2017, Ủy ban châu Âu (Europe commission) đã thông qua hướng dẫn báo cáo phi tài chính, nhằm tăng cường tính minh bạch của DN về  các vấn đề liên quan xã hội và môi trường. Các nguyên tắc này hướng các công ty đáp ứng các nghĩa vụ báo cáo của họ và thúc đẩy báo cáo thông tin về các vấn đề môi trường, xã hội, nhân viên, rủi ro và kết quả, tuân thủ quyền con người.

Các nhà đầu tư đang có nhiều nhu cầu cho thông tin ESG bởi vì thông tin này được cung cấp kịp thời, đáng tin cậy, nhất quán có thể so sánh được có liên quan đến quyết định đầu tư của họ. Để đáp ứng sự kỳ vọng của nhà đầu tư, nhiều công ty đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào lập báo cáo ESG. Các báo cáo về môi trường đầu tiên được công bố cuối thập niêm 1980 và nhanh chóng trở nên phổ biến trong các công ty đa quốc gia vì các lý do phát triển bền vững trước sự thay đổi của môi trường, xã hội và kinh tế.

Lamberton (2005) cho rằng, mục tiêu chính của khuôn khổ kế toán bền vững (sustainability accounting framework) là đo lường hiệu quả hoạt động của tổ chức hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Báo cáo ESG cung cấp thông tin phi tài chính để nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện về các thông tin tài chính và phi tài chính, đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động và môi trường quản trị của công ty.

Thông tin ESG đạt đến tính minh bạch về hiệu quả hoạt động của công ty và là phương tiện thông tin cho các bên liên quan, bao gồm cổ đông và nhà đầu tư, công nhân viên, khách hàng và các cơ quan quản lý. Do đó, báo cáo này là công cụ hữu ích cho cả công ty báo cáo và các bên liên quan.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Ameer R, Othman R., 2012, Sustainability Practices and Corporate Financial Performance: A Study Based on the Top Global Corporations. Journal of Business Ethics; 108: 61-79.

2. Chen L, Feldmann A, Tang O., 2015, The relationship between disclosures of corporate social performance and financial performance: Evidences from GRI reports in manufacturing industry. Int J Production Economics; 170: 445-456.

3. Dahlberg, L., Wiklund, F., 2018, ESG Investing in Nordic Countries: An Analysis of the Shareholder View of Creating Value. Available online: http://www.diva-portal.org/smash/get/diva2:1229424/FULLTEXT01.pdf (accessed on 20 April 2021).

4. Dahlberg, L., Wiklund, F., 2018, ESG Investing in Nordic Countries: An Analysis of the Shareholder View of Creating Value. Available online: http://www.diva-portal.org/smash/get/diva2:1229424/FULLTEXT01.pdf (accessed on 1 May 2021)

5. Garvey, G.T., Kazdin, J., LaFond, R., Nash, J., 2017, Safa, H. A pitfall in ethical investing: ESG disclosures reflectvulnerabilities, not virtues. J. Investig. Manag 15, 51–64

6. Wong KTK., 2017 A Literature Review on Environmental, Social and Governance Reporting and It’ s Impact on Financial Performance. Austin J Bus Adm Manage; 1(4): 1016.

Nguồn: Tạp chí kế toán và kiểm toán

Xem thêm
Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Kế toán quản trị môi trường trong doanh nghiệp sản xuất Việt Nam: Sự tương đồng và hạn chế so với thế giới

Kế toán quản trị môi trường trong doanh nghiệp sản xuất Việt Nam: Sự tương đồng và hạn chế so với thế giới

Giám sát của Quốc hội đối với quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách Nhà nước

Giám sát của Quốc hội đối với quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách Nhà nước

Khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp phi tài chính trên sàn chứng khoán: nhìn từ lý thuyết hành vi có kế hoạch

Khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp phi tài chính trên sàn chứng khoán: nhìn từ lý thuyết hành vi có kế hoạch

Kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp chế biến gỗ khu vực Nam Trung Bộ

Kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp chế biến gỗ khu vực Nam Trung Bộ

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh