Bàn về thị trường tương lai cho nông nghiệp Việt Nam

Bằng chứng từ các nước phát triển đã chỉ ra rằng thị trường tương lai chính là chìa khóa giải quyết những biến động về giá cả cũng như sự bất ổn thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Các quốc gia đang phát triển với tiềm lực nông nghiệp vững chắc nên đầu tư nghiên cứu vào thị trường tương lai để phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài. Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam đã và đang phát triển thị trường tương lai với các mặt hàng nông nghiệp chủ lực như hạt điều, cà phê, cao su, ... Tuy nhiên, kết quả đạt được lại không tương xứng với kỳ vọng. Bài viết phân tích về thực trạng thị trường tương lai trong nông nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm phát triển hiệu quả thị trường này.

Vài nét về thị trường tương lai

Thị trường tương lai (TTTL) là nơi thực hiện các công cụ tài chính như hợp đồng kỳ hạn (futures), hợp đồng triển hạn (forward), hợp đồng quyền chọn (options), hợp đồng hoán đổi (swap), … Hiện nay ở Việt Nam, lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ đang vận hành loại hợp đồng kỳ hạn (futures). Trong hợp đồng kỳ hạn, nông sản sẽ được hai bên (bên bán và bên mua) thỏa thuận chính xác về số lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm, giá bán của sản phẩm, ngày giao sản phẩm, vv… Yếu tố quan trọng làm nên sự khác biệt của hợp đồng kỳ hạn đó là giá sản phẩm vào ngày ấn định giao hàng trong tương lai sẽ không bị ảnh hưởng bởi giá cả thị trường. Lấy ví dụ: Một nông dân muốn giao bán 10 tấn cà phê vào ngày 22/03/2019, hiện tại đang là tháng 11 và cà phê chưa sẵn sàng để giao đi. Giá cà phê để người nông dân bắt đầu phát sinh lãi là 1,800 USD/ton. Do tính chất biến động phức tạp của thị trường, người nông dân không thể chắc chắn vào thời điểm tháng 03/2019 giá cà phê sẽ cao hay thấp hơn so với mức giá 1,800 USD/ton. Do vậy, người nông dân quyết định tham gia vào TTTL, sử dụng một hợp đồng kỳ hạn với thương lái nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro về giá cả. Trong hợp đồng kỳ hạn, người nông dân phải đảm bảo chất lượng cà phê đúng với cam kết, giao cà phê đúng ngày đã định và thương lái sẽ thanh toán số tiền 1,900 USD/ton cho người nông dân dù giá thị trường của cà phê ở thời điểm đó cao hơn hoặc thấp hơn 1,900USD/ton. Trường hợp giá thị trường tại thời điểm giao cao hơn 1,900 USD/ton, người nông dân vẫn có lợi nhuận nhưng sẽ thấp hơn mong đợi. Ngược lại, nếu giá thị trường tại thời điểm giao thấp hơn 1,800 USD/ton, người nông dân tất yếu có lợi nhuận cao và tránh được việc mất giá cà phê.

Điều kiện vận hành TTTL và thực trạng tại Việt Nam

TTTL không phải sân chơi dành cho mọi đối tượng. Để vận hành có hiệu quả, TTTL cần hội tụ những chỉ tiêu cơ bản sau:

Thứ nhất, thị trường sơ cấp vững mạnh: Thị trường sơ cấp là nơi diễn ra các giao dịch giao ngay hàng hóa và tiền tệ. Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, thị trường giao ngay còn gặp phải những khó khăn nhất định có thể thấy qua thương vụ giải cứu dưa hấu, giải cứu thanh long, giải cứu thịt lợn, … gây nhiều tổn thất cho nông dân nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thị trường sơ cấp của nông nghiệp Việt Nam vẫn đang diễn biến theo hình thức truyền thống, phong trào, chưa có sự tính toán kỹ lưỡng về quan hệ cung - cầu. Từ đó dẫn đến bị động trong giao thương hàng hóa, thường xuyên bị ép giá hoặc thậm chí rớt giá kỷ lục (hồ tiêu, cà phê ở ngưỡng thấp nhất trong hàng chục năm qua với mức giá lần lượt 50, 000đ/kg và 35.000đ/kg; thanh long, dứa, dưa hấu xấp xỉ 5, 000đ/kg, …) (bảng 1).

 

Thứ hai, TTTL cần được vận hành đúng quy tắc: Trong TTTL, ngoài người tham gia nhằm mục đích trao đổi hàng hóa còn có những nhà đầu tư liều lĩnh. Những nhà đầu tư liều lĩnh này góp phần tạo ra tính thanh khoản cho thị trường hàng hóa bằng cách mua, bán các hợp đồng kỳ hạn và hưởng lợi nhuận chênh lệch từ việc mua, bán này. Tuy nhiên, Nhà nước ta hiện đang hạn chế hoạt động của các nhà đầu tư liều lĩnh phòng tránh nhũng nhiễu thị trường. Nhà đầu tư liều lĩnh có thể tạo ra thông tin sai lệch nhằm mục đích đẩy giá lên cao hoặc hạ giá xuống thấp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể tham gia vào TTTL của Việt Nam do Nhà nước muốn giảm thiểu nguy cơ các doanh nghiệp này thực hiện hành vi rửa tiền dưới lớp vỏ bọc đầu cơ. Trong một sân chơi thứ cấp như TTTL, việc thiếu đi nhân tố then chốt như nhà đầu tư liều lĩnh, nhà đầu tư nước ngoài, tính thanh khoản đã vô hình chung gây ra những khó khăn nhất định trong cơ chế vận hành.

Thứ ba, sự hỗ trợ của Nhà nước: ở Việt Nam, rất khó khăn để vận hành một loại hình tài chính nếu không nhận đươc hỗ trợ của Nhà nước. Về mặt pháp lý, hiện nay Nhà nước ta mới chỉ ban hành Luật Thương mại số 36/2005/QH11 và Nghị định 158/2006/ND-CP hướng dẫn về thị trường hàng hóa tương lai. Tuy nhiên, Nhà nước lại chưa có Thông tư hướng dẫn chi tiết về thực hành TTTL cũng như chưa có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ nông dân và thương lái về cách thức tham gia loại thị trường này. Trong khi đó 80% nông dân Việt Nam hiện thuộc diện hộ nghèo, dân trí thấp, việc yêu cầu nông dân tham gia TTTL với những yêu cầu khắt khe và phải trao đổi bằng giá trị thật là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Cho đến nay, ngoài các công trình nghiên cứu dùng để tham khảo, nước ta gần như chưa có bước đi cụ thể nào để giúp người nông dân tiếp cận gần hơn với TTTL.

Từ đầu thế kỷ 21, Việt Nam đã nắm bắt xu hướng phát triển TTTL cho nông sản Việt Nam bằng cách cấp phép hoạt động nhiều trung tâm giao dịch nông sản trên khắp cả nước như Trung tâm Giao dịch hải sản Cần Giờ (thành lập năm 2003, nông sản giao dịch chính là tôm), Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (thành lập năm 2008, nông sản giao dịch chính là cà phê), Trung tâm Giao dịch hàng hóa Sacom -STE (thành lập năm 2010, nông sản giao dịch chính là đường), Trung tâm Giao dịch hàng hóa VNX (thành lập năm 2010, nông sản giao dịch chính là đường, cao su), trung tâm giao dịch hàng hóa INFO (thành lập năm 2013, nông sản giao dịch chính là đường, cao su). Tuy nhiên, tất cả các trung tâm này đều đã đóng cửa hoặc buộc phải ngừng hoạt động do số lượng giao dịch quá khiêm tốn (tại mỗi sàn giao dịch: số lượng thành viên chưa đến 100, số lượng giao dịch ít hơn 1, 000 tấn mỗi năm) và tình trạng nợ vốn kéo dài.

Kể từ thời điểm thành lập trung tâm giao dịch nông sản đầu tiên tại Việt Nam với nhiều hy vọng về sự phát triển vượt bậc cho nông nghiệp nước nhà, đến nay TTTL của nông sản Việt Nam vẫn đang loay hoay chưa tìm được hướng đi phù hợp cho việc phát triển lâu dài, hiệu quả.

Giải pháp phát triển TTTL cho nông nghiệp Việt Nam

Để phát triển có hiệu quả TTTL trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, cần thiết phải có sự tham gia của các bên như Nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp, thương lái, nông dân và đồng bộ hóa thực hiện nhiều giải pháp sau:

Thứ nhất, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có chung đặc điểm về nông nghiệp với Việt Nam và đã thành công trong phát triển TTTL cho nông sản:

Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia đang phát triển tại Đông Nam á. Thái Lan cũng là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới. Thái Lan hiện có duy nhất một trung tâm giao dịch TTTL cho nông sản là AFET. Chức năng chính của trung tâm là giữ ổn định thị trường và tạo niềm tin cho người tham gia. Trước khi thành lập AFET, chính phủ Thái Lan chủ trương phát triển các chợ đầu mối nông sản để kết nối nông dân và thị trường, ổn định cung - cầu cho nền nông nghiệp. Việc thành lập chợ đầu mối đã tạo cơ hội cho nông dân, thương lái thực hành giao dịch chuyên nghiệp tại thị trường sơ cấp trước khi chính thức tham gia thị trường thứ cấp. Trong suốt quá trình xây dựng và vận hành mô hình chợ đầu mối, Chính phủ Thái Lan đã có những hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách thúc đẩy giao thương, cho vay tín dụng, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nông dân và thương lái.

Trung Quốc và Việt Nam chia sẻ nhiều nét tương đồng về kinh tế, xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ trong phát triển nông nghiệp. Cả hai quốc gia đều nằm trong nhóm sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới; tuy nhiên chất lượng nông sản còn chưa ổn định, gặp nhiều khó khăn trong kiểm định. Từ những năm 1990, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư nghiêm túc vào các chợ đầu mối trung tâm theo mô hình CBOT dưới sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước, điển hình như chợ đầu mối Trịnh Châu. Chức năng chính của chợ đầu mối này là chế biến sản phẩm thô, định giá, cân bằng cung - cầu, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng. Sau ba năm triển khai thành công mô hình chợ đầu mối trung tâm, các trung tâm giao dịch nông sản bắt đầu được hình thành và vận hành hiệu quả cho đến ngày nay.

Có thể thấy, Chính phủ Thái Lan và Trung Quốc đều hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển mô hình chợ đầu mối bài bản, chuyên nghiệp nhằm tạo tiền đề vững chắc cho TTTL. Khi người tham gia đã hiểu về quy trình vận hành thị trường sơ cấp, việc tham gia vào thị trường thứ cấp sẽ không còn là thách thức.

Thứ hai, tập trung phát triển hiệu quả một trung tâm giao dịch nông sản: Nhìn vào các quốc gia đã thành công trong vận hành TTTL cho nông sản, có thể thấy số lượng trung tâm giao dịch nông sản trên toàn đất nước thường khiêm tốn. Trung Quốc, quốc gia có GDP đứng thứ hai trên thế giới, chỉ có ba trung tâm giao dịch nông sản. Trước đây, Trung Quốc có hơn 50 trung tâm giao dịch nông sản nhưng kể từ năm 1999, các trung tâm này sát nhập và giải thể chỉ còn ba trung tâm là trung tâm giao dịch Đại Liên, Trung tâm Giao dịch Thượng Hải, và Trung tâm Giao dịch Trịnh Châu. Cả ba trung tâm đều do Nhà nước thành lập dưới dự giám sát, quản lý chặt chẽ của ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Tương tự, nền kinh tế đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ có 04 trung tâm giao dịch nông sản, và Thái Lan chỉ có một trung tâm.

Thứ ba, có những điều chỉnh phù hợp về cơ chế hoạt động: Như đã đề cập, TTTL của nông sản Việt Nam bị hạn chế giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư liều lĩnh. Một sân chơi quá an toàn sẽ giảm đi tính thanh khoản cần thiết và sự hấp dẫn dành cho người tham gia. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là những người tham gia tiềm năng với tiềm lực tài chính mạnh và tính chuyên nghiệp cao. Việc bảo hộ quá mức của Nhà nước đi ngược với bản chất của TTTL. Nhà nước cần nới lỏng một số quy định để tạo điều kiện phát triển hiệu quả hơn cho TTTL dành cho nông sản Việt Nam.

Thứ tư,  hỗ trợ khác từ Nhà nước và doanh nghiệp: Phần lớn nông dân và thương lái Việt Nam đều không có những hiểu biết toàn diện, đúng đắn về việc TTTL. Nhà nước cần tổ chức thường xuyên hơn những lớp đào tạo, bổ sung kiến thức về TTTL với phương pháp tiếp cận gần gũi, dễ hiểu để nông dân, thương lái, doanh nghiệp tham gia TTTL chuyên nghiệp, bài bản. Bên cạnh đó, các chính sách cho vay hỗ trợ từ ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nên được nới lỏng để người tham gia mạnh dạn hơn. 

Kết luận

Cải cách nông nghiệp là một chặng đường dài, nhiều thách thức, đòi hỏi thời gian và công sức. Xem xét những điều kiện cơ bản để vận hành trị trường tương lai, nền nông nghiệp của chúng ta gần như chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Trong Chính sách phát triển Nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nhà nước ta đặc biệt nhấn mạnh việc củng cố vững chắc thị trường sơ cấp, điều này càng khẳng định việc xây dựng một thị trường sơ cấp vững mạnh là bước đi tiên quyết và cần thiết nhất trong quá trình khởi động lại TTTL cho nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, thay vì cấp phép vận hành cho hàng loạt trung tâm giao dịch để rồi buộc phải đóng cửa gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, Nhà nước nên tập trung phát triển một trung tâm giao dịch nông sản trọng điểm dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bảo Trung, 2008, Sự phát triển của các loại hình giao dịch nông sản

2. Joost M.E. Pennings, Thorsten M. Egelkraut, Research in Agricultural Futures Markets: Integrating the Finance and Marketing Approach, P1-P9

3. Lucia Baldi, Massimo Peri, and Daniela Vandone, Spot and Futures Prices of Agricultural Commodities: Fundamentals and Speculation, P110-P121

4. Bộ Công thương, Quyết định số 12/2007/QD/BCT ngày 26/12/2007 về Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2025

5. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mard.gov.vn

6. Hiệp hội Cà phê quốc tế ico.org

7. Tổng cục thống kê Việt Nam gso.gov.vn

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Ths. Nguyễn Thị Phương Anh * Đại học Công nghiệp Việt - Hung

Xem thêm
Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty niêm yết ngành thủy sản tại Việt Nam

Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty niêm yết ngành thủy sản tại Việt Nam

Đo lường lợi thế thương mại trên báo cáo tài chính hợp nhất

Đo lường lợi thế thương mại trên báo cáo tài chính hợp nhất

Chế độ kế toán doanh nghiệp một số vấn đề tồn tại và kiến nghị sửa đổi

Chế độ kế toán doanh nghiệp một số vấn đề tồn tại và kiến nghị sửa đổi

Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). Khó khăn đặt ra đối với các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam

Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). Khó khăn đặt ra đối với các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh