Áp dụng phương pháp giảng dạy và môi trường học tập tích cực theo thuyết kiến tạo trong lĩnh vực kế toán ở thời đại kỷ nguyên số

TS. Nguyễn Thị Ánh Linh*

Th.S. Thái Thị Nho**

*Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU)

**Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH)

 

Tóm tắt

Sự thay đổi nhanh chóng của thời đại kỷ nguyên số đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho ngành kế toán. Sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán cần đạt được các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ, để có thể đáp ứng nhu cầu của tổ chức trong và ngoài nước. Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về nguồn nhân lực kế toán, việc giảng dạy kế toán tại các trường đại học đòi hỏi phải đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Trong giáo dục, phương pháp giảng dạy đóng vai trò tiên quyết, bởi việc truyền đạt không chỉ đến một cá nhân mà là cả một thế hệ. Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số, giảng viên khi có kế hoạch giảng dạy tốt nhưng phương pháp sử dụng không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của lớp học. Thuyết kiến tạo trong môi trường học tập tích cực trong giáo dục ra đời từ rất lâu, tuy nhiên tính mới của hai phương pháp này vẫn còn nguyên vẹn khi giảng viên biết vận dụng khéo léo và linh hoạt cùng với vận dụng trí tuệ nhân tạo, để xây dựng môi trường học tập tích cực. Hướng đến nền giáo dục số và mọi sinh viên cùng tiến lên, không sinh viên nào bị lùi lại phía sau trong thời đại kỷ nguyên số.

Từ khóa: phương pháp học tập, học tập tích cực, thuyết kiến tạo.

Abstract

The rapid change of the digital era has opened up many new opportunities and challenges for the accounting industry, accounting graduates need to achieve output standards in terms of knowledge, skills and attitudes to succeed. can meet the needs of organizations at home and abroad. In order to meet the increasingly strict requirements of accounting human resources, accounting teaching at universities requires innovation in teaching content and methods. In education, teaching method plays a prerequisite role because it conveys not only an individual but a whole generation. Especially in the digital era, when teachers have a good teaching plan, but the methods used are not suitable, it will greatly affect the performance of the classroom. Constructivism in an active learning environment in education has been around for a long time, but the novelty of these two methods is still intact when teachers know how to use it skillfully and flexibly along with applying artificial intelligence. created to build a positive learning environment towards digital education and every student moves forward, no student is left behind in the digital era.

Keywords: learning methods. active learning, constructivist theory.

JEL Classification: M41, M40, I22.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.04202323

1. Đặt vấn đề

Sự thay đổi nhanh chóng của thời đại kỷ nguyên số đã, đang và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng. Trước những tác động tích cực thì cũng tạo ra nhiều thách thức mới cho ngành kế toán trong tương lai. Để thích ứng với những thách thức mới thì công tác đào tạo kế toán có một vai trò rất quan trọng, các trường đại học luôn đổi mới chương trình đào tạo, nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo, đặc biệt nhất là phương pháp giảng dạy phù hợp với thời đại. Hiện nay, không có một phương pháp nào là tốt nhất cho tất cả các môn học và không có phương pháp nào áp dụng phù hợp cho tất cả người dạy. Người sử dụng phương pháp này hiệu quả, nhưng người khác lại mang lại kết quả không như mong đợi đối với người học. Vì vậy, để thực sự tối ưu quá trình dạy học thì chúng ta phải biết kết hợp một cách hợp lý các phương pháp khác nhau, mỗi một phương pháp dạy học đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Chúng ta nên lấy điểm mạnh của phương pháp này để hỗ trợ những điểm yếu của phương pháp khác, như vậy mới thực sự có chất lượng. Một tiết học, dù phương pháp của giảng viên hay đến mấy cũng tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố tham gia tác động vào kết quả dạy và học, như: tâm trạng của sinh viên; sự sẵn sàng đón nhận nội dung tri thức mới như thế nào? Trình độ nhận thức và trình độ phát triển của tập thể như thế nào? Phương tiện dạy học có phù hợp với nội dung môn học hay không? Phù hợp với khả năng sử dụng phương tiện ở mức độ nào của giảng viên?

Chính vì vậy, để tiết học có chất lượng cao thì giảng viên cần phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo cả về vật chất, tinh thần, tâm lý, sức khỏe… Với sự phát triển của xã hội hiện nay, đã có rất nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại để kết hợp với phương pháp truyền thống và tùy thuộc vào bài học, môn học, ngành học… mà giảng viên chọn lựa sự kết hợp. Chính vì vậy, quá trình đào tạo đại học chuyên ngành kế toán cần được xem xét, chú trọng quan tâm, đề cao vai trò của giảng viên, nội dung bài giảng cần phải xúc tích, đồng thời liên kết với thực tiễn cuộc sống. Thuyết kiến tạo trong môi trường học tập tích cực sẽ giúp cho giảng viên biết vận dụng khéo léo và linh hoạt các phương pháp giảng dạy, để xây dựng môi trường học tập tích cực hướng đến nền giáo dục số và mọi sinh viên cùng tiến lên, không sinh viên nào bị lùi lại phía sau trong thời đại số.

2. Tổng quan lý thuyết về phương pháp kiến tạo trong môi trường học tập tích cực

2.1. Thuyết kiến tạo (Constructivism)

Những quan niệm chính của thuyết kiến tạo

Thuyết kiến tạo được xây dựng đầu tiên bởi Piaget (1967), được bổ sung và phát triển bởi Vygotsky (1980); Kolb (1984). Theo quan điểm của Piaget, thì việc học chính là quá trình khám phá. Đồng hóa và điều ứng là hai khái niệm quan trọng trong thuyết kiến tạo của Piaget: Đồng hóa là quá trình khi gặp tri thức mới có đặc điểm tương tự tri thức đã biết, thì có thể kết hợp với sơ đồ nhận thức hiện tại, tức là người học có thể dựa vào những tri thức có sẵn và đã biết để giải quyết các tình huống phát sinh mới, phù hợp với nhu cầu nhận thức; Điều ứng là quá trình khi gặp khái niệm mới hay tri thức mới có nhiều đặc điểm khác tri thức có sẵn, thì người học cần thay đổi sơ đồ nhận thức để phù hợp với tri thức mới (Kolb, 1984).

Học tập theo thuyết kiến tạo là phương pháp học tập giúp người học xây dựng tri thức từ tinh thần trải nghiệm và xây dựng nên con người của chính mình từ bên trong. Phương pháp kiến tạo xã hội bổ sung sự tương tác của xã hội, sẽ giúp con người tạo ra tri thức cho chính mình và người khác thông qua môi trường sống (Gilakjani et al., 2013).

Theo Lankes (2015), phương pháp kiến tạo như một mô hình hoặc thế giới quan cho rằng học tập là một quá trình tích cực, mang tính xây dựng và được bối cảnh hóa để xây dựng kiến thức hơn là tiếp thu nó. Người học là người xây dựng thông tin, thông tin mới được liên kết với kiến thức trước, tri thức xuất hiện khi chủ thể nhận thức tự cấu trúc vào hệ thống bên trong của mình, vì vậy tri thức mang tính chủ quan. Kiến thức được xây dựng dựa trên kinh nghiệm cá nhân và các giả thuyết về môi trường. Người học liên tục kiểm tra các giả thuyết này thông qua đàm phán xã hội. Mỗi người học có một cách giải thích và xây dựng quá trình kiến thức khác nhau. Người học không phải là một bảng rỗng, mà có sẵn những kinh nghiệm cá nhân và yếu tố văn hóa để phản xạ trong các tình huống (Lankes, 2015).

Ý tưởng cơ bản của thuyết kiến tạo, là kiến thức phải được xây dựng từ người học, nó không thể được cung cấp từ người dạy và nó là hoạt động tương tác tư tưởng vấn đề học giữa người học và người dạy. Vì vậy, việc xây dựng tri thức là một quá trình năng động, đòi hỏi sự tham gia tích cực của người học, những người sẽ chịu trách nhiệm về việc học của mình, trong khi người dạy chỉ tạo ra một môi trường học tập hiệu quả (Gilakjani et al, 2013).

Những đặc điểm cơ bản của học tập theo thuyết kiến tạo

Theo Lê Quang Sơn (2017), thuyết kiến tạo cho rằng học tập là một hoạt động độc lập và tự chủ, trong khi đó phương pháp kiến tạo xã hội bổ sung học tập còn là một hoạt động xã hội. Kết hợp giữa hai điều này, để tạo cho người học một môi trường đủ để tự lập và hợp tác cùng nhau phát triển.

Đặc điểm của thuyết kiến tạo gồm (Lê Quang Sơn, 2017):

- Tri thức được lĩnh hội trong học tập là một quá trình và sản phẩm kiến tạo theo từng cá nhân, thông qua tương tác giữa người học và nội dung học tập;

- Học tập theo nhóm có ý nghĩa quan trọng thông qua tương tác xã hội trong nhóm, góp phần cho người học tự điều chỉnh sự học tập của bản thân;

- Học qua sai lầm;

- Nội dung học tập hướng vào hứng thú người học, vì có thể học dễ nhất từ những nội dung mà người ta thấy hứng thú hoặc có tính thách thức;

- Thuyết kiến tạo không chỉ giới hạn ở những khía cạnh nhận thức của việc dạy và học. Sự học tập hợp tác, đòi hỏi khuyến khích phát triển không chỉ có lý trí mà còn cả về mặt thái độ và giao tiếp;

- Mục đích học tập là kiến tạo kiến thức bản thân, nên khi đánh giá các kết quả học tập không định hướng theo các sản phẩm học tập, mà cần kiểm tra những tiến bộ trong quá trình học tập và trong những tình huống học tập phức hợp.

Những đặc điểm của phương pháp học tập theo thuyết kiến tạo, phù hợp với phương pháp giảng dạy đổi mới của ngành kế toán trong trường đại học tại Việt Nam. Trong đó, người học cần tích cực và chủ động trong việc đặt câu hỏi, để tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra.

2.2. Học tập tích cực (Active learning)

Định nghĩa học tập tích cực

Học tập tích cực là một khái niệm rộng được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, thường đề cập đến các phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, kích hoạt và hoạt động do người hướng dẫn (Hartikainen et al, 2019). Trong nghiên cứu của mình, Hartikainen cùng các cộng sự đã làm rõ có 03 định nghĩa chính về học tập tích cực:

- Học tập tích cực được định nghĩa là phương pháp giảng dạy hướng dẫn;

- Học tập tích cực không được định nghĩa rõ ràng, nhưng được xem như một phương pháp giảng dạy hướng dẫn;

- Học tập tích cực không được định nghĩa rõ ràng, nhưng được xem như một phương pháp học tập (Hartikainen et al, 2019).

Còn theo Balcan et al (2016), cho rằng, học tập tích cực là học tập chủ động và cải tiến mọi thứ và với nhiều tình huống hơn so với học tập thu động. Học tập chủ động làm giảm bớt đi độ phức tạp của bài học, của các tình huống và dựa trên 03 kỹ thuật cơ bản:

- Kỹ thuật học tập dựa trên quan điểm bất đồng, buộc người học tranh luận, phản biện để thống nhất quan điểm;

- Kỹ thuật học tập dựa trên lợi ích người học;

- Kỹ thuật học tập dựa trên hoạt động nhóm (Balcan et al, 2016).

Các phương pháp học tập tích cực

Để thực hiện được hoạt động học tập tích cực, có rất nhiều các phương pháp thực hiện. Tuy nhiên, người dạy cần phải biết kết hợp một cách hợp lý các phương pháp khác nhau để sử dụng điểm mạnh của phương pháp này và hỗ trợ những điểm yếu của phương pháp khác. Bài viết này, đưa ra các phương pháp như:

- Một là, phương pháp học tập lấy người học làm trung tâm (Learner - centered learning):

+ Mục tiêu của phương pháp: học tập lấy người học làm trung tâm, là hướng vào việc chuẩn bị cho người học sớm thích ứng với đời sống xã hội, hòa nhập và phát triển cộng đồng, tôn trọng nhu cầu, lợi ích và tiềm năng của người học.

+ Điểm mạnh của phương pháp này, bao gồm: (1) xem xét nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên và tăng cường sự lưu giữ cả kiến thức và kỹ năng; (2) gia tăng động lực sinh viên và thúc đẩy truyền thông ngang hàng; (3) tham gia tích cực vào học tập, làm giảm hành vi quấy rối trong lớp; (4) cho phép sinh viên phát triển sự tự tin cao hơn, vì họ chịu trách nhiệm về việc học tập của mình; (5) xây dựng mối quan hệ giữa sinh viên và giảng viên chặt chẽ hơn; (6) khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo của sinh viên thông qua học tập sâu, đồng thời thúc đẩy việc khám phá/học tập tích cực; (7) phát triển đặc điểm của học tập suốt đời - động lực thông qua trách nhiệm của sinh viên và sự độc lập; (8) tạo cơ hội cho sự chấp nhận xã hội và sự tự tin, cũng như nâng cao khả năng tinh thần; (9) tạo điều kiện cho sinh viên phát triển các kỹ năng chung như tham gia có hiệu quả khi làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp và đàm phán, ra quyết định chính xác và độc lập; (10) nhấn mạnh việc sử dụng và truyền đạt kiến thức có hiệu quả,  để giải quyết các vấn đề tồn tại trong bối cảnh thực tế (Phạm Đức Cường, 2017).

- Hai là, phương pháp học tập qua dự án (Project - based learning):

Markham (2011) định nghĩa, học theo dự án là sự kết hợp giữa sự hiểu biết và việc thực hành, sinh viên nắm các nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo và sử dụng kiến thức này để giải quyết những vấn đề thực tiễn và mang lại kết quả. Dạy học theo dự án là hình thức dạy học định hướng theo hoạt động, trong đó sinh viên thực hiện các nhiệm vụ phức hợp một cách tự lực, kết hợp lý thuyết và thực hành, được gọi là các dự án học tập. Dự án ở đây được hiểu là những nhiệm vụ phức tạp từ các câu hỏi hay vấn đề mang tính chất kích thích sinh viên tìm hiểu và khám phá (Markham, 2011). Giải pháp đó có thể bao gồm các trải nghiệm thiết kế - triển khai. Từ đây, sinh viên sẽ tham gia vào thiết kế, đưa ra quyết định hay khảo sát các hoạt động có liên quan đến dự án.

- Ba là, phương pháp học tập trải nghiệm (Experiential learning):

Học tập trải nghiệm là cách học thông qua làm, với quan niệm học là quá trình tạo ra tri thức mới dựa trên trải nghiệm thực tế, đánh giá, phân tích những kinh nghiệm và kiến thức đã có (Robert Loo, 2004).

Các đặc điểm nổi bật của phương pháp học tập trải nghiệm:

+ Quá trình học tập được diễn ra khi hoạt động trải nghiệm đã được lựa chọn kỹ, sau khi thực hiện tổng kết bởi quá trình chia sẻ, phân tích, tổng quát hóa và áp dụng;

+ Sinh viên được phát triển toàn diện về: trí tuệ, cảm xúc, thể chất, kỹ năng và các mối quan hệ xã hội trong quá trình tham gia;

+ Trải nghiệm được thiết kế để yêu cầu sinh viên phải sáng tạo, tự chủ, tự ra quyết định để đạt được hiệu quả cao trong học tập;

+ Thông qua trải nghiệm, sinh viên được tham gia vào quá trình: đặt câu hỏi, tìm tòi, trải nghiệm, giải quyết vấn đề, tự chịu trách nhiệm;

+ Kết quả của phương pháp học trải nghiệm không quan trọng bằng quá trình thực hiện và những điều học được từ trải nghiệm đó;

+ Kết quả đạt được tạo cơ sở, nền tảng cho việc học tập và trải nghiệm của cá nhân đó trong tương lai;

+ Các mối quan hệ được hình thành và hoàn thiện: sinh viên với bản thân mình, sinh viên với những người khác và sinh viên với thế giới xung quanh (Kolp, 1984).

Định hướng xây dựng môi trường học tập tích cực

Để có thể thay đổi được nhận thức của sinh viên thì giảng viên cần phải xây dựng được một môi trường học tập tích cực, trong môi trường đó sinh viên phải được thảo luận, trình bày các vấn đề theo kiểu của riêng mình, sinh viên cần được khuyến khích tìm tòi và giải quyết vấn đề. Khi đó, bài giảng của giảng viên sẽ không bị cứng nhắc, khuôn mẫu mà trở nên sinh động hơn theo nhiều kịch bản khác nhau; nên kết hợp các phương tiện dạy học theo từng bài học và kịch bản cụ thể, đặc biệt là công nghệ thông tin để nhằm tạo được những bài học sinh động và phong phú gây hứng thú cho sinh viên.

Xây dựng cộng đồng học tập (Learning community):

- Trước khi bắt đầu môn học, giảng viên cần tìm hiểu về khả năng và kỳ vọng của sinh viên đối với môn học:

+ Sinh viên tự giới thiệu về bản thân, các môn liên quan đã học, kỳ vọng khi đến với lớp học;

+ Giảng viên tự giới thiệu thông tin và kỳ vọng về những kết quả mà người học sẽ đạt được trong và sau khi kết thúc mỗi học phần. Sau khi tìm hiểu kỳ vọng và đặc điểm của từng sinh viên, giảng viên để sinh viên tự do lựa chọn nhóm (cộng đồng) học tập, các nhóm học này hoạt động cùng nhau xuyên suốt trong môn học hoặc học kỳ, như Hình 1.

Hình 1: Mô hình cộng đồng giảng dạy

 

 (Nguồn: Garrison et al, 2003)

 

- Mục đích của việc xây dựng cộng đồng học tập:

+ Rèn luyện khả năng làm việc nhóm và tính trách nhiệm cá nhân và tập thể;

+ Rèn luyện sự tự tin và độc lập cho sinh viên;

+ Khuyến khích sự tham gia của tất cả sinh viên vào lớp học, không có sinh viên nào cảm thấy bị bỏ rơi;

+ Phát huy vai trò của sinh viên, phát triển tư duy phản biện, tự do sáng tạo và tinh thần dân chủ trong lớp học.

- Các phương pháp tổ chức lớp theo cộng đồng học tập:

+ Vòng tròn: trao đổi, thảo luận, thuyết trình, phản biện: mọi sinh viên tham gia lớp học có được niềm tin, sự hiểu biết và sự phát triển bền vững đạt được thông qua; tăng cường khả năng của các cá nhân trong việc thể hiện và thích ứng các bản sắc của mình, trong một thế giới mở và ngày càng gắn kết; tăng cường khả năng của các cá nhân trong việc đáp ứng các nhu cầu của mình và tính cộng đồng của mình, đồng thời vẫn ghi nhận và trân trọng nhu cầu của các cá nhân và cộng đồng khác.

+ Cây tri thức: hoạt động cây tri thức là quá trình nuôi dưỡng và phát triển tri thức từ rễ, thân, lá, quả cụ thể: rễ - đại diện cho kỹ năng, thái độ, hành vi và các mối quan hệ mà chúng ta mang tới lớp học; thân - các nguyên tắc làm việc cùng nhau; lá - những điều sinh viên mong muốn đạt được sau khi học xong môn học; quả - những điều sinh viên mong muốn đạt được dài hạn. Hoạt động này giúp sinh viên suy ngẫm về những kỳ vọng họ mong muốn đạt được trong những môn học, cũng như những điều họ mang tới để đóng góp cho những bài học. Là dịp để lắng nghe nhiều hơn về những mối quan tâm và trải nghiệm của các sinh viên khác, đồng thời cũng giúp giảng viên tìm ra được những điều mà sinh viên mong muốn đạt được thông qua môn học, để từ đó có thể điều chỉnh cách tổ chức và thực hiện môn học sao cho phù hợp nhất với sinh viên. Sinh viên được mời chia sẻ các kỳ vọng về môn học và những điều mà họ có thể đóng góp vào những tờ giấy nhỏ, sau đó được dán lên trên hình cây tri thức. Nguồn gốc sức mạnh của cái cây, chính là bộ rễ khỏe mạnh và sau đó tất cả những thứ khác sẽ xuất hiện. Khi cái cây lớn lên, phần rễ cây sẽ bám chặt và nuôi dưỡng cây. “Bộ rễ” của tri thức ở đâu và làm sao sinh viên có thể nuôi dưỡng những điều mong muốn ngắn hạn cũng như dài hạn của mỗi sinh viên.

+ Dòng sông học tập: là hành trình chinh phục tri thức và ứng dụng kiến thực học tập vào thực tế, với mục đích làm cho sinh viên hiểu về toàn bộ môn học. Hoạt động này giúp sinh viên hiểu (và đặt câu hỏi) về logic của hành trình học tập và về việc hành trình này đóng góp cho tầm nhìn chung của ngành học như thế nào. Người học sẽ gặp thách thức, những động lực và sự phấn khích sẽ dần xuất hiện khi hiểu được mục tiêu dòng chảy của hành trình và hiểu được những điều này, sẽ giúp họ đạt được thành công như thế nào (Nguyễn Thị Mai Hương, 2017). Sinh viên chia sẻ ý kiến trên hình vẽ một dòng sông, về việc tại sao mỗi giai đoạn (ND: học phần) trong hành trình học tập đóng vai trò quan trọng, giúp đạt được tầm nhìn và mục tiêu của môn học.

 

3. Ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào tiến trình giảng dạy và học tập

Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ Blockchain đã tạo ra một sự thay đổi rất lớn trong xã hội nói chung và ngành nghề kế toán - kiểm toán nói riêng. So với các ngành khác, trí tuệ nhân tạo và công nghệ Blockchain là những khái niệm tương đối mới trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, nhưng chúng đang trên đà phát triển với tốc độ rất nhanh (Nguyễn Hữu Phú và Hồ Thị Phi Yến, 2022).

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, thường được sử dụng để mô tả các máy móc (hoặc máy tính), bắt chước các chức năng "nhận thức" mà con người liên kết với tâm trí con người như học tập và giải quyết vấn đề (Nguyễn Hữu Phú và Hồ Thị Phi Yến, 2022).

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó (Nguyễn Hữu Phú và Hồ Thị Phi Yến, 2022).

Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục số. Ứng dụng công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo trong dạy học, giúp các phương pháp đào tạo truyền thống chuyển sang một chương mới, hiện đại và hiệu quả hơn (Nguyễn Hữu Phú và Hồ Thị Phi Yến, 2022).

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là quá trình đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất công nghệ để đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Việc ứng dụng công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo vào quá trình giảng dạy, nhằm nâng cao tính tự chủ và động cơ học tập của sinh viên; và đặc biệt, mở rộng khả năng tương tác với nội dung môn học, với giảng viên, với bạn học của sinh viên bằng ba hướng: kéo thế giới vào lớp học; mang lớp học ra khỏi bốn bức tường và đặc biệt là, qua đó tăng năng lực tiếp cận, xử lý và điều tiết thông tin để tạo thông tin mới của người học (Nguyễn Văn Long, 2016).

Khi ứng dụng công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo vào trong tiến trình giảng dạy và học tập sẽ đạt được các ưu điểm sau:

- Tối ưu hóa các bài giảng bằng các chương trình học được lập trình sẵn, kích thích đa giác quan, tạo sự hứng thú cho sinh viên;

- Tăng khả năng tư duy, tưởng tượng, thúc đẩy tính chủ động cho sinh viên;

- Hạn chế lối giảng dạy “thầy ghi - trò chép”, tạo ra quá trình tương tác qua lại giữa giảng viên và sinh viên;

- Sinh viên có thể liên lạc, tương tác và hỗ trợ học tập trực tuyến thông qua mạng xã hội, internet và trí tuệ nhân tạo;

- Dễ dàng tiếp cận với kiến thức mới và linh hoạt hơn trong quá trình nghiên cứu, tìm tài liệu;

- Khơi gợi hứng thú, trí tò mò và khả năng tự giác học tập;

- Tạo điều kiện thích nghi với công nghệ mới;

- Công nghệ thông tin còn hỗ trợ người dùng hoàn thiện các kỹ năng mềm như: tư duy phân tích, khả năng phán đoán, làm việc độc lập,… (Nguyễn Văn Long, 2016).

 

4. Tái định nghĩa vai trò của người dạy

Các phương pháp chỉ là kỹ thuật giảng dạy, còn công cụ, yếu tố quyết định vẫn là sự tận tâm của giảng viên. Theo Thích Nhất Hạnh & Weare (2018) có những yếu tố nằm ngoài các kỹ thuật giảng dạy khác, giúp nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học, như sau:

- Cười nhiều hơn, lắng nghe sinh viên không chỉ bằng đôi tai mà bằng cả trái tim (Open mind - Open heart - Open will); nói “Xin lỗi” và “Cảm ơn” sinh viên đúng lúc.

- Không mang những áp lực của bản thân bên ngoài đến lớp, không tạo ra rào cản và khiến giảng viên - sinh viên trở nên đối đầu.

- Phát triển sinh viên không chỉ về trí tuệ mà còn về cảm xúc; không tạo ra sự sợ hãi hay tức giận, không để sinh viên phải đấu tranh giữa sự can đảm và sự trung thực (sự sợ hãi và sự gian dối); không rèn sinh viên thành người máy chỉ biết răm rắp làm theo những yêu cầu của giảng viên, mà không có tư duy phân tích và phản biện.

- Cho phép sinh viên sai lầm trong học tập, để khuyến khích sự tư duy và phát huy sự sáng tạo.

- Điều chỉnh kỳ vọng đối với sinh viên. Khi giảng viên đặt yêu cầu quá cao và sinh viên không thực hiện được, sẽ tạo ra cảm xúc tiêu cực ở cả sinh viên và giảng viên. Khi đó, giảng viên cảm thấy tức giận, còn sinh viên cảm thấy tự ti và kém cỏi.

- Tăng cường sự tin tưởng vào sinh viên, giao quyền lên kế hoạch học tập, thảo luận, trao đổi trên lớp, phân chia nhiệm vụ, quản lý và đánh giá thành viên trong nhóm cho sinh viên.

- Khen ngợi, thể hiện sự ghi nhận sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của sinh viên, khuyến khích sự cải tiến liên tục ở sinh viên.

- Không để công nghệ trở thành rào cản và hình thành khoảng cách trong hoạt động dạy - học của thầy và trò: thời đại kỷ nguyên số rất cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy, tổ chức trò chơi, quản lý lớp học, đồng thời giảng viên cũng cần quan tâm, theo dõi, hỗ trợ sinh viên kịp thời, tránh trường hợp lạm dụng và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ khiến sinh viên cảm thấy thiếu sự tương tác và hướng dẫn trực tiếp của sinh viên.

- Xây dựng lớp học vừa có không khí vui vẻ, thân thiện vừa đảm bảo chất lượng học tập, cạnh tranh lành mạnh.

5. Kết luận

Các phương pháp giảng dạy có khác nhau về cách thức tiến hành, nhưng vẫn hướng về việc mang đến hiệu quả dạy và học tốt nhất cho giảng viên và sinh viên của các ngành nói chung và ngành kế toán nói riêng. Thuyết kiến tạo trong môi trường học tập tích cực cùng trí tuệ nhân tạo hướng đến giáo dục chủ động trong thời đại số với mục tiêu mọi sinh viên đều tham gia vào lớp học, phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và tập thể của sinh viên trong một môi trường học tập mở và dân chủ. Để không còn sinh viên nào cảm thấy bị bỏ rơi lại phía sau trong một môi trường học tập tích cực và hạnh phúc, mỗi giảng viên hãy luôn cải tiến và nâng cao chuyên môn bản thân lẫn phương pháp giảng dạy để chính mỗi giảng viên trở thành sứ giả cho sự đổi mới tích cực trong phương pháp giảng dạy từ tốt đến tốt hơn.

Tài liệu tham khảo

Balcan, M. F., & Urner, R. (2016). Active Learning – Modern Learning Theory.

Garrison, D.R. and T. Anderson, (2003). E-learning in the 21st century: A framework for research and practice, London: Routledge Falmer.

Gilakjani, A. P., Leong, L. M., & Ismail, H. N. (2013). Teachers' Use of Technology and Constructivism. International Journal of Modern Education & Computer Science, 5(4): 49-63

Hartikainen, S., Rintala, H., Pylväs, L., & Nokelainen, P. (2019). The concept of active learning and the measurement of learning outcomes: A review of research in engineering higher education.Education Sciences,9(4): 276.

Kolb, D. A. (1984). Experiential Learning: Experience as the Source of Learning and Development. 416. Prentice-Hall, 416, Englewood Cliffs, N.J.

Lankes, D. (2015). "Constructivism," in Learning Theories. https://www.learning-theories.com/constructivism.html (Truy cập ngày 10/7/2022).

Lê Quang Sơn (2017). Cơ sở tâm lý – giáo dục Đại học. NXB Thông tin và Truyền thông.

Markham, T. (2011). Project Based Learning. Teacher Librarian, 39(2): 38-42.

Nguyễn Thị Mai Hương (2017), “Mô hình giáo dục “học tập chủ động” - Kinh nghiệm của một số trường đại học châu Âu”. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp quốc gia: Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy kế toán phù hợp với yêu cầu cài cách kế toán trong gia đoạn mới. NXB Lao động, tháng 06/2017: 128-135.

Nguyễn Hữu Phú và Hồ Thị Phi Yến (2022). Tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain đến ngành nghề kế toán, kiểm toán trong tương lai. Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Duy Tân, Tập 53, Số 4: 90-94.

Nguyễn Văn Long. (2016). Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ: Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn tại Việt Nam.Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu Giáo dục, Tập 32, Số 2: 36-47.

Phạm Đức Cường. (2017). Áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm vào đào tạo kế toán và tài chính - Kinh nghiệm nước ngoài và bài học cho Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp quốc gia: “Nghiên cứu và đào tạo kế toán, kiểm toán của các trường đại học Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế”, NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân, năm 2017: 21-30.

Phan Thị Thanh Thuý. (2018), “Vận dụng mô hình học trải nghiệm của David Kolb trong dạy học các phần thực hành thuộc chuyên ngành quản trị văn phòng”. Tạp chí Giáo dục, số 427: 40-43.

Robert Loo. (2004). Kolb's learning styles and learning preferences: is there a linkage? Educational Psychology, 24(1): 99-108.

Thích Nhất Hạnh & Weare, K. (2018). Thầy cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. NXB Hà Nội.

 

Nguồn: Tạp chí Kế toán và Kiểm toán

Xem thêm
Ảnh hưởng của TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) đến lĩnh vực kiểm toán

Ảnh hưởng của TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) đến lĩnh vực kiểm toán

Tổ chức kế toán trong doanh nghiệp sản xuất:Trường hợp nghiên cứu tại công ty trách nhiệm hữu hạn Vicông tyory SportingGoods Vietnam

Tổ chức kế toán trong doanh nghiệp sản xuất:Trường hợp nghiên cứu tại công ty trách nhiệm hữu hạn Vicông tyory SportingGoods Vietnam

Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán tại các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán tại các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Ứng dụng phân tích lợi nhuận đa chiều tại các ngân hàng thương mại trên thế giới và gợi ý đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam

Ứng dụng phân tích lợi nhuận đa chiều tại các ngân hàng thương mại trên thế giới và gợi ý đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam

Ảnh hưởng của tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) đến hoạt động kiểm toán

Ảnh hưởng của tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) đến hoạt động kiểm toán

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh