- Báo cáo tài chính tích hợp và khả năng công bố báo cáo tài chính tích hợp của các doanh nghiệp tại Việt Nam
- Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế dành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (IFRS for SME) Khả năng áp dụng ở Việt Nam
- Kế toán – kiểm toán và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Cơ sở pháp lý liên quan đến các khoản dự phòng trong doanh nghiệp hiện nay: Thực trạng và kiến nghị
- Những vấn đề đặt ra đối với quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay
Sự thay đổi cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
|
Kiểm toán nội bộ (KTNB) là một công cụ quan trọng, để quản lý doanh nghiệp (DN) và nâng cao chất lượng hoạt động của DN. Mặc dù thời gian gần đây, các DN đã chú trọng tổ chức, xây dựng và thực hiện công tác KTNB, nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mới được chú trọng ở các DN có quy mô lớn, các DN niêm yết, các Tập đoàn, Tổng công ty, …. Bài viết này chỉ rõ, các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động KTNB tại các DN ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, đưa ra một số các giải pháp, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động KTNB.
1. KTNB và vai trò của nó trong quản trị DN
Theo viện KTNB (IIA) “KTNB là hoạt động đánh giá và tư vấn độc lập trong nội bộ tổ chức, được thiết kế nhằm cải tiến và tăng giá trị cho các hoạt động của tổ chức đó. Giúp tổ chức đạt được mục tiêu, bằng việc đánh giá và cải tiến một cách có hệ thống và chuẩn tắc tính hiệu lực của quy trình quản trị, kiểm soát và quản lý rủi ro”
Theo Điều 39, của Luật Kế toán, số 88/2015/QH13 về kiểm soát nội bộ (KSNB) và KTNB thì “KSNB là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra” và “KTNB là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của KSNB”
Như vậy, KTNB là hoạt động cần thiết và quan trọng trong quản trị DN, KTNB giúp DN thực hiện mục tiêu thông qua việc tiếp cận và đánh giá hệ thống các hoạt động. KTNB kiểm tra tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống KSNB, kiểm tra xác nhận tính trung thực hợp lý của các thông tin tình hình tài chính, xem xét việc tuân thủ các nguyên tắc hoạt động, tính tuân thủ pháp luật cũng như đánh giá về hiệu quả của các hoạt động trong DN. Đây là công cụ phát hiện và cải tiến những yếu điểm trong hệ thống quản lý của DN. Thông qua công cụ này, ban quản trị DN có thể kiểm soát tài chính và vật chất, quản lý rủi ro tốt hơn và tăng khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh. Rõ ràng, đây được xem như một hoạt động tư vấn và đảm bảo mang tính độc lập, khách quan được thiết kế, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động cho đơn vị.
Trên thế giới, các nghiên cứu liên quan đến KTNB đã được thực hiện từ rất sớm và khá đa dạng. Nghiên cứu của Bursa Malaysia (2009) thừa nhận tầm quan trọng của KTNB và vai trò của KTVNB trong quá trình quản trị của một tổ chức. KTVNB đóng một vai trò quan trọng, trong việc giám sát hồ sơ rủi ro của công ty và xác định các lĩnh vực để cải thiện quản lý rủi ro (Goodwin và Kent, 2006). Cơ chế giám sát DN bao gồm các hoạt động giám sát từ hội đồng quản trị và thực hiện kiểm toán để đảm bảo tính toàn vẹn của báo cáo tài chính (Public Oversight Board, 1993). Nghiên cứu của Smith (2010) đã thừa nhận vai trò quan trọng của KTVNB, để cải thiện quản trị tổ chức tại Hoa Kỳ. Vai trò đặc biệt này của KTVNB cũng đã được Viện KTVNB Hoa Kỳ đề cập (IIA, 2003a, được trích dẫn ở Matarneh, 2011). Chức năng KTNB hiệu quả là một nhân tố quan trọng trong hai hoạt động quản trị cơ bản; Giám sát rủi ro và đảm bảo kiểm soát. Hơn nữa, chức năng KTNB đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính tuân thủ và có thể dành nhiều thời gian cho công việc tư vấn hoặc hoạt động theo định hướng, với mục tiêu nâng cao hiệu quả của tổ chức; (Hermanson và Rittenberg, 2003).
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, không phải tất cả các DN nước ta đều nhận thấy hết lợi ích mang lại của hoạt động KTNB và đầu tư đúng mức cho hoạt động đó. Hiện nay, vẫn chưa nhiều DN ở Việt Nam tổ chức xây dựng bộ phận KTNB trong đơn vị. Hơn nữa, tại các DN đã có hệ thống KTNB thì vẫn chưa phát huy được vai trò của nó và DN cũng chưa thực sự nỗ lực, tạo thuận lợi cho hoạt động này phát triển theo đúng kỳ vọng. Như vậy, dưới góc độ DN, cần thiết phải nhận thức đúng vai trò và lợi ích mang lại của hoạt động KTNB từ đó tổ chức xây dựng, triển khai và nâng cao chất lượng hoạt động KTNB trong DN. Từ đó, nâng cao chất lượng quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động KTNB
Cho đến nay, lĩnh vực KTNB rất được các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam quan tâm và nghiên cứu. Vấn đề chất lượng hoạt động KTNB cũng được nhiều nhà nghiên cứu lưạ chọn. Nghiên cứu của Alzeban & Gwilliam (2014) nhằm xem xét mối quan hệ giữa hiệu quả KTNB với 5 nhân tố: Năng lực KTVNB; Kích thuớc bộ phận KTNB; Mối quan hệ trong và ngoài của KTVNB; Hỗ trợ quản lý cho KTNB và Tính độc lập của KTNB. Nghiên cứu thực nghiệm của Drogalas & cộng sự (2015) tại 140 DN HiLạp niêm yết trên sàn chứng khoán Athens, xác định các nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả KTNB là: (1) chất lượng của KTNB, (2) thẩm quyền của nhóm KTNB, (3) tính độc lập của KTNB và (4) hỗ trợ quản lý. Nghiên cứu về chất lượng KTNB của Wubishet Jemaneh Deribe và Dereje Getachew Regasa (2014) tại 15 ngân hàng thương mại thuộc châu Phi đã chỉ ra rằng, chất lượng KTNB chịu ảnh hưởng của các nhân tố: Thẩm quyền của KTVNB, tính khách quan của KTVNB, hiệu suất của KTNB, tiếp cận với công nghệ thông tin của KTVNB.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu liên quan đến chất lượng KTNB cũng đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu xuất hiện KTNB. (Nguyễn Thị Hiên, 2009) đã chỉ rõ những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác KTNB. Đó là những nhân tố trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho công tác KTNB đạt hiệu quả cao hay kém hiệu quả. Các nhân tố trực tiếp thường liên quan đến các chỉ tiêu về định lượng, còn các nhân tố gián tiếp thường liên quan đến các chỉ tiêu về định tính. Đồng thời, tác giả còn chỉ ra mối liên quan giữa hiệu quả hoạt động KTNB và đội ngũ KTVNB. (Nguyễn Minh Phương, 2016) đã đưa ra và phân tích 3 nhân tố khách quan và 4 nhân tố chủ quan có ảnh huởng đến KTNB, trong ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Trong nghiên cứu (Phan Trung Kiên, 2014) đánh giá việc thực hiện chức năng KTNB trong các Tổng công ty Xây dựng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2008 đến 2014. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, tác giả lý giải về thực trạng hiện tại và đề xuất những giải pháp cho hoạt động kiểm toán trong DN. Tác giả đánh giá thực hiện chức năng KTNB được thực hiện theo 5 nhóm tiêu chí là: Môi trường, đầu ra, chất lượng, hiệu quả và tác động của KTNB. (Vũ Thúy Hà, 2016) đã xem xét, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng KTNB tại Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam bao gồm tính độc lập KTNB, kiểm soát chất lượng KTNB, chính sách đào tạo, kinh nghiệm KTVNB, ý thức nghề nghiệp và yếu tố công ty.
Như vậy, qua các nghiên cứu của tác tác giả, có thể thấy chất lượng hoạt động KTNB ở các DN hiện nay ảnh hưởng bởi các yếu tố sau;
Thứ nhất, tính độc lập và khách quan của bộ phận KTNB
Có thể nói tính độc lập và khách quan của bộ phận KTNB là yếu tố quyết định đến sự hiệu quả của công tác KTNB. Trên thế giới, có 3 mô hình KTNB phổ biến đó là mô hình hoàn toàn tự lực, mô hình tự lực một phần và hỗ trợ một phần, và mô hình thuê ngoài hoàn toàn.
Về mặt lý luận, các DN Việt Nam hiện nay đang áp dụng mô hình hoàn toàn tự lực, bộ phận KTNB được xây dựng trực thuộc cấp quản lý cao nhất như hội đồng quản trị, tổng giám đốc (Giám đốc) và độc lập với các phòng ban. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy tại các DN bộ phận KTNB vẫn chịu sự chi phối, can thiệp của quản lý các cấp. Có rất nhiều trường hợp nhân viên KTNB kiêm vị trí quản lý tại DN, một số trường hợp kiểm toán viên nội bộ không thể tác nghiệp vị chịu sự cản trở của các nhà quản lý bộ phận. Như vậy, rõ ràng bộ phận KTNB chưa được thực sự độc lập, khách quan trong hoạt động. Từ đó chất lượng thực sự do cuộc KTNB mang lại là không cao. Nhiều trường hợp DN xây dựng bộ phận KTNB như một sự đối phó và không quan tâm thực sự đến hiệu quả của hoạt động.
Thứ hai, trình độ nhân lực KTNB
Khác với kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước, những người thực hiện công việc kiểm toán phải có chuyên môn về lĩnh vực kiểm toán. Kiểm toán viên độc lập cần phải có chứng chỉ hành nghề kiểm toán (CPA), kiểm toán viên nhà nước phải được Tổng kiểm toán bổ nhiệm. Riêng loại hình KTNB thì nhân lực hoạt động là những người trong nội bộ DN và được đề bạc bởi DN. Kiểm toán viên nội bộ không nhất thiết phải có chuyên môn hay chứng chỉ hành nghề liên quan kế toán, không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp kiểm toán, họ thường là những người có chuyên môn, có thâm niên làm việc lâu năm tại các đơn vị, thực hiện công tác KTNB thông qua việc đánh giá, giám sát hoạt động của đơn vị hơn là thực hiện chức năng tư vấn, đảm bảo cho hoạt động của đơn vị. Do đó, người làm công tác KTNB tại DN chưa thực sự chuyên nghiệp trong việc tổ chức xây dựng quy trình KTNB, nâng cao chất lượng hoạt động KTNB, thực hiện được chức năng đảm bảo và tư vấn như kỳ vọng hiện nay về hoạt động này. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay cũng chưa có cơ quan hay tổ chức nghề nghiệp nào đào tạo, thi và cấp chứng chỉ về KTNB. CIA là chứng chỉ KTNB duy nhất hiện nay được cấp bởi IIA – Viện KTNB quốc tế. ở nước ta, số người sở hữu chứng chỉ này chỉ 44 người tính đến hiện nay, ít hơn rất nhiều so với các quốc gia trong cùng khu vực và trên tế giới. Như vậy, nhân lực có chuyên môn và chất lượng về hoạt động KTNB ở Việt Nam hiện nay còn thiếu hụt rất nhiều, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu và sự phát triển hiện nay tại các DN.
Thứ ba, quy trình hướng dẫn nghiệp vụ
Hiện nay, hiệp hội kiểm toán viên VN cũng đã ban hành chương trình kiểm toán mẫu hướng dẫn thực hiện cuộc kiểm toán độc lập, Tổng kiểm toán Nhà cũng ban hành quy trình thực hiện hoạt động Kiểm toán nhà nước. Riêng đối với hoạt động KTNB thì chưa có một cơ quan hay tổ chức nào ban hành về quy trình kiểm toán mẫu về hoạt động KTNB để bộ phận KTNB tại các DN có thể định hướng và thực hiện. Tại các DN hiện nay, việc tổ chức xây dựng các tiêu chí đánh giá hoạt động đều do kiểm toán viên thực hiện. Đối với các DN mới tiếp cận và thiết lập bộ phận KTNB thì việc xây dựng chương trình kiểm toán và thực hiện công việc kiểm toán đạt hiệu quả là một điều vô cùng khó khăn. Đối với các DN có hoạt động KTNB được tổ chức hoạt động qua nhiều năm thì công việc thuận lợi hơn vì đã dần cải thiện được quy trình KTNB phù hợp với DN. Tuy nhiên, nhìn chung hiện nay thì vẫn chỉ tập trung vào công tác kiểm toán liên quan đến tình hình tài chính của DN, kiểm tra kiểm soát các hoạt động quá khứ mà chưa tập trung xây dựng tiêu chí đánh giá các hoạt động phi tài chính cũng như tư vấn về hiệu quả đầu tư hay dự báo, đưa ra kết quả đảm bảo trong tương lai về hoat động của DN.
Thứ tư, về quy phạm pháp lý
Ở Việt Nam, văn bản pháp quy đầu tiên của hoạt động KTNB là Quyết định số 832 -TC/QĐ-CĐKT của Bộ Tài chính ban hành ngày 28/10/1997 về Quy chế KTNB trong các DN Nhà nước (SOE), trong đó trình bày về mục đích, chức năng, nguyên tắc, phạm vi, nhiệm vụ và các vấn đề về nhân sự của KTNB trong DN Nhà nước. Sau đó, Bộ Tài chính ban hành thêm các văn bản: Thông tư số 52/1998-TT/BTC ngày 16/4/1998, hướng dẫn tổ chức bộ máy KTNB tại DNNN; Công văn số 287-TC/TCDN ngày 3/8/1998 về việc bổ nhiệm kiểm toán viên nội bộ và Thông tư 171/1998-TT/BTC ngày 22/12/1998, hướng dẫn thực hiện KTNB tại DNNN. Như vậy, tính đến nay, cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp lý liên đến hoạt động KTNB là Bộ Tài chính và các văn bản chính thức ban hành cũng chỉ hướng dẫn và áp dụng cho các DN Nhà nước.
Cuối năm 2016, Chính phủ lần đầu tiên cho soạn thảo bản dự thảo Nghị định về KTNB hướng dẫn thi hành Điều 39 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 về KSNB và KTNB - áp dụng cho tất cả các loại hình DN: Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp và DN. Dự thảo nghị định đưa ra một số các thay đổi cơ bản so với là Quyết định 832 -TC/QĐ-CĐKT như quy định tổ chức bắt buộc với hoạt động KTNB, quyền lợi của kiểm toán viên nội bộ, kế hoạch KTNB hằng năm, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của bộ phận KTNB, đảm bảo chất lượng hoạt động KTNB, lưu trữ hồ sơ tài liệu KTNB… Tuy nhiên, hiện nay nay Chính phủ vẫn chưa chính thức ban hành Nghị định hướng dẫn để DN áp dụng và từ đó Bộ Tài chính vẫn chưa thể ban hành các văn bản hướng dẫn thị hành Nghị định, trong khi Luật Kế toán số 88 đã có hiệu lực từ 1/1/2017. Do đó, các DN rất khó khăn trong việc tổ chức, vận hành bộ phận KTNB một cách khuôn khổ, có chất lượng. Gần như hoạt động KTNB chỉ thực hiện theo chỉ đạo, theo yêu cầu của nhà quản lý DN.
Thứ năm, kiểm soát chất lượng hoạt động KTNB
Trong các DN hiện nay, công tác KTNB được thực hiện bởi bộ phận KTNB. Bộ phận này được xem như là bộ phận quan trọng nhất trong việc kiểm tra, soát xét, đánh giá các hoạt động tại đơn vị. Chủ DN luôn tin tưởng vào kết quả của bộ phận này mà bỏ qua giai đoạn kiểm soát lại chất lượng của hoạt động KTNB. Hơn nữa, hiện nay nhà quản trị tài chính DN phần lớn là đại diện chủ sở hữu chứ không phải người chủ thực sự của DN, nên vấn đề quản lý bộ phận KTNB, kiểm soát lại công tác KTNB vẫn còn bỏ ngõ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực sự của hoạt động KTNB trong các DN.
3. Sự thay đổi cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KTNB trong các DN Việt Nam hiện nay.
Về phía Nhà nước
Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành dự thảo nghị định về KTNB hướng dẫn Điều 39 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 về KSNB và KTNB vào năm 2016. Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 11/2017), đã hơn 11 tháng, tuy nhiên vẫn chưa ban hành văn bản chính thức để hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, các cấp có liên quan cần sớm phối hợp để chính thức ban hành nghị định hướng dẫn để các tổ chức, các DN có thể làm cơ sở thực hiện hoạt động. Từ đó, Bộ Tài chính mới có thể ban hành các thông tư hướng dẫn để cụ thể giúp các DN xây dựng, tổ chức hoạt động KTNB nhằm nâng cao chất lượng, giảm thiểu sai phạm và rủi ro trong hoạt động của DN.
Thứ hai, KTNB là một hoạt động quan trọng không kém hoạt động kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước nên cần thiết phải xây dựng một hệ thống văn bản từ Luật KTNB, Nghị định hướng dẫn, các Thông tư, các chuẩn mực KTNB, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp KTNB. Có như vậy, các DN mới càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của hoạt động KTNB và có hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện hoạt động trong DN.
Thứ ba, ngoài các văn bản pháp quy trên, Bộ Tài chính cần thiết soạn thảo và ban hành Khung đánh giá chức năng hoạt động KTNB. Đây là cơ sở trực tiếp để định ra các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động KTNB. Trên thế giới, khung đánh giá này đã được Viện KTNB công bố năm từ năm 1980.
Thứ tư, Bộ Tài chính cần sớm xây dựng chương trình đào tạo kiểm toán viên nội bộ, sớm chỉ đạo thành lập hiệp hội kiểm toán viên nội bộ giúp các DN có định hướng về công tác KTNB tại đơn vị, tổ chức cập nhật kiến thức thường xuyên về hoạt động KTNB ở quốc gia cũng như trên thế giới nhằm nâng cao năng lực của người làm công các KTNB, giúp cho hoạt động KTNB đạt được mục tiêu như kỳ vọng của DN.
Thứ năm, không ngừng hợp tác với các tổ chức KTNB trên thế giới nhằm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về phía DN
Thứ nhất, Các DN hiện nay phải nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động KTNB. Đây là một công cụ thực sự quan trọng và hữu hiệu của các nhà quản lý và không thể thiếu được trong quản lý. Trong dự thảo nghị định KTNB có trình bày về các loại hình DN bắt buộc có bộ phận KTNB. Tuy nhiên, các DN cần thiết phải xây dựng bộ phận KTNB cho riêng mình mà không nhất thiết DN phải là đối tượng bắt buộc phải xây dựng.
Thứ hai, việc xây dựng bộ phận KTNB trong DN phải thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân của DN, có như vậy thì hoạt động KTNB mới được đầu tư, quan tâm và phát huy được các chức năng của mình.
Thứ ba, độc lập là nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của kiểm toán. KTV nội bộ phải đảm bảo độc lập ở mức độ cần thiết, đủ để họ có thể thực hiện công việc kiểm toán một cách độc lập và đưa ra những kết luận khách quan. Như vậy, DN cần thiết xây dựng một bộ phận KTNB thực sự độc lập trong DN cả về mô hình lẫn chức năng hoạt động.
Thứ tư, DN cần có sự đầu tư thích đáng cho việc xây dựng đội ngũ kiểm toán viên nội bộ. DN cần phải có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm toán không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động của DN mà phải giỏi cả về công tác kiểm toán từ đó mới có thể giúp DN trong công tác đánh giá, tư vấn và đảm bảo cho hoạt đông của DN.
Thứ năm, kiểm soát chất lượng kiểm toán đang được thừa nhận như một chức năng quản lý của hoạt động kiểm toán, là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chuyên môn nghề nghiệp của DN. Do vậy, việc thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát chất lượng KTNB là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu đối với mỗi DN.
Thứ sáu, thường xuyên tổ chức các cuộc họp trao đổi giữa nhà quản trị DN với bộ phận KTNB để đánh giá công tác kiểm toán, báo cáo kết quả kiểm toán, lập kế hoạch kiểm toán cụ thể cho DN, đưa ra các ý kiến cải thiện chất lượng công việc và hoạt động của đơn vị, cải tiến và chuẩn hóa quy trình, phương pháp kiểm toán.
4. Kết luận
Nhìn vào sự phát triển của hoạt động KTNB ở Việt Nam trong những năm gần đây, thì rõ ràng nhận thấy hoạt động KTNB đã có bước phát triển và chuyển mình. Tuy nhiên, sự phát triển này còn khá xa so với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Thực tế tại các DN hiện nay cũng có nhu cầu rất lớn về hoạt động này vì KTNB hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của DN. Tuy nhiên, các DN vẫn loay hoay và không thể định hướng, xây dựng bộ phận KTNB hoạt động đúng theo yêu cầu và kỳ vọng của nhà quản trị, bởi lẽ có quá nhiều rào cản như đã đề cập. Như vậy, cần thiết phải thay đổi và cải thiện các vấn đề như trên ở cả góc độ Nhà nước và góc độ DN thì mới có thể đưa hoạt động KTNB trở về đúng với chức năng của nó – một hoạt động đánh giá, tư vấn độc lập cho quản trị DN./.
Tài liệu tham khảo
[1] Alzeban, Abdulaziz & Gwilliam, David (2014), Factors affecting the internal audit effectiveness: A survery of the Saudi public sector, Journal of International Accounting, Auditing and Taxation.
[2] AJ Purcell, (2017), Kinh nghiệm KTNB cho Việt Nam, VACPA Việt Nam
[3] Bộ tài chính, (1997), Quyết định số 832 -TC/QĐ-CĐKT - về việc Ban hành quy chế KTNB cho các DN nhà nước.
[4] Drogalas, George, Karagiorgos, Theofanis & Arampatzis, Konstantinos (2015), Factors associated with Internal Audit Effectiveness: Evidence from Greece, Academic Journais
[5] Dự thảo nghị định KTNB hướng dẫn thi hành Luật kế toán 88/2015/QH13, 2016, Bộ tài chính
[6] Phan Trung Kiên, (2008). Hoàn thiện tổ chức KTNB trong DN xây dựng Việt Nam.
[7] Nguyễn Phú Giang, (2015), KTNB, Nhà xuất bản tài chính
[8] Vũ Thúy Hà, (2016), Nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng KTNB trong các tổng công ty thuộc tập đoàn công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 228 (11).
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) –
TS. Hồ Tuấn Vũ * Ths. Nguyễn Thị Quỳnh Giao * * Đại học Duy Tân