Phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro kinh doanh giải pháp phát triển lĩnh vực kiểm toán trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0


Trước thực tế rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Industrie 4.0) đang dần hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và trong môi trường kiểm toán nói riêng.  Do đó, các công ty kiểm toán và kiểm toán viên (KTV) cần có những thay đổi trong chiến lược hoạt động nhằm đối phó với những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Bài viết tổng hợp các luận điểm từ các nhà nghiên cứu trên thế giới về phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro kinh doanh (RRKD) nhằm giúp các KTV và công ty kiểm toán có sự nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của phương pháp này và có những thay đổi phù hợp trong quá trình cung cấp dịch vụ trong thời gian sắp tới.

Thị trường dịch vụ kiểm toán thời gian qua, đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn như môi trường pháp lý được hình thành tương đối đầy đủ và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm giúp cho việc cung cấp thông tin tài chính trung thực, kịp thời cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng cường tính công khai, minh bạch của thông tin và lành mạnh nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, trước những dự báo về sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài, các thương vụ mua, bán, sáp nhập, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, kế hoạch tái cấu trúc của các doanh nghiệp, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...đặt ra yêu cầu cho lĩnh vực kiểm toán cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ kiểm toán.

Những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực kiểm toán tại Việt Nam.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh, dựa trên việc sử dụng internet kết nối vạn vật để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng này tác động mạnh mẽ và toàn diện đến kinh tế, xã hội, môi trường trên toàn thế giới và tác động đến tất cả các ngành, các lĩnh vực với tốc độ công nghệ đột phá chưa từng có trong lịch sử, trong đó có cả lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Điều này đòi hỏi cơ quan kiểm toán và các KTV phải tự đổi mới, nâng cấp để đáp ứng được yêu cầu mới trong quá trình hoạt động. Đối với cơ quan kiểm toán, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi một sự chuẩn bị thật tốt về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) để bắt kịp sự phát triển của công nghệ, giảm thiểu rủi ro mất thông tin vì thông tin kiểm toán có thể bị rò rỉ thông qua việc trao đổi thông tin, kết quả cuộc kiểm toán giữa công ty kiểm toán và người sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, cuộc cách mạng cũng đặt ra yêu cầu thay đổi quy trình kiểm toán cũng như việc vận dụng các phương pháp kiểm toán một cách hiệu quả trong điều kiện các doanh nghiệp tại Việt Nam đang từng bước thay đổi nội lực của chính mình, để có thể hòa nhập nhanh và sâu rộng với thế giới. Chính lý do này đã tạo nên sự đa dạng về lĩnh vực hoạt động kinh doanh lẫn sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp. Do đó, phương pháp tiếp cận kiểm toán cần dựa trên RRKD của đơn vị được kiểm toán.

Phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên RRKD

RRKD là rủi ro mà một quá trình không thể tạo ra những hiệu quả cần thiết nhằm đạt được một hay nhiều mục tiêu chiến lược của công ty đề ra (Bell, Peecher, & Solomon, 2002).

Tầm quan trọng của việc hiểu rõ hoạt động kinh doanh và môi trường cạnh tranh của khách hàng nhằm đạt được cuộc kiểm toán có hiệu quả là một điều được thừa nhận rộng rãi (PCAOB, 2010). Cụ thể hơn, PCAOB (2010) yêu cầu KTV hiểu mục tiêu và chiến lược của công ty và những rủi ro kinh doanh liên quan có thể dẫn đến rủi ro sai lệch trọng yếu.

Trong những năm 1990, các công ty kiểm toán lớn bắt đầu phát triển các phương pháp kiểm toán mới dựa trên hiểu biết sâu sắc về môi trường kinh doanh, kế hoạch và rủi ro của khách hàng. Phương pháp của họ thường được gọi là kiểm toán RRKD (Curtis và Turley, 2007; Eilifsen và cộng sự, 2001; Lemon và cộng sự, 2000; Peecher và cộng sự, 2007; Robson và cộng sự, 2007).

Phương pháp kiểm toán dựa vào RRKD được xây dựng từ định nghĩa trong việc kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC), ví dụ như việc thu thập thông tin về tình hình kinh doanh của khách hàng theo phương thức từ trên xuống (top down) hoặc là phương pháp tiếp cận hệ thống trong việc kiểm toán BCTC (Bell và các cộng sự, 1997). Bell và các cộng sự (1997) giải thích cho phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên RRKD như sau: “Nếu một công ty có một chiến lược khả thi, những kế hoạch hợp lý, hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, và sổ sách kế toán gần đúng với sự mong chờ, thì nhu cầu cho việc kiểm toán chi tiết sẽ bị giới hạn cho những khoản mục ngoại lệ.

Nguồn gốc của phương pháp này xuất phát từ quản trị rủi ro, sự xuất hiện của quản trị rủi ro là công cụ quan trọng nhất trong chiến lược quản lý, trong đó khái niệm về quản trị rủi ro lại liên quan rất chặt chẽ với khái niệm rủi ro kiểm toán, sẽ đi vào quá trình kiểm toán (Knechel, 2007). Đồng thời theo tác giả, phương pháp tiếp cận mới này chính kết quả của sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động kiểm toán trong những năm 1980, việc mở rộng của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế, sự cải tiến công nghệ và yêu cầu nhận thức để giảm chi phí trong quá trình kiểm toán. việc sử dụng mô hình RRKD sẽ đáp ứng kịp thời sự tăng trưởng và thay đổi mạnh mẽ về môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như giúp KTV có thể thu thập được sự hiểu biết đầy đủ và chính xác về đơn vị nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán (Bell và cộng sự, 1997).

Các nghiên cứu của KPMG cho rằng phương pháp tiếp cận dựa trên hệ thống rủi ro là một phương pháp sáng tạo và có hiệu quả cao để đáp ứng các mục tiêu kiểm toán và công ty kiểm toán. Trong phương pháp này, các KTV vẫn sử dụng một số thủ tục truyền thống và dành phần lớn thời gian kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro, thực hiện các thủ tục thông thường đối với hầu hết các phần hành và đưa ra các ý kiến về các BCTC.

Sự khác biệt lớn nhất ở đây là việc tiếp cận trên đòi hỏi một nền tảng kiến thức bao quát ở nhiều lĩnh vực như kiểm toán, kinh tế và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Mô hình BMP mà Bell và các cộng sự (1997) đề xuất bao gồm năm thủ tục hướng dẫn các kiểm toán viên đánh giá hoạt động kinh doanh của khách hàng: 1- Phân tích chiến lược; 2- Phân tích quá trình kinh doanh; 3- Đánh giá rủi ro; 4- o lường đơn vị kinh doanh; và 5- Cải tiến liên tục.

Khi đi vào kiểm toán chi tiết theo quy trình trên, KTV sẽ xác định những rủi ro đưa đến các sai sót trọng yếu và tìm hiểu đơn vị đang làm thế nào để kiểm soát chúng, sau đó đưa ra đánh giá về phương pháp mà khách hàng đang áp dụng và đánh giá RRKD cho khách hàng cũng như đề ra các phương pháp tiếp cận kiểm toán.

Fischer (1996) cho rằng, cần phải có một phương pháp tốt hơn để thực hiện kiểm toán mà hiệu quả vẫn không thay đổi. Ông đề nghị một phương pháp tiếp cận mới để thích ứng với môi trường công nghệ phát triển ngày càng nhanh và giảm bớt hoặc loại bỏ các thủ tục kiểm toán tốn kém và không mang lại hiệu quả. Phương thức tiếp cận dựa trên rủi ro tài chính được nâng cấp bằng cách tập trung nhiều hơn vào RRKD. Theo phương thức tiếp cận này, KTV sử dụng hiểu biết về khách hàng, môi trường hoạt động để có thể thực hiện một cuộc kiểm toán hữu hiệu và hiệu quả hơn. KTV sẽ không còn tập trung vào các nghiệp vụ thường xuyên tức là giả định rằng, các nghiệp vụ được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống kiểm soát nội bộ. Thay vào đó, KTV tập trung kiểm tra các nghiệp vụ bất thường, những ước tính kế toán và các đánh giá của nhà quản lý, vì đây có thể là những vấn đề tạo nên sai lệch trọng yếu trên BCTC.

Lemon và các cộng sự (2000) cho rằng tính hiệu quả của cuộc kiểm toán và các dịch vụ cho khách hàng được xem là hai lý do chính cho sự phát triển của mô hình RRKD.

Thứ nhất, mô hình RRKD được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng của cuộc kiểm toán bởi vì cách thức doanh nghiệp điều hành, quản lý nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra thường có ảnh hưởng lớn đến BCTC trong khi việc sửa chữa lỗi /khuyết điểm ít khi được coi là nguyên nhân tạo ra các sai sót trọng yếu.

Thứ hai, mô hình RRKD có thể nâng cao giá trị dịch vụ cho khách hàng vì nó mang đến một giá trị tăng thêm cho khách hàng bằng cách tập trung vào một phạm vi rộng hơn các RRKD và giúp cho KTV hiểu một cách đầy đủ các rủi ro và các hoạt động kiểm soát của khách hàng.

Các lý do khác cho việc tiếp cận theo mô hình RRKD bao gồm sự thay đổi trong hệ thống thông tin và chất lượng dữ liệu ngày càng cao hơn được cung cấp bởi những hệ thống IT mới, những yêu cầu ngày càng cao bởi chính quyền và thị trường chứng khoán, quốc tế hóa phương pháp kiểm toán để nâng cao các tiêu chuẩn. Đồng thời, tiết kiệm chi phí, tạo ra sự khác biệt trong các công ty kiểm toán.

Kết luận

Thông qua phân tích những nhận định từ các công trình nghiên cứu công bố trên thế giới, phương pháp kiểm toán dựa trên RRKD được kết luận là phương pháp tối ưu nhất nhất trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển và dự đoán sẽ nhanh chóng lan rộng trên toàn Việt Nam, trong thời gian sắp tới. Do đó, KTV và công ty kiểm toán cần nắm rõ các đặc điểm và các nội dung cần thực hiện đối với phương pháp này, vì thông qua đó, chất lượng kiểm toán sẽ được nâng cao và mọi nguồn lực của công ty sẽ được sử dụng một cách hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo

1. Bell, T., OMarrs, F. Solomon, 1997. Auditing Organiztions Through a Strategic- Systems Lens. The KPMG Business Measurement Process. KPMG LLP.

2. Eilifsen, A., Knechel, W. R., & Wallage, P., (2001). Application of the business risk audit model: A field study. Accounting Horizons, 15, 193-207.

3. Knechel, W.R., 2007. The business risk audit: Origins, obstacles and opportunities. Accounting, Organizations and Society, 32, 383-408.

4 Lemon, W. M., Tatum, K. W., & Turley, W. S. (2000). Developments in the audit methodologies of large accounting firms. London: ABG Professional Information.

5. Peecher, M., Schwartz, R., & Solomon, I., (2007). Its all about audit quality: Perspectives on strategic-systems auditing. Accounting, Organizations and Society, 32, 463-486.

6. Public Company Accounting Oversight Board (PCAOB), (2010). Identifying and assessing risks of material misstatement. Auditing standard 12. Washington, DC: PCAOB

v.v....

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) PGS.TS. Mai Thị Hoàng Minh * TS Trần Anh Hoa - Vũ Kiến Phúc * Trường Đại học Kinh tế TPHCM

 

Xem thêm
Nghiên cứu công bố thông tin về trách nhiệm xã hội dưới góc nhìn của các lý thuyết

Nghiên cứu công bố thông tin về trách nhiệm xã hội dưới góc nhìn của các lý thuyết

Cổ phần hóa ở một số quốc gia trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Cổ phần hóa ở một số quốc gia trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hoạt động Kiểm toán Nhà nước đối với gian lận chuyển giá

Hoạt động Kiểm toán Nhà nước đối với gian lận chuyển giá

Đừng để lỡ cơ hội 4.0

Đừng để lỡ cơ hội 4.0

Về sự hình thành và phát triển của kế toán quản trị ở Việt Nam

Về sự hình thành và phát triển của kế toán quản trị ở Việt Nam

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh