- Xử lý ngày và giờ trong Excel
- Thực trạng quản lý Thuế đối với hộ kinh doanh
- Nhân tố ảnh hưởng đến định giá doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Sự thay đổi cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
- Quy định đáng lưu ý về điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới
Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam: Thực trạng và đề xuất
|
Trong những năm qua, hoạt động dịch vụ kế toán,kiểm toán Việt Nam không ngừng được cải thiện về chấNgoài vai trò cung cấp thông tin cho quản lý và cho các quyết định kinh tế - tài chính, lĩnh vực kế toán và kiểm toán còn trở thành một ngành, một lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ quản lý kinh doanh quan trọng và là dịch vụ không thể thiếu của nền kinh tế mở. Tuy nhiên, để nâng tầm phát triển của lĩnh vực kế toán - kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Thông qua bài viết, tác giả phân tích thực trạng và gợi ý một số đề xuất để nâng cao hiệu quả của thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Thực trạng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam
Kể từ khi hình thành và phát triển cho đến nay, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng. Môi trường pháp lý được hình thành tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Việt Nam đã không ngừng cải cách hệ thống pháp luật kế toán, kiểm toán, cụ thể đã ban hành Luật Kiểm toán độc lập (2011), Luật Kế toán sửa đổi (2015) với tư tưởng nội dung chứa đựng những vấn đề của kế toán, kiểm toán trong điều kiện hội nhập. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”...
Với việc quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hệ thống các doanh nghiệp (DN) kế toán, kiểm toán. Từ chỗ chỉ có 2 DN dịch vụ kế toán, kiểm toán năm 1991, đến nay, cả nước đã có gần 240 DN dịch vụ kế toán, kiểm toán, trong đó có hơn 140 DN dịch vụ kiểm toán và gần 100 DN dịch vụ kế toán với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 700 tỷ đồng/năm. Hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán không chỉ hỗ trợ DN tạo lập thông tin kinh tế, tài chính theo quy định của luật pháp, góp phần tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là tăng cường tính công khai, minh bạch của thông tin tài chính và làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.
Các DN dịch vụ kế toán và kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các DN về pháp luật, chế độ, thể chế tài chính, kế toán của Nhà nước, cũng như việc lập, ghi sổ kế toán, tính thuế, lập báo cáo tài chính.Bên cạnh đó, đánh giá của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng cho thấy, những năm gần đây, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán kiểm toán của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Chất lượng đào tạo về lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng chuyên nghiệp. Nhiều sinh viên học tại Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực qua các kỳ tuyển dụng và quá trình công tác, không thua kém với các sinh viên được đào tạo ở nước ngoài...
Năm 2017, nhiều sự kiện quan trọng của ngành Kế toán - Kiểm toán đã diễn ra, giúp cho các hoạt động này đi sâu hơn về bản chất, hướng tới chất lượng và sự minh bạch. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán, phát hiện, xử lý triệt để nhiều sai phạm. Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc lĩnh vực kế toán, kiểm toán, đi kèm với việc tăng cường tổ chức các hội thảo về định hướng, lộ trình triển khai cũng như bổ trợ kiến thức về Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế tại Việt Nam. Qua đó, nâng cao hơn nữa niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường tài chính tại Việt Nam… Bên cạnh những kết quả tích cực đó, hiện nay, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán đứng trước những cơ hội và thách thức sau:
Năm 2018 và các năm tiếp theo, những dự báo khả quan về tăng trưởng đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính phát triển mạnh, số lượng các công ty niêm yết, công ty đại chúng đều gia tăng các thương vụ mua bán sáp nhập, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), kế hoạch tái cấu trúc của các DN, đặc biệt là những thay đổi trong các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kế toán và kiểm toán… sẽ tiếp tục tạo sự sôi động đối với thị trường kế toán, kiểm toán của Việt Nam.
Năm 2018, kỳ vọng Chính phủ sẽ ra quyết định liên quan đến việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế tại Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kế toán - kiểm toán của Việt Nam trong các năm tiếp theo, tạo động lực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, qua đó nâng cao hơn nữa niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường tài chính tại Việt Nam, đem lại cơ hội lớn cho thị trường kiểm toán độc lập Việt Nam. Trong khi đó, thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán thống nhất đang hình thành trong khu vực các nước ASEAN cũng sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển và nhất thể hoá nghề kế toán, kiểm toán trong khu vực…
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 được nhận định là sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành kế toán - kiểm toán. Các công nghệ số sẽ ngày càng phổ biến và tác động lên DN làm thay đổi cách thức thực hành nghiệp vụ tài chính, kế toán cũng như đặt ra những đòi hỏi nhất định về năng lực đối với đội ngũ các chuyên gia tài chính.
Giai đoạn khởi phát của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra cấu trúc mới cho nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng khá lớn đến chu trình và phương pháp kế toán, kiểm toán. Cuộc cách mạng công nghiệp này dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất trong đó có quy trình xử lý, cung cấp thông tin cho bộ phận kế toán và kiểm toán. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán và kiểm toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, ghi sổ kế toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa.
Năm 2018 mang đến cho lĩnh vực kế toán - kiểm toán nhiều cơ hội phát triển song cũng không ít thách thức. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu triển khai việc tiến tới thừa nhận chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia, thách thức lớn nhất đối với kế toán, kiểm toán Việt Nam chính là vấn đề đào tạo, cập nhật các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cán bộ, kiểm toán viên. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, môi trường pháp lý yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi phải gia tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ kiểm toán, các DN kiểm toán sẽ gặp khó khăn khi giữ chân nhân viên chủ chốt, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là những người có chứng chỉ quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu các tổ chức và tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường của Việt Nam còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Mặc dù, số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán tăng nhanh song chỉ một số công ty có khả năng về quy mô, phạm vi và chất lượng hoạt động. Các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đang tập trung hoạt động ở một số thị trường lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tại các địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bổ không đều. Các DN kiểm toán sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc tăng cường niềm tin của công chúng, các DN, nhà đầu tư vào chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng như việc duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng với yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế… Sự cạnh tranh không chỉ giữa các công ty đang cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán truyền thống, mà còn với cả các DN phi truyền thống và các DN công nghệ. Đã có cảnh bảo về nguy cơ thu hẹp dịch vụ kiểm toán truyền thống, đặc biệt khi công nghệ Blockchain được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính. Tại thời điểm này, các công ty công nghệ như Google và Alibaba đã cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính và tư vấn thuế...
|
|
Một số giải pháp đề xuất :
Thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán nói riêng đang trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng đáng kể trong thương mại của từng quốc gia và toàn cầu. Trong thời gian tới, để nâng tầm phát triển của lĩnh vực kế toán - kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cần chú trọng một số dung sau:
- Về phía cơ quan quản lý: Tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế hiện đang được áp dụng trên thế giới. Đẩy mạnh đào tạo, cập nhật kiến thức trên cơ sở tiếp thu thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Sớm chuẩn hóa chương trình đào tạo, chuẩn hóa và chính thức hóa chứng chỉ nghề nghiệp kế toán - kiểm toán của Việt Nam cho phù hợp với chuẩn mực đào tạo nghề nghiệp quốc tế. Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán thông qua việc tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với kiểm toán viên hành nghề... trong khối ASEAN và giữa Việt Nam với các nước như Anh, Australia... và các nước khác. Tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, đạo đức hành nghề và chất lượng hành nghề kế toán và kiểm toán…
- Về phía cơ sở đào tạo đại học: Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán ở mọi trình độ, mọi cấp độ; Hình thành chương trình và nội dung đào tạo, huấn luyện kế toán và kiểm toán dùng chung cho các nước ASEAN. Trước những yêu cầu từ việc hội nhập và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các chương trình, nội dung cũng như phương pháp đào tạo cử nhân kế toán - kiểm toán ở trường đại học phải có sự đổi mới rất căn bản. Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, phân tích đặc điểm của cuộc cách mạng này để từ đó đề xuất, kiến nghị đổi mới trên tất cả các mặt, đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo. Cần ứng dụng mô hình kế toán ảo về hoạt động kinh tế, vừa mang tính mô phỏng vừa mang tính kỹ năng để sinh viên rèn luyện, từng bước bỏ phương pháp giảng dạy kế toán - kiểm toán theo chế độ cũng như theo xử lý nghiệp vụ mang tính thủ công…
- Về phía hiệp hội nghề nghiệp: Tổ chức nghề nghiệp cần có giải pháp tăng cường vai trò và chất lượng hoạt động. Các Hội cần đổi mới mạnh hơn, nhiều hơn cả về tổ chức, phương thức hoạt động và nội dụng hoạt động để làm tốt chức năng là nơi tập hợp và kiểm soát nghề nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán. Tăng cường mối quan hệ với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi về nội dung, phương thức quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán; của các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ các dự án triển khai nghiên cứu và thực hiện cải cách kế toán, kiểm toán…
- Về phía các công ty cung cấp dịch vụ kế toán kiểm toán: Các DN kế toán, kiểm toán cần tiếp tục mở rộng quy mô; Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán; Nâng cao khả năng, trình độ của nhân viên chuyên nghiệp, mở rộng diện được hành nghề cho cả cá nhân; Tiếp tục tăng cường chất lượng dịch vụ…
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán;
2. Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
3. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định một số điều của Luật Kế toán;
4. TS. Nguyễn Đăng Huy (2017), Nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập; Tạp chí Tài chính số 6/2017;
5. Một số website: mof.gov.vn, sav.gov.vn, vaa.net.vn, vacpa.org.vn.
(Theo Tạp Chí Tài Chính , Bài :ThS. Đinh Thị Thùy Liên - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)