- Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam: Thực trạng và đề xuất
- Xử lý ngày và giờ trong Excel
- Thực trạng quản lý Thuế đối với hộ kinh doanh
- Nhân tố ảnh hưởng đến định giá doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Sự thay đổi cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
Phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Một yêu cầu cấp bách của những năm sắp tới
Thưa ông, một vấn đề đã được hầu hết các ngành đề cập đến trong năm 2017 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng này được dự báo, sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho ngành kiểm toán. Xin được phỏng vấn ông về nội dung này.
1. Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động như thế nào đến chu trình và phương pháp kế toán - kiểm toán nói chung?
Trả lời: Hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng tạo ra nhiều cơ hội cho việc lưu thông hàng hóa và tự do chuyển dịch các luồng tài chính giữa các quốc gia. Điều đó đòi hỏi các thông tin tài chính phải minh bạch, tin cậy và được trình bày theo những chuẩn mực, không chỉ ở phạm vi quốc gia mà ở phạm vi khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn khởi phát của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với việc tạo ra cấu trúc mới của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, kỹ thuật số,... ảnh hưởng khá lớn đến chu trình và phương pháp kế toán kiểm toán. Công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất và công nghệ mới, trong đó có quy trình xử lý thông tin và cung cấp thông tin của kế toán và kiểm toán. Công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán, kiểm toán bằng áp dụng chứng từ điện tử, bằng áp dụng các chương trình phần mềm xử lý, tổng hợp dữ liệu và ghi sổ kế toán, thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa. Kế toán không mất quá nhiều công sức trong việc phân loại chứng từ, xử lý từng nghiệp vụ kinh tế riêng lẻ, ghi các loại sổ kế toán theo một trình tự nào đó mà vấn đề quan tâm là trình bày các báo cáo tài chính và cung cấp thông tin tài chính theo những chuẩn mực chung nhất.
2. Đối với Kiểm toán, cuộc cách mạng này sẽ có những ảnh hưởng như thế nào?
Trả lời: Kiểm toán nói chung và kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước, thực hiện chức năng kiểm tra đánh giá và xác nhận mức độ tin cậy của thông tin kinh tế tài chính do kế toán xử lý và cung cấp. Vì vậy, sự thay đổi của quy trình và thủ tục xử lý tổng hợp thông tin cũng như việc trình bày thông tin trên báo cáo tài chính trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi Kiểm toán Nhà nước cần có sự đổi mới rất căn bản về chu trình kiểm toán, cũng như việc vận dụng các phương pháp kiểm toán.
3. Trong bối cảnh ấy, các kiểm toán viên sẽ phải trang bị những kỹ năng gì để có thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đó?
Trả lời: Kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước cần sớm nhận thức lại yêu cầu và cách thức kiểm toán. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng và vận hành các chu trình kiểm toán phù hợp các quy trình xử lý tổng hợp thông tin kế toán, phù hợp việc trình bày các thông tin tài chính trên báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và Việt Nam (IFRS và VFRS -Vietnamese Financial Report standards). Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình kiểm toán, các phần mềm kiểm toán thích ứng từng phương thức kiểm toán, từng đối tượng và mục tiêu kiểm toán. Nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật, trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đặc biệt là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây,…
Các kiểm toán viên cần được đào tạo, bồi dưỡng nắm chắc chu trình, chương trình kiểm toán được thiết lập mới trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật số, nắm chắc và sử dụng thành thạo các phần mềm kiểm toán, hiểu và nắm chắc quy trình xử lý, tổng hợp thông tin kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính trong bối cảnh công nghệ số.
4. Theo ông đối với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực kế toán – kiểm toán thì chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cử nhân kế toán và kiểm toán cần phải làm như thế nào?
Trả lời: Yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực và trước những yêu cầu mới trong hội nhập, trước sự khởi phát của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có sự đổi mới rất căn bản về chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cử nhân kế toán và kiểm toán. Cần nhiều giải pháp để đổi mới cả nội dung và chương trình đào tạo cử nhân kế toán - kiểm toán ở các trường Đại học Việt Nam. Đồng thời, trên cơ sở thấy rõ các ảnh hưởng của công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 đến nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Từ đó, làm rõ yêu cầu, cách thức đổi mới nội dung và đặc biệt là, đổi mới một cách căn bản phương pháp đào tạo cử nhân kế toán và kiểm toán.
5- Ông đánh giá như thế nào về tay nghề của các kiểm toán viên có chứng chỉ quốc tế như ACCA, CPA Australia… so với những người chưa có chứng chỉ này?
Trả lời: Các tổ chức nghề nghiệp kế toán của các nước đang có văn phòng đại diện hoạt động ở Việt Nam như ACCA, ICAEW, CPAA, … đều là các tổ chức nghề nghiệp của các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển và đã tồn tại nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động đào tạo. Chương trình đào tạo và thi cấp chứng chỉ đã được chuẩn hóa với các mức độ khác nhau của từng loại chứng chỉ nghề nghiệp. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nếu so chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp, dù là các tổ chức nghề nghiệp mang tính quốc tế với các chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn mang tính quốc gia. Mỗi chứng chỉ nghề nghiệp chứng minh một trình độ nghề nghiệp nhất định, có giá trị nhất định và có phạm vi lưu hành nhất định. Trình độ và năng lực chuyên môn, đặc biệt là năng lực nghiệp vụ, trình độ, năng lực nghề nghiệp cần được đo lường bằng thang đo và thước đo khác. Ví dụ, đánh giá trình độ và năng lực của các kiểm toán viên nhà nước theo thang đo: Kiểm toán viên trưởng, kiểm toán viên chính, kiểm toán viên,…
6- Liệu các chứng chỉ này có phải là bảo đảm chứng chỉ nghề nghiệp cho các kiểm toán viên trong quá trình hành nghề hay không?
Trả lời: Chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp này được thừa nhận ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia ở khu vực châu á. Nhưng dù sao vẫn là chứng chỉ nghề nghiệp. Việt Nam cũng đã thừa nhận các chứng chỉ này ở mức độ nhất định và là một trong các cơ sở để Việt Nam thừa nhận miễn thi một số môn nào đó khi muốn lấy chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề của Việt Nam. Đây cũng là nét rất đặc thù của Việt Nam, khi Nhà nước (Bộ Tài chính) thừa nhận có mức độ chứng chỉ của một số tổ chức nghề nghiệp nước khác đang hoạt động ở Việt Nam (ta vẫn quen gọi là tổ chức nghề nghiệp quốc tế, thực chất chỉ là của một quốc gia, trong khi đó có quốc gia có nhiều tổ chức nghề nghiệp). Theo thỏa thuận giữa các nước ASEAN trong cộng đồng kinh tế AEC, các nước sẽ thừa nhận chứng chỉ lẫn nhau theo những tiêu chí nhất định. Đến khi đó, chứng chỉ nghề nghiệp của nước khác trong khu vực Đông Nam châu á mới có thể được thừa nhận hành nghề ở nước sở tại.
7- Ông có dự báo gì về xu hướng tuyển dụng kiểm toán viên của các công ty kiểm toán độc lập trong thời gian tới?
Trả lời: Trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập của Việt Nam, yêu cầu minh bạch và công khai về các thông tin tài chính ngày càng cao và càng lớn. Đây không chỉ là đòi hỏi cấp thiết của một nền kinh tế đa sở hữu, cạnh tranh, mà còn là yêu cầu của một nền kinh tế, một thị trường tài chính lành mạnh, sôi động. Do vậy, việc phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán là một đòi hỏi và là một xu thế tất yếu. Với đất nước hơn 90 triệu dân, có gần một triệu doanh nghiệp, trong đó có hàng nghìn, hàng chục nghìn công ty đại chúng, công ty tham gia trực tiếp trên thị trường tài chính, … thì với vài trăm công ty dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán, với vài nghìn kế toán viên, kiểm toán viên là quá ít ỏi so với nhu cầu. Vì vậy, trong những năm tới, nhu cầu về kế toán viên, kiểm toán viên là rất lớn. Tất nhiên, việc làm đầu tiên và cấp bách hiện nay là phải sớm chuẩn hóa chương trình đào tạo, chuẩn hóa và chính thức hóa chứng chỉ nghề nghiệp kế toán và kiểm toán của Việt Nam phù hợp chuẩn mực đào tạo nghề nghiệp quốc tế. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, tổ chức nghề nghiệp kế toán của Việt Nam đang triển khai tích cực đề án này. Đồng thời, đang trông chờ và sẵn sàng nhận sự chuyển giao của Bộ Tài chính để tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp - xin nhấn mạnh: Chứng chỉ nghề nghề nghiệp kế toán cho những kế toán viên và kiểm toán viên chuyên nghiệp, vấn đề quan tâm không kém là cần nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, nâng cao năng lực, chất lượng kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có trách nhiệm quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của Hội thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế và Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN theo thông lệ.
Xin trân trọng cảm ơn ông! /.
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) - Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam