Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp ở Việt Nam


Hội nhập kinh tế sâu rộng đã và đang mang lại rất nhiều cơ hội việc làm cho các ngành nghề nói chung và kế toán nói riêng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một thực trạng là đào tạo nhiều, song lại chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Bởi vậy mà cần phải có những thay đổi trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng kế toán, đảm bảo để nhân lực kế toán của Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh cũng như nắm bắt cơ hội việc làm trong bối cảnh nền kinh tế mở.

Thực trạng và xu hướng đào tạo kế toán hiện nay

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, đã và đang mở ra cho sinh viên ngành kế toán nhiều cơ hội việc làm. Đặc biệt, việc ký kết các hiệp định thương mại, đồng nghĩa với việc Việt Nam đã mở cửa dịch vụ kế toán. Và kể từ năm 2017 với sự thỏa thuận công nhận lẫn nhau thì kế toán là 1 trong 8 lĩnh vực, ngành nghề được di chuyển hoạt động tự do trong AEC. Tuy nhiên, cơ hội mở ra đi cùng nó luôn là những khó khăn, thách thức. Thực tế hiện nay, Việt Nam đào tạo rất nhiều Kế toán. Theo như thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ năm 2016, nguồn nhân lực Kế toán của Việt Nam luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm nữa. Mặc dù, thừa về số lượng đào tạo song lại vẫn thiếu so với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Việc đào tạo không đáp ứng được nhu cầu như hiện nay phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố tiên quyết đó là việc trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành gắn liền với thực tế. Bởi vậy, đòi hỏi các cơ sở đào tạo trên cả nước nói chung và các cơ sở đào tạo kế toán nói riêng cần phải đổi mới theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp.

Việc đổi mới đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp thực tế đã được triển khai ở Việt Nam từ năm 2005, với sự tài trợ bởi Tổ chức hợp tác quốc tế về giáo dục của Hà Lan thông qua dự án phát triển đại học (ĐH) theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp (Profession Oriented Higher Education - POHE). Giai đoạn 1 (2005-2009), chương trình POHE được triển khai chính thức ở 8 trường ĐH là: ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, Học viện nông nghiệp Việt Nam, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên, ĐH Nông lâm Huế, ĐH Nông lâm TPHCM và ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Với sự hỗ trợ của các trường ĐH khoa học ứng dụng Hà Lan, 8 trường ĐH tham gia dự án đã xây dựng và triển khai thành công 10 chương trình đào tạo ĐH định hướng ứng dụng nghề nghiệp cho các ngành thuộc các lĩnh vực sư phạm, du lịch, nông lâm, kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện tử và công nghệ thông tin. Kết thúc giai đoạn 1 với những kết quả tích cực của dự án POHE, giai đoạn 2 (2012-2015) tiếp tục được triển khai với mục tiêu Giáo dục ĐH theo định hướng ứng dụng sẽ trở thành xu thế phát triển chính trong đào tạo ĐH tại Việt Nam. Như vậy, đào tạo theo POHE là hết sức cần thiết, đặc biệt trước tình trạng “báo động đỏ” như hiện nay của đào tạo kế toán.

Cần triển khai POHE cho đào tạo kế toán như thế nào?

Một là, đổi mới và xây dựng các nội dung chương trình đào tạo kế toán theo định hướng ứng dụng. Để thực hiện mục tiêu đào tạo kế toán đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu nhà tuyển dụng như mục tiêu POHE đã đề ra, thì cơ sở đào tạo cần phải triển khai đổi mới và xây dựng chương trình đào tạo kế toán. Hiện nay, phần lớn các chương trình đào tạo kế toán tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam còn nặng về tính hàn lâm, lý thuyết. Điều này là không phù hợp với mục tiêu đào tạo của POHE. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần phải đổi mới, xây dựng chương trình khung trong đó cần phân phối lại chương trình đào tạo, bố trí tăng cường thời gian cho các học phần thực hành.

Ngoài ra, khi xây dựng chương trình đào tạo theo POHE, các cơ sở đào tạo cần chú ý tới việc tham khảo ý kiến từ phía các tổ chức nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Sự ra đời của các tổ chức nghề nghiệp như VAA, VACPA,... đã và đang cho thấy vai trò tích cực cũng như những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kế toán. Các tổ chức nghề nghiệp này đã có những dự báo về xu hướng phát triển của kế toán quốc tế nói chung và kế toán Việt Nam nói riêng. Điều này sẽ giúp các cơ sở đào tạo xây dựng được lộ trình phát triển đào tạo một cách phù hợp cũng như tiết kiệm được thời gian và chi phí. Còn đối với doanh nghiệp, họ là những người trực tiếp tuyển dụng và sử dụng kế toán. Bởi vậy, họ biết họ cần một người kế toán như thế nào? Trình độ, năng lực ra sao? Hầu hết hiện nay, sinh viên sau khi tốt nghiệp về đến doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Điều này không chỉ gây mất thời gian mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Bởi vậy, với sự tham gia của các doanh nghiệp, chương trình đào tạo sẽ tiến sát đến thực tiễn để giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng tiếp cận công việc một cách nhanh chóng.

Hai là, tại các cơ sở đào tạo cần phải có đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ để tham gia đào tạo sinh viên theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc bên cạnh kiến thức chuyên môn trên sách vở, đội ngũ giảng viên giảng dạy kế toán phải là những người có kinh nghiệm thực tế, có kiến thức đầy đủ và thời sự về nghề nghiệp. Đặc biệt, trước sự bùng nổ của cách mạng 4.0 thì ngoài khả năng dẫn dắt, ứng dụng tri thức thì đội ngũ giảng viên kế toán phải có khả năng ứng dụng công nghệ để thực hiện các công việc.

Bên cạnh đó, để POHE thật sự hiệu quả, đội ngũ giảng viên cần phải có sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy. Thay vì lấy trung tâm của quá trình dạy học là giảng viên như chương trình đào tạo truyền thống thì đào tạo theo POHE sẽ lấy sinh viên làm trung tâm, thay vì thầy đọc, trò chép thì đào tạo POHE giảng viên sẽ đóng nhiều vai trò khác nhau như cố vấn, tư vấn, giám sát,.. Việc đổi mới phương pháp dạy học, hướng tới đào tạo theo POHE nhằm phát huy được khả năng sáng tạo, sự chủ động và phát huy được nguyên lý “học ít hiểu nhiều” cho sinh viên.

Ba là, cơ sở đào tạo phải đảm bảo được cơ sở vật chất để triển khai đào tạo theo POHE. Các cơ sở đào tạo cần phải kịp thời trang bị thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu,... phục vụ một cách đảm bảo và hiệu quả cho các giờ học thực hành. Đặc biệt, cần triển khai mô hình phòng học kế toán ảo với đầy đủ các máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thực hành kế toán. Tại đây, sinh viên sẽ được đóng vai và thực hiện các công việc như một người kế toán thực thụ. Có như vậy, khi ra trường sinh viên mới không bỡ ngỡ và thích nghi ngay với công việc của mình.

Để thực hiện được mục tiêu đào tạo POHE, ngoài sự nỗ lực từ phía cơ sở đào tạo thì yếu tố quyết định xuất phát từ bản thân người học. Bởi vậy mà, để đào tạo kế toán theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp được hiệu quả thì cần sự “hợp tác” từ phía sinh viên. Sinh viên POHE phải ý thức được ý nghĩa của việc đào tạo này và đòi hỏi phải có tinh thần tự học, phải học tập và làm việc được theo nhóm bên cạnh khả năng thực hành độc lập, phải tự sắp xếp cũng như bố trí công việc một cách hợp lý, khoa học.

Kết luận

Đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp nhằm nói không với đào tạo không đáp ứng nhu cầu của xã hội, đã và đang là xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, đào tạo kế toán cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng kế toán ở Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa là để giải quyết bài toán về dư thừa nguồn nhân lực nhưng lại có chất lượng chưa cao như hiện nay, cũng vừa là xác định được xu hướng để quy hoạch việc phát triển kế toán trong tương lai./.

Tài liệu tham khảo

1. Lương Thị Thủy (2017), Nâng cao hiệu quả giảng dạy các học phần thực hành trong đào tạo cử nhân ngành kế toán, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T3 /2017)

2. TS. Bùi Tiến Nghị, Th.S Đinh Đức Thịnh (2016), Giáo dục Đại học theo định hướng nghề nghiệp và khuyến nghị với Học viện Ngân hàng, Tạp chí Khoa học và đào tạo Ngân hàng, số 168/T5/2016)

3. http://ketoanducminh.edu.vn/tin-tuc/92/2876/Thuc-trang-dang-gom-nghe-ke-toan-hien-nay.html.

 

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Nguyễn ánh Hồng * Khoa Kế toán – Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Định


Tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn thiếu các nghiên cứu chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo phương pháp định lượng. Bài nghiên cứu đã đưa ra các nhân tố và đo lường mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến chất lượng BCTC của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, trên địa bàn tỉnh Bình Định. Từ đó, đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng BCTC, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người sử dụng BCTC trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tại Bình Định.

Xem thêm
Sự thay đổi cần thiết trong tiếp cận giảng dạy môn Nguyên lý Kế toán

Sự thay đổi cần thiết trong tiếp cận giảng dạy môn Nguyên lý Kế toán

Phương pháp kế toán chi phí mục tiêu (TARGET COSTING) Công cụ quản lý hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Phương pháp kế toán chi phí mục tiêu (TARGET COSTING) Công cụ quản lý hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Hoàn thiện công tác kế toán quản trị hàng tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất

Hoàn thiện công tác kế toán quản trị hàng tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất

10 thay đổi Dân kế toán buộc phải biết có hiệu lực từ 01/5/2018

10 thay đổi Dân kế toán buộc phải biết có hiệu lực từ 01/5/2018

Nghiên cứu về Kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp

Nghiên cứu về Kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh