Khung nghiên cứu về các nhân tố phi kinh tế ảnh hưởng đến hành vi không tuân thủ thuế: Đề xuất cho trường hợp các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết của TS. Nguyễn Thị Phương Hồng * NCS. Nguyễn Thị Thương ** Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ** Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số tháng 11/2022 của TW Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

Tóm tắt

Thuế là một khoản nộp ngân sách Nhà nước bắt buộc của các tổ chức, cá nhân theo luật quy định, được coi là trọng tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội và chính trị. Chính vì vậy, việc các đối tượng cần tuân thủ các quy định liên quan đến thu nộp thuế là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hiện tượng không tuân thủ thuế được nhìn nhận qua các nghiên cứu là đang diễn ra nghiêm trọng và rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Đã có rất nhiều các nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố có khả năng tác động đến hành vi không tuân thủ thuế, nhưng tất cả các nghiên cứu cũng cho thấy, không có lý thuyết duy nhất nào có thể giải thích hiện tượng của hành vi không tuân thủ thuế. Do đó, mục đích của bài báo này, là thảo luận về khung khái niệm phục vụ cho các nghiên cứu về không tuân thủ thuế. Từ đó, đề xuất mô hình nghiên cứu về các nhân tố phi kinh tế tác động đến hành vi không tuân thủ thuế.

Từ khóa: không tuân thủ thuế, nhân tố phi kinh tế.

Abstract

Tax is a compulsory payment to the state budget of organizations and individuals as stipulated in the law, which is considered the focus of economic, social and political development. Therefore, it is very important that the subjects need to comply with regulations related to tax collection and payment. However, the current reality of tax non-compliance is recognized by studies as being serious and widespread globally, especially in developing and underdeveloped countries. There have been many studies indicating several factors that have the potential to influence tax non-compliance. However, all studies also show that there is no single theory that can explain the phenomenon of tax non-compliance. Instead, with the nature of tax, it is a problem related to many aspects of life: culture, society, economy, politics... and depends on the environment of each country. Therefore, the researchers suggest that theories from sociology, psychology and economics can all be useful in explaining tax non-compliance. The purpose of this paper is to discuss a conceptual framework for tax non-compliance studies, specifically in Vietnam, thereby proposing a research model on non-economic factors affecting non-compliance behavior.Keywords: tax non-compliance, non-economic factors

Keywords: tax non - compliance, non - economic factors.

JEL: M00, M21, M49.

1. Giới thiệu

Việc đảm bảo, nâng cao sự tuân thủ thuế và ngược lại, hạn chế, giảm tối thiểu hành vi không tuân thủ các quy định về thuế của các đối tượng liên quan, là vấn đề rất đáng lưu tâm và cấp bách. Tuân thủ hay không tuân thủ thuế là những vấn đề phức tạp. Đầu tiên, về bản chất của tuân thủ và không tuân thủ thuế là các vấn đề đa ngành, liên quan và thuộc sự quan tâm của nhiều đối tượng, từ các nhà kế toán, xã hội học, tâm lý học và kinh tế học đều quan tâm đến việc nghiên cứu tuân thủ và không tuân thủ thuế. Các nhà nghiên cứu qua thời gian tìm hiểu, đều đã thống nhất đưa ra kết luận rằng, có nhiều nhân tố (bao gồm cả các nhân tố kinh tế và phi kinh tế) tác động đến việc tuân thủ hay không tuân thủ thuế. Chính vì vậy, sẽ không có lý thuyết duy nhất nào có thể giải thích hoàn toàn hiện tượng của hành vi không tuân thủ thuế (Alm, 1999); ngoài ra, tùy vào cách tiếp cận với hành vi tuân thủ hay không tuân thủ thuế, các nhà nghiên cứu cũng có nhiều khái niệm và cách phân loại hành vi tuân thủ và không tuân thủ thuế khác nhau. Cho nên, bài báo này sẽ tìm hiểu và trình bày một cách tổng hợp các lý thuyết liên quan, cũng như các nghiên cứu trước đây. Từ đó, đề xuất ra mô hình các nhân tố phi kinh tế tác động lên hành vi không tuân thủ thuế.

Nghiên cứu thực sự cần thiết với thực trạng mức độ tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Qua kết quả thanh tra thuế, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố chưa tự giác chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế. Vì vậy, câu hỏi đặt ra ở đây và cần tìm câu trả lời là: “Thực trạng chấp hành thuế của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP.HCM như thế nào?”. Quan trọng hơn, mục đích chính của nghiên cứu là tìm hiểu xem những yếu tố nào ảnh hưởng đến mức độ không tuân thủ thuế tại TP.HCM, cần có những giải pháp gì, để tăng nguồn thu thuế cho thành phố?

2. Một số thuật ngữ quan trọng

2.1. Tuân thủ thuế 

Thuế là một khoản thu nộp bắt buộc, người nộp thuế thực hiện theo các quy định, yêu cầu, hướng dẫn của Nhà nước ban hành, hay nói cách khác, người nộp thuế cần phải tuân thủ các quy định, yêu cầu trong quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Vậy cụ thể: “Thế nào là tuân thủ? Người nộp thuế phải tuân thủ ở mức độ nào? Qua những hành động nào?; và Khi nào thì người nộp thuế bị đánh giá là không tuân thủ thuế ?”. Hiện nay chưa có sự thống nhất trong việc định nghĩa về tuân thủ thuế, các nhà nghiên cứu hay các đơn vị có liên quan sẽ có những đánh giá khác nhau tùy vào góc độ tiếp cận.

Theo Musimenta và các cộng sự (2017), tuân thủ thuế đề cập đến việc thực hiện đầy đủ và tự do tất cả các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật hoặc mức độ mà người nộp thuế tuân thủ hoặc không tuân thủ các quy tắc thuế của quốc gia họ. Đồng tình với quan điểm đó, Marti (2010) cũng định nghĩa, tuân thủ thuế là hành vi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật một cách tự nguyện và đầy đủ.

Trước đó, Roth và các cộng sự (1989) đã định nghĩa, việc tuân thủ thuế là nộp tất cả các tờ khai thuế bắt buộc vào thời điểm thích hợp và tờ khai phải báo cáo chính xác nghĩa vụ thuế theo luật thuế hiện hành tại thời điểm nộp tờ khai. Tuân thủ thuế cũng được coi là một trò chơi, phụ thuộc vào tác động qua lại giữa các quyết định của người nộp thuế và cơ quan thuế, lòng tin của người nộp thuế đối với pháp luật thuế và tính công bằng của hệ thống thuế. (Kirchler, Niemirowski & Wear, 2006).

Ngoài ra, Singh (2003) cũng định nghĩa, việc tuân thủ thuế là hành vi nộp tờ khai thuế thu nhập, ghi trung thực tất cả các khoản thu nhập chịu thuế và thanh toán tất cả các nghĩa vụ thuế trong một khoảng thời gian nhất định, ngoại trừ việc chờ cơ quan có thẩm quyền thực hiện thêm bất kỳ hành động nào.

Như vậy, dù tiếp cận dưới vai trò nào và khía cạnh nào thì chúng ta đều có thể nhận thấy đặc trưng chung buộc phải có của tuân thủ thuế: (1) đối tượng hướng đến là người nộp thuế; (2) thái độ, ý thức trong việc làm đúng quy định là mang tính tự nguyện, chủ động; (3) kết quả mang lại là các hành động, việc làm liên quan đến quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế được thực hiện đúng, đủ và đảm bảo thời gian.

2.2. Không tuân thủ thuế

Về bản chất, thuế là một khoản thu nộp bắt buộc và người nộp thuế phải tuân thủ các quy định liên quan. Tuy nhiên, lập luận này trong thực tế không phải hoàn toàn được ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉnh, tự nguyện, vì theo lẽ thường tình, nộp thuế làm người nộp thuế phát sinh chi phí, cho nên có khả năng mọi người không thích nộp thuế, không tự nguyện nộp thuế hoặc không tuân thủ thuế. Theo Akan (2013), không tuân thủ thuế mô tả một loạt các hoạt động bất lợi cho hệ thống thuế của Nhà nước. Những điều này bao gồm: tránh thuế - việc giảm thuế bằng các biện pháp hợp pháp và trốn thuế - việc không thanh toán các nghĩa vụ thuế phải nộp, chính là các khoản nợ thuế. Các nhóm đối tượng không tuân thủ, bao gồm những người phản đối thuế và những người chống lại thuế, những người phản đối thuế, cố gắng trốn tránh việc nộp thuế bằng cách giải thích quanh co về luật thuế. Trong khi, những người chống thuế, từ chối nộp thuế, vì họ không muốn hỗ trợ Chính phủ hoặc một số hoạt động của Chính phủ.

Đồng ý với sự phân loại, có đề cập đến hai dạng không tuân thủ thuế của McKerchar (2003), Alabede và cộng sự (2011) cho rằng, việc không tuân thủ có thể phân loại thành: (1) không tuân thủ một cách cố ý/có chủ ý, bản chất và dấu hiệu của nó là khi người nộp thuế để đạt được những lợi ích, mục tiêu về số thuế phải nộp đã cố tình làm giảm sự tác động của những quy định; và (2) không tuân thủ một cách vô tình hoặc không cố ý, nó là kết quả của những sai sót, nhầm lẫn, do sự thiếu hiểu biết, thiếu giám sát của các bên liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục thu nộp thuế.

Không tuân thủ thuế đề cập đến việc người đóng thuế cố ý hoặc không cố ý từ chối thanh toán các khoản thuế đến hạn của họ (James & Alley, 2004). Bên cạnh đó, McKerchar (2002) cho rằng, đôi khi sự không tuân thủ của người nộp thuế không phải là một hành động cố ý, mà là kết quả của các vấn đề, ví dụ như sự phức tạp trong luật thuế.

Kamleitner và các cộng sự (2012) đã khái quát về không tuân thủ thuế, là bất kỳ sự khác biệt nào giữa số thuế thực tế đã nộp và số thuế phải nộp. Sự khác biệt này xảy ra, do thu nhập, chi phí và các khoản khấu trừ phóng đại và thấp hơn. Việc không tuân thủ, bao gồm cả cố ý trốn tránh và không tuân thủ một cách cố ý, do lỗi tính toán và hiểu biết không đầy đủ về luật thuế.

2.3. Các nhân tố kinh tế và phi kinh tế của việc không tuân thủ thuế

Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện, nhằm tìm ra và kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng đến không tuân thủ thuế. Tuy nhiên, hành vi tuân thủ thuế trong các nghiên cứu trước đây thường được giải thích bằng các chính sách định hướng trừng phạt, chẳng hạn như thanh tra thuế và phạt thuế (Alm, McClelland, Schulze, 1992). Cách tiếp cận lý thuyết này, không thể giải thích đầy đủ các hành vi tuân thủ thuế. Càng về sau, đã có nhiều nghiên cứu giải thích hành vi tuân thủ thuế dựa trên các yếu tố quyết định việc tuân thủ thuế, lần lượt là các yếu tố kinh tế và phi kinh tế.

Trong nghiên cứu tuân thủ thuế truyền thống, hầu hết các yếu tố được coi là quan trọng để giải thích việc tuân thủ thuế là các yếu tố kinh tế, bao gồm: mức thu nhập thực tế, thuế suất, lợi ích thuế, kiểm toán thuế, xác suất kiểm toán và tiền phạt (Misu, 2011). Đây là tất cả các yếu tố liên quan đến kinh tế đối với người nộp thuế và có khả năng ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của họ.

Cách tiếp cận phi kinh tế được định nghĩa là tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế mà không có động cơ kinh tế dẫn đến việc tuân thủ tự nguyện (Ntiamoah & Asare 2021). Có nhiều yếu tố phi kinh tế ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đưa các yếu tố phi kinh tế này vào, để giải thích hành vi tuân thủ thuế trong khuôn khổ phân tích kinh tế (Alm, Sanchez và DeJuan, 1995). Các yếu tố phi kinh tế này, bao gồm sự sẵn sàng chi trả cho việc cung cấp dịch vụ công, giáo dục xóa mù chữ, tinh thần thuế, thông tin thuế…

3. Các lý thuyết nền tảng có liên quan

3.1. Lý thuyết độ dốc trơn trượt

Kirchler, Hoelzl, và Wahl (2008) đã đề xuất một khái niệm lý thuyết tích hợp các yếu tố kinh tế về tuân thủ thuế, cũng như các yếu tố tâm lý và xã hội. Cho rằng, việc tuân thủ thuế phụ thuộc vào quyền lực của cơ quan thuế cũng như sự tin tưởng vào cơ quan thuế. Lý thuyết độ dốc trơn trượt bắt đầu từ giả định rằng, môi trường tương tác giữa chính quyền và người nộp thuế ở hai thái cực khác nhau có thể là đối kháng hoặc là hợp tác.

Theo lý thuyết này, để đạt được sự hợp tác trong một xã hội, có thể có hai con đường khác nhau: con đường đầu tiên, nhấn mạnh đến quyền của nhà chức trách trong việc điều chỉnh hành vi của công dân. Việc tuân thủ thuế được tăng cường nhờ các biện pháp tác động bên ngoài, chủ yếu là bằng các cuộc thanh tra và các khoản tiền phạt; con đường thứ hai, nhấn mạnh đến cách thức tương tác của người nộp thuế với chính quyền, sự tin tưởng lẫn nhau và cam kết với xã hội mà họ đang sống. Niềm tin được xem như là một biến quan hệ cung cấp cơ sở cho sự hợp tác tự nguyện. Nếu sự tin tưởng cao, người nộp thuế nhận thức được nghĩa vụ của mình trong việc đáp ứng các nhu cầu xã hội. Cả hai cách tiếp cận đều hứa hẹn những khoản đóng góp thuế cao, bằng cách sử dụng quyền lực hoặc bằng cách củng cố lòng tin. Kết quả hành vi của người nộp thuế có thể giống nhau - trong cả hai trường hợp, họ đều trả phần của mình, tuy nhiên, cách thực hiện của việc tuân thủ thuế là khác nhau. Trong trường hợp đầu tiên, việc tuân thủ là bắt buộc; trong trường hợp thứ hai là tự nguyện.

Như vậy, theo lý giải của lý thuyết này tác giả kỳ vọng rằng, việc không tuân thủ thuế sẽ phụ thuộc vào mức độ tin tưởng của người nộp thuế và quyền lực của các cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp niềm tin của người nộp thuế chưa cao nhưng quyền lực của cơ quan có thẩm quyền là cao, thì động cơ chính cho việc nộp thuế sẽ là bắt buộc. Và ngược lại, động cơ chính cho việc nộp thuế là tự nguyện, trong trường hợp niềm tin của người nộp thuế đủ cao. Điều này cho thấy, giữa quyền lực và niềm tin có mối tương quan với nhau, quyền lực có thể thúc đẩy lòng tin; mặt khác, nó cũng có thể làm suy giảm lòng tin.

3.2. Lý thuyết hành vi dự định

Lý thuyết hành vi có kế hoạch, hay lý thuyết hành vi dự định được khởi xướng bởi Ajzen năm 1991. Lý thuyết này phát biểu rằng, hành vi của một cá nhân trong xã hội bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhất định, xuất phát từ những lý do nhất định và xuất hiện một cách có kế hoạch (Benk, Çakmak, & Budak, 2011). Một người làm điều gì đó, khi họ coi đó là một hành vi tích cực (thái độ đối với hành vi), có sự khuyến khích từ những người được coi là đóng vai trò quan trọng (quy chuẩn chủ quan) và có niềm tin để làm điều đó (kiểm soát hành vi nhận thức). Sự tương tác của ba yếu tố này, sẽ xác định tính nhất quán cho ý định của một người với hành vi của bản thân.

Có thể nói rằng, theo lý giải của lý thuyết này tác giả kỳ vọng rằng, không tuân thủ thuế sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố chính của lý thuyết đó là niềm tin về hành vi, niềm tin theo chuẩn mực chung và niềm tin về sự tự chủ, cụ thể giáo dục thuế, thông tin về thuế và chuẩn xã hội, sẽ tác động đến ý định không tuân thủ thuế của người nộp thuế.

3.3. Lý thuyết chuẩn mực xã hội

Cialdini và Trost (1998) khi đề cập đến chuẩn mực xã hội đã định nghĩa, đây là một cấu trúc tâm lý xã hội được cấu thành bởi các quy tắc và tiêu chuẩn được hiểu bởi các thành viên của một nhóm và các chuẩn mực này sẽ có vai trò hướng dẫn và/hoặc hạn chế hành vi xã hội, mà trong đây không có sự xuất hiện của pháp luật. Nghiên cứu cũng chỉ ra bốn cấu trúc chuẩn mực xã hội khác nhau là chuẩn mực giáo huấn, chuẩn mực mô tả, chuẩn mực chủ quan và chuẩn mực cá nhân. Cụ thể, các chuẩn mực giáo huấn chỉ rõ những gì nên làm và đó là các quy tắc đạo đức của nhóm. Các tiêu chuẩn mô tả là các tiêu chuẩn phát triển từ việc quan sát cách người khác thực sự hành xử trong các tình huống cụ thể. Các chuẩn mực chủ quan liên quan cụ thể đến kỳ vọng của những người quan trọng khác (ví dụ: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…). Cuối cùng, các chuẩn mực cá nhân là những kỳ vọng riêng của mỗi người đối với hành vi, có thể nảy sinh từ việc nội bộ hóa các chuẩn mực huấn thị.

Trong nghiên cứu này, theo lý giải của lý thuyết này tác giả kỳ vọng rằng, không tuân thủ thuế sẽ phụ thuộc vào chuẩn mực xã hội. Cụ thể là, sự kỳ vọng của các đối tượng quan trọng với nộp thuế sẽ tác động lên sự không tuân thủ thuế. Khi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đánh giá việc trốn thuế, vi phạm các quy định về thuế là không sai trái, thì người nộp thuế có khả năng sẽ không tuân thủ thuế.

 

4. Các nhân tố phi kinh tế ảnh hưởng đến hành vi không tuân thủ thuế

4.1. Chuẩn xã hội

Như đã phân tích ở trên về nội dung lý thuyết chuẩn mực xã hội, đã có nhiều các nhà nghiên cứu trước đây xem xét ảnh hưởng của các chuẩn mực xã hội đối với hành vi tuân thủ thuế và cho thấy, vẫn còn nhiều câu hỏi mở liên quan đến ảnh hưởng của chúng. Hầu như, tất cả các nghiên cứu trước đây về thuế, bao gồm các cấu trúc chuẩn mực xã hội hoặc cá nhân, đã xác định được ảnh hưởng đáng kể đến việc tuân thủ thuế từ các cấu trúc này.

Gần đây, trong nghiên cứu của Jimenez và lyer (2016) đã xem xét ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, đối với ý định tuân thủ thuế của các cá nhân. Kết quả của một cuộc khảo sát, với 217 người nộp thuế tại Hoa Kỳ cho thấy, sự ủng hộ về ảnh hưởng của các yếu tố xã hội đối với việc tuân thủ thuế. Nghiên cứu này kết luận rằng, các chuẩn mực xã hội ảnh hưởng gián tiếp đến các ý định tuân thủ, thông qua việc nội bộ hóa như các chuẩn mực cá nhân. Cụ thể, khi sức mạnh của các chuẩn mực xã hội ủng hộ tuân thủ thuế tăng lên, các chuẩn mực cá nhân về tuân thủ thuế cũng tăng lên và điều này dẫn đến sự gia tăng các ý định tuân thủ sau đó.

4.2. Giáo dục thuế

Trong nghiên cứu của Mascagni và Santoro (2018), giáo dục người nộp thuế đã được trình bày, cùng với sự răn đe và tinh thần thuế, như ba yếu tố tác động lên việc tuân thủ thuế. Nghiên cứu đã đề cập đến giáo dục người nộp thuế, được coi là sự chia sẻ kiến thức về hệ thống thuế với người nộp thuế. Đề cập đến thuế không thể không nhắc đến những quy định, những bộ luật có liên quan và sự thiếu hiểu biết của người nộp thuế về những kiến thức này, là một rào cản đối với việc tuân thủ thuế. Chính vì vậy, một số nghiên cứu đã cho rằng, giáo dục người nộp thuế có thể giúp làm giảm sự thiếu hiểu biết của người nộp thuế và khi đã hiểu luật định, thì có khả năng người nộp thuế sẽ tuân thủ hơn.

Nghiên cứu của Rodrigues (2019) được thực hiện nhằm mục đích, đánh giá nhận thức của người nộp thuế cá nhân ở Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ về các khía cạnh khác nhau, của mối quan hệ của họ với cơ quan thuế và tác động tương ứng đối với việc trốn thuế. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, sự tin tưởng thể hiện số lượng chênh lệch đáng kể lớn nhất, xem xét các biến kiểm soát giới tính, tuổi tác, quốc gia, việc nộp tờ khai thuế, giáo dục thuế, quan hệ vợ chồng, cảm giác hiện tại của việc thuộc về một tôn giáo, tôn giáo và mức độ thoải mái với thu nhập.

4.3. Quyền lực hợp pháp và quyền lực cưỡng chế của cơ quan thuế

Gobena & Van Dijke (2015) nêu hai lý do có thể khiến mọi người tuân thủ những người nắm giữ quyền lực: đầu tiên, họ có thể muốn tránh hình phạt mà những người nắm quyền có thể gây ra cho họ; thứ hai, có thể có sự phân chia vai trò giữa những người nắm giữ quyền lực và cấp dưới được cả hai bên chấp nhận. Trong kịch bản thứ hai, mọi người coi quyền lực của chính quyền là hợp pháp; ngược lại, quyền lực cưỡng chế là quyền lực từ phía cơ quan thuế buộc người nộp thuế phải nộp thuế, không phải vì tin rằng thuế giúp tài trợ cho hàng hóa công thông thường, mà vì sợ kiểm tra thuế và các hình phạt do trốn thuế gây ra (Kirchler và cộng sự, 2008). Nói cách khác, quyền lực cưỡng chế là quyền lực hướng các cá nhân đi ngược lại ý muốn của họ (Kirchler và cộng sự 2008). Gobena & Van Dijke (2015) cũng chỉ ra rằng, hình thức quyền lực này là cần thiết để thực thi luật thuế trong một môi trường thuế thù địch, nơi không có sự hiểu biết lẫn nhau giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Kastlunger và các cộng sự (2013) trong nghiên cứu về tác động của quyền lực của các cơ quan và lòng tin của người dân, trong mối quan hệ giữa lý thuyết độ dốc trơn trượt và tuân thủ thuế ở Ý, đã đề xuất một cuộc điều tra kỹ lưỡng về bản chất của quyền lực (cưỡng chế so với hợp pháp) trong khuôn khổ lý thuyết về tuân thủ thuế, để làm sáng tỏ những kết quả không rõ ràng cũng như làm rõ mối quan hệ phức tạp giữa quyền lực và lòng tin. Nghiên cứu sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính để kiểm tra các giả định của lý thuyết độ dốc trơn trượt, bằng cách xem xét quyền lực cưỡng chế và quyền lực hợp pháp trên một mẫu N = 389 người đóng thuế và doanh nhân Ý tự kinh doanh. Họ đã tìm thấy bằng chứng, cho thấy sự tin tưởng có liên quan tích cực đến việc tuân thủ thuế tự nguyện. Niềm tin được phát hiện có liên quan tiêu cực đến quyền lực cưỡng chế và liên quan tích cực đến quyền lực hợp pháp. Cả quyền lực cưỡng chế và quyền lực hợp pháp, đều tương quan với việc tuân thủ thực thi. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tuân thủ được thực thi dẫn đến việc trốn tránh thuế gia tăng.

Trong nghiên cứu của Rodrigues (2019) cũng cho thấy rằng, việc tuân thủ thuế tự nguyện, sự tin tưởng và quyền lực hợp pháp, có ý nghĩa thống kê và tương quan nghịch với việc trốn thuế. Ngoài ra, kết quả thu được cũng chỉ ra rằng, có mối tương quan tích cực và có ý nghĩa thống kê giữa trốn thuế và các khía cạnh thực thi tuân thủ thuế và sức mạnh cưỡng chế.

4.4. Thông tin thuế

Nghiên cứu của Taing và Chang (2020), sử dụng lý thuyết về hành vi có kế hoạch (TPB) để điều tra ý định tuân thủ thuế của các công dân cư trú tại Phnom Penh, Campuchia. TPB khẳng định rằng, có ba yếu tố cấu thành hành vi: thái độ, chuẩn mực chủ quan và khả năng kiểm soát hành vi nhận thức. Dựa trên các thành phần, bảy yếu tố quyết định được phát triển để nghiên cứu ý định tuân thủ thuế, trong đó có thông tin thuế.

Lý thuyết hành vi có kế hoạch, là cơ sở để tác giả lập luận về việc người nộp thuế nếu không nhận được đầy đủ các thông tin về thuế, các thông tin này khó hiểu, không kịp thời và không chính xác và không giải đáp được những vướng mắc của người nộp thuế, thì họ sẽ không tuân thủ thuế.

4.5. Chất lượng dịch vụ thuế

Cronin và Brady (2001) đã định nghĩa chất lượng dịch vụ thuế như nhận định; hoặc thái độ toàn cầu của người đóng thuế liên quan đến tính ưu việt của dịch vụ thuế, do cơ quan thuế cung cấp. Mustapha và Obid (2014) trong nghiên cứu của mình, đã xác định các yếu tố là thành phần của chất lượng dịch vụ thuế là khả năng đáp ứng, độ tin cậy và cung cấp thông tin, nghiên cứu cũng dùng các yếu tố này làm thước đo cho chất lượng dịch vụ thuế.

Ali và Abdul-Jabbar (2016) đã thực hiện nghiên cứu, nhằm kiểm tra chất lượng dịch vụ thuế và việc không tuân thủ thuế thu nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Yemen. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, chất lượng dịch vụ thuế được đánh giá là thấp, khiến các nhà quản lý của chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ không hài lòng với chất lượng dịch vụ của cơ quan thuế. Trước đó, Kamil (2015) đã kiểm tra ảnh hưởng của nhận thức, kiến thức, mức phạt thuế và các dịch vụ của cơ quan thuế đối với việc tuân thủ thuế. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng, nhận thức về thuế, hình phạt và chất lượng dịch vụ của cơ quan thuế có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến sự tuân thủ của người nộp thuế, trong khi kiến thức về thuế lại có tác động tiêu cực đáng kể đến sự tuân thủ của người nộp thuế.

Nghiên cứu gần đây của Masari và Suartana (2019) được thực hiện, nhằm xác định ảnh hưởng của kiến thức về thuế, chất lượng dịch vụ, kiểm tra thuế và công nghệ đối với việc tuân thủ của người nộp thuế tại địa phương. Phân tích cho thấy, cả bốn nhân tố: kiến thức về thuế; chất lượng dịch vụ; kiểm tra thuế; và công nghệ, đều có ảnh hưởng tích cực đến việc tuân thủ của người nộp thuế tại địa phương.

4.6. Chất lượng quản trị công

Ngân hàng Thế giới (2006) coi chất lượng quản trị công là quá trình trong đó các nhà lãnh đạo có thẩm quyền được lựa chọn, giám sát và thay thế, cùng với năng lực của Chính phủ của một quốc gia, để thực hiện các chính sách đúng đắn và quản lý các nguồn lực của quốc gia đó một cách hiệu quả. Người dân ủng hộ Chính phủ trong trách nhiệm của mình, thông qua việc cung cấp tài chính cho việc duy trì hoạt động của Chính phủ dưới hình thức nộp thuế (Alabede và cộng sự, 2011). Levi (1988) lập luận rằng, nếu người nộp thuế nhận thấy rằng, tỷ lệ chuyển đổi từ thuế sang hàng hóa chính trị thấp, thì người nộp thuế sẽ cảm thấy rằng, Chính phủ đã không tuân thủ nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, do đó việc tuân thủ thuế sẽ xấu đi. Torgler (2003) cho rằng, khi chất lượng quản trị công giảm sút, sự tuân thủ thuế của các đối tượng nộp thuế có thể bị tác động trở nên xáo trộn, vì các cá nhân cho rằng, Chính phủ không tôn trọng sự trung thực của họ.

Trong nghiên cứu của Alabede và cộng sự (2011) với mục đích chính, nhằm kiểm tra mối quan hệ giữa nhận thức của người nộp thuế về chất lượng quản trị công và hành vi tuân thủ của họ, cũng như để xác định, liệu mối quan hệ có được điều chỉnh theo điều kiện tài chính hay không? Đã đề xuất mở rộng mô hình tuân thủ thuế của Fischer, để kết hợp chất lượng dịch vụ thuế được cảm nhận, chất lượng quản trị công, sự đa dạng về sắc tộc, cũng như hiệu quả điều tiết điều kiện tài chính của người nộp thuế và mức độ ưa thích rủi ro. Nghiên cứu này bao gồm một cuộc khảo sát về quan điểm, nhận thức và hành vi của cá nhân người nộp thuế về chất lượng quản trị công, cũng như việc tuân thủ thuế. Phát hiện chính của nghiên cứu này là, chất lượng quản trị công có mối quan hệ tích cực đáng kể với hành vi tuân thủ thuế.

5. Khung nghiên cứu đề xuất

Về mặt lý thuyết, nhiều nghiên cứu được thực hiện trước đây đưa ra khá nhiều các mô hình, xác định tương đối đa dạng các nhân tố tác động lên việc không tuân thủ thuế. Nghiên cứu hiện tại đề xuất một khung khái niệm, để giải thích hiện tượng không tuân thủ thuế. Khung đề xuất bao gồm 8 thành phần, cụ thể: mô hình chứa một biến phụ thuộc, đó là sự không tuân thủ thuế và 7 biến độc lập là chuẩn xã hội; giáo dục thuế; quyền lực cưỡng chế của cơ quan thuế; quyền lực hợp pháp của cơ quan thuế; thông tin thuế; chất lượng dịch vụ của cơ quan thuế; và chất lượng quản trị công. Mô hình được đề xuất dựa vào những nghiên cứu trước đây, nhưng được sử dụng cho môi trường ở Việt Nam, là một nước đang phát triển, thực tế, có phát sinh hiện tượng không tuân thủ thuế tương đối đáng quan tâm. Để có cách xử lý hiệu quả cho vấn đề, giải pháp được đề xuất phải đáp ứng nhu cầu bối cảnh của đất nước và do đó, mô hình hiện tại đã được điều chỉnh theo bối cảnh của Việt Nam.

Dựa trên thảo luận ở trên, khung khái niệm sau đây được đề xuất (Sơ đồ theo hình).

 

6. Kết luận

Bài báo này, đã cung cấp một khuôn khổ về hành vi không tuân thủ thuế. Xuất phát từ các nghiên cứu đa ngành, cho nên trong các nghiên cứu về không tuân thủ thuế sẽ không có một lý thuyết duy nhất nào có khả năng giải thích hoàn toàn hiện tượng xuất hiện hành vi không tuân thủ thuế. Theo đó, có ý kiến cho rằng, các lý thuyết từ xã hội học, tâm lý học và kinh tế học, có thể hữu ích trong việc giải thích hành vi tuân thủ hay không tuân thủ thuế. Việt Nam là một nước đang phát triển, nên các yếu tố được đưa vào khung lý thuyết cũng dựa trên sự phù hợp với tình hình phát triển. Bài báo này, dừng lại ở mức độ đề xuất khung lý thuyết và mô hình nghiên cứu cho các nghiên cứu liên quan đến hành vi không tuân thủ thuế, đề xuất các nghiên cứu tiếp theo sẽ tiến hành đo lường cụ thể để đánh giá hướng, cũng như mức độ tác động của các nhân tố trong mô hình đề xuất lên hành vi không tuân thủ thuế.

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ: “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ không tuân thủ pháp luật thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM” - Mã số: B2020-KSA-02.

 

Tài liệu tham khảo

Akan David Chucks (2013). Tax Morale and Its Effect on Taxpayers’ Compliance to Tax Policies of the Nigerian Government. IOSR Journal of Business and Management (IOSR-JBM) e-ISSN: 2278-487X, p-ISSN: 2319-7668. Volume 12, Issue 6 (Sep. - Oct. 2013), PP 35-55.

Ajzen, I., 1991. The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50, pp. 179–211. https://doi.org/10.1016/0749-5978(91)90020-T

Alabede, J. O., Ariffin, Z. Z., & Idris, K. M. (2011). Determinants of tax compliance behaviour: A proposed model for Nigeria. International Research Journal of Finance and Economics, 78(1), 121-136.

Ali, A.-T. L., & Abdul-Jabbar, H. (2016). Service quality and income tax non-compliance among small and medium enterprises in Yemen. Journal of Advanced Research in Business and Management Studies, 4(1), 12-21.

Alm, J. (1999). Tax compliance and administration. Public Administration and Public Policy, 72, 741-768.

Alm, J., McClelland, G.H. and Schulze, W.D. (1992). Why do people pay taxes? Journal of Public Economics, Issue 48/1992, pp. 21 – 38.

Alm, J., Sanchez, I., & De Juan, A. (1995). Economic and noneconomic factors in tax compliance. Kyklos-berne-, 48, 3-3. https://doi.org/10.1111/j.1467-6435.1995.tb02312.x

Barbuta-Misu, N. (2011). A review of factors for tax compliance. Economics and Applied Informatics, (1), 69-76.

Benk, S., Çakmak, A. F., & Budak, T. (2011). An investigation of tax compliance intention: A theory of planned behavior approach. European Journal of Economics, Finance and Administrative Sciences, 28, 181-188.

Brady, M. K., & Cronin Jr., J. J. (2001). Some new thoughts on conceptualising perceived service quality: A hierarachical approach. Journal of Marketing , 65, 34-49.

Cialdini, R. B., & Trost, M. R. (1998). Social influence: Social norms, conformity and compliance. In D. T. Gilbert, S. T. Fiske, & G. Lindzey (Eds.), The handbook of social psychology (pp. 151–192).

McGraw-Hill. https://psycnet.apa.org/record/1998-07091-021

Gobena, Lemessa Bayissa, and Marius Van Dijke. (2015). Power, Justice, and Trust: A Moderated Mediation Analysis of Tax Compliance among Ethiopian Business Owners. Journal of economic psychology.

James, S., & Alley, C. (2004). Tax compliance, self-assessment and tax administration. Journal of Finance and Management in Public Services, 2(2), 27–42.

Kamil, N. I. (2015). The effect of tax payer awareness, knowledge, tax penalties and tax authorities’ services on tax compliance. Research Journal of Finance and Accounting, 6(2), 104-111. https://citeseerx.ist.psu.edu /viewdoc/download?doi=10.1.1.672.9391&rep=rep1&type=pdf

Kirchler, E., Hoelzl, E., & Wahl, I. (2008). Enforced versus voluntary tax compliance: The “slippery slope” framework. Journal of Economic Psychology, 29(2), 210-225.

Kirchler, E., Niemirowski, A., & Wearing, A. (2006). Shared subjective views, intent to cooperate and tax compliance: Similarities between Australian taxpayers and tax officers. Journal of economic psychology, 27(4), 502-517.

Levi, M. (1988). Of rule and revenue. Berkeley: University of California Press

Marti, L. O., Wanjohi, M. S., & Magutu, O. (2010). Taxpayers’ attitudes and tax compliance behaviour in Kenya. African Journal of Business & Management, 1, 112-122.

Masari, N. M. G., & Suartana, I. W. (2019). Effect of tax knowledge, service quality, tax examination, and technology of compliance regional tax mandatory. International research journal of management, IT and social sciences, 6(5), 175-183. https://doi.org/10.21744/irjmis.v6n5.722

Mascagni, G. and Santoro, F. (2018). Why is Tax Education Important for Compliance? ICTD Research in Brief 23, Brighton: IDS. https://opendocs.ids.ac.uk/opendocs/handle/20.500.12413/14012

McKerchar, M. (2002). The effects of complexity on unintentional noncompliance for personal taxpayers in Australia. Australian Tax Forum, 17(1), 3–26.

McKerchar, M. (2003), “The Study of Income Tax Complexity and Unintentional Noncompliance: Research Method and Preliminary Findings”, ATAX Discussion Paper Series No 6. from SSRN Electronic Journal.

Musimenta, D., Nkundabanyanga, S. K., Muhwezi, M., Akankunda, B., & Nalukenge, I. (2017). Tax compliance of small and medium enterprises: a developing country perspective. Journal of Financial Regulation and Compliance.

Mustapha, B., & Obid, S. N. B. S. (2014). Tax service quality: The mediating effect of perceived ease of use of the online tax system. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 172, 2-9.

Ntiamoah, J. A., & Asare, J. (2021). Economic versus Non-Economic Factors: Which is More Relevant to an Individual's Tax Compliance Decisions in a Developing Economy?

Owens, J., & Parry, R. (2009). Why tax matters for development. Oecd Centre for Tax Policy and Administration. Retrieved from http://oecdobserver.org

/news/archivestory.php/aid/2943/Why_tax_matters_for_development.html.

Peggy Jimenez, Govind S. Iyer. (2016). Tax compliance in a social setting: The influence of social norms, trust in government, and perceived fairness on taxpayer compliance. Advances in Accounting, Volume 34, Pages 17-26, ISSN 0882-6110https://doi.org/10.1016/j.adiac.2016.07.001

Rodrigues, M. J. S. (2019). Tax compliance and slippery slope framework: comparative analysis of portuguese and swiss taxpayers (Doctoral dissertation, School of Economics & Management, Universidade de Lisboa). https://aeca.es/old/xixencuentrocomunicaciones/38f.pdf

Roth, J. A., Scholtz, J. T., & Witte, A. D. (1989). Taxpayer compliance: An agenda for research. Philadelphia. University of Pennsylvania Press.

Singh V (2003). Malaysian Tax Administration. 6th ed. Kuala Lumpur: Longman.

Taing, H. B., & Chang, Y. (2020). Determinants of Tax Compliance Intention: Focus on the Theory of Planned Behavior. International Journal of Public Administration, 1-12. https://doi.org/10.1080/01900692.2020.1728313.

Torgler, B. (2003). Tax morale: Theory and analysis of tax compliance. Unpublished doctoral dissertion, University of Zurich, Switzerland.

World Bank. (2006). Governance and anti-corruption. Retrieved July 28, 2010, from www.worldbank.org/ wbi/governance?


Xem thêm
Định hướng lộ trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam

Định hướng lộ trình chuyển đổi số trong kế toán ở Việt Nam

Thực trạng các quy định pháp lý về kế toán hàng hoá kho bảo thuế và kho ngoại quan ở Việt Nam

Thực trạng các quy định pháp lý về kế toán hàng hoá kho bảo thuế và kho ngoại quan ở Việt Nam

Chuẩn mực kiểm toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Kinh nghiệm cho hoạt động kiểm toán tại Việt Nam

Chuẩn mực kiểm toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Kinh nghiệm cho hoạt động kiểm toán tại Việt Nam

Kiểm toán các ước tính kế toán trong kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn hiện nay

Kiểm toán các ước tính kế toán trong kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn hiện nay

Tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán dồn tích tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay

Tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán dồn tích tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh