Chuẩn mực kiểm toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số gợi ý đối với hoạt động kiểm toán tại Việt Nam


Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (SMEs) trong việc giải quyết việc làm và gia tăng GDP, Việt Nam cũng không là một ngoại lệ. Thừa nhận tầm quan trọng đó, vừa qua trong năm 2017, một số văn bản quan trọng được ban hành và có liệu lực liên quan đến SMEs như Luật Hỗ trợ DNNVV, Thông tư 133 hướng dẫn chế độ kế toán cho DNNVV thay thế Quyết định 48. Tuy nhiên, chưa hề có một hướng dẫn nào liên quan đến kiểm toán cho SMEs, khi số lượng SMEs gia tăng thì số lượng SMPs (đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho SMEs) cũng ngày càng phát triển. Bài viết phân tích những ý kiến tranh luận về việc ban hành một chuẩn mực kiểm toán (CMKT) riêng dành cho SMEs, hoặc giải pháp để hỗ trợ hoạt động này cùng với ưu và nhược điểm của chúng. Đồng thời, cũng nêu lên quan điểm nhất quán của IFAC và IAASB về việc ban hành CMKT riêng rẽ. Cuối cùng, một số gợi ý được đề xuất đến hội nghề nghiệp, cơ quan ban hành chuẩn mực, nhằm thúc đẩy hoạt động của SMPs và phát triển thị trường kiểm toán cho SMEs nói chung.

Giới thiệu

Việc áp dụng chung một hệ thống CMKT VSAs cho tất cả loại hình và quy mô doanh nghiệp (DN) (mặc dù có lưu ý áp dụng cho DN nhỏ) gây nhiều khó khăn như: Sự phức tạp của chuẩn mực không phù hợp với SMEs; Tốn nhiều thời gian và chi phí không cần thiết để kiểm toán viên hiểu và áp dụng toàn bộ chuẩn mực cho đơn vị SMEs; Làm gia tăng giá phí kiểm toán trong khi khách hàng không thực sự nhận thấy được giá trị của việc tuân thủ toàn bộ hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp; Làm giảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa công ty kiểm toán lớn và các công ty kiểm toán nhỏ với nguồn lực hạn chế; Sự khác biệt khi vận dụng xét đoán nghề nghiệp giữa các kiểm toán viên khi quyết định yêu cầu nào của chuẩn mực cần hay không cần thực hiện đối với SMEs. Bên cạnh đó, định nghĩa SMEs còn chưa thống nhất, thậm chí giữa các văn bản pháp luật và nghề nghiệp trong phạm vi một quốc gia. Vì vậy, khái niệm SMEs và Công ty Dịch vụ Kế toán vừa và nhỏ (SMPs) sẽ được cập nhật theo văn bản mới nhất được ban hành tại Việt Nam, trước khi những phân tích về sự cần thiết của một hệ thống CMKT riêng cho SMEs được đề cập.

Vai trò của SMEs và SMPs

DNNVV (SMEs) ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế toàn cầu, thông qua giải quyết việc làm và đóng góp cho tăng trưởng GDP. Theo báo cáo nghiên cứu của Edinburgh Group Growing the global economy through SMEs, SMEs chiếm khoảng 95% tổng số DN trên thế giới và chiếm 60% số DN trong khối tư nhân. Nhật Bản là nước dẫn đầu về tỷ lệ SMEs (99%) trong số các nước công nghiệp phát triển. Tại ấn Độ, SMEs chiếm 80%, tại Nam Phi tỷ lệ này là 91%. Không chiếm ưu thế về số lượng, SMEs còn giải quyết đến 67% việc làm và đóng góp 58% giá trị gia tăng gộp Gross Value Added (giá trị đóng góp của một hoạt động trừ đi giá trị tiêu dùng cho hoạt động đó – một chỉ tiêu của GDP) trong GDP của Liên Minh Châu Âu. Tại Việt Nam, khối DN này chiếm 45% GDP, 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN, thu hút 5 triệu việc làm và đóng góp 50% vào tốc độ tăng trưởng quốc gia hàng năm Báo cáo của Cục phát triển DN (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

Do giữ vai trò thiết yếu trong nền kinh tế nên nhiều quốc gia đã ban hành quy định liên quan đến hoạt động của SMEs. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung dành cho SMEs mà mỗi quốc gia, tổ chức có những định nghĩa khác nhau dựa trên các tiêu chí như số lượng lao động, tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận hàng năm,… Thậm chí, một số quốc gia (Mỹ, Nam Phi) còn xây dựng định nghĩa SMEs cho từng lĩnh vực ngành nghề (bán sỉ, sản xuất, nông nghiệp, bán lẻ dịch vụ và xây dựng).

Theo quan điểm của IFAC thể hiện tại đoạn A64 ISA 200, “đơn vị nhỏ” là đơn vị có những đặc điểm sau:

(a) Quyền sở hữu và quyền quản lý tập trung vào một số ít người.

(b) Có một hoặc một số đặc điểm sau đây:

(c) Các giao dịch rõ ràng hoặc không phức tạp;

(d) Cách ghi chép, lưu trữ tài liệu kế toán đơn giản, không phức tạp;

(e) Có ít hoạt động sản xuất, kinh doanh: chỉ sản xuất hoặc mua bán một số loại sản phẩm, hàng hóa;

(f) Có ít kiểm soát nội bộ;

(g) Có ít cấp độ quản lý mà mỗi cấp có trách nhiệm kiểm soát rộng;

(h) Có ít nhân sự và thường phải kiêm nhiệm.

Các nhà ban hành CMKT quốc tế cũng lưu ý rằng, những đặc điểm định tính trên không phải là tất cả các đặc điểm của SMEs. SMEs không nhất thiết phải hội đủ tất cả các đặc điểm nói trên. Đồng thời, họ cũng lưu ý rằng, hệ thống CMKT quốc tế ISAs với những hướng dẫn bổ sung dành cho “đơn vị nhỏ” với chủ ý là áp dụng cho các tổ chức không niêm yết. Bên cạnh đó, theo IFAC SMP Committee (2006) sẽ không thực tế nếu xây dựng một định nghĩa SMEs chính xác mà điều này nên tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia. Đặc biêt, trong lĩnh vực kiểm toán, việc xác định một DN có phải là SMEs không phụ thuộc vào đặc điểm chủ yếu đó là mức độ lợi ích công chúng The International Ethics Standard Board for Accountants (IESBA) định nghĩa DN có lợi ích công đáng kể là “DN do bản chất kinh doanh, quy mô, số lượng nhân viên, có nhiều bên có lợi ích liên quan (stakeholders). Ví dụ như: Ngân hàng, bảo hiểm, tổ chức tài chính, tùy thuộc vào quy mô có thể là quỹ hưu trí, DN nhà nước, DN phi lợi nhuận” tại DN đó. SMEs là những DN có ít lợi ích công.

Tại Việt Nam, tiêu chí xác định DNNVV được quy định tại Điều 4, Luật Hỗ trợ DNNVV (06/2017) như sau:

1. DNNVV bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:

a. Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;

b. Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

2. DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Như vậy, cho đến tháng 7/2017, Việt Nam cũng đã ban hành định nghĩa chính thức về SMEs. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì những quy định pháp lý có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, quản trị DN, chứng khoán có liên quan đến SMEs sẽ tham chiếu đến định nghĩa tại Luật Hỗ trợ DNNVV.

Nhận thức được tầm quan trọng của SMEs, IFAC đã thành lập ủy ban Thực hành Nhỏ và vừa (IFAC Small and Medium Practices Committee). Đối với IFAC, đây là bộ phận tư vấn chiến lược hỗ trợ và đại diện quyền lợi của kiểm toán và kế toán viên hành nghề tại các tổ chức nghề nghiệp nhỏ và vừa (Small and Medium sized practices-SMPs). Theo IFAC SMP Committee (2006) và IFAC (2017), SMP Committee định nghĩa SMPs trong lĩnh vực kiểm toán là hoạt động hành nghề có một trong những đặc điểm sau đây:

Khách hàng chủ yếu là DNNVV (SMEs); các SMPs thường không kiểm toán DN niêm yết;

Sử dụng các nguồn lực bên ngoài để bổ sung cho những hạn chế về mặt chuyên môn tại đơn vị;

Hầu hết dịch vụ cung cấp cho khách hàng là dịch vụ phi đảm bảo;

Hạn chế trong số lượng nhân viên hành nghề;

ít thủ tục kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp.

SMPs cũng là DN nhỏ nên những cũng có thể có những đặc điểm của SMEs nói trên. SMPs cung cấp một loạt các dịch vụ giúp khách hàng tuân thủ luật định cũng như cải thiện hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như dịch vụ kế toán kiểm toán và dịch vụ tư vấn tạo ra giá trị gia tăng như: lập kế hoạch chiến lược, quản trị tài chính, quản trị rủi ro. Khi cung cấp các dịch vụ này, SMPs có thể liên kết với chuyên gia trong các lĩnh vực khác như ngân hàng, luật sư, chuyên gia IT. Những chuyên gia này cũng có khách hàng là SMEs. Sự phát triển của SMP góp phần gia tăng lựa chọn và cạnh tranh trong thị trường các dịch vụ chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, với sự gia tăng không ngừng của SMEs, đặc biệt số lượng SMEs đến từ DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, buộc phải kiểm toán theo luật định dẫn đến hoạt động SMPs trở nên sôi động và hấp dẫn trong thị trường kiểm toán tại Việt Nam hơn bao giờ hết. Điều này dấy lên câu hỏi: liệu việc áp dụng yêu cầu nghiêm ngặt của bộ CMKT cho tất cả DN, khách hàng còn phù hợp và khả thi trong bối cảnh hoạt động kiểm toán ngày càng cạnh tranh gay gắt?

Sự cần thiết của hệ thống CMKT dành cho DNNVV

Cùng với sự hội nhập kinh tế, ngày càng nhiều quốc gia đồng thuận trong việc sử dụng một bộ chuẩn mực nghề nghiệp thống nhất, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thu hút đầu tư và CMKT quốc tế cũng không phải là ngoại lệ.

Trong vòng 20 năm qua, hệ thống CMKT không ngừng gia tăng về số lượng cũng như nội dung chi tiết. Điều này xuất phát từ những lý do như: Nhu cầu cần có hệ thống chuẩn mực áp dụng toàn cầu có thể dùng cho tất cả các cuộc kiểm toán, sự phức tạp của nghiệp vụ, sự gia tăng kiểm soát chất lượng kiểm toán, ảnh hưởng ngày càng lớn từ quy định pháp lý, mong muốn giảm khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán,… (Craig Fisher & Justin Reid, 2017)

Khi áp dụng ISAs cho SMEs, các kiểm toán viên gặp phải thử thách như sự dài dòng và phức tạp của ISAs, việc áp dụng ISAs thường không nhất quán vì dựa vào xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên để lựa chọn thủ tục phù hợp cho SMEs, thiếu đại diện của SMEs và SMPs trong ủy ban Soạn thảo chuẩn mực dẫn đến hệ thống chuẩn mực ban hành hướng tới DN lớn hơn là SMEs,… (IFAC SMP Committee, 2006).

Những nguyên nhân nêu trên dẫn đến hai vấn đề chính, khi áp dụng ISAs cho SMEs. Thứ nhất, đó là sự phù hợp của ISAs đối với SMEs. ISAs được soạn thảo chủ yếu hướng tới DN niêm yết và có lợi ích công. Vì vậy, khi áp dụng yêu cầu phức tạp của ISAs cho SMEs làm tăng chi phí kiểm toán không cần thiết. Thứ hai là, vấn đề về năng lực các SMPs. Như đã đề cập ở trên, thường có giới hạn về nguồn lực kiểm toán, nên hiểu và áp dụng ISAs là một thử thách đáng kể. Trong khi đó, một số thị trường kiểm toán còn non trẻ thiếu các công cụ và tổ chức hỗ trợ nghề nghiệp để SMPs có thể bù đắp thiếu hụt về mặt năng lực (IFAC SMP Committee, 2006).

Tóm lại, tuy việc nâng cao chất lượng hệ thống CMKT là không thể tránh khỏi nhằm bảo vệ thị trường tài chính trước hàng loạt bê bối liên quan đến lĩnh vực kiểm toán trong những năm qua, CMKT hiện tại vấp phải sự phản ứng từ SMPs khi vận dụng chúng trong thực tế. Khách hàng kiểm toán là SMEs đôi khi không cần thiết mức độ tuân thủ cao đối với ISAs. Do đó, giá trị mà kiểm toán mang lại cho SMEs và người sử dụng báo cáo tài chính của họ trở nên tranh cãi. Đối với SMPs là tính phi khả thi về mặt kinh tế khi áp dụng ISAs trong kiểm toán SMEs (doanh thu thấp trong khi chi phí kiểm toán cao) cộng với áp lực phải tuân thủ ISAs từ luật pháp và hội nghề nghiệp. Trong khi kiểm toán cho SMEs là một thị trường đầy tiềm năng thì những khó khăn này đã khiến cho nhiều SMPs bị đào thải, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nghề nghiệp kiểm toán nói chung.

Trước thực trạng đó, nhiều hội thảo quốc tế của các tổ chức có uy tín đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ quyền lợi của SMPs và SMEs bằng việc ban hành một hệ thống CMKT riêng. Chẳng hạn như “Bản tin Auditing Small and Medium-Sized Entities” của Auditing and Assurance Standards Boards (úc) thảo luận với 9 cá nhân và tổ chức nghề nghiệp về sự cần thiết của CMKT dành cho SMEs. Hai bài tư vấn (consultation paper) của Accounting Practices Board tại Anh (1/2007) về “The need for Guidance to Aid the Implementation of Auditing Standards on Smaller Entity Audits” và “Draft Guidance on Smaller Entity Audit Document”. Tài liệu hướng dẫn tuân thủ và vận dụng ISAs trong kiểm toán SMEs “Audit of a Small Entity, the Professional Engagement Manual” của tổ chức Canadian Institute of Chartered Accountants (5/2007) (Auditing and Assurance Standards Board, 2007). Hay là bài tranh luận (discussion paper) của Institute of Chatered Accountants in Australia về Differential Auditing Standards (Ken Trotman, 2006).

Những khó khăn đối với việc xây dựng hệ thống CMKT dành cho DNNVV

Tuy ý tưởng xây dựng hệ thống CMKT riêng dành cho SMEs là cần thiết, trong thực tế không dễ dàng thực hiện được điều này.

Một số giải pháp cùng với ưu và nhược điểm đã được đề xuất như sau (Ken Trotman, 2006):

Xây dựng một hệ thống CMKT riêng cho SMEs

Đề xuất này tương tự như hệ thống chuẩn mực kế toán dành cho SMEs. Theo đó, CMKT dành cho SMEs vẫn cung cấp mức độ đảm bảo hợp lý. Tuy nhiên, cần ghi nhận những khác biệt giữa SMEs và DN lớn để xây dựng quy định mới cũng như cắt giảm những yêu cầu không cần thiết. Điều khó khả thi, vì ngay cả định nghĩa SMEs cũng chưa được thống nhất giữa các quốc gia thì việc cắt giảm hay thay đổi các quy định của chuẩn mực trong khi vẫn giữ nguyên mức độ đảm bảo hợp lý dường như thiếu thận trọng, thậm chí là không tưởng vì nó có thể làm giảm chất lượng của dịch vụ kế toán (DVKT).

Xây dựng những giải thích khác nhau về mức độ đảm bảo hợp lý

Đề xuất này duy trì hệ thống ISAs và mức độ đảm bảo hợp lý hiện hành. Tuy nhiên, việc lý giải và hiểu về mức độ đảm bảo hợp lý sẽ chịu ảnh hưởng bởi quy mô khách hàng. Đề xuất này vấp phải ý kiến rằng, liệu mức độ đảm bảo hợp lý sẽ như nhau cho mọi khách hàng hay là kiểm toán viên có thể cung cấp mức độ đảm bảo thấp hơn cho DN không có lợi ích công như SMEs. Không những thế, việc giải thích mức độ đảm bảo hợp lý khác nhau cũng gây thêm khó hiểu cho người dùng, khi vẫn còn tồn tại “khoảng cách kỳ vọng” giữa chất lượng dịch vụ và mong đợi của khách hàng.

Sử dụng hai mức độ đảm bảo

Phương pháp này được áp dụng tại Canada. Các công ty tư nhân lớn không bắt buộc phải kiểm toán, do đó họ được phép lựa chọn giữa DVKT hoặc dịch vụ soát xét (review). DVKT sẽ cung cấp mức độ đảm bảo hợp lý còn dịch vụ soát xét sẽ cung cấp mức độ đảm bảo dạng phủ định (negative assurance). Cũng như giải pháp nói trên, giải pháp này cũng gây thêm khó hiểu cho người dùng và gây hiểu lầm về chất lượng dịch vụ.

Tăng cường sử dụng dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính có hiệu chỉnh (a revised compilation report)

SMEs có thể sử dụng dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính có sự tham gia của chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau. Báo cáo này sẽ thêm đoạn mô tả phạm vi cung cấp dịch vụ của kiểm toán viên cũng như trách nhiệm của họ. Đặc biệt báo cáo này sẽ không đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào.

Không những thế, bên cạnh những đề xuất về hệ thống chuẩn mực. Câu hỏi nữa đặt ra là vấn đề tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chất lượng kiểm toán được quy định như thế nào khi kiểm toán SMEs. Liệu xây dựng và thực hiện theo hệ thống CMKT riêng của SMEs có dẫn đến rủi ro tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát chất lượng không, khi mà một số quy định sẽ được cắt giảm trong bối cảnh phải thỏa mãn hiệu quả kinh tế của một cuộc kiểm toán. Tóm lại, hệ thống CMKT dành cho SMEs là cần thiết nhưng là bài toán nan giải trong thực tế. Nhận thức được điều này, sau cuộc khảo sát vào năm 2004, Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) đã có báo cáo chính thức (Policy Postion Paper) về vấn đề này trong năm 2006 và 2012.

Quan điểm của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) đối với việc xây dựng hệ thống CMKT dành cho DNNVV

Quan điểm về xây dựng hệ thống chuẩn mực dành cho SMEs và quan điểm về các mức độ đảm bảo khác nhau khi kiểm toán SMEs.

Mặc dù nhận biết được nhu cầu của SMPs đối với một hệ thống CMKT phù hợp hơn, IFAC và IAASB bảo lưu quan điểm đặt lợi ích công chúng lên hàng đầu. Người sử dụng báo cáo tài chính cần có niềm tin rằng cuộc kiểm toán dù ở quy mô nào, đơn giản hay phức tạp đều đã được thực hiện trên cùng chuẩn mực có chất lượng cao. Vì vậy, IFAC và IAASB ủng hộ việc xây dựng một hệ thống ISAs cho tất cả DN mà không cần đến một bộ chuẩn mực riêng.

Trước những đề xuất ban hành báo cáo kiểm toán với mức độ đảm bảo khác nhau cho SMEs nói trên, IFAC cho rằng vì lợi ích công chúng nên duy trì một mức độ đảm bảo duy nhất cho tất cả các cuộc kiểm toán. Công chúng thường kỳ vọng về những gì một cuộc kiểm toán thông thường mang lại. Việc phát hành báo cáo kiểm toán dựa trên một hệ thống chuẩn mực khác có thể gây hiểu lầm cho người dùng rằng hệ thống chuẩn mực cho SMEs kém chất lượng hơn chuẩn mực hiện tại, đồng thời gây khó hiểu khi đọc và so sánh báo cáo kiểm toán giữa hai hệ thống chuẩn mực. Điều này dẫn đến hệ quả suy giảm niềm tin của công chúng vào DVKT. Vì rõ ràng, rất khó có thể đạt được cùng một mức độ đảm bảo từ việc dựa vào một bộ chuẩn mực tinh giản hơn chuẩn mực hiện hành.

Không những thế, nếu duy trì nhiều mức độ đảm bảo khác nhau cho DVKT có thể dẫn đến tăng chi phí cho người sử dụng, vì họ cần tìm hiểu sự khác biệt về mức độ đảm bảo giữa các báo cáo kiểm toán và ảnh hưởng của chúng đến độ tin cậy của báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Đồng thời, có thể làm gia tăng rủi ro nếu người dùng ra quyết định mà không hiểu hết về mức độ đảm bảo của báo cáo kiểm toán.

Vì vậy, quan điểm chung của IFAC và IAASB “Kiểm toán là kiểm toán” (IFAC SMP Committee, 2006; IFAC, 2012). Mục tiêu của một cuộc kiểm toán là kiểm toán viên đưa ra ý kiến liệu báo cáo tài chính có trung thực, hợp lý trên khía cạnh trọng yếu theo khuôn mẫu trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. Kiểm toán viên phải thực hiện các quy trình và thủ tục theo quy định của CMKT, để thu thập đủ bằng chứng thích hợp dựa vào đó phát hành ý kiến kiểm toán. Mục tiêu này áp dụng cho tất cả cuộc kiểm toán. Mức độ đảm bảo hợp lý là mức độ đảm bảo cáo nhất và chỉ dành cho DVKT, bất kể quy mô và loại hình DN được kiểm toán.

Liên quan đến xác định nhu cầu đối với dịch vụ đảm bảo ngoài DVKT, hoặc không cần đảm bảo khi kiểm toán cho SMEs, IFAC lưu ý một số nhân tố cần xem xét.

Thứ nhất, tuy kiểm toán tốn nhiều chi phí, lợi ích công chúng là lý do cần duy trì kiểm toán vì bên thứ ba có thể gặp rủi ro nếu họ không có thông tin đáng tin cậy khi giao dịch với SMEs. Ngoài ra, một số người có thể cho rằng thực hiện kiểm toán theo ISAs có thể tốn kém hơn theo hệ thống chuẩn mực tinh giản, nhưng có những lợi ích tiềm tàng khi sử dụng ISAs như: Tăng độ tin cậy của báo cáo tài chính, tăng cơ hội tiếp cận nguồn tài chính, cải thiện hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, quản trị DN, thuận lợi khi niêm yết,…

Thứ hai, cần thận trọng khi lựa chọn dịch vụ đảm bảo ngoài DVKT hoặc phi đảm bảo đối với SMEs. IAASB ghi nhận hai mức độ đảm bảo: đảm bảo hợp lý của kiểm toán và đảm bảo có giới hạn của dịch vụ soát xét. Lựa chọn dịch vụ nào cho SMEs, là tùy vào quy định từng quốc gia và nhu cầu của từng SMEs. Tuy nhiên, sử dụng các dịch vụ khác ngoài DVKT không phải lúc nào cũng đem lại lợi ích tốt nhất cho SMEs và công chúng. Tại nhiều quốc gia, SMEs chiếm tỷ trọng rất lớn, vì thế nếu niềm tin của công chúng đối với báo cáo tài chính của SMEs bị suy giảm có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia đó. Lợi ích và chi phí khi thay đổi quy định kiểm toán, đặc biệt miễn trừ SMEs khỏi dịch vụ đảm bảo cần thận trọng khi quyết định.

Quan điểm về việc phát triển hệ thống ISAs hiện hành có cân nhắc nhu cầu của SMEs

Tuy chỉ chấp nhận duy trì một hệ thống CMKT, IFAC và IAASB ghi nhận nhu cầu của SMEs bằng quan điểm phát triển chuẩn mực theo hướng “nghĩ nhỏ trước” (“think small first” approach). Điều này nghĩa là, chuẩn mực sẽ xây dựng bộ yêu cầu cơ bản và hướng dẫn đi kèm có thể áp dụng cho tất cả DN. Sau đó, yêu cầu bổ sung dành cho DN có lợi ích công sẽ được thêm vào. IFAC cũng nhấn mạnh điều này không có nghĩa là hệ thống ISAs sẽ nhẹ nhàng hơn cho SMEs vì SMEs sẽ không được miễn giảm khỏi các yêu cầu cơ bản. Cách tiếp cận này hoàn toàn khác biệt với việc xây dựng hệ thống chuẩn mực riêng dành cho SMEs, cái có thể khiến người sử dụng nghĩ rằng cuộc kiểm toán SMEs ít chặt chẽ và kém chất lượng hơn các cuộc kiểm toán khác.

Bên cạnh đó, cân nhắc nhu cầu của SMEs, ISAs được xây dựng có kèm theo “Lưu ý dành cho đơn vị nhỏ” (Considerations Specific to Smaller Entities). Hướng dẫn này giúp kiểm toán viên áp dụng quy định chuẩn mực phù hợp với quy mô và độ phức tạp của DN.

Cách tiếp cận dành cho kiểm toán viên khi kiểm toán SMEs

IFAC yêu cầu kiểm toán viên phải tuân thủ quy định kiểm soát chất lượng và đạo đức nghề nghiệp, bất kể quy mô và độ phức tạp của DN được kiểm toán. Tuy nhiên, mỗi cuộc kiểm toán là khác nhau vì thế kiểm toán viên phải áp dụng xét đoán nghề nghiệp trong trường hợp nào một số quy định thậm chí cả CMKT (ISA 600 Special Considerations – Audits of Group Financial Statements, ISA 610 Using the Work of Internal Auditors) có thể không liên quan đến SMEs. Trong trường hợp đó, kiểm toán viên có thể thoát ly khỏi yêu cầu của chuẩn mực bằng cách thực hiện thủ tục thay thế.

Một số gợi ý đối với hoạt động kiểm toán tại Việt Nam

Hiện nay, SMEs nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam. Nhà nước đã ban hành một số điều luật, quy định để hỗ trợ, định hướng cho loại hình DN này chẳng hạn như Luật Hỗ trợ DNNVV ban hành năm 2017 hiệu lực 1/1/2018, Thông tư 133/2016 hướng dẫn chế độ kế toán DNNVV hiệu lực từ năm 1/1/2017 thay thế Quyết định số 48/2006. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kiểm toán hướng dẫn nghề nghiệp dành cho kiểm toán viên khi cung cấp DVKT cho SMEs dường như còn bỏ ngỏ. Từ những phân tích nêu trên về nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan đến việc ban hành CMKT dành cho SMEs cũng như quan điểm của IFAC về vấn đề này, một số đề xuất cho cơ quan quản lý và hội nghề nghiệp như sau:

Nhanh chóng ban hành hướng dẫn áp dụng VSAs khi kiểm toán SMEs. Tổ chức IFAC với sự hỗ trợ của SMP Committee đã ban hành 2 bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng ISAs khi kiểm toán SMEs bao gồm: Guide to Using ISAs in the Audits of Small and Medium-Sized Entities Volume 1 Core Concepts và Guide to Using ISAs in the Audits of Small and Medium-Sized Entities Volume 2 Practical Guidance (IFAC SMP Committee, 2011a, 2011b). Nếu VACPA ban hành những tài liệu hướng dẫn tương tự thì hoạt động SMPs tại Việt Nam có thể hữu hiệu và hiệu quả hơn. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của SMPs, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực hơn cho khách hàng SMEs thông qua khả năng cắt giảm giá phí kiểm toán.

IFAC khẳng định, việc quy định SMEs bắt buộc phải kiểm toán hay không là tùy quy định từng quốc gia căn cứ trên lợi ích công chúng. Tại Việt Nam, có rất nhiều khách hàng SMEs là DN FDI bắt buộc phải kiểm toán theo luật định. Tuy nhiên, những DN này thường không có lợi ích công đáng kể. Do đó, nên chăng có thể cho phép DN lựa chọn dịch vụ soát xét hay một số dịch vụ khác phù hợp với nhu cầu hơn.

Hội nghề nghiệp VACPA có thể thành lập đơn vị đại diện cho SMPs tương tự như bộ phận tư vấn SMP Committee. Đơn vị này là tiếng nói của các SMPs tại Việt Nam, trong việc ban hành các chuẩn mực nghề nghiệp và tài liệu hướng dẫn. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển hoạt động hành nghề của SMPs tại Việt Nam.

Cần có sự thay đổi trong tư duy ban hành chuẩn mực và quy định hành nghề. Như IFAC đã đề cập, soạn thảo chuẩn mực cần xuất phát từ những trường hợp đơn giản nhất, sau đó bổ sung thêm chi tiết hướng dẫn cho trường hợp phức tạp hơn. Chuẩn mực không nên xây dựng đại trà cho tất cả DN, vì như vậy có nghĩa là các kiểm toán viên SMEs sẽ phải đọc và tham chiếu đến nhiều yêu cầu quá chi tiết không cần thiết.

Khuyến khích trao đổi, thảo luận và đào tạo giữa các kiểm toán viên, khách hàng và cơ quan ban hành chuẩn mực, hội nghề nghiệp để khai thông những vướng mắc cũng như hướng dẫn thực hành kiểm toán SMEs. Nếu hiểu biết về nhu cầu của SMEs và kiểm toán SMEs được nâng lên thì có khả năng người sử dụng báo cáo kiểm toán, nhà ban hành luật dễ dàng đạt sự đồng thuận về xét đoán nghề nghiệp khi vận dụng và diễn giải chuẩn mực.

Kết luận

Trên thế giới, tầm quan trọng của thị trường kiểm toán cho SMEs và hoạt động của SMPs đã được ghi nhận từ nhiều năm trước. Điển hình là, cuộc khảo sát quốc tế do IFAC thực hiện năm 2004 (Ken Trotman, 2006). Cho đến hiện nay, những khó khăn khi áp dụng ISAs vào kiểm toán SMEs vẫn thường xuyên được đề cập đến trong nhiều tài liệu hội thảo của các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới European Federation of Accountants and Auditors for SMEs News tháng 02/2016 (European Federation of Accountants and Auditors for SMEs, 2016), bản tin của ủy ban CMKT úc AUASB năm 2007 (Auditing and Assurance Standards Board, 2007),… Tuy nhiên, tại Việt Nam hoạt động của SMPs chưa được hội nghề nghiệp chú trọng đúng mức, trong khi số lượng SMPs và thị trường kiểm toán SMEs không ngừng gia tăng. Những phân tích nói trên cho thấy thực trạng phát triển CMKT cho SMEs trên tầm quốc tế còn nhiều tranh cãi. Quan điểm của IFAC là, duy trì một hệ thống ISAs nhất quán có kèm theo hướng dẫn áp dụng hệ thống này cho SMEs. Từ đó chúng ta thấy rằng, tại Việt Nam, những hướng dẫn tương tự cần được ban hành và tập huấn cho SMPs. Điều này sẽ tạo sự nhất quán khi sử dụng xét đoán nghề, trong áp dụng ISAs vào thực tế./.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Auditing and Assurance Standards Board. (2007). Auditing Small and Medium-Sized Entities [Press release]

2. IFAC SMP Committee. (2006). IFAC Small and Medium Practices (SMPs) Committee Position Paper on Auditing Standards: IAASB Consultative Advisory Group.

 3. IFAC SMP Committee. (2011a). Guide to Using ISAs in the Audits of Small and Medium-Sized Entities Volume 1 - Core Concepts (Vol. 3, pp. 243). New York: IFAC.

4. IFAC SMP Committee. (2011b). Guide to Using ISAs in the Audits of Small and Medium-Sized Entities Volume 2 - Practical Guidance (3 ed., Vol. 2, pp. 323).

5. Craig Fisher, & Justin Reid. (2017). Are International Auditing Standards suitable for small audits? [Press release]

6. IFAC. (2012). IFAC's support for a single set of auditing standards: Audit of small and medium-sized entities [Press release]

7. IFAC. (2017). Small and Medium Practices Committee Fact Sheet. New York: IFAC.

8. European Federation of Accountants and Auditors for SMEs. (2016). EFAA News [Press release]

9. Ken Trotman. (2006). Auditing SMEs. Auditing SMEs, 77(8), 70.

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) PGS.TS Mai Thị Hoàng Minh - Nguyễn Thị Thùy Linh

Xem thêm
Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán báo cáo tài chính

Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán báo cáo tài chính

Nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng Phân tích tài chính doanh nghiệp

Nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng Phân tích tài chính doanh nghiệp

Blockchain có đe dọa nghề kế toán?

Blockchain có đe dọa nghề kế toán?

Chính sách thuế đối với hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam

Chính sách thuế đối với hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam

Những lưu ý trong kế toán quản trị chi phí tại các trường đại học công lập tự chủ

Những lưu ý trong kế toán quản trị chi phí tại các trường đại học công lập tự chủ

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh