Về tính giá tài sản trí tuệ tự tạo trong doanh nghiệp nông nghiệp


Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 (VAS 04) đã có quy định về tính giá tài sản cố định (TSCĐ) vô hình (bao gồm cả tài sản trí tuệ). Tuy nhiên, đối với tài sản trí tuệ (TSTT) do doanh nghiệp (DN) tự tạo ra thì phương pháp tính giá chưa quy định cụ thể và chưa phản ánh được lợi ích kinh tế mà TSTT có khả năng mang lại cho DN.

Bài viết phân tích những vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan đến tính giá TSTT (giống cây và con) tự tạo trong DN nông nghiệp và đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định về tính giá TSTT. 

Từ chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với việc xác định được khó khăn, thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO, TPP và cộng đồng chung ASEAN, nhiều DN nông nghiệp đã tự tìm tòi, nghiên cứu theo hướng tạo nên các tài sản trí tuệ (TSTT) để đổi mới công nghệ sản xuất, tạo nên giống cây, con mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, sản xuất theo hướng công nghệ sạch, tiếp cận các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước tiên tiến trên thế giới, … Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, một số DN lớn đã chuyển hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk, Vingroup, Vinamilk, Hùng Vương, Hòa Phát,... nhằm phát huy lợi thế so sánh của vùng để sản xuất hàng nông, lâm và thủy sản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Tại Hội thảo “Phát triển và chuyển giao tài sản trí tuệ” ngày 27/11/2015 do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ các lãnh đạo, nhà khoa học và đại biểu đều khẳng định trong giai đoạn tham gia ngày càng sâu vào các Hiệp định Thương mại, quản trị TSTT đã trở thành chức năng không thể thiếu của một DN (Báo Công thương, 2015). Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Nguyễn Quân đã chỉ rõ “Hoạt động sở hữu trí tuệ Việt Nam ngày càng sôi động và ngày càng khẳng định vai trò như một công cụ hữu hiệu, đảm bảo sự phát triển bền vững của một nền kinh tế tri thức. Xác định giá trị TSTT là cơ sở cho hàng loạt hoạt động kinh tế quan trọng như chuyển giao TSTT, mua bán, góp vốn, liên doanh,... giúp DN xác định được tài sản thực của mình, nhằm tạo cơ sở hoạch định chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD) có hiệu quả, cũng như quản lý các hoạt động tài chính (kiểm toán, kế toán)” (Nhật Minh, 2015). Mặc dù, VAS 04 đã có quy định về tính giá đối với TSTT, nhưng thực tế còn phát sinh nhiều khó khăn và chưa phản ánh đúng giá trị thực của TSTT, đặc biệt là TSTT được tự tạo trong DN.

Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn

Theo Chuẩn kế toán quốc tế số 38 (IAS 38), TSTT là một bộ phận của tài sản vô hình. Đồng thời, theo VAS 4, TSTT thỏa mãn định nghĩa TSCĐ vô hình, phải xem xét các yếu tố sau đây: Tính có thể xác định được, khả năng kiểm soát nguồn lực và tính chắc chắn của lợi ích kinh tế trong tương lai. Một TSTT được ghi nhận là TSCĐ vô hình phải có 4 tiêu chuẩn ghi nhận sau: (i) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do tài sản đó mang lại; (ii) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy; (iii) Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm; (iv) Có đủ giá trị theo quy định hiện hành. Các  TSTT của DN, nếu không thỏa mãn các tiêu chuẩn là TSCĐ vô hình thì được hạch toán như một khoản chi phí của SXKD trong kỳ, nếu phát sinh có giá trị lớn thì hạch toán như một khoản chi phí.

ở Việt Nam, TSTT trong DN nông nghiệp được hình thành từ các nguồn chủ yếu sau đây: 

-        Mua ngoài

-        Liên doanh, liên kết

-        Tự DN nghiên cứu (chi phí nghiên cứu do DN chi trả)

-        Bộ Khoa học Công nghệ chuyển giao TSTT hoặc cấp kinh phí để DN nghiên cứu, để phục vụ cho nhu cầu đổi mới công nghệ của chính DN. 

-        Cá nhân hoặc đơn vị khác tặng.

Vận dụng VAS 04 để tính giá TSTT trong các DN nông nghiệp, một số vấn đề sau đây phát sinh trong thực tiễn:

1. Thứ nhất. Giá trị của TSTT (nếu có đủ tiêu chuẩn là TSCĐ vô hình) là bản quyền của giống cây, giống con được theo dõi trên sổ kế toán theo chi phí thực tế hình thành nên tài sản đó. Trong thực tế, các DN nhận thấy, TSTT có giá thị trường lớn hơn rất nhiều so với giá trị ghi sổ kế toán (giá trị vật chất của TSCĐ).
2. Thứ hai. Các DN nông nghiệp khi tự nghiên cứu sản phẩm mới, thì toàn bộ chi phí được kết chuyển vào chi phí sản xuất trong kỳ mà không ghi nhận là TSCĐ vô hình trên sổ sách kế toán cũng như báo cáo tài chính của DN. Tuy nhiên, khi  DN thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu (chuyển giao quyền sở hữu hoặc góp vốn bằng TSTT) thì sản phẩm nghiên cứu được xác định giá theo quy định của Thông tư 06/2014/TT-BTC, về Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 (Bộ Tài chính, 2014). Theo quy định, xác định giá của TSTT được tiếp cận theo 3 cách khác nhau, bao gồm: “Tiếp cận từ thị trường”; “Tiếp cận từ chi phí” và “Tiếp cận từ thu nhập”. Tùy theo mục đích, việc xác định giá TSTT của DN sử dụng các cách tiếp cận khác nhau. Như vậy, khi thương mại hóa TSTT thì DN có quyền sở hữu TSTT mới phản ánh được tiềm lực kinh tế của TSTT trong DN.

Sản phẩm trí tuệ (SPTT) là giống cây, giống con có đặc thù riêng khác với SPTT trong lĩnh vực công nghiệp và lĩnh vực thương mại bởi vì giống cây, giống con là cơ thể sống có quy trình phát triển sinh học riêng biệt. Quá trình sinh trưởng, phát triển phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện tự nhiên như thời tiết, thổ nhưỡng, môi trường nước,... và có khả năng biến đổi về mặt sinh học. Do vậy, trước khi sản xuất mang tính đại trà, SPTT trong lĩnh vực nông nghiệp bắt buộc phải qua khâu khảo nghiệm, để đảm bảo cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của vùng, năng suất và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu. Một SPTT tự tạo trong DN nông nghiệp, tức là do kết quả nghiên cứu của các cá nhân trong DN, khi hạch toán giống như khoản chi phí thực tế phát sinh, trong quá trình SXKD và được ghi nhận theo giá gốc. Có thể thấy rằng, theo các quy định  hiện hành thì phương pháp để xác định giá trị của TSTT ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu là dựa trên phương pháp giá gốc. Nhược điểm lớn nhất là chỉ sử dụng yếu tố chi phí để xác định giá trị của TSTT và hoàn toàn không xem xét tới lợi ích kinh tế tương lai mà TSTT đó có khả năng mang lại. Do đó, việc xác định giá trị TSTT chỉ dựa vào các chi phí trong quá khứ để tạo ra TSTT, là chưa thực sự đánh giá được tiềm năng kinh tế tương lai của TSTT đó.

Ví dụ: Năm 2008,  Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)  đã chuyển giao quyền sở hữu giống lúa TH3-3, một giống lúa lai hai dòng 100% "made in VN", cho một công ty tư nhân với giá kỷ lục 10 tỷ đồng (Đức Bình, 2008). Thương vụ chuyển nhượng giống cây trồng có giá hàng tỷ đồng, nhưng hiệu quả mang lại với các đơn vị được nhận chuyển nhượng là rất lớn. Tuy nhiên các sản phẩm như giống lúa nói trên, là kết quả nghiên cứu của các đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học như trường Đại học, Viện nghiên cứu, hay trung tâm nghiên cứu,... Kinh phí nghiên cứu là do ngân sách cấp, khi có kết quả sẽ chuyển giao quyền sở hữu cho các DN nông nghiệp theo giá thỏa thuận.

3. Thứ ba. Thực tiễn cho thấy, DN nông nghiệp có đặc thù riêng, sản phẩm nghiên cứu là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm trong SXKD trong nhiều năm và thực hiện thử nghiệm qua nhiều lần, không phải nghiên cứu nào cũng cho ra sản phẩm trí tuệ được ứng dụng trong sản xuất. Đồng thời, quá trình nghiên cứu trong DN không phải là nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, nên việc ghi chép chi phí trong quá trình nghiên cứu không được ghi chép rõ ràng. Do đó, việc ghi nhận giá trị TSCĐ vô hình gặp nhiều khó khăn. Khảo sát thực tế tại Cty TNHH Giống thủy sản Hải Long, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, là đơn vị đã thuần hóa được con cá vược nước mặn thành cá vược nước ngọt. Cty đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu tài sản vô hình, về giống cá vược được thuần chủng. Tuy nhiên, trên sổ kế toán hiện nay, không thể hiện được giá trị tài sản này do chưa có quy định cụ thể trong chế độ kế toán (1). 
4. Thứ tư. VAS 04 hiện nay, chỉ quy định TSCĐ vô hình (bao gồm TSTT) được ghi nhận ban đầu theo giá gốc những tổn thất giá trị tài sản phát sinh, sau ghi nhận ban đầu không được phản ánh. Nhưng trên thực tế, TSTT bị giảm giá trị sau ghi nhận ban đầu là khá nhiều. Đối với chuẩn mực kế toán TSCĐ vô hình ở một số nước trên thế giới như Úc, Singapore... (AASB,138) đã quy định việc đánh giá tổn thất TSTT hoặc sử dụng giá trị đánh giá lại theo giá trị hợp lý tại ngày đánh giá, để phản ánh một cách hợp lý hơn về giá trị của TSTT.

Kết luận

Xuất phát từ các nội dung phân tích trên, Bộ Tài chính cần quy định chi tiết việc tính giá TSTT là giống cây, giống con trong trường hợp TSTT do DN tự nghiên cứu. Ngoài quy định về mô hình giá gốc trong VAS 04, Bộ Tài chính cần xem xét việc bổ sung mô hình đánh giá lại tài sản (Revaluation model) để ghi nhận chính xác giá trị TSTT của DN, phản ánh đúng tiềm lực kinh tế của DN và khuyến khích các DN chủ động trong sáng tạo, để đổi mới công nghệ và sản xuất sản phẩm mới.

Ngoài ra, để phản ánh đúng giá trị của TSTT trong SXKD, các DN nông nghiệp có quyền sở hữu đối với giống cây, giống con cần sớm thương mại hóa để ghi nhận giá thị trường của TSTT bằng cách liên doanh, liên kết hoặc chuyển giao quyền sở hữu. Ngành nông nghiệp cần thực hiện tốt liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông) trong sản xuất kinh doanh. Bộ Khoa học công nghệ (đại diện cho Nhà nước) đẩy mạnh việc đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu đổi mới công nghệ, chuyển giao cho các DN sử dụng và ghi nhận là TSTT của DN liên kết với nhà nông, để sản xuất nông sản theo công nghệ và yêu cầu của DN nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam./.

 

Tài liệu tham khảo

  1. AASB (138). 2009. Australian Accounting Standard Board (AASB 138)- Intangible Assets
  2. Báo Công thương. 2015. Quản trị tài sản trí tuệ - Yếu tố sống còn của DN. TP. Hồ Chí Minh. 30/11/2015. http://baocongthuong.com.vn.
  3. Bộ Tài chính. 2014. Thông tư số 06/2014/TT-BTC- Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13.
  4. Đức Bình. 2008.Giống lúa 10 tỉ đồng. http://tuoitre.vn.
  5. VAS (04). 2006. Chuẩn mực kế toán TSCĐ vô hình.
  6. IAS 38. (International Accounting Standard 38). http://www.ifac.org.
  7. Phỏng vấn Giám đốc Trương Văn Trị - Công ty TNHH giống thủy sản Hải Long, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải,  tỉnh Thái Bình.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của TS. Lê Thị Minh Châu - CN. Trần Thị Hải Phương ** Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Xem thêm
Những hạn chế khi phân tích BCTC theo góc độ kế toán quản trị

Những hạn chế khi phân tích BCTC theo góc độ kế toán quản trị

Về mô hình giá trị hợp lý và thực trạng kế toán giá trị hợp lý ở VN

Về mô hình giá trị hợp lý và thực trạng kế toán giá trị hợp lý ở VN

Kế toán môi trường và định hướng ứng dụng ở Việt Nam

Kế toán môi trường và định hướng ứng dụng ở Việt Nam

Quản trị tài chính doanh nghiệp và hệ công cụ quản trị tài chính

Quản trị tài chính doanh nghiệp và hệ công cụ quản trị tài chính

Về nội dung phân tích hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp

Về nội dung phân tích hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh