- Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
- Sự tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong quy trình đánh giá rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính - Thực trạng và giải pháp
- Kế toán dự phòng rủi ro hoạt động cho thuê tài chính ở Việt Nam
- Công cụ phái sinh nhằm kiểm soát rủi ro tài chính trong doanh nghiệp
- Kế toán các khoản thu hộ - chi hộ và hoa hồng đại lý trong dịch vụ đại lý vận tải biển
Về sự hình thành và phát triển của kế toán quản trị ở Việt Nam
|
Kế toán quản trị (KTQT) ở Việt Nam, đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển. Mỗi một giai đoạn phát triển có những đặc điểm và nội dung khác nhau. Bài viết tổng quan lại quá trình hình thành và phát triển của KTQT ở Việt Nam. Từ đó, đã đưa ra kết luận về các giai đoạn phát triển của KTQT ở Việt Nam.
Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, KTQT đã được rất nhiều nhà khoa học ở Việt Nam nghiên cứu, các vấn đề nghiên cứu cũng đa dạng về nội dung và lĩnh vực. Nghiên cứu có thể xem là đặt nền tảng cho các nghiên cứu KTQT ở Việt Nam là Luận án Tiến sĩ (LATS) của Nguyễn Việt (1995) trình bày phương hướng và giải pháp xây dựng hệ thống kế toán tài chính và KTQT trong các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, tuy nhiên nghiên cứu này chỉ mới trình bày những vấn đề cơ bản nhất của KTQT. Đến năm 1996, Bộ Tài chính đã tổ chức 2 cuộc Hội thảo, vào ngày 15/5/1996 và ngày 27/11/1996 ở Hà Nội. Tại cuộc Hội thảo, các chuyên gia kế toán Việt Nam và nước ngoài đều cho rằng sự cần thiết và không thể thiếu được KTQT đối với các DN Việt Nam. Sau đó, LATS của Phạm Văn Dược (1997) đã so sánh về mặt lý luận sự giống và khác nhau giữa KTQT và kế toán tài chính; vai trò, nội dung và các nghiệp vụ của KTQT. Luận án đã có những nghiên cứu cụ thể và đề xuất các biện pháp ứng dụng KTQT vào thực tiễn trong các DN Việt Nam, với 5 giải pháp vĩ mô và 6 giải pháp vi mô. Đây chính là bước khởi xướng cho những nghiên cứu tiếp nối về KTQT sau này. Tuy nhiên, do tính mới mẻ của KTQT và điều kiện nền kinh tế tại thời điểm đó, nên những nghiên cứu này mang tính định hướng chung cho tất cả các loại hình DN chứ chưa đi vào cụ thể từng ngành nghề.
Đến năm 2003, KTQT bắt đầu được chính thức ghi nhận trong Luật Kế toán Việt Nam và được nhiều tác giả nghiên cứu một cách có hệ thống hơn về thực trạng KTQT và điều kiện để vận dụng KTQT của các DN ở Việt Nam. Điển hình là các LATS của Phạm Xuân Thành (2000), Phạm Quang (2002), Trần Anh Hoa (2003). Phạm Xuân Thành (2000) đã trình bày được kinh nghiệm của các nước phát triển về hoạt động KTQT trong các DN, kết hợp với thực trạng và điều kiện vận dụng KTQT cho các DN Việt Nam, luận án đã góp phần vào việc tổng hợp về mặt lý luận khoa học, chọn lọc và giới thiệu các nội dung ứng dụng mang ý nghĩa thực tiễn đối với công tác KTQT trong các DN. Ngoài ra, còn đưa ra các quan điểm để vận dụng KTQT, xây dựng các phương pháp kế toán chủ yếu thực hiện trong KTQT, phác thảo được mô hình KTQT cho các DN, đồng thời đề xuất các giải pháp vận dụng KTQT trong các DN Việt Nam hiện nay; Thực trạng hệ thống báo cáo KTQT ở Việt Nam được Phạm Quang (2002) nghiên cứu, từ đó đưa ra phương hướng để xây dựng hệ thống báo cáo KTQT. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn cách thức để tổ chức vận dụng hệ thống báo cáo KTQT vào các DN ở Việt Nam; Trần Anh Hoa (2003) đã phân tích được thực trạng của hệ thống kế toán Việt Nam từ trước đến nay, nhằm chỉ ra những mặt hạn chế về cơ cấu tổ chức hệ thống đã ảnh hưởng đến nhận thức về kế toán cũng như tác dụng ứng dụng của nó trong quản lý các DN. Các hạn chế được nghiên cứu trình bày bao gồm: (1) Cơ chế quản lý tại một số DN Nhà nước hiện nay vẫn còn mang dấu ấn của cơ chế quan liêu bao cấp; (2) Quan điểm chính thống về nội dung và phương pháp KTQT ở nước ta chưa được thống nhất; (3) Trình độ và năng lực của nhà quản lý ở phần lớn DN Việt Nam có giới hạn; (4) Chưa có mối liên hệ chặt chẽ giữa các nhà quản trị và các nhân viên kế toán trong hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh; (5) Việc quy định nhiệm vụ cung cấp thông tin trong nội bộ DN chưa được chặt chẽ và khoa học. Nghiên cứu cũng đã hệ thống hóa một số nội dung cơ bản của KTQT phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của các DN Việt Nam, trên cơ sở đảm bảo mối liên hệ phù hợp với nội dung kế toán tài chính, nhằm làm cho hệ thống kế toán phát huy được cao nhất tính tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ chức năng quản lý DN. Các nội dung cơ bản của KTQT được nghiên cứu đề cập: (1) Dự toán ngân sách; (2) Kế toán theo các trung tâm trách nhiêm; (3) Hệ thống KTCP và yêu cầu phân tích về các sai biệt chi phí trong việc kiểm soát chi phí sản xuất kinh doanh; (4) Thiết lập thông tin KTQT trong việc ra các quyết định ngắn hạn và dài hạn. Xác định các giải pháp có tính khả thi, nhằm vận dụng một cách nhanh chóng và có hiệu quả KTQT vào quản lý các DN Việt Nam như: Xây dựng hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ kế toán và báo cáo KTQT; Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy KTQT; Và một số giải pháp hỗ trợ để thực hiện KTQT ở Việt Nam.
Trong giai đoạn tiếp theo, các nghiên cứu được các nhà khoa học nghiên cứu và vận dụng các nội dung KTQT vào các ngành cụ thể. Điển hình như LATS của Lê Đức Toàn (2002) đã nghiên cứu thực trạng KTQT và phân tích chi phí sản xuất trong các DN sản xuất công nghiệp, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp hoàn thiện KTQTCP như hoàn thiện phân loại chi phí, xây dựng trung tâm chi phí, trung tâm trách nhiệm... nhưng do phạm vi nghiên cứu quá rộng nên các giải pháp chỉ mang tính định hướng, chưa đưa ra các giải pháp gắn với đặc điểm kinh doanh của từng ngành; LATS của Phạm Thị Kim Vân (2002) đã chỉ ra các vấn đề tổ chức công tác kế toán, trong mối quan hệ với kết quả kinh doanh và giới hạn trong các DN kinh doanh du lịch. Nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp hoàn thiện hệ thống KTQTCP như: (1) Dự toán chi phí, doanh thu, và kết quả kinh doanh; (2) Phân loại chi phí trong DN dịch vụ theo quan điểm KTQT; (3) Đối tượng tập hợp chi phí và tính giá thành; (4) Trình tự tập hợp chi phí dịch vụ du lịch trong KTQT; (5) Phương pháp tính giá thành; (6) KTQT doanh thu và kết quả du lịch, các giải pháp thuộc về phân tích hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một số giải pháp chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của DN do không gắn với các chức năng quản trị của DN; LATS của Nguyễn Thị Hằng Nga (2004) đã nghiên cứu đặc điểm và định hướng phát triển của Tập đoàn dầu khí. Từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện tổ chức KTQT cho các DN thành viên và tập đoàn như tổ chức bộ máy KTQT, vận dụng phương pháp phân loại chi phí theo các ứng xử của chi phí để nhận diện chi phí, xây dựng hệ thống dự toán, phương pháp xác định chi phí, phương pháp phân tích thông tin phục vụ cho việc ra quyết định; LATS của Hoàng Văn Tưởng (2010) trên cơ sở nghiên cứu thực trạng tổ chức KTQT trong các DN xây lắp Việt Nam, nghiên cứu đã đưa ra định hướng như mục tiêu, phương hướng phát triển của ngành xây dựng trong thời gian tới, sự cần thiết phải hoàn thiện tổ chức KTQT trong các DN xây lắp Việt Nam, yêu cầu của việc hoàn thiện tổ chức KTQT. Các giải pháp hoàn thiện tổ chức KTQT nhằm tăng cường quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong các DN xây lắp Việt Nam được nghiên cứu đề cập như: (1) Hoàn thiện việc xây dựng định mức chi phí và hệ thống dự toán ngân sách; (2) Hoàn thiện việc tổ chức KTQT các yếu tố sản xuất; (3) Hoàn thiện việc tổ chức KTQTCP; (4) Hoàn thiện việc tổ chức kế toán trách nhiệm; (5) Hoàn thiện tổ chức hệ thống báo cáo KTQT; (6) Hoàn thiện về mô hình tổ chức bộ máy KTQT; LATS Phạm Ngọc Toàn (2010) đã phân tích và đánh giá hiện trạng nội dung KTQT đang áp dụng trong DN nhỏ và vừa, thực trạng tổ chức KTQT trong DN nhỏ và vừa ở Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng nội dung KTQT áp dụng cho các DN nhỏ và vừa trên cơ sở phân tích hiện trạng, nhằm đưa ra cách thức tổ chức KTQT phù hợp với DN nhỏ và vừa ở Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra các kiến nghị, giải pháp đối với các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam nơi tổ chức thực hiện KTQT, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa tổ chức thực hiện KTQT nhằm tăng cường việc cung cấp thông tin phục vụ cho các quyết định quản lý và nghiên cứu cũng kiến nghị với các cơ sở đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, trong công tác đào tạo nhân lực phù hợp với nội dung và cách thức tổ chức công tác KTQT hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các giải pháp còn mang tính chung chung, các DN khó áp dụng vào thực tiễn tại đơn vị; LATS của Đinh Thị Kim Xuyến (2014) bằng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với phỏng vấn sâu các nhà quản trị và nhân viên kế toán, nghiên cứu đã đánh giá thực trạng KTQTCP và giá thành trong các DN viễn thông di động. Từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác KTQTCP và giá thành trong các DN viễn thông di động như: Hoàn thiện đối tượng hạch toán chi phí, phân loại chi phí, phương pháp tính giá thành, xây dựng hệ thống kế toán trách nhiệm, xây dựng định mức chi phí...; LATS của Nguyễn Thanh Huyền (2015) đã đánh giá thực trạng vận dụng phương pháp KTQT chi phí vào từng giai đoạn của chu kỳ sống sản phẩm tại các DN sản xuất gạch ốp lát Việt Nam, nghiên cứu đề xuất điều kiện vận dụng hệ thống phương pháp KTQT chi phí theo chu kỳ sống sản phẩm trên góc độ DN và góc độ hội nghề nghiệp. Nghiên cứu cũng kết luận rằng trong ba phương pháp KTQT chi phí theo chu kỳ sống sản phẩm, phương pháp Kaizen được rất ít các DN sử dụng mặc dù hiệu quả của phương pháp này đã được kiểm chứng; LATS của Đào Thúy Hà (2015), bằng việc kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, nghiên cứu đã phân nhóm DN sản xuất thép Việt Nam để xác định mục tiêu mà hệ thống KTQTCP cần phải đạt được. Nghiên cứu đã xác định được những hạn chế của hệ thống KTQTCP trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin chi phí của nhà quản trị, để từ đó đề xuất được các giải pháp hoàn thiện. Dựa trên lý thuyết tình huống, các giải pháp hoàn thiện sẽ được thiết kế riêng cho những DN có cơ cấu tổ chức và mức độ tham gia vào chuỗi chế biến khác nhau. Ngoài ra, luận án còn đề xuất giải pháp hoàn thiện mô hình phân tích CVP mở rộng chi phí vốn và giải pháp chuyển đổi phương pháp định giá chuyển giao nội bộ; LATS của Lê Thị Minh Huệ (2016) đã khảo sát, phân tích và xử lý nhu cầu thông tin KTQTCP của nhà quản trị DN mía đường Thanh Hóa. Khảo sát, phân tích thực trạng KTQTCP trong các DN mía đường Thanh Hóa hiện nay. Trên cơ sở lý luận và thực trạng KTQTCP trong các DN mía đường Thanh Hóa, kết hợp với chiến lược phát triển của ngành mía, nghiên cứu đã đưa ra những nguyên tắc và yêu cầu cần thiết khi hoàn thiện KTQTCP trong các DN mía đường Thanh Hóa. Qua đó, nghiên cứu đã đề xuất giải pháp hoàn thiện KTQTCP trong các DN mía đường Thanh Hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị DN thông qua việc: Hoàn thiện nhận diện chi phí, xây dựng định mức chi phí và lập dự toán sản xuất kinh doanh; phân tích chi phí phục vụ cho quản trị DN; hệ thống báo cáo KTQTCP; tổ chức bộ máy quản trị chi phí. Nhìn chung, các nghiên cứu đã hệ thống cơ sở lý luận về KTQT và KTQT chi phí, nghiên cứu về thực trạng KTQT và KTQT chi phí. Từ đó, đề xuất những nội dung cần được hoàn thiện cho từng ngành cụ thể được nghiên cứu.
Các nghiên cứu về xây dựng mô hình KTQT chi phí như: nghiên cứu của Phạm Thị Thủy (2007) đã xây dựng mô hình KTQTCP của các DN sản xuất dược bao gồm phân loại chi phí, lập dự toán chi phí kinh doanh, xác định khối lượng hợp lý của mỗi lô sản phẩm sản xuất, xác định giá phí sản phẩm sản phẩm, đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận. Nghiên cứu của Trần Thế Nữ (2011) đã xây dựng mô hình KTQTCP trong các DN thương mại quy mô vừa và nhỏ bao gồm phân loại chi phí, lập dự toán chi phí, kế toán chi phí thực hiện (như tổ chức chứng từ, tổ chức tài khoản, báo cáo KTQTCP,...), phân tích chi phí để kiểm soát chi phí và ra quyết định kinh doanh. Nghiên cứu của Nguyễn Hoản (2012) đã đề xuất các giải pháp để hoàn thiện tổ chức KTQTCP trong các DN sản xuất bánh kẹo Việt Nam như hoàn thiện về mô hình tổ chức KTQTCP, hoàn thiện về tổ chức thu nhận thông tin ban đầu KTQTCP (như tổ chức hệ thống chứng từ, tổ chức xây dựng định mức và dự toán, tổ chức đào tạo và phát triển nhân sự,...), hoàn thiện về tổ chức xử lý, phân tích và cung cấp thông tin KTQTCP (như tổ chức phân loại chi phí, về hệ thống định mức và dự toán chi phí, về tổ chức phương pháp xác định chi phí,...). Nghiên cứu của Trần Thị Thu Hường (2014) đã xây dựng nội dung của mô hình KTQTCP trong các DN sản xuất xi măng bao gồm: Tổ chức bộ máy KTQTCP, phân loại chi phí, xây dựng định mức chi phí, lập hệ thống dự toán chi phí, xác định chi phí sản xuất sản phẩm, phân tích thông tin chi phí phục vụ quản trị nội bộ DN, báo cáo bộ phận, đánh giá hiệu quả và phân tích thông tin để ra quyết định.
Như vậy, theo chúng tôi trong giai đoạn các nghiên cứu về xây dựng mô hình KTQTCP, các nghiên cứu đã xây dựng được các mô hình KTQTCP phù hợp với đặc điểm riêng của từng ngành được nghiên cứu, tuy nhiên chưa một nghiên cứu nào nêu rõ các yếu tố ảnh hưởng tới việc xây dựng mô hình KTQTCP trong các DN.
Các nghiên cứu về hệ thống thông tin (HTTT) KTQT chi phí gồm nghiên cứu của Hoàng Văn Ninh (2010) dựa trên các lý luận cơ bản về tổ chức HTTT kế toán trong các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, đã đề xuất các giải pháp hoàn thiện HTTTKT phục vụ công tác quản lý trong các tập đoàn kinh tế như: Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán theo mô hình tập đoàn kinh tế, giải pháp hoàn thiện xử lý và sử dụng thông tin kế toán, giải pháp hoàn thiện kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kế toán. Nghiên cứu của Hồ Mỹ Hạnh (2013) đề xuất xây dựng mô hình tổ chức HTTT KTQT chi phí trong các DN May Việt Nam trên 3 nội dung: Tổ chức HTTT dự toán chi phí; Tổ chức HTTT thực hiện chi phí và tổ chức kiểm soát chi phí và ra quyết định kinh doanh. Luận án cũng đã nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến HTTT KTQT chi phí. Luận án đã chứng minh rằng mục tiêu, chiến lược của DN và nhu cầu thông tin KTQT chi phí từ phía nhà quản trị DN là nhân tố quan trọng về việc thiết lập HTTT KTQT chi phí trong DN. Nghiên cứu của Lê Thị Hồng (2016) đã nghiên cứu tổng quan về ngành khai thác và chế biến đá ốp lát, các đặc điểm của ngành khai thác và chế biến đá ốp lát ảnh hưởng đến xây dựng HTTT KTQTCP. Thông qua đánh giá nhu cầu thông tin và mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin của HTTT KTQTCP, luận án đã nghiên cứu các nhân tố gây ra hạn chế HTTT KTQTCP bằng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua sử dụng phần mềm SPSS 18. Luận án đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để hoàn thiện HTTT KTQTCP đó là: Nhận diện chi phí, lưu đồ luân chuyển thông tin, quy trình hoạt động của HTTT KTQTCP, phương tiện kỹ thuật HTTT KTQTCP, kiểm soát nội bộ đối với HTTT KTQTCP, giải pháp về xây dựng mối quan hệ giữa các bộ phận chức năng trong DN trong liên kết và chia sẻ thông tin tạo ra HTTT KTQTCP hoàn chỉnh. Như vậy, các nghiên cứu đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận về HTTT KTQTCP, đã phản ánh được thực trạng về HTTT KTQTCP của các ngành nghiên cứu, đã nêu được các nội dung công việc cụ thể để thiết kế HTTT KTQTCP. Tuy nhiên, các luận án chưa chỉ ra được các nhân tố ảnh hưởng đến việc tổ chức HTTT KTQTCP, chỉ có luận án của Lê Thị Hồng (2016) đã xây dựng được mô hình các nhân tố gây ra hạn chế HTTT KTQTCP. Từ đó, đưa ra được các giải pháp để hoàn thiện HTTT KTQP cho các DN đá ốp lát ở Việt Nam.
Như vậy, qua tổng quan sự hình thành và phát triển của KTQT ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy KTQT ở Việt Nam đã trải qua sự phát triển mạnh mẽ thông qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1: Giai đoạn sơ khai của KTQT với nội dung trọng tâm là nghiên cứu về nội dung của KTQT; Giai đoạn 2: Giai đoạn vận dụng nội dung của KTQT và KTQTCP vào các ngành nghề cụ thể; Giai đoạn 3: Giai đoạn nghiên cứu xây dựng mô hình KTQTCP cho các ngành nghề cụ thể; Giai đoạn 4: Giai đoạn nghiên cứu tổ chức HTTT KTQTCP cho các ngành nghề cụ thể./.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Thúy Hà. (2015). Hoàn thiện KTQT chi phí trong các DN sản xuất thép ở Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
2. Đinh Thị Kim Xuyến. (2014). Công tác KTQT chi phí và giá thành tại các DN viễn thông di động Việt Nam. (LATS), Học viện Tài chính, Hà Nội.
3. Hồ Mỹ Hạnh. (2013). Tổ chức HTTT KTQT chi phí trong các DN May Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
4. Hoàng Văn Ninh. (2010). Tổ chức HTTT kế toán phục vụ công tác quản lý trong các Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam. (LATS), Học viện Tài chính, Hà Nội.
5. Hoàng Văn Tưởng. (2010). Tổ chức KTQT với việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trong các DN xây lắp Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
6. Lê Đức Toàn. (2002). KTQT và phân tích chi phí sản xuất trong ngành sản xuất công nghiệp ở Việt Nam. (LATS), Học viện Tài chính, Hà Nội.
7. Lê Thị Hồng. (2016). Hoàn thiện HTTT KTQT chi phí trong các DN khai thác chế biến đá ốp lát ở Việt Nam. (LATS), Học viện Tài chính, Hà Nội
8. Lê Thị Minh Huệ. (2016). Hoàn thiện hệ thống KTQT chi phí trong các DN mía đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. (LATS), Học viện Tài chính, Hà Nội.
9. Luật Kế toán. (2003). Luật số 03/2003/QH11 do Quốc Hội ban hành ngày 17/06/2003, có hiệu lực từ ngày 01/01/2004.
10. Nguyễn Hoản. (2012). Tổ chức KTQT chi phí trong các DN sản xuất bánh kẹo của Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội
11. Nguyễn Thanh Huyền. (2015). Vận dụng hệ thống KTQT chi phí vào chu kỳ sống của sản phẩm tại các DN sản xuất gạch ốp lát Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội
12. Nguyễn Thị Hằng Nga. (2004). Hoàn thiện công tác KTQT trong các DN dầu khí Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
13. Nguyễn Việt. (1995). Vấn đề hoàn thiện kế toán Việt Nam. (LATS), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM,
14. Phạm Ngọc Toàn. (2010). Xây dựng nội dung và tổ chức KTQT cho các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế TP.HCM, TP.HCM.
15. Phạm Quang. (2002). Phương hướng xây dựng hệ thống báo cáo KTQT và tổ chức vận dụng vào các DN ở Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
16. Phạm Thị Kim Vân. (2002). Tổ chức KTQT chi phí và kết quả kinh doanh ở các DN kinh doanh du lịch. (LATS), Học viện Tài chính, Hà Nội.
17. Phạm Thị Thủy. (2007). Xây dựng mô hình KTQT chi phí trong các DN sản xuất dược Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
18. Phạm Văn Dược. (1997). Phương hướng xây dựng nội dung và tổ chức vận dụng KTQT vào các DN Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế TP.HCM,
19. Phạm Xuân Thành. (2000). Vận dụng KTQT vào kế toán các DN Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế TP.HCM,
20. Trần Anh Hoa. (2003). Xác lập nội dung và vận dụng KTQT vào các DN Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế TP.HCM, TP.HCM.
21. Trần Thế Nữ. (2011). Xây dựng mô hình KTQT trong các DN thương mại quy mô vừa và nhỏ Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
22. Trần Thị Thu Hường. (2014). Xây dựng mô hình KTQT chi phí trong các DN sản xuất xi măng Việt Nam. (LATS), ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) NCS.Ths. Nguyễn Văn Hải *
PGS. TS Vũ Mạnh Chiến **
* Trường ĐH Lạc Hồng
** Trường ĐH Thương Mại