- Kiểm toán BCTC theo phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro
- Bàn về các nguyên tắc kế toán trong Luật Kế toán 2015
- Bút toán điều chỉnh: từ lý thuyết đến thực hành (From theory to practice)
- Kế toán Việt Nam 30 năm tiếp tục đổi mới và phát triển
- Sử dụng kỹ thuật thu thập bằng chứng trong hoạt động kiểm toán (Techniques for evidence collection in auditing activities)
Về một số quy định trong Luật Kế toán 2015
|
(Some issues in 2015 Accounting Law)
Từ 01/01/2017, Luật Kế toán số 88/2015/QH 13 được ban hành ngày 20/11/2015 (gọi tắt là Luật Kế toán 2015) chính thức có hiệu lực. Luật Kế toán 2015 được ban hành, với mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát và liên hệ mật thiết từ người dân đến các doanh nghiệp (DN) và Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng kế toán, dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin tài chính. Luật Kế toán 2015, có nhiều điểm mới so với Luật Kế toán 2003.
Tuy nhiên, còn không ít những hạn chế, bất cập và chưa thực sự phù hợp. Bài viết, làm rõ những tồn tại trong Luật Kế toán 2015, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung góp phần vào hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật Kế toán 2015, gồm 6 Chương; 74 Điều quy định về các nguyên tắc hạch toán, chuẩn mực kiểm toán, Báo cáo tài chính (BCTC) Nhà nước, kiểm soát nội bộ, kiểm tra kế toán và hành nghề dịch vụ kế toán. Việc ban hành Luật Kế toán 2015, nhằm nâng cao chất lượng của công tác kế toán với vai trò là công cụ quản lý tài chính, vốn, tài sản của Nhà nước, của DN, là công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước. Tuy nhiên, các quy định của luật vẫn còn tồn tại những bất cập, chưa thực sự hợp lý. Điều này sẽ khiến cho việc triển khai thực thi luật tại các DN không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Việc nghiên cứu, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện luật cho phù hợp với điều kiện mới đã trở thành yêu cầu khách quan, cần thiết và cấp bách.
Một số tồn tại của Luật Kế toán 2015
Tại Điều 3 “Giải thích từ ngữ”
Khoản 14 có quy định “Kỳ kế toán là khoảng thời gian xác định từ thời điểm đơn vị kế toán bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán, khóa sổ kế toán để lập BCTC”. Việc quy định này, chỉ phù hợp với kế toán tài chính nhưng chưa thực sự phù hợp với KTQT, bởi BCTC là sản phẩm cuối cùng của Kế toán tài chính, trong khi của KTQT lại là Báo cáo KTQT.
Cũng tại Điều này, Khoản 10 có quy định “KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”. Trên thực tế, KTQT không chỉ cung cấp các thông tin kinh tế tài chính mà còn cung cấp các thông tin phi tài chính khác, theo yêu cầu quản lý của các nhà quản trị các cấp trong DN như: Thông tin về khả năng thanh toán, thông tin về mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm,... nên khái niệm về KTQT như trên là chưa phản ánh đúng và đầy đủ nội dung công việc cũng như thông tin mà KTQT cung cấp.
Mặt khác, việc sử dụng cụm từ “Đơn vị kế toán” theo tác giả là chưa phù hợp. Vì khi nghiên cứu KTQT thường gắn liền với “tổ chức” hơn là “đơn vị kế toán” bởi cấu trúc tổ chức sẽ liên quan đến việc phân cấp quản lý trong tổ chức đó, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung công việc của KTQT. Còn “Đơn vị kế toán” thì phù hợp với kế toán tài chính “coi DN là một thực thể thống nhất” chính vì vậy mà thông tin trên BCTC là thông tin có tính chất chung về toàn DN. Trong khi đó, Báo cáo của KTQT lại cung cấp thông tin liên quan đến từng bộ phận trong tổ chức.
Tại Điều 4 “Nhiệm vụ kế toán”
Khoản 1 có quy định “Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán”. Tuy nhiên, việc thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán chỉ phù hợp với kế toán tài chính, còn đối với KTQT được thực hiện hay không và thực hiện như thế nào ở các DN Việt Nam, lại phụ thuộc vào yêu cầu quản lý ở các DN đó. Mặt khác, văn bản về kế toán chi phối đến KTQT ngoài Luật Kế toán thì nước ta chỉ có duy nhất Thông tư 53/2006/TT-BTC, mà đây cũng chỉ là thông tư mang tính hướng dẫn chứ không có một chuẩn mực hay chế độ nào quy định đối với KTQT. Do đó, việc quy định tại Khoản 1, Điều 4, ở trên là chưa thực sự phù hợp và đúng với kế toán nói chung và KTQT nói riêng.
Tại Điều 12
Khoản 1 có quy định kỳ kế toán bao gồm: Kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý và kỳ kế toán tháng. Điều này thiết nghĩ, chỉ phù hợp với kế toán tài chính bởi kỳ báo cáo của KTQT, sẽ phụ thuộc vào yêu cầu quản trị của từng DN và thông thường nó mang tính thường xuyên và ngắn hơn kỳ có thể là ngày, là tuần,...
Điều 25 “Hệ thống sổ kế toán” có quy định:
Khoản 2 “Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán chung cho một kỳ kế toán năm”.
Khoản 3 “Đơn vị kế toán được cụ thế hóa các sổ kế toán đã chọn, để phục vụ yêu cầu kế toán của đơn vị.”
Có thể thấy rằng, Khoản 2 quy định chưa rõ là nội dung này có bao gồm hệ thống sổ KTQT hay không? Mặt khác, Khoản 2 tạo mâu thuẫn với Khoản 3, nếu đơn vị cụ thể hóa hệ thống sổ kế toán và tạo ra hệ thống sổ KTQT và cũng có thể tạo ra một hệ thống sổ mới, trong khi nội dung Khoản 2 qui định “mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán”.
Tại Điều 29 - BCTC của đơn vị kế toán
Khoản 2b có quy định “Việc lập BCTC phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập BCTC tổng hợp hoặc BCTC hợp nhất, dựa trên BCTC của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên”. Việc quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa chỉ rõ khi nào và đối tượng nào phải lập BCTC tổng hợp, khi nào và đối tượng nào phải lập BCTC hợp nhất.
Giám đốc tài chính của DN
Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quản lý tài chính, kế toán của DN đều chưa quy định về Giám đốc tài chính. Trong thực tế, nhiều DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các Công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán đã bổ nhiệm Giám đốc tài chính với quyền hạn lớn hơn Kế toán trưởng. Việc chưa có quy định về Giám đốc tài chính là một khoảng trống pháp lý, trong công tác quản lý tài chính và kế toán DN ở nước ta hiện nay.
Một số ý kiến góp phần hoàn thiện Luật Kế toán 2015
Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, tác giả xin đưa ra một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nữa Luật Kế toán. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Kế toán tại đơn vị mình.
Một là, Khoản 14, Điều 3 nên sửa lại thành như sau:
Kỳ kế toán là khoảng thời gian xác định từ thời điểm đơn vị kế toán bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán khóa sổ kế toán để lập báo cáo kế toán. Việc quy định này, sẽ đảm bảo phù hợp với kế toán nói chung cũng như với kế toán tài chính và KTQT nói riêng.
Hai là, Khoản 10, Điều 3 nên bổ sung thành như sau:
KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính và phi tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong tổ chức. Điều này, sẽ đảm bảo phản ánh đầy đủ loại thông tin mà KTQT cung cấp theo yêu cầu của các nhà quản trị. Ngoài ra, việc thay cụm từ “Đơn vị kế toán” bằng cụm từ “tổ chức” sẽ phù hợp với cách tiếp cận các đơn vị, trong nền kinh tế dưới góc độ KTQT.
Ba là, Khoản 1, Điều 4 nên sửa lại thành như sau:
“Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán đối với kế toán tài chính và theo yêu cầu quản lý trong nội bộ tổ chức đối với KTQT”. Việc sửa đổi như vậy, không những đảm bảo sự rõ ràng mà còn phản ánh đúng bản chất của từng bộ phận cấu thành (KTQT và kế toán tài chính) trong hệ thống kế toán DN nói chung.
Bốn là, Khoản 1, Điều 12 nên bổ sung và sửa đổi thành như sau:
Kỳ kế toán tài chính gồm kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng. Còn kỳ của KTQT, sẽ phụ thuộc vào yêu cầu quản trị của từng DN và thông thường nó mang tính thường xuyên và ngắn hơn kỳ báo cáo của kế toán tài chính.
Năm là, Về lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán
Kiến nghị Điều 25, Luật Kế toán “Lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán”: Chỉ quy định đơn vị kế toán lựa chọn hệ thống sổ kế toán đối với kế toán tài chính. Do đó, Điều 25 nên sửa lại là: “Lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán tài chính”.
Sáu là, Về lập BCTC
Luật Kế toán nên chia Khoản b, Điều 29 thành hai Khoản như sau:
- b.1. Việc lập BCTC phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán.
- b.2. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập BCTC tổng hợp dựa trên BCTC của các đơn vị kế toán, trong cùng đơn vị kế toán cấp trên. Công ty mẹ trong nhóm các công ty có quan hệ mẹ - con, công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế phải lập BCTC hợp nhất, trên cơ sở BCTC của công ty mẹ và BCTC của các công ty con.
Bảy là, Về chức danh Giám đốc tài chính của DN
Luật Kế toán nên quy định một số Điều về Giám đốc tài chính với những nội dung như: Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc tài chính; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc tài chính; Quan hệ giữa Giám đốc tài chính với Kế toán trưởng.
Kết luận
Trên đây, là một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Luật Kế toán số 88/2015/QH 13. Hy vọng rằng, những ý kiến sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa Luật Kế toán nói riêng và hành lang pháp lý về kế toán nói chung. Trên cơ sở đó, giúp cho việc triển khai thực hiện Luật Kế toán tại các DN Việt Nam, trong thời gian tới được thuận lợi và thành công, thực hiện được mục tiêu đã đề ra./.
Tài liệu tham khảo
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của Ths. Chu Thị Huyến, khoa Kế toán & Kiểm toán, trường Đại học Thương Mại