- Nghiên cứu trao đổi về Thông tư 200: Về kế toán hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản
- Định hướng hoàn thiện hành nghề dịch vụ kế toán đáp ứng yêu cầu hội nhập trong điều kiện hiện nay
- Thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ để quản lý rủi ro trong doanh nghiệp và tổ chức ở Việt Nam
- Hội tụ kế toán quốc tế ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Kế toán trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với kế toán và kiểm toán
|
Nội dung cơ bản về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên Nhà nước: Quyết định số 01/2014/QĐ-KTNN ngày 07/5/2014 về việc ban hành Chuẩn mực kiểm toán số 30, Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp được xây dựng trên cơ sở tuyên bố Lima về hướng dẫn nguyên tắc kiểm toán, bộ quy tắc đạo đức của tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), các chuẩn mực khác của INTOSAI, đặc điểm, yêu cầu quản lý cán bộ, công chức công vụ và hoạt động kiểm toán tại Việt Nam. Nội dung cơ bản của chuẩn mực gồm:
1. Liêm chính, độc lập và khách quan- Liêm chính quy định từ đoạn 16 đến đoạn 22, quy định trong hoạt động kiểm toán, Kiểm toán viên Nhà nước (KTVNN) phải công minh, chính trực, thẳng thắn, trung thực để có chứng kiến rõ ràng; công bằng, tôn trọng sự thật, không thành kiến và thiên vị. Cần phải xem xét tất cả các yếu tố liên quan và các yếu tố trọng yếu để đảm bảo báo cáo kiểm toán bao gồm đầy đủ các thông tin quan trọng và cần thiết...
- Độc lập và khách quan quy định từ đoạn 23 đến đoạn 30, quy định trong hoạt động kiểm toán, KTVNN phải thật sự độc lập, khách quan không bị chi phối hoặc bị tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần khi kiểm toán và đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán. Độc lập với đơn vị được kiểm toán và nhóm lợi ích bên ngoài khác. Tính độc lập có nguy cơ bị ảnh hưởng do các yếu tố tư lợi, tự kiểm tra, tự bào chữa, quan hệ gia đình, quan hệ khác và đe dọa... cần phải đánh giá tính độc lập và khách quan để áp dụng các biện pháp bảo vệ, nhằm loại bỏ hoặc giảm nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được, có thể sử dụng hai biện pháp bảo vệ, đó là sử dụng biện pháp bảo vệ do pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp quy định và biện pháp bảo vệ tạo môi trường làm việc và các biện pháp, kỹ thuật cụ thể, nhằm loại bỏ các nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập của KTNN trong quá trình thực hiện kiểm toán...
2. Trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn- Trình độ năng lực được quy định từ đoạn 31 đến đoạn 35, quy định KTVNN phải có trình độ, năng lực chuyên môn cần thiết theo quy định để đáp ứng nhiệm vụ kiểm toán được phân công; phải có sự hiểu biết về hiến pháp và pháp luật, các nguyên tắc và chuẩn mực điều chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán; hiểu rõ quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh tế, tài chính công, về quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; phải biết tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán, kế toán và quản lý tài chính, các quy trình và hướng dẫn thực hành theo yêu cầu của nhiệm vụ kiểm toán...
- Kỹ năng chuyên môn từ đoạn 36 đến đoạn 39, quy định khả năng vận dụng các kỹ năng chuyên môn phù hợp với sự đa dạng, phức tạp của nhiệm vụ được giao; phải có kỹ năng lập kế hoạch, chương trình kiểm toán; kỹ năng thu thập, phân tích thông tin, thu thập bằng chứng kiểm toán; kỹ năng lập báo cáo kiểm toán... thành thạo các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán và có khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại trong hoạt động kiểm toán; KTVNN phải thường xuyên duy trì, cập nhật, bổ sung kiến thức và nâng cao trình độ để thực hiện thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn của kiểm toán trong môi trường pháp lý và tiến bộ khoa học kỹ thuật...
3. Thận trọng nghề nghiệp và bảo mật- Thận trọng nghề nghiệp từ đoạn 40 đến đoạn 44, quy định KTVNN trong hoạt động kiểm toán phải thận trọng, luôn có thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán, luôn có ý thức có thể tồn tại những tình huống dẫn đến những sai sót trọng yếu trong các giải trình, báo cáo của đơn vị được kiểm toán; KTVNN chỉ được tham gia vào các hoạt động kiểm toán mà bản thân có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực đó, nếu xét thấy không đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết thì phải báo cáo cho người có thẩm quyền để xin rút khỏi cuộc kiểm toán hoặc yêu cầu sử dụng chuyên gia tư vấn...
- Bảo mật thông tin từ đoạn 45 đến đoạn 47, quy định KTVNN phải có trách nhiệm thực hiện theo các quy định của pháp luật về giữ bí mật Nhà nước, bí mật của đơn vị được kiểm toán về những thông tin mà KTVNN đã thu thập được trong hoạt động kiểm toán; không được tiết lộ thông tin dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được phép của cấp có thẩm quyển, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp, các cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ điều tra thì trong phạm vi quyền hạn của mình, KTVNN có trách nhiệm hợp tác...
4. Tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp cho KTVNN- Tuyển dụng và bổ nhiệm từ đoạn 48 đến đoạn 50, quy định về điều kiện được tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, cập nhật kiến thức và nâng ngạch… theo đúng pháp luật và quy định của KTNN...
- Phát triển nghề nghiệp từ đoạn 51 đến đoạn 56, quy định các chương trình quy hoạch, khuyến khích tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp liên quan đến công tác chuyên môn của Kiểm toán để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ cho hoạt động kiểm toán. KTVNN có trách nhiệm nỗ lực tham gia các hoạt động phát triển nghề nghiệp để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ và bảo vệ uy tín nghề nghiệp của mình và của KTNN...
Nội dung cơ bản về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán: Thông tư số 70/2015/TT-BTC, ngày 08/5/2015 quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán gồm ba phần là: Phần A quy định chung và các nguyên tắc đạo đức cơ bản; phần B áp dụng cho kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề và phần C áp dụng cho kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong DN. Nội dung cơ bản gồm:
a. Phần A: Quy định chung và các nguyên tắc đạo đức cơ bản, bắt đầu từ chương 100 đến chương 150, gồm 02 phần là, phần giới thiệu và phần các nguyên tắc đạo đức cơ bản- Phần Giới thiệu từ 100.1 đến 100.4, giới thiệu về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán “đặc điểm nổi bật của nghề kế toán, kiểm toán là chấp nhận trách nhiệm vì lợi ích của công chúng”; giới thiệu kết cấu của chuẩn mực.
- Phần các nguyên tắc đạo đức cơ bản theo 100.5, quy định kế toán viên, kiểm toán viên phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản là Chương 110 - Tính chính trực, Chương 120 - Tính khách quan, Chương 130 - Năng lực chuyên môn và tính thận trọng, Chương 140 - Tính bảo mật, Chương 150 - Tư cách nghề nghiệp. Đồng thời, cũng chỉ rõ các nguy cơ và biện pháp tự bảo vệ như, nguy cơ do tư lợi, nguy cơ tự kiểm tra, nguy cơ về sự bào chữa, nguy cơ từ sự quen thuộc và nguy cơ bị đe dọa; nội dung xung đột về lợi ích và cách giải quyết những xung đột về lợi ích.
b. Phần B: áp dụng cho kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề từ chương 200 đến chương 291.- Chương 200 - Giới thiệu: “Khi thực hiện các xét đoán của mình, kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề phải xem xét, liệu một bên thứ ba phù hợp và có đầy đủ thông tin, sau khi xem xét các sự kiện và tình huống có sẵn cho kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề tại thời điểm đó, có thể kết luận một cách tương đối chắc chắn rằng, sau khi áp dụng các biện pháp bảo vệ, các nguy cơ đó sẽ bị loại trừ hoặc làm giảm xuống mức có thể chấp nhận được và các nguyên tắc đạo đức cơ bản không bị vi phạm hay không”
- Chương 210 - Bổ nhiệm và cung cấp dịch vụ chuyên môn:
- Chấp nhận khách hàng: trước khi chấp nhận một khách hàng mới, kế toán viên, kiểm toán viên phải xem xét, đánh giá về việc chấp nhận cung cấp dịch vụ cho khách hàng có thể làm phát sinh các nguy cơ hay không, có làm ảnh hưởng đến các nguyên tắc đạo đức cơ bản, đánh giá mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ và áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết...
- Chấp nhận hợp đồng dịch vụ
- Thay đổi việc bổ nhiệm đơn vị cung cấp hợp đồng dịch vụ
- Chương 220 - Xung đột về lợi ích: Kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề có thể gặp xung đột về lợi ích khi cung cấp dịch vụ chuyên môn. Trong quá trình xác định và giải quyết các xung đột về lợi ích cũng như các biện pháp bảo vệ cần thiết. Đồng thời, kế toán viên, kiểm toán viên cũng phải thông báo cho khách hàng bị ảnh hưởng của xung đột, về bản chất của xung đột, về lợi ích và các biện pháp bảo vệ liên quan
- Chương 230 - Đưa ra ý kiến thứ 2: “Khi kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề được yêu cầu cung cấp ý kiến thứ hai sau khi đã có ý kiến thứ nhất, về việc áp dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán, lập báo cáo hoặc các chuẩn mực khác, các nguyên tắc cho một trường hợp, những giao dịch cụ thể hay đưa ra ý kiến thay cho một DN hoặc đơn vị không phải là khách hàng hiện tại, thì có thể làm phát sinh nguy cơ không tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản”. “Khi được yêu cầu đưa ra ý kiến thứ hai, kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề phải đánh giá mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ và áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết để loại trừ hoặc làm giảm các nguy cơ đó xuống mức có thể chấp nhận được”.
- Chương 240 - Giá phí dịch vụ và các khoản phụ phí khác: “Khi đàm phán giá phí dịch vụ, kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề có quyền đưa ra mức phí mà họ cho là phù hợp. Việc kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề có thể đưa ra một mức phí thấp hơn so với mức phí của kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề khác chưa hẳn đã là phi đạo đức, nhưng có thể ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản”. Phí tiềm tàng được sử dụng rộng rãi trong các hợp đồng dịch vụ phi đảm bảo.
- Chương 250 - Quà tặng ưu đãi: Kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề hoặc các thành viên gia đình có quan hệ gần gũi có thể sẽ được đề nghị nhận quà tặng hoặc ưu đãi từ khách hàng và điều này có thể làm phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản. Vấn đề này, được xác định dựa trên các yếu tố bản chất, giá trị và mục đích của những đề nghị.
- Chương 270 - Giữ hộ tài sản của khách hàng: Việc giữ hộ tài sản của khách hàng sẽ làm phát sinh nguy cơ ảnh hưởng tới việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản. Trừ trường hợp được ủy thác giữ tiền hoặc tài sản của khách hàng. Có nghĩa là kế toán viên, kiểm toán viên không được phép giữ hộ tiền hoặc các tài sản khác của khách hàng, trừ khi được pháp luật cho phép thì họ cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý liên quan đến việc nắm giữ các tài sản.
- Chương 280 - Tính khách quan - áp dụng cho tất cả các dịch vụ: Kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề phải xác định các nguy cơ ảnh hưởng đến tính khách quan phát sinh từ việc nắm giữ cổ phần của khách hàng, có mối quan hệ với khách hàng hoặc với thành viên Ban quản trị, Ban giám đốc cũng như nhân viên của khách hàng trước khi cung cấp dịch vụ. Đồng thời, kiểm toán viên hành nghề cung cấp dịch vụ đảm bảo phải độc lập với khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo.
- Chương 290 - Tính độc lập - áp dụng cho dịch vụ kiểm toán và dịch vụ soát xét: Nội dung chương này được chi tiết các thuật ngữ “kiểm toán, nhóm kiểm toán, cuộc kiểm toán, khách hàng kiểm toán, báo cáo kiểm toán”...
- Chương 291 - Tính độc lập - áp dụng cho các hợp đồng dịch vụ đảm bảo.
c. Phần C áp dụng cho kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong DN, từ chương 300 đến chương 350.- Chương 310 - Xung đột về lợi ích: “Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong DN có thể gặp phải xung đột về lợi ích, trong khi thực hiện hoạt động chuyên môn. Các nguy cơ có thể phát sinh khi: (1) Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong DN thực hiện hoạt động chuyên môn, liên quan đến một vấn đề cụ thể cho hai hoặc nhiều bên bị xung đột về lợi ích liên quan đến vấn đề trên; hoặc (2) Lợi ích của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong DN, liên quan đến một vấn đề cụ thể trong hoạt động chuyên môn, bị xung đột với lợi ích của bên có liên quan đến hoạt động chuyên môn mà kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong DN thực hiện.
- Chương 320 - Lập và báo cáo thông tin: Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong DN, phải lập và trình bày thông tin một cách trung thực và hợp lý, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định pháp lý có liên quan đến lập và trình bày thông tin, để các thông tin này được hiểu đúng bản chất; phải đảm bảo rằng, các Báo cáo tài chính đã được lập và trình bày phù hợp với các chuẩn mực và các quy định pháp lý có liên quan đến lập và trình bày Báo cáo tài chính được áp dụng.
- Chương 330 - Hành động với đầy đủ kỹ năng chuyên môn: “Nguyên tắc đạo đức cơ bản về năng lực chuyên môn và tính thận trọng đòi hỏi kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp làm việc trong DN, tổ chức chỉ được đảm nhận các trọng trách mà người đó có đủ năng lực và kinh nghiệm liên quan. Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong DN, không được cố ý làm chủ DN hiểu nhầm về trình độ chuyên môn hay kinh nghiệm của mình, và phải tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia phù hợp khi cần thiết”.
- Chương 340 - Lợi ích tài chính, tiền lương, tiền thưởng gắn liền với lập và trình bày với Báo cáo tài chính và ra Quyết định và Chương 350 - Các ưu đãi.
Vấn đề cần trao đổi: Qua các nội dung cơ bản trình bày nêu trên, thấy rõ sự khác biệt giữa hai chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đó là:
- Đối tượng áp dụng của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán đó là, giành cho các Kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp và hành nghề độc lập; còn đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc nghề nghiệp là KTVNN.
- Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán còn mở rộng ngoài kiểm toán viên chuyên nghiệp, kiểm toán viên hành nghề thì còn có kế toán viên chuyên nghiệp và kế toán viên hành nghề. Đồng thời, còn có kế toán viên chuyên nghiệp, kiểm toán viên chuyên nghiệp hoạt động trong các DN.
- Kết cấu của Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bao gồm ngoài phần giới thiệu (khái niệm và cơ sở của chuẩn mực, mục đích của chuẩn mực, phạm vi áp dụng chuẩn mực và nguyên tắc sử dụng thuật ngữ trong chuẩn mực) còn có 04 vấn đề đó là Liêm chính, độc lập và khách quan; trình độ năng lực và kỹ năng chuyên môn; thận trọng nghề nghiệp và bảo mật; tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp cho KTVNN. Còn kết cấu của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán lại gồm 03 phần A, B và C với các chương thuộc các phần. Ngoài phần các nguyên tắc cơ bản, còn có quy định cụ thể đối với từng đối tượng và phần giải thích các thuật ngữ áp dụng.
- Kết cấu của hai chuẩn mực đều dạng các đoạn với những quy định nội dung nhất định. Tuy nhiên, dạng trình bày cơ bản của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là mang tính chất chỉ ra các nguy cơ có thể phát sinh rồi các biện pháp bảo vệ; còn dạng của Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp là mang tính chất quy định dạng tuân thủ.
Vấn đề đặt ra là, cần thiết phải có những điểm đồng nhất giữa hai chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp này không? Chúng tôi cho rằng, mặc dù đối tượng, mục tiêu, phạm vi... là có sự khác biệt nhưng giữa hai quy định này cần có những sự giao thoa, có điểm cơ bản chung, thì mới tạo nên được bức tranh chung về đạo đức nghề nghiệp của kế toán kiểm toán Việt Nam trong nước cũng như khi hội nhập quốc tế. Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập TPP và AEC, nên có sự dịch chuyển dịch vụ kế toán kiểm toán trong khu vực và quốc tế, thì bản thân trong nội bộ cũng phải có sự dịch chuyển dịch vụ này./.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/5/2015, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán
- Kiểm toán Nhà nước (2014), Quyết định số 01/2014/QĐ-KTNN, Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước số 30 Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp
- Các website chuyên ngành liên quan.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của PGS.TS Chúc Anh Tú * * Học viện Tài chính