Vấn đề lợi ích và thành quả trong việc vận dụng kế toán quản trị (MAPS) tại doanh nghiệp Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Sự thay đổi trong môi trường kinh doanh theo xu thế toàn cầu hóa, cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự thay đổi trong hành vi khách hàng, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, tính bất định trong môi trường hoạt động ngày càng cao và những yêu cầu ngày càng khắt khe. Những thực trạng nêu trên, làm tiền đề cho sự ra đời của những mô hình kinh doanh mới, các phương pháp quản lý và sản xuất hiện đại nhằm thay thế cho những phương pháp truyền thống đang dần lỗi thời. Điều này, buộc các DN phải chủ động thay đổi trong tổ chức hoạt động, quản trị chi phí và đánh giá thành quả trong DN (Johnson và Kaplan, 1987). Lý do trên, khiến cho hệ thống thông tin KTQT ngày càng trở nên thiết yếu với DN, bởi những yêu cầu phải cung cấp thông tin càng thêm chi tiết, tinh vi và chất lượng hơn cho DN (Agbejule, 2005; Chenhall và Morris, 1986). Thực tiễn cho thấy, những kỹ thuật KTQT truyền thống dần không thể đáp ứng nhu cầu thông tin cho việc ra quyết định (Sarchah và cộng sự, 2019) và việc phát triển những kỹ thuật KTQT mới có trọng tâm chiến lược rõ ràng là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu của DN (Yalcin, 2012). Tuy nhiên, vẫn tồn tại những mâu thuẫn trong vấn đề vận dụng KTQT với lợi ích và thành quả đạt được. Về mặt lợi ích, nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, KTQT truyền thống được vận dụng phổ biến và mang lại nhiều lợi ích hơn so với KTQT hiện đại (Chenhall và Langfield-Smith, 1998a; Hyvönen, 2005; Angelakis và cộng sự, 2010; Heong và cộng sự, 2013). Trong khi, về mặt thành quả DN thì một số nghiên cứu lại nhận thấy những kỹ thuật KTQT hiện đại mới giúp cải thiện thành quả DN, những kỹ thuật KTQT truyền thống không thực sự có ý nghĩa (Doan Ngoc Phi Anh, 2016; Nuhu và cộng sự, 2016).

Tại Việt Nam, KTQT mới được áp dụng vào DN trong thập niên gần đây, quá trình vận dụng còn nhiều vướng mắc do thiếu kinh nghiệm cả về lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, trong môi trường hội nhập kinh tế sâu rộng, bên cạnh những cơ hội hợp tác kinh tế và tiếp cận các nguồn lực, quy trình hiện đại, các DN Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ và môi trường kinh doanh biến động khó lường. Vì vậy, nếu các DN không nhanh chóng đổi mới và tạo ra những lợi thế cạnh tranh của riêng mình thì sẽ khó có thể đuổi kịp các DN nước ngoài trong cuộc chơi trên chính sân nhà. Lúc này, KTQT đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các thông tin giúp nhà quản trị đưa ra quyết định phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn, sử dụng nguồn lực trong DN một cách hợp lý và tận dụng những lợi thế sẵn có, để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho riêng mình, đảm bảo sự phát triển bền vững của DN. Với vai trò quan trọng như vậy, KTQT đã được chính thức thừa nhận trong Luật Kế toán được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2003 và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC, ngày 12/06/2006, quy định hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy, KTQT đang dần nhận được sự quan tâm và đánh giá đúng về tầm quan trọng của KTQT trong DN. Tuy nhiên, mặc dù KTQT đã được biết đến và áp dụng phổ biến ở các DN hiện nay, nhưng mức độ vận dụng sự quan tâm còn ở mức thấp, khi chỉ xem KTQT như một phần của kế toán tài chính và đôi khi bị hiểu sai thành kế toán tài chính. Bên cạnh đó, những lợi ích từ KTQT chưa được quan tâm đúng mức cả về mặt nghiên cứu học thuật và thực tiễn áp dụng. Chính vì những đánh giá sai lệch về lợi ích, khiến nhiều DN không chấp nhận đầu tư tổ chức hệ thống KTQT khi cân nhắc giữa lợi ích và chi phí. Vì vậy, cần thiết phải có những nghiên cứu về vấn đề lợi ích và thành quả DN từ vận dụng KTQT, nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt lý luận và thực tiễn trong vận dụng KTQT. Góp phần giúp nhà quản lý nhận thức đúng và đủ về vai trò của KTQT, lợi ích và thành quả của việc vận dụng KTQT trong DN.

2. Nghiên cứu về vận dụng KTQT

Về mặt tổng thể, KTQT được xem xét như là thông tin kế toán dùng để kiểm soát và lập kế hoạch cho nhà quản trị (Nishimura, 2005). Hệ thống này cung cấp thông tin cho những người trong tổ chức, để giúp họ đưa ra quyết định tốt hơn, cải thiện tính hữu hiệu và hiệu quả của các hoạt động hiện hữu, bằng cách cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính có liên quan (Drury, 2015).

Nghiên cứu về vận dụng KTQT chủ yếu tập trung ở hai khía cạnh kỹ thuật và thông tin KTQT. Trong đó, khía cạnh về vận dụng KTQT có phần được quan tâm và phổ biến hơn. Theo Nuhu và cộng sự (2016), vận dụng KTQT được định nghĩa, là các phương pháp, thủ tục, quy trình hoặc quy tắc khác nhau được sử dụng trong DN để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và quy trình kế toán quản lý của tổ chức. Các vận dụng KTQT này có thể được phân thành truyền thống và hiện đại (Kaplan và Johnson, 1987). Theo đó, các vận dụng KTQT truyền thống là những phương pháp đã được phát triển trước những năm 1980 như: lập ngân sách; phân tích lợi nhuận khối lượng và chi phí;  lợi tức đầu tư. Các kỹ thuật truyền thống được coi là tập trung vào ngắn hạn, mang tính định hướng nội bộ và tài chính (Chenhall và Langfield-Smith, 1998a). Tuy nhiên, các vận dụng KTQT truyền thống hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của các nhà quản lý, do sự tùy tiện trong việc phân bổ chi phí (Kaplan và Johnson, 1987). Vì vậy, một số vận dụng KTQT mới đã được phát triển, để khắc phục những hạn chế của phương thức KTQT truyền thống và đáp ứng nhu cầu của môi trường kinh doanh đang thay đổi (Wu và cộng sự, 2007). Các vận dụng KTQT có thể được phân tách thành năm nhóm chức năng cụ thể, gồm: Hệ thống chi phí; Lập ngân sách; Đánh giá hiệu quả hoạt động; Hệ thống hỗ trợ quyết định và Phân tích chiến lược (Abdel-Kader và Luther, 2006; Maziriri, 2017).

 

3. Lợi ích từ vận dụng KTQT từ các nghiên cứu nước ngoài

Việc đo lường những lợi ích trong các nghiên cứu về vận dụng KTQT chủ yếu là cách tiếp cận chủ quan, dựa trên cảm nhận của các nhà quản lý để đánh giá lợi ích của vận dụng KTQT. Có nghĩa là, mức độ mà người quản lý tin rằng những kỹ thuật KTQT giúp DN hoạt động tốt hơn (Angelakis và công sự, 2010; Chenhall và Langfield-Smith, 1998a; Hyvönen, 2005; Joshi, 2001). Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc đo lường lợi ích dựa trên nhận thức có thể bị ảnh hưởng bởi quan điểm cá nhân của họ (Luther và Longden, 2001), những người được phỏng vấn mặc dù đều là những nhà quản lý và kế toán có trình độ chuyên môn, nhưng sự hiểu biết về các kỹ thuật KTQT sẽ không phải lúc nào cũng đồng nhất.

Với phương pháp tiếp cận chủ quan, Chenhall và Langfield-Smith (1998a) nhận thấy, hầu hết kỹ thuật KTQT truyền thống mang lại nhiều lợi ích cho các DN sản xuất Úc hơn là kỹ thuật KTQT hiện đại. Luther và Longden (2001) so sánh lợi ích từ vận dụng KTQT, giữa 77 DN Vương Quốc Anh và 139 DN Nam Phi, trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2002. Kết quả cho thấy, lợi ích tại các công ty Nam Phi tốt hơn so với các DN tại Vương Quốc Anh. Khi nhận thấy, trong 47 DN vận dụng KTQT được khảo sát thì có đến 36 DN vận dụng KTQT được vận dụng và mang lại lợi ích thực tiễn của DN, chủ yếu là từ các kỹ thuật KTQT truyền thống. Những kết quả tương tự được tìm thấy trong các nghiên cứu từ những quốc gia phát triển khác, như: tại Thổ Nhĩ Kỳ (Yalcin, 2012); tại Phần Lan (Hyvönen, 2005); và tại Hy Lạp (Angelakis và cộng sự, 2010).

Bằng chứng tương tự về lợi ích được tìm thấy, trong nhiều nghiên cứu liên quan tại những quốc gia đang phát triển. Joshi (2001) cho thấy, hầu hết các DN Ấn Độ đều đồng ý rằng, lợi ích của DN xuất phát từ các vận dụng KTQT truyền thống chứ không phải từ các vận dụng KTQT hiện đại. Tại Trung Quốc, Wu và cộng sự (2007) chỉ ra rằng, các vận dụng KTQT truyền thống mang lại lợi ích cho DN quốc doanh Trung Quốc, trong khi các vận dụng KTQT tập trung vào chiến lược và định hướng thị trường thì có xu hướng mang lại lợi ích cho DN liên doanh. Tương tự, Heong và cộng sự (2013) cung cấp bằng chứng về lợi ích tại các DN Malaysia, chủ yếu đến từ vận dụng KTQT truyền thống. Trong khi, những kỹ thuật như BSC, phân tích vòng đời và Benchmarking, đều mang lại lợi ích tương đối thấp. Ngược lại, Sulaiman và cộng sự (2004) mặc dù không trực tiếp xem xét lợi ích đạt được tại các quốc gia Singapore, Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng nghiên cứu lại nhận thấy, trong môi trường sản xuất hiện nay, các công cụ KTQT truyền thống không thực sự hữu ích. Một nghiên cứu thực nghiệm của Kalifa và cộng sự (2020) cho thấy, các vận dụng KTQT hiện đại mang lại nhiều lợi ích hơn cho các công ty dầu mỏ Libya hơn các MAPs truyền thống. Tuy nhiên, kết quả này trái ngược với nghiên cứu của Ahmad và Leftesi (2014) khi nhận thấy, các công ty sản xuất tại Libya chủ yếu dựa vào các vận dụng KTQT truyền thống. Điều này được lý giải bởi các DN dầu mỏ tại Libya, chủ yếu là thuộc sở hữu nước ngoài, nên các kỹ thuật KTQT tiên tiến được sử dụng và mang lại lợi ích hơn so với những DN bản địa.

Mặc dù, có sự khác biệt giữa các nghiên cứu về phạm vi khu vực địa lý, ngành, quy mô và độ phức tạp của công ty, nhưng vẫn có những phát hiện mang tính nhất quán như mức độ vận dụng KTQT truyền thống có xu hướng phổ biến và lợi ích mang lại cao hơn các kỹ thuật hiện đại. Điều này đã chỉ ra khoảng cách giữa nhu cầu của các tổ chức và thực tiễn vận dụng KTQT, nó phản ánh thực tế là vấn đề về KTQT mới được chuẩn hóa ở mức độ nhỏ hơn nhiều so với các thông lệ trong kế toán tài chính vốn đã được hài hòa.

 

4. Thành quả DN từ vận dụng KTQT từ các nghiên cứu nước ngoài

Trong những nghiên cứu về KTQT thì thước đo thành quả được xem như một biến phụ thuộc, giải thích cho các đặc điểm cụ thể của KTQT. Tuy nhiên, vấn đề là một số vận dụng KTQT có thể được sử dụng mặc dù chúng không được coi là hữu ích nhưng thành quả DN vẫn có thể cao (Agbejule và Huusko, 2011). Để giải quyết những thách thức như vậy, Chenhall (2003) đề xuất sử dụng kết hợp các đo lường phi tài chính và tài chính để đo lường thành quả tổ chức. Những kết quả này phù hợp với các kết quả nghiên cứu KTQT trước đây, coi cả thông tin tài chính và phi tài chính là những công cụ quan trọng để đánh giá thành quả của một tổ chức (Abdel-Kader và Luther, 2006; Ittner và Larcker, 1997; Kaplan và Norton, 1992).

Các nghiên cứu ban đầu dựa trên lý thuyết ngẫu nhiên nhận thấy, DN có thể cải thiện thành quả hoạt động khi sử dụng vận dụng KTQT phù hợp với chiến lược trong DN (Chenhall và Langfield-Smith, 1998b; Cadez và Guilding, 2008; Jermias và Gani, 2004; Baines và Langfield-Smith, 2003; Lay và Jusoh, 2012). Một số bằng chứng cũng cho thấy, những nhân tố bên ngoài như công nghệ và môi trường cạnh tranh là động lực thúc đẩy sự thay đổi bên trong tổ chức về chiến lược, cấu trúc tổ chức. Qua đó, tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi trong sử dụng vận dụng KTQT và giúp cải thiện thành quả (Tuan Mat và Smith, 2014; Wahyuni và Triatmanto, 2020).

Các nghiên cứu về sau, bắt đầu xem vận dụng KTQT như là một biến độc lập và thành quả là biến phụ thuộc, nhằm tìm kiếm bằng chứng về ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ vận dụng KTQT đến thành quả DN. Bằng chứng ảnh hưởng tích cực từ vận dụng KTQT đến thành quả DN, được tìm thấy trong nhiều nghiên cứu đến từ các quốc gia khác nhau (Al-Khadash và Feridun, 2006; Dul và cộng sự, 2009; Parvadavardini và cộng sự, 2016; Kamilah Ahmad, 2017; Maziriri, 2017; Alamri, 2019; Madhoun, 2020). Bên cạnh đó, một số kết quả thực nghiệm cho thấy, vận dụng KTQT hiện đại mang lại những ảnh hưởng tích cực đến thành quả DN, trong khi vận dụng KTQT truyền thống thì không (Agbejule và Huusko, 2011; Clearly, 2015; Nuhu và cộng sự, 2016; Doan Ngoc Phi Anh, 2016). Điều này trái ngược với lợi ích cảm nhận của những nhà quản lý trong những nghiên cứu trước, khi cho rằng vận dụng KTQT truyền thống mang lại lợi ích tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả tích cực, có một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng vận dụng KTQT không thực sự mang lại hiệu quả cho DN. Perera và cộng sự (1997) không tìm thấy mối liên hệ nào, giữa việc sử dụng các đo lường thành quả phi tài chính dựa trên hoạt động và thành quả DN. Tương tự, Asmilia và Sugiyarti (2020) thấy rằng, việc vận dụng KTQT hiện đại có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến lợi thế cạnh tranh, nhưng lại không tác động đến thành quả của ngân hàng tại Indonesia. Một số nghiên cứu cũng không thấy thành quả DN được cải thiện, khi vận dụng một số kỹ thuật như TQM hoặc ABC trong DN (Kober và cộng sự, 2012; Banker và cộng sự, 2008). Thậm chí, một vài bằng chứng tiêu cực được đưa ra như Ittner và Larcker (1997) nhận thấy rằng, vận dụng một số các công cụ quản trị chiến lược có ảnh hưởng tiêu cực đến thành quả DN, dựa trên dữ liệu khảo sát 249 DN trong lĩnh vực ô tô và máy tính ở bốn nước: Canada, Đức, Nhật, Mỹ.

Các bằng chứng trái ngược nhau cho thấy, các công cụ kiểm soát quản lý bên cạnh những lợi ích tích cực thì vẫn có thể không hiệu quả, hoặc thậm chí rối loạn chức năng trong các môi trường khác nhau (Etemadi và cộng sự, 2009). Nghiên cứu của Gul (1991) nhận thấy rằng, hệ thống KTQT chỉ thực sự hữu ích đối với thành quả quản lý trong điều kiện môi trường bất định cao, còn trong môi trường bất định thấp thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải thông tin, gây rối loạn chức năng hoạt động của quản lý và ảnh hưởng tiêu cực đến thành quả. Điều này cho thấy, lợi ích và thành quả mà KTQT mang lại cho DN còn phụ thuộc vào cách mà DN lựa chọn sử dụng những kỹ thuật phù hợp với điều kiện của DN.

 

5. Lợi ích và thành quả từ vận dụng KTQT trong DN tại Việt Nam

5.1. Thực trạng nghiên cứu về vận dụng KTQT tại các DN Việt Nam

Việc vận dụng chủ yếu tập trung ở những công cụ KTQT truyền thống (Doan Ngoc Phi Anh và cộng sự, 2011; Le và cộng sự, 2020). Điều này phù hợp với nghiên cứu của Trần Anh Hoa (2003) khi nhận thấy, các DN Việt Nam chưa thực sự xem trọng việc vận dụng KTQT phục vụ cho hoạt động quản lý trong DN. Bên cạnh lý do về những khó khăn trong vấn đề tổ chức thực hiện, thì lợi ích và hiệu quả từ vận dụng KTQT chưa thực sự được phổ biến. Bui và cộng sự (2020) nhận thấy, hầu hết các DN Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang áp dụng KTQT. Các công ty nhỏ thường áp dụng các kỹ thuật KTQT truyền thống, trong khi các công ty lớn hơn thì sử dụng các kỹ thuật KTQT hiện đại như: chi phí dựa trên hoạt động; ngân sách dựa trên hoạt động; phân tích để ra quyết định; chi phí mục tiêu và lập kế hoạch chiến lược. Trong khi đó, Doan Ngoc Phi Anh và cộng sự (2011) nhận thấy, các kỹ thuật KTQT truyền thống vẫn có xu hướng được vận dụng cao hơn so với các kỹ thuật hiện đại ở cả những DN quy mô lớn tại Việt Nam. Tỷ lệ vận dụng vận dụng KTQT hiện đại vẫn còn thấp, do ảnh hưởng từ lịch sử KTQT phục vụ cho kinh tế kế hoạch tập trung trước đây. Những bằng chứng nghiên cứu trên cho thấy, sự phổ biến của những vận dụng KTQT hiện đại tại các DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những kỹ thuật này chủ yếu được vận dụng với số ít ở những DN có quy mô lớn.

5.2. Nghiên cứu về lợi ích và thành quả từ vận dụng KTQT tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, chứng kiến sự gia tăng về số lượng các nghiên cứu về vận dụng KTQT tại Việt Nam. Đa số nội dung nghiên cứu ban đầu chủ yếu dựa trên phương pháp định tính, nội dung tập trung về phương hướng tổ chức, hệ thống hóa những nội dung cơ bản của KTQT phù hợp với đặc điểm quản lý tại Việt Nam, nhằm đề xuất mô hình vận dụng KTQT trong DN (Phạm Văn Dược, 1997; Trần Anh Hoa, 2003; Phạm Ngọc Toàn, 2010). Trong thập niên gần đây, các nghiên cứu tiếp cận dựa trên phương pháp định lượng với mục tiêu tìm kiếm và khám phá các nhân tố ngữ cảnh ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong DN. Một số các nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy, phân cấp quản lý và cạnh tranh (Doan Ngoc Phi Anh, 2016); quy mô, văn hóa tổ chức, cơ cấu tổ chức, công nghệ và nguồn nhân lực (Le và cộng sự, 2020); cam kết của giám đốc, công nghệ sản xuất tiên tiến và số lượng sản phẩm khác biệt (Pham và cộng sự, 2020); mức độ cạnh tranh, nhận thức của nhà quản trị, chiến lược kiểm soát chi phí, biện pháp triển khai, trình độ kế toán và trình độ công nghệ thông tin (Tran va Thao, 2020). Tuy nhiên, các nghiên cứu trích dẫn được liệt kê bên trên, chỉ mới dừng lại ở mức độ tìm kiếm nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhằm xây dựng hệ thống KTQT phù hợp hoặc vận dụng thành công những kỹ thuật KTQT trong DN.

Một số các công bố được tìm thấy có nội dung nghiên cứu về lợi ích và thành quả DN từ vận dụng KTQT trong DN Việt Nam như Wang và Huynh (2014), cung cấp bằng chứng về vai trò trung gian, của việc vận dụng KTQT trong ảnh hưởng của quản trị công ty đối với thành quả của tổ chức. Đồng thời, tác giả khuyến nghị, việc xây dựng hệ thống KTQT hiệu quả, phù hợp với cấu trúc quản trị công ty, sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động. Doan Ngoc Phi Anh (2016) có đề cập đến ảnh hưởng từ vận dụng KTQT đến thành quả DN. Nghiên cứu dựa trên kết quả phân tích SEM cho thấy, thành quả DN có thể được cải thiện đáng kể thông qua việc vận dụng các vận dụng KTQT hiện đại, trong khi các vận dụng KTQT truyền thống không ảnh hưởng đến thành quả. Dang và cộng sự (2021) đánh giá tác động của KTQT chiến lược đến thành quả kinh doanh, với mẫu khảo sát từ 306 nhà quản lý và kế toán tại các công ty mía đường Việt Nam. Kết quả định lượng cho thấy, KTQT chiến lược ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ đến thành quả của các công ty mía đường Việt Nam.

Dưới góc độ về cung cấp thông tin từ hệ thống thông tin KTQT, Quang Huy (2021) nhận thấy, việc DN lựa chọn chiến lược tìm kiếm khách hàng tiềm năng làm tăng nhu cầu về sử dụng thông tin KTQT. Và qua đó, ảnh hưởng tích cực với thành quả hoạt động của 131 DN tại Cần Thơ. Một nghiên cứu khác của Do và cộng sự (2020) cho thấy, việc sử dụng thông tin KTQT có ảnh hưởng trực tiếp tích cực đến các khía cạnh định hướng thị trường và ảnh hưởng gián tiếp đến thành quả DN. Tuy nhiên, giả thuyết về mối tương quan trực tiếp giữa việc sử dụng thông tin KTQT và thành quả DN bị bác bỏ.

Chủ đề nghiên cứu về lợi ích và thành quả vận dụng KTQT trong DN chỉ mới thực sự được quan tâm, trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu quan tâm đến chủ đề này vẫn còn hạn chế và hướng tiếp cận của hầu hết các nghiên cứu đều xem KTQT đóng vai trò trung gian, trong mối quan hệ với thành quả. Số lượng các bằng chứng nghiên cứu vẫn chưa đủ để cung cấp một bức tranh toàn diện, giúp các nhà quản lý và nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn những ảnh hưởng của vận dụng KTQT đến lợi ích và thành quả DN.

6. Kết luận và khuyến nghị

Trong nội dung bài nghiên cứu, tác giả đã hệ thống các nghiên cứu liên quan về lợi ích và thành quả từ vận dụng KTQT trên thế giới và ở Việt Nam. Hầu hết, các bằng chứng từ những nghiên cứu trích dẫn ở các nước phát triển và đang phát triển cho thấy, KTQT truyền thống đã và đang được sử dụng phổ biến và mang lại lợi ích cao hơn so với KTQT hiện đại. Còn đối với thành quả DN, các nghiên cứu cho thấy những bằng chứng trái ngược về thành quả mà KTQT mang lại. Tuy nhiên, đa số các bằng chứng đều cho thấy tính tích cực của vận dụng KTQT đến thành quả DN. Một số kết quả khẳng định, KTQT hiện đại giúp cải thiện thành quả tốt hơn so với KTQT truyền thống.

Các DN Việt Nam, mặc dù cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới khi các DN đang ngày càng quan tâm nhiều đến việc vận dụng công cụ KTQT hiện đại, nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập toàn cầu. Các bằng chứng trong nước chứng minh, hệ thống KTQT có ảnh hưởng tích cực đến thành quả DN và chủ yếu được cải thiện dựa trên việc vận dụng những kỹ thuật KTQT hiện đại. Đồng thời, chủ đề nghiên cứu về thành quả từ vận dụng KTQT trong DN, chỉ mới thực sự được quan tâm trong vài năm gần đây. Đặc biệt, vấn đề về lợi ích và thành quả từ vận dụng KTQT đã và đang có được chú ý từ cả các nhà quản trị và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, số lượng bài nghiên cứu là chưa nhiều so với các chủ đề khác thuộc cùng lĩnh vực.

Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu cũng nêu ra một số vấn đề cho các nghiên cứu trong tương lai: đầu tiên, các nghiên cứu về lợi ích chủ yếu đo lường dựa trên nhận thức của nhà quản lý, nên có thể sẽ có sự thiên kiến trong trường hợp những người quản lý không có cơ hội vận dụng những kỹ thuật KTQT mới. Trong trường hợp đó, họ có thể thay đổi sang những kỹ thuật mới,  có rủi ro làm gián đoạn hoạt động của họ, không có lợi hoặc thậm chí có thể phản tác dụng; thứ hai là, những kết quả trái chiều ở những nghiên cứu trong quá khứ về thành quả vận dụng KTQT, đã chưa cung cấp được câu trả lời thỏa đáng cho những nhà quản lý về hiệu quả vận dụng KTQT trong DN. Đặc biệt, những kết luận trái chiều này, được nhận thấy chủ yếu trong thành quả phi tài chính trong DN và có thể bởi sự khác biệt trong quan điểm thành quả theo từng khu vực và từng thời kỳ nghiên cứu. Do đó, vấn đề đo lường thành quả từ vận dụng KTQT, cần được nghiên cứu sâu hơn từ những nghiên cứu trong tương lai; thứ ba là, thiếu một lý thuyết mạnh mẽ giải thích cho kết quả về cách mà KTQT giúp nâng cao thành quả hoạt động của DN. Các nghiên cứu trước đây, chủ yếu dựa trên lý thuyết ngẫu nhiên và cung cấp các lập luận dựa trên hiểu biết của các nhà nghiên cứu hơn là các lý thuyết được lập luận chặt chẽ, để giải thích ảnh hưởng của KTQT đến thành quả. Một số nghiên cứu về sau sử dụng lý thuyết dựa trên nguồn lực, nhưng vẫn chưa đưa ra những giải thích thuyết phục và có thể xem là một hạn chế cần có thêm những nghiên cứu, để làm rõ trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

Abdel‐Kader, M., & Luther, R. (2006). Management accounting practices in the British food and drinks industry. British Food Journal, 108(5), 336-357.

Agbejule, A. (2005). The relationship between management accounting systems and perceived environmental uncertainty on managerial performance: a research note. Accounting Business Research, 35(4), 295-305.

Agbejule, A., & Huusko, J. (2011). The benefits of management accounting practices in manufacturing and service firms: a Finnish study. International Journal of Services, Economics Management, 3(4), 354-375.

Ahmad, K. (2014). The Adoption of Management accounting practices in Malaysian Small and Medium-sized Enterprises. Asian Social Science, 10(2), 236.

Ahmad, K. (2017). The implementation of management accounting practice and its relationship with performance in Small and Medium Enterprises sector. International Review of Management Marketing, 7(1), 342-353.

Al-Khadash, H. A., & Feridun, M. (2006). Impact of strategic initiatives in management accounting on corporate financial performance: evidence from Amman Stock Exchange. Managing Global Transitions, 4(4), 299.

Alamri, A. M. (2019). Association between strategic management accounting facets and organizational performance. Baltic Journal of Management, 14(2), 212-234.

Angelakis, G., Theriou, N., & Floropoulos, I. (2010). Adoption and benefits of management accounting practices: Evidence from Greece and Finland. Advances in Accounting, 26(1), 87-96.

Asmilia, N., & Sugiyarti, L. (2020). Managerial Performance: The Mediating Role of Strategy Management Accounting Techniques on Competitive Advantage and Organization Performance. Economics and Accounting Journal, 3(2), 80-89.

Baines, A., & Langfield-Smith, K. (2003). Antecedents to management accounting change: a structural equation approach. Accounting, Organizations Society, 28(7-8), 675-698.

Banker, R. D., Bardhan, I. R., & Chen, T.-Y. (2008). The role of manufacturing practices in mediating the impact of activity-based costing on plant performance. Accounting, Organizations Society, 33(1), 1-19.

Bui, N. T., Le, O. T. T., & Nguyen, P. T. T. (2020). Management Accounting Practices among Vietnamese Small and Medium Enterprises. Asian Economic Financial Review, 10(1), 94-115.

Cadez, S., & Guilding, C. (2008). An exploratory investigation of an integrated contingency model of strategic management accounting. Accounting, Organizations Society, 33(7-8), 836-863.

Cleary, P. (2015). An empirical investigation of the impact of management accounting on structural capital and business performance. Journal of Intellectual Capital, 16(3), 566-586.

Chenhall, R. H. (2003). Management control systems design within its organizational context: findings from contingency-based research and directions for the future. Accounting, Organizations Society, 28(2-3), 127-168.

Chenhall, R. H., & Langfield-Smith, K. (1998a). Adoption and benefits of management accounting practices: an Australian study. Management Accounting Research, 9(1), 1-19.

Chenhall, R. H., & Langfield-Smith, K. (1998b). The relationship between strategic priorities, management techniques and management accounting: an empirical investigation using a systems approach. Accounting, Organizations Society, 23(3), 243-264.

Chenhall, R. H., & Morris, D. (1986). The impact of structure, environment, and interdependence on the perceived usefulness of management accounting systems. Accounting Review, 61(1), 16-35.

Dang, L., Le, T., & Pham, T. (2021). The effect of strategic management accounting on business performance of sugar enterprises in Vietnam. Accounting, 7(5), 1085-1094.

Doan Ngoc Phi Anh (2016). Factors affecting the use and consequences of management accounting practices in a transitional economy: The case of Vietnam. Journal of Economics Development, 18(1), 54-73.

 

Bài viết của Th.S. Phạm Đình Tuấn * TS. Nguyễn Thành Cường * PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh ** Đại học Nha Trang ** Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số tháng 11/2022 của TW Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

Xem thêm
Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai

Kiến nghị giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các tổng công ty xây dựng công trình giao thông của Việt Nam

Kiến nghị giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các tổng công ty xây dựng công trình giao thông của Việt Nam

Tổng quan về nghiên cứu hành vi quản trị lợi nhuận trong lĩnh vực kế toán

Tổng quan về nghiên cứu hành vi quản trị lợi nhuận trong lĩnh vực kế toán

Sự phù hợp khi ghi nhận doanh thu, chi phí từ phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng

Sự phù hợp khi ghi nhận doanh thu, chi phí từ phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng

Một số vấn đề về báo cáo tình hình tài chính tại đơn vị hành chính, sự nghiệp

Một số vấn đề về báo cáo tình hình tài chính tại đơn vị hành chính, sự nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh