- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Các nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận ứng dụng phần mềm kế toán đám mây trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam: mô hình nghiên cứu đề xuất
- Phương pháp tiếp cận kiểm toán dự án đầu tư công
- Ảnh hưởng của dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu đến kiểm toán
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất và những điều lưu ý khi lập
Trao đổi về đào tạo liên ngành, xuyên ngành trong giai đoạn hiện nay Thực tiễn khối ngành kinh tế ở Trường Đại học Thủ Dầu Một
Trao đổi về đào tạo liên ngành, xuyên ngành trong giai đoạn hiện nay
- Thực tiễn khối ngành kinh tế ở Trường Đại học Thủ Dầu Một
Nguyễn Hồng Thu*
Nguyễn Ngọc Tiến*
*Trường Đại học Thủ Dầu Một
Tóm tắt
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội và bắt đầu dần hình thành các doanh nghiệp thông minh, sản phẩm thông minh, chuỗi cung ứng thông minh,… thúc đẩy các hệ thống sản xuất - phân phối hàng hóa và dịch vụ trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng hơn của người tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách địa lý giữa nhà cung cấp với khách hàng,… Từ đó, làm thay đổi về nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng cũng như nhu cầu học các ngành nghề của người học. Bài viết được thực hiện, nhằm trao đổi về đào tạo liên ngành, xuyên ngành đối với khối ngành kinh tế trong bối cảnh tác động của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến hoạt động đào tạo các ngành nghề của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, với minh chứng thực tiễn là khối ngành kinh tế tại Trường Đại học Thủ Dầu Một. Từ đó, nghiên cứu trao đổi và đề xuất hướng đổi mới các chương trình đào tạo (CTĐT) theo hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục đại học đa ngành để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động công nghiệp 4.0 và đào tạo gắn kết với công nghệ, gắn kết với nhu cầu của người học trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Từ khoá: đào tạo liên ngành, đào tạo xuyên ngành, ngành kinh tế, Đại học Thủ Dầu Một.
Abstract
The industrial revolution 4.0 has been having a great impact on all aspects of life, economy - society, and it has begun smart enterprises, smart products, smart supply chains, etc., these things contribute to promoting more flexible production and distribution systems of goods and services, meeting the increasingly diverse needs of consumers, narrowing the geographical distance between suppliers and customers, etc., Thereby, changing the recruitment needs of employers as well as the needs of learners about the profession. This article is implemented to discuss interdisciplinary and transdisciplinary training for the economic sector in the context of the impact of the industrial revolution 4.0 on vocational training activities of higher education institutions, with the case study in the economic sector at Thu Dau Mot University, Vietnam. On that basis, this research exchanges and proposes the directions of reforming training programs according to the interdisciplinary and transdisciplinary training for multidisciplinary higher education institutions to meet the recruitment needs of the market labor in the context of Industry 4.0 and training linked to technology and learners’ needs in the context of globalization.
Keywords: interdisciplinary training, cross-disciplinary training, economics, Thu Dau Mot University.
JEL: I23, I20, M40, M51.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, việc đào tạo của các trường đại học có thể thực hiện dưới dạng là CTĐT của một ngành hoặc chuyên ngành. Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, (Quốc hội, 2018): ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định, trong một ngành đào tạo có thể có nhiều chuyên ngành đào tạo, vì chuyên ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn chuyên sâu của một ngành đào tạo. Chính vì vậy, việc tổ chức đào tạo một ngành theo hướng chuyên ngành hoặc đơn ngành sẽ có những lợi thế nhất định, vì qua đó sẽ tạo ra những nhân lực có am hiểu chuyên sâu về một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ, khi mọi hoạt động đã được số hóa, các thao tác kỹ thuật cơ bản đã được máy móc, công nghệ hỗ trợ, các hoạt động được kết nối trên một cơ sở dữ liệu lớn mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, thì hình thức đào tạo đơn ngành có xu hướng không còn phù hợp. Các đơn vị tuyển dụng lao động có xu hướng tuyển dụng các lao động có kiến thức rộng, có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí công việc khác nhau. Do đó, để tồn tại và phát triển bền vững, các trường đại học cần phải gấp rút điều chỉnh chiến lược đào tạo theo hướng đào tạo liên ngành và xuyên ngành.
Vì vậy, với mục tiêu nghiên cứu và trao đổi về định hướng trong việc đào tạo khối ngành kinh tế theo hướng liên ngành và xuyên ngành, với minh chứng phân tích khối ngành kinh tế tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, nhóm tác giả sẽ đưa ra các quan điểm cá nhân và các hàm ý trong việc đổi mới, cập nhật các CTĐT của các ngành thuộc khối ngành kinh tế cho Trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng và cả nước nói chung.
2. Quan điểm về đào tạo liên ngành, xuyên ngành
Đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành được hiểu là tích hợp các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành đào tạo, để qua đó trang bị cho người học các kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực, các kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp để người học dễ dàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.
Vì vậy, theo quan điểm của nhóm tác giả, việc phát triển các CTĐT theo hướng liên ngành, xuyên ngành là CTĐT không chỉ mang tính liên kết giữa các phân ngành, nhóm ngành như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học giáo dục, khoa học kinh tế,… mà còn có sự giao thoa giữa chúng để tạo ra các học phần mới, các khối kiến thức mới cho người học. Hay nói cách khác, CTĐT liên ngành, xuyên ngành là các CTĐT sẽ tích hợp các kiến thức, kỹ năng từ những ngành nghề khác nhau nhưng vẫn đảm bảo đủ các khối kiến thức về đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành của một CTĐT. Bởi vì, CTĐT của một chương trình dạy học theo quy định phải bao gồm: (i) Mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể; (ii) Chuẩn đầu ra của CTĐT và chuẩn đầu ra mỗi học phần; (iii) Nội dung, thời lượng mỗi học phần; (iv) Phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá.
Đồng thời, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng CTĐT là mức độ yêu cầu về những nội dung và điều kiện mà một CTĐT phải đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, tên của mỗi tiêu chuẩn cụ thể phản ánh một hoặc một số nội dung quan trọng cần đánh giá đối với một CTĐT. Từ đó cho thấy, CTĐT mang tính liên ngành, xuyên ngành trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ đáp ứng được xu thế tất yếu của cầu thị trường lao động, giúp người học dễ hơn trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích, sở trường của cá nhân; quá trình đào tạo này cũng tạo cho người học có sự đang dạng hơn trong việc lựa chọn việc làm và nhanh chóng thích ứng với các công việc, ngành nghề khác nhau sau khi tốt nghiệp.
3. Thực tiễn khối ngành kinh tế tại Trường Đại học Thủ Dầu Một
Trường Đại học Thủ Dầu Một là một trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Trường hiện đang chủ trì đào tạo 50 chương trình đại học, 11 chương trình thạc sĩ, 01 chương trình tiến sĩ, thuộc các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, ngoại ngữ và sư phạm. Với triết lý giáo dục: Nghiên cứu khoa học - Học tập trải nghiệm - Phục vụ cộng đồng, Trường đã và đang tạo ra một môi trường văn hoá học tập thân thiện và tiên tiến, hướng đến là trường đại học thông minh và nuôi dưỡng khát vọng phục vụ cộng đồng của cho người học, kỳ vọng và có niềm tin vào người học sau tốt nghiệp sẽ trở thành người hữu ích cho xã hội, có ý thức phục vụ cộng đồng, và thể hiện kỹ năng nghề nghiệp tốt, trách nhiệm nghề nghiệp cao thông qua việc học tập trải nghiệm để hình thành năng lực nghề nghiệp, cũng như khả năng nghiên cứu khoa học, tư duy sáng tạo, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp của bản thân sau khi tốt nghiệp.
Về khối ngành kinh tế, hiện Trường Đại học Thủ Dầu Một đang chủ trì đào tạo 05 ngành bao gồm: (i) Kế toán; (ii) Tài chính – Ngân hàng; (iii) Quản trị kinh doanh; (iv) Quản lý công nghiệp và (v) Logistics; và Quản lý chuỗi cung ứng. Bắt đầu từ kỳ tuyển sinh năm 2020, các ngành đào tạo được thiết kế gồm 133 tín chỉ, trong đó có 120 tín chỉ về kiến thức và 13 tín chỉ về điều kiện xét tốt nghiệp (quốc phòng an ninh là 08 tín chỉ và giáo dục thể chất là 05 tín chỉ).
Về cấu trúc của các CTĐT được chia thành ba khối kiến thức, bao gồm: (i) Khối kiến thức chung, bao gồm các học phần về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; (ii) Khối kiến thức cơ sở/liên ngành, bao gồm các học phần cơ sở/liên ngành như kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, nguyên lý thống kê kinh tế, marketing căn bản,…; và (iii) Khối kiến thức chuyên ngành, bao gồm các học phần chuyên sâu về chuyên ngành đào tạo, thực tập thực tế và báo cáo/khóa luận tốt nghiệp.
Về đào tạo liên ngành, xuyên ngành, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã triển khai áp dụng từ năm 2017, đối với các CTĐT bậc đại học và từ năm 2019, đối với các CTĐT bậc sau đại học. Có thể nói, việc triển khai thiết kế và áp dụng các CTĐT theo hướng liên ngành, xuyên ngành tại Trường Đại học Thủ Dầu Một thông qua các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở/liên ngành của các CTĐT của Trường là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng đào tạo liên ngành để đáp ứng nhu cầu của xã hội, của người học. Tuy nhiên, dưới sự tác động của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các công việc từ thị trường lao động đang dần số hóa, nên nhu cầu nhân lực số hóa đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi nhà trường phải tiếp tục tiến hành rà soát, cải tiến và cập nhật mới các CTĐT theo định kỳ để phù hợp hơn nữa với xu thế của thị trường lao động 4.0.
Chính vì vậy, các thảo luận và trao đổi dưới đây là theo quan điểm cá nhân của nhóm tác giả trong việc đề xuất hướng cải tiến các CTĐT khối ngành kinh tế tại Trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng và cả nước nói chung, trong thời gian tới.
4. Thảo luận và trao đổi
Để đào tạo liên ngành và xuyên ngành, đòi hỏi các CTĐT phải tích hợp các học phần với các kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành hoặc một nhóm ngành đào tạo. Chẳng hạn, ngành quản trị kinh doanh phải trang bị các kiến thức về kế toán, phân tích kinh doanh,… để người học ngành quản trị kinh doanh hiểu rõ về công tác kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và biết cách phân tích tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh,… nhằm phục vụ cho công việc quản lý kinh doanh ở doanh nghiệp sau tốt nghiệp; hoặc ngành tài chính - ngân hàng phải trang bị các kiến thức về marketing, kế toán, phân tích báo cáo tài chính,… để người học ngành tài chính – ngân hàng khi ra trường có thể vận dụng các kiến thức này trong việc quảng bá các dịch vụ của ngân hàng, tiếp cận các nhóm đối tượng khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, phân tích được tình hình tài chính của khách hàng vay vốn cũng như đánh giá tiềm lực tài chính của doanh nghiệp vay vốn thông qua các số liệu kế toán,…
Đồng thời, với tác động của công nghiệp 4.0, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã và đang tiến tới số hóa các hoạt động của đơn vị nên cũng cần đưa một số “học phần số” vào chương trình đào tạo để đáp ứng xu thế của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, việc cấu trúc các học phần trong CTĐT cũng cần đảm bảo sự hài hòa, có tính liên thông để người học có thể học cùng lúc hơn một ngành hoặc dễ dàng, trong việc thay đổi nguyện vọng chọn ngành học cho phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân, sau khi đã tiếp cận với môi trường giáo dục đại học.
Vì vậy, trong bài viết này, nhóm tác giả đề xuất hướng cải tiến và cập nhật trên các phương diện về cấu trúc CTĐT, cấu trúc nội dung của các học phần, xác lập tính mở của CTĐT, tính liên thông giữa các bậc học của CTĐT, bổ sung các học phần gắn với nền kinh tế số, tăng tính ứng dụng của các CTĐT và đào tạo gắn kết với thực tiễn, cụ thể:
Thứ nhất, về cấu trúc các chương trình đào tạo
Để đảm bảo tính liên ngành và xuyên ngành của khối ngành kinh tế của Trường, các CTĐT cần được cấu trúc làm 05 khối kiến thức, bao gồm: (i) Khối kiến thức giáo dục đại cương, khối kiến thức này bao gồm các học phần về khoa học chính trị, pháp luật, khoa học quản lý, ngoại ngữ và tin học,… Đồng thời, khối kiến thức này cần có sự thống nhất chung với các ngành khác trong toàn Trường để đảm bảo tính liên thông khi người học có nhu cầu học song bằng ở hai khối ngành khác nhau; (ii) Khối kiến thức cơ sở ngành, khối kiến thức này bao gồm các học phần về toán kinh tế, nguyên lý thống kê kinh tế, kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô,… khối kiến thức này áp dụng chung cho tất cả các ngành thuộc khối ngành kinh tế để người học được trang bị cùng một lượng kiến thức nền tảng của khối ngành; (iii) Khối kiến thức liên ngành và xuyên ngành, khối kiến thức này sẽ bao gồm các học phần cơ sở ngành của các ngành, đây sẽ là khối kiến thức nền tảng để người học có thể học liên ngành và xuyên ngành; Vì vậy, với trường hợp của Trường Đại học Thủ Dầu Một, các học phần thuộc khối kiến thức này có thể bao gồm các học phần như marketing căn bản, quản trị học, khởi nghiệp, nguyên lý kế toán, kế toán tài chính căn bản, tài chính doanh nghiệp,….; (iv) Khối kiến thức chuyên sâu của ngành đào tạo, khối kiến thức này sẽ bao gồm các học phần chuyên sâu của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo, chẳng hạn đối với ngành kế toán, khối kiến thức này sẽ bao gồm các học phần về kế toán tài chính, kiểm toán, kế toán thuế và báo cáo, hệ thống thông tin kế toán,…; và (v) Khối kiến thức thực tập thực tế và báo cáo tốt nghiệp, khối kiến thức này bao gồm các học phần gắn với thực tập thực tế tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như thực tập nhận thức, thực tập tổng hợp, chuyên đề thực tập tốt nghiệp và khóa luận tốt nghiệp. Đồng thời, bên cạnh các khối kiến thức để đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức của CTĐT, khi cấu trúc nội dung của các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành đòi hỏi các học phần phải có các nội dung rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, cũng như đảm bảo có học phần về kỹ năng chung như kỹ năng giao tiếp công sở hoặc kỹ năng giao tiếp kinh doanh để đáp ứng chuẩn đầu ra về kỹ năng của CTĐT. Bên cạnh đó, mỗi một ngành nghề khác nhau đòi hỏi các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp khác nhau, nên các CTĐT của mỗi ngành cần phải có học phần về đạo đức nghề nghiệp để bên cạnh việc đáp ứng chuẩn đầu ra về mức tự chủ và trách nhiệm của CTĐT, còn giúp người học sau tốt nghiệp biết được với nghề nghiệp của mình việc gì nên làm, việc gì không nên làm hoặc không được làm để thể hiện phẩm chất đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm công dân và ý thức cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của cơ quan công tác và của cả xã hội.
Thứ hai, về cấu trúc nội dung các học phần
Mỗi một học phần trong CTĐT đều phải có chuẩn đầu ra của học phần, chuẩn đầu ra của mỗi một học phần phải có gắn kết với chuẩn đầu ra của CTĐT, thông qua ma trận tương quan giữa chuẩn đầu ra của CTĐT với các học phần trong CTĐT. Do đó, đề cương chi tiết của các học phần trong CTĐT phải thể hiện được chi tiết nội dung của học phần về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà người học cần đạt được, để đáp ứng chuẩn đầu ra của từng học phần nói riêng và của cả CTĐT nói chung. Chính vì vậy, cấu trúc nội dung của mỗi học phần cần làm rõ các kiến thức, kỹ năng của học phần cung cấp cho người học là đáp ứng mức năng lực nào của thang đo năng lực theo Bloom (Bloom là thang đo sự nhận thức của người học theo 6 cấp độ: 1 - ghi nhớ, 2 - hiểu, 3 - áp dụng, 4 - phân tích, 5 - đánh giá, 6 - sáng tạo) và phải có các tiêu chí để đánh giá học phần trên các khía cạnh về mức độ chuyên cần, tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình học, làm bài tập tại lớp hay về nhà,… theo công cụ Rubrics (Rubrics là một công cụ đánh giá chỉ rõ các tiêu chí đạt được trên tất cả các nhiệm vụ của người học, từ nhiệm vụ bằng văn bản đến nhiệm vụ bằng miệng và nhiệm vụ trực quan; Rubrics có thể được sử dụng để chấm điểm đối với bài tập, sự tham gia lớp học hoặc điểm tổng kết của một học phần). Đồng thời, để tăng mức tự chủ và tính tích cực của người học trong quá trình tham gia tích lũy học phần, trọng số đánh giá theo các thành phần điểm chuyên cần, điểm quá trình và điểm kiểm tra cuối kỳ nên xác lập ở mức thích hợp lần lượt là 10%, 30% và 60% hoặc 10%, 40% và 50% thay cho mức 10%, 20% và 70% của nhiều học phần hiện đang áp dụng.
Thứ ba, về xác lập tính mở của chương trình đào tạo
Để tăng độ mở cho CTĐT cũng như tính linh hoạt của CTĐT trong quá trình áp dụng và vận hành CTĐT, đòi hỏi trong từng khối kiến thức của CTĐT phải có các học phần tự chọn để đáp ứng sở thích, nguyện vọng và năng lực của người học, trong quá trình tích lũy các kiến thức của CTĐT. Theo đó, các học phần tự chọn cần phải chú ý đến các kiến thức bổ trợ cho người học để giúp người học có thể phát triển toàn diện, có hiểu biết bao quát và đầy đủ về ngành nghề đang học, cũng như có các kỹ năng cần thiết để qua đó người học có thể tự học, tự nghiên cứu để tích lũy kinh nghiệm cho mục tiêu học tập suốt đời. Đồng thời, để người học có các kiến thức liên ngành và xuyên ngành, theo nhóm tác giả, các học phần tự chọn cũng cần chú trọng đến các kiến thức giao thoa giữa các ngành để người học từ ngành này có thể hiểu biết thêm về ngành khác, từ đó kích thích sự hứng thú, tìm tòi, học hỏi của người học đối với kiến thức liên ngành và xuyên ngành.
Thứ tư, về tính liên thông giữa các bậc học của CTĐT
Tính liên thông giữa các bậc học bao gồm liên thông theo chiều ngang (giữa các ngành trong cùng một cấp bậc đào tạo là đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ) và liên thông theo chiều dọc (giữa bậc học đại học với bậc thạc sĩ hay giữa bậc học thạc sĩ với bậc học tiến sĩ). Do đó, CTĐT khi thiết kế cần phải có sự giao thoa các khối kiến thức giữa các bậc học, nhất là các khối kiến thức ngành và kiến thức ngành chuyên sâu. Đây sẽ là tiền đề về kiến thức để người học có thể học song bằng ở bậc học đại học hoặc bậc học thạc sĩ, cũng như học liên thông từ bậc học đại học lên bậc học thạc sĩ trong khoảng thời gian ngắn hơn.
Thứ năm, về bổ sung các học phần gắn với nền kinh tế số
Cuộc cách mạng công nghệ đang dần tạo nên nền kinh tế số, do đó các CTĐT cần nhanh chóng cập nhật các học phần mang tính công nghệ để người học đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế số, chẳng hạn như các học phần về kế toán số, ngân hàng số, kinh doanh số, quản trị hệ thống thông minh, an toàn thông tin kế toán, tiền ảo và kinh doanh công nghệ,… Có thể nói, việc trang bị các học phần mang tính số hóa này sẽ giúp người học nhanh chóng thích ứng với thị trường lao động công nghệ đang nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, trong thời gian tới.
Thứ sáu, về tăng tính ứng dụng của các chương trình đào tạo
Để tăng tính ứng dụng của các CTĐT, bên cạnh việc tăng thời lượng cho phần học các bài tập, kỹ năng xử lý tình huống mô phỏng thực tế ở các học phần trong CTĐT, nhà trường cần tiến tới xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống dữ liệu và thực hành nghề nghiệp ảo để người học có thể thực hành thực tế trên một môi trường ảo mang tính mô phỏng thực tế; từ đó, giúp cho người học dễ dàng nhận diện được công việc thực tế sẽ đảm nhận sau tốt nghiệp, cũng như hình thành các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Ví dụ, đối với ngành kế toán, để nâng cao kỹ năng thực hành về xử lý chứng từ, sổ sách kế toán, Trường cần xây dựng bộ dữ liệu về chứng từ, sổ sách kế toán mô phỏng thực tế của các loại hình doanh nghiệp như sản xuất, thương mại và dịch vụ, xây lắp,… Sau đó, giảng viên sẽ hướng dẫn người học thao tác xử lý các dữ liệu chứng từ trên các phần mềm kế toán; quá trình thực hành thực tế, người học có thể đóng vai với các vai trò khác nhau như kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, kế toán bán hàng, kế toán vật tư,… giống như một bộ máy kế toán hoàn chỉnh trong thực tế. Hoặc đối với ngành tài chính – ngân hàng, để nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp của ngành, Trường có thể trang bị hệ thống phần mềm giao dịch ngân hàng ảo hoặc thị trường khoán ảo để người học có thể thực hiện các giao dịch gửi tiền, duyệt cho vay vốn hoặc đặt lệnh mua bán chứng khoán,… trên hệ thống phần mềm hoặc có các bộ dữ liệu về khách hàng vay vốn với các giả định khác nhau, để người học thực hành thẩm định, phân tích và đưa ra các quyết định cho vay hay không cho vay,… Có thể nói, việc trang bị và đào tạo mô phỏng như trên sẽ tạo điều kiện cho người học trải nghiệm nghề nghiệp, tránh nhàm chán, tránh giảng dạy chỉ mang tính lý thuyết trong môi trường giáo dục đại học.
Thứ bảy, về đào tạo gắn kết với thực tiễn
Để hoạt động đào tạo của trường gắn kết với thực tiễn, trường cần tiếp tục mở rộng sự liên kết, hợp tác đào tạo với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, để đảm bảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp rải đều trên các hình thức pháp lý, loại hình đơn vị khác nhau, tạo sự đang dạng khi lựa chọn thực tập thực tế cho người học cũng như quá trình đa dạng hóa các chuyên ngành đào tạo của trường. Đồng thời, có thể qua các đơn vị liên kết đào tạo, trường có thể triển khai học kỳ doanh nghiệp hay học kỳ trải nghiệm để người học qua đó nhận thức được các kiến thức cần phải tích lũy trong quá trình học, nhằm giúp người học dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và hòa nhập với thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.
5. Kết luận
Trong kỷ nguyên công nghệ, cùng với chủ trương phát triển nền kinh tế số, để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế của Chính phủ, hình thức đào tạo đơn ngành ở bậc giáo dục đại học có xu hướng không còn phù hợp nữa. Theo đó, để ổn định và phát triển hệ hống giáo dục đại học, đòi hỏi Trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng và các cơ sở giáo dục khác nói chung, phải dần chuyển đổi các CTĐT theo xu hướng đào tạo liên ngành và xuyên ngành, đảm bảo các CTĐT phải tích hợp được các học phần với các kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành hoặc một nhóm ngành đào tạo. Qua đó, phát huy tính liên thông của các CTĐT, để người học có thể học cùng lúc hơn một ngành hoặc dễ dàng trong việc thay đổi nguyện vọng học cho phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân, cũng như giúp người học nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động công nghệ 4.0, để hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học luôn gắn kết với thực tiễn, gắn kết với thị trường lao động và nhu cầu của người học.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2016), Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT, “Thông tư quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học”, ban hành ngày 14/03/2016. Hà Nội.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2021). Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, “Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT các trình độ của giáo dục đại học”, Hà Nội.
3. Quốc hội, (2018), Luật 34/2018/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ban hành ngày 19/11/2018. Hà Nội.
4. Trường Đại học Thủ Dầu Một, (2020), Chương trình đào tạo cử nhân các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý công nghiệp”, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Bình Dương.