Tổng quan các công trình nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp


Với chức năng mô tả tình hình tài chính, căn cứ vào thông tin kế toán (TTKT) có thể đánh giá được tình hình hoạt động trong quá khứ, hiện tại, cũng như dự báo nguồn lực tài chính và khả năng hoạt động trong tương lai của một đơn vị, từ đó giúp các nhà quản lý có thể lập các kế hoạch, phân bổ nguồn lực, điều hành và giám sát các hoạt động tại đơn vị một cách hiệu quả, giúp cho các nhà đầu tư, các đối tượng sử dụng TTKT có thể đưa ra quyết định phù hợp trong việc đầu tư tài chính.

Ngày càng nhiều đơn vị tin tưởng rằng, thông tin có chất lượng là nhân tố quan trọng tạo nên thành công cho đơn vị họ (Wang & ctg 1998), TTKT không đảm bảo chất lượng sẽ trở nên vô dụng đối với người sử dụng và có thể dẫn đến việc ra quyết định sai (Kieso & ctg 2007, theo Komala 2012). Nói cách khác, nếu thông tin trong tổ chức có chất lượng tốt, tổ chức sẽ hoạt động tốt, và ngược lại nếu thông tin có chất lượng xấu sẽ gây ra mối đe dọa cho sự tồn tại của tổ chức, do đó chất lượng thông tin rất quan trọng cho sự bền vững của một tổ chức (Ismail 2009; Redman, 1992; Laudon & Laudon 2007, theo Komala 2012). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu đến người đọc: (1) Tổng quan  các công trình nghiên cứu trên thế giới; (2) Tổng quan các công trình nghiên cứu trong nước; Và (3) Kết luận; Các công trình nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT của các đơn vị sự nghiệp.

Các công trình nghiên cứu trên thế giới: Cho đến nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu đã khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT dưới nhiều góc độ khác nhau và chủ yếu tập trung nghiên cứu trong khu vực tư. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu đó là:

  1. “AIMQ: A Methodology for Information Quality Assessment” của Lee & ctg (2002) đã nghiên cứu về phương pháp luận gọi là AIMQ, để xây dựng cơ cở cho việc đánh giá và nâng cao chất lượng thông tin. Nghiên cứu này đã cung cấp một hệ thống hóa cơ sở lý luận về chất lượng thông tin làm nền tảng phương pháp luận cho nghiên cứu trong việc biện luận để xác định các thang đo, phương pháp đánh giá và nâng cao chất lượng thông tin nói chung và TTKT nói riêng.
  2. Trong nghiên cứu của Xu & ctg (2003) qua bài viết “Key Issues Accounting Information Quality Management: Australian Case Studies”: Ngoài việc cung cấp nền tảng cơ sở lý thuyết về khái niệm và thang đo đo lường chất lượng TTKT, qua phương pháp nghiên cứu định tính tác giả đã khám phá ra một số nhân tố tác động đến chất lượng TTKT, bao gồm các nhân tố bên trong như yếu tố con người và hệ thống (sự tương tác giữa con người với hệ thống máy tính, giáo dục và nâng cao trình độ nhân viên, nâng cấp hệ thống), các vấn đề liên quan đến tổ chức (cơ cấu tổ chức, văn hóa tổ chức, các chính sách và chuẩn mực); và yếu tố bên ngoài (kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa các tổ chức và giữa các quốc gia, sự phát triển công nghệ, thay đổi các quy định pháp lý). Thêm vào đó, các nghiên cứu tình huống trong nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở cả đơn vị thuộc khu vực tư và khu vực công, do đó kết quả của nghiên cứu này đã đóng góp vào hệ thống cơ sở lý luận rất hữu ích trong việc nghiên cứu vấn đề có liên quan trong khu vực công, cũng như có thể sử dụng các nhân tố khám phá này để kiểm định lại tại các quốc gia khác.
  3. Một số nghiên cứu khác cũng đi theo hướng nghiên cứu định lượng, nhằm kiểm định một số nhân tố tác động đến TTKT. Cụ thể như, “The Impact Of Using Accounting Information Systems On The Quality Of Financial Statements Submitted To The Income And Sales Tax Department In Jordan” của Abdallah (2013) đã xác định được sự ảnh hưởng của yếu tố HTTTKT đến chất lượng của BCTC nộp cho Cơ quan thuế. Nghiên cứu của Komala (2012) qua bài viết “The Influence of The Accounting Managers Knowledge and The Top Managements Support On The Accounting Information System and Its Impact On The Quality Of Accounting Information: A Case Of Zakat Institutions In Bandung” cũng đã kiểm định được rằng, yếu tố chất lượng HTTTKT có tác động đến chất lượng của TTKT. Đồng thời, tác giả này cũng đã xây dựng mô hình một số nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT bao gồm: Hiểu biết của Giám đốc tài chính (Accounting Manager Knowledge) và hỗ trợ của ban quản lý cấp cao (Top management support). Tương tự như Komala (2012), Rapina (2014) qua nghiên cứu “Factors Influencing The Quality Of Accounting Information System And Its Implications On The Quality Of Accounting Information” đã xác định thêm một số yếu tố như cam kết của ban quản trị, văn hóa công ty, và cơ cấu tổ chức tác động đến chất lượng HTTTKT và các yếu tố này tác động đến chất lượng TTKT.
  4. Một vài bài viết khác tập trung đi vào nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng của HTTTKT, như trong nghiên cứu của Ismail (2009) “Factors Influencing AIS Effectiveness among Manufacturing SMEs: Evidence from Malaysia” thông qua việc tổng hợp lý thuyết nền, các nghiên cứu trước cũng như thực hiện pilot test đã khám phá ra một số nhân tố mới tác động đến chất lượng của HTTTKT đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như trình độ hiểu biết kế toán của nhà quản trị, nhà cung cấp, và các công ty dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì yếu tố sự tham gia của ban quản lý, trình độ hiểu biết về HTTTKT của nhà quản lý, các nhà tư vấn và cơ quan Nhà nước có liên quan thì không ảnh hưởng đáng kể đến tính hiệu quả của HTTTKT, trong khi đó các nhân tố này có tác động mạnh đến tính hiệu quả của HTTTKT trong các nghiên cứu khác. “Influence Organizational Commitment on The Quality of Accounting Information System” của Syaifulla (2014) qua nghiên cứu định lượng một lần nữa đã kiểm định rằng, yếu tố cam kết của ban quản trị có ảnh hưởng đến chất lượng của HTTTKT. Ngoài ra, còn bổ sung thêm yếu tố cam kết của nhân viên kế toán cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của HTTTKT.

Các công trình nghiên cứu trong nước:

Tại Việt Nam, nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT vẫn chưa nhận được nhiều quan tâm cho cả khu vực tư lẫn khu vực công. Một số nghiên cứu điển hình như:

  1. Đối với khu vực tư, một nghiên cứu nổi bật về vấn đề này đã được công bố, là luận án tiến sĩ 2012 của tác giả Nguyễn Thị Bích Liên “Xác định và kiểm soát các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT trong môi trường ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn nhân lực (ERP)”. Nghiên cứu này đã cung cấp tổng quan về hệ thống lý luận liên quan đến chất lượng TTKT, đã xác định và kiểm định được các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT. Tuy nhiên, phạm vi của nghiên cứu này là xác định và kiểm soát các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT cho doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng ERP.
  2. Phan Minh Nguyệt (2014) “Xác định và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng TTKT trình bày trên BCTC của các công ty niêm yết ở Việt Nam”: Nghiên cứu này đã tổng kết được cơ sở lý thuyết liên quan đến chất lượng TTKT. Và cũng đã xác định và đo lường được các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT trình bày trên BCTC. Tuy nhiên, đề tài này đi vào nghiên cứu cho các công ty niêm yết ở Việt Nam.
  3. Nguyễn Thị Hồng Nga (2014) “Tiêu chuẩn đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT”: Đây cũng là một nghiên cứu cho khu vực tư, tác giả đã tổng hợp được lý thuyết liên quan khái niệm về chất lượng TTKT và thang đo đo lường chất lượng TTKT. Đồng thời, nghiên cứu cũng đã kiểm định được một số nhân tố tác động đến chất lượng TTKT. Tuy nhiên, chưa không xây dựng các thang đo đo lường các nhân tố tác động.
  4. Có thể nói, các công trình nghiên cứu đã tổng hợp được những lý thuyết đã có về vấn đề chất lượng TTKT, bao gồm các khái niệm, vai trò, đặc điểm và các thang đo chất lượng TTKT theo nhiều quan điểm khác nhau. Các tác giả cũng đã đi vào nghiên cứu được một số nhân tố tác động đến chất lượng TTKT dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, mỗi bài viết chỉ tập trung đi sâu vào nghiên cứu một vài nhân tố và phần lớn nghiên cứu cho khu vực tư. Trong khi đó, nghiên cứu về vấn đề này cho khu vực công thì vẫn đang còn là một khoảng trống lớn và cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào được thực hiện - nơi có đặc điểm hoạt động và các quy định pháp lý khá khác biệt với khu vực tư và rất khác biệt giữa các quốc gia.

Kết luận: TTKT giữ vai trò quan trọng trong mọi loại hình tổ chức bao gồm cả các đơn vị thuộc khu vực công - nơi sử dụng ngân sách Nhà nước để cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Trong khu vực công, TTKT có chất lượng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, đồng thời thực hiện công khai hóa, dân chủ hóa hoạt động tài chính của Nhà nước. Đặc biệt, khi nền kinh tế thế giới đang vận động phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa thông qua việc hình thành các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực, và Việt Nam cũng đã gia nhập vào WTO, Hiệp định thương mại Việt Mỹ và các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB, IMF,... thì nhu cầu thông tin có chất lượng từ bên ngoài càng trở thành một áp lực lớn đối với Nhà nước. Để thực hiện các hoạt động đầu tư đa quốc gia, tham gia các tổ chức quốc tế hoặc đàm phán để đi vay, nhận viện trợ, tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, các đơn vị thuộc khu vực công buộc phải công bố các thông tin tài chính một cách đầy đủ, đáng tin cậy và có thể so sánh được. Bởi lẽ TTKT là nguồn lực quan trọng, là công cụ hỗ trợ đắc lực, đồng thời là lợi thế cạnh tranh trong mọi tổ chức thuộc khu vực tư lẫn khu vực công. Với tầm quan trọng này, việc tìm hiểu, nghiên cứu các nhân tố tác động đến chất lượng TTKT để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng TTKT là điều rất cần thiết và đang được xã hội quan tâm.

Tài liệu tham khảo

  1. Đậu Thị Kim Thoa. 2012. Hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho đơn vị hành chính sự nghiệp ở Việt Nam theo định hướng tiếp cận chuẩn mực kế toán công quốc tế. Luận văn thạc sĩ. ĐH Kinh tế Tp.HCM.
  2. Nguyễn Bích Liên. 2012. Xác định và kiểm soát các nhân tố ảnh hưởng chất lượng TTKT trong môi trường ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tại các doanh nghiệp Việt Nam. Luận án tiến sĩ. ĐH Kinh tế Tp.HCM.
  3. Nguyễn Thị Hồng Nga. 2014. Tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT.
  4. Phan Minh Nguyệt. 2014. Xác định và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng TTKT trình này trên Báo cáo tài chính của các công ty niêm yết ở Việt Nam. Luận văn thạc sĩ. ĐH Kinh tế Tp.HCM.
  5. Abdallah, A. A. J. 2013. The impact of using accounting information systems on the quality of financial statements submitted to the income and sales tax department in Jordan. European Scientific Journal, 1, 41-48.
  6. Ahire, S. L., Golhar, D. Y. & Waller, M. A. 1996. Development and validation of TQM implementation constructs. Decision Sciences, 27, 23-56.
  7. Anderson, J. C., Rungtusanatham, M., Schroeder, R. G. & Devaraj, S. 1995. A path analytic model of a theory of quality management underlying the deming management method: preminary empirical findungs. Decision Sciences, 26(5), 637-658.
  8. Ang, C. L., Davies, M. A., Finlay, P.N. 2001. An empirical model of it usage in the Malaysian public sector. Journal Of Strategic Information Systems, 10, 159-174.
  9. Baltzan, P. 2012. Business Driven Information Systems. 3rded. New York: McGraw-Hill.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của PGS.TS Mai Thị Hoàng Minh - NCS.ThS Đậu Thị Kim Thoa * NCS. Th.S Phan Thị Thúy Quỳnh ** Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Xem thêm
Mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ - Sự cần thiết phải tăng cường

Mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ - Sự cần thiết phải tăng cường

Một số thủ thuật kế toán để thực hiện hành vi chi phối thu nhập được áp dụng phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam

Một số thủ thuật kế toán để thực hiện hành vi chi phối thu nhập được áp dụng phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam

Phương pháp hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt

Phương pháp hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt

Thiết kế và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ theo mô hình Tập đoàn

Thiết kế và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ theo mô hình Tập đoàn

Về loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con trong giao dịch hợp nhất kinh doanh đạt  được quyền kiểm soát qua một lần mua

Về loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con trong giao dịch hợp nhất kinh doanh đạt được quyền kiểm soát qua một lần mua

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh