Thực trạng các quy định pháp lý về kế toán hàng hoá kho bảo thuế và kho ngoại quan ở Việt Nam

Bài viết của TS. Nguyễn Thị Thanh Hòa * Khoa Kế toán, Trường Kinh tế - Trường Đại học Vinh đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số tháng 11/2022 của TW Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

Tóm tắt  

Kho ngoại quan và kho bảo thuế là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, bởi vậy kế toán hàng hóa tại kho ngoại quan và kho bảo thuế cũng khác nhau. Bài báo này, tác giả đã phân biệt hai khái niệm đó. Đồng thời, đề xuất về kế toán đối với hàng hóa tại kho ngoại quan và kế toán hàng hóa tại kho bảo thuế, giúp cho các thông tin kế toán ngày càng minh bạch và rõ ràng.

Từ khóa: kế toán hàng hóa kho ngoại quan và kho bảo thuế.

Abstract

Bonded warehouse and a tax-suspension warehouse are two entirely different concepts, so accounting for goods at a bonded warehouse and a tax-suspension warehouse are also different.  In this article, the author distinguishes those two concepts and proposes accounting for goods at bonded warehouses and tax-suspension warehouses in order to make accounting information more transparent and clear.  

Keywords: accounting for goods at bonded warehouses and tax-suspension warehouses.

JEL: M40, M49, H25.

Phân biệt sự khác nhau giữa “kho bảo thuế” và “kho ngoại quan”

Thứ nhất, “kho ngoại quan”

Theo khoản 10 Điều 4 Luật Hải quan 2014: “Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam”.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức được thuê kho ngoại quan, gồm: tổ chức, cá nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế; tổ chức, cá nhân nước ngoài. Các hàng hóa gửi kho ngoại quan có thể là hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan; hoặc chờ làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam; hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba, cụ thể:

Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan: gồm hàng hóa của chủ hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam; hàng hóa của DN Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan để chờ xuất khẩu sang nước thứ ba.

Hàng hóa từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan: gồm hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu; hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất.

Hàng hóa sau không được gửi kho ngoại quan: gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam; hàng hóa gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Theo quy định nêu trên, có thể hiểu hàng hóa của DN gửi tại kho ngoại quan là các hàng hóa thuộc sở hữu của DN.

Thứ hai, “kho bảo thuế”

Tại khoản 9 Điều 4 Luật Hải quannêu định nghĩa: “Kho bảo thuế là kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế.” Có thể hiểu, kho bảo thuế là nhà kho được xây dựng bởi các DN có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn, hoặc là các DN chuyên về loại hình sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, để xây dựng kho bảo thuế cần phải được phép của cơ quan hải quan, theo những điều kiện quy định và chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Kho bảo thuế có vai trò chuyên lưu trữ các loại nguyên liệu, vật tư (chưa nộp thuế), để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa xuất khẩu của DN xây dựng kho bảo thuế. Hàng hóa khi đưa vào kho bảo thuế, theo quy định sẽ được lưu trữ trong thời gian 12 tháng, thời điểm bắt đầu tính là khi hàng được bắt đầu đưa vào kho. Tuy vậy, DN xuất khẩu vẫn có quyền gia hạn thêm thời gian, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, xuất khẩu. Thời gian gia hạn sẽ không quy định cụ thể mà sẽ dựa vào yêu cầu cũng như xem xét về tính phù hợp của quá trình lưu trữ, sản xuất.

DN được công nhận là DN ưu tiên được công nhận kho bảo thuế, nếu đáp ứng các điều kiện: có hệ thống sổ kế toán và ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý Nhà nước. Để theo dõi, quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho; nằm trong khu vực cơ sở sản xuất của DN, được ngăn cách với khu vực chứa nguyên liệu, vật tư không được bảo thuế, được lắp đặt hệ thống camera giám sát, đáp ứng chuẩn trao đổi dữ liệu của cơ quan hải quan để giám sát hàng hóa ra - vào kho bảo thuế.

DN sản xuất hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu từ 40 triệu USD trở lên, được công nhận kho bảo thuế, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, điều này còn phải đáp ứng các điều kiện sau: có hoạt động xuất khẩu ít nhất 02 năm liên tục trở lên mà không vi phạm pháp luật về hải quan và pháp luật thuế; tuân thủ pháp luật kế toán, thống kê; thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.

 

Thực trạng các quy định kế toán hàng hóa “kho ngoại quan” và “kho bảo thuế”

Kế toán hàng hóa gửi tại kho ngoại quan

Hàng hóa DN gửi ở kho ngoại quan, bao gồm: hàng hóa của DN Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước; hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba; hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu; hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất. Theo đó, có thể hiểu, hàng hóa của DN tại kho ngoại quan, gồm cả hàng đang đi đường và hàng đang gửi đi bán.

 Điều 24 TK151- Hàng mua đang đi đường tại Thông tư 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, quy định: “TK này dùng để phản ánh trị giá của các loại hàng hóa, vật tư (nguyên liệu, vật liệu; công cụ, dụng cụ; hàng hóa) mua ngoài đã thuộc quyền sở hữu của DN còn đang trên đường vận chuyển, ở bến cảng, bến bãi, kho ngoại quan; hoặc đã về đến DN nhưng đang chờ kiểm nhận nhập kho”.

Căn cứ quy định trên có thể hiểu, đối với các hàng hóa DN nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba đang gửi ở kho ngoại quan, được hạch toán là hàng đang đi đường, mà không phân biệt là hàng mua về để làm nguyên liệu cho sản xuất hay hàng mua về chờ bán. Tuy nhiên, đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu đang gửi ở kho ngoại quan, chưa được quy định hạch toán vào TK kế toán nào, mà kế toán các DN có thể ngầm hiểu, khi xuất kho hàng hóa sản phẩm gửi bán, kể cả hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu đang gửi tại kho ngoại quan, được hạch toán vào TK157 – Hàng gửi đi bán.

Kế toán hàng hóa kho bảo thuế

Đối với hàng hóa kho bảo thuế được quy định tại Điều 31 TK157 - Hàng gửi đi bán của Thông tư 200/2014/TT-BTC. Cụ thể, TK này dùng để phản ánh sự biến động tăng, giảm và số hiện có của hàng hoá đưa vào kho bảo thuế. Kho bảo thuế chỉ áp dụng cho DN có vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, được áp dụng chế độ quản lý hải quan đặc biệt. Theo đó, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất của DN được đưa vào lưu giữ tại kho bảo thuế, chưa phải tính nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế liên quan khác; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và sản phẩm lưu giữ tại kho bảo thuế chỉ bao gồm nguyên liệu, vật tư, dùng để cung ứng cho sản xuất và sản phẩm sản xuất ra của chính DN đó; DN phải mở sổ chi tiết để phản ánh số lượng và giá trị của từng thứ nguyên liệu, vật tư và hàng hoá theo từng lần nhập, xuất kho.

Nhận xét

Các quy định về kế toán đối với các nội dung này chưa đầy đủ và phù hợp với cơ chế quản lý, quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, cụ thể là quy định của các chính sách hải quan. Cụ thể:

Đối với hàng hóa gửi tại kho ngoại quan: mới chỉ quy định đối với hàng nhập khẩu mà chưa quy định đối với hàng gửi xuất khẩu.

Đối với hàng hóa kho bảo thuế: hiện nay, các văn bản của hải quan không giới hạn là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, mà quy định các DN xuất khẩu lớn đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật (40tr/năm và đã xuất khẩu 02 năm liên tục,…).

Quy định như hiện hành: khó cho công tác quản lý, đối với hàng nhập khẩu và hàng nội địa, ví dụ TK 151 và TK 157.

Kiến nghị

Từ những nhận xét trên, tác giả đưa ra một số kiến nghị sửa đổi các nội dung trên, như sau:

Một là, Bộ Tài chính nên bổ sung thêm một TK cấp 1 trong nhóm TK hàng tồn kho, đó là TK 159 - Hàng hóa kho ngoại quan

 TK này dùng để phản ánh sự biến động tăng, giảm và số hiện có của hàng hoá gửi tại kho ngoại quan, bao gồm cả 03 loại hàng hóa: hàng hóa của DN Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước; hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba; hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu; hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất.

Hai là, Để phục vụ cho công tác quản trị của DN, TK này mở 2 TK cấp 2

TK 1591 - Hàng mua nhập khẩu gửi tại kho ngoại quan: phản ánh sự biến động tăng, giảm và số hiện có số hàng hóa của DN Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước; hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba và hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất.

TK 1592 - Hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu: phản ánh sự biến động tăng, giảm và số hiện có số hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu

Ba là, bỏ nội dung phản ánh sự biến động tăng, giảm và số hiện có của hàng hóa kho ngoại quan tại TK 151 - Hàng mua đang đi đường

Bốn là, đối với TK 158 - Hàng hóa kho bảo thuế, nội dung thứ nhất của nguyên tắc kế toán

Nên mở rộng đối tượng sử dụng TK 158 để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Bởi vậy, đề nghị bỏ đoạn: “Chỉ áp dụng cho DN có vốn đầu tư nước ngoài”. Nội dung sửa lại của TK158 - Hàng hóa kho bảo thuế: “TK này dùng để phản ánh sự biến động tăng, giảm và số hiện có của hàng hoá đưa vào kho bảo thuế”. Kho bảo thuế chỉ áp dụng cho DN sản xuất hàng xuất khẩu, được áp dụng chế độ quản lý hải quan đặc biệt. Theo đó, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất của DN được đưa vào lưu giữ tại kho bảo thuế, chưa phải tính và nộp thuế nhập khẩu cùng các loại thuế liên quan khác.¥

Tài liệu tham khảo

Chính phủ. (2015). Nghị định 08/2015/NĐ-CP, ngày 21/01/2015;

Bộ Tài chính. (2014). Thông tư 200/ 2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014

Quốc hội. (2014). Luật Hải quan số 54/2014/QH13, ngày 23/6/2014;

Website: khovansec.com - Hàng hóa kho bảo thuế là gì?

Xem thêm
Chuẩn mực kiểm toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Kinh nghiệm cho hoạt động kiểm toán tại Việt Nam

Chuẩn mực kiểm toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Kinh nghiệm cho hoạt động kiểm toán tại Việt Nam

Kiểm toán các ước tính kế toán trong kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn hiện nay

Kiểm toán các ước tính kế toán trong kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn hiện nay

Tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán dồn tích tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay

Tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán dồn tích tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc giảng dạy kế toán theo cách tiếp cận chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc giảng dạy kế toán theo cách tiếp cận chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

Vấn đề lợi ích và thành quả trong việc vận dụng kế toán quản trị (MAPS) tại doanh nghiệp Việt Nam

Vấn đề lợi ích và thành quả trong việc vận dụng kế toán quản trị (MAPS) tại doanh nghiệp Việt Nam

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh