- Tiếng Anh với sinh viên đại học chuyên ngành kế toán – kiểm toán
- Nguyên tắc hạch toán ngoại tệ theo Thông tư 133/2016/TT-BTC
- Phương thức hài hòa chuẩn mực quốc tế về kế toán của các quốc gia ASEAN
- Kế toán công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam: từ quy định đến thực tiễn
- Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014: Hạn chế và vướng mắc trong hạch toán tài sản cố định và bất động sản đầu tư
Sự cần thiết áp dụng Kế toán Môi trường trong Kế toán Việt Nam
|
|
Trong những năm gần đây, các vấn đề về môi trường ở Việt Nam đang gặp phải những bất ổn, khó kiểm soát. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu do áp lực phát triển kinh tế và sự gia tăng dân số, trong bối cảnh tài nguyên ngày càng khan hiếm. Mặt khác, nước ta đang ở trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình này đã tạo ra những thay đổi lớn về mặt kinh tế nhưng đồng thời nó cũng để lại những hậu quả về mặt môi trường, ảnh hưởng tới sự tồn tại của chúng ta hiện nay và các thế hệ tương lai.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm. Sự phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường của mỗi quốc gia thường có mối quan hệ ngược chiều. Nếu đặt mục tiêu phát triển kinh tế cao thì khả năng phải sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, khả năng xảy ra sự ô nhiễm từ các chất thải công nghiệp là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của môi trường. Do đó, các quốc gia cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Với quan niệm rằng, tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm hủy hoại đến môi trường đều được coi là ô nhiễm môi trường do đó ô nhiễm môi trường có thể được chia thành các loại sau:
- Ô nhiễm nguồn nước;
- Ô nhiễm không khí;
- Ô nhiễm đất;
- Ô nhiễm tiếng ồn, tầm nhìn, ánh sáng, ô nhiễm nhiệt.
Ô nhiễm từ sự ảnh hưởng của quá trình phát triển xã hội: Ví dụ, quá trình đô thị hóa phát triển quá nhanh, rất nhiều người không có công ăn việc làm do đó họ vào rừng chặt phá để duy trì cuộc sống. Lượng cây xanh mất đi đồng nghĩa chúng ta có ít O2 hơn để thở, dẫn tới môi trường sẽ bị ô nhiễm, hạn hán, lụt lội thường xuyên xảy ra...
Thực trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng như hiện nay chủ yếu là do chất thải từ các hoạt động sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất của doanh nghiệp (DN) và sự thiếu ý thức của người dân trong xả thải sinh hoạt. Các chỉ số đánh giá ô nhiễm đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Sự ô nhiễm này chính là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu làm giảm năng suất đất nông nghiệp, gia tăng tình trạng thiếu nước, thời tiết ngày một khắc nghiệt (hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra), các hệ sinh thái mất cân bằng và gia tăng bệnh tật,... từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm của DN. Chính vì thế, việc xây dựng và áp dụng những biện pháp nhằm quản lý môi trường hiệu quả là một vấn đề rất cần thiết. Làm thế nào để vừa mang lại lợi ích về kinh tế và làm thế nào để cải thiện hiện trạng môi trường hướng đến chiến lược sản xuất sạch hơn.
Trong xu thế xây dựng nền Kinh tế xanh do Liên hợp quốc phát động năm 2010, Việt Nam cần có cách nhìn, tư duy mới trong lộ trình phát triển kinh tế đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và thân thiện với môi trường. Nhà nước cần quan tâm và ban hành ngày càng nhiều các quy định mang tính pháp lý, để hạn chế sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội đồng thời hạn chế tối đa các hành vi vi phạm, huỷ hoại môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Để thực hiện các quy định pháp lý đó, tất yếu sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan đến môi trường, đến bảo vệ môi trường, xử lý các tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng môi trường trong hợp đồng kinh doanh của các DN và trong triển khai các dự án đầu tư. Do đó, các nhà quản lý cần phải có nhiều thông tin hơn về chi phí liên quan đến môi trường phát sinh. Thực tế hiện nay, yếu tố chi phí môi trường và lợi ích môi trường chưa có tài khoản riêng để theo dõi và hạch toán. Rất nhiều chi phí môi trường đang được phản ánh chung trong các tài khoản liên quan đến chi phí quản lý. Vì phản ánh chung như vậy nên các nhà quản lý khó có thể phát hiện được, khó nhận thấy quy mô và tính chất của các chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng. Thực tế hiện nay, trong các tài khoản kế toán chưa ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường như chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các tai nạn, huỷ hoại môi trường sinh thái, môi trường sống.
Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong DN, liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định. Hơn nữa, kế toán môi trường nhằm mục tiêu đạt tới sự phát triển bền vững, duy trì quan hệ tốt đẹp tới cộng đồng, nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường. Các phương pháp của kế toán môi trường cho phép DN nhận dạng chi phí môi trường, nhận diện các khoản thu nhập, chi phí và cung cấp các cách thức hợp lý nhất cho đo lường các chỉ tiêu (tiền tệ và hiện vật) và hỗ trợ cho các báo cáo kết quả về môi trường. Vì thế, kế toán môi trường được sử dụng như là một hệ thống thông tin về môi trường nhằm phục vụ cho các đối tượng trong và ngoài DN.
Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trong doanh nghệp và không thể tách rời. Khác với kế toán truyền thống, kế toán môi trường quan tâm rõ ràng tới tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra. Kế toán môi trường có hai chức năng cơ bản đó là chức năng phục vụ cho quản trị nội bộ và chức năng báo cáo ra bên ngoài. Thực hiện chức năng này kế toán môi trường có ảnh hưởng đáng kể tới quyết định của người sử dụng thông tin kế toán ngoài DN như khách hàng, nhà đầu tư, chính quyền, dân chúng địa phương,...
Kế toán môi trường đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân DN mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho xã hội, con người, giúp nền kinh tế phát triển bền vững.
Kế toán môi trường có tác dụng đối với DN cụ thể:
- Khắc phục được nhược điểm của kế toán truyền thống: Trong hoàn cảnh ngày nay, kế toán truyền thống có những hạn chế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường. Kế toán truyền thống không tách biệt được rõ yếu tố môi trường và cung cấp thông tin về thiệt hại môi trường của DN, các thông tin về chi phí môi trường thường bị tiềm ẩn trong tài khoản chi phí chung. Do đó, nhà quản lý khó có thể nắm bắt được thông tin về chi phí môi trường khi cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng tài khoản chi phí chung cho các chi phí môi trường thường dẫn đến khó hiểu khi các khoản chi phí này được phân bổ trở lại vào giá thành sản phẩm tại các công đoạn sản xuất dựa vào khối lượng sản phẩm hay giờ làm việc,... sự phân bổ này có thể dẫn đến sai lầm khi không phân bổ chính xác một số loại chi phí môi trường. Khi thực hiện kế toán môi trường, sẽ giúp các DN khắc phục được những nhược điểm này.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh của DN: Việc áp dụng kế toán môi sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan, tránh được những chi phí như tiền phạt, chi phí rủi ro khắc phục,... Mặt khác, nếu thực hiện tốt kế toán môi trường sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản xuất. Từ việc thực hiện tốt kế toán môi trường giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến làm giảm giá thành. Điều này sẽ giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, cải thiện hình ảnh DN và mối quan hệ với cộng đồng, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý, nâng cao vị thế của DN trên thị trường.
Kế toán môi trường có tác dụng đối với các bên liên quan:
Các bên liên quan đối với DN không chỉ là người lao động trpng DN, chịu ảnh hưởng lớn và tác động trực tiếp từ môi trường làm việc mà còn là các đối tượng bên ngoài DN như cơ quan chính phủ, các nhà đầu tư, các cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng dân cư xung quang bị ô nhiễm và những đối tượng quan tâm tới môi trường khác.
Nếu DN có thái độ và hành vi tốt với môi trường thì đây sẽ là một thuận lợi rất lớn trong quá trình phát triển của DN, nâng vị thế của DN đối với thị trường trong nước và toàn cầu, giúp DN hoà nhập vào thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn. Việc áp dụng tốt kế toán môi trường vào DN sẽ làm hài lòng và củng cố lòng tin với các bên có liên quan.
Chúng ta có thể thấy, kế toán môi trường còn là khá mới với các DN Việt Nam nhưng áp dụng kế toán môi trường vào kế toán Việt Nam là rất cần thiết. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN hiện nay có liên quan tới những yếu tố môi trường xung quanh như môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững đối với các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Khi áp dụng kế toán môi trường sẽ giúp các nhà quản lý nắm bắt được những thông tin về môi trường, chi phí môi trường giúp các nhà quản lý nắm rõ và đưa ra những định hướng trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo
- PGS.TS. Phạm Đức Hiếu và PGS.TS. Trần Thị Hồng Mai (2012) Kế toán môi trường trong DN, NXB Giáo dục Việt Nam.
- Hoàng Thuỵ Diệu Linh (2013), Kế toán Tài chính Môi trường và định hướng áp dụng vào Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
- Kế toán Môi trường tại Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế, Th.s Phạm Hoài Nam, Tạp chí Kế toán & Kiểm toán.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của PGS.TS. Ngô Thị Thu Hồng ** Học viện Tài chính