Quá trình hình thành và phát triển các quy định pháp lý về kế toán ở Việt Nam


Ở nước ta, Cách mạng tháng Tám thành công không bao lâu, đã phải tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm kháng chiến, kế toán cũng đã được Nhà nước sử dụng chủ yếu vào việc phản ánh và giám đốc thu chi của ngân sách Nhà nước, phục vụ việc động viên sức người sức của đảm bảo cho kháng chiến thắng lợi, thời gian này kế toán cũng đã được sử dụng trong một số xí nghiệp quốc doanh, chủ yếu là các xí nghiệp phục vụ quốc phòng.

Từ năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng chuyển sang nhiệm vụ xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước đã kịp thời sử dụng kế toán làm công cụ phản ánh và giám đốc các hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn của Nhà nước trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân.

Năm 1957 đi đôi với chủ trương thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế, Nhà nước đã ban hành chế độ kế toán cho các ngành công nghiệp và xây dựng cơ bản. Bước đầu có một chế độ kế toán và hệ thống tài khoản kế toán có tính chất xã hội chủ nghĩa áp dụng thống nhất cho các đơn vị thuộc hai ngành trên, làm cơ sở cho việc xây dựng chế độ kế toán cho các ngành kinh tế khác. Bước đầu phục vụ cho việc thi hành chế độ hạch toán kinh tế, phục vụ cho sự nghiệp khôi phục, cải tạo và phát triển nền kinh tế.

Năm 1961 Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước (theo Nghị định 175 - CP, ngày 28/10/1961 của Hội đồng Chính phủ) đồng thời cải tiến, xây dựng lại chế độ kế toán cho hai ngành công nghiệp và xây dựng cơ bản, tiếp theo đó là hàng loạt chế độ thể lệ kế toán cụ thể được ban hành và được bổ sung, cải tiến. Trong nghị định ban hành điều lệ tổ chức công tác kế toán Nhà nước đã ghi rõ: “Để tăng cường công tác kế toán tại các cấp nhằm góp phần vào việc nắm kịp thời và chính xác tình hình hoàn thành kế hoạch kinh tế và tài chính của Nhà nước và việc tăng cường công tác quản lý kinh tế và tài chính của Nhà nước”.

Năm 1970 đi đôi với việc tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế, Nhà nước lại ban hành Nghị định 176 - CP, ngày 10/09/1970 của Hội đồng Chính phủ, sửa đổi chương III của Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước nhằm tăng cường vai trò của kế toán trưởng trong các đơn vị. Đồng thời, ban hành hệ thống tài khoản kế toán thống nhất, áp dụng chung cho tất cả các đơn vị trong các ngành kinh tế quốc dân theo quyết định 425 - TC/CĐKT, ngày 14/12/1970, nhằm cải tiến công tác kế toán, tăng cường sự chỉ đạo thống nhất và có hiệu lực của Nhà nước đối với công tác kế toán, phục vụ đắc lực cho việc cải tiến quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Trong gần 20 năm, từ năm 1970 đến năm 1989, cùng với quá trình đổi mới sâu sắc hệ thống pháp luật về kinh tế, hệ thống kế toán Việt Nam đã không ngừng được hoàn thiện và phát triển, góp phần tích cực vào việc tăng cường và nâng cao chất lượng quản lý tài chính doanh nghiệp (DN) và tài chính quốc gia. Do vậy, Pháp lệnh Kế toán và Thống kê được ban hành theo lệnh số 06 -LCT/HĐNN, ngày 10/05/1988 của Hội đồng Nhà nước. Đây là lần đầu tiên, các tư tưởng, quan điểm và nguyên tắc kế toán, thống kê của Việt Nam được Luật hoá. Trước đó, chỉ có các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ điều chỉnh các quan hệ kế toán và thống kê. Pháp lệnh đã lần đầu tiên khẳng định vị thế, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tổ chức công tác kế toán thống kê và bước đầu quy định về thẩm quyền trách nhiệm của các chủ thể quản lý liên quan đến hai lĩnh vực này. Có thể nói, Pháp lệnh Kế toán và Thống kê là sự phản ánh tập trung nhất thành quả của cả hơn 15 năm cải cách kế toán, cải cách công tác thống kê, nó phản ánh sự trưởng thành của hai lĩnh vực quan trọng trong hệ thống các công cụ quản lý của Nhà nước ta cũng như của nền kinh tế. Pháp lệnh cũng phản ánh một bước tiến quan trọng công tác lập pháp, thể hiện Nhà nước ta đã dần dần đi sâu vào việc điều chỉnh quan hệ kinh tế - kỹ thuật và nghiệp vụ phức tạp, cụ thể. Rõ ràng, khi cuộc sống cần, khi các nhà làm luật nhận biết được đòi hỏi của thực tiễn và trưởng thành lên, thì sản phẩm là các sắc luật, các bộ luật có thể ra đời. Luật pháp, trong trường hợp đó, phản ánh sự lớn mạnh của hệ thống chính trị, của bản thân nhà nước. Cũng trong giai đoạn này, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ tổ chức Kế toán Nhà nước theo Nghị định số 25 - HĐBT, ngày 18/03/1989 thay thế Nghị định 175 và Nghị định 176 của Hội đồng Chính phủ; Quyết định số 212 - TC/CĐKT, ngày 15/12/1989 được ban hành thay thế quyết định 425 và thông tư bổ sung số 34 - TC/CĐKT, ngày 28/10/1975.

Nhưng trong cơ chế kinh tế mới, hệ thống kế toán của Việt Nam đã không còn phù hợp yêu cầu của nền kinh tế thị trường, yêu cầu của nền kinh tế mở, của sự hòa nhập với chuẩn mực và thông lệ phổ biến của kế toán các nước, đòi hỏi phải cải cách triệt để, toàn diện hệ thống kế toán Việt Nam, cả kế toán DN và kế toán Nhà nước. Từ đầu năm 1994, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng hệ thống kế toán áp dụng cho DN. Hệ thống kế toán này được thiết kế, xây dựng trên nguyên tắc thỏa mãn các yêu cầu của kinh tế thị trường ở Việt Nam, tôn trọng và vận dụng có chọn lọc các chuẩn mực quốc tế về kế toán, phù hợp các nguyên tắc và thông lệ có tính phổ biến của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Đồng thời, hệ thống kế toán DN được xây dựng cũng thích ứng, phù hợp với đặc điểm kinh tế, yêu cầu và trình độ quản lý kinh tế tài chính của các DN Việt Nam hiện nay và thời gian tới. Bộ Tài chính đã ban hành Hệ thống Kế toán DN áp dụng thống nhất trong cả nước, từ ngày 01/01/1996 (Quyết định số 1141TC/QĐ/CĐKT, ngày 01/11/1995). Trong 10 năm, kể từ ngày quyết định 1141 có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính đã ban hành 26 Chuẩn mực Kế toán (từ năm 2001 đến năm 2005) và các thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán cũng như các văn bản sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán DN cho phù hợp với chính sách tài chính và các Luật thuế mới. Do đó, một khối lượng lớn các quy định về kế toán DN theo Quyết định 1141TC/QĐ/CĐKT, đã thay đổi và nằm rải rác ở nhiều văn bản, ban hành vào nhiều thời điểm khác nhau, chưa được hệ thống, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước, các DN và người sử dụng trong việc nghiên cứu, học tập và thực hiện, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển sang áp dụng chế độ kế toán Việt Nam. Hơn nữa, việc công bố Luật Kế toán (số 03/2003/QH11, đã được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XI thông qua ngày 17/06/2003) văn bản pháp luật có tính pháp lý cao nhất về kế toán của một quốc gia; Luật DN, việc điều chỉnh lại tổ chức một số cơ quan thuộc ngành tài chính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chế độ báo cáo tài chính định kỳ của DN.

Ngày 20/03/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Chế độ kế toán DN tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC, thay thế Quyết định số 1141TC/QĐ/CĐKT, áp dụng cho các DN thuộc mọi lĩnh vực hoạt động, mọi thành phần kinh tế trong cả nước từ năm tài chính 2006. Chế độ kế toán DN lần này được ban hành đồng bộ cả chế độ chứng từ, sổ kế toán, tài khoản kế toán và báo cáo tài chính sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc thực hiện. Chế độ kế toán DN mới ban hành đã được thiết kế với nhận thức mới về đối tượng sử dụng thông tin kế toán nên đã xây dựng theo phương châm dễ làm, dễ hiểu, minh bạch, công khai, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát. Với cách bố trí, sắp xếp tài khoản, Bảng cân đối kế toán, thông tin do kế toán cung cấp cho phép đánh giá thực trạng tài chính của DN ở mọi thời điểm. Chi phí kinh doanh, thu nhập và kết quả hoạt động kinh doanh được xử lý theo cách nhìn và quan niệm của kinh tế thị trường. Chế độ kế toán DN mới cũng đã giải quyết nhiều hoạt động kinh tế mới đã hoặc sẽ phát sinh như chi phí thuế thu nhập DN, kế toán các khoản đầu tư chứng khoán, cổ phiếu, đầu tư vào công ty liên kết, các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng, hợp nhất kinh doanh, mua bán DN,...

Như vậy, với tiền đề đầu tiên là chế độ kế toán cho các ngành công nghiệp và xây dựng cơ bản ban hành năm 1957. Qua hơn 50 năm, hiện nay Việt Nam đã có đầy đủ các thành tố của hệ thống pháp lý kế toán một quốc gia: Luật Kế toán, Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán./.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của TS. Ngụy Thu Hiền * Học viện Tài chính

Xem thêm
Tổng quan các công trình nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp

Tổng quan các công trình nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp

Mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ - Sự cần thiết phải tăng cường

Mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ - Sự cần thiết phải tăng cường

Một số thủ thuật kế toán để thực hiện hành vi chi phối thu nhập được áp dụng phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam

Một số thủ thuật kế toán để thực hiện hành vi chi phối thu nhập được áp dụng phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam

Phương pháp hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt

Phương pháp hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt

Thiết kế và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ theo mô hình Tập đoàn

Thiết kế và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ theo mô hình Tập đoàn

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh