Phương thức hài hòa chuẩn mực quốc tế về kế toán của các quốc gia ASEAN


Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tiến trình hội tụ kế toán toàn cầu, do đó các quốc gia đã có những định hướng phát triển hệ thống chuẩn mực kế toán (CMKT) tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế về kế toán (IAS/IFRS). Tuy nhiên, do những khác biệt về các yếu tố môi trường kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa nên các quốc gia đã có những phương pháp tiếp cận khác nhau. Trên cơ sở đánh giá và phân tích xu hướng hài hòa của chuẩn mực quốc tế về kế toán cũng như phương thức tiếp cận của các quốc gia trong khu vực ASEAN để nhìn nhận xu hướng cũng như những cách thức tiếp cận của các quốc gia này trong việc vận dụng vào từng điều kiện, đặc điểm riêng của quốc gia, nhằm đáp ứng với quá trình hội nhập chuẩn mực quốc tế về kế toán.

Từ khóa: CMKT, hội tụ kế toán, kế toán ASEAN.

A.     Hệ thống chuẩn mực quốc tế về kế toán
1. Lược sử quá trình phát triển

Hoạt động kế toán ban đầu với các quy tắc được thiết lập mang tính ước lệ của mỗi quốc gia do yếu tố văn hóa và địa lý, để giảm khoảng cách khác biệt giữa các quốc gia, CMKT quốc tế (IAS) được hình thành với các quy định và những nguyên tắc để hòa hợp kế toán quốc tế. Những nỗ lực phát triển IAS được đánh dấu năm 1973, khi ủy ban CMKT quốc tế (IASC) chính thức thành lập, ngày 29/06/1973 tại London (Zeff, 2007). Trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, nhu cầu thông tin đòi hỏi mang tính chuẩn tắc, khi đó quốc tế đã có sự chuyển hướng từ hòa hợp sang hội tụ và để phù hợp với tiến trình phát triển đó IASC đã được tái cấu trúc, để hình thành Hội đồng CMKT quốc tế (IASB) vào năm 2001. IASB đã ban hành các chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS) và ngay những năm đầu 2005, IFRS đã được áp dụng một cách phổ biến với 65 quốc gia chấp nhận như Liên minh Châu Âu, úc, các quốc gia Hồng Kông, Nam Phi, một số nước Châu á (Hope, Kang & Jin, 2006). Năm 2009, IASB đã ban hành chuẩn mực BCTC quốc tế cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (IFRS for SMEs) và các DN này không niêm yết. Tháng 5/2015, IASB đã chính thức công bố phiên bản mới của IFRS for SMEs trên cơ sở chính sửa, bổ sung so với phiên bản năm 2009 (IASB, 2016). Có thể thấy, tiến trình phát triển của chuẩn mực quốc tế về kế toán là cả bước tiến dài, từ khi ban đầu với các quy tắc được thiết lập mang tính ước lệ của mỗi quốc gia, đến việc hình thành IAS và nay đã phát triển thành các IFRS.

2. Các khái niệm liên quan

Trước nhu cầu đòi hỏi thông tin cũng như chất lượng thông tin ngày càng được nâng cao, IAS đã có những điều chỉnh cho thích hợp nhằm đáp ứng xu hướng hòa hợp kế toán quốc tế. ở giai đoạn này, các nghiên cứu của Nobes & Parker (1981), Choi & Mueller (1992), Tay & Parker (1992) cho rằng hòa hợp kế toán nhằm giảm các lựa chọn phương pháp kế toán thay thế và gia tăng tính thống nhất trong thực hành kế toán. Doupnik & Perera (2007) nhận định, hòa hợp kế toán là giảm sự lựa chọn trong các phương pháp thay thế để đảm bảo mức độ thống nhất trong thực tế kế toán. Hòa hợp kế toán cho phép các quốc gia xây dựng các chuẩn mực khác nhau nhưng không mâu thuẫn với chuẩn mực quốc tế.

Trong tiến trình phát triển toàn cầu hóa kinh tế, nhu cầu thông tin chất lượng cao áp dụng ở phạm vi quốc tế. Đây là bước đột phá của kế toán trong việc chuyển đổi từ hòa hợp sang hội tụ. Baker & Barbu (2006) cho rằng, hội tụ là chuẩn mực không cho phép phương pháp thay thế để tiến tới xây dựng bộ chuẩn mực thống nhất, trên cơ sở nguyên tắc chung trong khi hòa hợp trong kế toán là việc giảm sự lựa chọn kế toán, nhằm nâng cao tính so sánh thông tin trên BCTC. Ryan, Guthrie &  Day (2007) nhìn nhận hội tụ là liên quan đến quy trình phát triển hệ thống chuẩn mực áp dụng toàn cầu. Ramanna (2011) cho rằng, hội tụ liên quan đến việc giảm sự khác biệt chuẩn mực quốc gia để áp dụng toàn bộ IFRS.

3. Hệ thống chuẩn mực quốc tế về kế toán

Hệ thống chuẩn mực quốc tế về kế toán bao gồm 3 phần: (IASB, 2016).

- Khuôn mẫu chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS Framework).

- Hệ thống các chuẩn mực IAS /IFRS và IFRS for SMEs.

- Các hướng dẫn, giải thích (SIC/ IFRIC)

a.      Khuôn mẫu chuẩn mực BCTC quốc tế 

Khuôn mẫu lý thuyết kế toán được ban hành lần đầu tiên vào tháng 4/1989 bởi IASC và sau đó được sửa đổi vào năm 2001 bởi IASB. Trong xu hướng hội tụ quốc tế về kế toán, cụ thể là dự án hội tụ giữa IASB và FASB, qua nhiều lần dự thảo, tháng 9/2010 IFRS Framework đã chính thức được công bố. Trong xu hướng phát triển và nâng cao chất lượng thông tin, IFRS Framework tiếp tục được cập nhật và tháng 5/2015, IFRS Foudation đã công bố bản thảo bao gồm 8 chương và có nhiều nội dung được chỉnh sửa và bổ sung.

b.      Hệ thống các chuẩn mực IAS /IFRS và IFRS for SMEs

CMKT quốc tế được ban hành lần đầu tiên vào năm 1975 bởi IASC. Trong thời gian hoạt động từ 1973 - 2000, và tính đến nay là 29 IAS được đánh số từ 1 đến 41 IAS. Như đã trình bày trên, với việc tái cấu trúc của tổ chức IASC thành IASB, IASB đã ban hành IFRS và đến nay đã ban hành 16 IFRS.

Năm 2009 IASB đã ban hành IFRS for SMEs gồm 35 phần, tương ứng 25 nội dung kế toán liên quan đến các phần hành kế toán và BCTC. Năm 2015, IFRS for SMEs có sự điều chỉnh và bổ sung nội dung so với phiên bản 2009.

c.      Các hướng dẫn, giải thích

Các hướng dẫn, giải thích nhằm bổ sung nội dung chưa được đề cập cụ thể trong chuẩn mực. Các hướng dẫn ban đầu với tên gọi là ủy ban Hướng dẫn thường trực (SIC), khi chuyển đổi từ IASC thành IASB, được đổi tên thành ủy ban Hướng dẫn chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRIC). Các hướng dẫn được ban hành bởi IFRIC, là tiền thân của IFRS Interpretations Committee.

B.     Phương thức hội nhập chuẩn mực quốc tế về kế toán của các quốc gia ASEAN

Xu thế hội nhập quốc tế về kế toán là quá trình tiến tới xây dựng hệ thống chuẩn mực duy nhất toàn cầu, chất lượng cao áp dụng cho thị trường vốn toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia có các phương cách tiếp cận theo những xu hướng khác nhau, nhằm đáp ứng đặc điểm riêng của quốc gia.

1. Tình hình áp dụng IFRS của các quốc gia

Như đã trình bày trên, ngay những năm đầu 2005, IFRS đã được áp dụng một cách phổ biến với 65 quốc gia chấp nhập và đây là xu hướng tích cực đối với IFRS. Theo tiến triển, quá trình hội tụ quốc tế về kế toán ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về kế toán cũng như các quốc gia trên thế giới. Theo khảo sát của Deloitte (2016) với 174 quốc gia, kết quả cho thấy, so với những năm trước các quốc gia áp dụng IFRS ngày càng gia tăng đáng kể, cụ thể: 96 quốc gia bắt buộc áp dụng toàn bộ IFRS; 10 quốc gia bắt buộc áp dụng IFRS đối với một số DN; 25 quốc gia yêu cầu áp dụng IFRS; 23 quốc gia không yêu cầu áp dụng IFRS; 20 quốc gia không có TTCK. Việc áp dụng IFRS của các quốc gia ngoài những quốc gia bắt buộc hay yêu cầu áp dụng, theo công bố của IASB có 29 trường hợp cần lưu ý về tính đa dạng trong phương thức tiếp cận. Riêng đối với việc áp dụng IFRS for SMEs, Brice (2011) cho rằng, IFRS for SMEs đã được áp dụng ở một số quốc gia và điển hình Nam Phi là quốc gia đầu tiên áp dụng IFRS for SMEs. Các quốc gia đã áp dụng IFRS for SMEs để thay thế GAAP quốc gia. IASB (2016) công bố hiện tại có 78 quốc gia áp dụng IFRS for SMEs, trong đó có 72 quốc gia áp dụng toàn bộ.

2. Phương thức hội nhập của các quốc gia trong khối ASEAN

Để gia nhập kinh tế toàn cầu, hệ thống CMKT của phần lớn các quốc gia ASEAN đã hội nhập ở một mức độ nhất định với IFRS tuy nhiên, cách thức áp dụng không hoàn toàn giống nhau giữa các quốc gia. Cách thức tiếp cận chuẩn mực quốc tế về kế toán của các quốc gia thuộc khối ASEAN cụ thể (Trần Thị Giang Tân & Trần Quốc Thịnh, 2015):

a)      Singapore

Năm 2012, Hội đồng CMKT Singapore (ASC) cam kết quá trình hội nhập toàn bộ với IAS /IFRS. Tuy nhiên, năm 2013, ASC ban hành các CMKT Singapore (SFRSs) dựa trên IAS /IFRS và yêu cầu áp dụng cho thời khóa kế toán bắt đầu từ 1/1/2014 (ASC, 2014). Đối với IFRS for SMEs, năm 2010 ASC cũng công bố định hướng chấp nhận toàn bộ không điều chỉnh bắt đầu từ tháng 1/2011 cho các công ty không niêm yết và thỏa các tiêu chuẩn về quy mô. Các chuẩn mực này được ban hành đúng kế hoạch và mang tên chuẩn mực BCTC dành cho DNNVV (SFRS for SMEs) (ASC, 2012).

b)      Philippines

Năm 2005, Philippines chấp nhận toàn bộ IAS / IFRS và hầu như không điều chỉnh (World Bank, 2006). Hội đồng Chuẩn mực BCTC Philippines thành lập ủy ban Hướng dẫn, để ban hành các hướng dẫn áp dụng chuẩn mực BCTC Philippines (FRSC, 2012). Năm 2010, Philippines chấp nhận toàn bộ IFRS for SMEs. DN nhỏ và vừa (DNNVV) của Philippines được định nghĩa là các DN không niêm yết, đáp ứng các điều kiện về quy mô sẽ áp dụng IFRS for SMEs (PSEC, 2010).

Thái Lan

Năm 2014, Chuẩn mực BCTC Thái Lan (TFRS) sẽ tuân thủ theo IAS /IFRS (phiên bản 2012), ngoại trừ một số chuẩn mực như IFRS 4, IAS 32, IAS 39,  IFRS 7 và IFRS 9. Ngoài ra, Liên đoàn kế toán Thái Lan (FAP) đưa ra kế hoạch chấp nhận IAS /IFRS thông qua cập nhật, sửa đổi các chuẩn mực hiện hữu cho phù hợp IAS /IFRS, phiên bản 2013, ngoại trừ các chuẩn mực về công cụ tài chính, hợp đồng bảo hiểm, nông nghiệp, để có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Bên cạnh việc chấp nhận IAS /IFRS, Thái Lan còn ban hành các CMKT Thái Lan (TAS) và không tương đồng với IAS /IFRS, chẳng hạn như TAS 101 (dự phòng nợ phải thu khó đòi) hay TAS 103 (Công bố thông tin trên BCTC của ngân hàng và các tổ chức tương tự). Ngoài ra, FAP cũng đang trong quá trình chấp nhận chuẩn mực IFRS for SMEs và dự kiến sẽ có hiệu lực vào 2017 (IASB, 2015).

c)      Indonesia

Năm 2012, các CMKT Indonesia (PSAK) đã soạn thảo dựa trên IAS /IFRS (phiên bản có hiệu lực 2009) ngoại trừ một số chuẩn mực có sự điều chỉnh nhất định như IAS 41, IFRIC 15. Hệ thống PSAK áp dụng cho các công ty niêm yết. Gần đây, DSAK đưa ra nguyên tắc là sẽ áp dụng các chuẩn mực chậm hơn 1 năm so với  IAS /IFRS cho đến khi Indonesia quyết định áp dụng toàn bộ IFRS (Deloitte, 2016). Bên cạnh các chuẩn mực này, còn tồn tại một số chuẩn mực riêng của Indonesia, như chuẩn mực bảo hiểm (PSAK 28 và PSAK 36), hợp nhất kinh doanh dưới việc đồng kiểm soát (PSAK 38). Các công ty không niêm yết áp dụng bộ chuẩn mực riêng của quốc gia. Indonesia không sử dụng chuẩn mực IFRS cho SMEs.

d)      Malaysia

Năm 2011, Hội đồng CMKT Malaysia (MASB) ban hành chuẩn mực BCTC Malaysia (MFRS) được xem là tương đương với IAS /IFRS. Đối tượng áp dụng của MFRS là các công ty niêm yết, ngân hàng, công ty bảo hiểm và các công ty không phải là tư nhân. MASB vẫn duy trì hệ thống kế toán riêng cho các DN không thuộc đối tượng chi phối của MFRS (MASB, 2012). Các công ty tư nhân phải áp dụng chuẩn mực BCTC công ty tư nhân (PERS). Malaysia không áp dụng IFRS cho SMEs.

e)      Campuchia 

Năm 2009, Bộ Kinh tế và Tài chính Vương quốc Campuchia đề nghị áp dụng toàn bộ IAS /IFRS và IFRIC. Theo đó,  Hội đồng kế toán quốc gia Campuchia (CICPAA) yêu cầu áp dụng IAS / FRS cho niên độ kế toán bắt đầu từ 1/1/2012, đối với các công ty niêm yết (Deloitte, 2016). Các ngân hàng sẽ áp dụng IAS /IFRS kể từ 2016. Đồng thời năm 2009, CICPAA cũng cho phép tất cả các công ty, ngoại trừ công ty đại chúng, sử dụng IFRS for SMEs như là một chọn lựa, kể từ thời khóa bắt đầu vào 1/1/2010 (World Bank Group, 2014).

f)       Lào

Các công ty niêm yết phải áp dụng IAS /IFRS kể từ đầu năm 2015, trong khi đó các công ty lớn có thể áp dụng CMKT của Lào (LFRS). Hệ thống LFRS dựa trên IAS /IFRS cho SMEs. DN có quy mô nhỏ và vừa cũng áp dụng LFRS for SMEs, một phiên bản đơn giản của IFRS for SMEs từ năm 2015 (Lexology, 2015).

g)      Myamar

Năm 2010, ủy ban kế toán Myamar (MAC) đã bỏ 30 CMKT đang áp dụng và thay vào đó là ban hành lại 29 CMKT và 8 chuẩn mực BCTC (MFRS) để áp dụng cho các công ty đại chúng, công ty tài chính. Các chuẩn mực này hoàn toàn tương đồng với IAS /IFRS được ban hành vào thời điểm này và có hiệu lực vào 4/1/2011. Các DN nhỏ và vừa áp dụng MFRS for SMEs (tương tự như IFRS for SMEs, phiên bản 2010) (Word Bank Group, 2014).

h)      Bruney

Hội đồng quốc gia về CMKT Bruney (BDASC) đã công bố kế hoạch áp dụng toàn bộ IAS /IFRS vào 1/1/2014 cho các công ty niêm yết, các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Đối với các công ty còn lại, sẽ tiếp tục áp dụng CMKT do BDASC ban hành. Các công ty này được khuyến khích áp dụng IAS /IFRS, tuy nhiên không mang tính chất bắt buộc. Bruney không sử dụng IFRS cho SMEs.

Tóm lại, nhìn chung các quốc gia trong khu vực ASEAN đã tuân thủ IFRS, tuy nhiên giữa các quốc gia vẫn còn một số khác biệt. Điều này xuất phát từ sự khác biệt về các yếu tố môi trường kinh doanh, pháp lý, chính trị của mỗi quốc gia trong việc lựa chọn chiến lược riêng. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, việc thống nhất một khuôn khổ kế toán chung là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng./. 

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của TS. Trần Quốc Thịnh * Phó Trưởng khoa Kế toán Kiểm toán, ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

 

Xem thêm
Kế toán công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam: từ quy định đến thực tiễn

Kế toán công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam: từ quy định đến thực tiễn

Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014: Hạn chế và vướng mắc trong hạch toán tài sản cố định và bất động sản đầu tư

Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014: Hạn chế và vướng mắc trong hạch toán tài sản cố định và bất động sản đầu tư

Kỹ thuật điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị doanh nghiệp

Kỹ thuật điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị doanh nghiệp

Quá trình hình thành và phát triển các quy định pháp lý về kế toán ở Việt Nam

Quá trình hình thành và phát triển các quy định pháp lý về kế toán ở Việt Nam

Tổng quan các công trình nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp

Tổng quan các công trình nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh