- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công Trường hợp thu nhập bao gồm phụ cấp thuê nhà
- Hoàn thiện phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp - Mô hình tổng công ty trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện nay
- Vai trò trung gian của sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ và sự hài lòng trong công việc đối với mối quan hệ giữa sự nhất quán của lãnh đạo và hiệu suất công việc
- Chế độ kế toán tại các đơn vị sự nghiệp theo cơ chế tự chủ tài chính
Những thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam
Th.S. Đinh Thị Thu Hiền
Đại học Duy Tân
Tóm tắt
Với sự phát triển của nền kinh tế hội nhập, với xu thế tăng trưởng xanh, kinh tế xanh trên toàn cầu, kế toán xanh đang ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia. Kế toán xanh cũng trở thành đề tài nghiên cứu của các học giả trên thế giới, trong đó chú trọng nhiều đến kế toán môi trường (KTMT). Yêu cầu phát triển bền vững, hạn chế và giảm thiểu cao nhất tác động của môi trường, đã khiến cho kế toán xanh đang trở thành mối quan tâm của các nhà làm chính sách, nhà quản trị doanh nghiệp (DN), nhà nghiên cứu và cả người dân, hướng đến mục tiêu “do con người - vì con người” góp phần tạo sự ổn định và bền vững cho nguồn lực môi trường xã hội phát triển gắn với sự phát triển bền vững của chính DN. Qua một số năm áp dụng kế toán xanh, nhiều DN đã đạt được những thành tích đáng kể, tuy nhiên cũng còn nhiều áp lực và nhiều khó khăn khi tham gia vào môi trường kế toán xanh này. Bài viết xin đề cập đến những thuận lợi cũng như những khó khăn còn tồn tại, trong quá trình thực hiện KTMT tại các DN Việt Nam.
Từ khóa: kế toán xanh, ứng dụng, thuận lợi, khó khăn, kế toán môi trường.
Abstract
With the development of the integrated economy, With the trend of green growth and green economy globally, green accounting is becoming more and more popular in many countries. Green accounting has also become a research topic of scholars around the world, with much emphasis on environmental accounting. The requirement for sustainable development, limitation and maximum minimization of environmental impacts has made green accounting a concern of policy makers, business administrators, researchers and even people. towards the goal of "by people, for people", contributing to the stability and sustainability of environmental and social resources in association with the sustainable development of the business itself. Over a number of years of applying green accounting, many businesses have achieved remarkable achievements, but there are still many pressures and difficulties when participating in this green accounting environment. The article would like to mention the advantages and disadvantages that exist in the process of implementing environmental accounting in Vietnamese enterprises.
Keywords: green accounting, application, advantages, disadvantages, environmental accounting.
JEL: M40, M41, M49.
1. Khái quát các quan điểm về kế toán môi trường
Việc phát triển và ứng dụng kế toán xanh trở thành nhu cầu tất yếu hiện nay, bởi nó được coi là một công cụ quan trọng liên quan đến các khía cạnh ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đối với nền kinh tế và được xem là hướng chuyển đổi theo phương thức phát triển bền vững, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh mà Việt Nam hướng tới. Trên thế giới có rất nhiều quan điểm, các công trình nghiên cứu hướng tới làm rõ về KTMT, cụ thể như sau:
Nghiên cứu của Asheim, (1997), cho rằng, cần thành lập hệ thống kế toán xanh và KTMT để ngăn chặn ô nhiễm hoặc thiệt hại (đặc biệt, trước tình trạng quá trình nhà máy điện có ảnh hưởng đến nguồn lực tự nhiên ngày càng cao).
Nghiên cứu của Benianu, (2008), cho rằng, trong thế giới kinh doanh hiện đại, thực hiện hạch toán kế toán xanh được coi là một yếu tố quan trọng, góp phần hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và phát triển kinh tế tại các nước đang phát triển.
Nghiên cứu của Heba YM& Yousuf, (2010), đã kiểm tra các khái niệm về KTMT bằng cách khám phá các kỹ thuật để phát triển các báo cáo môi trường, cho phép Chính phủ sử dụng và làm cho nhiều DN chịu trách nhiệm về các yếu tố bên ngoài của họ. Nghiên cứu này cũng khẳng định, trong những năm sắp tới các DN sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan để thiết lập và thực hiện các chiến lược kinh doanh có liên quan với hạch toán môi trường,…
Nghiên cứu của Sherine & Jacob & Jolly, (2012), cho rằng, không ít quan điểm đã ghi nhận, việc tính thu nhập và chi phí từ môi trường không dễ dàng, xuất phát từ nguyên nhân các khoản chi phí đó thường mang tính chất ẩn hoặc khó khăn trong việc ghi nhận. Ngoài ra, nguồn thu và các khoản chi sẽ khó đo lường theo các khía cạnh số liệu của tài chính kế toán, bởi nó liên quan đến tương lai và những nhân tố vô hình khác,…
Kế thừa những kết quả của các nghiên cứu trên, Hội đồng tiêu chuẩn kế toán bền vững phát triển các tiêu chuẩn kế toán theo ngành cụ thể, trong đó có liên quan đến phát triển kế toán xanh. Năm 2014, Liên Hợp Quốc đã triển khai chương trình “Ứng dụng hệ thống kế toán về kinh tế và môi trường” hay còn gọi là “Kế toán xanh”.
Theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), KTMT là một thuật ngữ có nghĩa rộng, mang nhiều hàm ý, như: việc đánh giá và công bố thông tin môi trường, kết hợp thông tin tài chính trong kế toán và báo cáo tài chính; đánh giá và sử dụng thông tin liên quan môi trường dưới hình thức đơn vị tiền tệ và đơn vị vật chất trong KTMT; việc ước tính chi phí và tác động môi trường bên ngoài DN, thường liên quan kế toán chi phí đầy đủ; kế toán nguồn lực và dòng luân chuyển của các tài nguyên thiên nhiên dưới dạng đơn vị tiền tệ và đơn vị vật chất (kế toán tài nguyên thiên nhiên),…
Dưới góc độ của các chuyên gia tài chính, các nhà đầu tư, kế toán xanh được hiểu là hệ thống kế toán hiện đại và toàn diện nhằm ghi chép, tổng hợp và lập báo cáo cho một tổ chức, để phản ánh đầy đủ các nội dung về tài sản, nợ phải trả, vốn đầu tư, nguồn thu và các khoản chi cho môi trường xanh của quốc gia, hướng tới phát triển bền vững gắn liền với môi trường. Một số nghiên cứu cho rằng, kế toán xanh được chia thành nhiều góc độ khác nhau, bao gồm 5 nội dung chính: Kế toán tài chính môi trường; Kế toán quản trị môi trường; Tài chính môi trường; Pháp luật về môi trường; Đạo đức và quan hệ với cộng đồng xã hội.
2. Thực trạng áp dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam
Với nền kinh tế hội nhập 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của kế toán xanh, các DN Việt Nam bắt đầu có những thay đổi trong quá trình hạch toán gắn liền với các chi phí phát sinh liên quan đến môi trường. Từ đó, KTMT được chú trọng hơn trong hoạt động kinh doanh của DN. Có thể nhận thấy, qua một thời gian thực hiện nền kinh tế xanh với sự chú trọng đến KTMT, nhiều DN đã lồng ghép giữa phát triển kinh tế gia tăng lợi ích, đồng thời bảo vệ môi trường với nhiều cách thức khác nhau.
Các DN Việt Nam đang áp dụng KTMT theo các quy định của pháp luật ban hành, cụ thể: Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2005; kết hợp với các Nghị định do Chính phủ ban hành như Nghị định số 67/2011/NĐ-CP, ngày 08/08/2011, quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế bảo vệ môi trường; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC, ngày 11/11/2011, hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP, Thông tư số 159/2012/TT-BTC, ngày 28/09/2012, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC,… Việc ban hành các thông tư, nghị định về kế toán, là cơ sở quan trọng giúp DN kê khai hạch toán các chi phí phát sinh liên quan đến môi trường một cách rõ ràng.
Trải qua một thời gian áp dụng KTMT tại các DN Việt Nam, nhận thấy có những kết quả đạt được và còn tồn tại những khó khăn nhất định. Cụ thể như sau:
2.1. Thuận lợi
Việc áp dụng KTMT vào công tác quản lý và hạch toán của DN mang lại nhiều kết quả nổi bật:
Thứ nhất, đáp ứng được vấn đề phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Làm thay đổi tư duy, cách quản lý và nhìn nhận về trách nhiệm bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải,… của nhà quản trị DN. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, các DN tạo ấn tượng tốt đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó Nhà nước có những chính sách hỗ trợ và ưu đãi trong quá trình phát triển bền vững.
Thứ hai, KTMT không chỉ thông qua vai trò có tính truyền thống là ghi chép và báo cáo các thông tin tài chính, mà còn phải thể hiện được vai trò của kế toán như là một công cụ trợ giúp hữu hiệu cho các nhà quản lý trong quản trị các vấn đề môi trường, trong phạm vi từng đơn vị kinh tế.
Thứ ba, việc áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường và áp dụng KTMT sẽ dẫn đến tiết kiệm chi phí nguyên liệu, năng lượng, nước, tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, giúp cho các DN đưa ra quyết định thay đổi về kỹ thuật, về hệ thống tổ chức quản lý, về chiến lược sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh, về sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường,... Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh gắn với hiệu quả của bảo vệ môi trường.
Thứ tư, cải thiện được hình ảnh DN, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN với các đối thủ. Bởi các DN có hệ sinh thái sản xuất sạch hơn, tốt hơn, sẽ đem đến sản phẩm thân thiện với môi trường và chất lượng hơn.
2.2. Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, thì những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều những khó khăn cần được khắc phục:
Thứ nhất, mặc dù đã có những thông tư, nghị định của Nhà nước, Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ cho các DN trong công tác hạch toán KTMT. Tuy nhiên, khi đi sâu chi tiết và cụ thể từng nội dung kinh tế, từng chi phí phát sinh và cách hạch toán, thì các văn bản, quy định chưa thật sự đầy đủ. Do đó, việc theo dõi chi phí, bóc tách chi phí phát sinh liên quan đến môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế, xảy ra trường hợp mỗi DN hiểu và hạch toán một cách khác nhau, gây khó khăn trong công tác quản lý và phù hợp với các chế độ chính sách ban hành.
Thứ hai, công tác hạch toán ghi nhận thu nhập và chi phí liên quan đến môi trường chưa được trình bày rõ ràng và chưa được đề cập cụ thể trên các báo cáo tài chính có liên quan như thuyết minh báo cáo tài chính. Các khoản chi phí liên quan đến môi trường như chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, hủy hoại môi trường sinh thái, các chi phí về đền bù,… còn sử dụng chung trong chi phí quản lý DN, do đó việc theo dõi xác định trách nhiệm của DN đối với môi trường còn hạn chế.
Thứ ba, hiện nay tại Việt Nam, một thực tế cho thấy, tại các cơ sở đào tạo chưa chú trọng nhiều về KTMT, đội ngũ kế toán về lĩnh vực môi trường còn ít, chuyên môn chưa cao,... Do đó, ảnh hưởng nhiều đến công tác hạch toán ghi chép sổ sách và xác định chính xác thu nhập cũng như chi phí phát sinh liên quan đến môi trường. Còn ít các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa DN và các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan có liên quan về lĩnh vực KTMT. Do đó, chưa có được tính thống nhất trong công tác ghi chép hạch toán.
Thứ tư, mặc dù KTMT có sức ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của DN, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những DN có quy mô lớn, các tập đoàn có lượng lớn vốn. Các DN với quy mô và lĩnh vực nhỏ lẻ, đơn giản hầu như khái niệm về KTMT thật sự còn mới mẻ. Nhận thức về kinh doanh và môi trường của một số nhà quản trị còn chưa được nâng cao, chưa thấy được ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động kinh doanh tác động đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh.
3. Giải pháp
Trước những khó khăn còn gặp phải trong quá trình triển khai và thực hiện, để có thể hoàn thiện hơn về KTMT thì cần chú trọng khắc phục một số điểm sau:
Thứ nhất, cần bổ sung nhiều hơn các văn bản, quy định về mặt pháp lý, nhằm hoàn thiện hơn công tác tổ chức KTMT. Ban hành hệ thống tài khoản sử dụng, phân loại rõ ràng chi phí, thu nhập liên quan đến môi trường, cách ghi chép, hạch toán và phản ánh lên các sổ sách có liên quan, nhằm hoàn thiện hơn việc lên báo cáo tài chính mang tính trung thực, hợp lý. Bên cạnh đó, có thể đưa ra văn bản quy định về các chế tài xử lý cho từng trường hợp liên quan đến môi trường, đảm bảo tốt hơn công tác kiểm soát bảo vệ môi trường.
Thứ hai, các nội dung về KTMT cần được đưa vào giảng dạy tại các chương trình kinh tế, chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn gắn kết giữa cơ quan quản lý, các nhà quản trị DN và nhà trường, nhằm truyền đạt thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời cập nhật các kiến thức mới liên quan đến môi trường.
Thứ ba, nhà quản trị DN cần chủ động, thay đổi nhận thức và nhìn nhận thực tế về ảnh hưởng của hoạt động trong DN tác động đến đời sống của người dân xung quanh như thế nào? Để có trách nhiệm tốt hơn đối với môi trường xung quanh, từ đó xây dựng bộ máy bên trong DN, trong đó có bộ máy về KTMT hoàn chỉnh và hoạt động có hiệu quả.
Kết luận
Trong nền kinh tế hội nhập 4.0, hoạt động kinh doanh của DN không chỉ tối đa hóa lợi nhuận mà còn hoạt động với mục tiêu xanh hướng đến môi trường xanh. Chính vì vậy, bản thân mỗi DN cần xác định rõ và có những thay đổi tích cực trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành nhiều hơn những chính sách, chế độ tạo điều kiện cho DN áp dụng có hiệu quả về KTMT. Nâng cao hơn nữa, sự tham gia vào công tác bảo vệ môi trường của tất cả các loại hình DN đang hoạt động tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
Asheim, G. B, (1997), Adjusting green NNP to measure sustainability, The Scandinavian Journal of Economics, forthcoming.
Adams, C. A, (2002), Internal organisational factors influencing corporate social and ethical reporting: beyond current theorising. Accounting, Auditing & Accountability Journal.
Luật Môi trường năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005.
Chính phủ, Nghị định số 67/2011/NĐ-CP, ngày 08/08/2011, quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.
https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/day-manh-ung-dung-ke-toan-xanh-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam-331569.html.
Theo: Tạp chí kế toán và kiểm toán