- Về mô hình giá trị hợp lý và thực trạng kế toán giá trị hợp lý ở VN
- Kế toán môi trường và định hướng ứng dụng ở Việt Nam
- Quản trị tài chính doanh nghiệp và hệ công cụ quản trị tài chính
- Về nội dung phân tích hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp
- Ảnh hưởng của chi phí chìm đến quyết định kinh doanh
Những hạn chế khi phân tích BCTC theo góc độ kế toán quản trị
|
Có những hạn chế nhất định từ phân tích báo cáo tài chính (BCTC) phục vụ ra quyết định quản trị doanh nghiệp (DN). Điều đó xuất phát từ đơn vị đo lường trong BCTC và tính thời điểm trong các báo cáo. Nâng cao chất lượng kế toán quản trị (KTQT) trong việc ra quyết định, cần phải lưu ý đến những hạn chế từ phân tích BCTC trong DN.
BCTC hàng năm của DN là nguồn thông tin quan trọng không chỉ đối với các nhà quản trị DN để phục vụ cho yêu cầu quản lý, mà còn phục vụ cho các đối tượng bên ngoài DN như nhà đầu tư, chủ nợ, cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tượng khác (Nguyễn Năng Phúc, 2011). Theo quy định hiện nay, hệ thống BCTC hàng năm của DN Việt Nam bao gồm:
- Bảng cân đối kế toán;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; và
- Thuyết minh BCTC.
Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là hai báo cáo cơ bản. Để đảm bảo tính thống nhất và tính so sánh, đòi hỏi việc lập các BCTC phải tuân thủ theo chuẩn mực kế toán quy định. Điều này làm nảy sinh một số hạn chế nhất định đối với nhà quản trị DN khi sử dụng phân tích số liệu, thông tin của các BCTC nhằm ra quyết định quản trị DN. Vậy những hạn chế đó là gì? Cần khắc phục như thế nào? Bằng phương pháp quan sát và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu này góp phần trả lời những câu hỏi nêu trên.
Kết quả nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu đề ra, các nhà quản trị DN luôn phải đối mặt với việ, thực hiện tốt 4 chức năng cơ bản sau:
a) Lập kế hoạch;
b) Tổ chức và điều hành;
c) Kiểm soát và đánh giá; và
d) Ra quyết định.
Trong đó, ra quyết định là chức năng xuyên suốt các khâu trong cả quá trình quản trị DN. Việc ra quyết định đòi hỏi phải tuân thủ quy trình như Sơ đồ 1 dưới đây:
Nhà quản trị DN chỉ có thể thực hiện được tốt nhất việc ra quyết định khi có được các thông tin cần thiết kịp thời, cụ thể và chính xác. Thông tin mà các nhà quản trị cần được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau nhưng các thông tin từ kế toán là cơ bản, giữ vai trò nền tảng trong việc phát hiện vấn đề, phân tích nguyên nhân và đề xuất các phương án giải quyết và ra quyết định phù hợp (Jane Nguyễn, 2013).
a) Thứ nhất, đơn vị tính các chỉ tiêu trong báo cáo được sử dụng là giá trị. Bản thân chỉ tiêu giá trị đã ẩn chứa những nhược điểm của nó. Ảnh hưởng của lạm phát có thể làm sai lệch thông tin được ghi nhận trên các báo cáo so với giá trị thực của các chỉ tiêu (Pamela Peterson at al., 2012). Mặt khác, nhiều chỉ tiêu như doanh thu, giá vốn hàng bán, hay hàng tồn kho, ... được cấu thành từ số lượng hàng hóa và đơn giá. Vì thế, khi nhìn vào BCTC khó có thể thấy được nguyên nhân gây biến động của các chỉ tiêu này là do giá hay số lượng hàng hóa.
b) Thứ hai, các giao dịch được ghi nhận trên sổ kế toán tạo lập thành các dữ liệu trên BCTC, được thực hiện theo nguyên tắc nguyên giá. Do đó, tất cả những giá trị trong báo cáo không phải là giá trị thị trường (Pamela Peterson at al., 2012). Vì vậy, nếu chỉ trên cơ sở BCTC để phân tích và ra quyết định thì không sát thực tế.
c) Thứ ba, các BCTC thường được ghi lại trong khoảng thời gian là một năm. Chỉ tiêu doanh thu, chi phí và thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh được xác định, bằng cách sử dụng kế toán dồn tích. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ kéo dài trong một năm. Bảng cân đối kế toán năm được xác lập tại thời điểm 31/12 hàng năm. Để giúp nhà quản trị ra các quyết định trong ngắn hạn (theo tuần, tháng hay quý) một cách kịp thời, cần phải dựa trên các BCTC cập nhật hơn.
d) Thứ tư, BCTC cung cấp thông tin mang tính tổng hợp và toàn diện về tình hình tài sản, nguồn vốn và kết quả hoạt động của toàn DN, trong kỳ kế toán. Do đó, tính chi tiết tới từng bộ phận, từng sản phẩm dịch vụ, từng khoản mục cấu thành của các chỉ tiêu trong báo cáo không được thể hiện.
e) Thứ năm, những hạn chế khác có thể phát sinh, do chất lượng BCTC của DN Việt Nam. Trong năm 2012, Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới đã kết luận rằng, chất lượng BCTC của 100 công ty hàng đầu Việt Nam được niêm yết, trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã sụt giảm. Xét trên tất cả các lĩnh vực quản trị, công ty và thông báo thông tin với công chúng. “Thẻ điểm quản trị công ty" của IFC chấm 100 công ty này với điểm trung bình 42,5%, với 57, 5 và 17, 4 là điểm cao nhất và thấp nhất. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Philippines và Thái Lan, đạt trung bình là 72% và 77%. Vấn đề này, đã làm ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng quản trị của DN, mà còn không thể cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin kịp thời và có liên quan, để giúp họ đưa ra quyết định đầu tư phù hợp (Bùi Tùng, 2014).
a) Một là, nâng cao chất lượng công tác kế toán, nhất là KTQT DN. Nhằm cung cấp một hệ thống thông tin đa dạng, kịp thời và chính xác cho các nhà quản trị, để họ thực hiện tốt việc điều hành và quản trị DN. Hiện nay, KTQT ở không ít DN chưa được quan tâm đúng mức và còn hạn chế, trong việc thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình (Hưởng Bùi, 2015).
b) Hai là, ngoài BCTC hàng năm, các DN cần lập BCTC đầy đủ theo tháng, theo quý. Nhằm cung cấp thông tin giúp các nhà quản trị ra quyết định điều hành mọi hoạt động một cách kịp thời, nhất là ra quyết định ngắn hạn. Thực tế cho thấy, phần lớn các DN đã có báo cáo kết quả kinh doanh theo tháng, quý và quyết toán cuối năm. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ, không phải DN nào cũng đã xây dựng được theo tháng, quý.
c) Ba là, các DN, đặc biệt là những công ty cổ phần đại chúng và những DN có đầu tư chứng khoán, hàng năm cần xác định giá trị tài sản và nguồn vốn của mình theo giá thị trường song hành với việc xác lập bảng cân đối kế toán theo nguyên giá, như quy định chung. Như thế, sẽ giúp nhà quản trị DN ra các quyết định đầu tư, quyết định nguồn vốn, quyết định chính sách cổ tức,... phù hợp hơn với thực tế thị trường.
d) Bốn là, nâng chất lượng BCTC hàng năm của các DN. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, một BCTC tốt, đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, minh bạch sẽ giúp cải thiện việc kinh doanh, quản lý hoạt động, xây dựng lòng tin và uy tín của công ty (Bùi Tùng, 2014). Điều này phụ thuộc rất lớn vào tâm huyết, đạo đức và trình độ chuyên môn của các nhân viên kế toán của DN.
Kết luận
Nhìn từ góc độ KTQT DN, BCTC hàng năm hiện đã bộc lộ những hạn chế như đơn vị đo lường giá trị, dữ liệu ghi nhận theo nguyên giá, thông tin cung cấp mang tính tổng hợp và thời gian báo cáo hàng năm. Để khắc phục những hạn chế đó, DN cần nâng cao chất lượng công tác kế toán, đặc biệt là KTQT. Lập BCTC cập nhật theo các kỳ phân tích phù hợp. Xác định giá trị tài sản và nguồn vốn theo giá thị trường và nâng cao chất lượng BCTC hàng năm./.
Sơ đồ 1. Quy trình ra quyết định quản trị
Xác định vấn đề và mục tiêu => Phân tích nguyên nhân => Đề xuất các phương án => Lựa chọn phương án tối ưu
Tài liệu tham khảo
- Pamela Peterson Drake Fank J. Fabozzi, 2012, Tài chính căn bản, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- Hoàng Văn Hải, Nguyễn Viết Lộc, Nguyễn Ngọc Thắng, 2015, Ra quyết định quản trị, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Năng Phúc, 2013, Giáo trình phân tích BCTC, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
- Hưởng Bùi, 2015, Vai trò của KTQT trong điều hành DN, http://www.saga.vn.
- Bùi Tùng, 2014, BCTC và quản trị công ty ở Việt Nam: Nỗi niềm của lãnh đạo http://cafef.vn.
- Jane Nguyễn, 2013, Vai trò của KTQT với chức năng quản lý trong DN http://ma.tvtmarine.com, truy cập ngày 20/12/2015.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của PGS.TS Kim Thị Dung - TS. Nguyễn Quốc Oánh ** Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.