- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Đo lường lợi thế thương mại trên báo cáo tài chính hợp nhất
- Chế độ kế toán doanh nghiệp một số vấn đề tồn tại và kiến nghị sửa đổi
- Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). Khó khăn đặt ra đối với các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam
- Trao đổi về một số các đặc điểm, rủi ro của hóa đơn điện tử và khuyến nghị đối với văn bản pháp lý liên quan
Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty niêm yết ngành thủy sản tại Việt Nam
|
Nghiên cứu này nhằm mục đích xem xét các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các DN nhóm ngành thủy sản niêm yết tại Việt Nam. Hiệu quả kinh doanh được đo lường bằng tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất sinh lời trên doanh thu. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua việc ước lượng mô hình hồi quy tuyến tính dựa trên dữ liệu 16 công ty thủy sản thời gian từ năm 2010 đến năm 2016, kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN thủy sản, gồm: quy mô DN, hệ số chi phí, kỳ thu tiền bình quân, số vòng quay hàng tồn kho, tỷ lệ tài sản cố định, tỷ lệ nợ.
Ngành thủy sản có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ngành thủy sản chịu nhiều cạnh tranh với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài với nền kinh tế lớn mạnh về vốn và năng lực quản lý. Trong thời gian qua, một số DN thủy sản kinh doanh không hiệu quả đã tạm ngưng hoat động, giải thể, phá sản hoặc sáp nhập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên từ chủ quan đến khách quan như thị trường xuất khẩu ngày càng cạnh tranh, tiêu chuẩn chất lượng mặt hàng để xuất khẩu, giá cả... Tuy nhiên, để các DN thủy sản hoạt động ngày càng hiệu quả, bên cạnh các chiến lược giá cả, chất lượng sản phẩm, thì mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các DN thủy sản là khả năng sinh lợi. Đánh giá các yếu tố tác động đến khả năng sinh lợi để từ đó phát hiện những khả năng tiềm tàng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cải tiến trong công tác quản lý để phát hiện và phòng ngừa rủi ro, đưa ra những chiến lược phát triển kinh doanh hiệu quả. Do đó, việc xem xét một cách tổng thể và xác định những nhân tố tác động hiệu quả kinh doanh (HQKD) của các DN nhóm ngành thủy sản có vai trò quan trọng trong sự tồn tại của các DN này trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay nhằm giúp các DN này có các giải pháp gia tăng HQKD để giải quyết các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay.
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
HQKD trong nghiên cứu này được đo lường bằng tỷ suất sinh lợi (TSSL). Có nhiều cách để xác định TSSL, trong đó ba loại TSSL được nhiều nhà phân tích sử dụng là: (i) TSSL trên tổng tài sản (ROA); (ii) TSSL trên vốn chủ sở hũu (ROE); (iii) TSSL trên doanh thu (ROS). Các nghiên cứu trước cũng đã tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến TSSL gồm:
- Tỷ lệ tài sản cố định (TSCĐ)
Nghiên cứu của R.Zeitun and G.G.Tian (2007), Abbasali Pouraghajan et al (2012) cho thấy tỷ lệ TSCĐ có tác động đến TSSL. Các DN đều cố gắng sao cho TSCĐ được đưa vào sử dụng hợp lý để đạt được lợi nhuận cao nhất đồng thời luôn tìm các nguồn tài trợ, tăng TSCĐ hiện có để mở rộng sản xuất kinh doanh. Việc duy trì tỷ lệ đầu tư TSCĐ ở mức hợp lý và khai thác tối đa công suất có ảnh hưởng tích cực đến TSSL của DN và ngược lại sẽ làm giảm khả năng sinh lợi của DN.
- Tỷ lệ nợ
T.A.N.R.Jayarathnea (2014), Mahfuzah Salim & Dr.Raj Yadav (2012), R.Zeitun, G.G.Tian (2007), Alexander Klingensj# & Caroline Kihlgren (2015), Md. Imran Hossain (2016) đã tìm ra mối quan hệ giữa tỷ lệ nợ với TSSL. Tỷ lệ nợ phản ánh mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của DN. Khả năng tự chủ tài chính của DN quyết định sự thành công các chiến lược kinh doanh. Ngoài ra, khả năng tự chủ tài chính càng cao thì khả năng thành công của kế hoạch kinh doanh càng lớn.
- Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản (quy mô DN)
Nghiên cứu của R.Zeitun, G.G.Tian (2007), Mahfuzah Salim& Dr.Raj Yadav (2012), Md. Imran Hossain (2016) cho thấy quy mô DN có ảnh hưởng đến TSSL. Lợi thế kinh tế theo quy mô có được bởi các lý do như giảm thiểu chi phí cố định, hiệu quả của chuyên môn hóa, mua nguyên vật liệu và phụ tùng với số lượng lớn... Tuy nhiên, các doanh nghiệp quy mô lớn, cơ cấu của doanh nghiệp sẽ cồng kềnh hơn, ít linh hoạt hơn từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả chọn qui mô DN được đo lường bằng tốc độ tăng trưởng tổng tài sản.
- Số vòng quay hàng tồn kho
Tác động tích cực của việc duy trì tồn kho là giúp cho công ty chủ động hơn trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, điều đó giúp công ty đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh tránh nguy cơ mất khách hàng và ngưng sản xuất. Tuy nhiên, duy trì tồn kho nhiều cũng làm phát sinh chi phí kho bãi, bảo quản nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số nhà nghiên cứu cho thấy có sự tác động của số vòng quay hàng tồn kho đến TSSL như Pedro Juan Garcia -Teruel, Pedro Martinez- Solano (2007), Deloof(2003), T.A.N.R. Jayarathnea (2014)...
- Kỳ thu tiền bình quân
Kết quả nghiên cứu của Deloof (2003), Pedro Juan Garcia- Teruel and Pedro Martinez- Solano (2007), T.A.N.R.Jayarathnea (2014) cho thấy kỳ thu tiền bình quân của DN có mối quan hệ với TSSL. Nếu không bán chịu hàng hóa thì sẽ mất cơ hội bán hàng, do đó mất đi một khoản lợi nhuận. Nếu bán chịu hàng hóa quá nhiều sẽ làm tăng chi phí cho khoản phải thu, nguy cơ phát sinh các khoản nợ khó đòi, rủi ro không thu hồi được nợ cũng gia tăng. Hạ thấp tiêu chuẩn bán chịu có thể dẫn đến gia tăng doanh thu và lợi nhuận, nhưng vì bán chịu sẽ làm phát sinh khoản phải thu và phát sinh chi phí đi kèm.
- Hệ số chi phí
Theo Amelia Burja (2011) thì hệ số chi phí có mối quan hệ với TSSL của DN. Khi chi phí cho quá trình hoạt động kinh doanh tăng sẽ làm giảm lợi nhuận của DN và ngược lại. Vì vậy, các DN muốn gia tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả kinh doanh luôn đặt ra mục tiêu là tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí hoặc sử dụng chi phí một cách có hiệu quả nhất.
Kế thừa các nghiên cứu nêu trước, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến TSSL của các DN thủy sản như sau:
Yit = b0 + b1TP + b2DR + bTTS+ b4SWP + b5USB + b6CF + uit
Trong đó:
Yit: Biến phụ thuộc (ROA; ROE; ROS)
TP: Tỷ lệ tài sản cố định
DR: Tỷ lệ nợ
TTS: Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản
SWP: Số vòng quay hàng tồn kho
USB: Kỳ thu tiền bình quân
CF: Hệ số chi phí
u: Số hạng nhiễu (Sai số ngẫu nhiên)
Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu trong nghiên cứu này là 16 DN thủy sản niêm yết tại Việt Nam, giai đoạn nghiên cứu từ năm 2010 đến năm 2016 được lấy từ báo cáo tài chính và báo cáo thường niên. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, nhóm tác giả sử dụng phần mềm STATA11 để ước lượng mô hình nghiên cứu theo ba cách: hồi quy thông thường (PooledOLS), mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên (REM), mô hình hiệu ứng cố định (FEM). Sử dụng kiểm định Hausman nhằm so sánh mô hình FEM và REM; kiểm định Redundant fixed Effects nhằm so sánh sự phù hợp giữa mô hình PooledOLSvà REM. Trường hợp có hiện tượng phương sai thay đổi, tự tương quan thì khắc phục bằng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất tổng quát GLS.
Biến phụ thuộc trong mô hình gồm: TSSL trên tài sản (ROA); TSSL trên vốn chủ sở hữu (ROE); TSSL trên doanh thu (ROS). Các biến độc lập được ký hiệu và đo lường như sau: Tỷ lệ TSCĐ (TP) = Tổng TSCĐ/Tổng TS; Tỷ lệ nợ (DR) = Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản; Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản (TTS) = (Tổng TSCK - Tổng TSĐK)/ Tổng TSĐK; Số vòng quay hàng tồn kho (SWP) = Giá vốn hàng bán /Hàng tồn kho bình quân; Kỳ thu tiền bình quân (USB) = Các khoản phải thu bình quân /Doanh thu thuần bình quân 1 ngày; Hệ số chi phí (CF) = Chi phí /Doanh thu.
Kết quả và thảo luận
Kết quả phân tích hồi quy biến phụ thuộc ROA, ROI và ROS bị ảnh hưởng bởi các biến độc lập, sau khi đã kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến và khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi, tự tương quan bằng GLS được thể hiện trong bảng 1 như sau:
Kết quả nghiên cứu tại bảng 1 cho thấy các biến độc lập có ảnh hưởng đến TSSL. Để thấy rõ tác động từng biến đến khả năng sinh lợi của các DN nhóm ngành thủy sản niêm yết tại Việt Nam, nhóm tác giả xem xét cụ thể từng biến như sau:
- Tỷ lệ TSCĐ
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu tỷ lệ TSCĐ tăng 1% thì ROS sẽ tăng 0.109% và ROE sẽ giảm 0.157%. Tuy nhiên, tỷ lệ TSCĐ lại không có ý nghĩa thống kê với biến ROA. Điều này là do tỷ lệ đầu tư TSCĐ trung bình trong mẫu nghiên cứu này là 21,75%, ở mức thấp cho thấy các công ty chưa chú trọng đầu tư vào tài sản cũng như công nghệ hoặc có thể TSCĐ của các công ty chủ yếu đã sử dụng lâu nên ít ảnh hưởng đến TSSL.
- Tỷ lệ nợ
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu tỷ lệ nợ tăng thêm 1% thì ROA, ROS sẽ giảm tương ứng là 0.0917%, 0.211 % và ROE sẽ tăng 0.101%. Điều này cho thấy được các doanh nghiệp thủy sản đa phần đi vay để đầu tư vào kinh doanh mua bán chứ chưa chú trọng việc đầu tư vào tài sản máy móc, thiết bị nên ROA sẽ giảm khi tỷ lệ nợ tăng. Ngoài ra, theo thống kê mô tả, thì ROE cao hơn ROA nhiều, DN thủy sản đã vay nợ nhiều hơn so với vốn tự có nên ROE giảm khi tỉ lệ nợ tăng lên.
- Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản
Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng tài sản không có ý nghĩa thống kê với biến ROE, ROS. Trong khi đó, nếu các yếu tố khác không đổi, tốc độ tăng trưởng tài sản tăng thêm 1% thì ROA sẽ tăng 0.0308%. Điều này cho thấy khi các doanh nghiệp đầu tư tài sản sẽ làm cho ROA tăng cho nên việc đầu tư là hợp lý và cần thiết.
- Số vòng quay hàng tồn kho
Biến số vòng quay hàng tồn kho có ảnh hưởng đến ROS, ROE ở mức ý nghĩa thống kê là 1% và có có hệ số hồi quy lần lượt là -0.0207, 0.0323. Tuy nhiên, số vòng quay hàng tồn không có ý nghĩa thống kê với biến ROA. Số vòng quay hành tồn kho tăng lên thì ROE tăng vì khi số vòng quay hàng tồn kho tăng thì doanh nghiệp bán hàng nhanh sẽ góp phần nâng cao ROE. Trong khi đó, khi số vòng quay hàng tồn kho tăng sẽ làm ROS giảm. Điều này cho thấy các doanh nghiêp thủy sản tuy bán hàng nhanh nhưng chi phí cho nguồn nhân lực quản lý, bán hàng tăng làm ROS giảm.
- Kỳ thu tiền bình quân
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu kỳ thu tiền bình quân tăng thêm 1% thì ROA, ROS sẽ tăng thêm lần lượt tương ứng là 0.000188%, 0.000526% và ROE sẽ giảm là 0.000403%. Kỳ thu tiền bình quân tăng sẽ làm tăng ROA, ROS. Điều này cho thấy các doanh nghiệp thủy sản bán hàng trả chậm là chủ yếu. Trong khi đó, kỳ thu tiền bình quân tăng sẽ làm cho ROE giảm cho thấy các doanh nghiệp thủy sản quản trị các khoản phải thu chưa hiệu quả, làm tăng chi phí dự phòng phải thu khó đòi từ đó giảm ROE.
- Hệ số chi phí
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu hệ số chi phí tăng thêm 1% thì ROA, ROS sẽ giảm lần lượt tương ứng là 0.447%, 2.622% và ROE sẽ tăng 0.739%. Khi hệ số chi phí tăng thì ROA, ROS sẽ giảm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp thủy sản chưa quản lý tốt các khoản chi phí khiến ROA, ROS giảm. Về tỷ suất sinh lợi ROE tăng khi chi phí tăng lên cho thấy các doanh nghiệp thủy sản có đầu tư vào khâu quản lý bán hàng, góp phần làm tăng trưởng doanh thu.
Kết luận và khuyến nghị
Nghiên cứu này khảo sát 16 DN nhóm ngành thủy sản niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2010-2016. Mô hình nghiên cứu đề xuất 6 nhân tố ảnh hưởng đến TSSL. Sử dụng phương pháp định lượng, kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến TSSL của các công ty niêm yết nhóm ngành thủy sản gồm:
- Có 5 yếu tố ảnh hưởng đến ROS, trong đó 3 yếu tố ảnh hưởng ngược chiều gồm: tỷ lệ nợ, Số vòng quay hàng tồn kho, hệ số chi phí, hai yếu tố ảnh hưởng cùng chiều là kỳ thu tiền bình quân, tỷ lệ TSCĐ.
- Có 4 yếu tố ảnh hưởng đến ROA trong đó 2 yếu tố ảnh hưởng cùng chiều gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản, kỳ thu tiền bình quân và 2 yếu tố ảnh hường ngược chiều là hệ số chi phí, tỷ lệ nợ.
- Có 5 yếu tố ảnh hưởng đến ROE trong đó 3 yếu tố ảnh hưởng cùng chiều gồm: Tỷ lệ nợ, Số vòng quay hàng tồn kho, hệ số chi phí và 2 yếu tố ảnh hưởng ngược chiều là tỷ lệ TSCĐ, Kỳ thu tiền bình quân.
Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường TSSL của các DN thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như sau:
Một là, doanh nghiệp cần có kế hoạch đầu tư thêm và cải tạo TSCĐ như: có kế hoạch cải tạo, đầu tư mới TSCĐ; trong quá trình sản xuất kinh doanh tình hình sử dụng TSCĐ cần được theo dõi một cách thường xuyên và có những thay đổi kịp thời để tránh lãng phí.
Hai là, doanh nghiệp cần quản lý tốt việc bán hàng trả chậm để tránh tình trạng nợ khó đòi ảnh hưởng không tốt đến TSSL thông qua các biện pháp như: tăng cường công tác thu hồi nợ; xây dựng chính sách bán chịu hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều khách hàng có thể mua hàng và thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng.
Ba là, DN cần tính toán lại cũng như hoạch định chiến lược lâu dài để đầu tư vào TSCĐ một cách hợp lý nhằm tạo được sức cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thanh lý, nhượng bán các TSCĐ có hiệu quả sử dụng thấp để tránh ứ đọng vốn; khai thác tối đa công suất TSCĐ.
Bốn là, DN cần khai thác tốt các khoản nợ phải trả, thường xuyên lập kế hoạch tiền mặt, duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản ở mức hợp lý, hạn chế đầu tư mua sắm bằng nguồn vốn vay ngắn hạn, trả bớt nợ vay nhằm từng bước cân đối tài chính; cần đánh giá mức độ quan trọng và cấp thiết của từng khoản nợ phải trả từ bộ phận kế toán để chi trả theo mức độ ưu tiên.
Năm là, doanh nghiệp cần quản lý tốt hàng tồn kho, xây dựng mức tồn kho hợp lý phù hợp với đặc điểm kinh doanh để giảm chi phí, tránh ứ đọng vốn, tăng khả năng sử dụng vốn, đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động trong hoạt động tìm kiếm đầu vào cho sản xuất.
Sáu là, DN cần xây dựng định mức chi phí tiêu hao và hoạch định chi phí bằng cách lập ra những tiêu chuẩn gắn với từng trường hợp hay từng điều kiện làm việc cụ thể; cần định mức về giá lẫn về lượng vì sự biến đổi của hai yếu tố này đều tác động đến sự thay đổi của chi phí./.
Bảng 1: Tóm tắt kết quả nghiên cứu trên mô hình đã kiểm định
|
ROA (1) Mô hình EM |
ROS (2) Mô hình EM |
ROE (3) Mô hình LS |
TTS |
0.0308*** (3.08) |
0.0249 (1.31) |
0.0102 (0.26) |
DR |
-0.0917*** (-5.13) |
-0.211*** (-4.62) |
0.101*** (2.98) |
TP |
0.0317 (1.03) |
0.109* (1.67) |
-0.157* (-1.70) |
SWP |
0.000636 (0.37) |
-0.0207*** (-4.95) |
0.0323*** (8.16) |
USB |
0.000188*** (3.28) |
0.000526*** (3.12) |
-0.000403** (-2.39) |
CF |
-0.447*** (-19.01) |
-2.622*** (-44.28) |
0.739*** (8.54) |
_cons |
0.124*** (9.31) |
0.475*** (12.94) |
-0.122*** (-4.60) |
N |
112 |
112 |
112 |
adj. R-sq |
0.858 |
0.969 |
0.412 |
t statistics in parentheses * p<0.1, ** p<0.05, *** p<0.01 |
(Ghi chú: *, **, *** ứng với mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%)
(Nguồn: số liệu được thu thập từ các bản cáo bạch, báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và tính toán từ phần mềm STATA11)
Tài liệu tham khảo
1. Abbasali Pouraghajan et al (2012). The Relationship between Capital Structure and Firm Performance Evaluation Measures: Evidence from the Tehran Stock Exchange. International Journal of Business and Commerce Vol. 1, No. 9: May 2012[166-181] (ISSN: 2225-2436).
2. Amelia Burja. (2011). Factors Influencing The Companies Profitability.Annales Universitatis Apulensis Series Oeconomica, Faculty of Sciences.
3. Alexander Klingensj# & Caroline Kihlgren.(2015). Capital Structure and Performance in Private Firms. Student Ume# School of Business and Economics.
4. Deloof M. (2003). “Does Working Capital Management Affect Profitability of Belgian Firms?”. Journal of Business, Finance and Accounting 30, 573-587.
5. Mahfuzah Salim & Dr.Raj Yadav. (2012). Capital Structure and Firm Performance:Evidence from Malaysian Listed Companies. Procedia - Social and Behavioral Sciences, Volume 65,3 December 2012, Pages 156-166.
6. Md.Imran Hossain. (2016). Effects of Capital Structure and Managerial Ownership on Profitability: Experience from Bangladesh. International Journal of Business and Management; Vol. 11.
7. Pedro Juan Garcia, Teruel and Pedro Martinez-Solano. (2007). Effects off working capital management on SEM prof-itability, International Journal of Managerial Finance. International Journal of Managerial Finance, 3: 164-177.
8. R.Zeitun and G.G.Tian. (2007). Capital structure and corporate performance: evidence from Jordan. Australasian Accounting Business and Finance Journal, 1(4),38-61.
9. T.A.N.R.Jayarathnea. (2014). Impact of Working Capital Management on Profitability: Evidence From Listed Companies in Sri Lanka. Faculty of Management and Finance, University of Ruhuna, SriLanka.
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) TS. Nguyễn Anh Hiền * Ths. Đồng Hữu Phú ** Đại học Sài Gòn (**)Công ty TNHH Tư vấn thuế Tín Phú