- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Đổi mới hệ thống quy định kế toán trong ngân hàng thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế
- Làm rõ hơn quy trình thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có vốn Nhà nước ở Việt Nam
- Đổi mới phương thức tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp kế toán và kiểm toán ở Việt Nam
- Các lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại các doanh nghiệp Việt Nam: Khuôn mẫu đề xuất
Nguyên tắc thận trọng trong kế toán từ các góc nhìn
|
Nguyên tắc thận trọng là một trong những nguyên tắc cơ bản và lâu đời nhất trong hoạt động kế toán tài chính. Tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc) thận trọng trong kế toán một lần nữa được khẳng định thông qua việc Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB) đã yêu cầu đưa lại khái niệm thận trọng vào khuôn mẫu khái niệm (Conceptual Framework) vừa được ban hành vào tháng 3/2018 sau một thời gian loại bỏ khỏi khuôn mẫu khái niệm từ năm 2010. Bài viết này trình bày NTTT trong kế toán, từ góc nhìn bảng cân đối kế toán và báo cáo thu nhập (báo cáo kết quả kinh doanh).
Nguyên tắc thận trọng trong kế toán
Thận trọng (conservatism) là một nguyên tắc (quy ước) phổ biến và xuất hiện từ khá lâu trong kế toán, ảnh hưởng đến cả lý thuyết và thực hành kế toán. Sterling (1967, trang 110) mô tả thận trọng là "nguyên tắc cổ xưa nhất và có lẽ là phổ biến nhất trong định giá kế toán". Mueller (1964, trang 149) nhận xét rằng "Chi phí hoặc quy tắc thị trường để định giá hàng tồn kho (HTK) có lẽ là thông lệ kế toán được sử dụng phổ biến nhất. Hầu như các quốc gia được biết đến đều áp dụng nguyên tắc này".
Đầu tiên vào thế kỷ XIV, trong cuốn sách của Walter of Henley viết về vấn đề quản lý bất động sản có tựa đề Husbandry đã đưa ra lời khuyên cho kiểm toán viên các tài khoản của lãnh chúa phải “trung thành và thận trọng”. Các tài liệu khác nói về thận trọng trong kế toán bắt đầu có từ những năm đầu thế kỷ XV. Penndorf (1933) kiểm tra hồ sơ của một doanh nhân Tuscan là Francesco di Marco of Prato (1358-1412) và đã chứng minh rằng, ông ấy đã đánh giá giá trị HTK của mình thấp hơn so với giá phí hoặc thấp hơn giá trị thị trường của nó. Ông đưa ra dẫn chứng một khoản tổn thất vào năm 1406 như sau: “bởi vì chúng tôi không còn coi trọng chúng như ban đầu từ khi giá của chúng giảm xuống”, những khoản tổn thất vào năm 1406 và 1408 đều do những nông cụ (công cụ) bị giảm giá trị trong năm.
Savary (1675) là người đầu tiên đề xuất nguyên tắc giá trị thấp hơn giá gốc hoặc giá trị thị trường trong bài viết đầu tiên về kế toán. Ông đã phát biểu rằng nếu một hàng hóa bắt đầu trở nên xấu đi, hoặc lạc hậu so với thời đại thì ông ấy cần tìm một nhà máy hoặc người bán buôn có giá thấp hơn 5% so với giá trị trước đó vì giá của nó phải giảm xuống mức giá này. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Vance (1943) tìm thấy một số tài liệu kế toán trước đó đã đề xuất ghi nhận giá trị HTK theo hiện tại hơn là ghi nhận theo giá phí lịch sử trong một số trường hợp cụ thể khi mà giá trị thị trường của nó bị giảm xuống. Việc định giá HTK ở mức thấp hơn giá phí hoặc giá trị thị trường đã được đưa vào Bộ Luật Thương mại của Pháp năm 1673, đưa vào Bộ Luật Thương mại của Đức năm 1884 (Schmalenbach, 1959). Vấn đề này thậm chí đã được mô phỏng sớm hơn ở Đức trong một dự thảo của Bộ Luật Thương mại Đức năm 1857 (Littleton, 1941). Theo Brief (1975), trong cuốn sách viết về kế toán có tựa đề “The Accountant” được xuất bản vào tháng 6/1881 đã đưa ra ý kiến bàn luận về Nguyên tắc thận trọng trong kế toán và trách nhiệm của các kiểm toán viên về các ước tính kế toán như sau: “Các ước tính trong kế toán thường là những điều thích hợp để sử dụng, khi mà chúng có liên quan tới các vấn đề chi tiết và giúp cho việc lập bảng cân đối kế toán (BCĐKT) được thực hiện nhanh hơn, tuy nhiên tất cả các ước tính sẽ tạo ra một ít bất lợi cho công ty hơn là có xu hướng khác” (Brief, 1975, trang 292).
Các bằng chứng lịch sử trên phù hợp với quan điểm của SFAC 2 (FASB, 1980) về sự phát triển của thận trọng kế toán. ủy ban này nêu rõ:
“Quy ước của thận trọng kế toán được phát triển trong suốt khoảng thời gian mà BCĐKT được xem là báo cáo tài chính (BCTC) chính (báo cáo duy nhất được công bố thường xuyên), các khoản lợi nhuận chi tiết hoặc kết quả hoạt động khác hiếm khi được cung cấp ra bên ngoài doanh nghiệp (DN). Đối với chủ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác – những đối tượng chính sử dụng BCTC nằm bên ngoài DN – việc báo cáo giảm lợi ích của thận trọng kế toán đã trở thành một cân nhắc phổ biến đáng mong muốn, vì càng báo cáo giá trị tài sản giảm xuống thì mức độ an toàn của tài sản đảm bảo cho các khoản vay hoặc các khoản nợ khác càng cao”.
Khái niệm về thận trọng kế toán đầu tiên thể hiện qua lời cảnh báo được đưa ra trong nghiên cứu của Bliss (1924) là: không dự báo lợi ích (lợi nhuận) nhưng dự đoán tất cả các tổn thất có thể có. Điều này ngụ ý rằng tổn thất sẽ được xác định sớm hơn nhiều, trong khi việc ghi nhận lợi nhuận được hoãn lại cho đến khi đạt được lợi nhuận thực sự. Một ví dụ thường được trích dẫn của thận trọng kế toán, là việc định giá thấp hơn so với giá trị thị trường của HTK và chứng khoán kinh doanh. Đây chính là một trong những nội dung cụ thể trong thực hành kế toán của thận trọng kế toán, bởi vì tổn thất từ việc giảm giá trị thị trường (tổn thất) được ghi nhận trước khi hàng được bán, những lợi ích có được từ việc giá thị trường gia tăng thì không bao giờ được công nhận trước khi việc bán hàng được diễn ra. Ví dụ trên cũng thể hiện sự bất cân xứng trong việc ghi nhận thông tin xấu và thông tin tốt vào BCTC.
Thận trọng kế toán từ góc nhìn BCĐKT
Vào trước những năm 1900, thận trọng trong kế toán chủ yếu tập trung vào BCĐKT. Vào thời điểm mà BCĐKT được coi là báo cáo chính và là BCTC duy nhất được các công ty công bố thường xuyên thì thận trọng đã được đề cập trong các quy định của kế toán. ủy ban Nguyên tắc Kế toán (APB) trong tuyên bố số 4 (APB, 1970a) đã công nhận thực tế rằng: “… Tài sản và nợ phải trả trong DN thường xuyên được đo lường trong tình huống không thực sự chắc chắn. Về mặt lịch sử, các nhà quản lý, nhà đầu tư và kế toán thường mong muốn rằng các lỗi có thể mắc phải trong việc đo lường giá trị thu nhập ròng và tài sản ròng có xu hướng báo cáo giảm xuống hơn là báo cáo tăng thêm. Điều này dẫn đến các quy ước của thận trọng trong kế toán,…”(APB, 1970a, pp.171).
SFAC 2 (FASB, 1980) dường như chấp nhận Nguyên tắc thận trọng trong kế toán nên đã viết trong lời mở đầu rằng tài sản và nợ phải trả trên bảng CĐKT phải được đánh giá, lựa chọn với cơ hội ngang nhau, nhưng phủ nhận rằng giá trị đó được thực hiện bằng cách nhận biết tất cả các tổn thất và không nhận biết các lợi ích. FASB (1980) đã mô tả thận trọng kế toán như sau:
“Nguyên tắc thận trọng trong kế toán là một phản ứng cẩn thận (thận trọng) đối với những điều không chắc chắn để cố gắng đảm bảo rằng những bất ổn và những rủi ro tiềm tàng trong các tình huống kinh doanh được xem xét một cách đầy đủ. Vì vậy, nếu có hai ước tính về số tiền được nhận hoặc phải trả trong tương lai có giá trị tương đương nhau thì thận trọng kế toán đề xuất sử dụng ước tính ít khả quan hơn. Tuy nhiên, nếu hai giá trị này không ngang bằng nhau, thận trọng kế toán không bắt buộc nhất thiết phải sử dụng giá trị ít khả quan hơn. Thận trọng kế toán cũng không yêu cầu trì hoãn ghi nhận thu nhập khi đã có bằng chứng đầy đủ về sự tồn tại của nó hoặc ghi nhận tổn thất trước khi có bằng chứng đầy đủ cho thấy chúng đã thực sự phát sinh” (SFAC 2, 1980, pp.95).
SFAC 2 (FASB, 1980) cũng cho rằng, Nguyên tắc thận trọng trong kế toán được phát triển trong suốt khoảng thời gian mà BCĐKT được xem là BCTC chính, các khoản lợi nhuận chi tiết hoặc kết quả hoạt động khác hiếm khi được cung cấp ra bên ngoài DN. “Đối với chủ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác – những đối tượng chính sử dụng BCTC nằm bên ngoài DN – việc báo cáo giảm lợi ích của Nguyên tắc thận trọng trong kế toán đã trở thành một cân nhắc phổ biến đáng mong muốn, vì càng báo cáo giá trị tài sản giảm xuống thì mức độ an toàn của tài sản đảm bảo cho các khoản vay hoặc các khoản nợ khác càng cao,…” (SFAC, 1980, pp.23).
Ở góc nhìn từ BCĐKT, Watts và Zimmerman (1986) cho rằng Nguyên tắc thận trọng trong kế toán là chỉ dẫn cho kế toán “báo cáo giá trị thấp nhất trong số các giá trị có thể có của tài sản và giá trị cao nhất đối với các khoản nợ”.
Thận trọng kế toán từ góc nhìn Báo cáo kết quả kinh doanh
Bản tin nghiên cứu kế toán (ARB) 1 & 2 (CAP, 1939) cho rằng kể từ năm 1900, sự công nhận về Nguyên tắc thận trọng trong kế toán tăng lên vì tầm quan trọng của báo cáo thu nhập, với sự gia tăng tầm quan trọng gắn liền với thận trọng trong báo cáo thu nhập. ARB2 nói rõ rằng "thận trọng trong BCĐKT có giá trị đáng ngờ nếu đạt được bằng chi phí thận trọng trong tài khoản thu nhập, điều này có ý nghĩa hơn nhiều".
Việc đăng ký bắt buộc của tất cả các công ty muốn duy trì niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán với SEC vào năm 1935 dẫn đến việc tiết lộ thông tin tài chính lớn hơn nhiều so với trước đây, bao gồm báo cáo thu nhập trong ít nhất ba năm và một hoặc nhiều BCĐKT (Blough, 1967).
ở góc nhìn từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Givoly và Hyan (2000) định nghĩa ACC là sự lựa chọn một trong các nguyên tắc kế toán dẫn đến việc tối thiểu hóa của thu nhập gián tiếp tích lũy (dồn tích). Họ sử dụng sự cộng dồn của những dồn tích chênh lệch giữa kế toán theo cơ sở tiền và kế toán theo cơ sở dồn tích như là một phương pháp đo lường việc thực hiện ACC. Nghiên cứu cho rằng, sự chênh lệch giữa kế toán theo cơ sở tiền và kế toán theo cơ sở dồn tích đã được lũy kế một khoản lỗ lớn từ giai đoạn 1965 – 1968 và sự cộng dồn lũy kế các khoản lỗ này không thể được giải thích bằng những thay đổi về điều kiện nền kinh tế như là sát nhập, hợp nhất, hoạt động thâu tóm, tăng chi phí và trợ cấp hưu trí, tăng trưởng và lạm phát. Ryan (2006) cho rằng, ACC liên quan đến việc các công ty ghi nhận vào thông tin BCTC một cách kịp thời khi nhận được thông tin xấu (ví dụ tăng chi phí, giảm giá trị tài sản, tăng nợ phải trả,…) nhưng không ghi nhận nhanh chóng khi nhận được tin tốt tương ứng (ví dụ giảm chi phí, tăng giá trị tài sản, tăng doanh thu hoặc thu nhập,…). Kế toán thực hiện như vậy một thời gian sẽ dẫn đến việc ghi nhận không kịp thời tương xứng trong ghi nhận thông tin tốt và thông tin xấu. Tính kịp thời không tương xứng này được gọi là thận trọng có điều kiện trong kế toán, hay còn gọi là ACC phụ thuộc vào tin tức (Beaver và Ryan, 2005; Ball and Shivakumar, 2005).
Các cuộc tranh luận quy phạm về thận trọng trong kế toán
Các cuộc tranh luận quy phạm ban đầu về thận trọng trong kế toán tập trung xung quanh quy tắc thấp hơn giá phí hoặc giá trị thị trường, nhưng sớm mở rộng sang Nguyên tắc thận trọng tổng quát hơn. Những cuộc tranh luận quy phạm này đã định hình sự phát triển tiếp theo của lý thuyết kế toán và quan điểm của kế toán viên về vai trò của Nguyên tắc thận trọng trong kế toán.
Montgomery (1919, trang 4) nói: "Khi quyết định liệu một khoản chi tiêu nên được vốn hóa hay tính phí như một khoản chi phí thì nên thận trọng hơn là chính xác". Gower (1920, trang 173) chỉ trích LOCM với lý do không nhất quán trong việc ghi nhận các khoản lỗ và lợi nhuận, mặc dù Finney (1923) cảm thấy rằng sự chỉ trích này là không có cơ sở. Esquerre (1927, trang 258) đã nhận thấy được ảnh hưởng của LOCM với cảnh báo "lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thực sự trong giai đoạn này đã bị bóp méo rất nhiều và do đó hiệu quả của hoạt động thực sự đã bị thay đổi." Paton (1932, trang 421-22) liệt kê bốn "Sự phản đối Quy tắc thận trọng", bao gồm sự không nhất quán trong việc áp dụng các quy định tính giá HTK và mất quá nhiều thời gian.
Cuối những năm 1930 và 1940 bị ảnh hưởng bởi việc thành lập SEC như một cơ quan quản lý về kế toán và xây dựng các nguyên tắc kế toán. AAA (1936) nhấn mạnh tính nhất quán trong ứng dụng nguyên tắc kế toán. Tiếp tục xu hướng từ những năm 1930, các tác giả như Paton (1948) cho rằng, thận trọng kế toán không tương thích với tính nhất quán trong việc áp dụng các nguyên tắc kế toán. Finney (1946), Blough (1953) và Grady (ARS 7, 1965) liệt kê thận trọng là nguyên tắc kế toán cơ bản, mặc dù Paton & Littleton (1940) và Moonitz & Sprouse (ARS 3, 1962) thì không. Gilman (1939) bình luận phê bình, thận trọng có xu hướng ngược lại với nguyên tắc phù hợp (ghi nhận chi phí phù hợp với thu nhập). Khi đó, nếu thực hiện Nguyên tắc thận trọng thì kế toán từ chối công nhận thu nhập cho đến khi thu nhập đó được bảo đảm rõ ràng, nhưng mặt khác, lại nhanh chóng trong việc ghi nhận chi phí, vì chi phí và các khoản lỗ sẽ được ghi nhận ngay khi có nghi ngờ về khả năng xảy ra.
Lý do phê bình Nguyên tắc thận trọng kế toán thứ hai chính là việc thận trọng kế toán làm cho ghi nhận chi phí quá mức ở thời điểm hiện tại, dẫn đến tình trạng thu nhập sẽ được báo cáo quá mức trong tương lai (ARB3, CAP, 1939c; Paton & Paton, 1952, trang 84). Ví dụ, khi DN áp dụng phương pháp khấu hao nhanh sẽ làm cho chi phí khấu hao hàng tháng (hoặc năm) cao hơn, thu nhập ròng của thời kỳ đầu có thể thấp hơn so với khi DN áp dụng khấu hao theo phương pháp đường thằng. Tuy nhiên, thu nhập ròng của giai đoạn sau sẽ cao hơn rất nhiều. Nói cách khác, sự thiên vị trong việc ước tính các thành phần của thu nhập hoặc giá trị tài sản, ảnh hưởng đến thời điểm ghi nhận thu nhập hoặc thua lỗ, thay vì ghi nhận tổng số tiền của chúng. Lập luận này được khẳng định, khi công ty ở trạng thái ổn định và khuyến cáo rằng có thể không cần áp dụng Nguyên tắc thận trọng kế toán nếu công ty liên tục tăng trưởng. SFAC 2 (FASB, 1980a) lặp lại những lập luận này: "Thận trọng kế toán có xu hướng xung đột với các đặc tính định tính quan trọng như tính trung thực, đại diện, tính trung lập và tính so sánh (bao gồm cả tính nhất quán) ". Quan điểm này về ACC đã dẫn đến thường xuyên có những phê bình về thận trọng kế toán rằng, nó gây ra những sai lệch hoặc làm nhiễu loạn giá trị kế toán được báo cáo trong trường hợp kế toán áp dụng quá mức nguyên tắc này hoặc người sử dụng BCTC không có nhu cầu về nó. Tuy nhiên, những lời phê bình này không giải thích được vì sao Nguyên tắc thận trọng không bị loại bỏ khỏi thực hành kế toán qua nhiều thế kỷ nếu nó thực sự làm giảm tính hữu ích của các con số kế toán.
Ngược lại với các lập luận trên, Wilcox & Hassler (1941) cảm thấy rằng, không có xung đột giữa việc áp dụng Nguyên tắc thận trọng và tính nhất quán. Họ lập luận rằng, tính nhất quán đôi khi được cho là mâu thuẫn với điểm chung vì khi áp dụng thận trọng kế toán đòi hỏi đưa vào một tuyên bố về trách nhiệm pháp lý nhưng loại trừ các tài sản nghi ngờ. Xung đột rõ ràng này biến mất khi nghiên cứu lĩnh vực kinh doanh, trong đó tài sản có xu hướng thất thoát và các khoản nợ có xu hướng phải được đảm bảo. Công việc phải được thực hiện đối với lĩnh vực này để giữ lại tài sản và nhận ra lợi nhuận, để tránh các khoản nợ và thua lỗ. Ghi nhận những vấn đề này một cách nhất quán trong BCTC sẽ bao gồm cả tài sản và nợ phải trả có mức độ xác suất tương đương. Hiểu về tính nhất quán cơ bản trong việc áp dụng thận trọng kế toán này sẽ hỗ trợ phán đoán trong các trường hợp cụ thể".
Basu (1997) lập luận rằng, thận trọng kế toán phát sinh từ nhu cầu ký kết hợp đồng (giao dịch) của người sử dụng BCTC bên ngoài DN và vai trò của thận trọng kế toán là làm tăng tính kịp thời của các con số kế toán đối với các thông tin. Đứng ở góc độ chi phí để ký kết hợp đồng giữa các bên trong DN đã giải thích lập luận này như sau: Trong trường hợp không chắc chắn về giá trị lợi nhuận trong tương lai, nhà quản lý thường có được những hiểu biết tường tận và đầy đủ về các hoạt động của DN cũng như giá trị của tài sản, trong khi đó những người bên ngoài DN như nhà đầu tư, cổ đông thiểu số, tổ chức tín dụng, … thì phải mất thời gian cũng như chi phí để xác định được những thông tin này. Nếu thù lao trả cho nhà quản lý được liên kết với giá trị lợi nhuận báo cáo thì nhà quản lý sẽ ưu tiên không cung cấp những thông tin bất lợi có ảnh hưởng đến lợi nhuận được báo cáo vì sẽ ảnh hưởng đến thù lao mà họ được nhận. Sự xuất hiện của thận trọng kế toán có thể được gắn cùng với nỗ lực quản lý, nhằm kết hợp để chống lại sự lợi dụng sự bất cân xứng thông tin được cung cấp của họ so với chủ sở hữu, thận trọng kế toán được lý thuyết hóa để đóng vai trò hiệu quả trong thỏa thuận giữa các bên trong DN. Ngoài ra, nếu kế toán không ban hành các quy tắc, các bên liên quan khác nhau sẽ tự nguyện đồng ý rằng các con số kế toán được sử dụng trong việc phân chia các dòng tiền giữa họ phải được xác định một cách thận trọng (Jensen & Meckling, 1976; Watts, 1977; Watts & Zimmerman, 1986; Ball, 1989). Đây cũng là những chỉ dẫn để đặt trả lời cho câu hỏi tại sao thận trọng kế toán lại được ưa thích bởi nhà đầu tư, nhà quản lý và cả kế toán.
Nguyên tắc thận trọng trong kế toán hiện nay
Blough (1953, trang 13) nói rằng "Thận trọng được liệt kê như một nguyên tắc cơ bản bởi vì mọi nghi ngờ liên quan đến vấn đề kế toán đều được giải quyết theo cách được coi là thận trọng và ôn hòa nhất."
Các quy định về chuẩn mực kế toán cho rằng thận trọng trong BCTC không có nghĩa là cố ý hay luôn nhất quán ghi nhận thấp hơn giá trị tài sản hay lợi nhuận (IASC, 1975; FASB, 1980a). Tuy nhiên, thận trọng tiếp tục đóng một vai trò nổi bật trong việc thiết lập chuẩn mực kế toán ngày nay. Tầm quan trọng của nguyên tắc này một lần nữa được khẳng định thông qua việc Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB) đã yêu cầu đưa lại khái niệm thận trọng vào khuôn mẫu khái niệm (Conceptual Framework) vừa được ban hành vào tháng 3/2018, sau một thời gian loại bỏ khỏi khuôn mẫu khái niệm từ năm 2010.
Theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) 01 “Chuẩn mực chung”, thận trọng là một trong bảy nguyên tắc kế toán cơ bản, “Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn”. Khi thực hiện Nguyên tắc thận trọng thì đòi hỏi DN phải lưu ý: (a) Thực hiện trích lập các khoản dự phòng nhưng không được phép trích lập quá lớn; (b) Khi thực hiện đánh giá giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập thì không được đánh giá cao hơn giá trị thực tế; (c) Khi đánh giá giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí thì không được đánh giá thấp hơn; (d) Chỉ được phép ghi nhận doanh thu và thu nhập khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí sẽ được ghi nhận ngay khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.
Như vậy, bản chất của Nguyên tắc thận trọng là chỉ dẫn cho người làm kế toán và nhà quản lý thận trọng trong việc ghi nhận các thông tin trong những điều kiện không chắc chắn, khi đó kế toán sẽ sử dụng các ước tính kế toán một cách thận trọng và đáng tin cậy để ghi sổ kế toán./.
Tài liệu tham khảo
1 Accounting Principles Board (APB). (1970a). Accounting Principles Board Statement. No.4. Basic concepts and principles underlying statements of business enterprises. American Institute of Certified Public Accountants (AICPA). New York.
2. Accounting Principles Board (APB). (1970b). Accounting Principles Board Opinion No.17. Intangible Assets. American Institute of Certified Public Accountants (AICPA). New York. August.
3. Ball. R. and Shivakumar. L. (2005). Earnings quality in UK private firms: comparative loss recognition timeliness. Journal of Accounting and Economics. Vol.39. No.1. pp.83-128.
4. Basu. S. (1997). The conservatism principle and the asymmetric timeliness of earnings. Journal of Accounting and Economics. Vlo. 24. No.1. pp. 3-37.
5. Beaver. W.H. and Ryan. S.G.. (2000). Biases and lags in book value and their effects on the ability of the book-to-market ratio to predict book return on equity. Journal of Accounting Research. Vol.38. No.1. pp.127-148.
6. Feltham. G. and Ohlson. J.A. (1995). Valuation and clean surplus accounting for operating and financial activities. Comtemporary Accounting Research. Vol.11. No.2. pp.689-731.
7. FinancialAccountingStandards Board (FASB) (1980). Statement of Financial Accounting Concepts No. 2. Qualitative characteristics ofaccountinginformation. Norwalk. CT: FASB
8. Givoly. D. and Hayn. C. (2000). The changing time-series properties of earnings. cash flows and accruals: has financial reporting become more conservative?. Journal of Accounting and Economics.Vol.29. No.3. pp.287-320.
9. Mueller, G. G. (1964). Valuing inventories at other than historical costs — some international differences, Journal of Accounting Research 2, 148-157.
10. Sterling. R.R. (1967). Conservatism: The fundamental principle of valuation in traditional accounting. Abacus. Vol.3. No.2. pp.109-132.
11. Bộ Tài chính (2002). Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC, Chuẩn mực Kế toán số 01: Chuẩn mực chung, ban hành ngày 31/12/2002.
12. Bộ Tài chính (2005). Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC, Chuẩn mực Kế toán số 29: Thay đổi chính sách kế toán ước tính kế toán và các sai sót, ban hành ngày 15/2/2005.
13. Bộ Tài chính (2009). Thông tư 228/2009/TT-BTC, Hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá HTK, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại DN, ban hành ngày 07/12/2009.
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Ths.NCS. Nguyễn Thị Bích Thủy * Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh