- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Ảnh hưởng của quản lý hàng tồn kho đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp sản xuất niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam
- Nhân tố tác động đến sự lựa chọn chính sách kế toán - Nghiên cứu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Bình Dương
- Nghiên cứu về tổ chức kế toán quản trị trong doanh nghiệp và ý kiến đề xuất
- Lập kế hoạch kiểm toán nội bộ định hướng theo rủi ro
Nghiên cứu về kế toán quản trị chiến lược
*Th.S. Nguyễn Thị Nga
*Khoa Quản trị Ngân hàng, Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung
Tóm tắt
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ biến động lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp (DN) có quy mô vừa và nhỏ đang phải đối đầu với các vấn đề về vốn, nhân lực và việc hoạch định chiến lược kinh doanh sao cho hiệu quả. Đặc biệt, đối với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam đang gặp tình trạng kinh doanh thua lỗ, kết quả hoạt động kinh doanh giảm sút, số DN ngừng hoạt động và giải thể có xu hướng tăng lên. Nếu tình trạng kinh tế xã hội chưa cải thiện. Kế toán quản trị chiến lược (KTQTCL) đang là một công cụ hữu hiệu, để các công ty đưa ra các quyết định phù hợp nhất. Các nghiên cứu ngoài nước đã chỉ ra được những luận điểm tích cực đến kinh doanh đối với các nước trên thế giới, khi chú trọng áp dụng KTQTCL bổ sung cho kế toán truyền thống. Tại Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu lý thuyết và đề ra giải pháp, cho việc vận dụng KTQTCL tại các DN hoặc vùng lãnh thổ nhất định.
Từ khóa: KTQTCL, nghiên cứu, ngoài nước, Việt Nam.
Astract
The context of the global economy is experiencing a period of great upheaval due to the impact of the epidemic, small and medium-sized enterprises are facing capital, human resources and planning an effective business strategy. Especially, small and medium-sized enterprises in Vietnam are experiencing loss-making business and declining business results. The number of enterprises shutting down and dissolving is on the rise if the socio-economic situation has not improved. Strategic management accounting is an effective tool for companies to make the most appropriate decisions. Foreign studies have shown some positive arguments for business around the world who focus on applying strategic management accounting to complement traditional accounting. In Vietnam, there are some theoretical studies and proposing solutions for the application of strategic management accounting in enterprises or certain territories.
Keyword: strategic management accountant, research, Foreign, Vietnam.
JEL: M40, M41, M49.
1. Đặt vấn đề
KTQTCL được coi là sự kết hợp giữa kế toán, quản lý và chiến lược kinh doanh. Thuật ngữ được công bố lần đầu tiên bởi Simmonds, (1981) và sau 34 năm, với các công trình nghiên cứu nhằm hoàn thiện lý thuyết, công cụ cũng như kỹ thuật sử dụng hiệu quả kế toán KTQTCL. Điều này đã chứng minh được vai trò và lợi ích khi áp dụng, đối với các công ty lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang trải qua thời kỳ biến động lớn do những xáo trộn trong hệ thống tài chính năm 2018, đồng thời bị nhấn chìm trong Đại dịch Covid-19, từ cuối năm 2019. Tình hình trở lên khó khăn hơn năm 2020 và 2021, khi dịch bệnh bùng phát tại hầu hết các quốc gia. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 3,5% (01/2021- theo Báo cáo của IMF). Đây được coi là tình trạng suy thoái kinh tế lớn nhất, kể từ sau năm 1933. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra thách thức lớn đối với các DN hiện nay, khi mà các quốc gia vừa qua đã phải thực hiện các lệnh phong tỏa, giãn cách để đảm bảo không lây lan dịch bệnh. Tình hình đã có khởi sắc, vào cuối những tháng cuối năm 2021. Đối với Việt Nam, sau khi kết thúc, “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020” đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo được niềm tin của DN và xã hội trong đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Nhằm nối tiếp cho chặng đường phát triển tiếp theo của Nghị quyết số 16/2021/QH15 về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025” với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% đến 7%. Sự tác động của dịch bệnh và sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế mở, ảnh hưởng rất lớn đối với các DN trong nước, đặc biệt là các DNVVN tại Việt Nam. Theo thống kê năm 2019, về lợi nhuận DN trước thuế: trong đó loại hình DN có quy mô vừa tạo ra 27,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2018; loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ năm 2019 kinh doanh thua lỗ (3,4 nghìn tỷ đồng là thuộc DN nhỏ; 71,3 nghìn tỷ đồng là thuộc DN siêu nhỏ), theo “Sách trắng Việt Nam”, (2021), Tổng cục Thống kê.
Khoảng trên 668.000 DN trong cả nước (2019) đang hoạt động có kết quả thì hơn 650.000 DN ở mức quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Những DN này tạo ra số lượng việc làm cho hơn 5,6 triệu người. DNVVN đóng góp đến 45% GDP cả nước và chiếm khoảng 31% tổng thu ngân sách, theo Tổng cục Thống kê, (2020).
Đối với DNVVN hiện nay, đó là cơ cấu tổ chức quản lý DN khá đơn giản, trình độ về kế toán của đội ngũ lãnh đạo cấp cao chưa thực sự chú trọng điều này cũng dẫn đến những bất lợi về kiểm soát chi phí, chưa chú trọng triển khai bài bản việc nghiên cứu các thế mạnh – điểm yếu của đối thủ cạnh tranh về sản phẩm, phương thức bán hàng, sản xuất,… nên việc định hướng đưa ra quyết định tức thời và hiệu quả. Bằng chứng cho thấy, theo thống kê tại Việt Nam, năm 2020 có đến hơn khoảng 50% số DN nhỏ và hơn 40% DN vừa phải đóng cửa (Báo cáo Ngân hàng thế giới). Công cụ KTQTCL các chiến lược đối với nhiều DN nhỏ, vừa còn khá mới thậm trí họ còn chưa biết hiệu quả của công cụ kế toán này cho hoạt động chiến lược tại công ty của mình. Đối với các DN lớn, việc áp dụng tốt các phân tích trong KTQTCL đang được coi là lợi thế cạnh tranh, trong việc ra quyết định nhanh nhạy trong quá trình sản xuất kinh doanh chiếm lĩnh thị trường.
2. Các nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước về KTQTCL
Nghiên cứu ở nước ngoài
Nói về KTQTCL hiện nay, vẫn chưa có những định nghĩa thống nhất về khái niệm chính thống nào được công nhận hoàn toàn. Các nghiên cứu thế giới như của Bromwich, (1990) hay Kim Langfield-Smith, (2008) khi nghiên cứu về cơ sở lý thuyết học đều có quan điểm chung đó và việc sử dụng các thông tin điều tra khách hàng, đối thủ cạnh tranh cùng với các thông tin kế toán như chi phí sản xuất kinh doanh, hệ số sinh lời, hệ số quay vòng vốn,… Kết hợp với các thông tin quản trị chiến lược thu thập được như: thông tin về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, mức độ hài lòng của khách hàng, môi trường kinh doanh, pháp luật và tài nguyên thiên nhiên,… Các thông tin này sẽ thông qua các công cụ phân tích cụ thể để đo lường được mức độ lợi nhuận đạt được, khi sử dụng hữu ích các thông tin này có kết quả kiểm chứng kèm theo, từ đó tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Mục đích là tạo ra giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh trong các đối thủ của mình. Nghiên cứu cũng cho thấy một tiến bộ thú vị, về mức độ sử dụng thông tin KTQTCL giữa các tổ chức. Kết quả chủ yếu của đề tài trên cho thấy, các nghiên cứu trước đó đều tập trung vào hoàn thiện hệ thống lý thuyết, các kỹ thuật để cải tiến quy trình và phương pháp thực hành KTQTCL, trong đó ưu tiên đề xuất chiến lược cụ thể.
Nghiên cứu khác do Oboh and Ajibolade, (2017), tại 20 ngân hàng hoạt động tại Nigeria. Nhóm tác giả đã dựa trên dữ liệu khảo sát đã thu thập được sử dụng kỹ thuật ước lượng hồi quy đơn giản và sử dụng kỹ thuật Chi-square trong SPSS. Qua đó, chứng minh được các ngân hàng nước này đã vận dụng khá nhiều công cụ của KTQTCL và nó còn được sử dụng như một nguyên tắc hoạt động của DN. Ngân hàng đã sử dụng công cụ kế toán này, để tạo ra lợi thế cạnh tranh và thu được lợi nhuận như kỳ vọng. Nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở quy mô mẫu nghiên cứu nhỏ với 71 lãnh đạo ngân hàng được khảo sát, điều này cũng chưa làm rõ được hiệu quả tại các lĩnh vực ngành nghề và chưa khẳng định được mức độ ứng dụng trong hầu hết các DN ở các lĩnh vực khác. Sau nghiên cứu Oboh and Ajibolade cho rằng, công cụ này là để hỗ trợ bổ sung phương pháp kế toán chứ không thay thế phương pháp kế toán truyền thống.
Các nghiên cứu của Luca Grassetti và cộng sự, (2019) đi theo hướng điều tra khảo sát ở 07 công ty lớn ở châu Âu, sau đó sử dụng kỹ thuật nghiên cứu định tính xem xét việc lựa chọn chiến lược và việc sử dụng kỹ thuật KTQTCL để chứng minh rằng, KTQTCL cung cấp các thông tin nội bộ quan trọng đến chiến lược cho nhà quản lý, đồng thời còn phân tích được nhanh chóng các thông tin liên quan đến khách hàng, đối thủ cạnh tranh. Chỉ ra đây là công cụ kế toán khác với kế toán quản trị truyền thống đang được sử dụng đồng thời nghiên cứu cũng đóng góp thêm nội dung và phương pháp trong cơ sở KTQTCL sau này.
Nghiên cứu KTQTCL và hiệu quả hoạt động của DN tại Thái Lan của Kornchai Ph.chakorn Khajit na – kalasindhu, (2020), mục đích nghiên cứu các ảnh hưởng của KTQTCL đối với hoạt động ở DN tài chính. Mẫu nghiên cứu thu thập ở 245 DN ở các ngành nghề như ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng và loại hình khác có liên quan. Bài nghiên cứu đưa ra được mô hình khái niệm và các thang đo KTQTCL tại các công ty này. Dựa trên đo lường chỉ số các biến như định hướng đối thủ cạnh tranh (Competitor Orientation) để so sánh với hiệu quả công tác quản lý tại DN, các thông tin trong tương lai (Forward-Looking Information)… để đánh giá lợi ích cũng như sự liên quan về các biến trong nghiên cứu ảnh hưởng đến hiệu quả các chỉ số kinh tế cụ thể tại DN. Nghiên cứu này đã chỉ ra được KTQTCL chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, khía cạnh tiếp cận của đề tài theo hướng marketing mà chưa theo hướng kế toán quản trị và quy mô của các biến chưa mở rộng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.
Một nghiên cứu của về KTQTCL tại các công ty vừa và nhỏ ở các quốc gia và thị trường mới nổi năm 2022, của nhóm tác giả Lidong và các công sự, (Trung Quốc). Đề tài nêu được sơ bộ tổng quan về KTQTCL, tầm quan trọng và ảnh hưởng của phương pháp kế toán này nói chung. Mô tả việc áp dụng KTQTCL tại các quốc gia đang phát triển và tại Trung Quốc. Nghiên cứu chỉ ra được triển vọng phát triển DN, do việc được cung cấp các thông tin tốt hơn về mối quan hệ giữa chiến lược kinh doanh, kế toán và đời sống xã hội, cho ra được các chỉ số về lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh khi áp dụng công cụ này, nghiên cứu cũng chỉ ra được những ưu điểm mà KTQTCL mang lại cho DNVVN tại Trung Quốc. Đồng thời đề tài cũng chỉ ra những tồn tại trong việc vận dụng KTQTCL tại các DN, trong phạm vi quy mô nghiên cứu như: nhận thức của nhà quản lý, vai trò chức năng của lãnh đạo các bộ phận với việc vận dụng kỹ thuật của nó trong việc ra quyết định,… Bài nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất như thay đổi nhận thức, cách hiểu về KTQTCL trong hoạt động kinh doanh vừa và nhỏ ở Trung Quốc và các nước đang phát triển. Bài viết với quy mô mẫu hạn chế chủ yếu là DN thương mại điện tử tại Trung Quốc nên chưa phản ánh và đại diện hết được vấn đề nghiên cứu.
Các đề tài nước ngoài từ trước tới nay đã đạt được các thành tựu về hoàn thiện mặt lý thuyết, định hướng đúng các kỹ thuật áp dụng của KTQTCL, đưa ra các yếu tố tác động như nhân tố môi trường, phân cấp quản lý, công nghệ kỹ thuật, văn hoá địa phương,… Đồng thời, một số nghiên cứu cũng đã có những kiểm chứng thực nghiệm ở các quốc gia khác nhau với lĩnh vực kinh doanh, quy mô DN khác nhau. Tuy nhiên, mới dừng ở mức quy mô mẫu nghiên cứu nhỏ, loại hình DN trong lĩnh vực cụ thể.
Các nghiên cứu trong nước
Đoàn Ngọc Quế và Trịnh Hiệp Thiện, (2014), nhóm tác giả đã đi sâu phân tích môi trường kinh doanh trong thời đại mới, với những biến động mà các DN phải đối mặt qua phân tích tác động trung gian của KTQTCL trong giai đoạn mà trí tuệ được coi là tài sản, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty hiện nay.
Nguyễn Thị Thanh Loan, (2016), với nghiên cứu các vấn đề về KTQTCL tại các DN Việt Nam. Bài viết chỉ ra yếu tố cạnh tranh càng cao thì vận dụng KTQTCL càng cần thiết, đối với các DN. Đề tài cũng đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đế vận dụng KTQTCL. Qua nghiên cứu tác giả thể hiện được rõ mục tiêu tìm ra các nhân tố, ảnh hưởng của nó đến hiệu quả sản xuất kinh doanh KTQTCL trong tổ chức quản lý của DN. Tác giả dựa trên các nghiên cứu để đánh giá thực trạng ứng dụng KTQTCL, trong các công ty tại Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị về nhận thức của kế toán và quản lý, đối với việc sử dụng công cụ kế toán này.
Lê Thị Mỹ Lương, (2020), nghiên cứu những ảnh hưởng của KTQTCL và sự tác động đến thành quả hoạt động DN tại Việt Nam. Bài nghiên cứu đã có những phương pháp để hoàn thiện thang đo của các biến ảnh hưởng đến nhân tố thực hiện KTQTCL tại các DN ở Việt Nam, đồng thời đưa ra nhận định về hiệu quả hoạt động kinh doanh tại các DN nếu áp dụng công cụ kế toán này của các công ty trong DN sản xuất. Điểm hạn chế của đề tài đó là, quy mô mẫu mặc dù khá lớn 301 DN nhưng toàn bộ là các DN tại khu vực phía Nam và quy mô ở mức lớn và vừa, đồng thời lĩnh vực nghiên cứu đối tượng là các DN sản xuất cũng chưa đại diện được cho toàn bộ các DN tại Việt Nam.
Bùi Thị Chúc Quy, (2020), với nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQTCL và sự tác động đến thành quả hoạt động tại các DN sản xuất - nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Bộ -Việt Nam, được thực hiện bới 321 mẫu có kết quả hợp lệ. Các ngành nghề được khảo sát chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chiếm 91% (Tr.102). Nghiên cứu đã khái quát hóa hệ thống nghiên cứu trên thế giới qua mặt lý thuyết về KTQTCL. Đề tài xác định, các nhân tố làm thay đổi việc áp dụng KTQTCL, đưa ra các đánh giá mức độ tác động của những yếu tố này đến việc thực hành KTQTCL đồng thời có kiểm định sự tác động đến thành quả hoạt động của đối tượng nghiên cứu. Mặc dù vậy, đề tài cũng có những hạn chế như đối tượng quy mô vùng miền chưa đầy đủ, chỉ tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Lĩnh vực nghiên cứu chưa chạm đến như thương mại, xây dựng, du lịch,… Đồng thời, chưa đánh giá theo quy mô DN nghiên cứu.
3. Kết luận
Bằng những kết quả nghiên cứu trong nước và ngoài nước, đang củng cố hệ thống cơ sở lý thuyết và các phương pháp vận dụng công cụ KTQTCL trong các DN. Đồng thời, các nghiên cứu đã phần nào đi sâu nghiên cứu thực nghiệp tại một số DN lớn và ở một vài ngành nghề tiêu biểu. Kế thừa những kết quả đó, tác giả có thể nghiên cứu đánh giá và kiểm định thực nghiệp ảnh hưởng của KTQTCL đối với từng quy mô DN, đặc biệt là các DNVVN tại Việt Nam, nhằm nâng cao được hiệu quả hoạt động kinh doanh, tạo vị thế cạnh tranh và phát triển trên thị trường trong tương lai gần. Bài viết chỉ dừng lại ở việc, đưa ra tóm tắt một vài nghiên cứu tổng quan về KTQTCL ở trong nước và ngoài nước. Tác giả cũng nhận ra rằng, các nghiên cứu về KTQTCL đang còn khá mới đối với lãnh đạo, kế toán các DNVVN hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Thị Chúc Quy, (2020), Luận án Tiến sỹ Kinh tế,“Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQTCL và sự tác động đến thành quả hoạt động tại các DN sản xuất - Nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Bộ, Việt Nam, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
2. Collins Oboh and Solabomi Ajibolade, Strategic management accounting and decision making, Future Business Journal, December 2017.
3. Kim Langfield-Smith, Strategic Management Accounting: How far Have We Come in 25 Years? Accounting Auditing & Accountability Journal, February 2008.
4. Kornchai Phonrnlaphatrakorn ang Kạit Na- kalasidhu, Strategic Management Accounting and Firm Performance:Evidence from Finance Businesses in Thailand, Journal of Asian Finance, Economics and Business Vol 7 No
8 (2020).
5. Luca Grassetti ,Franco Cescon and Antonio Costantini, Strategic choices and strategic management accounting in large manufacturing firms, September 2019 Journal of Management and Governance 23.
6. Lindong Ma & associates, Strategic Management Accounting in Small and Medium-Sized Enterprises in Emerging Countries and Markets , Economies 2022.
7. Lê Thị Mỹ Lương, (2020) Luận án Tiến sỹ “Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQTCL và sự tác động đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
8. Nghị quyết về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 Quốc hội, Số 16/2021/QH15 ban hành ngày 27/07/2021.
9. Sách trắng - The white book, “DN Việt Nam 2021”NXB - NXB Thống kê.