Nghiên cứu công bố thông tin về trách nhiệm xã hội dưới góc nhìn của các lý thuyết


Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội (CSR) và thành quả tài chính đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả, nhưng các kết quả nghiên cứu đến nay vẫn chưa nhất quán, bởi một trong những nguyên nhân chính là thiếu các lý thuyết có tính hệ thống của CSR (Ullmann, 1985). Theo Reverte, 2014; Verbeenten và cộng sự, 2016 thì lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết hợp pháp và lý thuyết đại diện là những lý thuyết được các nhà nghiên cứu CSR sử dụng nhiều nhất. Trong đó, lý thuyết hợp pháp và lý thuyết của các bên liên quan đã được áp dụng để giải thích cho động cơ CBTT về CSR của các công ty. Do vậy, nghiên cứu này, góp phần khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến CBTT về CSR từ góc nhìn của các lý thuyết trên.

Lý thuyết đại diện

Sau khi nổi lên như là một mô hình giải thích cho báo cáo tài chính doanh nghiệp, lý thuyết đại diện xem công ty như là một kết nối hợp đồng giữa bên ủy nhiệm và bên đại diện, để thay mặt họ thực hiện các công việc trên thị trường một cách hiệu quả (Jensen và Meckling, 1976). Friedman, 1970 khẳng định rằng, việc tham gia vào CSR là biểu hiện của vấn đề đại diện hoặc sự xung đột lợi ích giữa người quản lý và cổ đông (McWilliams và cộng sự, 2006). Ông lập luận rằng, các nhà quản lý sử dụng CSR như một phương tiện để tiếp tục các chương trình nghị sự xã hội, chính trị hoặc nghề nghiệp của chính họ, với chi phí của các cổ đông. Theo quan điểm này, các nguồn lực dành cho CSR sẽ được chi tiêu một cách khôn ngoan hơn, từ góc độ xã hội, tăng hiệu quả và giá trị công ty. Trong bối cảnh này, CBTT về xã hội và môi trường có thể hữu ích trong việc xác định nghĩa vụ nợ theo hợp đồng, hợp đồng bồi thường quản lý, hoặc các chi phí chính trị ngầm (Reverte, 2014). Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự xung đột về lợi ích giữa một bên có nhiều thông tin (bên đại diện hay nhà quản trị) và bên có ít thông tin (bên ủy nhiệm hay cổ đông / nhà đầu tư).

Theo khuôn khổ lý thuyết đại diện, việc đầu tư vào các hoạt động CSR có thể dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp và sự giàu có của các cổ đông. Do vậy, công ty cần cân nhắc các khoản đầu tư vào CSR để mang lại hiệu quả cho công ty và tăng sự giàu có cho các cổ đông.

Trong các nghiên cứu về CSR tại các nước đang phát triển, lý thuyết đại diện thường được nghiên cứu theo hai nội dung: Tách quyền sở hữu và quyền quản lý (vấn đề đại diện loại I) và sự xung đột giữa cổ đông kiểm soát và cổ đông không kiểm soát (vấn đề đại diện loại II) (Ali và cộng sự, 2007). Chẳng hạn ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, … các công ty thường là các công ty gia đình nên có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý. Do vậy, các chủ sở hữu (nhóm các cổ đông quyền lực) gây áp lực lên các nhà quản lý để đưa ra các quyết định kinh doanh vì lợi ích của bản thân họ, có thể dẫn đến các nhà quản lý không hành động vì lợi ích tốt nhất của các cổ đông (Chang và cộng sự, 2015). Trong các công ty gia đình, cổ đông sáng lập có thể có quyền kiểm soát đáng kể do nắm giữ cổ phần tập trung, quyền biểu quyết. Sự kiểm soát này cho phép gia đình tìm kiếm quyền lợi tư nhân bằng chi phí của các cổ đông khác hoặc bằng cách đóng băng cổ đông thiểu số (Gilson và Gordon, 2003). Ngoài ra, trong các công ty nhà nước, nhà quản lý có thể dùng quyền quản lý của mình để thực hiện các quyết định kinh doanh ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông khác. Tuy nhiên, một số yếu tố như yếu tố pháp lý, sự minh bạch thông tin, toàn cầu hóa,… có thể góp phần giảm nhẹ sự xung đột này.

Lý thuyết này đã được sử dụng trong các nghiên cứu về CSR bỡi các tác giả như Jensen và Murphy, 1990; Wright và Ferris, 1997; Dhaliwal và cộng sự, 2011; Oh và cộng sự, 2011; Reverte, 2014; Chang và cộng sự, 2015,…

Một là, Lý thuyết các bên liên quan

Lý thuyết các bên liên quan được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về CSR và được xem như là lý thuyết chi phối trong các nghiên cứu về CSR (Mitchell và cộng sự, 1997). Khái niệm về các bên liên quan xuất hiện đầu tiên trong các tài liệu nghiên cứu từ những năm 1960, nhưng cách tiếp cận của các bên liên quan vẫn chủ yếu nằm rải rác và thứ yếu trong các nghiên cứu về quản trị mãi cho đến giữa những năm 80 (Lee, 2011). Ansoff, 1965 là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "Lý thuyết các bên liên quan" trong việc xác định các mục tiêu của công ty (Roberts, 1992). Mục tiêu chính của công ty là đạt được khả năng cân bằng các xung đột nhu cầu của các bên liên quan khác nhau trong công ty. Freeman đã thu thập nhiều ý tưởng chiết trung khác nhau về cách tiếp cận các bên liên quan và đề xuất một mô hình lý thuyết có hệ thống về các bên liên quan, gồm mô hình hoạch định chính sách kinh doanh của công ty và mô hình CSR về quản trị các bên liên quan. Theo Freeman, 1984, công ty có mối quan hệ với nhiều nhóm thành phần (các bên liên quan) và các bên liên quan là "bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào có thể ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi việc đạt được các mục tiêu của công ty". Các bên liên quan của công ty bao gồm các cổ đông, chủ nợ, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, các nhóm lợi ích công cộng và các cơ quan chính phủ. Do đó, ý tưởng cốt lõi của phương pháp tiếp cận các bên liên quan là cân bằng lợi ích của các bên liên quan khác nhau và quản lý các ảnh hưởng gắn kết trong mối quan hệ giữa các bên liên quan và công ty (Lee, 2011).

Ba khía cạnh của lý thuyết các bên liên quan - độ chính xác mô tả/thực nghiệm, công cụ và quy phạm - là “hỗ trợ lẫn nhau” (Donaldson và Preston, 1995). Thuyết mô tả/thực nghiệm liên quan đến cách thức các nhà quản lý đối phó thực sự với các bên liên quan (giải thích đặc điểm và hành vi của công ty, cách quản trị công ty và kết nối với các bên liên quan để đạt được mục tiêu). Thuyết công cụ thiết lập một khuôn khổ để kiểm tra các mối quan hệ, nếu có, giữa thành quả tài chính (chẳng hạn như lợi nhuận, sự ổn định và sự tăng trưởng) và việc quản lý các bên liên quan. Thuyết quy phạm liên quan đến cách các nhà quản lý nên hành xử với các bên liên quan như thế nào (được sử dụng để làm rõ những hoạt động có đạo đức, hành động quản lý, và để trả lời câu hỏi tại sao các công ty tập trung vào lợi ích của các bên liên quan chứ không phải tập trung hoàn toàn vào lợi ích của cổ đông), là nội dung quan trọng nhất đối với lý thuyết của các bên liên quan Berman và cộng sự, 1999.

Theo thời gian, lý thuyết các bên liên quan đã được phát triển theo nhiều cách khác nhau. Từ mô hình của Freeman, Ullmann, 1985 đã phát triển một mô hình khái niệm về các hoạt động CSR trong khuôn khổ các bên liên quan. Theo Mitchell và cộng sự, 1997, tầm quan trọng của từng nhóm các bên liên quan được xác định bằng quyền sở hữu hoặc phân bổ quyền sở hữu cho một, hai hoặc cả ba thuộc tính sau: (1) Quyền lực của các bên liên quan ảnh hưởng đến công ty; (2) Tính hợp pháp của mối quan hệ của các bên liên quan và công ty; và (3) Tính cấp bách của yêu cầu của các bên liên quan về công ty. Điều này giúp các nhà quản lý có cái nhìn toàn diện hơn về các bên liên quan, để đưa ra các quyết định phù hợp với mong đợi của mỗi nhóm các bên liên quan và cho phép nhà quản trị dự đoán được cách thức chuyển từ nhóm các biên liên quan này sang nhóm các bên liên quan khác. Berman và cộng sự, 1999 đã đề xuất hai mô hình quản lý các bên liên quan, cụ thể là, mô hình quản lý các bên liên quan chiến lược (dựa trên mong muốn của các bên liên quan để đưa ra các quy định có tính chiến lược cho công ty) và mô hình cam kết các bên liên quan nội tại (dựa trên các quy định, cam kết về đạo đức để đề xuất các quyết định kinh doanh). Mặc dù có nhiều cách giải thích và cách phân loại khác nhau, nhưng lý thuyết các bên liên quan vẫn nổi bật với hai nhánh là quan điểm đạo đức (đạo đức hoặc quy phạm) và quan điểm quản lý (tích cực) (Deegan, 2018). 

Thứ nhất, quan điểm đạo đức của lý thuyết các bên liên quan cho rằng không có sự phân biệt đối xử giữa các bên liên quan, tất cả các bên liên quan có quyền được đối xử công bằng bỡi tổ chức và các nhà quản lý của một tổ chức được kỳ vọng để quản lý công việc kinh doanh vì lợi ích của tất cả các bên liên quan, cho dù quản lý của các bên liên quan dẫn đến tình hình tài chính được cải thiện.

Thứ hai, quan điểm quản lý khẳng định rằng các nhà quản lý của một tổ chức cố gắng đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan quan trọng về kinh tế, chứ không phải là tất cả các bên liên quan như trong quan điểm đạo đức. Kết quả là CBTT được sử dụng như là một công cụ để quản lý nhu cầu thông tin hoặc duy trì/ vận động sự hỗ trợ của các nhóm liên quan có quyền lực khác nhau (nhân viên, cổ đông, nhà đầu tư, người tiêu dùng, các cơ quan công quyền và các tổ chức phi chính phủ,…) (Gray và cộng sự, 1995).

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm về CSR liên quan đến lý thuyết các bên liên quan đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới để giải thích cho động cơ thúc đẩy các công ty CBTT về CSR như: Roberts, 1992; Belal và Owen, 2007; Islam và Deegan, 2008; Hamid và Atan, 2011; Ruf và cộng sự, 2001;…

Hai là, Lý thuyết hợp pháp

Lý thuyết hợp pháp được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về kinh tế và xã hội, nhằm giải thích lý do tại sao các công ty phải CBTT về CSR. Tồn tại hai quan điểm về lý thuyết hợp pháp: quan điểm theo nghĩa rộng và quan điểm theo nghĩa hẹp. Quan điểm theo nghĩa rộng, thường được xác định là "vĩ mô" của lý thuyết hợp pháp hay lý thuyết về quyền hợp pháp của cơ quan, liên quan đến cơ cấu tổ chức và được nhiều người biết đến bởi tư duy Marxian. Mặt khác, quan điểm theo nghĩa hẹp hoạt động ở cấp độ tổ chức và liên quan đến tính hợp pháp của các cá nhân tổ chức (Owen và cộng sự, 2009).

Tính hợp pháp của tổ chức được xem như là một nguồn lực hoạt động tương tự như các nguồn lực khác mà một tổ chức yêu cầu để đạt được mục đích (Suchman, 1995). Ông định nghĩa tính hợp pháp như sau “Tính hợp pháp là nhận thức tổng quát hoặc giả định rằng hành động của một thực thể là mong muốn, phù hợp hoặc thích hợp trong một vài hệ thống cấu trúc xã hội của các chuẩn mực, giá trị, niềm tin và các định nghĩa”.

Lý thuyết hợp pháp dựa trên quan điểm là quyền và trách nhiệm của tổ chức phải đến từ xã hội; nghĩa là tổ chức phải hoạt động trong ranh giới của xã hội để đáp ứng các kỳ vọng của xã hội, bao gồm việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ tốt hơn cho xã hội nên các tổ chức không ngừng cố gắng để đảm bảo rằng hoạt động của họ nằm trong khuôn khổ của luật pháp cũng như các chuẩn mực đạo đức của xã hội (Deegan và Gordon, 1996; Patten, 1991). Khái niệm về một hợp đồng xã hội là trung tâm của lý thuyết hợp pháp và được sử dụng để giải thích mối quan hệ đang diễn ra giữa xã hội và tổ chức (Craig Deegan và cộng sự, 2000).

Một “hợp đồng xã hội” thể hiện những mong muốn của xã hội với tổ chức, có thể là rõ ràng hoặc ngầm định được thiết lập giữa tổ chức và xã hội. Việc tuân thủ các điều khoản của “hợp đồng xã hội”, giúp tổ chức đạt được sự hợp pháp trong hoạt động và vì thế được xã hội và cộng đồng chấp nhận, cũng như đảm bảo các điều kiện để tiếp tục hoạt động và ngược lại. Vì những mong ước của xã hội luôn thay đổi nên “hợp đồng xã hội” cũng không bất biến, và theo đó, tổ chức cũng thường xuyên phải thay đổi để đảm bảo hoạt động hợp pháp (Gary, 2002). Tính hợp pháp và sự tuân thủ hợp đồng xã hội luôn đi đôi với nhau. Để chứng minh cho sự thay đổi của mình đáp ứng nhu cầu của xã hội và để cho tổ chức đạt được mục tiêu và lợi nhuận ổn định, tổ chức thực hiện CBTT về CSR. Ba hình thức của thuyết hợp pháp là sự thực dụng / thực tế (dựa vào đối tượng tư lợi / quyền lợi bản thân), đạo đức (dựa vào tính chất quy phạm / quy chuẩn), và nhận thức (dựa trên tính toàn diện và sự trợ cấp) (Suchman, 1995).

Lindblom, 1994 và Gray và cộng sự, 1995 đã xác định bốn chiến lược mà một tổ chức tìm kiếm sự hợp pháp có thể áp dụng. Đó là giáo dục /thông báo, thay đổi nhận thức của công chúng có liên quan, thao túng nhận thức (lầm chệch hướng sự chú ý của các bên có liên quan), và thay đổi kỳ vọng của công chúng. Một hoặc tất cả các chiến lược hợp thức hóa của Lindblom, 1994 và Gray và cộng sự, 1995 có thể được sử dụng thông qua các báo cáo CSR hoặc CBTT về CSR. Ví dụ, các tổ chức thường có khuynh hướng CBTT về CSR tích cực hơn là những thông tin tiêu cực (Owen và cộng sự, 2009). Chiến lược này ngụ ý rằng thông qua việc CBTT về CSR, các tổ chức tìm cách truyền đạt các hành động hợp pháp hóa của họ (Deegan, 2002) (bảng 1).

Bảng 1: Mối quan hệ giữa chiến lược hợp pháp của Lindblom (1994) và hành động hợp pháp của Dowling and Pfeffer (1975)

Chiến l­ược

Sự thay đổi của nhận thức xã hội trong hành động của tổ chức

Làm thay đổi nhận thức của xã hội về tổ chức

Làm thay đổi kỳ vọng của xã hội về tổ chức

Chuyển sự chú ý của xã hội ra khỏi các vấn đề quan tâm

 

 

 

 

 

Hành động

Điều chỉnh kết quả, mục tiêu và ph­ơng pháp hoạt động phù hợp với các định nghĩa hiện hành về tính hợp pháp

Thông qua truyền thông, hãy làm thay đổi định nghĩa về tính hợp pháp xã hội để phù hợp với thực tiễn, kết quả và giá trị hiện tại

Thông qua truyền thông, hãy làm thay đổi định nghĩa về tính hợp pháp xã hội để phù hợp với thực tiễn, kết quả và giá trị hiện tại

Thông qua truyền thông, hãy nỗ lực đ­ợc nhận biết đến thông qua các biểu t­ợng, giá trị hoặc các tổ chức (institution) có cơ sở vững mạnh về tính hợp pháp xã hội

 

 

Như vậy, lý thuyết hợp pháp cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về CBTT về CSR vì nó thừa nhận rõ ràng rằng các công ty CBTT để xoa dịu các bên liên quan có quyền lực hoặc để tránh né các quy định pháp luật, nhằm hợp pháp hóa sự tồn tại hoặc hoạt động của công ty đối với xã hội và môi trường (Gray và cộng sự, 1995). Lý thuyết này đã được sử dụng bởi các tác giả như Patten, 1991 và 1992; Gray và cộng sự, 1995; Deegan và Rankin, 1996; Basalamah và Jermias, 2005; de Villiers và van Staden, 2006; Islam và Deegan, 2008; Archel và cộng sự, 2009; Choi và cộng sự, 2012; Khan và cộng sự, 2012,... Theo lý thuyết hợp pháp, quy mô công ty, ngành công nghiệp, giấy phép hoạt động, chính sách CBTT, sự mong đợi của cộng đồng, áp lực thông tin về môi trường, cấu trúc sở hữu, … có thể được sử dụng như là biến liên quan đến CSR. Tuy nhiên, mỗi nghiên cứu lại có khuynh hướng tập trung vào việc vận dụng lý thuyết hợp pháp để giải quyết một nội dung cụ thể của CSR.

Ba là, Lý thuyết thể chế

Lý thuyết thể chế xem xét các hình thức tổ chức và cung cấp các giải thích liên quan để giải thích các quy trình làm cho các tổ chức tương tự hơn trong cùng một “lĩnh vực tổ chức” mà không nhất thiết làm cho chúng hiệu quả hơn. DiMaggio và Powell, 1983 đã xác định một lĩnh vực tổ chức như là các tổ chức, trong trường hợp tổng quát, tạo thành khu vực được công nhận về sự tồn tại thể chế: nhà cung cấp chính, người tiêu dùng nguồn lực và sản phẩm, cơ quan quản lý và các tổ chức khác sản xuất các sản phẩm dịch vụ tương tự. Carpenter và Feroz, 2001 nhấn mạnh rằng, lý thuyết thể chế xem các tổ chức hoạt động trong khuôn khổ xã hội của các quy phạm, giá trị và các giả định được thừa nhận về những gì cấu thành hành vi kinh tế thích hợp hoặc chấp nhận được. Phù hợp với lý thuyết thể chế, các tổ chức tuân theo một lĩnh vực tổ chức, có lẽ, do áp lực thể chế cho sự thay đổi, bởi vì làm như vậy sẽ tăng tính hợp pháp, nguồn lực và khả năng sinh tồn (Scott, 1987). DiMaggio và Powell, 1983 cho rằng, khi một lĩnh vực tổ chức được cấu trúc, các lực lượng mạnh mẽ khác nhau xuất hiện trong xã hội, kết quả là các tổ chức trong lĩnh vực này trở nên tương tự nhau hơn.

Hai khía cạnh của lý thuyết thể chế là đẳng cấu và sự tách rời. DiMaggio và Powell, 1983 xem đẳng cấu là khái niệm mô tả tốt nhất quá trình đồng nhất. Các tác giả xác định, đẳng cấu là một quá trình ràng buộc một đơn vị trong một quần thể giống với các đơn vị khác phải đối mặt với cùng một tập hợp các điều kiện môi trường. Điều này có nghĩa là, đẳng cấu liên quan đến sự thích ứng của một thực hành thể chế bởi một tổ chức (Islam và Deegan, 2008). Moll và cộng sự, 2018 đã chia đẳng cấu thành hai thành phần là đẳng cấu cạnh tranh và đẳng cấu thể chế. Theo các tác giả, đẳng cấu cạnh tranh được xem là cách các lực lượng cạnh tranh thúc đẩy các tổ chức hướng tới việc áp dụng các cấu trúc và phương thức hiệu quả, chi phí thấp nhất. Đẳng cấu thể chế được cấu thành từ ba yếu tố là quy định, sự lan tỏa và quy phạm (DiMaggio và Powell, 1983).

Trước hết, quy định liên quan đến các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như ảnh hưởng của cổ đông, ảnh hưởng của nhân viên và chính sách của chính phủ.

Tiếp theo, sự lan tỏa liên quan đến việc các tổ chức cố gắng mô phỏng hoặc sao chép các thực hành của các tổ chức khác, chủ yếu để có được lợi thế cạnh tranh về tính hợp pháp. Sự không chắc chắn là một trong những lực lượng mạnh mẽ khuyến khích sự lan tỏa (DiMaggio và Powell, 1983). Báo cáo CSR sẽ là một trong những thực tiễn sáng tạo có thể giúp duy trì và nâng cao tính hợp pháp của công ty.

Cuối cùng, quy phạm liên quan đến những áp lực nổi lên từ các giá trị chung để áp dụng các thực hành thể chế cụ thể.

Ngoài đẳng cấu, tách rời là một khía cạnh khác của lý thuyết thể chế. Khía cạnh này liên quan đến sự tách biệt giữa hình ảnh bên ngoài của một tổ chức và các cấu trúc và thủ tục hiện có của nó hoặc thực tiễn. Hành động thực tiễn của một tổ chức không nhất thiết phải tuân thủ các kỳ vọng bên ngoài. Sự tách biệt này, có thể là một hành động cố ý và / hoặc không chủ ý của tổ chức, được gọi là tách rời (Moll và cộng sự, 2018). Liên quan đến tách rời trong thực hành báo cáo CSR, Deegan, 2018 nói rằng tách rời có thể được liên kết với một số hiểu biết từ lý thuyết hợp pháp, nhờ đó CBTT về môi trường và xã hội có thể được sử dụng để xây dựng một hình ảnh tổ chức có thể rất khác với thành quả môi trường và xã hội của tổ chức hiện nay. Vì vậy, hình ảnh tổ chức được xây dựng thông qua các báo cáo của công ty có thể là trách nhiệm xã hội và môi trường khi sự bắt buộc quản lý thực tế là tối đa hóa lợi nhuận hoặc giá trị cổ đông.

Theo Deegan, 2018, lý thuyết thể chế liên kết các thực tiễn tổ chức, bao gồm thực hành CSR và các thực hành kế toán khác, với các giá trị và quy tắc xã hội mà tổ chức đó hoạt động. Kết nối này cuối cùng dẫn dắt một tổ chức đến mức cần thiết để duy trì, đạt được và lấy lại tính hợp pháp của nó. Các cấu trúc và / hoặc thực hành hợp pháp truyền cho các tổ chức trong một lĩnh vực thông qua quy định, sự lan tỏa và quy phạm. Thông qua quá trình đẳng cấu này, các tổ chức áp dụng các thực hành thể chế (Dillard và cộng sự, 2004). CBTT về CSR tự nguyện và tham gia tự nguyện các hoạt động CSR của một tổ chức được xem như là một phần của thực hành thể chế (Deegan, 2018).

Như vậy, nội dung chính của lý thuyết thể chế là các tổ chức tăng cường hoặc bảo vệ tính hợp pháp của họ bằng cách tuân theo sự mong đợi của các tổ chức và các bên liên quan.

Mặc dù lý thuyết thể chế có khả năng giúp giải thích sự tuân thủ CSR của các công ty (Campbell, 2007), nhưng nó chưa được sử dụng nhiều trong tài liệu CSR (Owen và cộng sự, 2009). Một vài nghiên cứu có thể được tìm thấy khi áp dụng lý thuyết thể chế được sử dụng để giải thích việc thực hành CSR, chẳng hạn như Rahaman và cộng sự, 2004; Bansal, 2005; Campbell, 2007; Amran và Siti - Nabiha, 2009; Berrone và Gomez - Mejia, 2009, …

Mối quan hệ giữa các lý thuyết

Liên quan đến sự chồng chéo giữa các lý thuyết, Deegan, 2002 nói rằng cả lý thuyết hợp pháp, lý thuyết thể chế và lý thuyết các bên liên quan đều khái niệm tổ chức như một phần của một hệ thống xã hội rộng lớn, mà trong đó các tác động của tổ chức bị ảnh hưởng bởi các nhóm trong xã hội. Trong khi lý thuyết hợp pháp thảo luận về sự mong đợi của xã hội nói chung, lý thuyết các bên liên quan cung cấp một giải pháp tinh tế hơn bằng cách đề cập đến mong đợi các nhóm cụ thể trong xã hội (các nhóm liên quan) cho một chiến lược cụ thể. Về cơ bản, lý thuyết các bên liên quan chấp nhận điều đó bởi vì các nhóm liên quan sẽ có quan điểm khác nhau về cách thức một tổ chức nên tiến hành các hoạt động với các nhóm liên quan khác nhau chứ không phải là một hợp đồng với xã hội nói chung. Cả lý thuyết hợp pháp và lý thuyết các bên liên quan đề cập đến các vấn đề quyền lực của các bên liên quan và cách thức sức mạnh tương đối của các bên liên quan tác động đến khả năng của họ “buộc” tổ chức tuân thủ với mong đợi của các bên liên quan thì lý thuyết thể chế khám phá cách - ở một mức độ rộng hơn - các hình thức tổ chức cụ thể (như các quy tắc ứng xử của các công ty đa quốc gia, sự đổi mưới về công nghệ) có thể được áp dụng để mang tính hợp pháp cho một tổ chức. Do đó, khi các bên liên quan hoặc xã hội cụ thể được coi là quan trọng đối với sự tồn tại của tổ chức, thì một tổ chức sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng các hoạt động và quy trình của nó phù hợp với kỳ vọng tương ứng của họ.

Mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng về cơ bản các lý thuyết trên khác nhau ở các giả định cơ bản, cụ thể là, lý thuyết hợp pháp, lý thuyết thể chế và lý thuyết các bên liên quan không giả định rằng các cá nhân tối đa hóa sự giàu có đang hoạt động trong môi trường của thị trường vốn hiệu quả như lý thuyết đại diện. Mặt khác, Woodward và cộng sự, 1996 đã chỉ ra rằng, cả lý thuyết hợp pháp và lý thuyết của các bên liên quan xem một tổ chức là một phần của hệ thống xã hội rộng lớn hơn, lý thuyết hợp pháp nhìn vào xã hội như một tổng thể, trong khi lý thuyết các bên liên quan thừa nhận rằng một số nhóm trong xã hội mạnh hơn các nhóm khác. Do vậy, việc CBTT về CSR có thể do các bên liên quan hoặc áp lực của xã hội gây ra nhưng nó có thể làm giảm sự bất đối xứng về thông tin và do đó được các bên liên quan đánh giá cao hơn.

Kết luận

Các lý thuyết trên giúp giải thích lý do và động cơ các công ty thực hiện CBTT về CSR. Đây là cơ sở quan trọng để thiết lập khung lý thuyết và khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến việc CBTT về CSR, cũng như tác động của CBTT về CSR đến thành quả tài chính của các công ty./.

Tài liệu tham khảo

1. Campbell, J. L. (2007). Why would corporations behave in socially responsible ways? an institutional theory of corporate social responsibility. Academy of Management Review, 32(3), 946-967. doi: 10.5465/amr.2007.25275684

2. Deegan, C. (2018). "Legitimacy theory" in Zahirul Hoque (ed), Methodological issues in accounting research: Theories and methods (second ed.). Spiramus, Lon Don, UK.

3. Mitchell, R. K., Agle, B. R., & Wood, D. J. (1997). Toward a Theory of Stakeholder Identification and Salience: Defining the Principle of who and What Really Counts. Academy of Management Review, 22(4), 853-886.

4. Moll, J., Burns, J., & Major, M. (2018). "Institutional theory in accounting research" in Zahirul Hoque (ed), Methodological issues in accounting research: Theories and methods. Spiramus, Lon Don, UK.

5. Suchman, M. C. (1995). Managing Legitimacy: Strategic and Institutional Approaches. Academy of Management Review, 20(3), 571-610. doi: 10.5465/AMR.1995.9508080331

v.v...

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Ths. Lê Xuân Quỳnh * Trường Đại học Quy Nhơn

 

Xem thêm
Cổ phần hóa ở một số quốc gia trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Cổ phần hóa ở một số quốc gia trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hoạt động Kiểm toán Nhà nước đối với gian lận chuyển giá

Hoạt động Kiểm toán Nhà nước đối với gian lận chuyển giá

Đừng để lỡ cơ hội 4.0

Đừng để lỡ cơ hội 4.0

Về sự hình thành và phát triển của kế toán quản trị ở Việt Nam

Về sự hình thành và phát triển của kế toán quản trị ở Việt Nam

Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế

Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh