- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Tổng quan nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến giá phí kiểm toán và mối quan hệ với chất lượng dịch vụ kiểm toán
- Đánh giá hệ thống báo cáo tài chính theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
- Tìm hiểu một số điểm mới trong quy định về giao dịch liên kết đối với doanh nghiệp theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP
- Tác động của cơ cấu và mức chi tiêu tài chính đến kết quả đào tạo tại các trường đại học công lập ở Việt Nam
Nâng cao năng suất trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam
{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 214, Tháng 7/2021 của PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh và TS. Đặng Phương Mai – Học viện Tài chính}
Đóng góp khoảng 40% GDP, 30% ngân sách Nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động trong cả nước, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đã đạt được những thành tích đáng kể sau hơn 30 đổi mới, tuy nhiên năng suất lao động trong khu vực kinh tế tư nhân đang được xếp vào mức thấp nhất so với các khu vực còn lại. Vì vậy, tăng năng suất lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chính là tiền đề quan trọng, để cải thiện năng suất lao động quốc gia. Bài viết trình bày thực trạng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao năng suất khu vực kinh tế tư nhân góp phần nâng cao năng suất toàn nền kinh tế
Key words: năng suất lao động, khu vực kinh tế tư nhân.
1. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế ở Việt Nam
Qua gần 35 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã có những bước phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có quy mô, tiềm lực tài chính vững mạnh, áp dụng công nghệ hiện đại đã trở thành những doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản và nông nghiệp… Nhiều thương hiệu hình thành từ khối DNTN có tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Số lượng DN trong khu vực KTTN có sự gia tăng nhanh chóng. Ngoài bộ phận hộ kinh doanh cá thể, số lượng DNTN tính đến năm 2018 lên đến 700 nghìn DN chiếm khoảng 96-97% tổng số DN trong cả nước, trong số đó có 2% là DNTN quy mô lớn. Số lượng DNTN thành lập mới liên tục gia tăng, trong giai đoạn 2011 – 2018, trung bình đạt 6,5%, trong đó riêng giai đoạn 2016 – 2018 là 11,6%. Trong giai đoạn 2010 – 2018, đóng góp vào GDP của khu vực KTTN chiếm tỷ trọng lớn nhất từ 38%-40,6% so với tỷ trọng 27,7%-29,4% và từ 15,15%-20,3% tương ứng của khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đóng góp cho ngân sách Nhà nước (NSNN) của khu vực KTTN chiếm tỷ trọng ngày càng cao khoảng 28%-33% giai đoạn 2010 – 2018. Tỷ trọng đầu tư tính riêng cho các DN trong khu vực KTTN chiếm 53%-56% trong tổng vốn đầu tư của các DN, có xu hướng tăng lên với tốc độ tăng trưởng ổn định nhất so với các khu vực còn lại. Cùng với việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, khu vực KTTN cũng thu hút đông đảo lực lượng lao động, giải quyết công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động. Khu vực KTTN hiện đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, tương đương với khoảng 8,8 triệu người lao động với mức thu nhập ngày càng cải thiện. Những kết quả trên cho thấy, những đóng góp lớn và vị trí quan trọng của khu vực KTTN trong phát triển nền kinh tế, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, chất lượng phát triển của khu vực KTTN vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực KTTN còn thấp và có nhiều hạn chế.
2. Thực trạng năng suất lao động của khu vực KTTN
Theo Báo cáo “Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập, 1990 – 2020” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Diễn đàn phát triển GRIPS, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam phát triển qua 3 thời kỳ:
Giai đoạn tăng trưởng nhanh (1991 – 1995). Tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong giai đoạn này đạt trung bình 5,7%/năm, trong đó năm 1995 là năm đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất 7,13%. Đây chính là giai đoạn nền kinh tế nước ta có những thay đổi đột phá khi kinh tế thị trường được thiết lập với sự thúc đẩy tham gia của các DN ở mọi thành phần kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động của hầu hết các ngành kinh tế trong giai đoạn này được cải thiện nhờ tăng cường độ vốn và nới lỏng các ràng buộc và kiểm soát về kinh tế, khuyến khích đầu tư trên tất cả các lĩnh vực. Giai đoạn chững lại (1996-2012), tốc độ tăng NSLĐ trung bình đạt 4,0% có xu hướng giảm thấp ở thời kỳ 2008-2012. Mặc dù đây là giai đoạn xuất hiện hàng loạt các cải cách kinh tế ảnh hưởng tích cực đến tăng số lượng việc làm và số lượng DN tuy nhiên kết quả về chất lượng, năng suất và khả năng cạnh tranh chưa được cải thiện. Giai đoạn phục hồi (2013-2020), tốc độ tăng NSLĐ trung bình trong giai đoạn này là 5,53% gần bắt kịp với thời kỳ tăng trưởng cao, trong đó có sự đóng góp đáng kể từ khu vực KTTN. Sự phục hồi trong tăng trưởng năng suất giai đoạn này do hai nguyên nhân chủ yếu: (1) những thay đổi về chính sách cũng như tác động bên ngoài thông qua việc gia tăng số lượng các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và các khu vực khác, cuộc đối đầu thương mại Mỹ -Trung đã có những tác động tích cực tới Việt Nam; (2) sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế, dịch chuyển lao động từ ngành, khu vực có năng suất thấp sang các ngành, khu vực có năng suất cao làm tăng NSLĐ tổng thể của nền kinh tế.
Mặc dù NSLĐ tổng thể đã có cải thiện tích cực qua các năm nhưng nhìn chung, mức NSLĐ của toàn nền kinh tế còn rất thấp, khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và các nước đi trước trong khu vực vẫn còn rất lớn. So với một số quốc gia khác trong khối ASEAN, NSLĐ của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng khoảng 1/5 Malaysia; so với Thái Lan và Trung Quốc bằng khoảng 1/3, so với Indonesia bằng khoảng 1/2, và gần bằng một nửa NSLĐ trung bình của khối ASEAN. Mức NSLĐ của Việt Nam thuộc hàng đáy của các quốc gia ASEAN, thậm chí thấp hơn Philippines, Lào và Myanmar, chỉ cao hơn Campuchia.
Biểu đồ: Tăng trưởng NSLĐ của các khu vực kinh tế
Xét trong tổng thể tăng trưởng năng suất của nền kinh tế, khu vực KTTN có tốc độ tăng trưởng đều, tuy nhiên đang đạt ở mức thấp hơn khu vực nhà nước và khu vực FDI. Năng suất thấp kéo dài trong khu vực KTTN xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, phần lớn khu vực KTTN là các DN và hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế, khó tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Năng lực khoa học công nghệ của các DN trong khu vực này còn thấp, có nơi còn lạc hậu, DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Tính đến năm 2018, chỉ có 10% số DN đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 01 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của DN cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%); chỉ có khoảng 10,2% DN có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D).
Thứ hai, năng lực quản lý và kỹ năng của người lao động thiếu chuyên nghiệp. Các DN trong khu vực KTTN ở Việt Nam cạnh tranh, chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp đã khiến các DN chưa quan tâm đến nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cải thiện tay nghề người lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn dẫn đến kết cục là năng suất lao động ngày càng thấp.
Thứ ba, tính liên kết, hợp tác giữa các DN ở khu vực KTTN còn yếu. Các DN trong khối KTTN chưa có đủ tiềm lực và chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong khi số lượng DN FDI đầu tư tại Việt Nam là rất lớn, nhưng hiện chỉ có khoảng 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài.
Thứ tư, sự bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực và hỗ trợ chính sách giữa khu vực Nhà nước và khu vực KTTN. Trong những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được cải thiện song còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch, việc tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến khu vực tư nhân mất đi lợi thế cạnh tranh và khả năng gia tăng năng suất.
3. Giải pháp tăng năng suất chất lượng đối với khu vực KTTN
Phong trào năng suất ở Việt Nam đã được phát triển từ năm 1996, khi nước ta tham gia vào Tổ chức Năng suất châu Á. Đến nay, phong trào năng suất đã trải qua gần hai thập kỷ với hai giai đoạn: Thập niên Chất lượng lần thứ nhất (1996-2005) và Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006-2015). Sau hơn hai thập niên nỗ lực, bộ khung chính sách về năng suất chất lượng đã được thiết lập, nhiều chương trình thúc đẩy gia tăng năng suất đã được triển khai. Tuy nhiên, năng suất của Việt Nam vẫn ở mức gần thấp nhất trong khu vực, các phong trào năng suất được thực hiện theo kế hoạch từ trên xuống dưới thay vì thúc đẩy bởi các sáng kiến của các cá nhân, công ty và các nhóm cộng đồng và chưa thực sự trở thành một phong trào triển khai đến từng thành phần và từng cá nhân trong nền kinh tế. Với vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động trong khu vực KTTN là khâu then chốt giải quyết bài toán tăng năng suất lao động trong nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu cải thiện năng suất khu vực KTTN, cần quan tâm đến một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần tạo lập môi trường đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để khu vực KTTN phát huy được vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhà nước cần từng bước thu hẹp vai trò, phạm vi hoạt động với tư cách là nhà đầu tư, mở rộng cơ hội đầu tư cho các thành phần kinh tế trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế… cổ phần hoá, thoái vốn DNNN, chủ trương xã hội hoá dịch vụ hành chính công. Thực hiện phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả, đảm bảo cho KTTN được tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực phát triển.
Thứ hai, khuyến khích khu vực KTTN áp dụng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để khuyến khích khu vực KTTN tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, chính phủ cần thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, về tín dụng… đối với các DN đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất. Cần có lộ trình ưu đãi về thuế đối với khu vực KTTN, nhằm khuyến khích khu vực này tăng cường tích luỹ nguồn lực để gia tăng quy mô. Đặc biệt có chính sách ưu đãi thuế như: giảm thời gian nộp thuế và/hoặc miễn thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và các nghĩa vụ thuế khác đối với những DN đáp ứng một số điều kiện nhất định về đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, xuất khẩu công nghệ, DN khởi nghiệp sáng tạo. Tạo lập các quỹ cung cấp tín dụng ưu đãi (vay lãi suất thấp, nới lỏng các ràng buộc và thủ tục vay vốn) cho khu vực KTTN trong đó tập trung cho các DN nhỏ và vừa và DN khởi nghiệp phát triển các dự án công nghiệp, với trình độ công nghệ và quản trị tiên tiến. Ban hành cơ chế, chính sách trong việc tạo lập và phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm đặc biệt đầu tư vào các DN nhỏ và vừa trong khu vực công nghệ cao.
Thứ ba, phổ biến triển khai áp dụng các công cụ cải thiện năng suất rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh thuộc khu vực KTTN. Có nhiều công cụ có thể áp dụng để cải thiện năng suất, đặc biệt hữu dụng đối với các cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ trong đó Kaizen là một trong các phương pháp cải thiện năng suất hiệu quả đã từng được áp dụng ở Nhật Bản và chuyển giao áp dụng thành công ở Singapore. Kaizen nhấn mạnh vào việc thiết lập một quy trình dài hạn, nhằm loại bỏ lãng phí và tối đa hoá việc sử dụng các nguồn nhân lực và phi nhân lực hiện có trong một công ty. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với các cơ sở kinh doanh và DN quy mô nhỏ khi muốn cải thiện hiệu quả sản xuất, trong điều kiện không phải sử dụng quá nhiều tiền vốn và các khoản chi phí cho việc đổi mới máy móc thiết bị và áp dụng công nghệ tối tân.
Thứ tư, khuyến khích khu vực KTTN áp dụng chuyển đổi số. Chuyển đổi số có thể được coi là yêu cầu cấp thiết tạo ra sự thay đổi quan trọng và căn bản, đối với các thành phần kinh tế trong kỷ nguyên số hoá. Chuyển đổi số sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, tăng năng suất lao động, giá trị lao động và giúp DN cải thiện quy trình hiệu quả. Việc tiếp cận với chuyển đổi số trong khu vực KTTN còn nhiều rào cản do: thiếu thông tin về công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, tâm lý e ngại rò rỉ dữ liệu cá nhân, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, chi phí ứng dụng công nghệ số cao. Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ các DN trong việc tăng cường cơ sở hạ tầng về công nghệ số, có các chính sách ưu đãi đối với các DN thực hiện chuyển đổi số đặc biệt đối với các DN thuộc khu vực KTTN trong các lĩnh vực về công nghệ thông tin và khoa học công nghệ. Đây là hai ngành tận dụng được công nghệ số để nâng cao NSLĐ, và cũng là những ngành tạo nên nền tảng kỹ thuật số, hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển. Ngoài ra, cần tập trung dành những ưu đãi cho việc ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo – là ngành đóng vai trò rất lớn đối với nền kinh tế và NSLĐ tổng thể.
Thứ năm, khuyến khích KTTN chuyển dịch sang các khu vực có năng suất cao hơn. Để nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với khu vực KTTN là không chỉ là nâng cao NSLĐ của bản thân khu vực mà còn phải tích cực chuyển dịch lao động sang các khu vực có năng suất cao hơn. Theo đó, trong các ngành, lĩnh vực tham gia vào nền kinh tế, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo (đóng góp 32% trong tăng trưởng NSLĐ tổng thể giai đoạn 2010 – 2019) và ngành bán buôn, bán lẻ và dịch vụ lưu trú ăn uống (đóng góp gần 20%) là hai ngành đóng vai trò chủ đạo đối với tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Do đó, các chính sách cần hướng vào việc cải thiện hiệu quả của các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chuyển dịch sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn.
Thứ sáu, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Hiện nay do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc lớn và nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ô tô… Điều này gây ra những khó khăn khi thị trường cung ứng có biến động, đồng thời làm giảm giá trị gia tăng đối với sản phẩm sản xuất trong nước. Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo cũng là cơ hội thúc đẩy sự ra đời và phát triển cũng như nâng cao năng suất của các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp chế biến chế tạo cần có sự tư vấn, hỗ trợ về công nghệ cũng như kỹ thuật quản lý và hỗ trợ tài chính tín dụng từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, cần có chiến lược nâng cao năng lực của các DN trong nước để các DN trong nước đủ năng lực học hỏi công nghệ mới hoặc đủ năng lực cung cấp đầu vào cho DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ bảy, tăng cường đào tạo và liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN. Để tăng năng suất lao động cần tạo ra đội ngũ người lao động đáp ứng yêu cầu chuyên môn, hiểu biết năng suất ngay từ các tổ chức giáo dục đào tạo. Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục đào tạo nghề cần có sự liên kết chặt chẽ với các DN – nơi sử dụng người lao động để nắm bắt nhu cầu của các công ty, để cập nhật chương trình giảng dạy phù hợp và hỗ trợ sinh viên có được việc làm mà sử dụng đầy đủ các kỹ năng học được đồng thời kiếm được thu nhập tương xứng. Cần thiết kế chương trình đào tạo về năng suất và chất lượng phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề nhằm trang bị kiến thức năng suất, chất lượng và giúp người học có thể áp dụng vào công việc sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, cần đào tạo một đội ngũ chuyên gia Việt Nam am hiểu về năng suất, có năng lực, có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam. Đây là đội ngũ giúp truyền đạt, triển khai các kiến thức về năng suất cho các DN, người lao động và đào tạo đội ngũ chuyên gia kế cận, nhằm đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam.
————————–
Tài liệu tham khảo
1. “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 – Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số” GS.TS. Trần Thọ Đạt – PGS.TS. Tô Trung Thành. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân 2020.
2. “Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Diễn đàn phát triển GRIPS (GDF)” 2021, Báo cáo “Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập, 1990 – 2020 – Phân tích và gợi ý chính sách”.
3. Nguyễn Anh Tuấn, Lê Hoa, 2013 “Năng suất nền tảng cạnh tranh và phát triển” NXB Lao động – Xã hội.
4. “Các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng – Nội dung cơ bản và hướng dẫn áp dụng, 2019” Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của DN Việt Nam đến năm 2020”.