- Những yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức và hiệu quả của thông tin kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp
- Kế toán điều chỉnh một số nghiệp vụ kinh tế khi phát hiện sai sót
- Vận dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất
- Đổi mới phân cấp và nâng cao chất lượng quản lý nợ công ở Việt Nam
- Về một số quy định trong Luật Kế toán 2015
Nâng cao hiệu quả giảng dạy các học phần thực hành trong đào tạo cử nhân ngành kế toán
|
Trong nền kinh tế đang phát triển, sinh viên (SV) chuyên ngành kế toán đang có rất nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, thực tế thì SV của ta khi mới tốt nghiệp, có thể đáp ứng được nhu cầu của tuyển dụng để tự tìm kiếm cơ hội việc làm đúng hay không, thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố hàng đầu, đó là sự chuẩn bị, trang bị kiến thức chuyên ngành cho SV gắn liền với thực tế, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Bởi vậy, đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề, các trường Cao đẳng, Đại học trên cả nước đổi mới chương trình đào tạo kế toán, chú trọng vào thực hành nghiệp vụ để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp DN.
Cần tăng cường giảng dạy thực hành nghiệp vụ kế toán
Một là, nhìn vào thực trạng đào tạo ngành Kế toán hiện nay, có thể đánh giá rằng: “Nội dung môn học vẫn còn nặng về lý thuyết thuần túy. Mặc dù, trong mấy năm gần đây nhiều trường đại học, học viện đã có những đổi mới tích cực trong phương pháp giảng dạy theo hướng giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thực hành và giờ tự học của SV. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này còn quá thấp, vì cơ sở vật chất và kinh phí của các trường thường quá thiếu. Mặt khác, sự phối hợp với các DN, để SV đi thực tập tốt nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thời gian thực tập ít, thậm chí chỉ là hình thức” (GS.TS. Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính). “Các trường bắt buộc phải tuân thủ chương trình khung của Bộ, trong đó các môn học bắt buộc thuộc phần giáo dục đại cương còn chiếm khối lượng khá lớn, khiến cho việc giảm tải chương trình gặp nhiều khó khăn. Phương pháp giảng dạy vẫn thầy đọc trò chép và làm bài tập được thay bằng công thức “thầy giảng, trò nghe và làm bài tập”. Cách làm này, tưởng chừng như đã đổi mới phương pháp dạy học nhưng không đảm bảo kiểm soát tất cả người học phải làm việc và không đảm bảo nâng cao kiến thức cho người học ở trình độ cao, người học chỉ học được những gì thầy dạy” (TS. Nguyễn Khắc Hùng, Trường ĐH Sài Gòn).
Hai là, nhìn vào thực tế yêu cầu công việc và nhu cầu tuyển dụng: Hiện nay, ở nước ta ước tính phải trên 80% DN đã sử dụng các phần mềm kế toán (ngoại trừ một số DN có quy mô rất nhỏ hoặc mới thành lập chưa kịp trang bị phần mềm kế toán), ngay cả những DN chưa sử dụng phần mềm kế toán, các kế toán viên đa số cũng được trang bị máy tính và sử dụng bảng tính Excel trong công việc, nhưng trong giảng dạy đa số các cơ sở đào tạo lại tách biệt việc trang bị kiến thức, kỹ năng kế toán và việc áp dụng công nghệ nên việc ứng dụng công nghệ vào học tập rất hạn chế. Hơn nữa, phần đông các DN hiện nay tuyển dụng kế toán đòi hỏi SV phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm, tuy nhiên các DN đã đưa ra ý kiến chung rằng: “SV ngành kế toán sau tốt nghiệp 5 năm đầu tiên là học việc”, nhiều kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, tính thực hành - thực tế trong công việc của SV còn yếu. SV tốt nghiệp các cơ sở đào tạo về kế toán, rất ít người có thể (hoặc trong thời gian ngắn sau khi được tuyển dụng có khả năng) bắt tay ngay vào công việc kế toán. Đa số các DN phải bỏ ra khá nhiều chi phí, thời gian cho công tác đào tạo lại. Điều này do cách thức giảng dạy ở các trường, chủ yếu chuyên tâm vào lý thuyết sách vở quá chú tâm với hệ thống tài khoản và chế độ kế toán mà lại xem nhẹ những kiến thức, kỹ năng của kế toán viên mà các DN thực sự cần thiết. Đào tạo tại các cơ sở chỉ mang nặng về lý thuyết mà chưa gắn với thực hành nghề nghiệp. SV mới tốt nghiệp khi được tuyển dụng gần như rất yếu các kỹ năng thực hành nghề nghiệp kế toán.
Ba là, đào tạo nghiệp vụ kế toán xuất phát từ yêu cầu thị trường đào tạo nghề nghiệp. Sau một thời gian tương đối dài, đào tạo kế toán dễ dàng thu hút được một lượng lớn các học viên, không chỉ các trường khối kinh tế mà đa số các trường kỹ thuật cũng tham gia đào tạo kế toán. Tuy nhiên, do cung vượt quá cầu, thị trường lao động bão hòa, ... số lượng học viên kế toán có việc làm đúng ngành nghề đào tạo chiếm một tỷ lệ thấp. Học viên ít, cơ sở đào tạo kế toán lại quá nhiều, trong quá trình cạnh tranh khốc liệt này có thể khẳng định việc tăng cường thực hành nghề nghiệp, đưa người học đến gần với thực tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu, để các cơ sở đào tạo kế toán tồn tại và phát triển.
Bốn là, đào tạo kế toán theo hướng tăng cường thực hành nghiệp vụ mang lại nhiều lợi ích tích cực cho các đối tượng liên quan:
- Lợi ích đối với người học: SV khi tốt nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức về lý thuyết, thực hành, thực tế công việc, yêu cầu của DN. Những quy định của pháp luật về tài chính kế toán, thuế, công cụ phần mềm kế toán. Đảm bảo chất lượng đào tạo, có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Sự vững vàng về kiến thức là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp lâu dài.
- Lợi ích đối với nhà trường - cơ sở đào tạo kế toán: Tạo sự đột phá trong đào tạo, gắn liền giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, thực tế đảm bảo được chất lượng đào tạo theo tuyên bố chuẩn đầu ra của ngành kế toán DN, sẽ khẳng định được uy tín, thương hiệu của nhà trường.
- Lợi ích đối với DN - người sử dụng lao động: Từ việc thay đổi cách tiếp cận với thực tế công tác kế toán cho SV giúp cho các DN dễ dàng hơn, trong việc lựa chọn nhân sự kế toán đáp ứng nhu cầu quản lý DN mình. DN giảm bớt chi phí đào tạo và hạn chế tình trạng “cầm tay chỉ việc”, đáp ứng mục đích của đơn vị là tuyển nhân sự vào làm việc chứ không phải tuyển nhân sự vào học việc.
Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần thực hành
Giảng viên trực tiếp giảng dạy học phần thực hành là người có ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp tới hiệu quả giờ dạy, bởi vậy những giải pháp đề xuất mang tính cụ thể, gần gũi nhất đối với bản thân người dạy đó là:
a) Trong từng tiết học:
Chuẩn bị chu đáo nội dung và thiết kế giáo án, đề cương chi tiết trước giờ thực hành: Lập kế hoạch dạy học chi tiết cho từng tiết thực hành, thể hiện rõ ràng nhiệm vụ tiết học, mục tiêu kết quả cần đạt được và hình thức kiểm tra kết quả thực hành của SV. Đối tượng SV phong phú với nhiều mức độ tiếp thu khác nhau, cần thiết kế giáo án phù hợp để phát huy tính chủ động của SV. Gợi nhớ lý thuyết để vận dụng và hướng SV vào bản chất nghiệp vụ, ghi nhớ quy trình. Từ đó, xác định những chứng từ cần thiết lập và thu thập cho mỗi nghiệp vụ hơn là chỉ định khoản Nợ /Có.
Điều hành tổ chức giờ dạy: Điều quan trọng trong tiết thực hành là Giảng viên phải tổ chức và điều khiển các đối tượng SV trên lớp. Để lôi cuốn được các SV cùng tham gia thực hành, có thể chia lớp học thành các nhóm học tập (tùy theo quy mô lớp và năng lực người học để chia nhóm). Với việc chia nhóm, SV có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không chỉ thụ động tiếp thu từ giáo viên. Giáo viên hướng dẫn SV các kỹ năng thao tác trong bài thực hành, thao tác mẫu bằng máy chiếu cho SV quan sát. Tổ chức hướng dẫn SV thực hành, gợi mở, khuyến kích SV tích cực hoạt động, đồng thời quan sát, theo dõi và bổ trợ SV khi cần.
Chia nhỏ nội dung thực hành: Nội dung thực hành của mỗi học phần kế toán thường có dung lượng khá lớn, Giảng viên có thể giảm nhẹ việc học thực hành bằng cách chia nhỏ các nội dung trong mỗi phần thực hành: Thực hành hoàn thiện bộ chứng từ, thực hành lên sổ sách và báo cáo. Có thể kết hợp chúng với nhau, để tránh sự nhàm chán, tuy nhiên sâu chuỗi và liên kết lại, để tránh phá vỡ sự logic vốn có của Kế toán.
Tìm sự hỗ trợ từ SV khá - giỏi: Trong quá trình dạy học, Giảng viên quan sát và phát hiện những SV học tốt, tiếp thu nhanh, giao nhiệm vụ để chính các học sinh này sẽ đóng vai người hỗ trợ, có nhiệm vụ giải thích và hướng dẫn các bạn cùng nhóm thực hiện tốt nhiệm vụ của giờ thực hành. Việc này, giúp các em thoải mái trao đổi, không sợ sai, đồng thời có cơ hội để thảo luận, tăng kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm. Theo đó, cần có hướng động viên khuyến khích các em, tạo động lực để SV thi đua và hợp tác nhóm hiệu quả.
b) Cho cả môn học:
Giảng dạy thực hành nghiệp vụ kế toán phải bắt đầu từ việc “dành nhiều thời gian dạy người học về phương pháp, kỹ năng, cách tự học, dạy cách sử dụng, khai thác các thiết bị,... và dạy làm người với mục đích người được đào tạo có khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, có khả năng học tập suốt đời,...” (GS.TSKH Vũ Minh Giang). Theo đó, phải chuyển đổi cách học từ “nhớ” sang học để “hiểu” và học để “vận dụng”. Điều này, đặc biệt phù hợp và thiết thực với phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán, vì kế toán là một chuyên ngành có tính logic và hệ thống rất cao.
Cần thay đổi cách phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán theo hướng lấy người học làm trung tâm. Lấy người học làm trung tâm là mang lại tính chủ động, sáng tạo cho người học trong việc tiếp thu kiến thức kỹ năng. Lấy người học làm trung tâm còn có ý nghĩa là, phải dạy những gì người học cần chứ không phải là dạy những gì mà cơ sở đào tạo có khả năng thực hiện. Hướng SV tự thực hiện rèn luyện các kỹ năng cần thiết: Tỷ mỉ, cẩn thận, thành thạo chuyên môn, ứng dụng tin học và làm việc theo nhóm, ...
Áp dụng phương pháp giảng dạy thực hành nghiệp vụ kế toán trên hệ thống bài tập tình huống mang tính hệ thống, tổng hợp cao kết hợp với việc ứng dụng phần mềm kế toán trong xử lý bài tập tình huống. Ngoài hệ thống nghiệp vụ đã xây dựng từ trước, mỗi giảng viên có thể lập một cơ sở dữ liệu với hệ thống chứng từ kế toán, nghiệp vụ kinh tế,... gần với mô hình thực tế của DN trong một kỳ kế toán và yêu cầu SV sử dụng công cụ excel hoặc phần mềm kế toán để thực hiện các yêu cầu (từ việc cập nhật chứng từ, cho đến việc đưa ra các báo cáo tài chính). Việc xử lý bài tập tình huống tổng hợp này là phương thức tốt nhất để trang bị, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cơ bản cho SV và là yêu cầu, động lực bắt buộc học viên phải có sự liên hệ, tra cứu, vận dụng kiến thức các môn học có liên quan.
Đổi mới ngân hàng đề thi mang tính tổng hợp cao. Đề thi gồm 2 phần: Một là: Phần trình bày hiểu biết về các văn bản, thông tư, quyết định liên quan đến vấn đề kế toán cụ thể theo hiểu biết của SV; Hai là: Phần thực hành ứng dụng tổng hợp mỗi nội dung thực hành đều được lồng ghép, đưa vào đề thi đánh giá năng lực người học. Điều này đòi hỏi ở SV tính chủ động tìm hiểu và tự thực hành, để có được kết quả đánh giá tốt ở môn học.
Ngoài ra, bộ môn, khoa và nhà trường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giảng dạy, bởi vậy nên:
Xây dựng các chương trình giảng dạy thực hành nghiệp vụ Kế toán, phải gắn với nhu cầu về nghề nghiệp của xã hội. Để thực hiện được yêu cầu này, khi xây dựng chương trình đào tạo cần dựa trên việc phân tích nghề, phân tích công việc kế toán một cách đầy đủ, khoa học. Giảm thời gian, thời lượng các học phần giáo dục đại cương để tăng thêm thời gian học tập các học phần thực hành. Ngoài việc thực hành ở các học phần cụ thể, nên xây dựng những bộ số liệu bài tập tổng hợp, điều này giúp người học dễ dàng có được sự hình dung và cách tiếp cận hệ thống về nghề nghiệp. Những bài tổng hợp tạo sự mới lạ còn góp phần tạo sự hứng thú, tăng sự chủ động cho SV trong việc học tập.
Kịp thời trong việc hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất (máy tính, máy chiếu, phòng học, ...) để nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần thực hành. Đồng thời, tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề, seminar trao đổi kinh nghiệm cách thức tổ chức tiết học thực hành hiệu quả. Lắng nghe nguyện vọng của SV, giảng viên để có hướng điều chỉnh phù hợp nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần thực hành.
Nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành nghiệp vụ kế toán phải song hành với việc nâng cao chất lượng của cán bộ giảng dạy kế toán, theo hướng gắn với kỹ năng nghề nghiệp thực tế. Bởi vậy, cần tăng cường tập huấn kỹ năng nghề thực tế cho đội ngũ giảng viên. Thực hiện liên kết chặt chẽ với khối DN, cơ sở sử dụng lao động nhằm nhìn ra hướng đào tạo thiết thực, theo nhu cầu xã hội. Đồng thời, có thêm các thông tin, tình huống nghiệp vụ thực tế. Rất cần thiết sự tham gia vào môi trường kế toán thực tế, để Giảng viên kế toán không chỉ là người nắm vững lý thuyết còn là người làm được kế toán thực tế./.
Tài liệu tham khảo
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của TS. Lương Thị Thủy, Giảng viên Khoa Kinh tế trường ĐH Tây Bắc