- Làm rõ nguyên tắc xây dựng và hạch toán về thuế và các khoản thu khác xuất nhập khẩu
- Hệ thống kế toán doanh nghiệp và những khoảng trống về kế toán môi trường
- Bàn về kế toán tài sản dài hạn chờ để bán và hoạt động gián đoạn trong doanh nghiệp VN
- Quản lý tài chính của các dự án cho các tổ chức quốc tế tài trợ
- Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) – Khả năng áp dụng vào các doanh nghiệp Việt Nam
Một số ý kiến về việc vận dụng nguyên tắc giá trị hợp lý vào việc lập và trình bày BCTC ở Việt Nam
|
Kế toán là công cụ quản lý đắc lực, thông qua những thông tin do kế toán cung cấp, người đọc sẽ nắm được các thông tin chiến lược để ra các quyết định phù hợp với mục tiêu của mình. Để phát huy vai trò của kế toán, từ năm 1994 Việt Nam đã quyết định thay đổi toàn bộ chế độ kế toán mới theo cơ chế kinh tế thị trường và liên tục cập nhật, kể cả vấn đề đang tranh cải hiện nay là có nên áp dụng “Giá trị hợp lý” để lập BCTC thay vì “Giá gốc” như từ trước đến nay.
Luật Kế toán (sửa đổi) số 88/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 quy định về vấn đề Giá trị hợp lý. Theo đó, giá trị hợp lý là giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị.
Trong Luật Kế toán sửa đổi có quy định giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính (BCTC).
Về vấn đề xác định giá trị hợp lý đối với tài sản và nợ phải trả ở Việt Nam trong nền kinh tế đang phát triển là vấn đề rất khó và cần được tính toán thận trọng.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu thông lệ quốc tế về xác định giá trị hợp lý và tính toán các phương án tốt nhất để áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý vào việc lập và trình bày BCTC.
a) Khái niệm giá trị hợp lý
ủy ban soạn thảo chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành chuẩn mực BCTC (IFRS 13) - Xác định giá trị hợp lý năm 2011. Theo IFRS 13, giá trị hợp lý được xác định theo giá thị trường không phải xác định theo một doanh nghiệp (DN) cụ thể. Đối với một số tài sản hoặc nợ phải trả, các giao dịch thị trường có thể quan sát được hoặc các thông tin thị trường có thể có sẵn. Một số tài sản hoặc nợ phải trả khác, các giao dịch thị trường có thể quan sát được hoặc các thông tin thị trường có thể không có sẵn.
Tuy nhiên, mục tiêu của việc xác định giá trị hợp lý trong cả hai trường hợp là giống nhau, cùng để ước tính giá mà tại đó một giao dịch thị trường có trật tự để bán tài sản hoặc chuyển giao một khoản nợ phải trả sẽ diễn ra giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường trong điều kiện thị trường hiện tại (tức là giá đang giao dịch tại thời điểm xác định từ quan điểm của các bên tham gia thị trường đó đang nắm giữ tài sản hoặc một khoản nợ phải trả).
Khi giá của tài sản và nợ phải trả không quan sát được, DN xác định giá trị hợp lý sử dụng kỹ thuật định giá khác với việc tối đa hóa việc sử dụng các đầu vào quan sát được có liên quan và hạn chế sử dụng các đầu vào không quan sát được. Vì giá trị hợp lý được xác định dựa theo giá trị thị trường, được xác định dựa theo giả định rằng những người tham gia thị trường sẽ sử dụng các giả thiết về rủi ro khi định giá tài sản hoặc nợ phải trả. Kết quả là, ý định của một đối tượng nắm giữ tài sản hoặc giải quyết hoặc nếu không thực hiện một khoản nợ phải trả là không liên quan khi đo lường giá trị hợp lý.
IFRS 13 định nghĩa giá trị hợp lý là giá sẽ nhận được khi bán một tài sản hoặc thanh toán một khoản nợ phải trả trong một giao dịch thị trường có trật tự giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị.
b) Xác định giá trị hợp lý
Việc xác định giá trị hợp lý giả định rằng tài sản hoặc một khoản nợ phải trả được trao đổi trong một giao dịch có trật tự giữa các bên tham gia thị trường để bán tài sản hoặc chuyển giao một khoản nợ tại ngày xác định theo điều kiện thị trường hiện tại. Việc xác định giá trị hợp lý giả định rằng giao dịch để bán tài sản hoặc một khoản nợ phải trả diễn ra trong thị trường chính của tài sản hoặc nợ phải trả, hoặc nếu không có thị trường chính thì trong thị trường thuận lợi nhất cho tài sản và nợ phải trả.
Đối với các bên tham gia thị trường: DN sẽ xác định giá trị của tài sản và nợ phải trả sử dụng giả định rằng các bên tham gia thị trường khi tính giá tài sản và nợ phải trả sẽ sử dụng giả định rằng các bên tham gia thị trường đó hoạt động trong lợi ích kinh tế cao nhất của họ.
c) Áp dụng cho tài sản phi tài chính
Xác định giá trị hợp lý cho tài sản phi tài chính phải xem xét khả năng của người tham gia thị trường tạo ra lợi ích kinh tế bằng cách sử dụng tài sản ở mức tốt nhất và cao nhất hoặc để bán cho người tham gia thị trường khác mà có thể sử dụng trong mức độ cao nhất và tốt nhất.
d) Áp dụng cho nợ phải trả và các công cụ vốn chủ sở hữu
Việc xác định giá trị hợp lý giả định rằng một khoản nợ tài chính hay phi tài chính hoặc một công cụ vốn chủ sở hữu được chuyển giao cho các bên tham gia thị trường tại ngày xác định. Việc chuyển giao của một khoản nợ phải trả hay một công cụ vốn chủ sở hữu được giả định như sau:
- Một khoản nợ phải trả chưa thanh toán và các bên tham gia thị trường sẽ yêu cầu thanh toán. Một khoản nợ có thể không được giải quyết với các bên liên quan hoặc được thanh toán tại ngày xác định.
- Một công cụ vốn chủ sở hữu chưa thanh toán và các bên tham gia thị trường chuyển nhượng sẽ có quyền và nghĩa vụ gắn với công cụ đó. Công cụ có thể không được hủy bỏ hoặc được giải quyết tại ngày xác định.
e) Các cấp độ của thông tin đầu vào
- Cấp độ 1: dựa theo giá niêm yết (giá không điều chỉnh) của thị trường năng động (active market) đối với tài sản giống nhau hoặc trách nhiệm thực thể có thể truy cập tại thời điểm đó.
Giá niêm yết trong thị trường hoạt động cung cấp bằng chứng đáng tin cậy nhất và được sử dụng mà không cần điều chỉnh để xác định giá trị hợp lý.
Đối với nhiều tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính, cấp độ 1 thường có sẵn.
- Cấp độ 2: dựa theo giá niêm yết của các tài sản và nợ phải trả tương tự trên thị trường không năng động.
- Cấp độ 3: dựa theo các yếu tố của tài sản và nợ phải trả không quan sát được với giả định rằng các bên tham gia thị trường sẽ sử dụng các giả định về rủi ro khi xác định giá của tài sản và nợ phải trả.
Các giả định về rủi ro bao gồm rủi ro cố hữu có trong kỹ thuật xác định giá trị cụ thể được sử dụng để đo lường giá trị hợp lý (chẳng hạn như là một mô hình giá cả) và rủi ro cố hữu có trong các yếu tố đầu vào đối với kỹ thuật định giá.
DN sẽ triển khai các yếu tố đầu vào không quan sát được bằng cách sử dụng các thông tin tốt nhất có sẵn trong các trường hợp, trong đó có thể bao gồm các dữ liệu riêng của đơn vị.
- Trước mắt, Bộ Tài chính cần nghiên cứu IFRS 13 kỹ lưỡng để lựa chọn các nội dung phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam và nghiên cứu để xác định lộ trình áp dụng giá trị hợp lý cho từng loại hình DN theo thứ tự ưu tiên và đối với từng loại hình DN thì các tài sản và nợ phải trả nào sẽ phải ghi nhận và trình bày trên BCTC. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng, các công ty niêm yết là các đối tượng nên áp dụng ngay, sau đó sẽ áp dụng cho các DN khác có lợi ích công chúng.
- Để đưa nguyên tắc giá trị hợp lý trong Luật Kế toán (sửa đổi) vào cuộc sống, ngay trong năm 2016 Bộ Tài chính cần mời các chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước tham gia các buổi tọa đàm để tìm ra một hướng đi tốt nhất trong việc áp dụng giá trị hợp lý với tiêu chí không lạc hậu với thông lệ quốc tế nhưng không tác động quá mạnh đến nền kinh tế.
- Bộ Tài chính nên sớm có lộ trình vận dụng toàn bộ IFRS 13 và các chuẩn mực kế toán khác có liên quan đến giá trị hợp lý như IAS 36 - tổn thất giá trị, IAS 41 - Nông nghiệp, IFRS 06 - Thăm dò và đánh giá khai khoáng, IFRS 02- Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu ./.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của ThS Nguyễn Thị Vân, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, BTC