Một số vấn đề về kế toán hàng tồn kho trong đơn vị hành chính sự nghiệp


Thông tư 107/2017/TT - BTC, đã làm thay đổi căn bản cách thức hạch toán và cung câp thông tin hữu ích hơn cho người sử dụng báo cáo kế toán. Bên cạnh mặt tích cực, những quy định mới cũng còn một số vấn đề bất cập. Bài viết này tập trung phân tích một số vấn đề vướng mắc về kế toán hàng tồn kho liên quan nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ. Từ đó đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán, tăng cường tính kiểm soát đối với tài sản và nguồn vốn của đơn vị nói riêng và của quốc gia nói chung.

Thực trạng quy định kế toán nguyên vật liệu (NVL), công cụ, dụng cụ (CCDC) trong đơn vị hành chính sự nghiệp

Theo quy định tại Thông tư 107/2017/TT - BTC, đối với NVL, CCDC giá nhập kho phải theo giá thực tế. Việc xác định giá thực tế để ghi sổ tùy theo trường hợp:

Đối với giá thực tế NVL mua ngoài nhập kho sử dụng cho:

+ Trường hợp 1: Giá thực tế NVL mua ngoài nhập kho để sử dụng cho hoạt động hành chính, sự nghiệp, dự án hoặc sử dụng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB):

Giá nhập kho = giá mua thực tế ghi trên hoá đơn (bao gồm các loại thuế gián thu) cộng với (+) các chi phí liên quan đến việc mua NVL c (chi phí thu mua, vận chuyển, bốc xếp,...);

+ Trường hợp 2: Trường hợp NVL mua về sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tính theo phương pháp khấu trừ:

Giá trị của NVL mua vào được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT thuế GTGT đầu vào của NVL sẽ được hạch toán vào Tài khoản 133 “Thuế GTGT được khấu trừ”;

+ Trường hợp 3: NVL mua về dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp hoặc dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì giá trị NVL mua vào được phản ánh theo giá mua bao gồm cả thuế GTGT (tổng giá thanh toán).

Đối với NVL mua ngoài nhập kho, sử dụng trong trường hợp 1, quy định trong Thông tư 107/2017/TT - BTC, giá trị NVL nhập kho hoàn toàn tuân theo nguyên tắc giá gốc. Tuy nhiên, trường hợp 2, 3 trong quy định tại quy định trong thông tư này lại hoàn toàn không đề cập đến chi phí thu mua, vận chuyển bốc xếp, … Điều này có thể dẫn đến nhiều cách xử lý kế toán khác nhau.

Đối với giá thực tế CCDC mua ngoài nhập kho

Trường hợp 1: Hoạt động hành chính, sự nghiệp, dự án hoặc sử dụng cho hoạt động đầu tư XDCB

Giá thực tế CCDC mua ngoài = giá mua thực tế ghi trên hoá đơn (gồm cả thuế GTGT).

Các chi phí có liên quan đến việc mua CCDC (chi phí thu mua, vận chuyển, bốc xếp,...) được ghi trực tiếp vào các tài khoản chi phí có liên quan đến việc sử dụng CCDC (các Tài khoản loại 6 hoặc Tài khoản loại 2: TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang) mua về nhập kho;

Với cách quy định chi phí thu mua, vận chuyển, bốc xếp,... CCDC như trên, giá nhập kho trong trường hợp này không tuân theo nguyên tắc giá gốc. Điều này không hợp lý, vì CCDC thực tế chưa đưa vào sử dụng (Tài sản ngắn hạn) nhưng chi phí thu mua lại được phản ánh vào chi phí và Tài sản dài hạn (TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang). Điều này không đúng với bản chất sự việc, số liệu phản ánh trên các báo cáo kế toán bị sai lệch nên thông tin cung cấp cho những người sử dụng thông tin không đúng và họ có thể đưa ra các quyết định sai lầm, làm giảm tính kiểm soát đối với tài sản, nguồn vốn của đơn vị.

Trường hợp 2: Trường hợp CCDC mua về sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế thì giá trị của CCDC mua vào được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT (thuế GTGT đầu vào của CCDC mua vào được hạch toán vào Tài khoản 133 “Thuế GTGT được khấu trừ”);

Trường hợp 3: Trường hợp CCDC mua về dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp hoặc dùng cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì giá trị CCDC mua vào được phản ánh theo giá mua bao gồm cả thuế GTGT (tổng giá thanh toán).

Như vậy, tượng tự chi phí thu mua, vận chuyển bốc dỡ,... NVL, chi phí thu mua, vận chuyển bốc dỡ,... CCDC trong trường hợp 2, 3 hoàn toàn không được quy định trong Thông tư 107/2017/TT - BTC. Điều này có thể dẫn đến nhiều cách xử lý khác nhau trong kế toán. Mốt số tình huống xử lý có thể xảy ra:

- Tình huống 1: Ghi vào giá nhập kho (Giống trường hợp 1: NVL).

- Tình huống 2: Ghi trực tiếp vào các tài khoản chi phí có liên quan đến việc sử dụng công cụ, dụng cụ (các Tài khoản loại 6 hoặc Tài khoản loại 2: TK 241- Xây dựng cơ bản dở dang)  (Giống trường hợp: CCDC).

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 có quy định:  Giá trị tài sản được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy, thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính. Trong khi:

Trường hợp 1, CCDC quy định trong Thông tư 107, lại không tuân thủ theo nguyên tắc giá gốc.

Trường hợp 2, trường hợp 3 NVL, CCDC quy định trong Thông tư 107 không rõ ràng, nên dẫn đến các cách xử lý khác nhau trong kế toán như đã nêu ở trên. Dẫn đến cùng một sự kiện nhưng nội dung phản ánh lại tạo ra hai nguồn thông tin kế toán mang bản chất khác nhau.

Giải pháp, khuyến nghị

Như vậy, quy định về chi phí thu mua, bốc xếp,... NVL, CCDC hiện hành đang gặp vấn đề theo hai nhóm lớn:

Một là: Không tuân thủ theo nguyên tắc giá gốc

Hai là: Không quy định rõ.

Theo tác giả, chi phí thu mua, bốc xếp,... NVL, CCDC nhập kho hiện nay nên quy định rõ ràng xử lý thống nhất theo nguyên tắc giá gốc, tức là được tính vào trong giá trị hàng mua. Như vậy, thông tin kế toán cung cấp sẽ theo đúng bản chất, nguyên tắc kế toán. Chất lượng thông tin được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng quyết định của người sử dụng thông tin kế toán, tăng cường tính kiểm soát đối với tài sản, nguồn vốn của đơn vịnói riêng và của quốc gia nói chung./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính (2017), Thông tư 107/2017/TT-BTC, Hướng dẫn Chế độ Kế toán HCSN;

2. Quốc hội (2015), Luật Kế toán năm 2015.

3. Lê Thị Thanh Huyền, “Một số phân tích về những thay đổi của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp”, Tạp chí Tài chính, 5/2018;

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Ths. Lê Thanh Bằng * Khoa Kế toán – Kiểm toán – Học viện Ngân hàng

 

Xem thêm
Phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro kinh doanh giải pháp phát triển lĩnh vực kiểm toán trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro kinh doanh giải pháp phát triển lĩnh vực kiểm toán trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Nghiên cứu công bố thông tin về trách nhiệm xã hội dưới góc nhìn của các lý thuyết

Nghiên cứu công bố thông tin về trách nhiệm xã hội dưới góc nhìn của các lý thuyết

Cổ phần hóa ở một số quốc gia trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Cổ phần hóa ở một số quốc gia trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hoạt động Kiểm toán Nhà nước đối với gian lận chuyển giá

Hoạt động Kiểm toán Nhà nước đối với gian lận chuyển giá

Đừng để lỡ cơ hội 4.0

Đừng để lỡ cơ hội 4.0

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh