- Về áp dụng tỷ giá trong kế toán Thuế Xuất nhập khẩu và Thuế Tiêu thụ đặc biệt theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và Nghị định 08/2015/NĐ-CP
- Kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất - Từ lý luận đến thực tiễn
- Kế toán và kiểm toán Việt Nam hội nhập cộng đồng ASEAN
- Một số ý kiến về việc vận dụng nguyên tắc giá trị hợp lý vào việc lập và trình bày BCTC ở Việt Nam
- Làm rõ nguyên tắc xây dựng và hạch toán về thuế và các khoản thu khác xuất nhập khẩu
Một số giải pháp nhằm hoàn thiện kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng thương mại do các doanh nghiệp kiểm toán độc lập ở Việt Nam thực hiện
|
Ngân hàng thương mại (NHTM) là một trong những đối tượng bắt buộc phải kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) theo quy định của pháp luật tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, các cuộc kiểm toán BCTC NHTM do các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) độc lập thực hiện còn tồn tại một số hạn chế dẫn đến chất lượng cuộc kiểm toán chưa cao và chưa đáp ứng được kỳ vọng của người sử dụng thông tin bên ngoài.
Bài viết xin làm rõ những hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp nhằm hoàn thiện kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT độc lập ở Việt Nam thực hiện.
Với chức năng là trung gian tín dụng, trung gian thanh toán và chức năng tạo tiền, NHTM là một tổ chức có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tình hình hoạt động kinh doanh của NHTM ảnh hưởng đến nhiều chủ thể kinh tế trong xã hội. Thông tin về NHTM đặc biệt là các thông tin trên BCTC được nhiều đối tượng trong nền kinh tế quan tâm. Vì tầm quan trọng của hệ thống NHTM cũng như ảnh hưởng, tác động sâu rộng của NHTM đối với nền kinh tế nên NHTM đã trở thành đối tượng bắt buộc phải kiểm toán độc lập BCTC hàng năm. BCTC đã được kiểm toán của NHTM phải được công bố công khai và phải đảm bảo chất lượng, tin cậy, minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi cho mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin bên ngoài. Điều này dẫn đến kiểm toán BCTC NHTM trở nên cần thiết góp phần đảm bảo được các mục tiêu và yêu cầu đó.
Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động kiểm toán độc lập BCTC NHTM đã được đổi mới, nhưng vẫn còn mang tính kinh nghiệm và chưa đảm bảo tính thống nhất. Do vậy, kết quả kiểm toán còn nhiều hạn chế, độ tin cậy không cao. Nhiều rủi ro lớn thực tế đã xảy ra ở các NHTM mặc dù BCTC đã được kiểm toán như hiện tượng thông đồng rút tiền từ ngân hàng, cho vay không có tài sản đảm bảo, không có khả năng thu hồi vốn ... Điều đó làm mất lòng tin của các đối tượng sử dụng thông tin trên thị trường. Những hiện tượng này xảy ra một phần là do những hạn chế còn tồn tại trong cuộc kiểm toán BCTC NHTM. Những hạn chế lớn đó gồm:
Hiện nay, phần lớn các DNKT Big 4 đều xác định nội dung kiểm toán BCTC NHTM theo phương pháp chu kỳ (theo các hoạt động kinh doanh chính của NHTM). Tuy nhiên, nhiều DNKT ngoài Big 4 có kiểm toán BCTC NHTM (Công ty kiểm toán AASC, A&C, AISC, DFK, AFC...) vẫn đang xác định nội dung kiểm toán theo phương pháp trực tiếp (nội dung kiểm toán chính là kiểm toán các khoản mục trên BCTC NHTM). Việc xác định nội dung kiểm toán theo phương pháp trực tiếp có một số hạn chế như khối lượng nhiều, chồng chéo, khó kết nối với kết quả đánh giá hệ thống KSNB và phương pháp tiếp cận kiểm toán trên cơ sở rủi ro (đi theo từng hoạt động kinh doanh) do đó phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng cuộc kiểm toán BCTC NHTM. Bên cạnh đó, nhiều DNKT dù đã xác định nội dung kiểm toán theo các hoạt động kinh doanh nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể cho các KTV trong từng nội dung kiểm toán theo hoạt động kinh doanh cần phải đi vào kiểm tra những loại giao dịch, số dư tài khoản, thông tin thuyết minh nào và cần đưa ra ý kiến xác nhận đối với những thông tin cụ thể gì trên BCTC NHTM.
- Trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán
Trong giai đoạn này, bước đánh giá rủi ro hợp đồng và chấp nhận /duy trì khách hàng kiểm toán vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với các DNKT ngoài Big 4. Tại các DNKT này, khâu này được thực hiện khá đơn giản, chưa chi tiết, cụ thể, ít thấy những mô tả, phân tích, xét đoán của KTV về các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đánh giá rủi ro và chấp nhận hợp đồng như môi trường kinh doanh, các rủi ro do gian lận...
- Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán
Trong giai đoạn này, các DNKT còn tồn tại một số hạn chế tại các khâu sau:
- Bước tìm hiểu về NHTM và môi trường hoạt động của NHTM trong đó có KSNB
Tại nhiều DNKT (đặc biệt là DNKT ngoài Big 4) khâu này còn khá sơ sài, nhiều thông tin không được tìm hiểu chi tiết, cụ thể để có hiểu biết sâu về NHTM giúp phục vụ cho quá trình đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trên BCTC của NHTM.
- Bước tìm hiểu về quy trình lập BCTC và các hoạt động kinh doanh quan trọng của NHTM bao gồm môi trường công nghệ thông tin liên quan đến BCTC của NHTM
Tương tự như hạn chế tại bước trên.
- Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán
Trong giai đoạn này, các DNKT còn tồn tại một số hạn chế tại các bước sau:
- Bước thực hiện các thử nghiệm kiểm soát để kiểm tra hiệu quả KSNB của NHTM
Nhiều DNKT (đặc biệt là DNKT ngoài Big 4) thực hiện rất ít hoặc khá sơ sài các thử nghiệm kiểm soát đồng thời việc ghi chép lại cách làm và cũng như kết quả kiểm tra hiệu quả KSNB trên các giấy tờ làm việc cũng rất hạn chế.
- Bước thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản
Điểm hạn chế nổi bật trong khâu này là các DNKT (đặc biệt các DNKT ngoài Big 4) chưa tận dụng hiệu quả thủ tục phân tích cơ bản để xử lý các rủi ro đã đánh giá. Các DNKT chủ yếu chỉ sử dụng kỹ thuật phân tích xu hướng với việc so sánh số liệu thực tế kỳ này với kỳ trước mà không so sánh với số liệu bình quân ngành hoặc NHTM có cùng quy mô. KTV cũng rất ít sử dụng kỹ thuật phân tích ước tính. Ngoài ra, KTV rất ít tận dụng các ứng dụng vẽ biểu đồ, sơ đồ trong exel để mô tả những mối quan hệ tương quan giữa các chỉ số nhằm phát hiện ra bất thường và những sai sót trên BCTC NHTM.
Tại một số DNKT, công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán BCTC NHTM nói riêng chưa được coi trọng đúng mức và mang tính hình thức. Việc thực hiện còn nhiều điểm hạn chế, kém hiệu quả và không kịp thời, thường xuyên.
- Về phía các DNKT: Thiếu kinh nghiệm, thiếu đội ngũ KTV và chuyên gia giỏi về kiểm toán BCTC NHTM; thiếu các phương tiện và cơ sở vật chất hỗ trợ quá trình kiểm toán; chưa xây dựng quy trình kiểm toán BCTC riêng cho lĩnh vực ngân hàng; công tác đào tạo và thu hút nhân tài còn yếu.
- Về phía KTV: chưa chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm và kỹ năng để kiểm toán BCTC NHTM.
- Về phía Nhà nước: Hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập BCTC cũng như việc lập và trình bày BCTC NHTM còn chưa đồng bộ, nhất quán.
- Về phía Hiệp hội nghề nghiệp: Hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng như hoạt động hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho KTV kiểm toán lĩnh vực NHTM còn yếu.
- Về phía NHTM: Bản thân một số NHTM chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc lập, trình bày và công bố trung thực, hợp lý thông tin trên BCTC.
Trước tiên, các DNKT nên xây dựng quy trình kiểm toán BCTC riêng và biên soạn cuốn Cẩm nang hướng dẫn chi tiết kiểm toán BCTC NHTM. Trong quy trình và cuốn cẩm nang này cần hoàn thiện về các vấn đề sau:
Các DNKT nên xác định nội dung kiểm toán BCTC NHTM theo các hoạt động kinh doanh của NHTM (phương pháp chu kỳ). Theo phương pháp này, nội dung kiểm toán BCTC NHTM sẽ bao gồm: Kiểm toán hoạt động tín dụng, kiểm toán hoạt động huy động vốn, kiểm toán hoạt động thanh toán, kiểm toán hoạt động đầu tư, kiểm toán hoạt động kinh doanh ngoại hối… Bên cạnh đó, các DNKT cũng cần cụ thể hóa các loại giao dịch, số dư tài khoản, thông tin thuyết minh cần kiểm tra và các thông tin có liên quan trên BCTC cần đưa ra ý kiến nhận xét sau khi kết thúc từng nội dung kiểm toán nêu trên trong biên bản kiểm toán.
a) Hoàn thiện giai đoạn chuẩn bị kiểm toán
Trong giai đoạn này, các DNKT cần hoàn thiện bước đánh giá rủi ro hợp đồng, chấp nhận và duy trì khách hàng thông qua các giải pháp như: Thiết kế lại mẫu biểu và thực hiện bước này theo hướng tăng nội dung các câu hỏi - đáp dạng mở, tăng các nội dung yêu cầu KTV phải mô tả chi tiết, phân tích, xét đoán về các yếu tố ảnh hưởng đến đánh giá rủi ro chấp nhận hợp đồng, đặc biệt nội dung về “Đánh giá rủi ro gian lận”. Các DNKT nên thiết kế các Bảng phỏng vấn về gian lận riêng đối với các nhóm đối tượng có liên quan như Ban điều hành, Bộ phận kiểm toán nội bộ, Ban quản trị...
b) Hoàn thiện giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán
Trong giai đoạn này, các DNKT cần hoàn thiện một số bước sau:
- Bước tìm hiểu về NHTM và môi trường hoạt động của NHTM trong đó có KSNB
Các DNKT cần tìm hiểu sâu và chi tiết hơn về NHTM và môi trường kinh doanh của NHTM nhằm đảm bảo việc xác định và đánh giá rủi ro được hiệu quả hơn. Để thực hiện điều này, dựa vào hướng dẫn chung của VACPA (mẫu A300), các DNKT có thể thiết kế thêm một số mẫu biểu với các câu hỏi chi tiết, cụ thể về các vấn đề quan trọng như: các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến NHTM, các rủi ro chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng ngày của NHTM, các biện pháp quản lý rủi ro mà NHTM đang thực hiện để ngăn ngừa và phát hiện các rủi ro đó (Quản lý tài sản nợ có; Quản lý rủi ro thanh khoản; Quản lý rủi ro lãi suất; Quản lý rủi ro tín dụng…). Trong giai đoạn này, KTV cũng phải tìm hiểu sâu về các thành phần KSNB của NHTM. Những tìm hiểu này sẽ giúp KTV xác định rủi ro có sai sót trọng yếu ở cả cấp độ tổng thể BCTC và cấp độ cơ sở dẫn liệu của từng loại giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh tại từng khu vực có rủi ro trên BCTC NHTM.
- Hoàn thiện khâu tìm hiểu chu trình lập BCTC và các hoạt động kinh doanh quan trọng trong đó có tìm hiểu về môi trường công nghệ thông tin của NHTM
Giải pháp hoàn thiện tương tự như bước tìm hiểu về NHTM và môi trường hoạt động của NHTM nêu trên. Trong bước này, KTV cần khảo sát chi tiết, cụ thể về các bước kiểm soát, các thủ tục kiểm soát mà NHTM đã thiết lập tại từng chốt kiểm soát, các thiếu sót trong KSNB từ đó đánh giá những rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát có thể còn tồn tại trên BCTC NHTM. Kết quả tìm hiểu tại bước này cũng giúp KTV đánh giá hiệu quả KSNB nhằm dự kiến chiến lược kiểm toán có dựa vào KSNB của NHTM hay không để xác định nội dung, thời gian và phạm vi các thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản phù hợp nhất để xử lý các rủi ro đã đánh giá.
Tại bước này, KTV cũng cần lưu ý hoàn thiện khâu ghi chép giấy tờ làm việc và các tài liệu chứng minh cho sự hiểu biết của mình về chu trình lập BCTC, các hoạt động kinh doanh quan trọng của NHTM như phương pháp Bảng câu hỏi phỏng vấn, sơ đồ ((Flowchart) hay Lưu ký (memorandum).
c) Hoàn thiện giai đoạn thực hiện kiểm toán
- Hoàn thiện bước kiểm tra hiệu quả của hệ thống KSNB: Bổ sung các mẫu giấy tờ làm việc và tài liệu hướng dẫn chi tiết để thực hiện các thử nghiệm kiểm soát. Tăng cường nội dung, thời gian, phạm vi và nhân sự thực hiện các thử nghiệm kiểm soát hơn nữa. Ghi chép đầy đủ các bước công việc và kết quả thực hiện các thử nghiệm kiểm soát vào các giấy tờ làm việc để làm bằng chứng kiểm toán cũng như để các cấp soát xét có thể kiểm soát chất lượng công việc.
- Hoàn thiện việc áp dụng các thủ tục phân tích cơ bản: Cần tăng cường hơn nữa việc vận dụng các thủ tục phân tích cơ bản trong cuộc kiểm toán. Trong thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản cần bổ sung kỹ thuật phân tích ước tính, bổ sung việc so sánh giữa số liệu thực tế với số liệu kế hoạch, dự toán, với số liệu bình quân ngành. Đồng thời, nên sử dụng các kỹ thuật vẽ sơ đồ, biểu đồ trong exel để biểu thị các mối quan hệ giữa các chỉ tiêu nhằm dễ dàng phát hiện ra các sai sót ví dụ mối tương quan giữa số dư cho vay và thu nhập lãi; giữa số dư tiền gửi của khách hàng và chi phí lãi; giữa chi phí tiền lương và số lượng nhân viên; giữa chi phí thuê văn phòng và số lượng chi nhánh và phòng giao dịch...
d) Hoàn thiện kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán
Cần nâng cao ý thức về tầm quan trọng của công tác soát xét chất lượng kiểm toán đối với mọi thành viên trong Công ty; Tăng cường các thủ tục kiểm soát chất lượng ở cấp độ từng cuộc kiểm toán; Tăng cường công tác xây dựng hình ảnh, thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp tại các DNKT Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thực hiện được tốt nhất các giải pháp hoàn thiện kiểm toán BCTC NHTM mà tác giả đã nêu ở trên, tất cả những nguyên nhân từ phía KTV, DNKT, NHTM, Hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan Nhà nước cần được khắc phục và tháo gỡ một cách đồng bộ./.
Tài liệu tham khảo
1. Học viện Tài chính (2013), Giáo trình lý thuyết kiểm toán, NXB Tài chính, Hà nội.
2. Học viện Tài chính (2012), Giáo trình quản trị tín dụng ngân hàng thương mại, Nxb Tài chính, Hà nội.
3. Hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam,
4. Các trang web và tạp chí về kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của Ths. NCS. Phí Thị Kiều Anh - Học viện Tài chính