- Giải pháp nâng cao hệ thống thông tin kế toán trong giai đoạn hội nhập
- Chuẩn mực kế toán Việt Nam: Bàn về chi phí đi vay
- Hoàn thiện hệ thống BCTC của các DN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
- Thủ tục phân tích trong kiểm toán BCTC
- Kế toán tài sản dài hạn chờ bán
Lập và trình bày BCTC theo TT 200/2014/TT-BTC
|
Lập báo cáo tài chính năm và trình bày các thông tin trên báo cáo tài chính sao cho đáng tin cậy và trở nên hữu ích hơn đối với nhiều đối tượng sử dụng thông tin luôn là vấn đề quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Việc thông tư 200/2014/TT-BTC ra đời, thay thế quyết định 15/2006/QĐ-BTC đã có nhiều chính sách kế toán thay đổi.
Nhiều luận bàn đã diễn ra trong các diễn đàn khoa học về ưu điểm cũng như những điểm bất hợp lý của chế độ kế toán mới. Đặt mình ở vị trí của người lập báo cáo tài chính trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp lý về kế toán hiện hành, tác giả nêu lên những lưu ý cơ bản trong quá trình lập và trình bày thông tin trên báo cáo tài chính nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
- Báo cáo tài chính phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện hơn là hình thức pháp lý của các giao dịch và sự kiện đó (tôn trọng bản chất hơn hình thức). Hình thức pháp lý ở đây nói đến là bộ hồ sơ chứng từ có thể bao gồm hợp đồng kinh tế, hóa đơn tài chính, biên bản giao nhận, thanh lý hợp đồng… chứng minh cho việc giao dịch đã phát sinh. Theo nguyên tắc này, kế toán cần phải đưa ra xét đoán chuyên môn của mình để đánh giá và nhận biết bản chất của giao dịch, từ đó ghi nhận trong báo cáo tài chính một cách phù hợp. Ví dụ, trong một giao dịch mua bán hàng hóa lòng vòng khép kín (người bán đồng thời là người mua lại hàng hóa ở điểm cuối cùng của vòng tròn), nếu dùng “hình thức” để lấn át “bản chất” thì doanh nghiệp bán có thể dựa trên những bộ hồ sơ chứng từ để ghi nhận tăng doanh thu hàng hóa bán ra, đồng thời ghi tăng khoản phải thu với cùng một giá trị. Như thế, cả doanh thu lẫn tổng tài sản của doanh nghiệp bán đều được ghi tăng và có thể tạo một bức tranh đẹp hơn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của công ty. Nhưng khi áp dụng đúng nguyên tắc “bản chất hơn hình thức” thì các giao dịch mua bán này sẽ không đủ điều kiện ghi nhận doanh thu trong báo cáo tài chính.
- Doanh nghiệp cần phải đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp để xác định phương pháp lập báo cáo phù hợp. Phổ biến là Báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, trừ khi doanh nghiệp có ý định cũng như buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình. Khi đánh giá, nếu giám đốc doanh nghiệp biết được rằng có những điều không chắc chắn liên quan đến các sự kiện hoặc các điều kiện có thể gây ra sự nghi ngờ lớn về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp thì những điều không chắc chắn đó cần được nêu rõ. Nếu báo cáo tài chính không được lập trên cơ sở hoạt động liên tục, thì sự kiện này cần được nêu rõ, cùng với cơ sở dùng để lập báo cáo tài chính và lý do khiến cho doanh nghiệp không được coi là đang hoạt động liên tục.
- Theo hướng dẫn ghi chép vào tài khoản kế toán theo thông tư 200/2014/TT-BTC thì số dư các tài khoản chưa sẵn sàng cho việc lập báo cáo tài chính do cách phân loại tài khoản kế toán khác với cách phân loại tài sản và nợ phải trả trên báo cáo tài chính. Do vậy, từ sổ chi tiết các tài khoản, kế toán doanh nghiệp cần phải tiến hành phân loại chi tiết theo nguyên tắc trình bày báo cáo tài chính qui định tại điều 102 thông tư 200.
- Tài sản và nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt. Chỉ thực hiện bù trừ khi tài sản và nợ phải trả liên quan đến cùng một đối tượng, có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện cùng loại.
- Các thông tin trọng yếu phải được giải trình để giúp người đọc hiểu đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
- Khi lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp giữa các đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới trực thuộc không có tư cách pháp nhân, đơn vị cấp trên phải thực hiện loại trừ tất cả số dư của các khoản mục phát sinh từ các giao dịch nội bộ, như các khoản phải thu, phải trả, cho vay nội bộ…. giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.
- Các chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Bảng cân đối kế toán. Doanh nghiệp chủ động đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.
B. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN ĐỂ LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Nhằm tiết kiệm thời gian lập báo cáo tài chính cuối năm, về cơ bản, chúng ta nên tiến hành như sau:
- Tập hợp chứng từ phát sinh của 12 tháng, kiểm tra chứng từ tập hợp được với các báo cáo thuế đã kê khai theo định kỳ đã nộp cho cơ quan thuế (số hóa đơn thiếu hay đủ, nội dung kê khai đúng hay sai, …)
- Xem lại báo cáo tài chính năm trước, lấy số dư của các tài khoản năm trước sang làm số dư đầu kỳ năm nay, đặc biệt lưu ý đến các tài khoản có tiểu khoản do dễ bị nhầm lẫn. Năm 2015, do có sự thay đổi lớn về hệ thống tài khoản giữa thông tư 200/2014/TT-BTC với quyết định 15/2006/QĐ-BTC nên cần có sự chuyển đổi số dư theo hướng dẫn tại điều 126 của thông tư 200/2014/TT-BTC.
- Rà soát lại các bút toán hạch toán chứng từ theo từng hàng tháng theo quy định. Về doanh thu, lưu ý phân biệt rõ doanh thu bán hàng, doanh thu hoạt động tài chính, thu nhập khác. Về chi phí, phân biệt rõ và ghi chép đúng vào các khoản mục giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí hoạt động tài chính, chi phí khác. Mục xác định giá vốn cần lưu ý cách tính giá xuất nhập kho, vì thông tư 200/2014/TT-BTC đã bỏ phương pháp nhập sau xuất trước và thêm vào đó là phương pháp bán lẻ. Việc xác định giá xuất nhập kho trong 2 năm áp dụng 2 phương pháp khác nhau, sẽ cho ra kết quả khác nhau, do vậy sẽ không có giá trị so sánh. Để cung cấp thông tin hữu ích hơn cho người sử dụng thì kế toán doanh nghiệp cần chuyển đổi số liệu các năm về cùng một phương pháp xuất nhập kho dù rằng điều này không bị bắt buộc phải thực hiện.
- Phân loại tài sản và phân loại nợ phải trả theo đúng qui định: Tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày thành ngắn hạn và dài hạn. Trong từng phần ngắn hạn và dài hạn, các chỉ tiêu được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần, chẳng hạn như: Tài sản hoặc nợ phải trả có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo được phân loại là ngắn hạn. Những tài sản và nợ phải trả không được phân loại là ngắn hạn thì được phân loại là dài hạn. Sau khi phân loại chính xác, kế toán doanh nghiệp thực hiện lên bảng cân đối số phát sinh, bảng cân đối kế toán, bảng kết quả kinh doanh, bảng lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.
- Khi doanh nghiệp lập bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo Thông tư 200 thì cần căn cứ vào các tài liệu sau:
- Bảng Cân đối kế toán;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ kỳ trước;
- Các tài liệu kế toán khác, như sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết các tài khoản và các tài liệu kế toán chi tiết khác.
- Các thông tin về cơ sở lập và trình bày Báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng;
- Trình bày các thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán chưa được trình bày trong các Báo cáo tài chính khác;
- Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các Báo cáo tài chính khác, nhưng lại cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp.
- Khi xử lý chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và do đánh giá lại của giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản trước hoạt động thì ghi vào lãi hoặc lỗ tại thời điểm phát sinh và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại cuối kỳ hạch toán vào lãi/lỗ (điều 69, thông tư 200) chứ không phản ảnh vào tài khoản 413 và treo số dư cho đến khi công trình đi vào hoạt động mới xứ lý lãi/lỗ theo hướng dẫn của quyết định 15/2006 và các thông tư hướng dẫn trước năm 2014.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi, quảng cáo. Thông tư 200/2014.TT-BTC phân biệt khuyến mãi có mua hàng và khuyến mãi không kèm mua hàng và xử lý hạch toán giá vốn hàng khuyến mãi tặng kèm khác nhau, ghi vào tài khoản 632 hoặc tài khoản 641 tùy theo phân loại ở trên. Trong khi trước đó, quyết định 15/2006/QĐ-BTC không phân biệt, giá vốn hàng khuyến mãi chỉ được ghi vào tài khoản 641.
- Bất động sản đầu tư chờ tăng giá để bán sẽ không trích khấu hao (khoản 1.6 điều 39 thông tư 200), đây là điều khác biệt hoàn toàn so với cách làm trước đây theo quyết định 15 là có trích khấu hao.
- Lãi vay mua tài sản cố định không qua đầu tư xây dựng cơ bản thì không phản ảnh vào nguyên giá (điểm d1, khoản 1, điều 35, thông tư 200) trong khi đó, trước đây không qui định rõ.
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định thuê tài chính hạch toán vào tài khoản 133 hoặc 212 nếu thanh toán ngay một lần, nếu trả chậm thì hạch toán vào tài khoản 133 hoặc chi phí (điều 19, thông tư 200). Điều này trước đây tại quyết định 15 hướng dẫn hạch toán vào tài khoản 138, khi có hóa đơn sẽ ghi vào tài khoản 133 hoặc chi phí.
- Chi phí phát hành trái phiếu hạch toán giảm mệnh giá trái phiếu phát hành và phân bổ vào chi phí tài chính (điều 59, thông tư 200) chứ không hạch toán vào tài khoản 242 như trước đây.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, theo thông tư 200, kế toán doanh nghiệp được phép bù trừ trên báo cáo tài chính, trước đây thì hoàn toàn không được bù trừ.
Để thông tin trên báo cáo tài chính đạt chất lượng và làm gì để đo lường được mức độ chất lượng đó đang là một nỗ lực nghiên cứu lớn của các nhà khoa học trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán hiện nay. Những nội dung mà tác giả trình bày trong bài viết này là một góp sức nhỏ cho những nỗ lực ấy.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính, Thông tư 200/2014/TT-BTC về thay đổi chế độ kế toán, 2015
2. Bộ Tài chính, Quyết định 15/2006/QĐ-BTC Chế độ kế toán doanh nghiệp, 2006.
Bài của ThS. Vũ Thị Bích Quỳnh - Khoa Tài chính, Kế toán - Trường Cán bộ QLNN & PTNT 2 – Hội viên Hội Kế toán TP Hồ Chí Minh