Khó khăn, thách thức trong đào tạo IFRS tại các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam


IFRS là bộ Chuẩn mực do IASB ban hành, quy định về việc lập và trình bày các báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN), được thừa nhận và áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Việt Nam hiện vẫn chưa chính thức cam kết sẽ áp dụng và triển khai IFRS. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn đa quốc gia, thì đòi hỏi sớm hoặc muộn các DN Việt Nam cũng cần thực hiện việc lập BCTC của mình theo IFRS, để nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư.

Do đó, việc đào tạo các kế toán viên có trình độ chuyên môn và hiểu biết về IFRS là yêu cầu tất yếu của các trường đại học và cao đẳng hiện nay. Bài viết chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc đào tạo IFRS, tại các trường Đại học và Cao đẳng ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp, nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức, để công tác đào tạo IFRS cho các sinh viên ngành kế toán ngày càng hoàn thiện hơn.

Cho tới nay, các DN Việt Nam vẫn lập báo cáo theo các Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). VAS đã và đang được giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng.

Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập trong khu vực ASEAN, việc duy trì VAS cho việc lập BCTC của các DN được xem là một trong những rào cản để tăng cường minh bạch hóa BCTC theo chuẩn thế giới, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và các cơ quan có liên quan đã phối hợp nghiên cứu và ban hành Báo cáo Việt Nam 2035, trong đó có nhấn mạnh đến định hướng áp dụng IFRS cho các DN Việt Nam theo lộ trình từng bước và toàn phần, bắt đầu từ năm 2020. Tiến tới hội nhập sâu, rộng với thế giới trong lĩnh vực kế toán kiểm toán nói riêng và phát triển bền vững Việt Nam nói chung.

Chính vì thế, nhu cầu đào tạo IFRS tại các trường Đại học và Cao đẳng trong thời gian sắp tới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và trở thành một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm hàng đầu hiện nay. Trong tiến trình đó, các trường Đại học và Cao đẳng của Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, để có thể xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực cho quá trình đào tạo, khắc phục được các trở ngại phát sinh trong việc tiếp cận IFRS cho sinh viên, cũng như chuẩn hóa trình độ người học phù hợp với nhu cầu mới.

Thực trạng vận dụng IFRS tại Việt Nam

Phần lớn các DN đang áp dụng VAS và trên thực tế các chuẩn mực này chưa cập nhật, phản ánh đúng bản chất kinh tế thị trường cũng như tương đồng với các chuẩn mực IFRS. Do vậy, BCTC của các DN Việt Nam hiện đang bị đánh giá chưa minh bạch, không phản ánh đúng tình hình tài chính và kinh doanh của tổ chức.

VAS được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế IAS /IFRS theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế và trình độ quản lý của các DN Việt Nam. Đến nay, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được VAS giải quyết thấu đáo, như việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, việc kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro,... chưa có hướng dẫn cụ thể.

Năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành Chế độ kế toán DN, theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC (thay thế Quyết định số 15/2006 ngày 20/03/2006) hướng đến việc ghi nhận kế toán chú trọng về bản chất hơn là giao dịch, Thông tư số 202/2014/TT-BTC về hướng dẫn lập BCTC hợp nhất, Luật Kế toán 88/2015/QH13. Các Luật và thông tư mới này, đã góp phần nâng cao chất lượng của BCTC, cung cấp các thông tin đáng tin cậy, phục vụ việc ra quyết định kinh tế và thu hẹp khoảng cách giữa Chế độ Kế toán DN Việt Nam với IAS /IFRS.

Những thuận lợi trong quá trình vận dụng IFRS tại Việt Nam:

-          Là một trong những tiêu chí để quốc tế công nhận là một nền kinh tế thị trường.

-          Nâng cao tính trung thực và minh bạch của BCTC, góp phần hỗ trợ tối đa cho các tổ chức và cá nhân có liên quan.

-          Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Những khó khăn và thách thức:

-          Thị trường tài chính và thị trường vốn chưa phát triển mạnh mẽ, để có thể hỗ trợ cho quá trình vận dụng IFRS.

-          Thị trường hoạt động (active market) đang trong quá trình hình thành và phát triển, gây khó khăn cho việc áp dụng giá trị hợp lý (fair value) trong đo lường tài sản, nợ phải trả,...

-          Khối DN Nhà nước (gồm những công ty có lợi ích công chúng) vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong nền kinh tế quốc dân và những trở ngại cũng như chậm chạp, trong tiến trình vận dụng IFRS ở những đơn vị SOE này.

-          Bản thân nội tại IFRS cũng có một số rào cản nhất định như: Phù hợp với các nền kinh tế phát triển hơn là nền kinh tế chuyển đổi, yêu cầu một số kỹ thuật phức tạp và ước tính chủ quan, rào cản về ngôn ngữ,...

-          Nguồn nhân lực cho việc đào tạo IFRS tại Việt Nam hiện nay còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

-          Quan điểm bảo thủ, chậm đổi mới, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu của một số bộ phận các nhà hoạch định chính sách và cơ quan Nhà nước.

Các quan điểm vận dụng IFRS tại Việt Nam trong thời gian sắp tới

Một là, Quan điểm truyền thống:

Quan điểm này cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, ban hành VAS dựa trên IFRS với một số sửa đổi, bổ sung, không áp dụng toàn bộ IFRS (full adoption). Trên cơ sở đó, VAS sẽ áp dụng cho tất cả các DN có lợi ích công chúng, SOE và các DN khác (ngoại trừ SME có chế độ kế toán riêng) và trong tương lai chưa định trước mới xem xét áp dụng IFRS từng phần và toàn bộ.

Mặc dù trong ngắn hạn, quan điểm này sẽ không gây áp lực nhiều cho Việt Nam trong quá trình vận dụng IFRS, nhất là trong điều kiện chưa hoàn thiện và đồng bộ về nhân lực và vật lực. Nhưng xét lợi ích toàn bộ, thì sẽ ngăn cản cơ hội phát triển và hội nhập cho các DN Việt Nam trong thị trường thế giới.

Hai là, Quan điểm cải cách:

Nhiều chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên áp dụng nguyên vẹn bộ IFRS, chứ không nên áp dụng theo kiểu từng phần như một số quốc gia. Sở dĩ như vậy, bởi khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không muốn gặp rắc rối kiểu chuẩn mực IFRS bị “Việt Nam hóa”. Nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, họ nhận được nhiều lợi ích hơn ở các quốc gia mà họ đầu tư áp dụng nguyên vẹn chuẩn mực IFRS so với các nước chỉ áp dụng 80-90% chuẩn mực này. IFRS là ngôn ngữ kế toán quốc tế, nên việc áp dụng nguyên vẹn sẽ giúp các tổ chức cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư nước ngoài dễ giao tiếp với nhau hơn,...

Mặc dù, quan điểm này lúc đầu sẽ gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi chi phí lớn nhưng với lợi ích to lớn mang lại về sau, nên cũng cần phải được cân nhắc.

Thừa nhận những giá trị tích cực mà IFRS mang lại, nhưng theo định hướng chính sách của Bộ Tài chính, việc xem xét áp dụng IFRS vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chuyển đổi, đòi hỏi cần có lộ trình phù hợp trước khi tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS.

Ba là, Lộ trình dự kiến chuyển đổi từ VAS sang IFRS:

Báo cáo Việt Nam 2035, được công bố mới đây, đưa ra đề xuất cần thống nhất với IFRS, nhằm phát triển các thị trường vốn theo chiều sâu và thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng với tầm nhìn Việt Nam 2035, các chính sách của ASEAN cũng như theo kịp đà phát triển của những nền kinh tế thành công khác, trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng trên thị trường phẳng toàn cầu với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN,...

- Dự kiến đến 2020, sẽ lựa chọn và tuyên bố áp dụng khoảng 20 IFRS đơn giản trước; Trong quá trình đó sẽ tìm kiếm một số đối tượng có trình độ phát triển để áp dụng thí điểm;

- Đến 2023 áp dụng khoảng 30 IFRS;

- Đến 2025 áp dụng toàn bộ IFRS;

- Ngoài ra, vẫn ban hành lại và ban hành mới VAS /VFRS cho các đối tượng không áp dụng IFRS.

Những khó khăn, thách thức trong việc đào tạo IFRS tại các trường đại học và cao đẳng Việt Nam

Về phía các cơ quan chức năng

Thứ nhất, trình độ nhân lực của các cơ quan hữu quan cũng còn hạn chế nên chậm trễ trong việc ban hành các thông tin có liên quan đến IFRS như sửa đổi các VAS, hay các thông tư hướng dẫn phục vụ cho quá trình đào tạo IFRS.

Thứ hai, chuyên gia đào tạo về IFRS hiện nay tại Việt Nam còn thiếu rất nhiều về số lượng, yếu về chất lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm.

Thứ ba, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan ban hành chính sách với các chuyên gia IFRS có kinh nghiệm cũng như với các tổ chức đào tạo chuyên nghiệp như ACCA, CPA để có thể cho ra được các chính sách thích hợp phục vụ cho chiến lược, hướng tới việc đào tạo và áp dụng IFRS cho Việt Nam.

Về phía các trường đại học và cao đẳng

Thứ nhất, các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam, hiện chưa có chương trình đào tạo về IFRS một cách hệ thống. Hầu như các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt các trường nhóm giữa và nhóm dưới chưa đưa các nội dung của IFRS vào chương trình đào tạo cho sinh viên hoặc có chăng, thì chỉ đưa vào giới thiệu trong môn Kế toán quốc tế, dẫn đến tình trạng sinh viên khi ra trường chưa biết gì về IFRS. Chính vì vậy, kinh nghiệm giảng dạy IFRS tại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam nhìn chung rất hạn chế, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai việc đào tạo cũng như chất lượng giảng dạy IFRS tại các trường đại học và cao đẳng. Hiện mới chỉ có một số ít các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như Hiệp Hội Kế toán Anh quốc (ACCA), Hiệp Hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) có chương trình đào tạo IFRS cho một số ít học viên. Một số công ty kiểm toán như các công ty trong nhóm Big 4 cũng mới chỉ đào tạo IFRS chủ yếu cho các nhân viên trong công ty.

Thứ hai, các giáo trình và tài liệu về IFRS, hiện nay chủ yếu chỉ có những tài liệu liên quan bằng Tiếng Anh, khả năng tiếp cận cũng khá hạn chế, còn các tài liệu bằng Tiếng Việt hầu như không có và cũng không kịp cập nhật với những thay đổi của IASB theo từng quý, từng năm. Điều này chính là trở ngại không nhỏ cho các giảng viên và sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam khi muốn đi sâu tìm hiểu về IFRS cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan của bộ chuẩn mực này.

Thứ ba, hiện Bộ Tài chính cũng chưa ban hành các văn bản để định hướng rõ ràng lộ trình áp dụng và triển khai IFRS tại Việt Nam sẽ theo hướng nào, sử dụng đúng nguyên mẫu của IFRS hay bổ sung, sửa đổi các VAS theo hướng của IFRS, do đó cũng gây khó khăn cho các trường đại học và  cao đẳng, trong việc định hướng giảng dạy IFRS cho các sinh viên ngành kế toán. Thực tế thì, hiện tại các DN Việt Nam vẫn phải thực hiện công tác kế toán và lập BCTC theo hướng dẫn của Thông tư 200/2014/TT-BTC. Do vậy, việc giảng dạy kế toán cho sinh viên cũng vẫn phải theo thông tư này.

Thứ tư, chưa có các chế độ chính sách phù hợp để khuyến khích đội ngũ giảng viên và sinh viên thực hiện các đề tài, dự án tìm hiểu về IFRS cũng như tham gia biên soạn, biên dịch các giáo trình, tài liệu về IFRS.

Về phía người dạy

Thứ nhất, đây là bộ chuẩn mực còn khá mới mẻ, mới chỉ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và tiếp tục phát triển chứ chưa có sự ổn định. Hàng năm, IASB đều tiến hành xem xét lại các IAS /IFRS để có sự bổ sung, sửa đổi những IAS /IFRS đã được ban hành. Đồng thời, ban hành thêm các IFRS mới nên khi đưa vào giảng dạy cho sinh viên đòi hỏi giảng viên phải liên tục cập nhật và tìm đọc những bổ sung, sửa đổi cũng như các IFRS được ban hành mới. Đây là một thách thức không nhỏ, đối với những giảng viên phải đảm nhận giảng dạy về IFRS.

Thứ hai, IFRS là bộ chuẩn mực được thiết kế dựa trên các nguyên tắc. Do đó, thách thức cơ bản trong giảng dạy và đào tạo IFRS tại Việt Nam là việc người dạy kế toán cần có kiến thức tốt để giảng dạy IFRS bằng việc sử dụng phương pháp dựa trên các nguyên tắc. Đây là phương pháp nhấn mạnh vào việc giảng dạy các khái niệm cơ bản thay vì các quy tắc hạch toán, giúp cho sinh viên có khả năng phát hiện và tự tìm ra các giải pháp, mà không phải thông qua việc học thuộc lòng các quy tắc và bút toán hạch toán kế toán. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này chưa được áp dụng phổ biến trong giảng dạy kế toán tại các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam. Hiện tại, việc giảng dạy kế toán tại Việt Nam hiện nay, chủ yếu vẫn dựa trên các quy tắc được hướng dẫn từ các Quyết định, Thông tư về Chế độ Kế toán, do Bộ Tài chính ban hành.

Thứ ba, để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy dựa trên vấn đề cho IFRS, người dạy kế toán cần phải được tiếp cận đến các phương pháp giảng dạy sáng tạo như mô phỏng, đóng vai, học dựa trên giải quyết vấn đề ... Tuy nhiên, cơ hội để tiếp cận đến nguồn tài liệu kế toán để tăng cường giảng dạy IFRS là rất hạn chế, do hầu hết các thư viện tại các trường đại học Việt Nam hiện nay chưa được chuẩn hóa quốc tế nên hạn chế khả năng tiếp cận của giảng viên. Ngoài ra, các trường cũng chưa có chính sách hỗ trợ về tài chính nên giảng viên phải tự bỏ tiền túi để đăng ký thuê bao các trang thông tin trên mạng.

Thư tư, để giảng dạy IFRS có hiệu quả thì giảng viên bên cạnh việc trang bị tốt lý thuyết còn cần có thêm kinh nghiệm thực tế, vì việc giảng dạy IFRS đòi hỏi gắn liền với thực hành thực tế. Tuy nhiên, hầu hết các giảng viên kế toán hiện nay chưa đầu tư để có thêm các chứng chỉ nghề nghiệp kế toán như ACCA, CPA,...

Thứ năm, một bộ phận không nhỏ giảng viên dù đảm nhận giảng dạy kế toán nhưng chưa từng nghe hay biết gì về IFRS hoặc có sự hiểu biết rất hạn chế. Điều này cũng do Việt Nam chưa chính thức cam kết áp dụng và triển khai IFRS nên nhiều giảng viên giảng dạy kế toán cũng chưa quan tâm, chú ý tìm hiểu nhiều về IFRS.

Cuối cùng, rào cản ngôn ngữ cũng là một trở ngại không nhỏ. Trình độ ngoại ngữ trong đội ngũ giảng viên đại học và cao đẳng hiện nay dù đã được cải thiện nhiều so với trước, tuy nhiên không phải tất cả các giảng viên đều có thể đọc và hiểu rõ được toàn bộ nội dung trong các giáo trình và tài liệu về IFRS bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, hiểu được là một chuyện nhưng có thể sử dụng và dịch lại được đầy đủ các nội dung của IFRS bằng tiếng Việt để giảng dạy cho sinh viên lại là chuyện khác.

Về phía người học

Thứ nhất, sinh viên Việt Nam đặc biệt là tại các trường nhóm giữa và nhóm dưới vẫn giữ thái độ học tập rất thụ động, chưa có thói quen tự tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu hay thậm chí là đọc tài liệu. Điều này là trở ngại rất lớn cho việc đào tạo IFRS nói riêng và tất cả các môn học khác nói chung.

Thứ hai, IFRS là bộ chuẩn mực, quy định về việc lập và trình bày các BCTC, được thiết kế dựa trên các nguyên tắc nên khá trừu tượng và khó hiểu với đa số các sinh viên.

Thứ ba, trình độ tiếng Anh của sinh viên là một trong những vấn đề đáng lưu tâm trong quá trình thực hiện việc đào tạo IFRS. Với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn tiếng Anh, cũng như những hạn chế trong việc đào tạo tiếng Anh trong các trường đại học như hiện nay thì sẽ rất khó khăn cho sinh viên trong việc đọc và hiểu tài liệu chuyên ngành cũng như tài liệu về IFRS.

Một số giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, thách thức trong việc đào tạo IFRS tại các trường đại học và cao đẳng

Để công tác đào tạo IFRS tại các trường đại học và cao đẳng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, theo nhóm tác giả, cần phải thực hiện những nhóm giải pháp sau:

Đối với các cơ quan chức năng

Trước hết, Bộ Tài chính, mà cụ thể là Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán cần sớm ban hành các văn bản nêu rõ định hướng áp dụng và triển khai IFRS tại Việt Nam sẽ đi theo hướng nào? áp dụng nguyên mẫu của IFRS hay bổ sung sửa đổi VAS cho phù hợp hơn với IFRS, để làm định hướng cho các trường đại học và cao đẳng trong quá trình đào tạo IFRS.

Thứ hai, xây dựng và phát triển đội ngũ ban hành chính sách về kế toán chuyên gia về IFRS. Ngoài ra, có thể thuê các nhà tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực IFRS để hướng dẫn thêm.

Thứ ba, thành lập các nhóm nghiên cứu, soạn thảo VAS và biên soạn, biên dịch các tài liệu, văn bản về IFRS.

Thứ tư, tổ chức các hội thảo về phát triển IFRS tại Việt Nam, để có thể tiếp thu thêm nhiều thông tin, ý kiến từ các chuyên gia.

Thứ năm, xây dựng các Website diễn đàn về IFRS tại Việt Nam để trao đổi, thảo luận cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các DN, các cơ sở đào tạo và các chuyên gia.

Đối với các trường đại học và cao đẳng

Thứ nhất, cần sớm đưa IFRS vào chương trình đào tạo cho các sinh viên ngành kế toán, và xa hơn nữa là các sinh viên ngành kinh tế. Khi mới triển khai việc đào tạo IFRS cho sinh viên chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình giảng dạy nên hàng năm, các giảng viên đảm nhận giảng dạy IFRS cần tiến hành những buổi sinh hoạt học thuật, hội thảo trong bộ môn hoặc giữa các trường với nhau, để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy IFRS.

Thứ hai, cần phải tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn giảng viên nhanh chóng chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy kế toán dựa trên quy tắc như hiện nay sang phương pháp giảng dạy kế toán dựa trên nguyên tắc, để phù hợp hơn với giảng dạy IFRS. Mời các chuyên gia đào tạo IFRS kinh nghiệm trên thế giới tập huấn cho giảng viên các trường đại học về đào tạo IFRS, hướng đến mô hình đào tạo kế toán gắn liền với IFRS trong thời gian sắp tới, trong các trường đại học tại Việt Nam.

Thứ ba, hỗ trợ giảng viên một cách tối đa trong việc tiếp cận với các nguồn tài liệu cần thiết cho quá trình đào tạo IFRS. Hỗ trợ chuẩn hóa thư viện trong các trường đại học.

Bên cạnh đó, các trường cũng nên có chế độ chính sách khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về IFRS cũng thực hiện biên soạn, biên dịch IFRS để các giáo trình, tài liệu về IFRS bằng tiếng Việt, sẽ ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng và nhiều về số lượng đáp ứng được cho quá trình đào tạo về IFRS.

Đối với người dạy

Cần không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn và khả năng ngoại ngữ, để có thể có đủ trình độ đọc hiểu được các nội dung trong các giáo trình, tài liệu về IFRS của IASB bằng tiếng Anh. Từ đó, tham gia vào việc biên soạn, biên dịch các giáo trình, tài liệu này sang tiếng Việt để đáp ứng cho việc đào tạo. Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật những bổ sung, sửa đổi cũng như các IFRS mới được ban hành, để việc giảng dạy IFRS không bị lỗi thời và lạc hậu.

Bên cạnh đó, các giảng viên giảng dạy kế toán cần đầu tư thêm các chứng chỉ nghề nghiệp kế toán uy tín trên thế giới như CPA, ACCA,...

Đối với người học

Chuẩn hóa đào tạo tiếng Anh cho học sinh từ cấp phổ thông đến đại học, hướng tới tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sử dụng trong đào tạo và học tập như các nước ấn Độ, Singapore, Malaysia,...

Sinh viên cần được nhanh chóng làm quen với mô hình đào tạo kế toán hiện đại phù hợp với IFRS, trong đó sinh viên sẽ đóng vai trò là trung tâm trong quá trình giảng dạy. Vì vậy, bản thân mỗi sinh viên cần nỗ lực, tích cực và chủ động hơn nữa, trong quá trình học tập của mình./.

 

Tài liệu tham khảo

-        Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nhóm Ngân hàng Thế giới (2016), Báo cáo Việt Nam 2035.

-        Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) - Định hướng và lộ trình áp dụng ở Việt Nam - Cán bộ ngành kế toán cần chuẩn bị gì để không tụt hậu? (2016), <http://www.ftmsglobal.edu.vn/ifrs-dinh-huong-va-lo-trinh-ap-dung-o-viet-nam/>

-        Hoàng Thụy Diệu Linh (2015), Giới thiệu Chuẩn mực BCTC quốc tế số 15, <http://ktkt.vanlanguni.edu.vn/chi-tiet-chuyen-san/gioi-thieu-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-so-15-ifrs15-1407.html>.

-        Hướng tới Chuẩn mực BCTC quốc tế (2016),  <http://www.baomoi.com/huong-toi-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-ifrs/c/19921739.epi>.

-        Nguyễn Thị Kim Chung (2016), Chuẩn mực BCTC quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính, 59-60.

-        Paul Pacter (2016), Pocket Guide to IFRS Standards: the global financial reporting language, <http://www.ifrs.org/Use-around-the-world/Documents/2016-pocket-guide.pdf>.

-        Trần Mạnh Dũng & Nguyễn Thúy Hồng (2016), Giảng IFRS trong đào tạo kế toán, Tạp chí Kế toán & Kiểm toán, <http://vaa.net.vn/Tin-tuc/Tin-chi-tiet/newsid/3951/GIANG-IFRS-TRONG-DAO-TAO-KE-TOAN->.

-        Trần Mạnh Dũng & Nguyễn Thúy Hồng (2015), IFRS: 10 năm áp dụng và bình luận, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, 143, 27-29.

-        Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính (2016), Định hướng phát triển chuẩn mực BCTC quốc tế tại Việt Nam.

-        Vũ Hữu Đức (2010), Những vấn đề cơ bản của lý thuyết kế toán, NXB Lao Động, Tp.Hồ Chí Minh.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của Th.s Lê Thị Thanh Huệ - Th.s Phan Hồng Nhung ** Khoa Kế toán tài chính - Trường Đại học Nha Trang

Xem thêm
Xác định đối tượng chịu chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất phần mềm ở Việt Nam hiện nay

Xác định đối tượng chịu chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất phần mềm ở Việt Nam hiện nay

Bằng chứng thực nghiệm về tác động của công bố thông tin trách nhiệm xã hội tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp

Bằng chứng thực nghiệm về tác động của công bố thông tin trách nhiệm xã hội tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp

Nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập

Nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập

Ảnh hưởng của việc áp dụng IFRS 3 (Hợp nhất kinh doanh) - Kế toán lợi thế thương mại đối với giá trị thị trường của doanh nghiệp

Ảnh hưởng của việc áp dụng IFRS 3 (Hợp nhất kinh doanh) - Kế toán lợi thế thương mại đối với giá trị thị trường của doanh nghiệp

Kế toán Doanh thu, Chi phí và Kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp

Kế toán Doanh thu, Chi phí và Kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh