- Sử dụng kỹ thuật thu thập bằng chứng trong hoạt động kiểm toán (Techniques for evidence collection in auditing activities)
- Phát triển nguồn lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao
- Hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của Ngân hàng Thương mại Việt Nam
- Các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập
- Bàn về một số thay đổi trong quy định hiện hành liên quan đến kế toán giao dịch cổ phiếu
Kế toán Việt Nam 30 năm tiếp tục đổi mới và phát triển
|
Năm Đinh Dậu đã đến, một mùa xuân mới bắt đầu. Đồng hành cùng công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước, cách đây vừa tròn 30 năm (1987) cũng là thời điểm bắt đầu đổi mới sự nghiệp Kế toán của Việt Nam. Từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu và bao cấp, chúng ta đã đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, chuyển đổi sang cơ chế hạch toán kinh tế, cơ chế của kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. Chuyển từ cơ chế Nhà nước quản lý kinh tế bằng biện pháp hành chính, sang cơ chế quản lý Nhà nước về kinh tế bằng luật pháp và công cụ kinh tế.
Đây là sự đổi mới căn bản cả về tư duy, nếp nghĩ và cách làm. Vật vã nhiều lắm và phải đánh đổi, trả giá rất nhiều, để có được những thành tựu như hôm nay. Trong đó, thành tựu lớn nhất là, đã và đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế năng động. Kế toán Việt Nam đã thuần túy từ công cụ quản lý của Nhà nước chuyển sang và hình thành công cụ tổ chức hệ thống thông tin kinh tế - tài chính, một dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường, mở cửa, trong một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, một xã hội dân sự, dân chủ và tự do kinh doanh. Mở đầu công cuộc đổi mới Kế toán Việt Nam, bằng việc Quốc hội thông qua và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) ký Quyết định ban hành Pháp Lệnh Kế toán và Thống kê năm 1988. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên và là pháp luật cao nhất về Kế toán của Việt Nam. Tiếp sau đó, năm 1989, Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành các Quyết định về Điều lệ tổ chức Kế toán Nhà nước. Điều lệ kế toán trưởng, xác lập địa vị pháp lý của kế toán và kế toán trưởng, trong thời kỳ đầu đổi mới. Những năm đầu 1990, hàng loạt chế độ kế toán được Bộ Tài chính ban hành, trong đó có Chế độ Kế toán doanh nghiệp; Chế độ Kế toán doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Kế toán ngân sách; Kế toán hành chính - sự nghiệp,... Đây là bước khởi đầu cực kỳ quan trọng, trong việc đổi mới tư duy về kế toán từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, cơ chế thu đủ chi đủ sang cơ chế quản lý kinh tế, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp theo chế độ hạch toán kinh tế. Nhưng quan trọng hơn là, mở cửa nền kinh tế, đón nhận và khuyến khích thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vất vả và ngổn ngang lắm,... Biết bao sự níu kéo với tư duy và kinh nghiệm của cơ chế quản lý thời bao cấp và tư duy nếp nghĩ theo kinh nghiệm và cung cách quản lý của các nước xã hội chủ nghĩa, một phương thức quản lý lỗi thời, nhưng đã có hàng chục năm ăn sâu bén rễ trong nếp nghĩ, cách làm của các nhà quản lý kinh tế, các nhà Kế toán Việt Nam. Chúng ta đã thành công, nhưng là sự thành công ban đầu, trong vật vã và cả sự trả giá. Quan trọng hơn cả, là sự đột phá và bứt phá, để Kế toán Việt Nam cải cách trong những năm 1994 - 1995. Cuộc cải cách đã mang lại sự đổi mới thực sự về bản chất, đổi mới một cách toàn diện, triệt để toàn bộ hệ thống Kế toán Việt Nam, mà kết quả và giá trị của nó còn đến tận hôm nay, dù đã có vài lần sửa đổi, bổ sung. Cái khó trong công cuộc cải cách Kế toán Việt Nam lúc này, không phải là nhận thức cần hay không cần, mà là sự thống nhất về nhận thức: Nên cải cách như thế nào? Đi theo hướng nào? và làm bằng cách nào? ngổn ngang và phức tạp. Hội nhập với thế giới, đi ra thế giới, nhưng không ít sự ngộ nhận, phiến diện và níu kéo. Đã có tư tưởng quá cấp tiến, nhưng nông cạn, vội vã, thấy cây mà không thấy rừng. Một bộ phận không nhỏ đã tiếp cận kế toán Mỹ và ngộ nhận là kế toán quốc tế và hăng hái tuyền truyền quảng bá, trong phạm vi cả nước. Một số ý kiến đã vội vã đưa ra kiến nghị, áp dụng Kế toán Mỹ ở Việt Nam. Lại có người đề nghị và o ép, cần áp dụng Kế toán Pháp ở Việt Nam, vì cho rằng đây là những hệ thống kế toán của thế giới. Trên thực tế, chúng ta chưa đủ lý lẽ và sự hiểu biết cần thiết để phản bác, nên đã phải dung hòa và chấp nhận đưa hệ thống Kế toán Pháp vận hành trong một năm, tại một công ty thuộc Bộ Xây dựng - Công ty Khóa Minh Khai, với mục đích để đối chứng và chứng minh trong thực tế. Rất mừng là, thực tế đã là minh chứng hùng hồn và chứng minh tất cả. Không những không có Kế toán quốc tế mà chỉ có Chuẩn mực quốc tế về Kế toán. Hệ thống kế toán quốc gia, dù có tiên tiến, dù có của quốc gia phát triển cũng không hoàn phù hợp với Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền, một quốc gia có những đặc điểm và trình độ phát triển khác với các quốc gia khác. Chúng ta sẵn sàng hội nhập và hòa nhập với thế giới, nhưng tuyệt đối không hòa tan. Cả nước vào cuộc, cả hệ thống chính trị, toàn thể các chuyên gia Kế toán Việt Nam đã vào cuộc để tìm kiếm, chọn lựa hướng cải cách, đổi mới và phương cách xây dựng hệ thống Kế toán Việt Nam cho những năm đầu đổi mới. Hiếm có cuộc cải cách nào lại huy động đông đảo, tổng lực các nhà kế toán Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà quản lý tài chính, nhiều kế toán trưởng và các giảng viên, các nhà khoa học từ các Viện, trường Đại học lớn trong cả nước. Hàng chục cuộc Hội thảo khoa học, hàng chục cuộc khảo sát, hội nghị bàn thảo, tranh luận và chọn lựa quyết sách. Mọi trí tuệ được huy động, mọi ý kiến được trân trọng và thảo luận công khai. Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công cuộc cải cách và hiếm có Thủ tướng nào trên thế giới giành thời gian hàng chục buổi, kể cả buổi trưa vừa ăn vừa nghe các nhà Kế toán Việt Nam trình bày ý tưởng và phương án xây dựng hệ thống Kế toán cho Việt Nam, chất vấn, trao đổi, gợi ý và nêu những định hướng cần thiết. Để rồi, Thủ tướng đã quyết định và chỉ đạo: Phải xây dựng hệ thống Kế toán Việt Nam phù hợp với đặc điểm kinh tế và quản lý kinh tế của Việt Nam, phù hợp với năng lực và trình độ của Việt Nam, trên cơ sở vận dụng có chọn lọc các nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực kế toán của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.
Hướng đi đã xác định, quan điểm đã rõ ràng. Các nhà kế toán Việt Nam, với bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhiệt huyết đã sớm tìm ra và xây dựng thành công hệ thống kế toán cho Việt Nam. Hệ thống kế toán của một nền kinh tế đang chuyển đổi phù hợp với Việt Nam, trong giai đoạn đầu đổi mới và đặt nền móng lâu dài, cho sự phát triển kế toán Việt Nam cho đến tận ngày nay. Với tất cả sự thận trọng, hệ thống kế toán cải cách đã được áp dụng thí điểm trong cả nước một năm - 1995, tổng kết, đánh giá và Bộ trưởng Tài chính yên tâm, dứt khoát ký Quyết định 1141/QĐ-BTC, ban hành chính thức hệ thống kế toán, áp dụng thống nhất trong cả nước từ ngày 1-1-2016. Cũng trong giai đoạn này, hàng loạt sự kiện diễn ra, đánh dấu những bước phát triển mới của Kế toán, Kiểm toán Việt Nam: Kiểm toán được hình thành, bao gồm cả Kiểm toán Độc lập (kiểm toán dịch vụ), Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán Nội bộ; Tổ chức nghề nghiệp Kế toán và Kiểm toán được thành lập (bắt đầu là Câu lạc bộ Kế toán trưởng các doanh nghiệp). Và sau đó là, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), thành lập Hội đồng Kế toán quốc gia. VAA trở thành thành viên của Liên đoàn quốc tế về Kế toán (IFAC) và thành viên chính thức của Hiệp Hội Kế toán các nước ASEAN (AFA); Kiểm toán Nhà nước là thành viên của INTOSAI và ATOSAI; Hệ thống Chuẩn mực Kế toán, Kiểm toán Việt Nam đã được hình thành và đang tiếp cận, hài hòa với chuẩn mực quốc tế về kế toán, thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán được hình thành và mở cửa.
Trong 30 năm qua, chưa bao giờ vị thế của Kế toán Việt Nam được Luật hóa đầy đủ như hiện nay, với Luật Kế toán, Luật Kiểm toán Độc lập, Luật Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vị thế tổ chức nghề nghiệp đã được xác lập và ngày càng nâng cao, có quy định một điều riêng trong Luật Kế toán. Đây là bước tiến quan trọng, để nâng cao vai trò và vị thế của nghề nghiệp. Đây là kết quả của những nỗ lực, lao động miệt mài của đội ngũ những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam. Và hơn thế, là sự lắng đọng những giọt mồ hôi, xen lẫn cảm xúc và tình yêu nghề nghiệp.
Đã đến lúc, đặt ra vấn đề tiếp tục đổi mới một cách cấp thiết và sâu sắc hơn Kế toán Việt Nam, trong tiến trình hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế. Sao 30 năm đổi mới, cũng vừa lúc để nghiêm túc xốc lại, là cơ hội tiếp tục đổi mới diện mạo kế toán nước nhà. Niềm trăn trở ấy, rất cần sự dốc lòng của các nhà kế toán Việt Nam. Cuộc hành trình tiếp nối hôm nay, có khá nhiều áp lực cho những thế hệ kế toán tiếp bước bởi những bộn bề công việc chưa làm, phải làm, bởi những bước đi vòng vo của đổi mới, những kỳ vọng đổi thay còn bỏ ngỏ.
Ba mươi (30) năm - Một hành trình của sự đổi mới, cũng là những năm tháng kế toán Việt Nam nỗ lực, để thích nghi, để hòa nhập, để phát triển và cung cấp đủ đầy, các thông tin cho quản lý và điều hành kinh tế. Thiết nghĩ, 30 năm đổi mới, đủ đem đến cho các nhà kế toán Việt Nam những làn gió mới, cũng là cách cắm mốc cho sự bứt phá, khởi sắc hơn nữa trong tương lai. Làm được điều ấy, cần lắm những sự quyết liệt của các nhà quản lý Nhà nước về kế toán, của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, của mỗi nhà kế toán, kiểm toán với trách nhiệm và lương tâm cùng tình yêu nghề nghiệp. Điều quan trọng là trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, kiểm toán, vì sự trường tồn và phát triển của kế toán Việt Nam. Người làm kế toán, phải đề cao trách nhiệm với con số, thổi hồn vào con số, phải làm cho mọi số liệu của kế toán, có linh hồn, con số biết nói và con số tin cậy, thực sự hữu ích./.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của PGS TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam