- Một số ý kiến về việc vận dụng nguyên tắc giá trị hợp lý vào việc lập và trình bày BCTC ở Việt Nam
- Làm rõ nguyên tắc xây dựng và hạch toán về thuế và các khoản thu khác xuất nhập khẩu
- Hệ thống kế toán doanh nghiệp và những khoảng trống về kế toán môi trường
- Bàn về kế toán tài sản dài hạn chờ để bán và hoạt động gián đoạn trong doanh nghiệp VN
- Quản lý tài chính của các dự án cho các tổ chức quốc tế tài trợ
Kế toán và kiểm toán Việt Nam hội nhập cộng đồng ASEAN
|
|
Cộng đồng kinh tế ASEAN (tiếng Anh: ASEAN Economic Community- AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN, được thành lập vào cuối năm 2015. AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Hai trụ cột còn lại là: Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
AEC chính là sự đẩy mạnh những cơ chế liên kết hiện có của ASEAN, như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định Khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình Hội nhập Tài chính và Tiền tệ ASEAN,…, để xây dựng ASEAN thành "một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất". Nói cách khác, AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực trên và nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN có bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn tự do hơn. Trước mắt, trong năm 2015 có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.
Tại Việt Nam, sau hơn 20 năm hội nhập trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, chúng ta đã có những thay đổi lớn như cải cách khung pháp lý cho phát triển ngành nghề và dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đó là việc ban hành Luật Kế toán vào năm 2003, năm 2015 Luật Kiểm toán độc lập quy định nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán... Hơn 20 năm phát triển, ngành kiểm toán độc lập Việt Nam từ chỗ chỉ có 2 công ty với 13 nhân viên (năm 1991) đến nay con số này đã tăng lên hơn 140 công ty kiểm toán độc lập hoạt động dưới các hình thức công ty TNHH, công ty tư nhân, công ty liên doanh và công ty hợp danh.
Theo số liệu của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), hiện đang có 10.866 người tham gia làm việc trong lĩnh vực này, tăng 4,11% so với năm 2013. Trong số 10.866 người có 9.543 người là nhân viên chuyên nghiệp, 1.528 người có chứng chỉ kiểm toán viên (KTV) Việt Nam. Trong số 1.528 kiểm toán viên chỉ có 240 người đạt chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế. Năm 2014, các công ty kiểm toán cung cấp các loại hình dịch vụ cho 36.262 khách hàng với tổng doanh số 4.583.134 triệu đồng… Tính đến tháng 8/2015 có 3.496 người được cấp chứng chỉ KTV. Tuy nhiên, số lượng KTV hành nghề hiện nay vẫn thiếu so với nhu cầu do có khoảng gần 1.500 người có chứng chỉ KTV không đăng ký hành nghề kiểm toán.
Số lượng người có bằng đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán ngày càng tăng. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo lại thấp. Nguyên nhân là do các trường chậm đổi mới chương trình đào tạo và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế.
Tính đến hết năm 2014, số lượng người Việt Nam có chứng chỉ kiểm toán quốc tế ACCA là 793 người và CPA úc là 385 người. Số lượng người có chứng chỉ quốc tế có xu hướng tăng qua mỗi năm, tỷ lệ tăng bình quân 2 năm qua là 25%. Tuy nhiên, số lượng người có chứng chỉ quốc tế làm việc trong công ty kiểm toán chỉ có 240 người (Bảng 1và Bảng 2).
Việt Nam đã ký Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN trong việc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Hiệp định khung nêu rõ, các nước ASEAN có thể thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán được cấp bởi các nước ASEAN khác. Lộ trình thực hiện Hiệp định khung này được tiến hành theo từng bước bởi trình độ các nước trong khu vực còn chênh lệch nhiều, bắt đầu từ việc từng nhóm nước tự thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau sau đó mở rộng dần ra cả khu vực.
Hiện tại, Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã thừa nhận cho phép thi chuyển đổi sang Chứng chỉ hành nghề Kiểm toán Việt Nam đối với các tổ chức nghề nghiệp như ACCA, CPA úc, các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài là thành viên của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) … Ngược lại, ACCA cũng đã thừa nhận từng phần chương trình thi KTV Việt Nam (CPA Việt Nam) như: khi thi ACCA, người có chứng chỉ CPA Việt Nam được miễn 6/14 môn thi ở cấp độ Cơ bản. CPA Australia cũng thừa nhận từng phần chương trình thi đối với CPA Việt Nam. Một số người có CPA Việt Nam có trình độ học vấn cao, kinh nghiệm trên 10 năm hoạt động trong ngành và giữ vị trí lãnh đạo, chủ chốt ở những công ty danh tiếng ít nhất 5 năm cũng được CPA Australia xem xét và mời tham gia chương trình xét tuyển với quy trình tuyển chọn gắt gao để cấp chứng chỉ CPA Australia.
Về hiệu suất
Một trong những tiêu chí để đánh giá nguồn nhân lực là hiệu suất, hiểu theo nghĩa khả năng tạo ra doanh thu trên một nhân viên chuyên nghiệp. Bảng dưới đây trình bày tổng hợp hiệu suất của các công ty kiểm toán.
Theo số liệu thống kê ở bảng 3, hiệu suất bình quân là 480 triệu đồng doanh thu /mỗi nhân viên chuyên nghiệp năm 2014, tăng 6% so với năm 2013. Tuy nhiên, hiệu suất của bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big 4) tại Việt Nam vượt xa các công ty kiểm toán còn lại với mức 917 triệu đồng doanh thu /mỗi nhân viên chuyên nghiệp năm 2014, tăng 3% so với năm 2013. Gần 60% doanh thu tập trung ở các công ty kiểm toán lớn Big 4. Các công ty còn lại chủ yếu là các công ty kiểm toán trong nước với mức độ cạnh tranh rất thấp, do quy mô các công ty còn nhỏ thậm chí siêu nhỏ và thiếu về số lượng và chất lượng KTV, trừ 2 công ty có khả năng cạnh tranh là A &C và AASC. Hiệu suất của nhóm các công ty kiểm toán khác (có quy mô nhỏ và siêu nhỏ) chỉ ở mức bình quân khoảng 250 triệu đồng /nhân viên; chỉ bằng 1/4 (25%) so với các công ty thuộc nhóm Big 4.
Mặc dù những vấn đề trình bày ở trên đã cho thấy sự nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập dịch vụ kiểm toán với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm sắp tới Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nhất định đặc biệt đặt trong bối cảnh gia nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Thách thức
Quá trình hội nhập tạo cơ hội cho công dân các nước di chuyển tự do trong khối. Các nước ASEAN phát triển ngành kiểm toán đi trước chúng ta như Singapore, Thailand, Malaysia, Philippines… với số lượng KTV lớn và trình độ ngoại ngữ tốt sẽ chuyển sang nước ta làm việc và cạnh tranh trực tiếp với đội ngũ kế toán, kiểm toán trong nước.
Đội ngũ KTV: Số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo là rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đội ngũ cán bộ kế toán, kiểm toán chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Hiện tại số lượng KTV nắm vững các thông lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế chưa nhiều.
Các công ty kiểm toán: khả năng cạnh tranh của các công ty kiểm toán Việt Nam hiện nay còn thấp so với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Phần lớn các công ty Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực tài chính giới hạn, đội ngũ nhân viên thiếu về số lượng và chất lượng nên chưa đủ tiềm lực để cung cấp dịch vụ sang nước ngoài mà chỉ mới cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong nước.
Như vậy, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực thì có khả năng KTV các nước ASEAN phát triển hơn nước ta như Singapore, Thailand, Malaysia, Philippines có thể sang Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với người lao động nước ta. Do đó, lao động trong nước có thể khó tìm việc ở các công ty kiểm toán lớn (Big 4) ngay trên sân nhà.
Cơ hội
Việc hội nhập AEC tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm hơn cũng như có cơ hội học tập kinh nghiệm từ những quốc gia có bề dày phát triển trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán thông qua các phương thức cung cấp dịch vụ mang tính thương mại quốc tế. Theo đó, công ty kiểm toán ở Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ cho chi nhánh của một doanh nghiệp (DN) Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam; các hãng kiểm toán nước ngoài có thể mở công ty, chi nhánh ở Việt nam để thực hiện việc kinh doanh của mình; các hiệp hội nghề nghiệp như Hội kế toán viên công chứng Anh ACCA, Hội kế toán công chứng Australia… đều có mở văn phòng đại diện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, khi gia nhập vào các hãng kiểm toán, các công ty Việt Nam có thể cử nhân viên trao đổi, học tập, làm việc cũng như tham gia các khóa học các chứng chỉ kiểm toán quốc tế giúp nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên.
Nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài trong quá trình soạn thảo các chuẩn mực kế toán và kiểm toán. Để việc hội nhập thuận lợi, dễ dàng hơn đòi hỏi hệ thống kế toán, kiểm toán phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Quá trình soạn thảo các chuẩn mực kế toán, kiểm toán được huy động sự tham gia của các chuyên gia từ các công ty kiểm toán, các trường đại học trên cả nước và cả các chuyên gia nước ngoài. Điều này giúp cho việc soạn thảo tiến hành thuận lợi và đạt chất lượng cao.
Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, khi làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau sẽ làm tăng tính linh hoạt, khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa - vốn dĩ là một điểm chưa mạnh của Việt Nam sẽ được nâng cao và cải thiện đáng kể.
Để nắm bắt được cơ hội và đương đầu với các thách thức chúng ta cần hành động:
Đối với cơ quan Nhà nước
Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp chiến lược do Chính phủ đã đề ra. Để thực hiện được nhanh cần phải phân định rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của tổ chức nghề nghiệp.
Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán theo hướng phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Để thực hiện được điều này, cơ quan Nhà nước cần huy động sự hợp tác của các chuyên gia đến từ các Bộ, ban ngành có liên quan, các trường đại học, các công ty kế toán - kiểm toán, hội nghề nghiệp… Ngoài ra, cần tranh thủ sự hợp tác của các chuyên gia nước ngoài để học tập kinh nghiệm, trao đổi nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống chuẩn mực Kế toán, Kiểm toán Việt Nam.
Nâng cao vai trò của hội nghề nghiệp như Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) … giúp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hành nghề kế toán, kiểm toán để đảm bảo những người đủ điều kiện mới có thể hành nghề. Có như vậy mới nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của những công ty kiểm toán Việt Nam trên thị trường. Đồng thời, khi những chuẩn mực mới ban hành, hội nghề nghiệp nên mời những chuyên gia trao đổi, cập nhật kiến thức mới thông qua các lớp đào tạo để nâng cao trình độ đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề.
Hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các hội nghề nghiệp trên thế giới để đào tạo đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên đạt trình độ ngang bằng với trình độ của khu vực. Đẩy mạnh việc thỏa thuận, hợp tác giữa các quốc gia trong khối ASEAN để tiến tới công nhận các bằng cấp và chứng chỉ hành nghề lẫn nhau. Thiết lập mối liên kết giữa cơ quan Nhà nước, cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp và DN. Trong đó, các cơ quan Nhà nước, hội nghề nghiệp đóng vai trò ban hành, hướng dẫn DN thực hiện. Trong quá trình thực hiện, DN sẽ đóng góp ý kiến để cơ quan Nhà nước điều chỉnh lại hệ thống văn bản pháp luật phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Đối với các cơ sở đào tạo
Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán quốc tế ISA, IFRS. Mạnh dạn phối hợp và tăng cường hợp tác với ACCA, CPA úc, CIMA... để đổi mới giáo trình đào tạo. Tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế (ACCA, CPA úc, CIMA...) dễ dàng hơn. Đối với sinh viên chuyên ngành kiểm toán cần quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ nâng cao hơn nữa so với hiện nay.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành như Bộ Tài chính, Hội nghề nghiệp trong việc soạn thảo các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới qua đó giúp nhà trường đẩy nhanh việc đổi mới giáo trình một cách toàn diện và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đối với hội nghề nghiệp
Đã xây dựng phần mềm quản lý hội viên hai chiều để theo dõi cả quá trình hoạt động của hội viên theo đúng yêu cầu quốc tế. Hội nghề nghiệp cũng đang nâng cấp chương trình cập nhật kiến thức, tăng cường chất lượng kiểm soát chất lượng hội viên, quản lý đạo đức nghề nghiệp… Trong thời gian tới hội nghề nghiệp cần đổi mới mạnh hơn, nhiều hơn cả về tổ chức, phương thức hoạt động và nội dụng hoạt động để làm trọn chức năng là nơi tập hợp và kiểm soát nghề nghiệp.
Đổi mới chương trình đào tạo: một mặt vừa đào tạo các quy định hiện hành của Nhà nước mặt khác phải phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp ACCA, CPA úc, CIMA đào tạo theo hướng chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế để KTV có thể nâng cao trình độ hơn nữa. Tăng cường hợp tác với các hội nghề nghiệp ở khu vực ASEAN để tăng cường sự hiểu biết và liên thông trình độ giữa các KTV trong khu vực.
Đối với các công ty kế toán, kiểm toán
Các DN cần tạo điều kiện huấn luyện các nhân viên chuyên nghiệp hiểu biết các chuẩn mực kế toán, các chế độ kế toán mới, các quy định về thuế hiện hành và đóng góp các ý kiến về sự ảnh hưởng của việc áp dụng các văn bản pháp quy về kế toán trong thực tế tại DN thông qua các tổ chức nghề nghiệp, các lớp bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ… Khuyến khích nhân viên học các chứng chỉ kiểm toán quốc tế. Phối hợp với các trường đại học thông qua việc phản hồi tích cực về chất lượng sinh viên mới ra trường để các trường đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo và tham gia biên soạn, phản biện giáo trình và đào tạo tại các trường đại học các chính sách chế độ kế toán, kiểm toán mới trên cơ sở ISA, IFRS…/.
Bảng 1: Số lượng hội viên ACCA qua 3 năm 2012- 2014
|
Năm 2012 |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
Số lượng hội viên ACCA tại Việt Nam |
550 |
650 |
800 |
trong đó: Số lượng hội viên là người Việt Nam |
543 |
643 |
793 |
Nguồn: ACCA
Bảng 2: Số lượng hội viên CPA Úc qua 3 năm 2012 - 2014
|
Năm 2012 |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
Số lượng hội viên CPA úc tại Việt Nam |
300 |
420 |
550 |
trong đó: Số lượng hội viên là người Việt Nam |
210 |
294 |
385 |
Nguồn: CPA Úc
Bảng 3: Bảng tổng hợp hiệu suất năm 2013 và năm 2014
Công ty |
Số lượng nhân viên chuyên nghiệp |
Doanh thu (triệu đồng) |
Năng suất năm 2014 (triệu đ/NV chuyên nghiệp) |
Số lượng nhân viên chuyên nghiệp |
Doanh thu (triệu đồng) |
Năng suất năm 2013 (triệu đ/NV chuyên nghiệp) |
Công ty TNHH Deloitte Việt Nam |
675 |
660.083 |
978 |
620 |
582.057 |
939 |
Công ty TNHH KPMG |
787 |
659.250 |
838 |
709 |
617.334 |
871 |
Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam |
760 |
637.798 |
839 |
816 |
622.427 |
763 |
Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers VN |
568 |
601.176 |
1.058 |
541 |
570.991 |
1.055 |
Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC |
353 |
136.287 |
386 |
338 |
130.372 |
386 |
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A &C |
346 |
114.772 |
332 |
357 |
105.445 |
295 |
Công ty TNHH Grant Thornton (Việt Nam) |
177 |
94.569 |
534 |
91 |
52.434 |
576 |
Công ty TNHH kiểm toán DTL |
178 |
65.638 |
369 |
177 |
57.060 |
322 |
Công ty TNHH Marzars Việt Nam |
114 |
61.906 |
543 |
93 |
48.785 |
525 |
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY ACA |
195 |
59.912 |
307 |
95 |
25.540 |
269 |
Các công ty kiểm toán khác |
5.390 |
1.491.743 |
277 |
5.311 |
1.344.180 |
253 |
Tổng cộng |
9.543 |
4.583.134 |
480 |
9.148 |
4.156.625 |
454 |
Nguồn: VACPA, 2013 và 2014
Tài liệu tham khảo
- Current status of the accounting and auditing profession in Asean countries-September 2014-World Bank Group-AFA.
- Tài liệu họp thường niên Giám đốc các công ty kiểm toán năm 2013-2014 và năm 2014-2015 - Hội KTV hành nghề Việt Nam (VACPA).
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của TS. Trần Khánh Lâm – Trưởng đại diện VACPA tại TP Hồ Chí Minh