- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp phi tài chính trên sàn chứng khoán: nhìn từ lý thuyết hành vi có kế hoạch
- Kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp chế biến gỗ khu vực Nam Trung Bộ
- Chất lượng dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam
- Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC của đơn vị hành chính sự nghiệp tỉnh Bình Dương
Kế toán quản trị môi trường trong doanh nghiệp sản xuất Việt Nam: Sự tương đồng và hạn chế so với thế giới
Nguyễn Đăng Học* - Hoàng Thị Mai Anh* - Trần Minh Huệ*
* Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Bài viết này hệ thống hóa sự hình thành và phát triển của kế toán quản trị môi trường và thực trạng kế toán quản trị môi trường, tại một số quốc gia phát triển trên thế giới. Trên cơ sở đó, bài viết cũng đã chỉ ra những điểm tương đồng về thực hành kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, với các quốc gia trên thế giới.
Từ khóa: Kế toán quản trị môi trường; chi phí môi trường; sự hình thành và phát triển; các nước phát triển.
Môi trường được coi là vấn đề cốt lõi trong phát triển bền vững. Kế toán bền vững trở thành mục tiêu chính của các tổ chức thông qua phát triển hệ thống kế toán truyền thống, bao gồm việc phát triển kế toán quản trị (KTQT), trong đó bao gồm kế toán quản trị môi trường (KTQTMT) (Schaltegger và cộng sự, 2006).
KTQTMT được xây dựng đầu tiên ở Na Uy, vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước và được hoàn thiện, phát triển qua các giai đoạn khác nhau. Cho đến nay, KTQTMT được coi là công cụ kinh tế có nhiều tiện ích và được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và ngày càng có nhiều nước đang phát triển áp dụng, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ phát triển và quy định của Chính phủ ở mỗi quốc gia mà việc thực hành KTQTMT ở mỗi quốc gia là khác nhau. Mục tiêu nghiên cứu của bài viết này, là tổng quan sự hình thành phát triển của KTQTMT và thực tiễn KTQTMT, ở một số quốc gia phát triển trên thế giới. Trên cơ sở đó, chỉ ra những điểm tương đồng trong thực hành KTQTMT ở Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Sự hình thành và phát triển của KTQTMT
Kế toán là hệ thống thu thập, tính toán, ghi chép và cung cấp thông tin (tiền tệ và phi tiền tệ) của tổ chức cho các bên liên quan, bao gồm cả bên trong và bên ngoài đơn vị (IFAC, 1998). Theo Waweru (2010), hệ thống kế toán được phân thành 4 cấp độ: (1) Kế toán tài chính (FA); (2) KTQT (MA); (3) KTQT chiến lược (SMA) và (4) KTQTMT (EMA). Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở mức kế toán tài chính và KTQT truyền thống. Vấn đề môi trường và chi phí môi trường đã được đề cập đến từ sớm nhưng nó chưa thực sự rõ ràng trong việc ghi chép, tổng hợp và cung cấp thông tin và thực sự chưa phân định rõ ràng được kế toán tài chính và kế toán môi trường.
Vào cuối những năm 1980, đặc biệt là đầu những năm 1990 trở đi, vấn đề hiệu quả môi trường được các bên quan tâm hơn trong báo cáo kết quả hoạt động của các tổ chức, đặc biệt là ở các doanh nghiệp (DN) tư nhân. Do áp lực từ các quy định của Chính phủ và các bên liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh mà thông tin về chi phí môi trường được thể hiện nhiều hơn trong các báo cáo của DN. Tuy nhiên, ở giai đoạn này thì thông tin về môi trường chỉ đơn thuần là các thông tin tiền tệ và chưa thực sự được tách biệt. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chính trị và nhu cầu ngày càng cao của các bên, vấn đề kế toán môi trường được phát triển lên thành KTQTMT. Theo Kaiser (2017), có 4 giai đoạn chính phát triển từ kế toán môi trường thành KTQTMT, gồm:
Giai đoạn 1971 – 1987
Từ những năm 1970, kinh tế học châu Âu và Mỹ đã có những nỗ lực đầu tiên để kết hợp thông tin môi trường vào kế toán và đó chính là nền tảng ban đầu cho việc phát triển kế toán môi trường và tiến tới là KTQTMT sau này. Vào nửa cuối những năm 1980, kế toán môi trường bắt đầu tách khỏi kế toán xã hội, tuy nhiên khái niệm này vẫn còn mơ hồ và chưa rõ ràng. Do đó, nó chưa được công nhận là hình thái kế toán chính thống trong nền kinh tế.
Giai đoạn 1988 - 1994
Vào cuối những năm 1980, kế toán môi trường đã dần có được chỗ đứng rõ ràng hơn nhờ sự phát triển của nền kinh tế, thể chế chính trị và nhu cầu thông tin môi trường của các tổ chức. Một vài sự kiện như thảm họa Exxon Waldez năm 1989, đã đưa kế toán môi trường trở lại trong các chương trình nghị sự nghiên cứu kinh tế. Đến đầu những năm 1990, mặc dù vẫn chưa được triển khai trong khung kế toán của các công ty nhưng đã có nhiều nghiên cứu mang tính học thuật và ứng dụng được triển khai ở nhiều quốc gia.
Một nghiên cứu khác thực hiện bởi Bouma (nd) chỉ ra rằng, lần đầu tiên, vấn đề môi trường được đề cập trong KTQT là vào những năm cuối của thập niên 1980, khi mà thực tiễn ở một số DN cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường có thể làm tăng lợi nhuận cho DN. Theo đó, KTQT được cho là cần thiết để xác định chính xác được chi phí và lợi ích của bảo vệ môi trường. Một số công cụ đã được sử dụng để tính toán và xác định chi phí, lợi ích của hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Các công cụ này thường xuyên được áp dụng bởi các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và trong các tổ chức sản xuất - kinh doanh và chúng được biết đến là KTQTMT (EMA).
Giai đoạn 1995 - 2001
Khoảng những năm cuối thập niên 1990, nhiều nỗ lực nghiên cứu đã xác định việc hạch toán chi phí môi trường là một trong các nhiệm vụ chính của kế toán môi trường (Gray và cộng sự, 1996). Năm 1998, Bennett & James đã phác thảo một quy trình quản trị để thu thập các thông tin môi trường (gồm cả thông tin tiền tệ và phi tiền tệ) và chuyển nó thành các dữ liệu quan trọng làm căn cứ cho việc ra quyết định. Những nỗ lực này đã đánh dấu mốc quan trong cho sự phát triển từ kế toán môi trường thành KTQTMT.
Từ năm 2002 đến nay
Từ năm 2002, nghiên cứu về EMA đã được thực hiện nhiều hơn và mở rộng phạm vi hơn, trong đó nổi lên hai lĩnh vực chính đó là: Phân tích cách thức kế toán phản ứng với các áp lực của cộng đồng, Chính phủ và các bên liên quan về nhu cầu thông tin hiệu quả môi trường trong kết quả hoạt động của DN; Hai là sự phát triển phương pháp kết hợp giữa kế toán môi trường với KTQT truyền thống thành EMA đầy đủ nhất.
Theo Bennet and Jame (1998), EMA có những điểm tương đồng với kế toán tài chính là nó cũng tập trung thu thập, ghi chép, tổng hợp và thông tin về ngân sách, đầu tư, giá sản phẩm, chi phí, tiết kiệm, doanh thu,… của một tổ chức. Sự khác biệt chính giữa kế toán tài chính và EMA đó là EMA tính đến chi phí môi trường khi thực hiện các hoạt động trên. Tuy nhiên, các tiếp cận đơn thuần về tài chính này đã bị chỉ trích nhiều vì nó không thể hiện hết được sự phức tạp trong hoạt động của mội tổ chức (chưa phản ánh được thông tin hiện vật).
Để đáp lại những chỉ trích này, ngày nay, EMA đã và đang phát triển theo hướng bảo tồn khuôn khổ của kế toán tài chính kết hợp với các kỹ thuật của KTQT chiến lược (SMA). Jasch (2003) định nghĩa, EMA là sự hợp nhất một hệ thống thông tin môi trường với quản trị và kế toán tài chính. Khái niệm này sau đó cũng đã được các tác giả khác phát triển thêm và đặc biệt nhấn mạnh tính chiến lược của EMA, cho phép giải thích được dữ liệu phi tiền tệ. Cách tiếp cận này chỉ ra EMA có hai nhiệm vụ cơ bản: (1) cung cấp thông tin cho việc ra quyết định chiến lược; (2) sử dụng các phương pháp (chi phí theo hoạt động - ABC; theo chu kỳ sống sản phẩm,…) để tính chi phí môi trường, nhằm giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên, tăng hiệu quả hoạt động cho DN. Điều này sẽ làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, gây tốn kém cho DN. Ngày nay, EMA càng được hoàn thiện và có nhiều DN áp dụng hơn nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định cũng như nhu cầu sử dụng thông tin của các bên liên quan, đặc biệt là ở các nước phát triển.
KTQTMT ở một số quốc gia phát triển trên thế giới
Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ và Viện Tellus (Hoa Kỳ) là một trong những tổ chức đầu tiên nghiên cứu áp dụng EMA và thực hành EMA trong các tổ chức công nghiệp, để chứng minh lợi ích của nó (USEPA, 1995). Trong giai đoạn đầu, đã có một số nghiên cứu được thực hiện và nhiều nghiên cứu trong số này là từ Mỹ và một số ít từ châu Âu. Sau đó, Chính phủ các nước như Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Áo, Trung Quốc và Nhật Bản cũng thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng EMA trong các DN ở quốc gia họ.
EMA tại Mỹ
Tại Mỹ, EMA xuất hiện từ những năm 1990, sau đó phát triển mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng đến sự phát triển của EMA ở các quốc gia khác trên thế giới. Khuôn mẫu về EMA do Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (USEPA) đưa ra năm 1990, được coi là tài liệu cơ sở cho quá trình soạn thảo các khuôn mẫu EMA của Ủy ban Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNDSD), Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) và của nhiều quốc gia khác. EMA tại Mỹ tập trung chủ yếu vào vấn đề chi phí môi trường phục vụ cho quá trình ra quyết định của nhà quản trị, cung cấp thông tin để lập các báo cáo môi trường đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Mỹ và giúp các DN tránh được các khoản tiền phạt. Dự án nghiên cứu về kế toán môi trường tại Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có tên ECOMAC đã chỉ ra rằng, 64% các công ty Mỹ ghi nhận chi phí môi trường. Tuy nhiên, sự ghi nhận tập trung chủ yếu vào chi phí môi trường hiển nhiên như năng lượng, xử lý chất thải, trong khi lại ít chú ý đến các chi phí phạt và bảo hiểm. Chi phí môi trường được ghi nhận vào các TK chung, sau đó tính toán và ghi nhận cho các đối tượng chịu chi phí riêng (Đỗ Thị Lan Anh, 2016).
Australia
Năm 2002, Viện Kế toán công Australia sử dụng hệ thống phân loại của USEPA, đã tiến hành nghiên cứu về chi phí môi trường trong 4 loại hình tổ chức là giáo dục, sản xuất nhựa, cung cấp dịch vụ và sản xuất len lông cừu tại Australia.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí môi trường liên quan đến việc sử dụng nước và năng lượng thường được ghi nhận là chi phí sản xuất chung trong hệ thống kế toán hiện hành. Các chi phí chất thải thường không được báo cáo hoặc báo cáo thiếu, vì họ cho rằng các chi phí nguyên vật liệu nói riêng và các đầu vào nói chung chỉ nên được tính vào chi phí sản xuất, mà không ghi nhận là chi phí phí môi trường. Nhưng trên thực tế, không phải tất cả nguyên, nhiên liệu đưa vào sử dụng đều tạo nên sản phẩm mà sẽ có một phần tạo nên đầu ra phi sản phẩm, đó chính là nước thải, chất thải. Bên cạnh đó, các tổ chức không thành công trong phân bổ chi phí môi trường. Điều đó được thể hiện thông qua các chi phí được phân bổ như nhau cho các sản phẩm và vô hình trung, các sản phẩm sạch đã “trợ cấp" chi phí cho các sản phẩm “bẩn”.
EMA tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu - EU
Trong một nghiên cứu thuộc một dự án nghiên cứu ở châu Âu có tên là “ECOMAC” được tiến hành ở 4 quốc gia Đức, Ý, Anh và Hà Lan với 84 công ty tham gia và trong đó có 15 công ty được lựa chọn để nghiên cứu sâu về việc vận dụng EMA trong hệ thống kế toán. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, KTQTMT ở các nước châu Âu thể hiện qua các điểm sau:
EMA ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm
Điều này được thể hiện thông qua việc nội dung của EMA được thực hiện tại các DN ở châu Âu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, phần lớn các công ty trong cuộc khảo sát (53%), có chính sách về môi trường chính thức và nó được tích hợp trong chiến lược kinh doanh của công ty.
Hầu hết các công ty (có đến 56%) có hệ thống quản trị môi trường đang hoạt động và có khoảng 24% số công ty là đang trong quá trình hoàn thiện để áp dụng. Đặc biệt hơn nữa là trong số đó có các công ty đã có các quy định chính thức để đảm bảo rằng nhân viên chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường được tham gia quá trình xây dựng ngân sách và kế hoạch sử dụng vốn, ngân sách của công ty. Mặc dù, mức độ EMA ở các công ty này đang ở mức độ thấp và không liên tục, nhưng hầu hết những người tham gia khảo sát đã kỳ vọng các hoạt động quản lý môi trường của họ sẽ tăng lên trong tương lai.
DN xem trọng vấn đề ngăn ngừa ô nhiễm môi trường hơn là giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường
Cũng theo kết quả nghiên cứu, hầu hết các công ty đều nhận ra ưu điểm của việc ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn, so với việc thực hiện các giải pháp xử lý khi xảy ra ô nhiễm và họ đang tìm cách phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bằng cách tích hợp quản lý môi trường vào thông tin cung cấp cho việc ra quyết định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, việc làm này không được đồng đều giữa các lĩnh vực của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, chủ yếu diễn ra ở hoạt động sản xuất (74%), hoạt động nghiên cứu và phát triển (61%) và chỉ có 50% ở hoạt động tiêu thụ và phân phối sản phẩm.
Thông tin chi phí môi trường không chỉ được lấy từ hệ thống kế toán
Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra, các công ty ở châu Âu cho rằng nguồn thông tin chi phí môi trường chủ yếu được lấy từ hệ thống quản trị hoạt động của công ty, chẳng hạn như từ hồ sơ quá trình sản xuất của công ty. Chỉ có 19% số công ty cho rằng, thông tin về chi phí môi trường được lấy từ hệ thống kế toán. Đây chính là điểm khác biệt đáng kể giữa các công ty ở Mỹ và ở châu Âu. Theo đó, có đến 51% công ty ở Mỹ cho rằng nguồn thông tin về chi phí môi trường được lấy từ hệ thống KTQT và hệ thống kế toán tài chính của công ty.
Hạn chế trong theo dõi và phân bổ chi phí môi trường
Trong tổng số các công ty được khảo sát ở châu Âu thì chỉ có 50% các công ty có theo dõi rõ ràng các khoản chi phí môi trường và bất kỳ khoản chi phí nào cũng được đặt tên. Con số này ở Mỹ lên tới 83%. Sự khác biệt này chủ yếu là ở cấp nhà máy sản xuất, nơi mà chỉ có 18% công ty ở châu Âu có theo dõi chi phí môi trường so với 64% ở Mỹ. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa các công ty ở nhiều quốc gia (cả ở Mỹ và châu Âu) đó là, hầu hết các công ty đều theo dõi chi phí liên quan đến môi trường, được biểu hiện rõ ràng như chi phí năng lượng, xử lý chất thải mặc dù không phải lúc nào chúng cũng được xác định là có liên quan đến môi trường nhưng lại ít chú ý đến những khoản chi phí bên ngoài như chi tiền phạt do ảnh hưởng đến môi trường hay chi phí các khoản bảo hiểm.
Về phân bổ chi phí, các công ty đều cho rằng việc phân bổ chi phí môi trường là rất quan trọng. Hiện tại, các công ty đang sử dụng các tiêu thức để phân bổ chi phí môi trường là phân bổ theo giờ lao động và phân bổ theo khối lượng sản phẩm. Một số công ty tiến hành phân bổ chi phí môi trường theo từng quy trình hoạt động sản xuất (ABC).
Sự đầu tư cho vấn đề môi trường còn hạn chế
Nghiên cứu chỉ ra, các dự án môi trường thường không được đối xử công bằng với các dự án khác. Ở châu Âu, có 83% các công ty có nguồn ngân sách cho các dự án môi trường và phi môi trường (con số này ở Mỹ là 86%). Tuy nhiên, mức độ sử dụng nguồn ngân sách đó cho các dự án đầu tư khác luôn chiếm tỷ trọng cao hơn so với các dự án đầu tư cho môi trường. Điều này cho thấy, mặc dù các công ty có quan tâm đến vấn đề môi trường và hiểu được tác động của việc ngăn ngừa ô nhiễm môi trường từ đầu nhưng nguồn ngân sách sử dụng cho mục đích này lại rất hạn chế.
Hạn chế sử dụng dữ liệu bên ngoài
KTQT và kế toán tài chính thông thường là nhằm mục đích báo cáo và phân tích chi phí phát sinh, trong nội bộ DN mặc dù gần đây có quan điểm định hướng ra bên ngoài. Song, KTQTMT lại không chỉ bao gồm chi phí bên trong mà còn gồm các chi phí bên ngoài ranh giới của tổ chức. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có một lượng nhỏ công ty quan tâm đến dữ liệu bên ngoài mà hầu hết chỉ quan tâm và theo dõi những chi phí phát sinh trong ranh giới của tổ chức mình. Lý do cho sự thiếu quan tâm này là do họ nghi ngờ về độ tin cậy của các các dự báo dài hạn về chi phí môi trường của các tổ chức bên ngoài và khó khăn trong thu nhập và tổng hợp thông tin.
EMA tại Nhật Bản
Ở Nhật Bản, có hai ý tưởng được xây dựng bởi hai tổ chức là nền tảng cho việc phát triển EMA đó là Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE) và Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI). Ý tưởng của MOE có trước và được bắt đầu vào năm 1997. MOE thành lập một ủy ban kế toán môi trường và xuất bản báo cáo đầu tiên vào năm 1999, sau đó nó đã được sửa đổi và xuất bản thành một tài liệu hướng dẫn kế toán môi trường vào năm 2000 (Bộ Môi trường Nhật Bản, 2000). Tài liệu này không có tính bắt buộc mà chỉ khuyến khích các công ty ở Nhật Bản nên tiết lộ thông tin môi trường cho công chúng thông qua các báo cáo do DN tự nguyện cung cấp. Theo ý tưởng của MOE thì kế toán môi trường thay vì cung cấp thông tin cho việc quản lý nội bộ công ty thì lại chú trọng vào việc cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài công ty.
Năm 2002, MOE tiếp tục sửa đổi và ban hành tài liệu hướng dẫn mới. Các sửa đổi chủ yếu liên quan đến việc cải thiện phương pháp đo lường lợi ích và chi phí môi trường. Theo đó, chi phí môi trường được xác định gồm có 7 loại: Chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí do sử dụng nguồn tài nguyên và xả thải, chi phí trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, chi phí môi trường trong hoạt động quản lý, chi phí trong hoạt động xã hội, chi phí thiệt hại với môi trường và các chi phí khác. Ngoài ra, tài liệu này còn hướng dẫn các làm báo cáo môi trường cho các công ty.
Ngược lại, trong khi MOE hướng các DN thực hiện kế toán môi trường, nhằm cung cấp thông tin môi trường cho các đối tượng bên ngoài thì METI lại hướng đến việc cung cấp thông tin môi trường cho quản trị nội bộ DN, đó chính là KTQTMT (EMA). METI thành lập Ủy ban Kế toán môi trường vào năm 1999, nó được chia tách từ văn phòng quản trị môi trường công nghiệp Nhật Bản (viết tắt là JEMAI). Ủy ban này đã thực hiện một dự án nghiên cứu để phát triển các công cụ EMA phù hợp với các công ty ở Nhật Bản. Dự án kết thúc vào tháng 3/2002 và sản phẩm cuối cùng của dự án được công bố vào tháng 6/2002 có tên là “Sổ tay KTQTMT” (METI, 2002). Sau khi phát hành sổ tay hướng dẫn đó, METI lại tiếp tục thành lập một ủy ban mới nhằm phát triển và đơn giản hóa các phương pháp, công cụ EMA cho các DN nhỏ và vừa. Chính việc làm này đã làm cho EMA trở nên phổ biến hơn ở Nhật Bản, từ năm 2002.
Kokubu và Nashioka (2001) đã tiến hành khảo sát về việc thực hiện EMA ở các công ty ở Nhật Bản. Kết quả điều tra cho thấy, trong 159 công ty khảo sát thì có tới 42,8% công ty quan tâm đến việc cung cấp thông tin môi trường ra bên ngoài, chỉ có 18,9% công ty sử dụng nó cho mục đích quản lý nội bộ và 35,8% trả lời sử dụng cho cả hai mục đích. Đánh giá về lợi ích của kế toán môi trường thì chỉ có 35,8% số công ty cho rằng kế toán môi trường là hữu dụng cho quản trị nội bộ công ty. Từ những kết quả đó, Kokubu và cộng sự kết luận kế toán môi trường ở Nhật Bản những năm đầu của thể kỷ XXI được định hướng cho báo cáo thông tin bên ngoài, đúng theo hướng dẫn của MOE. Các công ty ở Nhật Bản chưa nhận thấy được tính hữu ích của kế toán môi trường cho chức năng quản trị công ty. Nhật Bản là quốc gia đi sau, trong việc nghiên cứu và áp dụng EMA nhưng đã vận dụng tối đa được kinh nghiệm từ các quốc gia như như Mỹ và Hoa Kỳ. Mặc dù, kế toán môi trường ở Nhật Bản chủ yếu vẫn hướng đến việc báo cáo thông tin ra bên ngoài nhưng EMA đang dần trở bên phổ biến ở Nhật Bản và có xu hướng phát triển mạnh hơn trong tương lai.
EMA tại Việt Nam và sự tương đồng với các quốc gia
Cũng như ở nhiều quốc gia khác, thông tin về môi trường ngày càng được quan tâm bởi các bên liên quan và tạo nên áp lực đối với các DN, trong việc thực hiện KTQTMT. Trên thực tế, việc nhận diện và ghi nhận các khoản chi phí môi trường đã được các DN thực hiện từ lâu nhưng chưa đầy đủ và chưa trở thành một hệ thống kế toán chính thống. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thể chế chính trị và nhu cầu ngày càng cao của các bên, ngày nay việc thực hành KTQTMT đã được phổ biến hơn trong các DN ở Việt Nam, nhưng chủ yếu mới diễn ra ở các DN sản xuất và nội dung của KTQTMT mới tập trung về khía cạnh quản trị chi phí. Qua tổng quan các công trình nghiên cứu về KTQTMT nói chung và KTQT chi phí môi trường ở các DN sản xuất ở Việt Nam, cho thấy có sự tương đồng trong thực hành KTQTMT ở Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Thông tin chủ yếu phục vụ đối tượng bên ngoài
Mặc dù, KTQTMT ngày càng được quan tâm và thực hành nhiều trong các DN sản xuất nhưng hầu hết các DN chưa nhận thấy được tính hữu ích của các thông tin về chi phí môi trường, trong việc quản trị nội bộ hoặc bộ phận KTQT chưa xây dựng được hệ thống quản trị chi phí môi trường và cung cấp thông tin cho việc ra quyết định. Hầu hết, thông tin về môi trường chủ yếu được cung cấp cho các đối tượng bên ngoài, theo quy định của các cơ quan quản lý. Điều này tương đồng với KTQTMT, ở Nhật Bản.
Thông tin kế toán có xu hướng thiên về thước đo tiền tệ
Phần lớn hệ thống kế toán bị phi phối bởi các quy định kế toán và thông tin họ cung cấp chủ yếu là cho đối tượng bên ngoài nên thông tin kế toán cung cấp có xu hướng thiên về thông tin tiền tệ. Thông tin hiện vật về môi trường không được nhìn nhận cụ thể và rõ ràng. Bên cạnh nhu cầu của đối tượng sử dụng thông tin thì nguyên nhân quan trọng khiến cho việc thông tin hiện vật không được khi nhận cụ thể, mặc dù nó rất quan trọng trong quản trị nội bộ là khó khăn trong việc thu thập. Hầu hết ở các DN, các thông tin hiện vật như về năng lượng, nước, dòng vật liệu vào - ra không có sẵn trong hệ thống kế toán và dẫn đến việc xác định các chi phí này rất khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, sự phối hợp giữa bộ phận kế toán và bộ phận quản lý môi trường trong mỗi DN cũng ảnh hưởng lớn đến việc xác định dạng thông tin chi phí này.
Ghi nhận và phân bổ chi phí môi trường
Thực tế cho thấy, hầu hết các DN đều theo dõi và phản ánh chi phí môi trường nhưng có rất nhiều chi phí môi trường quan trọng bị ẩn trong các tài khoản (TK) chung. Chẳng hạn, chi phí quan trắc môi trường, chi phí khảo sát điều kiện vệ sinh nhà máy,… được phản ánh vào TK Chi phí sản xuất chung; chi phí nhân viên quản lý môi trường được hạch toán vào TK “Chi phí quản lý DN” (Hoàng Thị Bích Ngọc, 2017). Hay chi phí khấu hao hệ thống xử lý chất thải được theo dõi trên TK “Chi phí quản lý DN”; chi phí đánh giá tác động môi trường định kỳ được theo dõi trên các TK 6427, TK 6428 (Lê Thị Minh Huệ, 2019),... Việc sử dụng TK tổng hợp là cách thuận tiện để thu thập chi phí nhưng lại khó khăn trong việc phân loại chi tiết các khoản mục chi phí cũng như phân bổ vào các quá trình hay sản phẩm cụ thể. Điều này gây khó khăn cho nhà quản lý, trong việc xác định phạm vi cũng như mức độ phát sinh chi phí môi trường và thiếu thông tin đầy đủ trong việc ra quyết định.
Về phân loại chi phí, hầu hết các DN đang phân bổ chi phí theo phương pháp truyền thống là dựa vào các tiêu thức như khối lượng sản phẩm, số giờ lao động, số giờ máy hay định mức sản xuất. Có rất ít DN phân bổ chi phí môi trường theo hoạt động (ABC) hay theo chu kỳ sống của sản phẩm.
Hạn chế sử dụng dữ liệu bên ngoài
Trong khi KTQT, kế toán tài chính thông thường là nhằm mục đích báo cáo và phân tích chi phí phát sinh trong nội bộ DN, thì KTQTMT lại không chỉ bao gồm chi phí bên trong, mà còn gồm các chi phí bên ngoài ranh giới của tổ chức. Tuy nhiên, thực tế tại các DN các thông tin chi phí môi trường được ghi nhận chỉ mới là các chi phí phát sinh trong DN, là các chi phí môi trường mà DN có trách nhiệm phải chi trả và có ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.
Các nhà quản lý có sự quan tâm thấp đối với thông tin chi phí môi trường
Thông tin về chi phí môi trường họ quan tâm chỉ là các chi phí liên quan đến xử lý chất thải, nước thải và các khoản tiền phạt (nếu có). Phần chi phí môi trường quan trọng là lượng nguyên vật liệu, năng lượng tạo ra đầu ra không là sản phẩm lại bị bỏ qua. Do đó, chi phí môi trường thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ chi phí sản xuất - kinh doanh của DN.
Bên cạnh đó, các thông tin môi trường chủ yếu được sử dụng để báo cáo tác động môi trường hay lập kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường, chứ chưa được tích hợp hay cung cấp cho mục đích ra quyết định. Nói cách khác, nhà quản lý chưa thấy được sự hữu ích của thông tin chi phí môi trường đối với quản trị DN. Hơn thế, hầu hết nhà quản lý ở các DN chú trọng hơn về lợi ích, nên họ có sự quan tâm thấp đối với thông tin chi phí môi trường cũng như quản trị chi phí môi trường. Chính sự ít quan tâm của nhà quản lý cộng với việc khó khăn trong việc thu thập, phân loại chi phí môi trường dẫn đến thông tin chi phí môi trường thường không được phản ánh, ghi chép và báo cáo đầy đủ.
Tài liệu tham khảo
Đỗ Thị Lan Anh. (2016). KTQTMT: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam. Tạp chí Tài chính.
Bennett, M., & James. (1998). The Green Bottom Line: Management accounting for Environmental improvement. Management Accounting New York, 76(10), 20–23.
Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE). (2000). Environmental Accouting Guidelines. Tokyo.
Gray, R., Owen, D., & Adams, C. (1996). Accounting and Accountability: Changes and Challenges in Corporate Social and Environmental Reporting. Prentice-Hall, Harlow.
IFAC. (1998). International Federation of Accountants (IFAC). International Management Accounting Practice Statement: Management Accounting Concepts. New York.
Jasch, C. (2003). The use of environmental management accounting (EMA) for identifying environmental costs. Journal of Cleaner Production, 11.
Kaiser, M. (2017). The suitability of Environment Management Accounting ( EMA ) models applied by the German Mittelstand Table of Contents. University of Gloucestershire.
Kokubu, K. and Nashioka, E. (2001). Environmental Accounting Practices of Listed Companies in Japan. (No. 1).
Lại Thị Minh Huệ. (2019). KTQT chi phí môi trường tại các DN sản xuất tại Thanh Hóa. Tạp chí Tài chính, 2.
METI. (2002). Environmental Management Accounting Workbook.
Ngọc, H. T. B. (2017). KTQT chi phí môi trường trong các DN chế biến dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Đại học Kinh tế Quốc Dân.
Schaltegger, S., Bennett, M., & Burritt, R. (2006). Sustainability accounting and reporting: development, linkages and reflection. In M. and B. Schaltegger, S., Bennett (Ed.), Sustainability Accounting and Reporting. Springer, Dordrecht.
USEPA. (1995). An introduction to Environmental Accounting as a Business Management Tool: Key Concepts and Terms. United States Environmental Protection Agency.
Waweru, N. M. (2010). The origin and evolution of management accounting: a review of the theoretical framework. In Problems and Perspectives in Management (pp. 165–182).
Nguồn: Tạp chí kế toán và kiểm toán