- Hợp nhất kinh doanh trong kế toán Việt Nam
- Lập hóa đơn tài chính và phương pháp hạch toán đối với hàng khuyến mại, cho, biếu, tặng và tiêu dùng nội bộ
- Phân tích khả năng sinh lời trong doanh nghiệp
- Lập và trình bày BCTC theo TT 200/2014/TT-BTC
- Giải pháp nâng cao hệ thống thông tin kế toán trong giai đoạn hội nhập
Kế toán môi trường tại Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế
|
Trong vài thập niên gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường (MT), suy thoái MT, sự cố MT và những biến đổi bất lợi của thiên nhiên đang ảnh hưởng tới chất lượng sống của con người. Phát triển kinh tế gắn với hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia đang phát triển cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề MT. Nhà nước đồng thời đã ban hành Luật BVMT, Luật thuế BVMT, các nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực BVMT nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, hủy hoại MT, gây ô nhiễm MT.
Để thực hiện các quy định pháp lý về MT, đồng thời thực hiện có trách nhiệm đối với xã hội, tất yếu doanh nghiệp (DN) phải đầu tư tài sản MT, phát sinh nhiều loại chi phí liên quan đến BVMT như xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động sản xuất phát sinh các rủi ro ngoài dự kiến như tràn bể chất thải, ô nhiễm chất thải quá mức quy định… DN phải đối mặt với nhiều khoản nợ bồi thường phát sinh. Với thực tế trên, đòi hỏi các nhà quản lý cần phải có thông tin kế toán về hoạt động BVMT phát sinh tại DN, nhằm quản lý hiệu quả hoạt động BVMT và phát triển bền vững DN.
Nhà đầu tư, chủ nợ, các bên liên quan khác là những người có lợi ích trực tiếp và gián tiếp đối với DN luôn tìm cách bảo vệ lợi ích của mình trước những rủi ro về MT. Như một hệ quả tất yếu, họ buộc các DN cần phải công khai thông tin liên quan đến hoạt động MT cho các đối tượng sử dụng thông tin, nhằm đánh giá ảnh hưởng của hoạt động MT đến tình hình tài chính của đơn vị. Kế toán MT ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các bên liên quan và các nhà quản lý DN, vì hiệu quả MT của DN được xem xét ảnh hưởng như thế nào về sức khỏe tài chính? Có làm tăng mối lo ngại cho nhà đầu tư, các chủ nợ, chính phủ và các đối tượng khác có liên quan. Công khai thông tin về MT có thể được sử dụng để đánh giá rủi ro tài chính và MT của DN và của các đối tượng sử dụng thông tin. Với các nhà quản trị DN vấn đề BVMT luôn được quan tâm, phải tuân thủ quy định pháp lý MT, chi phí đầu tư cho hoạt động MT như thế nào để mang lại hiệu quả nhất, xác định và phân bổ chi phí môi trường (CPMT) như thế nào để sản phẩm có giá chính xác … Nhà quản lý cần phải có thông tin kế toán MT phát sinh tại DN, nhằm quản lý hiệu quả hoạt động MT và phát triển bền vững DN.
Xuất phát từ nhu cầu thông tin về MT trong hoạt động của DN để phục vụ cho việc quản trị điều hành DN cũng như cung cấp thông tin cho nhóm các đối tượng khác có liên quan trong hệ thống kế toán của DN cần thiết phải hình thành kế toán MT.
Kế toán MT trong DN là một bộ phận cấu thành của hệ thống kế toán trong DN nhằm thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về hoạt động MT trong phạm vi DN cho các đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định.
Theo phạm vi cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng thông tin, kế toán MT bao gồm: Kế toán tài chính MT và kế toán quản trị MT trong DN.
Kế toán quản trị MT là một bộ phận của kế toán quản trị trong DN nhằm thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin tiền tệ và hiện vật liên quan đến hoạt động MT trong DN phục vụ cho cải thiện hoạt động của DN trên góc độ tài chính và MT.
Kế toán tài chính MT là một bộ phận của kế toán tài chính trong DN nhằm thu nhận, xử lý, phân tích, cung cấp thông liên quan đến hoạt động MT trong DN trên báo cáo tài chính (BCTC) của DN vào cuối kỳ kế toán.
Kế toán MT trong DN là một bộ phận của hệ thống kế toán trong DN, thực hiện chức năng cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động MT cho các đối tượng sử dụng thông tin bên trong và bên ngoài DN.
Đối tượng của kế toán MT về cơ bản cũng bao gồm tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập phát sinh trong quá trình hoạt động của DN nhưng được xem xét dưới góc độ MT. Đối tượng kế toán MT trong DN bao gồm:
- Tài sản liên quan đến hoạt động MT
- Nợ phải trả liên quan đến hoạt động MT
- Chi phí liên quan đến hoạt động MT
- Thu nhập liên quan đến hoạt động MT
Để thu nhận, hệ thống hóa, xử lý và cung cấp thông tin hoạt động MT, kế toán sử dụng các phương pháp kế toán: Phương pháp chứng từ kế toán, phương pháp tài khoản kế toán, phương pháp tính giá, phương pháp tổng hợp cân đối kế toán.
Ngoài các phương pháp kế toán nêu trên, kế toán MT có thể sử dụng kết hợp với kỹ thuật phân tích và xử lý thông tin của kế toán quản trị như: Phương pháp kế toán CPMT dựa trên cơ sở hoạt động, kế toán dòng luân chuyển vật liệu, kế toán dòng luân chuyển chi phí, kế toán CPMT theo chu kỳ sống của sản phẩm...
Kế toán quản trị MT có mục tiêu cơ bản là cung cấp thông tin cho việc ra các quyết định nội bộ của DN ở hai khía cạnh đó là hiệu quả MT và hiệu quả tài chính. Các thước đo sử dụng bao gồm thước đo tiền tệ và thước đo hiện vật.
Tài sản MT là loại tài sản thuộc sở hữu của DN do DN nắm giữ để sử dụng cho hoạt động BVMT.
Tài sản MT là một bộ phận tài sản của DN dùng để BVMT, như các thiết bị xử lý ô nhiễm, hạn ngạch về ô nhiễm… các loại tài sản này có thể là tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình hoặc các tài sản ngắn hạn.
Nhằm thể hiện trách nhiệm của DN trong hoạt động BVMT, mức độ đầu tư tài sản MT và cũng là tiêu chí so sánh giữa các DN cùng ngành, cùng lĩnh vực kinh doanh trong việc đầu tư tài sản phục vụ cho BVMT, tài sản cố định MT nên được phản ánh trên một khoản mục riêng biệt hoặc thuyết minh trên BCTC để cung cấp thông tin cho các bên liên quan về giá trị của các loại tài sản sử dụng cho hoạt động BVMT.
Nợ phải trả MT là nghĩa vụ hiện tại của DN phát sinh từ sự kiện liên quan đến hoạt động BVMT đã qua và việc thanh toán khoản phải trả này dẫn đến sự giảm sút về lợi ích kinh tế của DN hoặc phát sinh các nghĩa vụ pháp lý MT.
Tuy nhiên, có những khoản nợ phải trả MT mà số tiền hoặc thời gian thanh toán chưa được xác định chính xác sẽ được ghi nhận là khoản dự phòng phải trả MT.
Dự phòng phải trả MT là khoản nợ phải trả của DN liên quan đến hoạt động BVMT không chắc chắn về giá trị hoặc thời gian.
Để cho các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về MT của DN trong hoạt động BVMT, khoản nợ phải trả MT và dự phòng nợ phải trả MT nên được trình bày thành khoản mục riêng biệt hoặc thuyết minh trên BCTC. Thông qua sự trình bày riêng biệt của các khoản nợ phải trả MT sẽ xác định được riêng nghĩa vụ MT của DN tại thời điểm hiện tại và tương lai.
Nếu một khoản nợ phải trả MT có dấu hiệu cho thấy sự không chắc chắn về giá trị hoặc thời gian của khoản chi trả, DN phải trình bày tóm tắt bản chất của khoản nợ tiềm tàng MT tại ngày kết thúc kỳ kế toán.
CPMT bao gồm các chi phí của các bước thực hiện, hoặc yêu cầu phải được thực hiện để quản lý các tác động MT của DN một cách có trách nhiệm với MT, cũng như các chi phí khác phát sinh cho các mục tiêu và yêu cầu MT của DN.
Nếu CPMT đáp ứng các tiêu chí để được công nhận như một tài sản cố định, thì phải được vốn hóa và ghi nhận vào bảng cân đối kế toán.
CPMT không đáp ứng các tiêu chuẩn để được công nhận như một tài sản cần phải được ghi nhận ngay vào báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ.
Để cho các bên liên quan đánh giá trách nhiệm của DN trong hoạt động BVMT, so sánh CPMT trên tổng chi phí giữa các DN cùng lĩnh vực kinh doanh trong việc BVMT, CPMT cần phải được phản ánh một khoản mục riêng biệt hoặc thuyết minh trên BCTC. Trong BCTC thông tin CPMT cần được phân loại như sau:
(1) Chi phí xử lý các chất thải
(2) Chi phí xử lý và ngăn ngừa ô nhiễm MT
(3) Chi phí cho hoạt động nghiên cứu và quản lý MT. Trong loại chi phí này cần trình bày rõ: Chi phí không tuân thủ quy định về MT (Tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại MT…)
Ngoài ra, để cung cấp thông tin CPMT phục vụ cho yêu cầu quản trị DN, các DN căn cứ vào nhu cầu thông tin CPMT sử dụng để phục vụ quản lý nội bộ có thể thiết kế các chỉ tiêu trên báo cáo quản trị CPMT phù hợp với yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ quản lý nội bộ. Các báo cáo quản trị MT bao gồm: Báo cáo CPMT trong DN, Báo cáo CPMT theo loại hoạt động, Báo cáo CPMT theo bộ phận, Báo cáo cân đối dòng vật liệu…
Tại một số quốc gia, Báo cáo MT của DN cần phải công khai cho bên ngoài. Tùy theo yêu cầu và các loại thông tin CPMT cung cấp cho bên ngoài của mỗi quốc gia mà báo cáo MT sẽ quy định những chỉ tiêu cụ thể. Dựa trên khuông mẫu báo cáo MT quy định, các DN sẽ phân loại, xác định CPMT để lập báo cáo. Theo thông lệ quốc tế, các CPMT được phân loại như sau:
Theo ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, CPMT được chia thành 4 loại sau:
(1) Chi phí xử lý chất thải:
(2) Chi phí phòng ngừa và quản lý MT
(3) Giá trị vật liệu của chất thải
(4) Chi phí chế biến không tạo ra sản phẩm
Theo IFAC, CPMT được chia thành 6 loại sau:
(1) Chi phí vật liệu có trong đầu ra của sản phẩm
(2) Chi phí vật liệu không có trong sản phẩm đầu ra
(3) Chi phí xử lý và kiểm soát chất thải, phát thải
(4) Chi phí phòng chống ô nhiễm và chi phí quản lý MT khác
(5) Chi phí nghiên cứu và phát triển
(6) CPMT ít tồn tại hữu hình
CPMT có nhiều loại với các biểu hiện, đặc tính khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng thông tin CPMT, các DN sẽ sử dụng các phương pháp kế toán CPMT phù hợp. Các phương pháp kế toán thường được sử dụng phổ biên trên thế giới bao gồm: Phương pháp cân đối dòng chi phí vật liệu (MFCA,) phương pháp xác định CPMT dựa trên cơ sở hoạt động (ABC), phương pháp kế toán dòng chi phí (FCA).
Thu nhập MT là kết quả thu được từ quá trình thực hiện các hoạt động BVMT trong DN tạo ra. Như thu nhập từ trợ giá tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động BVMT, thu nhập từ nhượng bán chứng chỉ phát thải (CERs), thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm còn giá trị sử dụng tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh... Thu nhập MT phát sinh trong kỳ được ghi nhận ngay vào báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ.
Để thể hiện sự nỗ lực của DN trong hoạt động BVMT trong việc tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích, cải thiện chất lượng MT… thu nhập MT cần được trình bày riêng biệt hoặc thuyết minh trong BCTC để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, các bên có liên quan đánh giá được trách nhiệm xã hội của DN.
- Cần nâng cao nhận thức và trình độ của các nhà quản lý trong DN về kế toán MT.
- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các tiêu chuẩn và quy định MT của sản phẩm.
- Cần thiết lập bộ máy quản lý MT tại DN
- Cần nâng cao trình độ cho người làm kế toán đối với hoạt động MT
- Nâng cao nhận thức về MT cho các DN. Nâng cao nhận thức về các lợi ích mà việc đáp ứng các yêu cầu về MT mang lại cho quốc gia và DN. Mở các khoá đào tạo ngắn hạn cho các DN về vấn đề BVMT, mối quan hệ giữa MT và phát triển bền vững.
- Ban hành báo cáo MT, quy định công khai báo cáo MT theo định kỳ. Một hệ thống chỉ tiêu trong báo cáo MT được xây dựng trên cơ sở khoa học, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, tính đến điều kiện đặc thù của các DN trong nước sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý MT, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DN thực hiện tốt hoạt động BVMT.
- Bổ sung văn bản pháp lý hướng dẫn về lĩnh vực kế toán MT. Bộ Tài chính cần ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn về lĩnh vực kế toán MT trong DN. Cụ thể, cần bổ sung tài khoản kế toán, các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với hoạt động MT, các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động MT trong hệ thống BCTC.
Kết luận
Kế toán MT tại Việt Nam là một lĩnh vực mới, định hướng phát triển kế toán MT là nhu cầu cần thiết trong giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu, qua đó cung cấp thông tin hữu ích đáp ứng cho đối tượng có liên quan. Tuy nhiên để hướng đến áp dụng kế toán MT tại Việt Nam cần phải hoàn thiện MT pháp lý và ban hành một khuôn khổ kế toán MT. Trên đây là một số nội dung cơ bản về kế toán MT và các kiến nghị định hướng phát triển kế toán MT tại Việt Nam. Hy vọng rằng, kế toán MT sẽ sớm được triển khai thành công nhằm hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2007), Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, NXB Tài chính
2. Bộ Tài chính (2015), Chế độ kế toán DN, NXB Tài chính
3. United nations conference on trade and development guidance manual (2002), Accounting and financial reporting for environmental costs and liabilities,unctad/ite/eds/4
4. International Guidance Document IFAC (2005), Environmental Management Accounting.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của ThS. Th.s Phạm Hoài Nam