- Cơ sở pháp lý liên quan đến các khoản dự phòng trong doanh nghiệp hiện nay: Thực trạng và kiến nghị
- Những vấn đề đặt ra đối với quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay
- Kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái trong các doanh nghiệp Việt Nam theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế: Mô hình nghiên cứu lý thuyết
- Nội dung cơ bản của Luật Kế toán 2015 liên quan đến trình bày và công bố thông tin trên báo cáo tài chính doanh nghiệp Việt Nam
- Vận dụng mô hình Kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam
Kế toán – kiểm toán và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
|
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi môi trường, điều kiện làm việc của ngành Kế toán – kiểm toán. Bài viết trình bày một số vấn đề liên quan đến xu hướng, môi trường làm việc trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán trong kỷ nguyên số, hướng đi nhằm phát triển tính cạnh tranh của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Các giải pháp nhằm cải thiện, chất lượng kế toán – kiểm toán, giúp các cá nhân, tổ chức nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.
Kế toán – kiểm toán trong kỷ nguyên số
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với mạng internet giúp công việc kế toán – kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Kế toán – kiểm toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc kế toán – kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới, nếu cá nhân tổ chức thực hiện công việc kế toán – kiểm toán đó đáp ứng đủ điều kiện làm kế toán – kiểm toán.
Ngược lại, bất cứ kế toán – kiểm toán viên ở bất cứ quốc gia nào được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều có thể thực hiện công việc kế toán – kiểm toán của doanh nghiệp (DN), tổ chức tại Việt Nam. Điều này tạo ra cả cơ hội và thách thức, cho những ai hành nghề kế toán – kiểm toán ở Việt Nam. Đó là cần phải cải thiện năng lực cũng như điều kiện của bản thân để có thể đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế, nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề.
Dữ liệu lớn mang lại cho con người sự tiếp cận với nguồn kiến thức vô hạn, giúp con người có thể tìm hiểu bất cứ điều gì cần biết nhưng cũng có điểm hạn chế là những thông tin không chính thống. Nó khiến chúng ta phải cẩn trọng khi tiếp cận thông tin và sử dụng thông tin.
Với trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia kinh tế dự báo, nhiều ngành nghề có nguy cơ sẽ biến mất vì xu hướng tự động hóa. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế những công việc thủ công của kế toán – kiểm toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu nhưng những công đoạn như phân tích, tìm nguyên nhân đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể, thậm chí những tình huống chưa từng xảy ra… thì luôn cần có sự tham gia của con người. Trí tuệ nhân tạo dù không thay thế được con người nhưng nó đang làm thay đổi môi trường, hoàn cảnh làm việc của kế toán – kiểm toán.
Xu hướng mới cho lĩnh vực kế toán - kiểm toán
Tất cả những yếu tố trên đang tạo ra xu hướng mới cho nghề nghiệp kế toán – kiểm toán. Theo kết quả điều tra năm 2016 của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) về kế toán chuyên nghiệp tương lai diễn ra trên 22 quốc gia trên toàn cầu (trong đó có Việt Nam): Về các xu hướng dự kiến có tác động cao nhất trong 3 đến 10 năm tới, có tới 55% số người trả lời cho rằng, sự phát triển của hệ thống kế toán tự động được đánh giá tác động cao nhất trong các xu hướng, bên cạnh xu hướng như hài hòa chuẩn mực kế toán (42%), sự xâm nhập của điện toán đám mây trong kinh doanh (41%), sự biến động kinh tế (42%)…
Kế toán bao gồm các giai đoạn như thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin. Tất cả các giai đoạn này đều có thể được máy móc thay thế. Lúc này, kế toán lại phải là người hiểu về công nghệ, sử dụng công nghệ cho công việc của mình.
Máy móc là trí tuệ nhân tạo có thể làm điều mà con người khó có thể làm. Tuy nhiên, chúng chỉ là công cụ hỗ trợ công việc trong kế toán - kiểm toán, hoạt động theo lập trình vốn có, chúng khó có thể đưa ra những nhận định, lời tư vấn trong từng trường hợp phát sinh đặc biệt với những tình huống mang tính mới mẻ chưa từng xảy ra.
Hơn nữa, kế toán – kiểm toán cần tuân theo những quy phạm pháp luật nhất định, con người luôn cần thiết với giai đoạn cập nhật cho thiết bị làm công cụ phục vụ công việc của mình. Trí tuệ nhân tạo là sản phẩm do con người tạo ra và phục vụ mục đích của con người, tự động hóa có thể thay đổi hoàn cảnh, điều kiện làm việc nhưng cũng không thể khẳng định rằng, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn cho con người trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán nhưng cũng sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn trong kế toán: xử lý bằng máy tính, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu và mạng máy tính.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán phải ý thức được tầm qua trọng của công nghệ để ứng dụng nó cho phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. ACCA đã tiến hành nhiều cuộc điều tra nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chung cho thấy, để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số, các kế toán – kiểm toán viên tương lai không chỉ cần các yếu tố như sự thông minh, chỉ số cảm xúc mà còn cần được bổ sung thêm các yếu tố cần thiết cho sự phát triển nghề nghiệp như kỹ năng công nghệ, tầm nhìn…
Báo cáo nghiên cứu kế toán viên chuyên nghiệp trong tương lai – Những nhân tố dẫn đến sự thay đổi và kỹ năng tương lai của ACCA công bố năm 2016 cũng chỉ ra rằng, trong kỷ nguyên số, mỗi kế toán chuyên nghiệp sẽ được phản ánh năng lực và kỹ năng trên 7 lĩnh vực: Kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm, trí thông minh, kỹ năng kỹ thuật số, khả năng sáng tạo, chỉ số cảm xúc và tầm nhìn.
Một điều quan trọng trong kỷ nguyên số đó là hệ thống thông tin tài chính được kết nối trên toàn cầu. Sự kết nối này do công nghệ và do internet mang lại, nó mang tới nhiều cơ hội đầu tư, nhiều nguồn thông tin tài chính mang tính toàn cầu nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hệ thống tài chính. Lịch sử phát triển của con người kể từ khi có công nghệ, có internet đã chứng kiến không ít cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính lan tỏa trên nhiều quốc gia, Việt Nam cũng nằm trong số đó và cũng phải chịu ít nhiều ảnh hưởng.
Khi đó kế toán, đặc biệt là kiểm toán trở thành công cụ hữu hiệu và sẽ không ngạc nhiên khi kiểm toán hay dịch vụ tư vấn tài chính đang ngày càng trở nên quan trọng. Tầm nhìn trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển của những ai hoạt động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, tư vấn tài chính. Để có được điều này kế toán – kiểm toán cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kết nối toàn cầu và đáp ứng kỳ vọng của công chúng
Giải pháp thích nghi và phát triển trong kỷ nguyên số
Kỷ nguyên số đang mang tới nhiều cơ hội mới và những thách thức mới cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Đối với các cá nhân, những người đã đang và sẽ hoạt động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, có hai điểm nổi bật trong kỷ nguyên số mà mỗi người phải ý thức để thay đổi, đó là khả năng công nghệ và khả năng đưa ra phán đoán nhận định (tầm nhìn), bên cạnh đó một yếu tố cốt lõi bên cạnh năng lực chuyên môn đó là đạo đức nghề nghiệp.
Khi mọi công việc đều có thể xử lý bằng công nghệ thì đạo đức nghề nghiệp trở thành yếu tố cần thiết hơn bao giờ hết, có như vậy mới có thể xây dựng và xác định hình ảnh chân thực của DN. Chỉ có những kế toán viên có đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng sự thật mới có khả năng tạo dựng giá trị chân thực cho cổ đông để các cổ đông tiếp tục đầu tư vào DN. Chỉ có những kiểm toán viên có đạo đức nghề nghiệp mới có thể giúp nhà đầu tư xác định hướng đi ít rủi ro và nhiều cơ hội, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của công chúng.
Để tận dụng hiệu quả các cơ hội trong kỷ nguyên số, trước hết buộc mỗi kế toán – kiểm toán viên phải nắm rõ được nguyên tắc cơ bản cho mọi ứng xử trong lĩnh vực chuyên môn, để biết hành vi đó là đúng hay không đúng chuẩn mực, nguyên tắc đề ra và phải hiểu được những kiến thức cơ bản nhất, sau đó mới có thể tiến đến những kiến thức cấp cao hơn trong tiến trình trở thành các kế toán – kiểm toán viên chuyên nghiệp.
Muốn làm được điều này, những người làm trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán phải hiểu rõ về kiến thức chuyên môn nền tảng, trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật những thay đổi. Bên cạnh đó, cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đặt lợi ích công chúng lên trên lợi ích bản thân. Điều sẽ góp phần hình thành và phát triển kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm và tầm nhìn cho kế toán, kiểm toán viên.
Hơn nữa, lĩnh vực kế toán, kế toán quản trị cũng đang giữ vai trò ngày càng cao trong xu hướng mới, giúp DN điều tiết hoạt động kinh doanh trong hiện tại và cả tương lai. Do vậy, cấp cơ bản, công việc kế toán có thể được thực hiện tự động hóa, các DN cũng cần con người để kiểm tra, phân tích, thậm chí đưa ra những đánh giá cho tình hình tài chính hiện tại và tương lai. Tùy theo từng cấp độ mà nhà tuyển dụng trả lương cho nhân viên của mình.
Một kế toán – kiểm toán viên biết nắm bắt thời cơ là người không chỉ bồi dưỡng cho mình kỹ năng chuyên môn, có khả năng sử dụng công nghệ cho công việc của mình, có tầm nhìn, có đạo đức nghề nghiệp bên cạnh khả năng sáng tạo, nhạy bén và thông minh.
Lúc này, mỗi kế toán – kiểm toán viên hiện tại và tương lai cần bồi dưỡng cho mình cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (sử dụng công nghệ) cho công việc của mình từ đơn giản như ứng dụng hàm excel cho tới các phần mềm kế toán, phần mềm quản trị, phân tích… và cách để bảo mật thông tin cho chính DN và chính khách hàng của mình, từ đó khai thác thị trường khách hàng một cách triệt để. Thêm vào đó, bồi dưỡng kiến thức và vận dụng khả năng nhìn nhận vấn đề thuộc kế toán quản trị trong DN, bên cạnh xu thế kế toán tài chính như hiện nay. Đây mới là lĩnh vực giúp gia tăng lợi ích đầu tư cho chính DN.
Ngoài ra, phương tiện không thể thiếu giúp kế toán – kiểm toán hiện tại và tương lai vươn xa phạm vi hoạt động của mình đó là ngôn ngữ quốc tế. Riêng đối với lĩnh vực kế toán kiểm toán, ngôn ngữ đem lại giá trị lợi ích tăng thêm không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ giao tiếp mà còn cả kiến thức chuyên môn mang tầm quốc tế.
Do vậy, cơ hội sẽ ngày càng mở rộng cho những đội ngũ kế toán – kiểm toán viên đạt chuẩn quốc tế, được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới như: ACCA, CMA, CIA… Những chứng chỉ này có thể giúp kế toán – kiểm toán viên Việt Nam mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, trong xu thế toàn cầu, đầu tư vượt xa phạm vi quốc gia, cần thiết cho kế toán – kiểm toán chuyên nghiệp phải có tầm nhìn, đánh giá được năng lực tài chính một cách trung thực, bảo toàn các nhà đầu tư. Các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính buộc phải thay đổi để không bị rơi vào gián đoạn, hay có thể bị loại khỏi thị trường khi họ không khai thác được giá trị mà kỷ nguyên số mang lại.
Những dịch vụ mang tính cơ bản, dễ thực hiện như dịch vụ kế toán, cung cấp thông tin tài chính dạng số liệu cơ bản mang lại lợi nhuận thông thường, nhưng riêng các dịch vụ có tính nâng cao như cung cấp dữ liệu phân tích tài chính, tư vấn chuyên sâu… mới là nguồn mang lại lợi nhuận cao cho DN. Như vậy, tính toàn cầu, dữ liệu lớn, internet, công nghệ đang mang tới một thị trường mang tính toàn cầu cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là các DN có chất lượng nhân viên, chất lượng dịch vụ mang tầm quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. The Association of Chartered Certified Accountants (11/2017), Professional accountant – the future (Generation next): Managing talent in small and medium sized practices;
2. The Association of Chartered Certified Accountants (8/2017), Professional accountant – the future(Generation next): Ethics and trust in a digital age;
3. The Association of Chartered Certified Accountants (3/2017), Professional accountant – the future(Generation next): Managing talent in finance shared services;
4. The Association of Chartered Certified Accountants (11/2016), Professional accountant – the future: Generation next;
5. The Association of Chartered Certified Accountants (6/2016), Professional accountant – the future: Drivers of change and future skills.
(Theo Tạp Chí Tải Chính - Ths Nguyễn Thị Thanh Thắm)