- Đừng để lỡ cơ hội 4.0
- Về sự hình thành và phát triển của kế toán quản trị ở Việt Nam
- Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
- Sự tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong quy trình đánh giá rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính - Thực trạng và giải pháp
- Kế toán dự phòng rủi ro hoạt động cho thuê tài chính ở Việt Nam
Hoạt động Kiểm toán Nhà nước đối với gian lận chuyển giá
|
Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích sản xuất kinh doanh, trong đó có chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, từ trong nước cho phát triển kinh tế, cho một số ngành nghề, vùng miền, đặc biệt là các ưu đãi về thuế. Đây cũng là điều kiện để không ít các doanh nghiệp (DN) liên kết thực hiện các chuyển giao nội bộ theo hướng có lợi, cho nhóm DN liên kết. Gian lận về giá trong chuyển giao nội bộ ngày càng đa dạng và với các phương thức thực hiện rất tinh vi, phức tạp. Gian lận chuyển giá ảnh hưởng bất lợi tới phát triển kinh tế - xã hội, gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo nên sự không công bằng trong kinh doanh giữa các DN, làm méo mó môi trường đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia. Rất cần sự kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động chuyển giá. Có rất nhiều công cụ và chủ thể thực hiện việc kiểm soát hoạt động chuyển giá, trong đó Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là công cụ có vai trò rất quan trọng.
Bài viết trình bày trách nhiệm và những việc cần phải làm của KTNN, trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển giá và gian lận chuyển giá ở Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay.
Với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính tối cao của nhà nước, KTNN cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần khẩn trương làm cho được những công việc sau đây:
Trước hết, cần thống nhất nhận thức và nhận thức đúng về chuyển giá, hoạt động chuyển giá và gian lận chuyển giá. Có nhiều cách hiểu về gian lận chuyển giá, nhưng cách hiểu chung nhất có thể như sau: "Gian lận chuyển giá (Transfer Pricing Frauds) là gian lận trong việc định giá chuyển giao tài sản, hàng hóa, dịch vụ giữa các DN liên kết không theo giá thị trường, nhằm thỏa mãn các mục đích kinh tế, chiến lược kinh doanh theo hướng có lợi cho nhóm DN liên kết." (Nguyễn Văn Phượng).
Thứ hai, cần nhận dạng các hình thức gian lận chuyển giá và phạm vi gian lận chuyển giá phổ biến trên thế giới và trước hết là ở Việt Nam. Gian lận chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá cả hàng hóa, dịch vụ được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn kinh tế không theo giá thị trường để đạt lợi ích của tập đoàn hoặc nhóm DN. Cái chính là, họ đã nắm bắt và vận dụng những quy định khác biệt về thuế giữa các quốc gia, các vùng miền, các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, các ưu đãi trong quy định về thuế để xây dựng và áp dụng chính sách giá giao dịch trong nội bộ các thành viên tập đoàn. Vì vậy, giá chuyển giao giữa các thành viên trong nội bộ tập đoàn có thể được xác định ở mức cao hay thấp tùy theo lợi ích đạt được từ những giao dịch này. Mục đích của gian lận chuyển giá không chỉ là tối thiểu hóa thuế thu nhập DN phải nộp, tạo bức tranh giả tạo trước các cổ đông khi hoạt động kinh doanh thua lỗ, giảm lãi nhằm giảm áp lực tăng lương nhân viên, mà còn có mục tiêu thôn tính, chiếm lĩnh thị trường. Trên thực tế, gian lận chuyển giá có phạm vi khá rộng, không chỉ việc chuyển giá qua giao dịch chuyển nhượng tài sản (hữu hình và vô hình), chuyển giao hoạt động mua bán hàng hóa, hoạt động tư vấn, chuyên gia giữa các bên liên kết mà còn thông qua các hoạt động cho vay, đi vay vốn giữa các bên liên kết, nhằm giảm thiểu nghĩa vụ tính thuế cho từng DN cũng như cả tập đoàn.
Thứ ba, xác định rõ đối tượng kiểm toán đối với hoạt động gian lận chuyển giá là các DN có quan hệ liên kết, trước hết là các bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào bên kia, các bên chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của bên khác, các bên cùng tham gia vào việc điều hành, kiểm soát hoặc góp vốn đầu tư... Đối tượng kiểm toán chính là các giao dịch giữa các DN có quan hệ liên kết nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược kinh doanh. Đồng thời, đối tượng kiểm toán các gian lận chuyển giá còn là các chủ thể có nghĩa vụ kiểm soát đối với hoạt động chuyển giá ở Việt Nam như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, trong đó đặc biệt là trách nhiệm phê duyệt, quản lý các dự án đầu tư, quản lý và giám định chất lượng thiết bị, dây truyền công nghệ, dịch vụ, trách nhiệm ban hành và quản lý giá chuyển giao, chế tài xử phạt các gian lận, quản lý sự chuyển dịch các luồng vốn đầu tư..
Thứ tư, kiểm toán gian lận chuyển giá là loại hình kiểm toán đặc biệt không chỉ thuần túy là kiểm tra đánh giá, xác nhận độ tin cậy của các thông tin về hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính của DN, mà quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp trong việc định giá các giao dịch vốn, tài sản, hàng hóa giữa các thành viên trong nhóm liên kết, đánh giá tác động của các chính sách giá giao dịch nội bộ đến nghĩa vụ nộp thuế của các thành viên cũng như cả tập đoàn. Cần nhận thức kiểm toán chuyển giá có sự gắn kết chặt chẽ với kiểm toán báo cáo tài chính, nhưng hoàn toàn không giống với kiểm toán báo cáo tài chính. Kiểm toán tài chính là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin kinh tế tài chính. Lẽ tất nhiên kiểm toán chuyển giá và gian lận chuyển giá cũng cần kiểm tra, đánh giá và xác nhận mức độ tin cậy của thông tin tài chính, nhưng quan trọng hơn là kiểm tra, đánh giá các giao dịch giữa các bên liên kết, giữa các thành viên trong một tập đoàn, giữa các quốc gia, vùng miền, ngành nghề, có chính sách thuế, chính sách ưu đãi về thuế khác nhau. Do đó, kiểm toán về chuyển giá cần chú trọng kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Kiểm toán cần đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các khía cạnh của chuyển giá như: Đăng ký, thực hiện các giao dịch liên kết trong việc mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ, việc định giá, giám sát và thẩm định chất lượng tài sản, hàng hóa, dịch vụ chuyển giao. Đồng thời, cần triển khai và đi sâu kiểm toán hoạt động, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hữu hiệu của các hoạt động chuyển giao vốn, tài sản, hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên.
Thứ năm, kiểm toán chuyển giá và gian lận chuyển giá cần sử dụng có hiệu quả các phương pháp kiểm toán. Cần sử dụng linh hoạt các phương pháp kiểm toán trên cơ sở xem xét, đánh giá các giao dịch giữa các thành viên trong mối quan hệ giữa các bên trong kinh doanh, sự vận động và sự tác động qua lại của các yêu tố liên quan từng giao dịch cụ thể. Thu thập và xem xét chứng từ, tài liệu kế toán là cần thiết, nhưng rất cần các phương pháp quan sát, đối chiếu, phân tích và xác định các mối liên hệ hữu cơ của các giao dich, các chuyển giao giữa các bên liên kết, thấy được bản chất của các giao dịch. Đặc biệt là các giao dịch liên quan chi phí kinh doanh, thu nhập của từng DN, của cả tập đoàn.
Thứ sáu, cần nhận dạng và đánh giá đầy đủ các rủi ro trong kiểm toán gian lận giá, trước hết là rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát. Rủi ro tiềm tàng về chuyển giá và gian lận chuyển giá thường tiềm ẩn ngay trong từng hoạt động chuyển giao, từng giao dịch liên quan đến chi phí kinh doanh và thu nhập. Mỗi loại hoạt động chuyển giao, mỗi thành viên liên kết có những rủi ro tiềm tàng khác nhau. Cần phân tích, đánh giá các rủi ro nằm ngay trong từng hoạt động chuyển giao giữa các thành viên và chúng hoàn toàn không giống nhau, như rủi ro trong giao dịch chuyển nhượng tài sản hữu hình hoàn toàn khác với rủi ro chuyển giá trong chuyển nhượng tài sản vô hình, hay chuyển nhượng dịch vụ. Cần đánh giá khả năng xảy ra gian lận và sai sót, đặc biệt là các gian lận trong đánh giá chất lượng tài sản hàng hóa, trong định giá chuyển giao. Việc phát hiện các gian lận trong kiểm toán gian lận chuyển giá không dễ dàng, bởi vì đây là những hành vi cố ý, thường là có chủ định rất rõ rệt và bằng những thủ đoạn nghiệp vụ rất tinh vi. Cần nhận dạng cho hết các loại, các hình thức gian lận để sử dụng phương pháp kiểm toán hợp lý phát hiện gian lận. Trong không ít trường hợp, kiểm toán không chỉ thu thập bằng chứng kiểm toán là hóa đơn, chứng từ, tài liệu trong DN mà cần dựa vào kinh nghiệm nhận biết và xem xét từ bên ngoài, xác định các bất hợp lý trong các mối quan hệ kinh tế, trong các giao dịch, từ tình trạng lãi, lỗ bất thường, những giao dịch bất thường trong kinh doanh.
Thứ bảy, trong kiểm toán gian lận chuyển giá cần quan tâm đặc biệt đến việc xem xét và đánh giá môi trường kiểm toán. Một tập đoàn kinh tế, một DN luôn thường trực ý thức chấp hành pháp luật nhà nước, thì có sự quan tâm tổ chức hạch toán, thực hiện các giao dịch rất đầy đủ kịp thời. Môi trường kiểm toán rõ ràng là minh bạch và thuận lợi cho kiểm toán. Ngược lại, sự cố tình gian lận về giá, về chất lượng tài sản, dịch vụ chuyển giao, lưu trữ hồ sơ các giao dịch không đầy đủ thì chắc chắn luôn thường trực những toan tính và những gian lận có chủ ý, những việc làm không minh bạch có liên quan các nghiệp vụ về chuyển giá.
Hệ thống kiểm soát nội bộ cần được đánh giá tính hiệu lực hiệu quả, trong đó đặc biệt phải xem xét và đánh giá sự hiện diện và tính hiệu lực của các quy trình nghiệp vụ, thủ tục kiểm soát các giao dịch, đảm bảo các hoạt động kinh tế tài chính diễn ra bình thường, minh bạch. Mối quan tâm của kiểm toán gian lận chuyển giá là kiểm toán viên phải có những hiểu biết cần thiết về hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị kiểm toán, cần có sự đánh giá để xác định mức độ tin cậy của hệ thống kiểm soát nội bộ. Từ đó, xác định hợp lý phạm vi và nội dung kiểm toán chuyển giá, thời gian cần thiết cho các cuộc khảo sát cơ bản, thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán cũng như các phân tích cơ bản phục vụ cho kiểm toán.
Thứ tám, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm toán, đặc biệt chú trọng công việc trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán. Cần thu thập đủ thông tin về DN. Cần đánh giá thông tin một cách tổng quát, phát hiện điểm yếu cần đi sâu nghiên cứu. Kết luận, kiểm toán thuế cần có đánh giá về bản thân chính sách và các quy định pháp lý về quản lý giá, kiểm soát chuyển giá, về thủ tục, trình tự đăng ký, thực hiện các giao dịch liên kết, kê khai và nộp thuế. ý kiến kiểm toán cần nêu rõ sự hợp lý, chưa hợp lý về tính công bằng, công khai của các sắc thuế, về đối tượng chịu thuế và nộp thuế, thời gian áp dụng, thời hiệu có hiệu lực, căn cứ chịu thuế, mức thuế, thuế suất, các chính sách ưu đãi, đặc biệt là thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, sự đầy đủ và nghiêm minh của các chế tài xử phạt DN liên kết khi có sai phạm trong các giao dịch nội bộ.
Thứ chín, KTNN cần có sự phối hợp và sử dụng tốt kết quả kiểm tra kiểm soát của các chủ thể kiểm soát đối với hoạt động chuyển giá. Gian lận chuyển giá có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, làm thất thu ngân sách và mất công bằng giữa các DN, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư và chính sách an ninh tiền tệ quốc gia. Vì vậy, các quốc gia đều có cơ chế kiểm soát đối với hoạt động chuyển giá. ở Việt Nam, chủ thể kiểm soát hoạt động chuyển giá bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và KTNN. Theo chức năng của mình, các chủ thể kiểm soát thực hiện kiểm soát hoạt động chuyển giá ngay từ giai đoạn đầu của dự án và trong quá trình vận hành dự án, thực hiện kinh doanh và các hoạt động giao dịch nội bộ. KTNN thực hiện chức năng kiểm tra đánh giá và xác nhận tính tin cậy, tuân thủ của các hoạt động chuyển giá cần có sự phối hợp và sử dụng có hiệu quả các kết quả kiểm tra của các chủ thể kiểm soát. Đồng thời, kiểm tra đánh giá tính tuân thủ, tính hiệu quả, tính hiệu lực trong các hoạt động của các chủ thể kiểm soát nhằm hạn chế tối đa các sai phạm, phát hiện và đưa ra các khuyến nghị cần thiết xử lý các sai phạm trong các giao dịch nội bộ giữa các DN liên kết.
Tóm lại, KTNN là công cụ kiểm tra tài chính của nhà nước để thực hiện quyền lực của nhân dân bằng kiểm kê và kiểm soát. Hoạt động KTNN đảm bảo đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, tin cậy của các giao dịch giữa các DN liên kết, chống thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh, giữ vững an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia./.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, các Luật Kinh tế, Luật NSNN, Luật DN.
2. Quốc hội: Luật KTNN 2015
3. Chính phủ, Thông báo số 48-TB-VPCP: Tăng cường quản lý chống chuyển giá.
4. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa: Tăng cường kiểm soát nhà nước đối với hoạt động chuyển giá... NXB Giáo dục 2014.
5. TS. Nguyễn Văn Phượng: Kiểm soát Nhà nước đối với gian lận chuyển giá tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ 2015.
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) PGS.TS Đặng Văn Thanh * Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam