- Các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập
- Bàn về một số thay đổi trong quy định hiện hành liên quan đến kế toán giao dịch cổ phiếu
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Kiểm soát Nội bộ tại các Tập đoàn kinh tế ở các nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho VN
- Môi trường pháp lý về dịch vụ kiểm toán độc lập ở Việt Nam
- Phương pháp hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC
Hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của Ngân hàng Thương mại Việt Nam
|
Hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu là một trong những hoạt động quan trọng, được các Ngân hàng Thương mại (NHTM) trên thế giới quan tâm phát triển. Bởi đây là hoạt động có vai trò to lớn đối với NHTM, thị trường trái phiếu (TTTP), và sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nợ xấu tín dụng tăng cao, cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận NH suy giảm, ... thì việc lựa chọn kênh đầu tư vào thị trường Trái phiếu sẽ là lựa chọn đúng đắn cho hệ thống NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay một số NHTM Việt Nam đã triển khai hoạt động này nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Do đó, câu hỏi đặt ra là, các NHTM cần thực hiện hoạt động này như thế nào trên các phương diện như mô hình tổ chức, quy trình thực hiện, các loại hình thực hiện và chiến lược thực hiện tương ứng, phương thức QTRR. Bên cạnh đó, các NHTM cũng cần nắm bắt các điều kiện cơ bản, để thực hiện và điều chỉnh các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động này theo hướng tích cực. Đồng thời, cần thiết phải xây dựng và áp dụng bộ chỉ tiêu đánh giá phù hợp với hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu, để giúp các nhà quản trị có chiến lược phát triển hợp lý.
TTTP đã có những bước tiến mạnh về quy mô và chất lượng, trở thành kênh quan trọng, trong việc huy động vốn cho NSNN và hỗ trợ hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của hệ thống NHTM. Tuy nhiên, quy mô và phạm vi nhỏ, tính thanh khoản chưa cao; Cấu trúc thị trường chưa hoàn chỉnh, hệ thống nhà đầu tư còn mỏng, hạ tầng dịch vụ chưa phát triển; Hàng hóa đơn điệu; Chủ yếu tập trung ở kỳ hạn ngắn - trung hạn, tổng dư nợ thị trường TPDN còn khá khiêm tốn,...
Điều kiện về pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của NHTM Việt Nam
Về cơ bản, khung pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu và cho hoạt động này của NHTM liên tục được ban hành, chỉnh sửa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM khi tham gia hoạt động. Nhìn chung, các NHTM đã đáp ứng hầu hết điều kiện thực hiện, ngoại trừ việc một số NHTM không đáp ứng được tỷ lệ CAR, sẽ có ảnh hưởng đến việc thực hiện một số nghiệp vụ liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của NHTM.
Tính đến Quý III /2013, tất cả NHTM đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu so sánh Vietinbank giữ vị trí thứ nhất với số vốn điều lệ (32.661 tỷ VND) tại Việt Nam với các NHTM tại các quốc gia trong khu vực, thì có thể thấy rõ quy mô nhỏ bé của hệ thống NHTM Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số NH còn yếu kém, quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, nợ xấu cao. Trong thời gian vừa qua, có những thời điểm một số NHTM không đảm bảo CAR. Cơ sở hạ tầng và trình độ công nghệ của các NHTM Việt Nam vẫn còn yếu kém so với mặt bằng chung của thế giới. Do vậy, hệ thống CNTT chưa có khả năng hỗ trợ đầy đủ cho nghiệp vụ đầu tư kinh doanh trái phiếu. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ trực tiếp đầu tư kinh doanh trái phiếu của các NHTM có khả năng đảm nhiệm thực hiện cơ bản các hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu. Ngoài ra, tùy thuộc từng NHTM mô hình hoạt động đối với lĩnh vực này, có thể được xây dựng trên cơ sở mô hình tổ chức bộ máy với các phòng ban chức năng được chuyên môn hóa cụ thể đến hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu; Hoặc có thể thuộc mô hình tổ chức với các phòng ban chức năng thực thi nhiều nhiệm vụ, trong đó có kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu. Bên cạnh đó, đối với bộ phận nghiên cứu & kiểm soát rủi ro (Middle offices) thì có nhiều NHTM Việt Nam chưa thực sự chú trọng phát triển, vai trò tương đối mờ nhạt, thậm chí có ngân hàng chưa xây dựng các bộ phận này.
Nhóm chỉ tiêu về lượng bao gồm: Quy mô đầu tư; Cơ cấu trái phiếu nắm giữ; Thu nhập; Mức độ đa dạng hóa các đối tác; Thị phần hoạt động.
Nhóm chỉ tiêu về chất lượng bao gồm: Mô hình hoạt động, quy trình hoạt động và các loại hình, chiến lược đầu tư kinh doanh trái phiếu; Phương pháp QTRR; Thực hiện đúng quy trình quy định; Đảm bảo an toàn hiệu quả sử dụng vốn, hỗ trợ thanh khoản NHTM khi cần thiết, đồng thời nâng cao tỷ suất sinh lời từ hoạt động trái phiếu.
Về cơ bản, hiện nay hầu hết các NHTM Việt Nam đều xây dựng và thực hiện quy trình hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của mình theo trình tự các bước: Thiết lập mục tiêu, lựa chọn loại hình đầu tư kinh doanh, chiến lược đầu tư kinh doanh, lựa chọn loại hình trái phiếu và cuối cùng là đo lường và định giá kết quả. Các NHTM ở Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu với nhiều mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu vẫn là phục vụ hỗ trợ cho việc quản lý kinh doanh nguồn vốn khả dụng của bản thân ngân hàng, đảm bảo duy trì khả năng thanh toán toàn hệ thống là chính, bên cạnh đó là mục tiêu đem lại thu nhập cho ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thường chọn loại hình đầu tư kinh doanh thích hợp là, tập trung đầu tư kinh doanh với tỷ trọng nhiều hơn đối với các loại trái phiếu ít rủi ro như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn và trung hạn để có tính thanh khoản cao và có thể tham gia OMO tỷ lệ cao hơn theo quy định của NHNN. Tương ứng với từng loại hình đầu tư kinh doanh trái phiếu, các ngân hàng sẽ có những chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp.
a. Đánh giá theo nhóm chỉ tiêu về lượng
Quy mô đầu tư kinh doanh trái phiếu: Nếu xét tổng thể từ năm 2009 đến 2014, trên cơ sở tổng tài sản NH và tỷ lệ nợ xấu từ hoạt động tín dụng có xu hướng tăng, các NHTM đã tăng quy mô đầu tư kinh doanh trái phiếu. Trong giai đoạn hiện nay, bình quân tỷ trọng của số dư trái phiếu do các NHTM nắm giữ so với tổng tài sản đều đạt khoảng 13%-15%/năm (tăng khoảng 3%-4% so với năm 2009).
Chi tiết danh mục đầu tư kinh doanh trái phiếu
Về tỷ trọng đầu tư kinh doanh theo chủ thể phát hành: Nhìn chung, trên cơ sở đảm bảo an toàn vốn và thanh khoản, các NHTM chủ yếu chú trọng tập trung tỷ trọng đầu tư kinh doanh các loại Trái phiếu ít rủi ro như Tín phiếu NHNN, TPCP hoặc được Chính phủ bảo lãnh hơn là các loại trái phiếu khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013 - 2014, tỷ trọng bình quân đầu tư vào các loại trái phiếu ít rủi ro này bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ, đạt tỷ lệ khoảng 70% tổng danh mục đầu tư trái phiếu (giảm khoảng 8% so với năm 2012); đồng thời tăng tương ứng tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (lên mức khoảng 30% tổng danh mục trái phiếu). Đây được coi là chiến lược, từng bước đa dạng hóa danh mục đầu tư trái phiếu, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm lợi nhuận.
Về tỷ trọng đầu tư kinh doanh theo đồng tiền giao dịch trái phiếu: Trong các năm 2009 - 2010, các NHTM đã thực hiện thí điểm đầu tư, kinh doanh trái phiếu bằng đồng USD với lãi suất hấp dẫn, nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm bớt áp lực thừa nguồn vốn ngoại tệ trong hệ thống. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, các NHTM đã chấm dứt hoạt động đầu tư, kinh doanh đối với các loại trái phiếu này do KBNN Việt Nam không tiếp tục phát hành trái phiếu ngoại tệ nữa, hoặc chưa được cấp phép từ NHNN và các cơ quan quản lý liên quan.
Về tỷ trọng đầu tư kinh doanh theo kỳ hạn đáo hạn trái phiếu: Nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản toàn hệ thống mọi thời điểm, do vậy tỷ trọng trái phiếu có kỳ hạn ngắn - trung hạn thường duy trì lớn nhất (kỳ hạn < 1 năm được duy trì 40%- 45%, tỷ trọng đầu tư trái phiếu trung hạn (1- 5 năm) khoảng 50%- 55%). ít tập trung đầu tư kỳ hạn > 5 năm.
Về tỷ trọng đầu tư kinh doanh theo mục đích đầu tư: Tỷ trọng bình quân loại hình kinh doanh (Trading) và loại hình trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn (HTM), đã có xu hướng tăng. Đồng thời, giảm dần tỷ trọng loại hình sẵn sàng để bán AFS. Cụ thể, bình quân tỷ trọng trái phiếu kinh doanh tăng mạnh đạt trên 6% tổng danh mục đầu tư trái phiếu (tăng 25 lần so với 2009). Bên cạnh đó, tỷ trọng bình quân tỷ trọng trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt mức trên 18% tổng danh mục đầu tư trái phiếu (tăng 1.2 lần so với năm 2009). Điều này cho thấy, các NHTM đã tích cực thực hiện chiến lược chủ động, sẵn sàng mua bán trái phiếu trên thị trường, cân đối hợp lý hơn giữa các loại hình đầu tư.
Doanh số hoạt động
Đối với các giao dịch tại NHNN: Nhìn chung, về doanh số hoạt động đấu thầu qua kênh OMO với NHNN (giao dịch mua bán kỳ hạn, giao dịch mua hẳn) của các NHTM có xu hướng tăng trở lại trong năm 2014 (gấp hơn 3 lần so với năm 2012, gấp 1.9 lần so với năm 2009). Lý do của sự biến động tăng giảm này, phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của NHNN trong từng giai đoạn.
Đối với các giao dịch tại HNX: Doanh số giao dịch đang có xu hướng giảm dần, đối với thị trường sơ cấp và tăng dần trên thị trường thứ cấp (từ 2010 đến nay biến động khoảng 35%). Điều này đã thể hiện rõ, sự chủ động trong hoạt động này của các NH theo hướng tăng cường mua bán trên thị trường thứ cấp, chứ không chỉ giới hạn đầu tư trên thị trường sơ cấp và nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Tình hình đa dạng hóa đối tác: Cùng với sự phát triển của TTTP, đặc biệt là sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu chuyên biệt. Từ năm 2009 đến nay, các NHTM đã chủ động trực tiếp liên hệ và thực hiện giao dịch mua bán thứ cấp với tất cả các đối tác được phép giao dịch, ngoài công ty chứng khoán thuộc hệ thống của mình.
Tình hình thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu: Giai đoạn 2009- 2011, tình hình thu nhập bình quân từ hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu và tỷ trọng của nó, trong tổng thu có xu hướng giảm do các NHTM vẫn tập trung vào hoạt động truyền thống là tín dụng. Tuy nhiên, từ 2011 đến nay, cùng với việc tăng trưởng quy mô đầu tư kinh doanh trái phiếu đã làm tăng mức bình quân tỷ trọng thu từ hoạt động này so với tổng thu của các NHTM (Cụ thể, năm 2014 mức tăng là hơn 5% so với năm 2011 và hơn 1% so với năm 2009).
b. Đánh giá theo nhóm chỉ tiêu về chất
Phương pháp QTRR trong hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu
Chiến lược thực hiện, quy trình thực hiện cũng như phương pháp quản trị rủi ro trong hoạt động này vẫn còn đơn giản và nhiều bất cập, tập trung chủ yếu vào vấn đề đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Việc QLRR của nhiều NHTM mới chỉ dừng lại ở việc kiểm soát việc tuân thủ quy trình tác nghiệp do bộ phận kiểm soát nội bộ thực hiện, còn công tác đánh giá, đo lường rủi ro, đề xuất giải pháp hạn chế rủi ro chưa được NHTM chú trọng. Hay nói cách khác, các ngân hàng chưa áp dụng các công cụ phổ biến như Duration, Convexity, VaR, không áp dụng các phân tích tình huống và phân tích thử nghiệm căng thẳng (stress test). Nhiều NHTM chưa xây dựng mô hình tổ chức hợp lý cho bộ phận kiểm soát rủi ro. Đồng thời, số lượng cán bộ thuộc bộ phận này vừa ít, vừa phải kiêm nhiệm nhiều vị trí trong NHTM. Các bước trong quy trình phát hiện, giám sát và xử lý rủi ro cũng không được quy định rõ ràng, thống nhất.
Tình hình nợ quá hạn
Trong thời gian qua, nhìn chung các NHTM luôn thực hiện chiến lược đầu tư kinh doanh, chủ yếu là trái phiếu độ rủi ro thấp. Vì vậy, trong lĩnh vực này các NHTM hầu như không có tình trạng bị nợ quá hạn (nếu loại trừ trái phiếu do Vinashin phát hành bị quá hạn mà các NHTM nắm giữ).
Tỷ suất sinh lời: Nhìn chung, giai đoạn 2009 - 2014 tỷ suất sinh lời có xu hướng giảm.
Cụ thể, năm 2014 tỷ suất sinh lời đã giảm hơn 32% so với năm 2009. Đặc biệt, giai đoạn 2011- 2014, xu hướng giảm này tỷ lệ nghịch với xu hướng tăng dần của quy mô đầu tư trái phiếu. Điều này phản ánh về mặt chất lượng thì hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của các NHTM là giảm.
Từ việc xây dựng và phân tích mô hình cho thấy: Sở hữu Nhà nước có quan hệ cùng chiều, đối với quy mô về đầu tư kinh doanh trái phiếu và có quan hệ ngược chiều, với tỷ suất sinh lời về đầu tư kinh doanh trái phiếu. Sở hữu nước ngoài có quan hệ cùng chiều với tỷ suất sinh lời. Các NHTM có tỷ lệ nợ xấu cao, có quan hệ tỷ lệ thuận với quy mô đầu tư kinh doanh trái phiếu, nhưng có quan hệ tỷ lệ nghịch với tỷ suất sinh lời. Ngoài ra, quy mô về tổng TS của NHTM càng lớn thì các NH càng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu. Quy mô phát triển của thị trường trái phiếu có ảnh hưởng cùng chiều đến quy mô đầu tư kinh doanh trái phiếu tại các NHTM. Đồng thời, quy mô của TPCP trên thị trường trái phiếu có quan hệ ngược chiều với tỷ suất sinh lời của hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu trong khi mối quan hệ này đối với quy mô của trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu là cùng chiều. Ngoài ra, nền kinh tế tăng trưởng cũng sẽ có quan hệ ngược chiều với quy mô hoạt động đầu tư trái phiếu của các NHTM.
Nguồn vốn tập trung cho nghiệp vụ này vẫn còn khiêm tốn, tỷ suất sinh lời có xu hướng giảm. Chủ yếu phục vụ quản lý kinh doanh nguồn vốn khả dụng, duy trì khả năng thanh toán mà chưa phát triển mạnh hoạt động tự doanh. Chưa thực hiện chiến lược đa dạng hóa danh mục trái phiếu bằng đồng ngoại tệ, đồng thời xu hướng tập trung vào các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn hạn nhiều hơn. Hệ thống quản trị RR trong hoạt động này chưa được thiết lập chặt chẽ. Hệ thống CNTT vẫn chưa thực sự ổn định và tối ưu hóa. Việc triển khai được những sản phẩm, hoạt động mới chưa được phát triển.
Giải pháp nhằm mở rộng quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của Ngân hàng thương mại Việt Nam. Tăng quy mô tổng tài sản ngân hàng. Trên cơ sở phân tích mô hình đo lường tác động của các yếu tố đến sự phát triển của hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của NHTM, quy mô về tổng tài sản của NHTM càng lớn thì các NHTM càng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, các hình thức tăng tổng tài sản NHTM nên được thực hiện một cách thực chất. Đồng thời, trên cơ sở đó, từng ngân hàng cần duy trì tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực trái phiếu (tối thiểu khoảng 15%-20%) trong tổng tài sản trên cơ sở mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu một cách vững chắc, an toàn, bền vững và phù hợp với việc cân đối nguồn vốn để trực tiếp cho vay nền kinh tế. Nâng cao nhận thức của Ban quản trị NH, về vai trò và vị trí của hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu đối với từng ngân hàng. Trước hết, ban quản trị cần phải nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vị trí và vai trò quan trọng của hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu, trong chiến lược hoạt động và phát triển chung của NH. Giải pháp nhằm tăng tỷ suất sinh lời hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của NHTM Việt Nam. Trên cơ sở, phân tích mô hình đo lường đã chỉ ra rằng, các yếu tố như tỷ lệ sở hữu Nhà nước hoặc tỷ lệ nợ xấu từ hoạt động tín dụng có mối quan hệ ngược chiều với tỷ suất sinh lời của hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu, tuy nhiên yếu tố tỷ lệ sở hữu nước ngoài lại có quan hệ cùng chiều với tỷ suất sinh lời này. Giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong cơ cấu sở hữu tại các NHTM Việt Nam. Xây dựng lộ trình cụ thể, đẩy nhanh quá trình thay đổi cơ cấu sở hữu ngân hàng, nâng mức sở hữu của nước ngoài đến mức tối đa theo quy định. Đặc biệt, cần nhanh chóng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước, đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các NHTM có tỷ lệ sở hữu Nhà nước luôn ở mức rất cao (trên 90%) như BIDV và Agribank. Các nhà quản trị NH cần loại bỏ quan điểm “mất quyền làm chủ” nếu tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, tăng cường công tác tuyên truyền, công khai minh bạch các thông tin liên quan bao gồm tình hình nợ xấu, tài chính, quá trình tái cấu trúc. Giải pháp nhằm kiểm soát và giảm tỷ lệ nợ xấu tín dụng NH. Xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các Ngân hàng cần chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN. Các biện pháp xử lý nợ xấu được triển khai cần tập trung vào các vấn đề chính như cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý TSĐB, bán nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận để tập trung trích lập DPRR.
Giải pháp nâng cao năng lực hoạt động nói chung và năng lực hoạt động tự doanh nói riêng của các NHTM. Nâng cao hiệu quả công tác quản trị điều hành: Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế điều hành và quản lý nguồn vốn khả dụng đối với một số NHTM, đặc biệt là cơ chế quản lý vốn tập trung và điều hòa vốn nội bộ linh hoạt và hiệu quả hơn so với cách thức quản lý hiện nay. Các NH cần phải chú trọng phát triển hoạt động tự doanh, trên cơ sở quy định các hạn mức cụ thể, cùng với cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro phát sinh. Để thực hiện hiệu quả, trước hết NH cần tách biệt giữa 2 mảng hoạt động là, bộ phận phục vụ hệ thống và bộ phận kinh doanh (bộ phận tự doanh). Để thực hiện hoạt động tự doanh trái phiếu có hiệu quả, đòi hỏi cán bộ thực hiện tận dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, nhằm tìm kiếm những trái phiếu có khả năng tăng giá trên cơ sở phân tích đầy đủ các yếu tố liên quan. Ngoài ra, trong điều kiện các cơ quản quản lý tại Việt Nam cho phép và ban hành đầy đủ hệ thống pháp lý về việc bán khống, các NH có thể thực hiện hoạt động tự doanh trên cơ sở việc bán trái phiếu mà ngân hàng chưa sở hữu. Do đó, ngân hàng phải đi vay trái phiếu tương ứng trên thị trường với kỳ vọng sẽ mua lại với giá thấp hơn trong tương lai.
Nhóm giải pháp hoàn thiện về hệ thống pháp lý nội bộ, cơ chế hoạt động và các chỉ tiêu đánh giá hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của NHTM Việt Nam nhanh chóng, tăng cường bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý còn thiếu tại từng NHTM, tập trung ban hành các văn bản quy định về quy trình đầu tư kinh doanh trái phiếu ngoại tệ; Quy trình đầu tư kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp trong toàn hệ thống, các quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu,.... Cần thiết phải xây dựng và áp dụng bộ chỉ tiêu đánh giá phù hợp với hoạt động này, để giúp các nhà quản trị có chiến lược phát triển hợp lý. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện cơ chế khen thưởng xứng đáng và kịp thời, rõ ràng cho các cán bộ liên quan đến hoạt động trái phiếu đã đạt nhiều thành tích tốt trong quá trình công tác.
Nhóm giải pháp nâng cấp hệ thống CNTT hỗ trợ: Tiếp tục đổi mới công nghệ NH hỗ trợ cho hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hóa, tự động hóa.
Nhóm giải pháp về cơ cấu tổ chức và nâng cao trình độ nhân sự: Đổi mới và kiện toàn công tác nhân sự; Từng bước cơ cấu lại bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, tạo nên sự phối hợp giữa các bộ phận này phải nhịp nhàng và thống nhất.
Giải pháp về QTRR hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu. Xây dựng và tăng cường thực hiện quy trình quản trị rủi ro mang tính hệ thống, giúp NHTM kiểm soát rủi ro hiệu quả với đầy đủ các bước sau:
Nhận diện rủi ro: NHTM có thể sử dụng hồ sơ rủi ro, để xác định các loại rủi ro cụ thể hơn. Đối với NHTM, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro là điều cần thiết để nhận biết các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, từ đó chủ động thực hiện các chiến lược QLRR thích hợp.
Phân tích rủi ro: Dựa trên các rủi ro liệt kê được nhận diện ở trên, cán bộ QTRR sẽ đánh giá về khả năng hay xác suất rủi ro đó xảy ra và mức độ tác động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh trái phiếu. Trên cơ sở đó, sẽ phân loại, xếp hạng từng loại rủi ro để có những biện pháp xử lý phù hợp.
Kiểm soát rủi ro: Việc thiết lập một hệ thống kiểm soát rủi ro, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản về: Phân tích tình huống và phân tích thử nghiệm căng thẳng (stress test); Lập ra các hạn mức phù hợp; áp dụng các công cụ Duration, Convexity; PV01, VaR,... Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin; Xây dựng vách ngăn mềm ngăn chặn chia sẻ thông tin.
Giám sát và xử lý rủi ro: Trước hết, NHTM cần phân tách trách nhiệm rõ ràng cụ thể, giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận kiểm soát rủi ro và bộ phận xử lý giao dịch có vai trò hết sức quan trọng. Các biện pháp xử lý rủi ro: NHTM thực hiện trích lập, phân bổ và sử dụng quỹ xử lý rủi ro chung, theo quy định của pháp luật và chính sách của HĐQT phê duyệt. Mặt khác, trong công tác giám sát cần chú trọng việc thực hiện quy trình QTRR.
Giải pháp về đa dạng hóa các nghiệp vụ, sản phẩm mới. Trên cơ sở thực hiện tốt các nghiệp vụ, sản phẩm truyền thống hiện tại, các NHTM Việt Nam cũng cần tiến hành nghiên cứu, phân tích và thực hiện các nghiệp vụ, sản phẩm mới liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu. Chẳng hạn: Hợp đồng trái phiếu tương lai; Hợp đồng quyền chọn trái phiếu; Trái phiếu Zero coupon bond; Trái phiếu lãi suất thả nổi, ./.
Tài liệu tham khảo
- TS. Hồ Diệu, Tín dụng Ngân hàng, NXB Thống kê, 2000.
- NGƯT.TS. Tô Ngọc Hưng, Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê, 2009.
- PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Nghiệp vụ Ngân hàng Thương mại, NXB Tài chính 2005.
- PGS.TS Nguyễn Năng Phúc, Giáo trình phân tích báo cáo tài chính, NXB Đại học KTQD, 2011.
- GS.TS. Nguyễn Văn Tiến, Quản trị Ngân hàng thương mại. NXB Thống kê, 2013.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của TS Nguyễn Thị Hồng Yến - TS Trần Thị Nhung * Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - ĐH Thái Nguyên