- Một số giải pháp nhằm hoàn thiện kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng thương mại do các doanh nghiệp kiểm toán độc lập ở Việt Nam thực hiện
- Về áp dụng tỷ giá trong kế toán Thuế Xuất nhập khẩu và Thuế Tiêu thụ đặc biệt theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và Nghị định 08/2015/NĐ-CP
- Kế toán quản trị trong doanh nghiệp sản xuất - Từ lý luận đến thực tiễn
- Kế toán và kiểm toán Việt Nam hội nhập cộng đồng ASEAN
- Một số ý kiến về việc vận dụng nguyên tắc giá trị hợp lý vào việc lập và trình bày BCTC ở Việt Nam
Hồ sơ kiểm toán - nhận thức về chức năng và tổ chức hồ sơ
|
Công việc kiểm toán được tiến hành bởi nhiều người, trong một thời gian nhất định. Do vậy, việc phân công và phối hợp kiểm toán cũng như việc giám sát công việc của ban kiểm soát chất lượng, phải được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ. Thông qua hồ sơ kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) có thể đánh giá tiến độ và tiếp tục điều hành công việc. Đồng thời, hồ sơ kiểm toán là hệ thống tài liệu căn bản, để giúp lãnh đạo Công ty Kiểm toán và Kiểm toán Nhà nước có thể kiểm tra tính đầy đủ của những bằng chứng kiểm toán thích hợp, làm cơ sở cho kết luận của KTV.
Chính vì thế, có thể kết luận rằng, hồ sơ kiểm toán là một phần không thể thiếu được trong mỗi cuộc kiểm toán. Hồ sơ kiểm toán có ý nghĩa to lớn trong cuộc kiểm toán:
Theo tính chất tư liệu của KTV, thì hồ sơ kiểm toán được phân thành hồ sơ kiểm toán chung và hồ sơ kiểm toán chi tiết, hay còn gọi là hồ sơ kiểm toán riêng.
- Hồ sơ kiểm toán chung, là các thông tin chung về đối tượng được kiểm toán, liên quan từ hai hay nhiều cuộc kiểm toán trong nhiều năm tài chính của một đối tượng Hồ sơ kiểm toán chung thường bao gồm: Các thông tin chung về đối tượng được kiểm toán, các tài liệu số liệu về tài chính. Hồ sơ kiểm toán chung được cập nhật hàng năm khi có sự thay đổi liên quan đến các tài liệu này.
- Hồ sơ kiểm toán chi tiết, bao gồm toàn bộ hồ sơ kiểm toán để làm cơ sở cho báo cáo kiểm toán của một năm tài chính. Hồ sơ kiểm toán chi tiết, thường bao gồm: Các thông tin về người lập, người kiểm tra (soát xét) hồ sơ kiểm toán; Các văn bản về tài chính, kế toán,..; Báo cáo kiểm toán, thư quản lý, BCTC và các báo cáo khác,... (bản dự thảo và bản chính thức); Quyết định kiểm toán và kế hoạch kiểm toán, ý kiến của đối tượng kiểm toán. hợp đồng kiểm toán và bản thanh lý hợp đồng; Những bằng chứng kiểm toán và kết luận trong việc đánh giá rủi ro; Các kết luận của KTV về những vấn đề trọng yếu của cuộc kiểm toán và các KTV đã thực hiện để giải quyết các vấn đề đó; Các tài liệu liên quan khác. Khi hoàn thành cuộc kiểm toán, các hồ sơ kiểm toán được tập hợp và lưu trữ thành bộ hồ sơ theo thứ tự đã đánh số để giúp tra cứu dễ dàng. Hồ sơ kiểm toán là tài sản của công ty kiểm toán. Phải bảo quản hồ sơ kiểm toán theo nguyên tắc an toàn và bí mật số liệu. Việc lưu trữ hồ sơ phải đảm bảo theo đúng các yêu cầu về mặt nghiệp vụ và luật pháp.
Để thiết lập và thực hiện hồ sơ kiểm toán cần nhận thức đầy đủ về chức năng của hồ sơ kiểm toán. Hồ sơ kiểm toán là một tài liệu đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán Nhà nước về tài chính nói riêng. Trong quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán là một phần rất quan trọng đảm nhận nhiều chức năng khác nhau. Xuất hiện từ khâu lập kế hoạch cho đến khâu kết thúc kiểm toán, hồ sơ kiểm toán là một tài liệu lưu trữ bắt buộc, sử dụng nhiều năm sau ngày kết thúc kiểm toán. Hồ sơ kiểm toán có những chức năng chính sau:
Trong quá trình kiểm toán, các thông tin đã thu thập sẽ được tiếp tục bổ sung, cập nhật vào hồ sơ kiểm toán của từng đối tượng có liên quan.
Việc xem xét và kiểm tra chất lượng công việc của các trợ lý kiểm toán được tiến hành trên các hồ sơ kiểm toán do họ thực hiện. Việc xem xét và kiểm tra này, được tiến hành từ thấp đến cao: KTV chính sẽ kiểm tra và yêu cầu các trợ lý kiểm toán giải trình các nội dung trên hồ sơ kiểm toán của mình, sau đó các hồ sơ kiểm toán này sẽ tiếp tục bởi các trưởng đoàn kiểm toán, kiểm toán trưởng, ban soát xét, … Quá trình này, bảo đảm chất lượng của hồ sơ kiểm toán và công việc của KTV, trợ lý kiểm toán được giám sát đầy đủ. Sau mỗi lần kiểm tra, người kiểm tra sẽ ký tên trên hồ sơ kiểm toán, để xác nhận sự kiểm tra của mình.
Đây là chức năng rất quan trọng của hồ sơ kiểm toán, vì mục đích cuối cùng của một cuộc kiểm toán là đưa ra báo cáo kiểm toán thể hiện ý kiến của KTV về tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán. Hồ sơ kiểm toán chính là những bằng chứng bằng tài liệu cho các bằng chứng kiểm toán, những phân tích đánh giá của KTV. Vì thế, hồ sơ kiểm toán chính là cơ sở để các KTV đưa ra ý kiến, đưa ra báo cáo kiểm toán và các kết luận kiểm toán, sau khi tiến hành cuộc kiểm toán.
Để tiến hành cuộc kiểm toán có kết quả tốt, chi phí thấp cần phải xây dựng một kế hoạch chiến lược, kế hoạch chi tiết sát với tình hình thực tế. Như vậy, để giảm bớt công việc thu thập các tài liệu và nâng cao hiệu quả của công việc lập kế hoạch kiểm toán, KTV sẽ sử dụng hồ sơ kiểm toán kỳ trước như là nguồn thông tin phong phú, cho việc lập kế hoạch và cuộc kiểm toán kỳ sau, cụ thể là: Cho biết thời gian cần thiết để tiến hành công việc kiểm toán dựa vào thời gian. Cung cấp một cái nhìn thấu đáo về hệ thống kiểm soát nội thực tế của kỳ trước. Một số tài liệu sẽ cho biết các vấn đề “nổi cộm” cần đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, KTV chính sẽ đỡ tốn thời gian hướng dẫn cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, việc sử dụng hồ sơ kiểm toán của kỳ trước đòi hỏi phải chú ý các vấn đề như sự thay đổi về các mặt hoạt động, hệ thống kiếm soát nội bộ của đơn vị và khả năng nâng cao hiệu quả của công việc kiểm toán.
Tài liệu tham khảo
- PGS.TS Đặng Văn Thanh, 2015, Giáo trình Kiểm toán căn bản, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
- Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, 2013, NXB Tài chính Hà Nội.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của Đặng Văn Quang - Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội