- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Kế toán quản trị môi trường trong doanh nghiệp sản xuất Việt Nam: Sự tương đồng và hạn chế so với thế giới
- Khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp phi tài chính trên sàn chứng khoán: nhìn từ lý thuyết hành vi có kế hoạch
- Kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp chế biến gỗ khu vực Nam Trung Bộ
- Chất lượng dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Giám sát của Quốc hội đối với quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách Nhà nước
TS. Nguyễn Thị Nhung* * Văn phòng Quốc hội
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thiết chế có vị trí, vai trò đặc biệt trong cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập pháp, quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó có giám sát đối với quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, ngân sách Nhà nước là cần thiết, nhưng không phải là ý muốn chủ quan của Đảng, Nhà nước hay Quốc hội mà xuất phát từ chính những yêu cầu, đòi hỏi mang tính thực tiễn khách quan trong hoạt động của Quốc hội.
Từ khóa: Quốc hội, giám sát, giám sát tối cao, tài sản Nhà nước, ngân sách Nhà nước.
Chức năng giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước
Giám sát là hoạt động mang tính chất chính trị, thể hiện ý chí của cử tri và là một trong những tiêu chí để đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động Nhà nước chỉ tập trung vào các cơ quan ở Trung ương như: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các thiết chế độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan Nhà nước khác do Quốc hội thành lập. Quốc hội thực hiện quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi người đó không xứng đáng với trọng trách được giao; bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội,…
Trong giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước của Quốc hội có những hoạt động giám sát về quản lý, sử dụng tài sản công và ngân sách Nhà nước (NSNN). Trong đó có quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyết định dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán NSNN, quyết định các dự án công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn NSNN; quyết định điều chỉnh dự toán NSNN trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện NSNN, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về NSNN, các dự án và công trình quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế xã hội, các dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác; bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, UBTV Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về lĩnh vực tài chính - ngân sách trái với Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội.
Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và NSNN được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của UBTV Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội. Hàng năm, Quốc hội đã thực hiện một số hoạt động giám sát thông qua hình thức nghiên cứu xem xét báo cáo liên quan đến tài chính - ngân sách và quản lý, sử dụng tài sản công, như: (i) Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm trước, đánh giá giữa kỳ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội giữa năm và ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm tiếp theo; trong đó, có nội dung đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công; (ii) Các báo cáo quyết toán NSNN năm trước, đánh giá giữa kỳ về tình hình NSNN trong năm và ban hành nghị quyết về dự toán NSNN, phân bổ NSNN cho năm tiếp theo
Các Luật liên quan đến tài sản và ngân sách Nhà nước
Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành một số Dự án Luật liên quan đến tài sản và NSNN đã và đang phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện, như:
Luật Quản lý sử dụng tài sản công: Được ban hành đã bảo đảm luật hóa việc quản lý tài sản công theo Hiến pháp 2013 và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Thực tiễn phát sinh, làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu phục vụ mục đích phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Luật Quản lý nợ công năm 2017: Được nghiên cứu sửa đổi trong bối cảnh nợ công tăng nhanh nhưng sử dụng chưa thực sự hiệu quả, chỉ tiêu dư nợ công tiệm cận mức trần; bảo lãnh Chính phủ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Luật đã có nhiều đổi mới trong phân công, phân cấp phù hợp với tình hình thực tế đất nước và thông lệ quốc tế, quy định rõ phạm vi nợ công bảo đảm gắn với nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ (trung ương và địa phương). Việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công và đảm bảo nguồn ngoại tệ của Quỹ tích lũy trả nợ được kế thừa và tiếp cận hơn so với thông lệ quốc tế.
Luật Đầu tư công năm 2019: Là bước đổi mới quan trọng trong quản lý các hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán. Góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công,...
Luật Quản lý thuế năm 2019: Được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý thu ngân sách trong tình hình mới, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc NSNN. Luật đã có những sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó, các nội dung về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác; trách nhiệm kê khai thuế; quản lý hoạt động chuyển giá đang thu hút sự quan tâm của dư luận…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019: Được ban hành góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước hiện nay. Luật đã quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các luật có liên quan. Tạo cơ sở pháp lý để Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng.
Đây là những đạo luật có vai trò quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính theo Hiến pháp năm 2013, tăng cường quản lý chặt chẽ thu, chi NSNN, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công, tài sản công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật NSNN và các luật về quản lý kinh tế - xã hội đã được Quốc hội, UBTV Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiến hành thường xuyên.
Ở Quốc hội, giám sát chuyên đề được Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để theo dõi, xem xét các chủ trương, chính sách về quản lý và sử dụng tài sản công, NSNN, như: Việc giám sát chương trình thực hiện thí điểm, việc chấp hành cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công. Trên thực tế, từ năm 2013 đến nay, Quốc hội, UBTV Quốc hội đã tiến hành giám sát các chuyên đề về hoạt động kinh tế - xã hội và các chuyên đề có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công & NSNN, trong đó có một số chuyên đề quan trọng liên quan đến tài sản công & NSNN như:
(1) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016; 2017 - 2018"; sau giám sát, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 60/2018/QH14, ngày 15/6/2018, về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN.
(2) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” (2018 - 2019); sau giám sát, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14, ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
(3) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị, từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến hết năm 2018”;
- “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, giai đoạn 2011-2016”;
(4) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN, giai đoạn 2013-2018” …
(5) Giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với Dự án Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn thực hiện theo Thỏa thuận Bảo lãnh và Cam kết của Chính phủ Việt Nam (GGU) với các nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng UBTVQH Khóa XIV đã ban hành được một số Nghị quyết quan trọng như:
- Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 về “Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN, giai đoạn 2021-2025”;
- Nghị quyết 974/2020/UBTVQH14 về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19/01/2017 của UBTV Quốc hội. Quốc hội quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm”;
- Nghị quyết về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ;
- Nghị quyết kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 2025, Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19,…;
Giám sát của Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn, giải trình
Trong mỗi kỳ họp, Quốc hội giành thời gian để Đại biểu Quốc hội chất vấn và các Bộ trưởng như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT,... có liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản, NSNN giải trình các vấn đề do đại biểu đặt ra về thực thi chính sách, pháp luật quản lý và sử dụng tài sản công, NSNN.
Ví dụ:
- Chất vấn Phó Thủ tưởng Chính phủ về biện pháp khắc phục tình trạng các dự án thua lỗ lớn, thất thoát, lãng phí tài sản công; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cấp trong hệ thống quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường; các giải pháp ngăn chặn nạn phá rừng trái phép và tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản tràn lan; biện pháp đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
- Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về: Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại, đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng- kinh doanh - chuyển giao (BOT);
- Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về Xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém. Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới. Thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc...
Ngoài ra, Quốc hội còn giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét các Báo cáo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Công an, Tòa án,... Báo cáo tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, tài sản và NSNN,...
Nhìn chung, hoạt động giám sát trong thời gian qua đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, đã bước đầu tác động tích cực đến hoạt động quản lý, sử dụng TSNN & NSNN. Bảo đảm việc thực thi pháp luật, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung giám sát cơ bản phúc đáp được yêu cầu tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, hình thức giám sát ngày càng phong phú, huy động tối đa nguồn lực cho hoạt động này. Qua hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của các cơ quan chịu sự giám sát là cơ sở cho việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và góp phần quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Để hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian tới hiệu quả hơn, chất lượng hơn, trên cơ sở kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ các nhiệm kỳ trước đây đặc biệt là hoạt động giám sát đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản và NSNN cần: Tăng cường nhiều hơn nữa các hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý, sử dụng tài sản và NSNN; Luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật và tình hình thực tiễn để tổ chức triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong quá trình xây dựng luật pháp, giám sát việc tổ chức thực thi pháp luật và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về quản lý, sử dụng tài sản và NSNN./.
Tài liệu tham khảo
Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2012.
Luật Tổ chức Quốc hội.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội.
Luật Quản lý tài sản công.
Luật NSNN 2013.
Báo cáo hoạt động giám sát của Quốc hội Khóa XIV.
Nguồn: Tạp chí kế toán và kiểm toán