- Về sự hình thành và phát triển của kế toán quản trị ở Việt Nam
- Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
- Sự tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong quy trình đánh giá rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính - Thực trạng và giải pháp
- Kế toán dự phòng rủi ro hoạt động cho thuê tài chính ở Việt Nam
- Công cụ phái sinh nhằm kiểm soát rủi ro tài chính trong doanh nghiệp
Đừng để lỡ cơ hội 4.0
|
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Industrie 4.0) phát triển trên nền tảng của 3 cuộc cách mạng trước đó và được các nhà khoa học nhận định là một sự bùng nổ với tốc độ “không có trong tiền lệ lịch sử”, tiến theo hàm số mũ và phá vỡ hệ thống các ngành công nghiệp truyền thống, nó tác động đến mọi mặt của cuộc sống, tác động lên mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh tế nói chung và nghề kế toán nói riêng. Công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi các mô hình DN, 4 công nghệ quan trọng là những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra sự đổi mới trong mọi loại hình DN đó là:
- Trí tuệ nhân tạo
- Blockchain
- Điện toán đám mây
- Dữ liệu
Trước hết, nói về trí tuệ nhân tạo (AI) trong kế toán. Chúng ta hiểu đó là việc sử dụng hệ thống máy học được cài đặt trí tuệ thông minh để xử lý các hóa đơn, chứng từ kế toán, ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. Câu hỏi đặt ra là: “Kế toán viên sử dụng nó như thế nào?”
Về máy học (machine learning) trong kế toán áp dụng lĩnh vực tự động hóa mới. Máy học có thể mã hóa các bút toán, có thể phân tích các hợp đồng. Lĩnh vực tự động hóa mới là phương tiện hỗ trợ đưa ra các quyết định hữu ích như thông qua máy học có thể xác định được những giao dịch bất thường trong việc ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Trí tuệ nhân tạo có thể ghi nhận bối cảnh và ý nghĩa cụ thể, nhờ đó có những phân tích thông minh hơn.
Ứng dụng “Machine Learning” cũng là phương tiện hỗ trợ đưa ra quyết định hữu ích. Nó giúp nhà quản lý xác định được những giao dịch bất thường trong một khối lượng dữ liệu lớn. Giúp con người phân tích chính xác hơn và xác định rủi ro tốt hơn. Sử dụng chức năng tài chính để dự báo doanh thu, sử dụng nguồn dữ liệu cho ra kết quả chính xác hơn con người. Ngoài ra, ứng dụng máy học còn giúp kế toán viên truy cập dữ liệu phi cấu trúc, nó trở thành một trợ lý ảo đắc lực cho công việc của kế toán, kiểm toán, các giao dịch, thuế để xác định những lĩnh vực rủi ro hoặc cần phân tích thêm, nhờ có chức năng ghi nhận lại bối cảnh nên máy học có sự phân tích thông minh hơn. Tuy nhiên, vẫn cần có sự can thiệp phân tích của con người.
Để tiếp cận được với trí tuệ nhân tạo, con người gặp ít nhiều rào cản về những vấn đề về chuyên ngành kế toán, những thách thức từ thực tế, vai trò và kỹ năng, những vấn đề tổ chức,...
Thứ hai, về Blockchain. Theo các nhà khoa học thì Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, chứa đựng các thông tin được khởi tạo và được liên kết với các khối thông tin trước đó. Blockchain là một quyển sổ cái điện tử lưu trữ các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng và bất cứ giao dịch gì mà chúng ta cần ghi chép một cách độc lập hay xác minh sự tồn tại của nó.
Blockchain có khả năng chia sẻ dữ liệu minh bạch, tiết kiệm không gian lưu trữ và tính bảo mật cao. Blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá có khả năng ứng dụng mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. Sự xuất hiện của Blockchain được xem là một mốc quan trọng, khi máy tính cá nhân ra đời hệ thống này sẽ thay đổi theo cách nhìn nhận.
Khi sử dụng Blockchain, các dữ liệu được lập ngang hàng với tất cả người dùng trong cùng mạng lưới nghĩa là tất cả mọi người ở mọi vị trí có thể biết được các thông tin về giao dịch, các phát sinh giao dịch đó rồi ghi vào Sổ Cái, truyền dữ liệu tới các máy tính.
Blockchain là một cơ sở dữ liệu phát tán vô chủ, các máy tính liên tục thực hiện kiểm toán độc lập bằng cách xác minh dữ liệu mới và so sánh chữ ký điện tử của dữ liệu đó. Blockchain sẽ làm thay đổi nghề nghiệp kế toán, con người không cần đối chiếu sổ sách một cách thủ công, giúp đánh giá giá trị kinh tế của tài sản, giúp người sử dụng hiểu được công nghệ được sử dụng tốt nhất ở đâu.
Như vậy, khi áp dụng công nghệ Blockchain DN có thể quản lý tài sản, lao động ở mọi nơi mà không cần trực tiếp có mặt tại nơi phát sinh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, hay có mặt tại DN. Nghề kế toán cũng không còn bó hẹp trong phạm vi một DN, một đất nước mà có thể hành nghề kế toán trên toàn cầu, khi con người có thể đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ, trình độ và am hiểu pháp luật và chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế.
Thứ ba, điện toán đám mây. Điện toán đám mây là việc ảo hóa các tài nguyên tính toán và các ứng dụng. Nó thường được cung cấp như một dịch vụ qua internet thường là dưới hình thức có cơ sở hạ tầng như một dịch vụ, hoặc phần mềm như một đám mây. Một trong những lợi thế chính của lưu trữ website trên điện toán đám mây là khả năng mở rộng của nó.
Trước khi có điện toán đám mây, các nhà quản lý muốn quản lý doanh số của DN, phải tự đi mua phần mềm kế toán hay phần mềm bán hàng rồi cài đặt nó lên máy tính. Theo đó, chi phí tăng theo như chi phí bảo dưỡng, chi phí bảo trì phần mềm, rủi ro có thể là mất dữ liệu. DN cài phần mềm kế toán rồi, mỗi khi nó “update” thì lại phải cài đặt lại vào máy tính.
Điện toán đám mây ra đời, giúp giải quyết phần nào việc các DN phải xử lý phần cứng và phần mềm. Mọi thứ được “chăm sóc” bởi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, nếu hỏng, nhà dịch vụ sẽ tự thay thế.
Với DN và các cá nhân, họ bắt đầu di chuyển các ứng dụng phần mềm của mình lên đám mây. Khi cần phần mềm kế toán chỉ cần vào trình duyệt, click vài cái là xong. Bạn không cần quan tâm đến phần mềm đó cài ra sao? Cài trên máy nào?
Như vậy, khi kết hợp các yếu tố trên sẽ tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ.
Theo quá trình phát triển của xã hội, kế toán được coi là một nghề phát triển mạnh mẽ. DN có thể sử dụng các phần mềm kế toán như Xero, MYOB, SAASU, Freshbooks, Invoice2Go để đưa các dữ liệu kế toán lên đám mây, tạo lên nhiều dữ liệu có sẵn, nhiều điểm tích hợp hơn.
Khi hòa nhập với công nghiệp 4.0 sẽ làm cho nghề kế toán phân chia làm hai thành phần rõ rệt: Kế toán viên (Bookkeeper) và Chuyên gia kế toán (Accountant).
Kế toán viên là những người làm kế toán cấp cơ sở, với những kỹ năng cơ bản của kế toán như: Định khoản nghiệp vụ kế toán phát sinh và cập nhật chứng từ kế toán, ghi sổ kế toán vào máy tính đã được cài đặt sẵn phần mềm. Tại đây máy tính tự kết xuất ra các báo cáo tài chính. Kế toán viên lúc này chỉ cần in, sao kê, lưu trữ. Như vậy, công việc của kế toán viên đơn thuần là những thao tác đơn giản là cập nhật thông tin vào máy tính.
Khi kết hợp máy tính với mạng internet thì các thông tin không chỉ dừng lại ở trong phạm vi một công ty, một DN mà nó được lưu trữ bởi điện toán đám mây và nó tự cập nhật phần dữ liệu mới. Tại đây, công nghệ Blockchain như một cuốn sổ cái điện tử lưu trữ mọi thông tin của kế toán.
Lúc này, rất cần các chuyên gia kế toán, những người làm công tác kế toán ở trình độ cao. Họ có khả năng làm việc độc lập, có bản lĩnh nghề nghiệp để có thể phân tích các báo cáo tài chính, đưa ra các tư vấn, có thời gian nhiều hơn cho các công việc phức tạp và tập trung về chuyên môn, đưa ra những dự đoán cho tương lai, cho quyết định chiến lược, đáp ứng nhu cầu quản trị của DN, mọi hoạt động của họ đều mang tính chuyên nghiệp, dựa trên việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế.
Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Industrie 4.0) lan tỏa nó sẽ tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống nói chung và của kế toán nói riêng. Theo ICAEW trong 5 đến 10 năm tới, bốn công nghệ quan trọng sẽ tạo ra sự đổi mới trong mọi loại hình DN. Nó tạo ra những mô hình DN mới với ít tài sản và nhân viên hơn, cắt bỏ những nhà cung cấp truyền thống, tháo rời những chuỗi giá trị mà tập trung vào khách hàng, phát triển mở rộng nhanh, tạo ra cuộc đua cho người sử dụng hơn là tập trung vào doanh thu, vai trò của hiệu ứng mạng lưới làm cho người chiến thắng có tất cả. Bên cạnh đó, nó cũng tạo ra những rủi ro bong bóng.
Đặc biệt tác động lên bộ phận tài chính - kế toán. Nó tác động sâu sắc từ phân tích đến quy trình tự động hóa, đến công nghệ đám mây sử dụng trí thông minh nhân tạo và công nghệ Blockchain. Từ những nghiệp vụ kinh tế phát sinh được kế toán viên ghi sổ, định khoản trên Excel, nay theo sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ tạo ra những công cụ phần mềm. Khi áp dụng quy trình tự động hóa, các công việc của kế toán viên sẽ được chuẩn hóa, công nghệ tự động thay thế con người. Theo ước tính, 66% DN nhỏ và vừa sẽ thay thế các dịch vụ mà kế toán hiện đang thực hiện bằng cách dịch vụ đám mây; 50% DN vừa và nhỏ sẽ thay nhân viên kế toán nếu họ không thích ứng với công nghệ đám mây; Những công việc dễ được tự động hóa và thay thế bằng phần mềm nhất là: Nhập bút toán bằng tay, ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính cuối năm, lập báo cáo hoạt động kinh doanh, tiền lương, phân tích tài chính,...
Do đó, kế toán viên nói riêng và người lao động nói chung có thể bị mất việc, nhường chỗ cho lao động số phát triển (Công nghệ nhận thức + Công việc số = Lao động số). Từ tự động hóa (Automation) đến tăng cường khả năng lao động của con người nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và học máy (Augmentation). Công nghệ đám mây sẽ lưu trữ một khối lượng thông tin lớn, không bị giới hạn về bộ nhớ và khi sử dụng trí thông minh nhân tạo có thể xử lý những nghiệp vụ kế toán phức tạp như định giá, lập dự phòng sẽ làm giảm thiểu nhân sự. Công nghệ Blockchain sẽ liên kết tất cả dữ liệu của bộ phận tài chính - kế toán lại với nhau.
Theo thống kê của ICAEW:
- Đến năm 2017, 69% khối lượng công việc đã ở trong đám mây (Cisco).
- 500.000 ứng dụng mới trong 3 năm qua, hơn 1, 8 triệu ứng dụng toàn cầu, được download hơn 10, 9 tỷ lần (Gartner).
- 33% ứng dụng Symantec có nền tảng đám mây và đang tăng lên,...
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự đi vào đời sống của con người và đang dần tác động sâu sắc đến từng khía cạnh của cuộc sống. Do đóC, chúng ta cần thay đổi để theo kịp với công nghệ, cần chuyên môn mới, trọng tâm mới và cách làm việc mới để vốn hóa cơ hội mà đột phá kỹ thuật số tạo ra trong thị trường. Cùng với đó các kế toán viên phải thay đổi để hòa nhập xu hướng công nghiệp 4.0 và đáp ứng những yêu cầu của kế toán trong thời kỳ mới./.
Tài liệu tham khảo
1. “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của ngành kế toán” - Mrs Kirstin Gillon chuyên gia IT ICAEW.
2. “Lao động số: tương lai việc làm sẽ như thế nào” - Mr. Vũ Ngọc Hoàng - Kiến trúc sư giải pháp phần mềm - IBM Việt Nam.
3. “Đột phá kỹ thuật số trong kinh doanh” - Mrs Kirstin Gillon chuyên gia IT ICAEW.
4. “Đột phá kỹ thuật số và kế toán” - Mr. Vũ Ngọc Hoàng - Kiến trúc sư giải pháp phần mềm - IBM Việt Nam.
5. Một số nghiên cứu, bài viết trên Internet.
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Th.s Cao Thị Hạnh * Khoa Kế toán - ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội