- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Làm rõ hơn quy trình thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có vốn Nhà nước ở Việt Nam
- Đổi mới phương thức tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp kế toán và kiểm toán ở Việt Nam
- Các lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại các doanh nghiệp Việt Nam: Khuôn mẫu đề xuất
- Làm rõ hơn quy trình thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có vốn Nhà nước ở Việt Nam
Đổi mới hệ thống quy định kế toán trong ngân hàng thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế
Trong những năm gần đây, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường và mở rộng. Hội nhập quốc tế diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó hội nhập lĩnh vực ngân hàng đã được triển khai tích cực với những bước đi phù hợp với trình độ phát triển và đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, minh bạch báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế được coi là một yếu tố then chốt để thu hút vốn đầu tư trực tiếp quốc tế (FDI). Bài viết tập trung phân tích hệ thống các quy định đang được áp dụng trong kế toán ngân hàng thương mại tại Việt Nam, chỉ ra những khác biệt với các thông lệ quốc tế trong quá trình lập báo cáo tài chính. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm tuân thủ theo các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Đặt vấn đề: Trong những năm gần đây, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường, mở rộng và đi vào thực chất. Hội nhập kinh tế diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó hội nhập lĩnh vực ngân hàng được coi là sẽ tranh thủ thêm vốn, công nghệ, mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác tiền tệ, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, minh bạch báo cáo tài chính (BCTC) theo thông lệ quốc tế được coi là một yếu tố then chốt để quốc tế công nhận Việt Nam có một nền kinh tế thị trường đầy đủ, từ đó có thể kêu gọi tăng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay, còn nhiều quy định đặc thù tồn tại song song với các quy định về chuẩn mực và chế độ kế toán, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lập BCTC theo thông lệ quốc tế. Nghiên cứu để giảm dần và tiến tới loại bỏ những quy định đặc thù khác biệt với thông lệ quốc tế, xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế là cần thiết, để đẩy nhanh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
1. Sơ lược về các quy định kế toán áp dụng cho các ngân hàng thương mại Việt Nam
Trong thời gian qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã có những đóp góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đất nước, chủ động, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế. Cùng với sự tăng lên nhanh chóng về số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM): Trong giai đoạn 1991-1994, 20 NHTM cổ phần được thành lập; Giai đoạn 1995-2005, có thêm 4 ngân hàng được thành lập và cho đến năm 2013, khu vực ngân hàng trong nước của Việt Nam có 5 NHTM thuộc sở hữu nhà nước và 37 NHTM cổ phần. Tính đến nay, theo Lienvietpost bank mạng lưới hệ thống ngân hàng Việt Nam gồm có 43 NHTM nội địa (trong đó có 4 ngân hàng thuộc 100% vốn sở hữu của nhà nước, Vietcombank và Vietinbank do nhà nước chiếm đa số vốn), 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 47 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh. Tổng vốn điều lệ của các NHTM trong nước trong năm 2004 chỉ bằng 24.193 tỷ đồng, nhưng đã tăng lên 112, 071 tỷ đồng vào tháng 12/2008 và 284.226 tỷ đồng vào tháng 9/2012. Theo chỉ báo phát triển thế giới của Ngân hàng thế giới, quy mô tín dụng ngân hàng so với GDP Việt Nam tăng ấn tượng từ 20% ở cuối thập kỷ 90 đến 136% vào cuối năm 2010. Là một đơn vị có lợi ích công chúng, những công bố về tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng được sự quan tâm của công chúng và có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Những thông tin tài chính chính xác và đúng thời điểm không chỉ giúp nhà quản lý và nhà đầu tư có được những quyết định sáng suốt, mà còn thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vì tầm quan trọng đó, hệ thống kế toán của các NHTM Việt Nam chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau từ phía các cơ quan chức năng nhà nước. Ngoài Luật Kế toán, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng do Quốc hội ban hành quy định chung nhất về hoạt động kế toán, hoạt động ngân hàng tín dụng, kế toán tại các NHTM còn chịu sự chi phối của các quy định cụ thể trong các văn bản sau:
- Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS): Cho đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán, nhằm quy định về những phương pháp kế toán cơ bản để lập BCTC. Hệ thống các NHTM là đối tượng áp dụng đầy đủ các chuẩn mực kế toán này.
- Chế độ kế toán: Ngân hàng nhà nước (NHNN) ban hành chế độ kế toán nhằm quy định cụ thể các bước hạch toán vào tài khoản cụ thể cho từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, để đạt được sự thống nhất cao trong công tác ghi chép của các ngân hàng. Hiện tại, hệ thống tài khoản kế toán NHTM áp dụng theo Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung theo TT 10/2014/TT-NHNN và TT 22/2017/TT-NHNN.
- Chế độ BCTC: NHNN ban hành chế độ BCTC nhằm quy định về nội dung, phương pháp lập và trình bày các nội dung khác có liên quan đến BCTC đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hiện tại, các NHTM thực hiện chế độ BCTC được ban hành theo Quyết định 16/2007/QĐ-NHNN, được bổ sung sửa đổi theo TT 49/2014/TT-NHNN và TT 22/2017/TT-NHNN.
- Chế độ quản lý tài chính: Hiện các NHTM thực hiện chế độ quản lý tài chính do Chính phủ ban hành, theo Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, được Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bởi TT 16/2018/TT-BTC. Chế độ tài chính nhằm quy định về quản lý, sử dụng vốn và phân phối lợi nhuận và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.
2. Đánh giá về các quy định kế toán áp dụng trong các NHTM Việt Nam
Thứ nhất: Các quy định kế toán trong VAS còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt đối với lĩnh vực ngân hàng hệ thống VAS còn chưa có các chuẩn mực tương đương về giảm giá trị tài sản, giá trị hợp lý. VAS do Bộ Tài chính ban hành, được Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đánh giá là tuân thủ khoảng 95% chuẩn mực kế toán quốc tế tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, hiện nay chuẩn mực kế toán quốc tế - IAS (Chuẩn mực BCTC quốc tế - IFRS) đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng VAS chưa có sự sửa đổi tạo thêm những khoảng cách về sự tuân thủ của VAS với thông lệ quốc tế. Trong đó, sự khác biệt căn bản giữa thông lệ quốc tế và VAS cũng như các văn bản hiện hành cho khu vực ngân hàng, nằm ở công cụ tài chính và khái niệm giá trị hợp lý. Ví dụ như: IFRS cho phép ghi giảm giá trị tài sản dài hạn còn VAS thì không,... Đối với hệ thống ngân hàng, mặc dù Bộ Tài chính chưa ban hành chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính, nhưng đã ra TT 210-TT/209-BTC, hướng dẫn việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 32 - Trình bày công cụ tài chính và IFRS 07 - Thuyết minh công cụ tài chính. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện hướng dẫn từ TT còn khá khó khăn đối với các ngân hàng, vì những quy định về xác định giá trị hợp lý của các công cụ tài chính,...
Thứ hai: Có sự không nhất quán về quy định hạch toán kế toán theo VAS, chế độ kế toán và và chế độ quản lý tài chính. Ví dụ: Có sự không thống nhất về quy định kế toán lãi hoạt động tín dụng, khi khách hàng không đủ khả năng chi trả. Theo quy định của VAS14 “Doanh thu và thu nhập khác”: Doanh thu được ghi nhận khi đảm bảo là doanh nghiệp nhận được lợi ích kinh tế từ giao dịch. Khi không thể thu hồi một khoản mà trước đó đã ghi vào doanh thu thì khoản có khả năng không thu hồi được hoặc không chắc chắn thu hồi được đó phải hạch toán vào chi phí phát sinh trong kỳ, không ghi giảm doanh thu. Quy định trong hạch toán tài khoản loại 7: Thu nhập tại Quyết định 479/2004 cũng nhất quán với VAS14 khi quy định “Những khoản đã ghi vào thu nhập nhưng sau đó không thu được phải bù đắp bằng khoản dự phòng đã lập hoặc hạch toán vào chi phí phát sinh trong kỳ (nếu chưa lập dự phòng hoặc số dư dự phòng lập nhỏ hơn số nợ không thu được) mà không ghi giảm thu nhập. Tuy nhiên, trái ngược với quy định của VAS và chế độ kế toán, tại Điều 5, TT 16/2018/TT-BTC, hướng dẫn Nghị định 93/2017/NĐ-CP về quy chế quản lý tài chính quy định “Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá là không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ hạch toán và hạch toán vào chi phí khác nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu nhập”.
Thứ ba: Có sự không thống nhất về phương pháp tính và trình bày một số chỉ tiêu trên khoản mục BCTC, khi thực hiện BCTC theo thông lệ quốc tế và theo VAS với các văn bản hướng dẫn khác của NHNN. Ví dụ: Theo quy định của chuẩn mực BCTC quốc tế IFRS 09: Dự phòng rủi ro tín dụng được thực hiện trên cơ sở xác định các khoản lỗ tín dụng theo mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (expected lost). Các khoản lỗ tín dụng được dự kiến là giá trị bình quân gia quyền của các khoản lỗ tín dụng với các rủi ro tương ứng của một sự phá sản xảy ra như là trọng số. Theo quy định của VAS và văn bản hướng dẫn của NHNN QĐ 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng thì dự phòng rủi ro tín dụng được trích lập bao gồm dự phòng chung và dự phòng cụ thể. Các khoản dự phòng được trích lập trên cơ sở tỷ lệ phần trăm, theo quy định của NHNN tương ứng với nhóm nợ đã được bộ phận tín dụng của NHTM đánh giá và phân loại. Trong đó, dự phòng chung được trích lập bằng 0.75% tổng giá trị các khoản nợ, từ nhóm 1 đến nhóm 4. Dự phòng cụ thể được trích lập theo tỷ lệ cụ thể từ nhóm 2 đến nhóm 5 là: 5%, 20%, 50% và 100% (đối với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ thì tỷ lệ trích lập tương ứng là 2%, 25%, 50% và 100%).
Những tồn tại về quy định kế toán trong các NHTM đã và đang gây ra nhiều cản trở, cho quá trình thực hiện hạch toán và việc hội nhập kinh tế của ngành ngân hàng Việt Nam. Cụ thể là:
- Sự không tương ứng và thiếu hụt các chuẩn mực kế toán so với chuẩn mực kế toán quốc tế khiến cho BCTC của các ngân hàng được lập theo VAS và theo thông lệ quốc tế có sự khác biệt. Đối với các NHTM, muốn thu hút vốn ngoại hoặc tham gia vào dự án tài trợ của ngân hàng thế giới đều phải lập 2 loại báo cáo (1 báo cáo tuân thủ VAS và các văn bản hướng dẫn khác của cơ quan chức năng Việt Nam và 1 báo cáo tuân thủ IFRS). Quá trình này rất khó khăn về kỹ thuật và tốn kém đối với các ngân hàng. Sự khác biệt về số liệu của các chỉ tiêu trên 2 loại báo cáo này, gây khó khăn cho công ty kiểm toán khi đưa ra báo cáo kiểm toán BCTC cho các ngân hàng. Thêm vào đó, sự khác biệt về lợi nhuận, hệ số an toàn vốn theo 2 báo cáo sẽ gây ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư, khi xem xét đầu tư vốn vào các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
- Sự mâu thuẫn giữa các văn bản của cơ quan chức năng quy định về hạch toán kế toán gây khó khăn cho các ngân hàng trong quá trình thực hiện. Mặt khác, sự vận dụng khác nhau giữa các ngân hàng khiến cho BCTC của các ngân hàng không đảm bảo tính thống nhất, gây khó khăn cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” được ban hành theo Quyết định 1153/QĐ-NHNN, nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, huy động vốn FDI cho phát triển kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng.
3. Các khuyến nghị định hướng tương lai
Nhằm tạo điều kiện cho quá trình hạch toán kế toán tại các NHTM được thuận lợi và minh bạch BCTC đáp ứng cho nhu cầu hội nhập quốc tế, trong thời gian tới hệ thống các quy định về kế toán NHTM cần thay đổi theo hướng tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế và giảm bớt các quy định đặc thù khác, chi phối đến việc lập BCTC của NHTM. Định hướng là:
- Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát và cập nhật lại hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, thực hiện theo Quyết định 480/QĐ -TTg, ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và thực hiện Nghị quyết 35/ NQ- CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020. Tiến tới chuẩn mực BCTC Việt Nam tuân thủ hoàn toàn theo chuẩn mực BCTC quốc tế. Khi chuẩn mực BCTC Việt Nam đã tuân thủ chuẩn mực quốc tế thì cần có cơ chế duy trì sự tuân thủ đó. Ngân hàng là đơn vị có lợi ích công chúng, sẽ là đối tượng đầu tiên áp dụng theo chuẩn mực BCTC quốc tế.
- Bộ Tài chính cần đưa ra quy định rõ ràng hơn về việc lập và trình bày BCTC cho mục đích chung thì phải tuân thủ hoàn toàn quy định của VAS, thay vì các quy định đặc thù. Trong trường hợp, quy định đặc thù có yêu cầu về hạch toán kế toán khác biệt với VAS, thì yêu cầu này được đáp ứng bằng việc trình bày thông tin bổ sung trong thuyết minh BCTC. Các hướng dẫn đặc thù, ngoại lệ với VAS trong trường hợp đặc biệt cần được giảm dần và tiến tới loại bỏ trong thời gian tới.
- Hệ thống các NHTM cần sớm có chính sách tuyển dụng, đào tạo nhân lực kế toán có trình độ, am hiểu chuẩn mực BCTC quốc tế đáp ứng cho nhu cầu hiện nay là chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS và trong tương lai là lập BCTC theo IFRS.
- Các cơ sở giáo dục đào tạo cần cập nhật cho sinh viên sự thay đổi của IFRS. Thực hiện kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam trong việc xây dựng chương trình và đào tạo theo nhu cầu xã hội./.
Tài liệu tham khảo
1. Ngân hàng thế giới, 2017, Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc, lĩnh vực kế toán & kiểm toán Việt Nam 2016.
2. Hệ thống VAS.
3. Hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế,
4. Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ban hành quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.
5. TT 10/2014/TT-NHNN về sửa đổi bổ sung một số tài khoản trong hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng, ban hành theo quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN.
6. TT 2210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về tình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính.
7.https://www.lienvietpostbank.com.vn/tin-tuc-su-kien/tin-thi-truong/content/viet-nam-co-100-ngan-hang-hoat-dong
v.v..
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) TS Hoàng Thị Bích Ngọc * Khoa Kế toán - Kiểm toán, trường Đại học Thương mại