Đổi mới căn bản đào tạo nghề nghiệp thực tế và bài học kinh nghiệm của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

PGS.TS Đặng Văn Thanh

Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Nghị quyết số 29 NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, Khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo,... đã đánh giá tình hình kết quả hạn chế và nguyên nhân đề ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cho Việt Nam.

Đảng tiếp tục khẳng định, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển và được ưu tiên đi trước trong các chương trình, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nêu rõ quan điểm và phương hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo là: đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học và ngành học.

Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) đã nhận thức sâu sắc các chủ trương quyết sách của Đảng và triển khai nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết 29/NQ/TW về giáo dục - đào tạo trong hoạt động của Hiệp hội. Bài viết trình bày kết quả hoạt động đào tạo nghề nghiệp do Hiệp hội thực hiện những năm qua, rút ra những bài học kinh nghệm cho việc đẩy mạnh và đổi mới căn bản hoạt động đào tạo của Hiệp hội trong thời gian tới.

Từ khóa: giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề nghiệp, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. 

Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) thành lập năm 1994, theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 10/01/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của Hiệp hội là tâp hợp đội ngũ những người làm nghề kế toán - kiểm toán Việt Nam đoàn kết và góp sức phát triển kế toán - kiểm toán vì một nền tài chính quốc gia lành mạnh, công khai và minh bạch.

Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Hiệp hội là phát triển năng lực hội viên, bằng các phương thức đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiểm tra và giám sát, để hội viên không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. Hoạt động phát triển và nâng cao năng lực hội viện, không chỉ là trách nhiệm của Hiệp hội mà còn là trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc, trách nhiệm của hội thành viên và tất cả các hội viên. Và trước hết, là đối với các hội viên là kế toán trưởng, là kế toán viên và kiểm toán viên hành nghề chuyên nghiệp.

Ngay sau khi thành lập Hiệp hội (1994), thì năm 1996 Chủ tịch Hiệp hội (VAA) đã ký Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Kế toán (sau đây gọi tắt là Trung tâm). Năm 1996, Trung tâm đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cấp Giấy phép Đăng ký Hoạt động khoa học công nghệ về lĩnh vực kế toán - tài chính. Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp lại Giấy phép Hoạt động cho Trung tâm, sau khi thành hai Bộ là Bộ KH&CN và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ban lãnh đạo Hiệp hội luôn nhận thức sâu sắc các chủ trương quyết sách của Đảng và triển khai nghiêm túc có hiệu quả mọi nghị quyết của Đảng về giáo dục -  đào tạo trong hoạt động của Hiệp hội. Nghị quyết số 29 NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo... đã đánh giá tình hình kết quả, hạn chế và nguyên nhân, đề ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo cho Việt Nam.  Đảng tiếp tục khẳng định, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nêu quan điểm và phương hướng: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Hiệp hội đã triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp phấn đấu đạt cho được mục tiêu của Đảng và cụ thể hóa vào hoạt động của Hiệp hội: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn phát triển kế toán, kiểm toán vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vào lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia và nhu cầu học tập của hội viên, của những người làm nghề kế toán, kiểm toán. Đào tạo và giáo dục hội viên phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu nghề nghiệp; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng "Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ...".

Thực hiện nghị quyết và quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, với trách nhiệm là tổ chức nghề nghiệp, Hiệp hội đã quan tâm xây dựng kế hoạch, đề án để tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực hội viên.

Trước hết, Hiệp hội đã tập trung đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống đào tạo giáo dục nghề nghiệp kế toán, kiểm toán với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong nước và quốc tế.

Hiệp hội liên tục mở các khóa huấn luyện hàng trăm lớp mỗi năm, theo phương thức học tập trung, học phân tán, theo chương trình và theo chuyên đề.

Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng do Hiệp hội thực hiện gồm:

- Đào tạo, bồi dưỡng theo chứng chỉ, chứng nhận năng lực nghề nghiệp: Kế toán trưởng, kế toán viên chuyên nghiệp, kiểm soát viên nội bộ, kiểm toán viên độc lập, kiểm toán viên nội bộ, kế toán quản trị.

- Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho hội viên là kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề theo quy định của Luật pháp (40 giờ /năm).

- Bồi dưỡng theo chuyên đề cho các đối tượng có nhu cầu: Giám đốc, nhà quản lý, chuyên gia tài chính, kế toán viên, kiểm toán viên.

- Tổ chức các diễn đàn nghề nghiệp, hội thảo khoa học về các vấn đề nghề nghiệp, các kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề.... hỗ trợ các đối tượng nâng cao năng lực nghiệp vụ và tiếp cận, nắm, hiểu, vận dụng, áp dụng các chính sách mới, các vấn đề mới phát sinh liên quan đến nghề nghiệp.

Hiệp hội quan tâm giáo dục thường xuyên, bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là những người đang làm nghề, đang hành nghề kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp, tại các công ty cung cấp dịch vụ kế toán và kiểm toán được tham gia các lớp cập nhật kiến thức, được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề kế toán, đảm nhiệm chức năng kế toán trưởng, kế toán viên chuyên nghiệp, kiểm toán viên độc lập, kiểm toán viên Nhà nước và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người làm kế toán, kiểm toán chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc, đảm nhận những cương vị, những công việc mới như quản lý tài chính, quản lý kinh doanh hoặc đảm nhiệm cương vị lãnh đạo các tổ chức Nhà nước, tổ chức kinh doanh. Ngay từ khi thành lập Hiệp hội đã xây dựng mạng lưới cơ sở đạo tạo, bồi dưỡng thường xuyên với các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa, coi trọng các hội thảo các hoạt động sinh hoạt chuyên môn.

Thứ hai, Chi bộ Văn phòng và Lãnh đạo Hiệp hội đã chỉ đạo chặt chẽ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Hiệp hội, của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Kế toán, của các Hội thành viên. Ban chấp hành Hiệp hội coi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là hoạt động chính của các Hội thành viên. Hiệp hội đã ban hành quy chế đào tạo bồi dưỡng, quy chế tài chính về đào tạo bồi dưỡng. Hàng năm, Hiệp hội đã xây dựng kế hoạch đào tạo kế toán, kiểm toán trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, Ban chấp hành Hiệp hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động bồi dưỡng và đào tạo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong hệ thống Hiệp hội, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống Hiệp hội, coi bồi dưỡng và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, là hoạt động cốt lõi của Hiệp hội để phát triển năng lực hội viên. Hiệp hội đã quán triệt và nâng cao nhận thức của Hội viên, các hội thành viên về vai trò quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội viên, đặc biệt là đội ngũ kế toán trưởng và các hội viên hành nghề kế toán mang tính chuyên nghiệp. 

Hiệp hội đã có kế hoạch quy hoạch dài hạn phát triển nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, cơ cấu nghề kế toán, trình độ, năng lực. Trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ cho Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Kế toán, các Hội thành viên, trước hết là Chi hội Hành nghề Kế toán Việt Nam và Câu lạc bộ Kế toán trưởng tổ chức thực hiện.

Thứ ba, có biện pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của đào tạo, bồi dưỡng theo hướng coi trọng phát triển kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, kiểm toán.

Trên cơ sở mục tiêu đổi mới đào tạo và bồi dưỡng đã xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng chứng chỉ, từng chương trình đào tạo, từng khóa học, từng môn học, từng chuyên đề. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả Hiệp hội, của Trung tâm và từng Hội thành viên; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ.

Thứ tư, thường xuyên đổi mới chương trình, nhằm phát triển năng lực và phẩm chất hội viên, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người và dạy nghề. Đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với từng loại hội viên, từng trình độ và ngành nghề (Nhà quản lý, kế toán trưởng, giám đốc tài chính, kế toán viên, kiểm toán viên...); tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn và xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức sống, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nghề nghiệp, phương pháp ứng xử trong cuộc sống, trong hành nghề.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến nghề kế toán, kiểm toán, Hiệp hội đã xây dựng và đưa vào đào tạo chương trình kế toán số. Đây là chương trình và là kiến thức giải quyết vấn đề rất thực tiễn yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới quy trình và phương pháp kế toán, đáp ứng yêu cầu hóa đơn điện tử, chữ ký số và truyền tải thông tin kế toán.

Hiệp hội đã đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các đối tượng học viên, các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ chứng minh năng lực và nhu cầu học tập suốt đời của các hội viên. Nội dung đào tạo kế toán và kiểm toán được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho hội viên. Chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới. Hiệp hội đã hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán thế giới và khu vực như Hiệp hội Kế toán Vương quốc Anh (ACCA), Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Hội Kế toán chuyên nghiệp Singaporre (ISCA), Hội Kế toán Úc (CPAA)... đưa chương trình đào tạo các chứng chỉ quốc tế vào Việt Nam.

Thứ năm, Hiệp hội quan tâm đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy, truyền đạt và học theo hướng hiện đại, theo phương pháp dạy và học của người lớn tuổi; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của hội viên, của người học. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Hạn chế học tập trung trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động ngoại khóa, seminar, báo cáo chuyên đề, thảo luận và nghiên cứu khoa học. Mở rộng cách tổ chức lớp học online.

Thứ sáu, Hiệp hội đã bước đầu đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo, đánh giá năng lực hội viên theo các tiêu chí tiên tiến. Hạn chế các bài thi tự luận, thay bằng các bài xử lý tình huống, các báo cáo chuyên đề, các đề án xử lý những vấn đề do thực tiễn đạt ra. Đổi mới phương thức đánh giá và công nhận kết quả cấp chứng nhận năng lực nghề nghiệp trên cơ sở kiến thức, năng lực thực hành, ý thức và đạo đức nghề nghiệp.

Thứ bảy, thực hiện xã hội hóa để đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp. Đa dạng hóa các phương thức đào tạo. Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng chuyên đề theo yêu cầu của các đối tượng. Có cơ chế để tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động tham gia xây dựng, điều chỉnh, thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng nghề nghiệp kế toán và kiểm toán.

Thứ tám, quan tâm và có chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, các thuyết trình viên. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch thu hút, bồi dưỡng và tạo điều kiện ổn định, sử dụng linh hoạt gắn với nhu cầu thực tế từng giai đoạn, từng khóa huấn luyện. Xây dựng và đảm bảo đội ngũ giảng viên, trong đó có nhiều chuyên gia đang hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Thứ chín, Hiệp hội chú trọng và quan tâm hoạt động nghiên cứu khoa học về kế toán, kiểm toán. Những năm qua, Hiệp hội tham gia nhiều hoạt động tư vấn khoa học, phản biện và giám định xã hội nhiều dự án Luật Kinh tế của Quốc hội, nhiều chính sách tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán. Ý kiến tham gia của Hiệp hội được Quốc hội và các Bộ ngành đánh giá cao, ghi nhận. Hiệp hội nhận, triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Kiểm toán Nhà nước, Liên hiệp hội, đã bảo vệ thành công. Hiệp hội tham gia nghiên cứu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học do Quốc hội, Bộ Tài chính chủ trì. Chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học kinh tế và khoa học quản lý đã được nâng lên đáng kể, góp phần phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam.

Tóm lại, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã quán triệt và triển khai mạnh mẽ Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản về giáo dục đào tạo, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng quý báu góp phần phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán cho đất nước. Từ thực tiễn hoạt động đào tạo và bồi dưỡng đã cho phép đúc rút nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, cũng phải thấy hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Hiệp hội còn không ít hạn chế và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Còn không ít nội dung của Nghị quyết không được thực hiện và không thể thực hiện. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là nhận thức, nhận thức của các cấp các ngành, của xã hội. Từ đó, thiếu sự quan tâm đúng mức và thỏa đáng. Hiệp hội vẫn phải tự bươn trải trong cơ chế chưa thực sự dứt khoát trong mối quan hệ dịch vụ công và vai trò quản lý Nhà nước.

Kiến nghị:

1. Quốc hội sớm ban hành Luật về Hội làm cơ sở chế tài các hoạt động của Hội trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Dự thảo Luật đã được chuẩn bị và đưa vào chương trình xây dựng pháp luật từ năm 2002, đã thảo luận nhiều lần vẫn chưa được Quốc hội thông qua.

 2. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo  cần có tác động mạnh mẽ hơn nữa để các cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán tạo điều kiện để các tổ chức nghề nghiệp thực hiện một số dịch vụ công theo chủ trương mà Đảng và Nhà nước đã đề ra từ lâu. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa giáo dục, đào tạo. Đối với nghề kế toán và kiểm toán, theo thông lệ quốc tế và ngay ở các nước trong khu vực thì Nhà nước (Bộ Tài chính) cũng không làm công việc đăng ký hay quản lý dịch vụ kế toán, kiểm toán, không tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, không ban hành các chuẩn mực nghề nghiệp. Các chức năng và  công việc này do các tổ chức nghề nghiệp đảm nhiệm theo quy định của Luật pháp và các quy định của Nhà nước. Cần sớm chuyển giao dịch vụ mang tính nghề nghiệp cho Hiệp hội và tạo điều kiện để Hiệp hội được tiếp cận các dự thảo chính sách. Bố trí kinh phí để Hiệp hội thực hiện chức năng tư vấn khoa học, phản biện và giám định xã hội. Thực tế đã chứng minh, các Hiệp hội làm được và làm tốt chức năng này. Đây cũng là nội dung được nêu trong Nghị quyết 29/NQ/TW.

3. Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực của các tổ chức nghề nghiệp và nâng cao năng lực cán bộ Hiệp Hội. Hỗ trợ Hiệp hội trong quan hệ hợp tác quốc tế, thực hiện nghĩa vụ tổ chức Hội thành viên và thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân.

Tài liệu tham khảo

Quốc hội: Hiến pháp 2013

 Luật Giáo dục đào tạo 2019

BCH TW Đảng: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII

Nghị quyết 29/NQ/TƯ về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo

VAA: Báo cáo tổng kết hoạt đông các năm 2020, 2021, 2022

Nguồn: Tạp chí Kế toán và Kiểm toán

Xem thêm
Một số vấn đề về kế toán xuất kho vật tư theo quy định tại Thông tư 107/2017-TT-BTC

Một số vấn đề về kế toán xuất kho vật tư theo quy định tại Thông tư 107/2017-TT-BTC

Tác động của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đến lập kế hoạch kiểm toán

Tác động của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đến lập kế hoạch kiểm toán

Yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với sinh viên chuyên ngành kế toán mới ra trường

Yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với sinh viên chuyên ngành kế toán mới ra trường

Ảnh hưởng của chuẩn mực và giá trị văn hóa đến hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam dưới góc nhìn của các kiểm toán viên

Ảnh hưởng của chuẩn mực và giá trị văn hóa đến hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam dưới góc nhìn của các kiểm toán viên

Phân loại và đo lường tài sản tài chính theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) 09

Phân loại và đo lường tài sản tài chính theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) 09

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh