- Kế toán vật liệu, sản phẩm làm dở tại các doanh nghiệp sản xuất: Thực trạng và kiến nghị
- Các lý thuyết sử dụng trong nghiên cứu kế toán quản trị
- Phân tích các khoản chi phí làm phát sinh chênh lệch giữa kế toán và thuế
- Giải pháp hoàn thiện kiểm soát nội bộ chu trình mua hàng
- Bản chất và mục đích của khoản dự phòng trong doanh nghiệp
Cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ
|
Đối với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của mỗi quốc gia, cơ chế tài chính là một trong những yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của chiến lược. Bởi vì, cơ chế tài chính sẽ quyết định việc đầu tư cho các hoạt động KH&CN: từ nguồn nào? đầu tư như thế nào? đầu tư bao nhiêu?... để có thể đem lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế.
Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nền KH&CN của Việt Nam đã nhận được những khoản đầu tư ngày càng lớn. Các thành tựu về KH&CN cũng như quy mô, phạm vi ứng dụng các thành tựu này, vì thế, cũng ngày càng gia tăng. Mặc dù vậy, so với các nước trên thế giới cũng như trong khu vực, trình độ KH&CN của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được những yêu cầu mà quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đặt ra. KH&CN chưa trở thành động lực tăng trưởng chủ đạo của nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa xây dựng được một cơ chế tài chính hoàn chỉnh, đồng bộ cho các hoạt động KH&CN, do đó chưa thu hút được đủ những nguồn lực tài chính cần thiết. Đồng thời, các nguồn lực tài chính hiện có cũng chưa được phân bổ và sử dụng hiệu quả như mong muốn.
Các hoạt động KH&CN hiện nay của nước ta thường bao gồm các hoạt động chính như: hoạt động Khoa học cơ bản (Science) gồm các hoạt động nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất…); về khoa học xã hội và nhân văn (dân tộc học, xã hội học, lịch sử học, văn học); về khoa học chính trị - hành chính (lịch sử Đảng, Chủ nghĩa Xã hội khoa học, kinh tế học,…) và khoa học quản lý (quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục,…); hoạt động khoa học ứng dụng bao gồm các hoạt động nghiên cứu ứng dụng hay còn được gọi chung là từ công nghệ (Technology) cụ thể như: công nghệ tin học (IT), công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường, công nghệ y sinh học… Trong quản lý hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ còn phân chia ra các lĩnh vực khác nhau như là nghiên cứu (R), nghiên cứu triển khai (RD), các dự án thử nghiệm công nghệ…
KH&CN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong mọi lĩnh vực của xã hội, là động lực không những cho tăng trưởng kinh tế mà còn cho sự thay đổi văn hóa và xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc phát triển KH&CN, coi KH&CN là một trong quốc sách hàng đầu. Để tạo điều kiện cho việc phát triển KH&CN cũng như quản lý hoạt động KH&CN, trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách trong lĩnh vực KH&CN. Đặc biệt là các quy định về cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN. Hiểu rõ vai trò của cơ chế tài chính đến sự phát triển của KH&CN, trong nhiều năm qua Đảng ta đã có đường lối chỉ đạo đúng đắn để hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính cho KH&CN. Năm 2000, Luật KH&CN chính thức được ban hành tạo hành lang pháp lý cơ bản cho hoạt động KH&CN chính thức được ban hành tạo hành lang pháp lý cơ bản cho hoạt động KH&CN chỉ rõ việc “đầu tư cho KH&CN là đầu tư phát triển”. Từ đó, Nhà nước ta cũng đã dành ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động KH&CN, tỷ lệ cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) cho KH&CN so với tổng số chi NSNN tăng dần theo yêu cầu phát triển KH&CN. Ngoài ra còn rất nhiều các quy định liên quan đến việc huy động các nguồn lực tài chính, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính cho KH&CN cũng dần hoàn thiện. Đặc biệt là sự ra đời của Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKH&CN về hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN sử dụng NSNN là một bước tiến mới trong quản lý ngân sách cho hoạt động KH&CN. Việc ra đời của Thông tư này đã tháo gỡ được nhiều lúng túng trong hoạt động KH&CN: cơ chế khoán của Thông tư đã tạo sự chủ động cho các tổ chức KH&CN, nhà khoa học trong việc sử dụng nguồn lực tài chính, giảm bớt các thủ tục hành chính để thực hiện nhiệm vụ. Tiếp đó là Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKH&CN về hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng NSNN đã quy định cụ thể một số định mức chi tiêu, giúp các đề tài thuận lợi hơn trong việc thực hiện và giao khoán những nội dung cần nghiên cứu. Thông tư có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện kiểm soát các khoản chi tiêu cho KH&CN. Các khoản chi được chia nhỏ và cụ thể hóa thành các khoản mục chi tiết, định mức chi tiêu cụ thể, rõ ràng. Các chủ nhiệm đề tài, dự án cũng phải xây dựng các dự toán kinh phí chi tiết ngay từ đầu và trong quá trình thực hiện phải có hóa đơn, chứng từ để chứng minh…
Các quy định về quản lý chi tiêu cho hoạt động KH&CN đã đảm bảo chi NSNN đúng mục đích, tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình phân bổ, thực hiện và quyết toán kinh phí dành cho các nhiệm vụ KH&CN. Tháng 6/2013, Luật KH&CN sửa đổi ra đời, đưa hoạt động KH&CN lên một tầm cao mới. Theo đó, các văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành cụ thể để thực hiện Luật KH&CN sửa đổi trong thời gian tới, cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN cũng sẽ có nhiều điều mới mẻ hơn, tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn.
Những thành tựu đáng kể của sự đổi mới chính sách trong hoạt động KH&CN thời gian qua mà chúng ta đã đạt được, đó là:
- Bước đầu đã đa dạng hóa nguồn tài chính huy động cho hoạt động KH&CN: Những năm 2000 trở lại đây, việc huy động nguồn tài chính cho hoạt động KH&CN đã được cải thiện rõ rệt: ngày càng tăng và đa dạng. Cụ thể là:
- Việc đầu tư NSNN cho hoạt động KH&CN đã đảm bảo được mục tiêu đặt ra theo Nghị quyết Hội nghị lần 2, Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII) năm 1996 và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động KH&CN. So với mặt bằng chung của các quốc gia trên thế giới thì mức chi 2% dành cho KH&CN của Việt Nam là tương đối cao: Mức chi cho KH&CN đạt 2% tổng chi NSNN (tương đương 0,5 – 0,6 %GDP; tốc độ tăng bình quân là 19% trong giai đoạn 2006 - 2012).
- Các chính sách tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động KH&CN, như chính sách ưu đãi về tài chính, cho phép các DN trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN… đã khuyến khích, thu hút được tương đối nguồn lực tài chính ngoài NSNN cho hoạt động KH&CN (chiếm khoảng 30- 35% tổng đầu tư toàn xã hội). Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã thành lập các Viện nghiên cứu và phát triển với mức đầu tư gần 4.500 tỉ đồng (xấp xỉ 30% NSNN chi cho KH&CN năm 2012, tương đương tổng mức đầu tư của các DN cả nước cho KH&CN năm 2011).
- Linh hoạt thực hiện chính sách phân bổ, sử dụng nguồn tài chính: Gần đây, các chính sách tài chính trong phân bổ, sử dụng dự toán NSNN cho hoạt động KH&CN đã có sự linh hoạt hơn nhiều, cụ thể:
- Theo các quy định hiện hành tại thời điểm lập dự toán NSNN thì NSNN chỉ bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội và Chính phủ cho phép để lại một số kinh phí triển khai các nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt sau thời gian lập dự toán, để có nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp bách, phát sinh sau thời gian xây dựng dự toán NSNN.
- Cũng theo quy định của Luật NSNN thì dự toán kinh phí chỉ được sử dụng trong phạm vi năm ngân sách, nhưng riêng các nhiệm vụ KH&CN thì thời gian sử dụng kinh phí được quy định sử dụng phù hợp với thời gian nghiên cứu của đề tài, không bị ảnh hưởng bởi áp lực năm ngân sách. Theo đó, đã giảm bớt được thủ tục thanh quyết toán, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong việc sử dụng kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Sau hơn 25 năm thực hiện đổi mới cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, bước đầu tiếp cận được với các thành tựu KH&CN trên thế giới, áp dụng có hiệu quả vào đời sống xã hội… Điều đó được thể hiện như sau:
Thứ nhất là thành tựu đổi mới trong quan điểm và nhận thức khoa học. Sự đổi mới này là sự đổi mới trong quan điểm và thái độ đối với hoạt động KH&CN, sự ý thức rõ rệt về vai trò và ý nghĩa của KH&CN. Các nhà khoa học được cử sang các nước (đặc biệt là các nước phương tây) học tập và nghiên cứu ngày một tăng; Nghị định 80/2010/NĐ-CP còn cho phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh KH&CN nước ngoài, tổ chức KH&CN, DN KH&CN liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu. Điều này được thể hiện rất rõ trong các Văn kiện của Đảng từ trước tới nay (Nghị quyết 02/NQ-HNTƯ khóa VIII, 1996; Luật KH&CN năm 2000; Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI năm 2012): KH&CN luôn được coi là động lực phát triển kinh tế xã hội, nó còn được coi là động lực quan trọng của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước cùng với giáo dục và đào tạo, KH&CN đã luôn luôn được coi là “quốc sách hàng đầu”, là “một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc”, là “một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”. Việc đổi mới quan điểm và nhận thức trên đã tạo điều kiện cho KH&CN phát triển vượt bậc.
Thứ hai là tiếp cận và áp dụng với các thành tựu KH&CN thế giới. Những năm gần đây, trong các đợt thi Olypic toán, vật lý, hóa học, sinh học… quốc tế, Việt Nam đều giành được huy chương đồng hoặc vàng. Những học sinh và sinh viên đoạt giải quốc tế đều được mời cộng tác làm việc cho các cơ sở nghiên cứu khoa học ở nước ngoài. Các cơ sở nghiên cứu KH&CN tiên tiến của thế giới. Hầu hết các Viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo đại học đều đã có hợp tác nghiên cứu với nước ngoài…
Thứ ba là Việt Nam ngày càng quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ cao. Đó là những công nghệ dựa vào các thành tựu khoa học mới nhất với hàm lượng tri thức và hàm lượng khoa học, sáng tạo cao nhất. Một loạt công nghệ mới ra đời làm mờ nhạt ranh giới khoa học và công nghệ. Trong các hoạt động sản xuất dựa vào công nghệ mới, thì chi phí cho nguyên liệu của một đơn vị thành phẩm sẽ giảm đi rất nhiều. Sự phát triển bùng nổ của các công nghệ cao như: Công nghệ vi điện tử, máy tính, quang điện tử, laze, vật liệu mới, hạt nhân, gen, tế bào… trên thế giới cũng tác động trực tiếp đến Việt Nam.
Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong đầu tư phát triển KH&CN cùng với những chính sách đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN giai đoạn vừa qua đã tạo đà cho KH&CN phát triển, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học trong nghiên cứu và thanh quyết toán kinh phí. Bên cạnh đó, các chính sách cũng bộc lộ nhiều hạn chế vì một số quy định đã cũ không còn phù hợp. Đặc biệt là các quy định về tài chính: các định mức chi được xây dựng từ năm 2007, đã thực hiện hơn 5 năm qua trong khi Nhà nước đã nhiều lần tăng mức lương tối thiểu nhưng định mức chi thì vẫn không được điều chỉnh nên đã không còn phù hợp, ngoài ra còn một số chính sách ưu tiên cho hoạt động KH&CN chưa được ban hành như chính sách về bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KHCN, ưu tiên về thuế,… Điều đó đã không khích lệ được các nhà khoa học nghiên cứu mà còn có xu hướng kìm hãm sự phát triển và nghiên cứu KH&CN. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải có một sự thay đổi về cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN phát triển hơn nữa./.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của TS. Nguyễn Thị Nhung - Văn phòng Quốc hội