- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Nghiên cứu mối quan hệ giữa kiểm soát nội bộ kế toán và chất lượng hệ thống thông tin kế toán
- Điều chỉnh phân loại lại liên quan đến các thành phần của thu nhập tổng hợp khác theo IAS 01
- Thực trạng áp dụng Quản trị tinh gọn tại các doanh nghiệp hàng xuất khẩu Việt Nam
- Trao đổi về nội dung môn học kế toán tài chính doanh nghiệp
Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế số 13 - Đo lường giá trị hợp lý
*Th.S. Lê Thị Thanh Huệ
*Khoa Kế toán Tài chính – Trường Đại học Nha Trang
1. Đặt vấn đề
Nhìn từ góc độ lý thuyết kế toán, khi tất cả các tài sản được đo lường với cùng một cơ sở định giá, giá gốc hay giá thị trường, thì điều này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin dễ hiểu hơn cho các đối tượng sử dụng BCTC. Bên cạnh đó, việc áp dụng các cơ sở định giá tài sản theo giá thị trường thay thế dần nguyên tắc giá gốc tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây, cho thấy xu thế định giá tài sản trên BCTC đang hướng đến GTHL, kết hợp nhiều loại giá khác nhau nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu thông tin của người sử dụng và tạo thuận lợi cho công tác kế toán. Ưu điểm của GTHL và lợi ích của sử dụng GTHL là không thể phủ nhận. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh, GTHL phản ánh được những thay đổi của thị trường; những giả định dùng để ước tính GTHL có thể được xác định và kiểm chứng, ngày càng mang tính khách quan hơn với sự phát triển của hệ thống thông tin và sự phát triển của các thị trường chuyên ngành. Ngoài ra, nó cũng được yêu cầu công bố, vì vậy khả năng lạm dụng GTHL được hạn chế đáng kể. Các mô hình định giá cho những trường hợp không có giá thị trường hiện đang phát triển và từng bước hoàn thiện. Như vậy, những ưu điểm nổi bật của GTHL đã được bộc lộ về lý thuyết lẫn thực tiễn. Cùng với những nỗ lực của IASB và FASB và một số quốc gia, trong việc thúc đẩy việc tạo lập cơ sở và ứng dụng GTHL, có thể khẳng định, việc sử dụng GTHL để định giá trong kế toán đang trở thành một xu hướng tất yếu hiện nay.
2. Khái quát về IFRS 13
GTHL là một thuật ngữ mới trong lĩnh vực kế toán, trong các lý thuyết về kế toán, GTHL không được đề cập như một loại giá độc lập trong khuôn mẫu lý thuyết chung, nhưng nó trở thành một xu hướng quan trọng, trong những năm gần đây.
2.1. Lịch sử hình thành của IFRS 13: Tháng 9/2005: Dự án đo lường GTHL được thêm vào Chương trình Nghị sự của IASB; Tháng 5/2009: IASB công bố Dự thảo Chuẩn mực về đo lường GTHL; Tháng 9/2010: IASB công bố Dự thảo IFRS 13 về GTHL; Tháng 5/2011: IASB phát hành IFRS 13, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
2.2. Mục tiêu của IFRS 13: định nghĩa về GTHL; thiết lập một bộ khung trong một IFRS duy nhất để đo lường GTHL; yêu cầu công bố về đo lường GTHL.
2.3. Phạm vi áp dụng của IFRS 13: IFRS 13 áp dụng khi một IFRS khác yêu cầu; hoặc cho phép đo lường theo GTHL; hoặc công bố về đo lường GTHL, ngoại trừ: các giao dịch thanh toán trên cơ sở cổ phiếu trong phạm vi của IFRS 02 thanh toán trên cơ sở cổ phiếu; giao dịch thuê tài sản trong phạm vi của IAS 17 Thuê tài sản; các đo lường có một số điểm tương đồng với GTHL, nhưng đó không phải là GTHL, ví dụ như giá trị thuần có thể thực hiện được trong IAS 2 hàng tồn kho; hoặc giá trị sử dụng trong IAS 36 suy giảm giá trị của tài sản.
3. Nội dung của IFRS 13
3.1. Khái niệm GTGT: (fair value) là giá sẽ nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả trong một giao dịch thị trường có trật tự giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị; GTHL là giá đầu ra (exit price); GTHL xác định theo giá thị trường (market based), không phải xác định theo cơ sở của DN (not entity based).
3.2. Mối quan hệ giữa IFRS 13 và các IFRS khác: các IFRS khác yêu cầu khi nào sẽ thực hiện đo lường và thuyết minh theo GTHL, trong khi đó, IFRS 13 chỉ ra cách đo lường theo GTHL như thế nào.
3.3. Các bước tiến hành cơ bản:
Bước 1: xác định số dư tài khoản, hay giao dịch cần được tính toán hoặc thuyết minh theo GTHL và khi nào thì cần thiết (tham khảo các IFRS khác).
Bước 2: tham khảo IFRS 13, cho hướng dẫn về cách xác định GTHL theo ghi nhận ban đầu.
Bước 3: tham khảo các IFRS khác, để xác định liệu việc đo lường tiếp theo của số dư tài khoản là theo GTHL.
3.4. Các vấn đề chính khi xác định GTHL
3.4.1. Đo lường tài sản (asset) hay nợ phải trả (liability): tài sản hay nợ phải trả khi đo lường theo GTHL có thể là một tài sản hay một khoản nợ phải trả độc lập; một nhóm tài sản hay một nhóm nợ phải trả; tài sản hay nợ phải trả là độc lập; hay là một nhóm phụ thuộc vào đơn vị tính toán. Đơn vị tính toán được quyết định phù hợp với các IFRS khác, khi yêu cầu hay cho phép đo lường theo GTHL. Khi đo lường GTHL, một đơn vị cần phải chú ý đến các đặc điểm của tài sản hay nợ phải trả mà bên tham gia thị trường quan tâm đến, khi định giá tài sản hay nợ phải trả tại ngày đo lường. Các đặc điểm này bao gồm:
+ Tình trạng và địa điểm của tài sản.
+ Các hạn chế khi bán hay sử dụng tài sản.
3.4.2. Thị trường (market): đo lường GTHL giả định rằng, các giao dịch bán tài sản hay chuyển nhượng nợ phải trả diễn ra khi lựa chọn thị trường, thì nếu trong điều kiện có thị trường chính thì giá cả cần phải được sử dụng trong thị trường này; các DN khác nhau có thể có thị trường chính khác nhau; nếu trong điều kiện không có thị trường chính thì sẽ sử dụng thị trường thuận lợi nhất.
Thị trường chính (principal market): là thị trường mà tại đó có số lượng giao dịch và mức độ hoạt động lớn nhất cho tài sản và nợ phải trả.
Thị trường thuận lợi nhất (the most advantageous market): là thị trường mà tại đó tối đa hóa số tiền nhận được khi bán tài sản và tối thiểu hóa giá trị phải trả khi thanh toán một khoản nợ, có tính đến chi phí giao dịch (transaction costs) và chi phí vận chuyển (transport cost).
3.4.3. Các bên tham gia thị trường (market participants): các bên tham gia thị trường là người mua hay người bán trong thị trường chính hay thị trường thuận lợi nhất cho tài sản hay nợ phải trả, với các đặc điểm độc lập; có hiểu biết trong lĩnh vực liên quan; có khả năng tham gia vào giao dịch; sẵn lòng tham gia vào giao dịch. Các bên tham gia thị trường khi tính giá tài sản và nợ phải trả sẽ sử dụng, giả định rằng, các bên tham gia thị trường đó hoạt động trong lợi ích kinh tế cao nhất của họ. IFRS 13 yêu cầu, DN phải đặt vị trí của nó trong vai trò của một bên tham gia thị trường và loại trừ bất kỳ nhân tố cụ thể nào của DN có thể ảnh hưởng đến giá trị mà DN sẵn lòng chấp nhận, khi bán tài sản hay chuyển nhượng một khoản nợ phải trả.
3.4.4. Áp dụng cho tài sản phi tài chính (non financial assets): xác định GTHL cho tài sản phi tài chính phải xem xét khả năng của người tham gia thị trường tạo ra lợi ích kinh tế, bằng cách sử dụng tài sản ở mức tốt nhất và cao nhất (highest and best use by market participant); hoặc để bán cho người tham gia thị trường khác, mà có thể sử dụng trong mức độ cao nhất và tốt nhất. Mức tốt nhất và cao nhất phải thỏa mãn các điều kiện nhất định và các rào cản, để hạn chế khả năng của tài sản nên được xem xét, để đảm bảo sự sử dụng của tài sản là:
- Có hình thái vật chất (physically possible): các đặc điểm vật chất mà các bên tham gia thị trường có thể xem xét như vị trí của tài sản hay là kích cỡ;
- Có tính hợp pháp (legally permissible): các hạn chế hợp pháp vào việc sử dụng tài sản mà các bên tham gia thị trường có thể xem xét như các quy định về khu vực; hoặc;
+ Có tính khả thi tài chính (financially feasible): cần nên xem xét, liệu việc sử dụng tài sản có mang lại dòng tiền hay thu nhập đủ để tạo ra một khoản thu hồi đầu tư, mà các bên tham gia thị trường đòi hỏi.
Việc sử dụng tài sản phi tài chính ở mức tốt nhất và cao nhất, có thể dựa trên cơ sở độc lập; hay khi kết hợp với các tài sản; hay nợ phải trả khác.
3.4.5. Áp dụng cho nợ phải trả (liabilities) và công cụ vốn (equity instruments): nợ phải trả và công cụ vốn phải được đo lường theo GTHL, dựa vào giả định rằng, nợ phải trả và công cụ vốn được chuyển nhượng (chứ không phải xử lý một khoản nợ hay hủy
bỏ một công cụ vốn), cho một bên tham gia thị trường tại ngày đo lường.
Cách tiếp cận GTHL đối với nợ phải trả và công cụ vốn, được tóm tắt như Hình 1:
3.4.6. Đo lường GTHL khi ghi nhận ban đầu: khi một DN mua một tài sản hay thanh toán một khoản nợ phải trả, thì giá trị giao dịch là giá đầu vào. Tuy nhiên, IFRS 13 định nghĩa GTHL khi bán tài sản hay thanh toán một khoản nợ phải trả là giá đầu ra. Trong hầu hết các trường hợp, giá đầu vào bằng với giá đầu ra hay GTHL. Nhưng có một số tình huống mà giá trị giao dịch không nhất thiết bằng với giá đầu ra; hay GTHL giao dịch xảy ra giữa các đơn vị có liên quan; giao dịch diễn ra một cách cưỡng ép hoặc là người bán bị, buộc phải chấp nhận giá trị giao dịch; đơn vị tính toán được đại diện bởi giá trị giao dịch, thì khác với đơn vị tính toán cho tài sản và nợ phải trả được đo lường theo GTHL; thị trường mà tại đó giao dịch diễn ra, thì khác với thị trường chính hay thị trường thuận lợi nhất. Nếu giá trị giao dịch khác với GTHL, thì DN sẽ ghi nhận lãi hay lỗ đó vào lợi nhuận, trừ khi một chuẩn mực IFRS khác đưa ra cách ghi nhận khác.
3.4.7. Các kỹ thuật đo lường (valuation techniques): các kỹ thuật đánh giá mà DN sử dụng để đo lường GTHL, cần phải đảm bảo:
- Phù hợp trong từng điều kiện;
- Có đầy đủ dữ liệu sẵn có cho việc đánh giá theo GTHL;
- Tối đa hóa việc sử dụng các thông tin đầu vào có thể quan sát được một cách thích hợp;
- Tối thiểu hóa việc sử dụng các thông tin đầu vào không thể quan sát được;
Việc sử dụng kỹ thuật đánh giá phải áp dụng nguyên tắc nhất quán. Tuy nhiên, một DN có thể thay đổi kỹ thuật đánh giá hoặc việc áp dụng nó, nếu sự thay đổi dẫn đến GTHL phù hợp hơn trong từng trường hợp cụ thể. Theo IASB, việc xác định GTHL dựa trên 03 quan điểm: quan điểm thị trường, quan điểm thu nhập và quan điểm giá phí:
+ Quan điểm thị trường (Market approach): giá cả thị trường quan sát được và các thông tin về các giao dịch thực tế trên thị trường, sẽ được sử dụng để ước tính GTHL của một tài sản, một khoản nợ phải trả.
+ Quan điểm thu nhập (Income approach): các phương pháp kỹ thuật sẽ được áp dụng, để quy đổi các khoản tiền trong tương lai về giá trị hiện tại (dòng tiền vào từ việc khai thác, sử dụng tài sản hoặc dòng tiền ra để thanh toán nợ phải trả).
+ Quan điểm giá phí (Cost approach): GTHL của một tài sản được xác định trên cơ sở xem xét các chi phí phải bỏ ra, để có được một tài sản thay thế tương đương về năng lực sản xuất (dòng tiền phải chi để mua, sản xuất tài sản).
3.4.8. Hệ thống phân cấp GTHL: IFRS 13 giới thiệu một hệ thống phân cấp GTHL phân loại các yếu tố đầu vào, cho các kỹ thuật định giá thành ba cấp độ. Ưu tiên cao nhất dành cho đầu vào cấp độ 1 và ưu tiên thấp nhất cho đầu vào cấp độ 3. Một đơn vị phải tối đa hóa việc sử dụng các đầu vào cấp độ 1 và giảm thiểu việc sử dụng các đầu vào cấp độ 3.
Có 3 cấp độ về thông tin đầu vào, được sử dụng cho các kỹ thuật đánh giá.
- Cấp độ 1: các dữ liệu tham chiếu là giá niêm yết của các tài sản hay nợ phải trả đồng nhất trong các thị trường hoạt động (active market), mà tổ chức có thể thu thập tại ngày đo lường.
- Cấp độ 2: các dữ liệu tham chiếu có thể thu thập cho tài sản hay nợ phải trả, trực tiếp (giá thị trường) hay gián tiếp (xuất phát từ giá thị trường), khác giá niêm yết cấp độ 1. Nếu tài sản hay nợ phải trả liên quan đến một điều khoản cụ thể, dữ liệu tham chiếu cấp độ 2 phải là dữ liệu có thể thu thập của tất cả các điều khoản thiết yếu, có liên quan đến tài sản hay nợ phải trả. Dữ liệu tham chiếu cấp độ 2, bao gồm:
+ Giá niêm yết của tài sản hay nợ phải trả tương tự, trong thị trường hoạt động.
+ Giá niêm yết của tài sản hay nợ phải trả đồng nhất hay tương tự trong thị trường, không phải là thị trường hoạt động.
- Cấp độ 3: dữ liệu tham chiếu không sẵn có tại ngày đo lường, DN phát triển các dữ liệu tham chiếu bằng cách sử dụng các thông tin tốt nhất đã có, mà có thể bao gồm dữ liệu riêng của DN.
3.4.9. Công bố thông tin trên BCTC: IFRS 13 yêu cầu một đơn vị tiết lộ thông tin, giúp người dùng BCTC của mình đánh giá cả hai điều sau đây: [IFRS 13:91]
- Cung cấp cho người sử dụng BCTC về các kỹ thuật đánh giá và thông tin đầu vào, được sử dụng để đo lường GTHL;
- Cung cấp thông tin về các ảnh hưởng của việc đo lường GTHL sử dụng thông tin cấp 3, đối với lợi nhuận trên báo cáo thu nhập;
- Các yêu cầu công bố không bắt buộc đối với: [IFRS 13:7];
-Tài sản kế hoạch được đo lường theo GTHL theo IAS 19, lợi ích của nhân viên;
- Đầu tư chương trình phúc lợi hưu trí đo lường theo GTHL, theo IAS 26 kế toán và báo cáo bởi kế hoạch phúc lợi hưu trí;
- Tài sản mà giá trị có thể thu hồi là GTHL trừ đi chi phí thanh lý, theo IAS 36 suy giảm tài sản.
4. Ví dụ minh họa về đo lường theo GTHL
Tình huống đo lường GTHL của một thiết bị sản xuất kinh doanh
Giả sử, DN có một thiết bị đang sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cần phải xác định GTHL của nó. DN đã mua thiết bị này cách đây hai năm, với giá 600 triệu đồng và sau đó đã trả thêm 50 triệu đồng, để sửa chữa thêm. Vậy, DN có thể xác định GTHL của thiết bị này như thế nào?
- Đây là một trường hợp xác định GTHL của tài sản phi tài chính và việc xác định này tương đối khó khăn, do giá cả thị trường thường không luôn sẵn có. Đối với trường hợp này, sẽ không có một cách xác định cụ thể nào, mà sẽ cần xem xét một số điều kiện khác nhau. Khi đo lường GTHL của tài sản phi tài chính thì cần lưu ý rằng, GTHL cần phải phản ánh mức độ sử dụng cao nhất và tốt nhất của tài sản, theo góc nhìn của các bên tham gia thị trường. Mức độ sử dụng cao nhất và tốt nhất, có nghĩa là, các bên tham gia thị trường có thể tối đa hóa giá trị của tài sản. DN cần đặt ra một số câu hỏi, để đánh giá, như là: có cách sử dụng thay thế nào cho tài sản không? GTHL của một tài sản sẽ như thế nào, nếu DN sử dụng nó theo một cách khác?.
Có thể minh họa như sau:
+ Giả sử, DN đang dự định sử dụng một miếng đất cho mục đích sản xuất kinh doanh (DN xây dựng nhà máy và nhà kho trên miếng đất đó). Tuy nhiên, trong khu vực đó, nhiều DN đã xây dựng căn hộ chung cư, trên những miếng đất xung quanh đó. Giả sử, giá trị của miếng đất cho mục đích sản xuất kinh doanh là 5 tỷ đồng, trong khi đó, giá trị của miếng đất tương tự cho mục đích xây dựng căn hộ chung cư là 7 tỷ đồng. DN có thể sẽ cần chi khoảng 200 triệu đồng, để có được cấp phép chuyển đổi từ mục đích sử dụng sản xuất kinh doanh sang xây dựng căn hộ và do đó, giá trị ròng của miếng đất mà DN sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng là 6,8 tỷ đồng. Từ đó, chúng ta có thể thấy được, mức độ sử dụng cao nhất và tốt nhất cho miếng đất của DN không phải là cho mục đích sản xuất kinh doanh, mà cho mục đích xây dựng căn hộ chung cư và GTHL của nó là 6,8 tỷ đồng.
+ Bây giờ, giả định rằng, giá trị sử dụng hiện tại của thiết bị của DN đang là cao nhất và tốt nhất. Trong trường hợp này, không có dữ liệu thị trường cho việc xác định GTHL của một thiết bị cụ thể đã được sử dụng hai năm. Vì vậy, DN cần sử dụng những kỹ thuật đánh giá nhất định. IFRS 13 cho phép sử dụng ba kỹ thuật đánh giá theo quan điểm thị trường, quan điểm thu nhập và quan điểm chi phí. Vậy đâu là kỹ thuật đánh giá mà DN nên sử dụng. Không có thứ tự ưu tiên quy định trong chuẩn mực này, nhưng DN cần tối đa hóa việc sử dụng các dữ liệu đầu vào có thể quan sát được và tối thiểu hóa việc sử dụng các dữ liệu đầu vào không quan sát được, theo các kỹ thuật này.
- Nếu DN không có giá thị trường, thì không thể sử dụng các dữ liệu đầu vào có thể quan sát được trong tình huống này. Vì vậy, DN có thể sử dụng nhiều hơn một kỹ thuật, để đánh giá tài sản và điều này sẽ dẫn đến GTHL là không giống nhau. Do đó, DN nên xem xét các giá trị này và lựa chọn giá trị nào phù hợp và đại diện nhất cho trường hợp này. Có hai cách tiếp cận mà DN có thể sử dụng khi đo lường GTHL của thiết bị này, đó là tiếp cận theo thu nhập và tiếp cận theo chi phí, do thiết bị này có thể tạo ra dòng tiền trên cơ sở độc lập (do thiết bị này vô cùng đặc trưng nên khó có thể áp dụng cách tiếp cận thị trường): áp dụng phương pháp thu nhập, giả sử DN đã xác định được tất cả thu nhập có được từ thiết bị này, cũng như chi phí để duy trì thiết bị này và DN đã quy đổi về giá trị hiện tại, với số tiền là 500 triệu đồng; áp dụng phương pháp chi phí, DN cần xem xét đến nhiều yếu tố liên quan như: tình trạng hiện tại của thiết bị, hư hỏng vật chất, chi phí sửa chữa, chi phí cài đặt,… và DN đã xác định được giá trị có thể nhận được từ thiết bị này là 400 triệu đồng. Trong hai trường hợp này thì DN sẽ lựa chọn GTHL như thế nào? Có thể nói rằng, phương pháp tiếp cận theo chi phí là lựa chọn tốt hơn trong trường hợp này, bởi vì nó ít đòi hỏi các ước đoán hơn và nguồn dữ liệu đầu vào thì có tính khách quan hơn; theo cách tiếp cận theo thu nhập, DN phải xác định dòng tiền đầu vào dựa trên một số dự đoán, chúng có tính chủ quan và không chắc chắn. Bên cạnh đó, nếu áp dụng theo phương pháp chi phí, DN có thể lấy giá bán hiện tại của các thiết bị tương tự của các nhà cung cấp thực sự và vì vậy, nguồn dữ liệu này sẽ ít chủ quan hơn. Có thể nói rằng, việc lựa chọn kỹ thuật đánh giá nào mang tính chất tương đối, điều này còn phụ thuộc vào mỗi tình huống khác nhau và các loại tài sản khác nhau.
5. Kết luận và kiến nghị
5.1. Kết luận
Trước sức ép của yêu cầu hội nhập và cả sức ép của yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, việc sử dụng GTHL đã có những bước khởi đầu nhất định, song vẫn cần có một định hướng rõ ràng về việc sử dụng GTHL. Bên cạnh sự chưa hoàn chỉnh các quy định hướng dẫn về GTHL và sử dụng GTHL, thì vấn đề đang là một rào cản ngăn cản sự phát triển và sử dụng GTHL chính là vấn đề về nhận thức, niềm tin vào tính đáng tin cậy của GTHL. Tuy nhiên, việc tiến tới sử dụng GTHL như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán, cần phải có lộ trình hợp lý. Hy vọng trong một tương lai không xa, GTHL sẽ trở thành cơ sở định giá chủ yếu trong hệ thống kế toán Việt Nam, đáp ứng hiệu quả yêu cầu hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán.
5.2. Kiến nghị
GTHL đang dần khẳng định những ưu thế của mình, trong định giá, việc sử dụng GTHL được IASB ủng hộ, áp dụng rộng rãi tại các quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán tạo ra sức ép đáng kể, về việc nghiên cứu và sử dụng GTHL trong hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiến tới sử dụng GTHL như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán, cần phải có những định hướng và giải pháp phù hợp, đồng bộ, hiệu quả:
Thứ nhất, phải có lộ trình hợp lý, tính toán phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng giai đoạn phát triển: thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ, hệ thống thông tin hỗ trợ còn hạn chế, nếu áp dụng toàn bộ theo chuẩn mực quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của thông tin được định giá theo GTHL. Cơ sở hạ tầng thông tin kinh tế của các DN cũng còn hạn chế, trình độ kế toán viên chưa đồng đều, nên việc áp dụng ngay GTHL sẽ xảy ra nhiều bất cập. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là, xây dựng đồng bộ mọi cơ sở cho việc áp dụng GTHL theo lộ trình thích hợp.
Thứ hai, nên duy trì mô hình kết hợp các cơ sở định giá khác nhau: không nên sử dụng GTHL là một cơ sở định giá duy nhất, cho mọi tài sản và nợ phải trả. Trong đó, GTHL được khuyến khích áp dụng trong những điều kiện tồn tại thị trường hoạt động cho tài sản; hoặc nợ phải trả hoàn toàn giống về bản chất; hoặc tương tự có thể so sánh.
Thứ ba, trên cơ sở Luật Kế toán 2015: các cơ quan có trách nhiệm cần ban hành hướng dẫn áp dụng GTHL, chuẩn hóa các định nghĩa GTHL, nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, để xác định các loại tài sản được đưa vào danh mục tài sản được điều chỉnh theo GTHL, cơ sở xác định GTHL, phương pháp kế toán theo GTHL, những nội dung, phạm vi các thông tin cần công bố trên BCTC. Những hướng dẫn và giải pháp này sẽ là cơ sở quan trọng, để từng bước tạo lập hành lang pháp lý cho việc áp dụng GTHL trong kế toán, trước khi có một chuẩn mực chính thức về đo lường GTHL trong kế toán Việt Nam. Việt Nam cần bổ sung, cập nhật, nội dung các chuẩn mực kế toán hiện hành có liên quan đến GTHL, đặc biệt là các chuẩn mực liên quan đến những tài sản biến động theo động thị trường như các loại chứng khoán đầu tư, các tài sản tài chính khác.
Bên cạnh việc bổ sung, cập nhật các chuẩn mực kế toán đã ban hành phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế, trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần tiếp tục và hoàn thiện việc ban hành các chuẩn mực còn thiếu, đặc biệt là cần ban hành chuẩn mực đo lường GTHL, phù hợp với điều kiện áp dụng GTHL theo IFRS 13.
Cuối cùng, để GTHL thực sự tồn tại, phải có một môi trường kinh doanh phù hợp. Từng bước hoàn chỉnh một hệ thống thị trường hoạt động; đồng bộ và minh bạch hóa hành lang pháp lý về kinh doanh. Thị trường hàng hóa và thị trường tài chính Việt Nam phải được xây dựng ngày càng “hoạt động”, để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các dữ liệu tham chiếu trong đo lường GTHL.
Tài liệu tham khảo
Mô hình giá gốc, GTHL trong kế toán - Thực tiễn và định hướng áp dụng tại Việt Nam, (2020), https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mo-hinh-gia-goc-gia-tri-hop-ly-trong-ke-toan--thuc-tien-va-dinh-huong-ap-dung-tai-viet-nam-72195.htm.
Một số vấn đề về đo lường GTHL theo IFRS số 13, (2020), https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-van-de-ve-do-luong-gia-tri-hop-ly-theo-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-so-13-328409.html.
Một số vấn đề về nguyên tắc GTHL trong chế độ kế toán, (2017), https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-van-de-ve-nguyen-tac-gia-tri-hop-ly-trong-che-do-ke-toan-46563.htm.
IFRS 13 – Fair value measurement, https://www.iasplus.com/en/standards/ifrs/ifrs13.
IFRS 13 – Fair value measurement, https://www.ifrs.org/issued-standards/list-of-standards/ifrs-13-fair-value-measurement/.
IFRS 13 – Summary of IFRS 13
Fair value measurement, https://www.cpdbox.com/ifrs-13-fair-value-measurement/.
IFRS 13 – How to determine fair
value of a machine, https://www.cpdbox.com/035-fair-value-of-non-financial-assets-ifrs/.
Thực trạng vận dụng GTHL tại các DN niêm yết Việt Nam – Rào cản và giải pháp, (2022), https://amp.tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-van-dung-gia-tri-hop-ly-tai-cac-doanh-nghiep-niem-yet-viet-nam-rao-can-va-giai-phap-87359.htm.